ỦY BAN NHÂN
DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 15/CT-UBND
|
Hà Nội, ngày
03 tháng 12 năm 2012
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN
KHAI PHONG TRÀO VỆ SINH YÊU NƯỚC NÂNG CAO SỨC KHỎE NHÂN DÂN
Hưởng ứng lời kêu gọi “Vệ sinh yêu nước” của Chủ
tịch Hồ Chí Minh, thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 26/11/2012 của Thủ tướng
Chính phủ về việc triển khai Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân
dân. Để thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ
tịch UBND thành phố Hà Nội chỉ thị:
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị
xã trên địa bàn Thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo, phối
hợp tổ chức triển khai thực hiện Phong trào trên toàn địa phương:
a) Chỉ đạo tất cả các cấp, các ngành, phối hợp
với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc
tại địa phương phát huy sức mạnh tổng hợp nhằm huy động toàn thể người dân tham
gia thực hiện Phong trào. Giao ngành Y tế là cơ quan đầu mối để tham mưu
cho Ủy ban nhân dân các cấp trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện, đồng thời
tiến hành kiện toàn và giao nhiệm vụ bổ sung đối với Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức
khỏe nhân dân các cấp.
b) Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khơi
dậy ý thức, trách nhiệm của nhân dân tham gia giải quyết tốt các vấn đề vệ sinh
liên quan tới sức khỏe như vệ sinh để phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh
thực phẩm; vận động người dân thay đổi thói quen, tập quán vệ sinh lạc hậu,
thực hiện các hành vi vệ sinh có lợi cho sức khỏe. Thực hiện ăn sạch, uống
sạch, ở sạch; thu gom, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi
trường; xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi; xây
dựng chuồng trại hợp vệ sinh và di dời chuồng gia súc, gia cầm ra xa nhà; bảo
đảm an toàn vệ sinh trong lao động để phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề
nghiệp. Phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu có liên quan đến vệ sinh và nâng cao
sức khỏe của các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình dự án...đang
triển khai trên địa bàn.
c) Chỉ đạo các cơ quan truyền thông tại địa
phương thực hiện tốt việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy
Đảng, chính quyền và toàn thể người dân về vệ sinh nâng cao sức khỏe, bảo đảm
phong trào được thực hiện một cách sâu rộng và bền vững. Mỗi cán bộ, đảng viên
phải là người tiên phong, gương mẫu đi đầu trong việc hưởng ứng và thực hiện
Phong trào.
d) Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 04/2003/CT-UBND
ngày 02/01/2003 của UBND Thành phố, duy trì, tổ chức phong trào tổng vệ sinh
hàng tuần vào chiều thứ Sáu và sáng thứ Bảy, đảm bảo giữ gìn vệ sinh, bảo vệ
môi trường “Vì Thủ đô - sạch - đẹp” văn minh, hiện đại “Không xả rác ra đường
và nơi công cộng”.
đ) Tăng cường đầu tư, huy động các nguồn lực để
thực hiện Phong trào trên cơ sở đầu tư của Nhà nước, đồng thời thực hiện tốt
việc xã hội hóa huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, tập thể, cá
nhân và các hộ gia đình để thực hiện.
e) Trong quá trình triển khai thực hiện phải tiến
hành kiểm tra giám sát một cách thường xuyên, thực hiện việc sơ kết, tổng kết,
rút kinh nghiệm và đưa ra những bài học, những mô hình, sáng kiến hay để nhân
rộng. Phát động thi đua thực hiện Phong trào trên cơ sở lồng nghép với các
phong trào thi đua khác của địa phương, kịp thời khen thưởng, động viên những
cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Phong trào.
2. Sở Y tế là cơ quan đầu mối phối hợp với các
sở, ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm:
a) Xây dựng kế hoạch liên ngành và hướng dẫn các
sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện nhằm đảm bảo Phong
trào được phát triển sâu rộng và duy trì một các có hiệu quả.
b) Chỉ đạo triển khai nhằm bảo đảm đạt được mục
tiêu của các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình dự án về phòng
chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng nhà tiêu hộ gia đình, vệ
sinh trong lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp.
c) Hằng năm, tổ chức phát động chiến dịch hưởng
ứng Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân – Ngày 02 tháng 7 theo các
chủ đề ưu tiên để giải quyết những vấn đề cấp thiết về vệ sinh liên quan đến
sức khỏe.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển
khai bảo đảm đạt được các mục tiêu liên quan đến vệ sinh và nâng cao sức khỏe
của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục
tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Chỉ đạo việc cung cấp
nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân khu vực nông thôn sử dụng. Tiếp tục
vận động người dân xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh và di dời chuồng gia súc,
gia cầm ra xa nhà, không sử dụng phân tươi để bón cây trồng, nuôi thủy sản.
