ỦY
BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
09/2003/CT-UB
|
TP.Hồ
Chí Minh, ngày 12 tháng 05 năm 2003
|
CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN Y TẾ.
Thực hiện Chỉ thị số
02/2001/CT-UB , ngày 16 tháng 3 năm 2001 của Ủy ban nhân dân thành phố về triển
khai tổ chức 12 chương trình và công trình trọng điểm của thành phố trong giai
đoạn 2001-2005, Quyết định số 94/2002/QĐ-UB , ngày 21 tháng 8 năm 2002 về Chiến
lược quản lý môi trường thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010 và các chương trình
môi trường đến năm 2005 ; trong thời gian qua, ngành y tế thành phố đã phối hợp
với Sở Giao thông Công chánh và các cơ quan có liên quan thực hiện việc thu
gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế của gần 200 cơ sở y tế có qui mô lớn
và vừa, góp phần đáng kể bảo vệ môi trường, giảm nguy cơ lây lan mầm bệnh ra cộng
đồng.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều cơ
sở y tế có qui mô nhỏ như các cơ sở khám bệnh tư nhân, các Trạm y tế cơ quan,
xí nghiệp, trường học phân tán trong cộng đồng chưa tham gia vào hệ thống thu
gom, xử lý chất thải rắn y tế. Để tăng cường công tác quản lý chất thải rắn y tế,
bảo vệ môi trường và sức khỏe người dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố
yêu cầu Thủ trưởng các Sở-ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện
triển khai thực hiện tốt các nội dung sau :
I.- KIỆN
TOÀN HỆ THỐNG TỔ CHỨC QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN Y TẾ :
1- Thành lập Ban chỉ đạo quản lý
chất thải rắn y tế thành phố do 1 lãnh đạo Sở Y tế làm Trưởng ban, đại diện Sở
Khoa học Công nghệ và Môi trường, đại diện Sở Giao thông Công chánh làm Phó
ban, đại diện Công ty Môi trường đô thị, đại diện Trung tâm Y tế dự phòng, đại
diện một số phòng ban Sở Y tế làm thành viên. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng
kế hoạch, chỉ đạo tổ chức triển khai công tác quản lý chất thải rắn y tế trên địa
bàn thành phố.
2- Thành lập Ban chỉ đạo tăng cường
quản lý chất thải rắn y tế tại mỗi quận-huyện do 1 lãnh đạo Trung tâm Y tế quận-huyện
làm Trưởng ban, đại diện Ủy ban nhân dân quận-huyện (cán bộ phụ trách môi trường)
làm Phó ban, đại diện Công ty Dịch vụ công ích địa phương, Trưởng khoa Chống
nhiễm khuẩn hoặc Nhân viên phụ trách chống nhiễm khuẩn tại Trung tâm y tế quận-huyện
làm thành viên. Ban chỉ đạo có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai
thực hiện công tác quản lý chất thải rắn y tế trên địa bàn.
3- Sở Y tế chỉ đạo tất cả các cơ
sở y tế kể cả công và tư nhân phải củng cố hệ thống tổ chức quản lý chất thải rắn
y tế tại cơ sở. Trong ban lãnh đạo đơn vị phải phân công người chịu trách nhiệm
về quản lý chất thải rắn y tế.
II.- TỔ CHỨC THU GOM, VẬN
CHUYỂN VÀ XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN Y TẾ TRÊN TOÀN THÀNH PHỐ :
1- Tất cả các chủ nguồn thải chất
thải rắn y tế phải chịu trách nhiệm và thực hiện nghiêm chỉnh việc phân loại chất
thải rắn y tế ngay từ khi nguồn chất thải phát sinh, cho vào trong các bao bì
thích hợp theo đúng quy định của ngành y tế.
