ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 05/CT-UBND
|
Gia Lai, ngày 26
tháng 5 năm 2023
|
CHỈ THỊ
VỀ
VIỆC TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP CẤP BÁCH ỨNG PHÓ VỚI NGUY CƠ HẠN HÁN, THIẾU NƯỚC
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI
Theo thông tin của Tổng cục Khí
tượng Thủy văn dự báo hiện tượng El Nino (pha nóng) có thể xuất hiện vào nửa cuối
năm 2023 và duy trì đến năm 2024 với xác suất khoảng 70-80%. Ở khu vực Tây
Nguyên: từ tháng 5-7/2023, tổng lượng mưa (TLM) phổ biến ở mức xấp xỉ với trung
bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ. Tháng 8/2023, TLM có xu hướng ở mức cao hơn
từ 5-20% so với TBNN. Tháng 9/2023 TLM xấp xỉ so với TBNN cùng thời kỳ. Tháng
10/2023, TLM ở mức thấp hơn từ 10-20% so với TBNN cùng thời kỳ. Tổng lượng dòng
chảy đến các hồ thủy điện lớn từ tháng 5-12/2023 ở mức thấp hơn từ 10-25% so với
TBNN. Nguy cơ xảy ra hạn hán thiếu nước cục bộ ở những nơi nằm ngoài vùng cấp
nước của các công trình thủy lợi. Đầu năm 2024, nguồn nước có khả năng thiếu hụt
so với TBNN.
Để chủ động ứng phó với tác động
của hiện tượng El Nino và tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn
hán, thiếu hụt nguồn nước trên địa bàn tỉnh Gia Lai; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện,
thị xã, thành phố triển khai thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại
Công điện số 397/CĐ-TTg ngày 13/5/2023 và Công văn số 3222/BNN-TL ngày
19/5/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chủ động triển khai các
biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, xâm, nhập
mặn; trong đó, tập trung vào một số nội dung sau:
1. UBND các huyện, thị xã,
thành phố:
- Chỉ đạo kiểm tra, đánh giá thực
trạng nguồn nước tại các hồ chứa, công trình thuỷ lợi, cấp nước trên địa bàn,
tính toán cân bằng nguồn nước, có kế hoạch phân phối nước cụ thể cho từng công
trình và điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt dựa trên nguyên tắc ưu
tiên cung cấp các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, chăn nuôi,..).
- Căn cứ tình hình cụ thể về
nguồn nước và khả năng cấp nước, điều chỉnh mùa vụ, cơ cấu cây trồng phù hợp.
Tăng cường thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước cho các
vùng canh tác ngoài phạm vi cấp nước tưới của công trình thủy lợi; tuân thủ
khuyến cáo của cơ quan chuyên môn liên quan đến lịch thời vụ để tổ chức sản xuất,
nhằm hạn chế nguy cơ thiệt hại do hạn hán, thiếu nước.
- Triển khai thực hiện nghiêm Kế
hoạch số 381/KH-SNNPTNT ngày 09/2/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn về phòng, chống hạn hán vụ Đông xuân năm 2022-2023 và vụ Mùa năm 2023 trên
địa bàn tỉnh Gia Lai. Rà soát, điều chỉnh phương án phòng chống hạn cụ thể cho
từng công trình, từng khu tưới (nếu cần thiết). Trong đó có tính đến biện pháp
cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất trong trường hợp nguồn nước bị thiếu hụt.
- Chủ động tổ chức nạo vét kênh
mương, các cửa vào cống lấy nước, trạm bơm tưới, ao, giếng, khơi thông dòng chảy.
Theo dõi và bám sát kế hoạch điều tiết nước của các công trình thủy lợi, thủy
điện để bố trí lấy nước cho phù hợp; tận dụng mọi nguồn nước cho sản xuất vụ
Mùa 2023; vụ Đông Xuân 2023- 2024. Đẩy nhanh tiến độ thi công sớm hoàn thành và
đưa vào sử dụng các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt.
- Tăng cường tuyên truyền, hướng
dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích trữ nước, đồng thời sử dụng hiệu quả,
tiết kiệm nước, triệt để, chống thất thoát, lãng phí nước. Theo dõi và điều hoà
lượng nước bơm, tưới giữa cây cà phê và cây lúa nước. Tuyệt đối không để xảy ra
việc tranh chấp nước phục vụ sản xuất trong Nhân dân.
