ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 06/CT-UBND
|
Tiền Giang, ngày 10 tháng 05 năm 2016
|
CHỈ THỊ
VỀ
TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO, GIẢM NHẸ THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU
NẠN NĂM 2016 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG
Dưới tác động của biến đổi khí hậu
toàn cầu, tình hình khí tượng thủy văn, rủi ro thiên tai trong thời gian qua
diễn biến rất phức tạp và ngày càng khó dự báo. Theo nhận định của Đài Khí
tượng thủy văn tỉnh Tiền Giang, năm 2016 sẽ có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp
nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, xấp xỉ và thấp hơn trung bình nhiều năm
(trung bình nhiều năm là 12 cơn), trong đó có khoảng 5-6
cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta, xấp xỉ trung bình nhiều năm (trung
bình nhiều năm là 5 - 6 cơn); bên cạnh đó, cần đề phòng những cơn bão mạnh có
hướng di chuyển phức tạp hoạt động vào các tháng cuối mùa (tháng 10, 11 và
tháng 12) ảnh hưởng từ Nam Trung Bộ đến Nam Bộ.
Thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày
03/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống thiên
tai và tìm kiếm cứu nạn, giai đoạn 2016-2020. Để chủ động
phòng, chống, ứng phó kịp thời và có hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt
hại do thiên tai gây ra, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế - xã hội
năm 2016 của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ thị:
1. Các
sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân
các huyện, thành phố, thị xã, các xã, phường, thị trấn:
- Tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị
số 15/CT-UBND ngày 11/11/2015 của Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh về việc phòng chống hạn mặn và cháy rừng năm 2016 trên
địa bàn tỉnh. Tổ chức tổng kết, đánh giá,
rút kinh nghiệm về công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống, ứng phó thiên tai,
tìm kiếm cứu nạn năm 2015 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2016 sát với tình
hình thực tế địa phương, đơn vị mình và đặc biệt là thích ứng với điều kiện
biến đổi khí hậu hiện nay; phát huy những ưu điểm, những chương trình, dự án,
công việc mang lại hiệu quả thiết thực; đồng thời làm rõ nguyên nhân những mặt
còn hạn chế, yếu kém để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục. Chú trọng nâng cao
năng lực điều hành, chỉ huy, thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó
thiên tai ngay tại cơ sở, nhất là các địa bàn xung yếu. Thời gian hoàn thành
chậm nhất là quí II năm 2016 và báo cáo kết quả về Thường trực Ban chỉ huy
phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổng
hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
- Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ huy
phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành theo quy định của
Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết,
hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai. Trong đó, cơ
cấu những thành viên thuộc các đơn vị có
trách nhiệm liên quan đến công tác phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả
thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành
viên để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, thủ trưởng đơn vị trong
công tác chỉ đạo, điều hành, chỉ huy thực hiện nhiệm vụ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở mỗi cấp, mỗi ngành đảm bảo kịp thời
chỉ đạo triển khai các phương án ứng phó
hiệu quả trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra.
- Tiếp tục quán triệt, triển khai
thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013; Quyết định số 1041/QĐ-TTg ngày 24/6/2014 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án quy
hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đến năm
2020; Kế hoạch số 125/KH-UBND ngày 14/10/2008 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về thực hiện Chiến lược Quốc gia phòng
chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Kế hoạch
số 39/KH-UBND ngày 29/3/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền
Giang về thực hiện Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên
tai dựa vào cộng đồng” trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2020; Kế hoạch số 98/KH-UBND ngày 18/5/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về triển khai
thực hiện Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm
cứu nạn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh; Phương án số 479/PCTT ngày 05/10/2015
của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh về ứng phó với
bão mạnh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; Kế hoạch
số 574/KH-PCTT ngày 25/11/2015 của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm
kiếm cứu nạn tỉnh về nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai
dựa vào cộng đồng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang năm 2016. Trường hợp có khó khăn vướng mắc cần kịp thời
báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem
xét, giải quyết.
