ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 13/CT-UBND
|
Gia Lai, ngày 28
tháng 10 năm 2020
|
CHỈ THỊ
VỀ
TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, TÁI SỬ DỤNG, TÁI CHẾ, XỬ LÝ VÀ GIẢM THIỂU CHẤT THẢI NHỰA
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều
văn bản, kế hoạch chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh thực hiện phong trào “Chống
rác thải nhựa” như: Công văn số 2612/UBND-CNXD ngày 16/11/2018 về việc phát
động hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”, Kế hoạch số 837/KH-UBND ngày
22/4/2019 về việc thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh
Gia Lai; Công văn số 1050/UBND-CNXD ngày 17/5/2019 về việc kêu gọi hành động giải
quyết vấn đề rác thải nhựa theo Văn bản số 161/LĐCP của Thủ tướng Nguyễn Xuân
Phúc và Công văn số 1980/UBND-CNXD ngày 10/9/2019 về việc đôn đốc, tăng cường
trách nhiệm và triển khai phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh
được triển khai, bước đầu đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều cơ quan, tổ
chức, địa phương, doanh nghiệp và các cá nhân đã có nhiều hành động thiết thực,
ý nghĩa, hiệu quả để chống, giảm thiểu chất thải nhựa.
Vấn đề toàn cầu hóa về chống rác thải nhựa đang là
mối quan tâm của các cấp, các ngành. Do đó, nhằm tiếp tục tăng cường hiệu quả
các hoạt động quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý nhựa đã qua sử dụng, giảm
thiểu phát thải chất thải nhựa ra môi trường theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính
phủ tại Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 20/8/2020 về tăng cường quản lý, tái sử dụng,
tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các cơ quan đoàn thể, các tổ chức chính trị
xã hội tỉnh phối hợp triển khai; Yêu cầu các sở, ban, ngành thuộc tỉnh, Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp
tỉnh tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và biện pháp sau:
1. Các
sở, ban, ngành thuộc tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiêm túc thực hiện
cam kết không sử dụng bao bì nhựa, sản phẩm nhựa khó phân hủy, sản phẩm nhựa sử
dụng một lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các đơn vị liên quan xây dựng kế
hoạch giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải
nhựa trong cơ quan, đơn vị, địa phương (hoàn thành trước ngày 30/01/2021 gửi
về Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp);
Trong đó chỉ đạo, yêu cầu các cấp, các ngành, đơn vị sự nghiệp công lập trực
thuộc thực hiện một số các hoạt động cụ thể như sau:
- Gương mẫu, tích cực và đi đầu trong việc giảm thiểu
chất thải nhựa; hạn chế tối đa việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần (bao
gồm túi ni-lông khó phân hủy, bao gói nhựa thực phẩm, chai lọ nhựa, ống hút, hộp
xốp đựng thực phẩm, cốc và bộ đồ ăn...); không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu,
chai, cốc, ống hút, bát, đũa nhựa... dùng một lần tại nơi làm việc và trong các
hội nghị, hội thảo, cuộc họp, ngày lễ, ngày kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu
tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.
- Tiên phong, gương mẫu thực hiện phân loại rác thải
tại nguồn ngay tại nơi làm việc, bố trí thùng rác để phân loại rác thải tại các
cơ quan, đơn vị; chất thải nhựa và các chất thải khác có thể tái chế không được
để lẫn với chất thải hữu cơ; khuyến khích xây dựng và thực hiện các mô hình kiểu
mẫu để làm cơ sở nhân rộng cho các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực và địa bàn quản
lý.
- Thực hiện truyền thông, tham gia các lớp tập huấn
do cơ quan có chức năng tổ chức nhằm nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức,
người lao động trong cơ quan, đơn vị về phân loại, thu gom, giảm thiểu chất thải
nhựa; phối hợp các tổ chức, cá nhân có liên quan vận động người dân hạn chế hoặc
không sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần để bảo vệ môi trường.