- Chủ động thực hiện giải pháp
cung cấp nước, không để thiếu nước cho sinh hoạt và chăn nuôi, ảnh hưởng đến sức
khỏe, đời sống của Nhân dân. Rà soát các khu vực có nguy cơ thiếu hụt nguồn nước
cấp và khu vực thiếu nước sinh hoạt, thực hiện giải pháp cân đối, điều chỉnh kế
hoạch cấp nước và khuyến cáo sử dụng nước sinh hoạt tiết kiệm tới từng hộ,
thôn/ấp, xã; thực hiện các giải pháp nâng cấp, nâng cao khả năng trữ, mở rộng
tuyến ống tại các công trình cấp nước tập trung; phương án sử dụng trang thiết
bị phục vụ cấp, trữ nước và xử lý nước cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng, như
thiết lập các điểm cấp nước tập trung, bồn trữ nước,... Trường hợp cấp bách,
không còn nguồn cấp nước cho sinh hoạt, cần sử dụng các phương tiện lưu động chở
nước cung cấp đến từng cụm dân cư, hộ gia đình.
- Kiện toàn, củng cố hoạt động
của các tổ chức thuỷ lợi cơ sở, các đơn vị quản lý khai thác công trình thủy lợi;
tuyên truyền vận động người dân tham gia quản lý, điều tiết nguồn nước tưới nhất
là các kênh nội đồng, kênh mặt ruộng.
- Chủ động bố trí ngân sách địa
phương để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu
nước.
- Định kỳ trước ngày 25 hàng
tháng, báo cáo kết quả thực hiện các nội dung trên về Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
2. Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn:
- Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành, đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước tổng
thể cho giai đoạn từ năm 2023-2025, các giải pháp ứng phó với các kịch bản khác
nhau về khí tượng, thủy văn, nguồn nước do ảnh hưởng của El Nino, bao gồm trường
hợp El Nino có mức độ ảnh hưởng mạnh, kéo dài như đã xuất hiện trong các năm
2014-2016; báo cáo, đề xuất UBND tỉnh trước ngày 01/10/2023.
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến
nguồn nước, cung cấp thông tin kịp thời cảnh báo cho các địa phương và đơn vị
có liên để triển khai các giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước, điều chỉnh
kế hoạch gieo trồng phù hợp với tình hình nguồn nước.
- Hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu
cây trồng phù hợp, chuyển đổi diện tích trồng lúa ở vùng hạn hán, chưa bảo đảm
cấp nước sang cây trồng cạn. Hướng dẫn lịch thời vụ, phổ biến các biện pháp, kỹ
thuật gieo cấy, chăm sóc và bảo vệ cây trồng phù hợp với nguồn nước tưới.
- Chủ trì, phối hợp với các chủ
rừng rà soát các khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao, chuẩn bị
phương án phòng cháy chữa cháy cụ thể cho từng địa phương, tăng cường kiểm tra
kịp thời phát hiện các điểm cháy rừng và triển khai các biện pháp chữa cháy rừng
có hiệu quả theo phương châm “4 tại chỗ” kiên quyết không để xảy ra cháy
lớn.
- Tổng hợp tình hình hạn, thiếu
nước ở các địa phương; chủ động phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan
tham mưu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, hỗ trợ kinh phí để thực hiện các
giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định
của pháp luật.
- Định kỳ, tổng hợp báo cáo kết
quả thực hiện và tình hình mực nước các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh về
UBND tỉnh.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Phối hợp với Sở Công Thương,
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện, thị xã, thành phố và
các đơn vị vận hành khai thác các hồ chứa thuỷ điện, thủy lợi xây dựng kế hoạch
xả nước về hạ du để phục vụ sản xuất, sinh hoạt của Nhân dân khi hạn hán xảy
ra.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát
Công ty thủy điện An Khê-Ka Nak vận hành xả nước về hạ du theo đúng quy định tại
Quyết định 878/QĐ-TTg ngày 18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy
trình vận hành liên hồ chứa trên Sông Ba và các công trình thủy điện khác trên
địa bàn tỉnh.
- Thường xuyên cung cấp kết quả
giám sát, kiểm tra việc vận hành và tổng hợp kế hoạch lịch điều tiết nước về hạ
du công trình của Công ty Thủy điện An Khê-Ka Nak và các công trình thủy điện
khác trên địa bàn tỉnh gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp,
báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo.
4. Sở Công Thương:
- Chỉ đạo, kiểm tra các chủ hồ,
đập thủy điện vận hành điều tiết dòng chảy ở khu vực hạ du theo đúng Quy trình
vận hành liên hồ chứa, Quy trình vận hành hồ chứa đã được cấp thẩm quyền ban
hành.
- Chủ động phối hợp với Sở Tài
nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, đề xuất
Kế hoạch xả nước về hạ du ở các hồ chứa thuỷ điện để phục vụ sinh hoạt và sản
xuất trong trường hợp hạn hán, thiếu nước.