- Tổ chức diễn tập các phương án
phòng, chống thiên tai trên cơ sở quán triệt phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy
tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) và chủ động
phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả.
- Quán triệt trong nội bộ và tuyên
truyền sâu rộng trong nhân dân, nhất là nhân dân ở các xã cù lao, vùng ven
biển, các xã trong vùng ngập sâu và ngư dân về
diễn biến phức tạp của thời tiết, khí
hậu, những kiến thức cơ bản về phòng, chống các dạng thiên
tai theo từng đối tượng, từng cấp độ rủi ro cụ thể để nhân dân biết chủ động phòng,
chống khi có tình huống xấu xảy ra.
- Tổ chức trực ban nghiêm túc, thực
hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ hàng tháng, quý, năm và đột xuất gửi về
Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh tổng
hợp, báo cáo về Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân
tỉnh và Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai để theo dõi, chỉ đạo
kịp thời.
2. Ban
Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh:
- Xây dựng cụ thể kế hoạch phối hợp,
triển khai thực hiện công tác phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn trên
địa bàn tỉnh. Thường xuyên phối hợp và hướng dẫn
các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố, thị xã thực hiện tốt kế hoạch, phương án chủ động phòng,
chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Nghiên cứu
hoàn thiện bản đồ cảnh báo ngập lụt, nước dâng do bão mạnh
và bão rất mạnh ảnh hưởng đến tỉnh để giúp dân chủ động di dời, phòng tránh an
toàn.
- Phối hợp với Đài Khí tượng thủy văn
tỉnh Tiền Giang tiếp nhận thông tin kịp thời về diễn biến thời tiết (lũ, lụt,
bão, áp thấp nhiệt đới...) và đưa ra những dự báo chính xác, cảnh báo kịp thời
nhằm phục vụ tốt cho công tác phòng chống lụt, bão và giảm
nhẹ thiên tai trên địa bàn tỉnh.
- Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh điều hành, xử lý kịp thời
và có hiệu quả trong việc đối phó với thiên tai; theo dõi,
kiểm tra, đôn đốc
các ngành, các cấp thực hiện tốt công tác phòng, chống, lụt bão giảm nhẹ thiên
tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2016; định kỳ hàng tháng, quý, năm và đột xuất tổng
hợp tình hình thiên tai, báo cáo về Tỉnh ủy, Ủy
ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai để
theo dõi, chỉ đạo kịp thời.
3. Các
sở, ban, ngành tỉnh theo chức năng nhiệm vụ được giao, căn cứ kế hoạch chung
của tỉnh, rà soát, xây dựng cụ thể kế hoạch và tổ
chức chỉ đạo, điều hành, phối hợp, hỗ trợ Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy
thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu
quả do thiên trong ngành, đơn vị mình
quản lý. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết
để tham gia phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo chỉ đạo của Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ huy
phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
4. Đài
Phát thanh và Truyền hình tỉnh và đề nghị Báo Ấp Bắc phối hợp chặt chẽ với cơ
quan dự báo, cảnh báo, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
tỉnh và các cơ quan liên quan thực hiện đưa tin chính xác, kịp thời về tình
hình diễn biến của thiên tai, lụt, bão; tăng thời lượng phát sóng các chương
trình tuyên truyền các biện pháp phòng ngừa thiên tai, tai nạn, thảm họa để
người dân biết và chủ động phòng tránh.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho,
thị xã Gò Công, thị xã Cai Lậy:
- Căn cứ kế hoạch chung của tỉnh, rà
soát, xây dựng cụ thể kế hoạch và tổ chức chỉ đạo, điều
hành, thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, khắc phục
hậu quả do thiên tai trên địa bàn quản lý.