- Tiếp tục đẩy mạnh việc tổ chức triển khai thực hiện
các nội dung Bản cam kết thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” mà các đơn
vị đã đăng ký năm 2019.
2. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên
quan đến công tác quản lý chất thải rắn của Trung ương và địa phương đã ban
hành để đề xuất sửa đổi theo hướng coi chất thải và chất thải nhựa là tài
nguyên; thúc đẩy phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn; thực hiện tốt việc
giảm thiểu, phân loại chất thải tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý
chất thải (bao gồm chất thải nhựa).
- Xây dựng, thực hiện hiệu quả Kế hoạch tuyên truyền
nâng cao nhận thức cộng đồng về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế, xử lý
chất thải nhựa; hình thành ý thức, thói quen của người dân về giảm thiểu, phân
loại chất thải nhựa; phát hiện, phổ biến và trao giải thưởng môi trường đối với
các mô hình, giải pháp, sáng kiến về giảm thiểu, phân loại, thu gom, tái chế và
xử lý chất thải nhựa; thông qua cổng thông tin điện tử của Sở, chia sẻ thông
tin, kiến thức về chất thải nhựa.
- Phối hợp với các cơ quan đoàn thể, các tổ chức
chính trị xã hội, doanh nghiệp triển khai các phong trào, mô hình chống chất thải
nhựa, giảm thiểu chất thải nhựa, phân loại và thu gom chất thải nhựa; hướng dẫn
và tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giảm thiểu chất thải nhựa, phân loại,
thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải nhựa.
3. Sở Tài chính:
Sở Tài chính phối hợp với các đơn vị, địa phương có
liên quan tham mưu UBND tỉnh bố trí trong kinh phí hoạt động thường xuyên hàng
năm của cơ quan, đơn vị, địa phương để triển khai công tác quản lý chất thải nhựa
trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và phù hợp với khả
năng cân đối ngân sách địa phương hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện
hành.
4. Sở Công Thương:
Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố tham mưu cấp có thẩm quyền thực hiện mục tiêu “Tiếp tục đẩy mạnh và sớm
triển khai kế hoạch thực hiện mục tiêu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị
ở đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 toàn tỉnh không sử dụng
đồ nhựa dùng một lần”.
Giới thiệu, tuyên truyền và vận động các đơn vị bán
lẻ, phân phối, hạn chế phát bao bì nhựa, chuyển đổi sử dụng bao bì nhựa, ống
hút nhựa sang sử dụng các bao bì, sản phẩm thân thiện với môi trường.
5. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn:
Hướng dẫn các địa phương thực hiện Kế hoạch giảm
thiểu, thu gom, tái chế chất thải nhựa trong ngành trồng trọt, chăn nuôi và thủy
sản; đề xuất các giải pháp hạn chế sử dụng phao xốp trong ngành thủy sản (để
làm nổi các lồng bè nuôi cá) và giải pháp thu hồi các bao bì thuốc bảo vệ
thực vật, phân bón; hướng dẫn người dân sử dụng các sản phẩm thay thế túi
ni-lông khó phân hủy và đồ nhựa dùng một lần từ nông sản.
6. Sở Y tế:
Tiếp tục chỉ đạo thực hiện kế hoạch phân loại, giảm
thiểu chất thải nhựa tại các bệnh viện, cơ sở y tế; chỉ đạo hướng dẫn việc phân
loại rác tại bệnh viện, cơ sở y tế; đưa nội dung giảm thiểu chất thải nhựa là một
tiêu chí đánh giá cơ sở y tế xanh, sạch, đẹp. Thường xuyên cập nhật tiêu chuẩn
chất lượng, yêu cầu vệ sinh đối với các sản phẩm nhựa tái chế làm bao bì đựng
thực phẩm, các loại nước đóng chai...
7. Sở Giáo dục và Đào tạo:
- Xây dựng, thực hiện kế hoạch phân loại chất thải
và giảm thiểu chất thải nhựa trong các trường học, cơ sở giáo dục, đào tạo; xây
dựng nội dung lồng ghép vào hoạt động giáo dục về phân loại chất thải tại nguồn
cho học sinh, sinh viên; đưa nội dung phân loại chất thải và giảm thiểu chất thải
nhựa thành một tiêu chí đánh giá trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn.
