ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
06/2015/CT-UBND
|
Nghệ
An, ngày 13 tháng 02 năm 2015
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN PHÁP CHỐNG CHẶT
PHÁ RỪNG TRÁI PHÉP VÀ PHÒNG CHÁY, CHỮA CHÁY RỪNG NĂM 2015
Thời gian qua,
công tác bảo vệ phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Nghệ An được sự quan tâm chỉ
đạo quyết liệt, có hiệu quả của các cấp ủy Đảng, Chính quyền địa phương, được
người dân tham gia hưởng ứng tích cực. Đời sống người dân làm nghề rừng đã có
bước cải thiện đáng kể, vai trò trách nhiệm của các lực lượng chức năng và các
chủ rừng được nâng lên. Do vậy, tình hình an ninh rừng trên địa bàn tỉnh cơ bản
được giữ vững, độ che phủ của rừng cuối năm 2014 đạt 54,6%.
Tuy vậy, công
tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) vẫn chưa đảm bảo vững chắc;
tình trạng chặt phá rừng tự nhiên để lấy đất trồng rừng; việc khai thác lâm sản
trái phép tại một số khu rừng đặc dụng, phòng hộ, vùng giáp ranh với nước bạn
Lào, giáp ranh tỉnh Thanh Hóa, khu vực rừng hai bên tuyến đường vành đai biên
giới đang xảy ra; cháy rừng vẫn thường xảy ra tại các địa phương có rừng thông
nhựa, nguyên nhân cơ bản do lỗi chủ quan, mâu thuẫn nội bộ..., song đến nay
chưa điều tra được thủ phạm để xử lý dứt điểm.
Để chủ động thực
hiện tốt các biện pháp bảo vệ rừng, đấu tranh ngăn chặn các hành vi xâm hại tài
nguyên rừng và thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng. UBND tỉnh yêu
cầu Giám đốc các Sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, chủ tịch UBND các huyện,
thành, thị, các đơn vị chủ rừng thực hiện nghiêm túc một số nhiệm vụ sau đây:
1. Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị (gọi tắt là UBND
cấp huyện):
Chỉ đạo các
Hạt Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng, UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng và tổ
chức thực hiện các biện pháp chống chặt phá rừng trái phép và PCCCR năm 2015 tập
trung một số nhiệm vụ chính sau đây:
a) Thực hiện
tốt công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về quản lý bảo vệ rừng,
PCCCR đến tận cộng đồng dân cư thôn, bản và các tầng lớp thanh thiếu niên học
sinh sống gần rừng và ven rừng, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm bảo vệ rừng của
cộng đồng dân cư thôn bản, đồng thời phát động phong trào quần chúng nhân dân
tích cực, tự giác tham gia bảo vệ rừng, phòng, chữa cháy rừng;
b) Tập
trung chỉ đạo các biện pháp chống chặt phá rừng trái phép tại các khu rừng tự
nhiên có trữ lượng lớn như Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống,
Pù Hoạt và các Ban quản lý rừng phòng hộ, các khu rừng có đường vành đai biên
giới đi qua. Trong đó chủ động các biện pháp tuần tra, trinh sát, chốt chặn, bảo
vệ rừng tại gốc. Phối hợp chặt chẽ các lực lượng bảo vệ rừng, thành lập các
Đoàn liên ngành để tổ chức truy quét khai thác lâm sản trái phép, xử lý nghiêm
các chủ đầu nậu, tổ chức kinh doanh, khai thác, chế biến, buôn bán lâm sản trái
phép.
c) Rà soát toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp đã giao cho hộ gia đình, cá
nhân quản lý theo Nghị định số 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999 của Chính phủ về
giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn
định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp và diện tích khoán bảo vệ rừng theo Nghị
định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005 của Chính phủ về việc giao khoán đất
nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các
nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh. Kiểm tra xử lý nghiêm, đúng pháp
luật đối với tổ chức, cá nhân sử dụng đất rừng được giao không đúng mục đích,
chuyển nhượng, chuyển đổi bất hợp pháp, lợi dụng chủ trương cải tạo rừng nghèo
kiệt để trục lợi, cải tạo rừng không đúng đối tượng. Kiên quyết thanh lý hợp đồng
khoán bảo vệ rừng đối với tổ chức, cá nhân đã nhận khoán bảo vệ rừng nhưng thiếu
trách nhiệm, để rừng bị chặt phá, vi phạm quy định của Nhà nước về bảo vệ rừng,
phòng cháy, chữa cháy rừng.