- Tập trung kiểm tra, đánh giá chất
lượng từng tuyến đê, huy động mọi nguồn lực để tiến hành duy tu, sửa chữa, gia
cố đê biển, đê cửa sông, đê sông, đê bao ngăn lũ, đặc biệt là các đoạn đê xung
yếu. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi nội đồng,
các công trình đầu mối, đảm bảo khai thông dòng chảy, đủ nước bơm tưới khi khô
hạn và tiêu thoát lũ nhanh khi ngập úng.
- Tổ chức huấn luyện, thực tập thành
thạo các phương tiện, trang thiết bị hiện có; diễn tập các phương án phòng,
chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn quản lý, trong đó chú trọng
đến các địa bàn trọng điểm, khu vực trường học.
- Phối hợp các sở, ban, ngành, đoàn
thể tỉnh có liên quan nắm chắc số lượng tàu thuyền của địa phương còn đang hoạt
động trên biển khi có bão, áp thấp nhiệt đới, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu
nạn tỉnh để theo dõi, chỉ đạo. Tổ chức, sắp xếp lại tàu thuyền tại các nơi trú
bão và khu neo đậu trú bão.
- Rà soát cập nhật, xác định những
khu vực nguy hiểm khi xảy ra thiên tai trên địa bàn để chủ động di dời dân ra
khỏi khu vực nguy hiểm; xây dựng phương án cụ thể và sẵn
sàng thực hiện sơ tán khi cần thiết. Kiểm tra lực lượng, phương tiện, vật tư,
kinh phí để thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ”; chủ động dự trữ lương thực, thuốc men, nhu yếu phẩm; bố trí thiết
bị, phương tiện cứu nạn tại chỗ, vật tư và kinh phí dự phòng đến cấp cơ sở.
- Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm
các trường hợp lấn chiếm sông, kênh, rạch
gây sạt lở, làm tắc nghẽn dòng chảy, hướng thoát
nước tự nhiên trên địa bàn quản lý. Khẩn trương thành lập lực lượng quản lý để
nhân dân tại các xã, phường, thị trấn để phát huy vai trò, trách
nhiệm cộng đồng tại chỗ trong việc tổ chức phòng, chống,
ứng phó thiên tai. Phát động nhân dân tham gia bảo vệ các công trình phòng
chống lũ lụt, tham gia cùng chính quyền phòng và xử lý sạt lở đê bao ngăn lũ.
6. Đề
nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
tỉnh Tiền Giang và các đoàn thể phối hợp thực hiện tốt công tác thông tin tuyên
truyền, tổ chức mở lớp tập huấn nâng cao kiến thức về phòng, chống thiên tai
cho hội viên, đoàn viên...; vận động và tiếp nhận nguồn hàng cứu trợ của các
tập thể, cá nhân đóng góp khi có thiên tai; tổ chức phân phối, quản lý, sử dụng
tiền, hàng cứu trợ tỉnh đúng mục đích và hiệu quả; có kế hoạch huy động hội
viên, đoàn viên nhất là lực lượng thanh niên xung kích tham gia ứng cứu và khắc
phục hậu quả thiên tai; định kỳ tổng hợp kết
quả thực hiện gửi về Ủy ban nhân dân
tỉnh, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh để theo dõi,
chỉ đạo.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và
các đơn vị cơ quan Trung ương đóng trên
địa bàn tỉnh và nhân dân có trách nhiệm tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm
túc Chỉ thị này./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Nông nghiệp & PTNT;
- BCĐ Trung ương về PCTT;
- Ủy ban Quốc gia TKCN;
- Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ;
- Bộ Tư lệnh Quân khu 9;
- TT.Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ tỉnh;
- CT và các PCT.UBND tỉnh;
- Cơ quan TW đóng trên địa bàn tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- VP.BCH (Chi cục Thủy lợi và PCLB);
- UBND các huyện, TP, TX;
- Cổng Thông tin điện tử, Công báo tỉnh;
- VPUB: CVP và các PVP, các Phòng Nghiên cứu, BTD;
- Lưu VT, P.KTN (Nhã, Tâm)
|
CHỦ TỊCH
Lê Văn Hưởng
|