2- Các chủ nguồn thải chất thải
rắn y tế có nhà lưu giữ chất thải rắn y tế theo đúng quy định phải ký hợp đồng
giao chất thải rắn y tế với cơ quan môi trường (Công ty Môi trường đô thị). Hợp
đồng phải được thiết lập thành 2 bản : chủ nguồn thải giữ 1 bản, cơ quan môi
trường giữ 1 bản. Trong bản Hợp đồng phải ghi cụ thể trách nhiệm của chủ nguồn
thải và của đơn vị tiếp nhận và vận chuyển (thời gian lấy chất thải).
3- Các chủ nguồn thải chất thải
rắn y tế chưa có nhà lưu giữ chất thải rắn y tế phải ký hợp đồng giao chất thải
rắn y tế cho cơ quan môi trường địa phương (Công ty Dịch vụ công ích quận-huyện).
Hợp đồng phải được thiết lập thành 3 bản : 1 của chủ nguồn thải, 1 của cơ quan
môi trường, 1 do chủ nguồn thải gửi cho y tế địa phương (Trung tâm y tế quận-huyện)
để báo cáo. Trong bản hợp đồng phải ghi cụ thể trách nhiệm của chủ nguồn thải,
của đơn vị tiếp nhận và vận chuyển (thời gian lấy chất thải, giá biểu thu).
4- Giá biểu thu gom chất thải rắn
y tế của Công ty Dịch vụ công ích quận-huyện bao gồm cả bao bì và tính theo từng
loại cơ sở phát sinh chất thải rắn y tế. Tạm thời áp dụng biểu giá (không kể
phòng khám đa khoa, các đơn vị y tế và bệnh viện do Công ty Môi trường đô thị
đã thu gom rác) như sau :
- Cá thể có số lượng chất thải rắn
y tế (rác y tế) ít như nhà thuốc tây, phòng mạch nội khoa (chỉ có 1 bác sĩ)
10.000đ - 15.000đ/tháng.
- Cá thể có số lượng chất thải rắn
y tế (rác y tế) nhiều như phòng khám của một bác sĩ sản phụ khoa, phòng khám
nha khoa (chỉ có 1 nha sĩ và 1 ghế răng) 20.000đ - 25.000đ/tháng.
- Tập thể vừa, nhỏ như chung một
địa điểm có nhiều người cùng hoạt động (2-3 bác sĩ), Nha sĩ có hơn 1 ghế
chữa răng 30.000đ - 35.000đ/tháng.
Các quận-huyện áp dụng khung giá
này (không bù lỗ) cho đến khi có thông báo mới.
5- Nơi lưu giữ chất thải rắn y tế
bên ngoài cơ sở y tế sẽ do cơ quan môi trường địa phương xây dựng (Công ty Dịch
vụ công ích quận-huyện). Công ty Dịch vụ công ích quận-huyện phải phân công người
giữ, đảm bảo không thất thoát chất thải rắn y tế, đảm bảo các yêu cầu về vệ
sinh của nhà lưu giữ chất thải rắn y tế theo đúng quy định.
III.- TỔ CHỨC KIỂM TRA
VÀ XỬ LÝ CÁC VI PHẠM HÀNH CHÁNH VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN Y TẾ :
1- Sở Y tế phối hợp với Sở Giao
thông Công chánh chỉ đạo tổ chức thanh kiểm tra định kỳ hàng quý, năm hoặc đột
xuất theo chuyên ngành quản lý và theo liên ngành. Tiêu chuẩn kiểm tra căn cứ
vào việc thực hiện quản lý chất thải rắn y tế tại cơ sở, bảo vệ môi trường xanh
sạch đẹp.
2- Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm y tế
dự phòng thường xuyên kiểm tra công tác vệ sinh, xử lý chất thải rắn y tế của tất
cả các đơn vị có phát sinh chất thải rắn y tế, đóng trên địa bàn thành phố Hồ
Chí Minh.
3- Tất cả các cơ sở phát sinh chất
thải rắn y tế đóng trên địa bàn thành phố phải thực hiện đúng quy chế quản lý
chất thải rắn y tế, phải ký hợp đồng giao nhận chất thải rắn y tế, xem đây là một
điều kiện hành nghề. Sở Y tế sẽ căn cứ vào Điều 8 Nghị định số 46/CP của Chính
phủ, ngày 06 tháng 8 năm 1996, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản
lý Nhà nước về y tế.