d) Tăng cường
các biện pháp PCCCR, chỉ đạo các đơn vị chủ rừng tổ chức phát dọn, xử lý thực
bì vệ sinh rừng, xây dựng đường băng trắng cản lửa, duy tu bảo dưỡng các công
trình PCCCR; quản lý chặt chẽ các hoạt động liên quan đến cháy rừng như phát
nương làm rẫy, đốt củi lấy than, khai thác mật ong, việc thăm viếng của du
khách…; Củng cố, kiện toàn lực lượng chữa cháy rừng các cấp, đồng thời tổ chức
tập huấn, diễn tập chữa cháy, ký cam kết PCCCR trong cộng đồng dân cư thôn, bản
với chính quyền địa phương cấp xã, hạt Kiểm lâm, chủ rừng.
e) Chỉ đạo
thực hiện tốt phương án phối hợp bảo vệ rừng giữa các lực lượng Kiểm lâm, Chủ rừng,
Chính quyền cấp xã với lực lượng Quân sự, Biên phòng. Tổ chức ký kết hiệp đồng lực
lượng tham gia chữa cháy giữa UBND huyện, Chủ rừng với các đơn vị Quân sự, Biên
phòng đóng quân trên địa bàn.
f) Chỉ đạo
thực hiện nghiêm chế độ thường trực canh phòng lửa rừng. Trong những thời kỳ dự
báo cháy rừng từ cấp III trở lên, yêu cầu tất cả các đơn vị Kiểm lâm, Chủ rừng
phải duy trì chế độ thường trực 24/24h hàng ngày, sẵn sàng lực lượng, phương tiện
kỹ thuật để ứng cứu các tình huống cháy rừng xảy ra.
2. Sở Nông
nghiệp và PTNT:
a) Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm,
các đơn vị chủ rừng tăng cường các biện pháp tuần tra, chống chặt phá rừng trái
phép, kiểm tra kiểm soát lâm sản, giám sát chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm
nghiệp, cải tạo rừng nghèo kiệt, xử lý nghiêm những hành vi, vi phạm các quy định
về quản lý bảo vệ rừng.
b) Xây dựng và tổ chức thực hiện
phương án PCCCR trên phạm vi toàn tỉnh. Chỉ đạo các lực lượng bảo vệ rừng
chuyên trách thực hiện nghiêm chế độ trực ban 24/24h hàng ngày để tiếp nhận xử
lý thông tin cháy rừng; làm tốt công tác tuyên truyền, cảnh báo cháy rừng trên
các phương tiện thông tin đại chúng; tham mưu tổ chức chữa cháy rừng, khắc phục
hậu quả do cháy rừng gây ra.
c) Chỉ đạo công tác phát dọn, xử
lý thực bì vệ sinh rừng, xây dựng đường băng trắng cản lửa, quản lý chặt chẽ hoạt
động khai thác nhựa thông đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật và an toàn tuyệt đối
về PCCCR.
d) Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan có liên quan tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng,
PCCCR tại các địa phương và chủ rừng trên phạm vi toàn tỉnh. Nếu phát hiện vi
phạm các quy định về quản lý bảo vệ rừng, PCCCR thì lập hồ sơ xử lý nghiêm
trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan.
