BỘ
Y TẾ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 08/CT-BYT
|
Hà
Nội, ngày 29 tháng 7 năm 2019
|
CHỈ THỊ
VỀ
GIẢM THIỂU CHẤT THẢI NHỰA TRONG NGÀNH Y TẾ
Chất thải nhựa đang hằng ngày tác động
tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển
bền vững của mỗi quốc gia. Để giải quyết vấn đề này, Chính
phủ đang quyết liệt thực hiện các chính sách và giải pháp
kiểm soát ô nhiễm môi trường từ chất
thải nhựa. Ngày 25 tháng 4 năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã
gửi Thư kêu gọi cả nước hành động giải quyết vấn đề chất thải nhựa.
Trong lĩnh vực y tế, chất thải nhựa
được phát sinh từ nhiều nguồn khác nhau, bao gồm: chất thải
nhựa phát sinh từ các hoạt động sinh hoạt thường ngày của
nhân viên y tế, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế; chất thải nhựa phát sinh từ các hoạt động chuyên môn y tế như bao bì, dụng cụ bao gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất, trang thiết bị,
vật tư, vật liệu, đồ dùng trong y tế;
chất thải nhựa phát sinh từ hoạt động nghiên cứu, sản xuất,
kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc, hóa chất.... Những vật liệu nhựa dùng
trong các hoạt động này có thể thay thế bằng các chất liệu an toàn, thân thiện hơn đối với môi trường nếu có sự quyết tâm,
chung tay của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành
y tế cũng như người dân.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính
phủ và để giảm thiểu chất thải nhựa
trong ngành y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế, các cơ quan, tổ chức,
công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế nghiêm
túc thực hiện các nội dung sau đây:
1. Các cơ sở y tế
a) Ban hành và tổ chức thực hiện kế
hoạch giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động của đơn vị; trong đó phải có
các nội dung, chỉ tiêu phấn đấu và mốc thời gian thực hiện đối với các hoạt động
sau đây:
- Tăng cường sử
dụng thuốc bằng đường uống; sử dụng
các vật dụng sinh hoạt, các dụng cụ, vật tư, thiết bị y tế, bao bì, dụng cụ đóng gói, chứa, đựng thuốc, hóa chất
làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng trong quá
trình khám, chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh,
trong hoạt động nghiên cứu, kiểm nghiệm,
kiểm định và các hoạt động chuyên môn y tế khác nhằm giảm phát sinh chất thải
nhựa.
- Hạn chế sử dụng túi, chai, cốc,
bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc ni lông
khó phân hủy cho mục đích ăn, uống của người bệnh, người
nhà người bệnh, nhân viên y tế và tại các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn của đơn vị; tiến tới thay thế bằng các vật dụng
làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng.
- Phấn đấu tiến tới chấm dứt hoàn
toàn việc sử dụng vật liệu nhựa dùng một lần và ni lông khó phân hủy trong đơn
vị.
b) Đưa tiêu chí giảm
thiểu chất thải nhựa vào nội quy, quy chế hoạt động nội bộ của đơn vị.
c) Thực hiện phân loại triệt để chất
thải nhựa, ni lông khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng
quy định.
d) Tổ chức quán
triệt, phổ biến, hướng dẫn, tập huấn, truyền thông, vận động cán bộ, nhân viên y tế, các đơn vị cung cấp dịch
vụ, người bệnh, người nhà người bệnh, người sử dụng dịch vụ y tế và cộng đồng về
giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị.
đ) Tổ chức ký cam kết giữa Thủ trưởng đơn vị với Lãnh đạo các khoa, phòng, đơn vị cung cấp
dịch vụ tại cơ sở y tế về việc giảm thiểu chất thải nhựa.
e) Nghiên cứu, đề xuất và áp dụng các
giải pháp hiệu quả để giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động y tế để bảo đảm an toàn cho người bệnh, cộng đồng và
môi trường.
g) Bố trí kinh phí trong nguồn kinh phí được giao hàng năm của đơn vị
và nguồn thu hợp pháp khác để thực hiện Chỉ thị.
h) Phát động
phong trào thi đua và chủ động phát hiện, tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá
nhân có thành tích xuất sắc trong giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị.
i) Đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc
thực hiện; định kỳ hằng năm tiến hành tổng hợp, báo cáo kết
quả thực hiện Chỉ thị về cơ quan quản lý cấp trên.
2. Các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ
Y tế, Thanh tra Bộ Y tế và các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương
a) Hạn chế, tiến
tới không sử dụng túi, chai, cốc, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng
một lần hoặc ni lông khó phân hủy tại các cuộc họp, hội
nghị, hội thảo, đào tạo, tập huấn và các hoạt động khác của cơ quan; thay thế bằng
các vật dụng làm từ vật liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái sử dụng.
b) Phát động phong trào thi đua và vận
động mỗi công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan thực hiện giảm thiểu
và tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, túi
ni lông khó phân hủy.
3. Tổ chức thực hiện:
a) Cục Quản lý môi trường y tế:
- Nghiên cứu, đề xuất giải pháp giảm
thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế.