- Phối hợp chặt chẽ với các cơ
quan, đơn vị và địa phương liên quan xây dựng phương án, kế hoạch cung ứng điện
phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất - kinh doanh và cho công tác phòng, chống hạn
trên địa bàn tỉnh.
5. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch
và Đầu tư: Trên cơ sở tổng hợp, đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn; theo chức năng, nhiệm vụ được giao để tham mưu, đề xuất cấp có thẩm
quyền xem xét, hỗ trợ kinh phí thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán,
thiếu nước trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của pháp luật.
6. Đài Khí tượng Thủy văn
khu vực Tây Nguyên: Theo dõi sát diễn biến thời tiết, tăng cường dự báo, cảnh
báo, nhận định về tình hình khí tượng thuỷ văn; kịp thời cung cấp dự báo sớm
các khả năng xuất hiện và diễn biến của các tình huống phức tạp về thời tiết,
nguồn nước cho Ban chỉ huy PCTT và TKCN các cấp để chủ động chỉ đạo đối phó với
mọi tình huống bất lợi có thể xảy ra.
7. Sở Thông tin và Truyền
thông, Báo Gia Lai, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Theo chức năng, nhiệm
vụ được giao tăng cường thông tin, truyền thông về tình hình và các biện pháp
phòng, chống hạn hán, thiếu nước; sử dụng điện, nước tiết kiệm, hiệu quả.
8. Công ty TNHH MTV Khai
thác công trình thuỷ lợi Gia Lai
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến
thời tiết, tổ chức vận hành các hồ chứa thuỷ lợi theo quy trình vận hành được cấp
thẩm quyền ban hành. Thường xuyên đánh giá trữ lượng nước và khả năng tưới của
từng công trình thuỷ lợi để điều chỉnh kế hoạch cấp nước cho từng công trình.
- Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành
công tác sửa chữa, bảo trì các hạng mục công trình, khẩn trương nạo vét kênh
mương, cửa vào cống lấy nước để đảm bảo dẫn nước.
- Đối với công trình có khả
năng thiếu nước, lập kế hoạch tưới luân phiên cho cây trồng một cách hợp lí; ưu
tiên nước cho sinh hoạt, sản xuất chăn nuôi, công nghiệp, tưới cho cây trồng
trong thời kỳ trổ bông, làm đòng, đảm bảo tưới tiết kiệm nước, tránh thất
thoát, lãng phí nước.
- Xây dựng phương án phòng chống
hạn cụ thể cho từng công trình, từng khu tưới. Trong đó ưu tiên nguồn nước cấp
cho sinh hoạt, sản xuất của người dân trong trường hợp nguồn nước bị thiếu hụt.
- Báo cáo tình hình mực nước,
lượng trữ nước ở các công trình về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định
kỳ vào thứ 4 hàng tuần để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo.
9. Tổng công ty Cà phê Việt
Nam, Binh đoàn 15:
Chỉ đạo các doanh nghiệp trực
thuộc có quản lý, khai thác hồ chứa thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh:
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến
thời tiết, tổ chức vận hành các hồ chứa thuỷ lợi theo quy trình vận hành được cấp
thẩm quyền ban hành. Thường xuyên đánh giá trữ lượng nước và khả năng tưới của
từng công trình thuỷ lợi để điều chỉnh kế hoạch cấp nước cho từng công trình. Đẩy
nhanh tiến độ hoàn thành công tác sửa chữa, bảo trì các hạng mục công trình, khẩn
trương nạo vét kênh mương, cửa vào cống lấy nước để đảm bảo dẫn nước.
- Xây dựng phương án phòng chống
hạn cụ thể cho từng công trình, từng khu tưới. Trong đó ưu tiên nguồn nước cấp
cho sinh hoạt, sản xuất của người dân trong trường hợp nguồn nước bị thiếu hụt.
- Báo cáo tình hình mực nước,
lượng trữ nước ở các công trình về Sở Nông nghiệp và PTNT định kỳ vào thứ 4
hàng tuần để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo.
(Gửi
kèm Công điện số 397/CĐ-TTg và Công văn số 3222/BNN-TL)
Yêu cầu các sở, ngành, đơn vị
có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ
thị này./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (báo cáo);
- TT Tỉnh Ủy; TT HĐND tỉnh (báo cáo);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ngành, đơn vị là thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thuỷ lợi Gia Lai; Tổng công ty Cà phê
Việt Nam, Binh đoàn 15 (Sở Nông nghiệp và PTNT sao gửi);
- Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Gia Lai;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu VT, KTTH, CNXD, NL.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Dương Mah Tiệp
|