3. Bộ chỉ
huy Quân sự tỉnh và Bộ đội Biên phòng tỉnh:
a) Có văn bản chỉ đạo giao nhiệm
vụ cho Ban chỉ huy Quân sự cấp huyện, các Đồn Biên phòng, các đơn vị quân sự
đóng quân trên địa bàn các huyện, thành, thị chủ động phối hợp với Chính quyền
địa phương, hạt Kiểm lâm, chủ rừng làm tốt công tác chống chặt phá rừng trái
phép và chữa cháy rừng.
b) Chỉ đạo các đơn vị hiệp đồng
đảm bảo về quân số, phương tiện kỹ thuật với các địa phương và chủ rừng trong
việc huy động lực lượng Quân sự, Biên phòng tham gia chữa cháy rừng.
c) Tổ chức tập huấn nghiệp vụ,
thực hành diễn tập tình huống, chuẩn bị phương án đảm bảo lực lượng, phương tiện,
trang thiết bị kỹ thuật và hậu cần sẵn sàng ứng cứu trong trường hợp xảy ra
cháy rừng.
d) Chỉ đạo các Đồn Biên phòng
thuộc các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Anh Sơn, Thanh Chương và Quế
Phong phối hợp chặt chẽ với hạt Kiểm lâm, chủ rừng tăng cường công tác tuần tra
rừng, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi vào rừng khai thác gỗ, vận chuyển, buôn
bán lâm sản trái phép gắn với việc bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới.
4. Công An
tỉnh, Cảnh sát PC&CC tỉnh:
Chỉ đạo các Phòng nghiệp vụ,
Công an các huyện tổ chức lực lượng sẵn sàng ứng cứu chữa cháy rừng; kiểm tra
điều kiện an toàn phòng cháy đối với các khu rừng trọng điểm. Phối hợp với
Chính quyền địa phương các Hạt Kiểm lâm, chủ rừng, lập các chuyên án, chủ động
tấn công, trấn áp bọn lâm tặc có những hành vi khai thác, buôn bán, vận chuyển,
tàng trữ, chế biến lâm sản trái phép, chống người thi hành công vụ; điều tra
làm rõ nguyên nhân, truy tìm thủ phạm gây ra các vụ cháy rừng do lỗi cố ý để xử
lý nghiêm nhằm giáo dục, phòng ngừa, răn đe.
5. Sở Tài
chính:
Chủ trì phối hợp với Sở Nông
nghiệp và PTNT tham mưu đề xuất UBND tỉnh cấp hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân
sách tỉnh phục vụ cho công tác bảo vệ rừng và PCCCR, trong đó ưu tiên nguồn
kinh phí phát dọn thực bì cho các đơn vị địa phương có diện tích rừng thông nhựa
lớn, nguy cơ cháy rừng cao và các địa phương có diện tích rừng tự nhiên lớn cần
phải tập trung bảo vệ.
6. Đài PTTH
tỉnh, Báo Nghệ An:
Phối hợp với Chi cục Kiểm lâm đẩy
mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm các quy định của
Nhà nước về bảo vệ và phát triển rừng. Ban hành văn bản chỉ đạo các Đài phát
thanh truyền hình cấp huyện thực hiện tuyên truyền công tác bảo vệ và phát triển
rừng; cảnh báo cháy rừng trên các phương tiện thông tin đại chúng; đưa tin bài
về các hoạt động khoanh nuôi bảo vệ rừng, trồng rừng, chống chặt phá rừng trái
phép, phòng cháy, chữa cháy rừng để nêu gương học tập.
7. Tỉnh
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh:
Chỉ đạo các cơ sở Đoàn các địa
phương và trường học triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức về
công tác PCCCR. Phát động phong trào thi đua, ký cam kết làm tốt công tác
PCCCR, thành lập các tổ đội tham gia chữa cháy rừng tại các địa phương, triển
khai các hoạt động hè tình nguyện thu gom vật liệu cháy tại các khu rừng trọng
điểm của tỉnh.
8. Các
thành viên Ban chỉ đạo kế hoạch bảo vệ phát triển rừng tỉnh:
Theo chức năng nhiệm vụ được
giao, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng theo địa
bàn được phân công phụ trách.
UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các
Sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện,
thành, thị và thủ trưởng các cơ quan đơn vị, cá nhân có liên quan căn cứ chức
năng nhiệm vụ của mình để phối hợp chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị
này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Hoàng Viết Đường
|