Thực hiện tốt vệ sinh trong nông nghiệp, bảo đảm thực phẩm cung cấp cho người
dân được an toàn, vệ sinh.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung giải
quyết các vấn đề vệ sinh liên quan tới ô nhiễm môi trường; có kế hoạch cụ thể
để từng bước giảm thiểu, kiểm soát, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và
mất vệ sinh trong các làng nghề và khu vực dân cư nông thôn. Đặc biệt, có kế
hoạch phát động phong trào rộng khắp trong nhân dân nhằm thay đổi tập quán, ý
thức của người dân trong việc phân loại, thu gom và xử lý chất thải, không vứt
rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường.
5. Sở Xây dựng tập trung chỉ đạo việc cung cấp
nước sinh hoạt cho người dân tại các đô thị; đồng thời kiểm tra việc tổ chức
lập và thực hiện quy hoạch cấp nước, thoát nước và quản lý chất thải rắn trên
địa bàn Thành phố.
6. Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, bổ sung,
lồng ghép nội dung giảng dạy về vệ sinh trong nhà trường cho phù hợp với từng
cấp học. Đẩy mạnh việc thông tin, giáo dục, truyền thống, giảng dạy lồng ghép
kiến thức và tuyên truyền vệ sinh phòng bệnh cho học sinh, sinh viên trong nhà
trường để tạo thói quen thực hành các hành vi vệ sinh có lợi cho sức khỏe góp
phần xây dựng cộng đồng có nếp sống hợp vệ sinh, văn minh. Hình thành, xây dựng
và phát triển các phong trào học sinh, sinh viên tích cực tham gia các hoạt
động vệ sinh và nâng cao sức khỏe trong trường học và tại cộng đồng.
7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu xây
dựng kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn việc rà soát, bổ sung các tiêu chí về vệ sinh
yêu nước vào Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, các quy
định trong hương ước, quy ước văn hóa của thôn, làng, ấp, bản, tổ dân phố. Khơi
dậy những nét đẹp văn hóa, giữ gìn nếp sống văn minh; xóa bỏ dần các tập quán,
hủ tục lạc hậu gây mất vệ sinh không có lợi cho sức khỏe trong cộng đồng dân
cư. Tuyên truyền và vận động sâu rộng trong quần chúng nhân dân tích cực tham
gia hưởng ứng các hoạt động của Phong trào. Tiếp tục duy trì, đẩy mạnh, nâng
cao chất lượng cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.
8. Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ
quan thông tấn, báo chí, phát thanh truyền hình, các hoạt động thông tin cơ sở,
hệ thống truyền thanh ở xã, phường đẩy mạnh tuyên truyền vận động để mọi người
dân tích cực tham gia các hoạt động của Phong trào.
9. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính bố trí
kinh phí, tạo điều kiện cho Sở Y tế, các sở, ngành, đoàn thể, UBND các quận,
huyện, thị xã, tổ chức chính trị - xã hội tiến hành triển khai các hoạt động
của Phong trào.
10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Thành phố và các tổ chức thành viên của Mặt trận có kế hoạch cụ thể của từng
cấp để triển khai Phong trào; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên
và toàn dân hưởng ứng, tự giác tham gia Phong trào. Lồng ghép có hiệu quả việc
thực hiện Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân với Cuộc vận
động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
11. Định kỳ hàng năm, UBND Thành phố sẽ tổng
kết, đánh giá rút kinh nghiệm và tiến hành khen thưởng, đề xuất cấp trên khen
thưởng những đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Phong
trào. Việc tiến hành bình xét thi đua khen thưởng lồng ghép với việc bình xét
thi đua khen thưởng trong Phong trào thi đua yêu nước hàng năm. Giao Sở Y tế
giám sát kiểm tra đôn đốc, đề xuất thi đua khen thưởng trong việc thực hiện
Phong trào cũng như trong quá trình thực hiện Chỉ thị này, tổng hợp báo cáo
UBND TP để báo cáo Bộ Y tế và Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ thị này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã
trên địa bàn Thành phố chịu trách nhiệm thi hành Chỉ thị này./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thị Bích Ngọc
|