ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 14/CT-UBND
|
Lào Cai, ngày 20
tháng 10 năm 2020
|
CHỈ THỊ
TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, TÁI SỬ DỤNG, TÁI CHẾ, XỬ LÝ VÀ GIẢM THIỂU
CHẤT THẢI NHỰA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
Ô nhiễm môi trường do chất thải
nhựa đang là một trong những thách thức lớn nhất mà các quốc gia trên thế giới,
trong đó có Việt Nam phải đối mặt. Việc lạm dụng các sản phẩm nhựa, nhất là túi
ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang để lại những hậu quả
nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe con người.
Thời gian qua, hưởng ứng Thư
kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại công văn số 161/LĐCP ngày
25/4/2019; phong trào “Chống rác thải nhựa” do Bộ Tài nguyên và Môi trường
phát động, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để triển khai thực
hiện, trong đó Đề án Giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa trên địa
bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025” được ban hành tại Quyết định
392/QĐ-UBND ngày 18/02/2020 đã thu hút được sự quan tâm vào cuộc của các cơ
quan, đơn vị, địa phương, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh và đạt được kết quả
bước đầu. Tuy nhiên, cùng với kết quả đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quản
lý, giảm thiểu rác thải nhựa ở các cấp ngành, địa phương chưa được quan tâm
đúng mức; thói quen sản xuất, tiêu dùng của người dân chưa có nhiều cải thiện;
các mục tiêu, nhiệm vụ Đề án chưa được triển khai đồng bộ, còn hạn chế...
Để đẩy mạnh các giải pháp nhằm
giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh, đồng thời thực
hiện có hiệu quả Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về
tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa và
Đề án “Giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Lào
Cai giai đoạn 2020-2025”, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở,
ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, các
doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, đơn vị triển khai thực hiện các nội dung sau
đây:
1. Các nhiệm
vụ trọng tâm
- Căn cứ mục tiêu, kế hoạch và
nhiệm vụ của từng cấp, ngành, địa phương được phân công trong Đề án “Giảm
thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn
2020-2025” để có giải pháp cụ thể, hữu hiệu nhằm triển khai hiệu quả Đề án.
- Gương mẫu, tích cực và đi đầu
trong việc giảm thiểu chất thải nhựa; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm
nhựa dùng một lần (bao gồm túi ni lông khó phân hủy, bao gói nhựa thực phẩm,
chai lọ nhựa, ống hút, hộp xốp đựng thực phẩm, cốc và bộ đồ ăn...); không sử
dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa nhựa... dùng một lần tại
công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp, ngày lễ và các sự kiện khác;
ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường, sản phẩm dùng
nhiều lần.
- Thực hiện việc phân loại rác
thải tại nguồn ngay tại cơ quan, công sở, bố trí thùng rác để phân loại rác thải;
chất thải nhựa và các chất thải khác có thể tái chế không để lẫn với rác thải hữu
cơ; khuyến khích xây dựng và thực hiện các mô hình kiểu mẫu để làm cơ sở nhân rộng
cho các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực và địa bàn quản lý; tổ chức truyền
thông, tập huấn nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức, người lao động
trong cơ quan, đơn vị về phân loại rác thải tại nguồn, thu gom, giảm thiểu chất
thải nhựa.
- Tăng cường công tác chỉ đạo,
tuyên truyền, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, thu
gom, phân loại rác thải; giảm thiểu, tái sử dụng các sản phẩm nhựa và túi ni
lông khó phân hủy tại các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp; vận động
người dân không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường; tổ
chức ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, thu gom xử lý rác thải; xây dựng, triển
khai, nhân rộng các phong trào, mô hình về bảo vệ môi trường“Nói không với sản
phẩm nhựa và túi ni lông khó phân hủy”; “Khu dân cư tự quản về bảo vệ môi trường,
giảm thiểu rác thải nhựa”;“Tổ phụ nữ thu gom, phân loại rác thải tại nguồn, xử
lý rác thải nhựa”; "Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa"... nhằm
huy động sức mạnh của cộng đồng chung tay giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp,
xây dựng nếp sống văn minh, thân thiện với môi trường, góp phần phát triển kinh
tế - xã hội bền vững.
2. Trách nhiệm
của các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Bám sát nội dung chỉ đạo tại Chỉ
thị này và trách nhiệm được phân công trong Đề án “Giảm thiểu ô nhiễm môi
trường do chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025” để
triển khai thực hiện.