IV.- PHÂN
CÔNG TRÁCH NHIỆM :
1- Sở Y tế :
- Phổ biến và hướng dẫn thực hiện
các văn bản có liên quan về quản lý chất thải rắn y tế cho tất cả nhân viên tại
các cơ sở y tế (chủ nguồn thải), nhân viên của các đơn vị có liên quan tham gia
quản lý hoặc tham gia trực tiếp vào việc thu gom, xử lý chất thải rắn y tế.
- Tổ chức các lớp tập huấn để
nâng cao kiến thức về an toàn lao động, về phòng chống nhiễm khuẩn tránh lây
nhiễm chéo và các kỹ thuật về phòng chống sự cố cho các nhân viên tham gia
trong quá trình phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn y tế.
- Chỉ đạo các Trung tâm y tế quận-huyện
cung cấp đầy đủ danh sách các chủ nguồn thải (cơ sở y tế tư nhân) đóng trên địa
bàn cho cơ quan môi trường địa phương và phối hợp với các cơ quan môi trường địa
phương tổ chức thu gom tốt chất thải rắn y tế.
- Tập huấn các qui trình phân loại,
xử lý ban đầu, thu gom, vận chuyển chất thải rắn y tế cho các cơ sở phát sinh
chất thải rắn y tế và những người trực tiếp tham gia.
- Có kế hoạch kiểm tra định kỳ,
đột xuất theo chuyên ngành hoặc phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan kiểm
tra các chủ nguồn thải chất thải rắn y tế trên địa bàn thành phố trong các đợt
hưởng ứng tháng hành động môi trường, sạch xanh hàng năm.
- Phối hợp với Sở Khoa học Công
nghệ và Môi trường nghiên cứu, đề xuất, hướng dẫn sử dụng thống nhất các phương
tiện, các trang thiết bị chuyên dùng phục vụ cho công tác quản lý chất thải rắn
y tế trên toàn thành phố.
- Chỉ đạo Thanh tra y tế thành
phố thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chánh theo quy định của pháp luật.
- Thống kê, tổng hợp tình hình
quản lý chất thải rắn y tế trên địa bàn thành phố để báo cáo Ủy ban nhân dân
thành phố theo định kỳ (6 tháng, 1 năm).
- Ban hành kế hoạch quản lý chất
thải rắn y tế của dịch vụ y tế tư nhân và Trạm y tế cơ quan, xí nghiệp, trường
học.
2- Sở Giao thông Công chánh :
- Có trách nhiệm và chỉ đạo Công
ty Môi trường đô thị đầu tư các thùng chứa, hệ thống quản lý thu gom chất thải
rắn y tế tại các điểm lưu giữ hoặc tại các điểm tập kết chất thải rắn y tế của
tất cả các cơ sở y tế có ký hợp đồng giao chất thải rắn y tế.
- Chỉ đạo Công ty Môi trường đô
thị vận chuyển chất thải rắn y tế công đoạn từ điểm lưu giữ chất thải rắn y tế
tại các điểm tập kết trong cơ sở y tế công và điểm tập kết chất thải rắn y tế của
các chủ nguồn thải cá thể hoặc tập thể tư nhân ngoài cơ sở y tế đến nơi tiêu hủy
cuối cùng, đảm bảo vận chuyển chất thải rắn y tế không thất thoát ra cộng đồng.
- Phối hợp với Sở Y tế tổ chức
các lớp tập huấn để nâng cao kiến thức về những tác hại và các biện pháp phòng
chống sự cố cho nhân viên tham gia trực tiếp vào công tác thu gom, vận chuyển,
tiêu hủy chất thải rắn y tế.
3- Sở Khoa học Công nghệ và Môi
trường :
- Phối hợp với Sở Y tế, Sở Giao
thông Công chánh tổ chức giao ban hàng quý về quản lý môi trường và xét cấp các
loại giấy phép môi trường cho các chủ phương tiện vận chuyển chất thải rắn y tế
và cơ quan xử lý chất thải rắn y tế đảm bảo tốt môi trường sạch xanh.