- Đầu mối xây dựng tài liệu truyền
thông và phối hợp tổ chức truyền thông về giảm thiểu chất
thải nhựa trong ngành y tế.
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị
liên quan tổ chức phổ biến, tập huấn, hướng dẫn, đôn đốc,
kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Chỉ thị trong ngành y tế;
định kỳ tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Y tế về kết quả thực
hiện.
b) Vụ Truyền thông và Thi đua khen
thưởng:
- Đầu mối phối hợp với các đơn vị thuộc,
trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế và các cơ quan truyền thông,
báo chí tăng cường truyền thông, phổ biến kiến thức về giảm thiểu chất thải nhựa
trong ngành y tế.
- Chỉ đạo các cơ quan truyền thông,
báo chí thuộc, trực thuộc Bộ và các đơn vị truyền thông giáo dục sức khỏe trong
ngành y tế xây dựng các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền về giảm thiểu chất thải nhựa
trong ngành y tế.
- Phối hợp với Cục Quản lý môi trường
y tế phát hiện, đề xuất Bộ trưởng Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền biểu
dương, tôn vinh, khen thưởng chuyên đề đối với tập thể, cá nhân có thành tích
xuất sắc, có giải pháp, sáng kiến giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa trong
ngành y tế.
c) Cục Quản lý Khám, chữa bệnh:
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên
quan nghiên cứu, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các quy trình
kỹ thuật, quy chế chuyên môn để giảm thiểu phát sinh chất
thải nhựa, thay thế bằng các sản phẩm có thể tái sử dụng hoặc làm từ các vật liệu thân thiện với môi trường.
- Đề xuất, bổ sung tiêu chí giảm thiểu
chất thải nhựa vào Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện.
d) Cục Quản lý Dược:
Tuyên truyền, phổ biến, vận động, hướng
dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh dược xây dựng kế hoạch và lộ trình giảm thiểu
chất thải nhựa trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
đ) Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền:
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, đề xuất các giải pháp giảm thiểu chất thải nhựa trong nuôi trồng, chế biến, sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, lưu hành dược liệu và thuốc cổ truyền.
e) Vụ Trang thiết bị và Công trình y
tế
- Tuyên truyền, phổ biến, vận động,
hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh trang thiết bị y tế xây dựng kế hoạch
và lộ trình giảm thiểu chất thải nhựa trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.
- Đầu mối, phối hợp với các đơn vị
liên quan nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong lĩnh vực trang
thiết bị y tế nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải nhựa.
g) Vụ Kế hoạch - Tài chính
- Đầu mối đề xuất cơ chế chính sách về tài chính hỗ trợ các cơ quan, đơn vị y tế thay thế việc sử
dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân
hủy bằng các sản phẩm có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường.
- Nghiên cứu, đề
xuất bổ sung tiêu chí điểm kỹ thuật trong quy định về đấu
thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế phù hợp với quy định của Luật đấu thầu để khuyến khích việc mua sắm thuốc, vật tư,
trang thiết bị y tế sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường.
h) Các Viện chuyên ngành gồm: Viện Sức
khỏe nghề nghiệp và môi trường, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ
Tây Nguyên, Viện Y tế công cộng Thành phố Hồ Chí Minh:
- Phối hợp với Cục Quản lý môi trường
y tế tập huấn hướng dẫn thực hiện Chỉ thị này tới các đơn vị sự nghiệp công lập
trực thuộc Bộ Y tế và các Sở Y tế và các đơn vị có liên quan.
- Nghiên cứu các giải pháp nhằm giảm
thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế.
- Tham gia kiểm tra, giám sát, đánh
giá việc thực hiện Chỉ thị này tại các đơn vị y tế.
i) Các Trường đại học, cao đẳng, trung
cấp y tế:
Xây dựng tài liệu và đưa nội dung giảm
thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế vào chương trình, nội
dung giảng dạy cho sinh viên ngành y tại các cấp.
k) Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương;
- Chỉ đạo quán triệt, tổ chức tập huấn
hướng dẫn thực hiện các nội dung của Chỉ thị đến tất cả các đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, xã,
phường, thị trấn và các trường đại học, cao đẳng, trung cấp
trong lĩnh vực y, dược, các hiệu thuốc, nhà thuốc đóng trên địa bàn.
- Đề xuất Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có
cơ chế chính sách về tài chính hỗ trợ các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản
lý để thực hiện kế hoạch thay thế việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần,
túi ni lông khó phân hủy bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
- Đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực
hiện Chỉ thị tại các cơ quan, đơn vị thuộc ngành y tế địa phương và định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện về Cục Quản lý môi trường y
tế trước ngày 31/12 hàng năm.
Nhận được Chỉ thị này, đề nghị Thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị trong ngành y tế khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW (để t/h);
- Các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ Y tế (để t/h);
- Các Viện trực thuộc Bộ Y tế (để thực hiện)
- Các Trường đại học Y thuộc Bộ Y tế (để t/h)
- Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc TW (để t/h);
- Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc BYT (để t/h);
- Y tế các Bộ, ngành (để t/h);
- Lưu: VT, MT.
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Kim Tiến
|