2.1. Sở Tài
nguyên và Môi trường
Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành, đơn vị, địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày
20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế,
xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa; Đề án “Giảm thiểu ô nhiễm môi trường do
chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025”.
- Rà soát các văn bản quy phạm
pháp luật có liên quan đến công tác quản lý chất thải của Trung ương và địa
phương để đề xuất, sửa đổi theo hướng coi chất thải và rác thải nhựa là tài
nguyên; thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn; thực hiện tốt việc
giảm thiểu, phân loại chất thải tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý
chất thải (bao gồm chất thải nhựa).
- Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan, đơn vị, địa phương tổ chức và định kỳ thống kê chất thải nhựa trong sản
xuất và tiêu dùng; xây dựng cơ sở dữ liệu về sử dụng nhựa và chất thải nhựa
trên địa bàn tỉnh để phục vụ công tác xử lý.
- Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo hỗ
trợ các hoạt động phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa.
Đề xuất khen thưởng hàng năm và định kỳ trao giải thưởng môi trường đối với các
mô hình, giải pháp, sáng kiến có hiệu quả về phân loại chất thải sinh hoạt tại
nguồn, giảm thiểu, tái chế và xử lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường công tác thanh kiểm
tra, kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về công tác quản
lý rác thải nói chung và quản lý, xử lý rác thải nhựa nói riêng; kiểm soát chặt
chẽ các hoạt động phát thải, vận chuyển, tái chế, tái sử dụng và xử lý chất thải
trong đó có rác thải nhựa.
- Theo dõi, kiểm tra, giám sát
việc triển khai Chỉ thị này; định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh kết
quả thực hiện.
2.2. Các sở,
ngành: Giao thông Vận tải - Xây dựng,Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn,Y tế, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Ban Quản lý Khu kinh tế
- Chủ động rà soát, triển khai
có hiệu quả Chỉ thị, Đề án “Giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa
trên địa bàn tỉnh tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025” gắn với chức năng nhiệm
vụ của ngành quản lý.
- Tổ chức ký cam kết hành động
giảm thiểu chất thải nhựa và túi ni lông trong hoạt động kinh doanh, dịch vụ.
Triển khai hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thuộc ngành quản lý về tác hại,
cách thức thu gom, tái chế chất thải nhựa; thực hiện các giải pháp hạn chế sử dụng
sản phẩm nhựa dùng một lần trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ như giảm thiểu sử
dụng phao xốp trong ngành thủy sản; thu hồi các bao bì thuốc bảo vệ thực vật,
phân bón, thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y sau sử dụng trong sản
xuất nông nghiệp; các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh, cơ sở y tế “Nói
không với sản phẩm nhựa dùng một lần”.
- Tăng cường công tác kiểm tra,
giám sát việc triển khai thực hiện của các tổ chức, đơn vị do ngành quản lý. Kịp
thời phát hiện và kiến nghị các hình thức xử lý đối với các tổ chức, đơn vị
không triển khai áp dụng các giải pháp giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần
và túi ni lông khó phân hủy.
- Hàng năm tổ chức đánh giá kết
quả triển khai toàn ngành theo mục tiêu, nhiệm vụ được phân công.
2.3. Sở
Giáo dục và Đào tạo
- Thường xuyên chỉ đạo, giáo dục
nhận thức về bảo vệ môi trường nói chung, tác hại của chất thải nhựa, túi ni
lông khó phân hủy nói riêng và hướng dẫn phân loại rác thải tại nguồn cho các cấp
học sinh lồng ghép vào các môn học, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp,
ngoại khóa...
- Xây dựng, thực hiện kế hoạch
phân loại chất thải tại nguồn và giảm thiểu các sản phẩm nhựa, chất thải nhựa
trong các trường học, cơ sở giáo dục; đưa nội dung phân loại chất thải và giảm
thiếu chất thải nhựa thành một tiêu chí đánh giá trường học xanh, sạch, đẹp, bảo
vệ môi trường.
2.4. Sở
Khoa học và Công nghệ
- Ưu tiên đưa các đề tài nghiên
cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm bao gói,
túi xách thân thiện với môi trường thay thế túi ni lông, đồ nhựa khó phân hủy
vào đề tài cấp tỉnh có hỗ trợ về kinh phí triển khai thực hiện.