4- Ủy ban nhân dân các quận-huyện
:
- Chịu trách nhiệm chỉ đạo và tạo
điều kiện cho Công ty Dịch vụ công ích quận-huyện phối hợp với Trung tâm y tế
quận-huyện tổ chức triển khai việc quản lý chất thải rắn y tế, công đoạn từ các
chủ nguồn thải chất thải rắn y tế không có nhà lữu giữ chất thải (các cơ sở dịch
vụ y tế tư nhân, các Trạm y tế cơ quan, xí nghiệp, trường học) đến nhà lưu giữ
chất thải rắn y tế của quận-huyện.
- Giao cho Công ty Dịch vụ công
ích quận-huyện chịu trách nhiệm về kinh phí đầu tư ban đầu cho các phương tiện,
dụng cụ quản lý chất thải rắn y tế và ký hợp đồng với các chủ nguồn thải không
có nhà lưu giữ chất thải trừ các chủ nguồn thải đã ký hợp đồng với Công ty Môi
trường đô thị.
- Giao cho Công ty Dịch vụ công
ích quận-huyện thu phí đúng quy định và đảm bảo không để thất thoát chất thải rắn
y tế ra ngoài cộng đồng, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
5- Chủ nguồn thải chất thải rắn
y tế :
- Bao gồm : tất cả các cơ sở y tế
công lập và ngoài công lập, các bệnh viện, phòng khám bệnh thuộc Bộ-Ngành, Trạm
y tế, Phòng y tế thuộc cơ quan, xí nghiệp, trường học, các dịch vụ có phát sinh
chất thải rắn y tế.
- Các chủ nguồn thải chất thải rắn
y tế phải phân công nhân viên quản lý nhà lưu giữ chất thải rắn y tế của cơ sở.
Nhân viên phụ trách nhà lưu giữ chất thải rắn y tế phải được mặc đồng phục theo
quy định của cơ sở y tế hoặc chủ nguồn thải.
- Các chủ nguồn thải chất thải rắn
y tế phải thực hiện ký hợp đồng giao chất thải đúng giờ quy định cho lực lượng
thu gom. Đảm bảo không để thất thoát chất thải rắn y tế ra ngoài cộng đồng, ảnh
hưởng đến sức khỏe người dân.
- Các chủ nguồn thải chất thải rắn
y tế phải thực hiện ký hợp đồng giao chất thải và xem đây là một điều kiện hành
nghề. Nếu vi phạm, tùy mức độ sẽ bị xử lý phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực
quản lý y tế Nhà nước.
6- Các đoàn thể, các cơ quan
thông tin đại chúng :
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành
phố, Thành đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, Liên đoàn lao động thành phố,
Hội Cựu chiến binh vận động nhân dân tham gia cộng tác trong quản lý chất thải
rắn y tế tại địa phương.
- Giao Sở Văn hóa và Thông tin,
Đài Truyền hình thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố, các Báo thành phố
thường xuyên đưa những thông tin về sự nguy hại của chất thải rắn y tế khi thải
ra môi trường và các mô hình quản lý tốt nhất về chất thải rắn y tế ở các cơ sở
y tế trên địa bàn thành phố.
Yêu cầu Thủ trưởng các Sở-ngành
thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận-huyện và các đơn vị có liên quan tổ
chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị này.-
Nơi nhận :
- Thường trực Thành Ủy
- Thường trực HĐND/TP
- Thường trực UBND/TP
- Ủy ban nhân dân các quận-huyện
- Các Sở-ngành, Đoàn thể
- Công ty Môi trường đô thị,
- Công ty Dịch vụ công ích quận-huyện
- Trung tâm y tế các quận-huyện
- VPHĐ-UB : CPVP, Các Tổ NCTH
- Lưu (CNN-TH)
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC
Nguyễn Thiện Nhân
|