- Tổ chức phát động phong trào: Học sinh “Nói không
với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”, tổ chức các hoạt động ngoại khoá, các cuộc
thi tìm hiểu trong học sinh về tác hại của việc sử dụng túi ni-lông khó phân huỷ
và sản phẩm nhựa sử dụng một lần, các giải pháp về chống rác thải nhựa.
- Xây dựng và thí điểm triển khai mô hình trường học
không rác thải nhựa, bắt đầu từ việc không sử dụng túi ni-lông khó phân huỷ và
các sản phẩm nhựa dùng một lần trong khuôn viên trường.
8. Sở Khoa học và Công nghệ:
Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ
khoa học, chuyển giao công nghệ sản xuất vật liệu thân thiện với môi trường, nhằm
thay thế nhựa trong sản xuất, kinh doanh như: vật liệu nhựa sinh học (bio
plastic), ứng dụng công nghệ dùng xenlulo, thay thế vật liệu nhựa bằng giấy;
thúc đẩy, hỗ trợ các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ liên quan đến
tái chế và xử lý chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh.
9. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:
Xây dựng Kế hoạch và triển khai các hoạt động giảm
phát thải nhựa đối với ngành du lịch trên địa bàn tỉnh. Áp dụng các biện pháp
giảm thiểu sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni-lông khó phân hủy trong
các cơ sở kinh doanh, dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác tại các
khu, điểm du lịch, các cơ sở thể dục thể thao, các trung tâm huấn luyện và thi
đấu thể thao và đưa ra các phương án thay thế trong quy định hướng dẫn ngành du
lịch dịch vụ.
Triển khai nhân rộng, áp dụng hiệu quả các mô hình
giảm thiểu, phân loại, thu gom chất thải nhựa, túi ni-lông tại các địa điểm,
khu du lịch, đặc biệt các địa điểm, khu du lịch gắn liền với nguồn nước...
10. Sở Thông tin và Truyền
thông:
Hướng dẫn, chỉ đạo Báo Gia Lai, Đài phát thanh -
Truyền hình Gia Lai và các cơ quan thông tin đại chúng hoạt động trên địa bàn tỉnh
chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan thông tin, tuyên truyền
về giảm thiểu chất thải nhựa, phân loại, thu gom, tái chế, xử lý chất thải nhựa,
nâng cao nhận thức trong cơ quan, cộng đồng nhằm hạn chế hoặc không sử dụng các
sản phẩm nhựa dùng một lần.
11. Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh:
- Triển khai Kế hoạch hạn chế sử dụng các sản phẩm
túi ni-lông khó phân hủy, đồ nhựa dùng một lần, thay thế bằng các sản phẩm dễ
phân hủy, thân thiện với môi trường thay thế nhựa, ni-lông trong quá trình sản
xuất, kinh doanh. Thực hiện phân loại chất thải tại nguồn; bố trí các thùng thu
gom, phân loại rác và tập huấn, hướng dẫn phân loại rác tại các doanh nghiệp.
- Hướng dẫn các các doanh nghiệp tiến hành thống kê
khối lượng rác thải nhựa phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, sinh hoạt
và xây dựng lộ trình giảm thiểu, chuyển đổi quy trình sản xuất, kinh doanh phù
hợp với mục tiêu tái sử dụng, tái chế, giảm thiểu chất thải nhựa.
- Vận động các doanh nghiệp xây dựng và thực hiện
các hoạt động truyền thông và trách nhiệm xã hội, phát triển thương hiệu của
doanh nghiệp gắn với việc tăng cường tái sử dụng sản phẩm nhựa, giảm thiểu chất
thải nhựa và hỗ trợ tái chế chất thải nhựa.
- Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, tập trung
vào các cơ sở bán lẻ, lưu trú, dịch vụ ăn uống về việc giảm thiểu ô nhiễm rác
thải nhựa; tuyên truyền, kêu gọi các tổ chức, cá nhân lựa chọn giảm sử dụng sản
phẩm nhựa không cần thiết; thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi trường;
12. Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố:
- Tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng
về giảm thiểu chất thải nhựa, phân loại chất thải, chất thải nhựa; phối hợp các
tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội xây dựng phong trào, liên minh chống
chất thải nhựa; vận động người dân, cộng đồng dân cư hạn chế hoặc không sử dụng
các sản phẩm nhựa dùng một lần (bao gồm túi ni-lông khó phân hủy, bao gói nhựa
thực phẩm, chai lọ nhựa, ống hút, hộp xốp đựng thực phẩm, cốc và bộ đồ ăn...)
để bảo vệ môi trường;
- Vận động các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa
hàng, chợ dân sinh, khách sạn, nhà hàng, quán nước, khu du lịch và các cơ sở sản
xuất, kinh doanh, du lịch... trên địa bàn cam kết giảm thiểu chất thải nhựa, hạn
chế sử dụng đồ nhựa dùng một lần hoặc thay thế bằng các sản phẩm thân thiện môi
trường; không cung cấp miễn phí túi ni-lông cho khách hàng hoặc chuyển từ sử dụng
túi ni-lông khó phân hủy sang các loại túi khác thân thiện với môi trường.
- Triển khai thực hiện phân loại chất thải tại nguồn;
bố trí hoặc chỉ đạo bố trí các thùng thu gom, phân loại rác và tập huấn, hướng
dẫn phân loại rác tại các công sở, trường học, cơ sở y tế và các khu vực công cộng
như bến xe, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ dân sinh, công viên, quảng trường,
khu du lịch, danh lam thắng cảnh.... Tăng cường năng lực, hiệu quả công tác thu
gom, xử lý chất thải rắn; thực hiện thu gom và xử lý riêng các loại chất thải
đã được phân loại (bao gồm cả chất thải nhựa).
- Tổ chức và thực hiện các biện pháp kỹ thuật để
thu gom chất thải nhựa trên các sông, rạch, kênh, mương... tiến hành và xã hội
hóa các hoạt động thu gom, xử lý chất thải nhựa trên sông, suối và các hồ, ao
trong khu đô thị, khu dân cư.
- Chỉ đạo tăng cường việc kiểm tra tuân thủ chính
sách thuế bảo vệ môi trường, các quy định môi trường của các cơ sở cung cấp túi
ni-lông cho các chợ dân sinh và cửa hàng buôn bán nhỏ; tăng cường thanh tra, kiểm
soát chặt chẽ các làng nghề, cơ sở tái chế nhựa không bảo đảm các yêu cầu về bảo
vệ môi trường.
13. Tổ chức thực hiện:
a. Yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn
tỉnh tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị, định kỳ hằng năm gửi kết quả thực hiện
về Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 10 tháng 8 để tổng hợp.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, đôn đốc,
tổng hợp tình hình thực hiện Chỉ thị và định kỳ hàng năm báo cáo Bộ Tài nguyên
và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
b. Đề nghị các cơ quan Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị xã hội tỉnh hưởng ứng phong trào chống rác
thải nhựa, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức trực thuộc ban hành, tích cực thực hiện
kế hoạch giảm thiểu, phân loại, thu gom chất thải nhựa để góp phần bảo vệ môi
trường; Định kỳ hằng năm gửi kết quả thực hiện về Sở Tài nguyên và Môi trường
trước ngày 10 tháng 8 để tổng hợp báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban
nhân dân tỉnh theo quy định./.
Nơi nhận:
- Bộ Tài Nguyên và Môi trường (b/c);
- TTr Tỉnh ủy, TTr HĐND Tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh (p/h);
- Đ/c Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh (t/h);
- UBND các huyện, thị xã, thành phố (t/h);
- Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh (p/h);
- Đ/c CVP, các PVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, TTTH, KGVX, CNXD.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đỗ Tiến Đông
|