- Đẩy mạnh hoạt động ứng dụng
tiến bộ khoa học, chuyển giao công nghệ sản xuất các sản phẩm bao bì, túi xách
thân thiện với môi trường; chuyển giao công nghệ tái chế chất thải đồ nhựa và
túi ni lông khó phân hủy thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường.
2.5. Sở Thông tin và Truyền
thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Lào Cai và các cơ quan thông tin
đại chúng trên địa bàn tỉnh
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền
bằng nhiều hình thức phù hợp, mở các chuyên trang, chuyên mục, bài viết, phóng
sự tuyên truyền về các mô hình, cách làm hiệu quả trong việc phân loại chất thải
tại nguồn, thu gom, giảm thiểu, tái chế, xử lý chất thải nhựa trên các phương
tiện thông tin đại chúng.
- Tăng thời lượng phát sóng,
đưa tin bài, phóng sự về tác hại của chất thải nhựa, túi ni lông đối với môi
trường và sức khỏe con người; kịp thời đánh giá kết quả triển khai Đề án giảm
thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh; phát hiện các tổ
chức, cá nhân, mô hình hay, điển hình và thiết thực để phổ biến, tuyên truyền
nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
2.6. Đề nghị
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức, đoàn thể cấp tỉnh
Tăng cường phối hợp chặt chẽ với
các sở, ban, ngành, chính quyền các cấp trong thực hiện công tác tuyên truyền,
vận động hội viên, đoàn viên và nhân dân nâng cao nhận thức về tác hại của việc
sử dụng túi ni lông và sản phẩm nhựa dùng một lần; tham gia tích cực các phong
trào vì môi trường và các hoạt động tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, thu gom
rác thải, phân loại rác thải tại nguồn, rác thải nhựa và túi ni lông tại các
khu dân cư, các cơ quan, đơn vị.
2.7. Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Chỉ đạo, phối hợp với các tổ
chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội trên địa bàn xây dựng các phong trào,
liên minh chống chất thải nhựa; vận động người dân, cộng đồng dân cư hạn chế hoặc
không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (bao gồm túi ni lông khó phân hủy,
bao gói nhựa thực phẩm, chai lọ nhựa, ống hút, hộp xốp đựng thực phẩm, cốc và bộ
đồ ăn...) để bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.
- Vận động các trung tâm thương
mại, siêu thị, cửa hàng, chợ dân sinh, khách sạn, nhà hàng, quán nước, khu du lịch
và các cơ sở sản xuất, kinh doanh, du lịch... trên địa bàn cam kết giảm thiểu
chất thải nhựa, hạn chế tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, thay
thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường; không cung cấp miễn phí túi ni
lông cho khách hàng hoặc chuyển từ sử dụng túi ni lông khó phân hủy sang các loại
túi khác sử dụng nhiều lần, thân thiện với môi trường.
- Nghiên cứu, học tập kinh nghiệm
và triển khai thực hiện phân loại chất thải tại nguồn. Tăng cường năng lực, hiệu
quả công tác thu gom, xử lý chất thải; thực hiện thu gom và xử lý riêng các loại
chất thải đã được phân loại (bao gồm cả chất thải nhựa).
- Tổ chức và thực hiện các biện
pháp kỹ thuật để thu gom chất thải nhựa trên các sông, suối, kênh, mương... để
hạn chế chất thải nhựa đổ ra đại dương; từng bước xã hội hóa các hoạt động thu
gom, xử lý chất thải nhựa trên sông, suối và các hồ, ao trong khu đô thị, khu
dân cư.
- Đẩy mạnh hoạt động thanh tra,
kiểm tra trách nhiệm công tác quản lý chất thải thuộc địa bàn quản lý, các cơ sở
sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các tổ chức cá nhân hoạt động thu gom, vận chuyển,
xử lý rác thải; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo thẩm
quyền đúng quy định của pháp luật.
Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban,
ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ
chức, doanh nghiệp, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị
này. Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả triển khai thực hiện về Sở Tài nguyên và
Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
Trong quá trình thực hiện, nếu
có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị kịp thời báo cáo UBND tỉnh (thông
qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (b/c);
- TT: TU, HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- UBMTTQ và các Đoàn thể tỉnh;
- VP: TU, HĐND, Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Đài PTTH tỉnh, Báo Lào Cai;
- Hiệp hội DN tỉnh;
- Các DN, Cơ sở SXKD;
- PCVP1;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, KT1.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trịnh Xuân Trường
|