UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 04/2008/CT-UBND
|
Thủ Dầu Một, ngày
16 tháng 4 năm 2008
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG
CƯỜNG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG LỤT, BÃO, TÌM KIẾM CỨU NẠN VÀ GIẢM NHẸ THIÊN TAI
NĂM 2008
Thực hiện Quyết định số 63/2002/QĐ-TTg ngày
20/5/2002 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống lụt, bão, giảm nhẹ
thiên tai và Chỉ thị số 08/2008/CT-TTg ngày 26/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ
về công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2008.
Để chủ động phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm
cứu nạn, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai, bão, lũ gây ra
trong mùa mưa lũ năm 2008. Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị các sở, ngành và Uỷ ban
nhân dân các huyện, thị xã Thủ Dầu Một thực hiện tốt một số việc sau:
1. Tổ chức tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm
công tác chỉ đạo phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn năm 2007 để có cơ sở
xây dựng kế hoạch, phương án chủ động phòng, chống và khắc phục hậu quả lụt,
bão năm 2008 kịp thời và hiệu quả.
Phải xác định phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ
thường xuyên, nhất là trong mùa mưa bão; có kế hoạch phối hợp chặt chẽ các lực
lượng ứng cứu, chỉ đạo kịp thời, đồng bộ để phát huy sức mạnh tổng hợp, chủ
động phòng chống, đối phó kịp thời với mọi tình huống bất lợi khi có lũ, bão,
thiên tai xảy ra, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của
Nhà nước và nhân dân.
2. Củng cố, kiện toàn tổ chức Ban Chỉ huy phòng,
chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn các ngành, các cấp, đảm bảo hoạt động có
hiệu quả. Rà soát hoàn thiện kế hoạch, phương án phòng, chống lụt, bão và tìm
kiếm cứu nạn sát với thực tế và đặc điểm của từng ngành, từng địa phương; tổ
chức diễn tập phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn ở những vùng và địa
phương có nguy cơ xảy ra lũ, lụt cao.
Củng cố các mạng thông tin liên lạc, hệ thống dự
báo, cảnh báo nhằm đảm bảo kịp thời thông tin thông suốt đến tận người dân biết
và chủ động phòng tránh lụt, bão.
Thực hiện nghiêm chế độ trực ban phòng, chống
lụt, bão theo quy định, báo cáo kịp thời trong mùa mưa lũ, bão năm 2008.
3. Quán triệt và tổ chức thực hiện triệt để, có
hiệu quả phương châm: “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư,
phương tiện và kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ), huy động các nguồn lực của
địa phương theo quy định để làm tốt công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên
tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn xảy ra trên địa bàn. Chủ động sử dụng ngân
sách địa phương, quỹ phòng, chống lụt, bão và các nguồn kinh phí khác theo quy
định để phòng, chống và khắc phục hậu quả bão, lũ, thiên tai có hiệu quả, sớm
ổn định sản xuất và đời sống nhân dân vùng bị thiên tai.
4. Tăng cường kiểm tra các công trình thủy lợi
như: hồ, đập, cản dâng nước, đê bao… trên địa bàn để kịp thời phát hiện các sự
cố và hoàn thành công tác sửa chữa trước mùa mưa lũ, đảm bảo an toàn cho công
trình và dân cư ở vùng hạ du.
Rà soát bổ sung để hoàn thiện quy trình vận
hành, điều tiết các hồ chứa và tổ chức vận hành theo đúng quy trình nhằm đảm
bảo an toàn công trình trong mùa mưa lũ. Các đơn vị quản lý khai thác công
trình thủy lợi thành lập Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão và tổ chức thực hiện
phương án phòng, chống lụt, bão cụ thể cho từng công trình hồ chứa, đê bao ngăn
lũ do đơn vị quản lý. Có kế hoạch phối hợp Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão
địa phương nơi có công trình, chỉ đạo, xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố.
Các công trình xây dựng đang thi công như: cầu
cống, đường giao thông, hệ thống thoát nước… ở các vùng trọng điểm và các khu
công nghiệp cần có kế hoạch, phương án đảm bảo an toàn công trình và không gây
ảnh hưởng đến việc tiêu thoát nước trong mùa mưa lũ.
Chủ đầu tư các công trình tiêu thoát nước cho
các khu công nghiệp, đô thị phải có biện pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện sớm
đưa công trình vào sử dụng phục vụ tiêu thoát nước tránh ngập úng.
5. Đối với vùng trũng thấp ven các sông: Sài
Gòn, Đồng Nai, Sông Bé, đặc biệt là các khu vực có nguy cơ sạt lở, đê bao… các
khu vực xung yếu, các vùng trọng điểm ở hạ lưu các khu công nghiệp và khu dân
cư phải thường xuyên kiểm tra để phát hiện kịp thời sự cố và có biện pháp khắc
phục hoặc sửa chữa ngay, đồng thời chủ động tổ chức nạo vét, khai thông dòng
chảy các suối, rạch và các công trình tiêu thoát nước trên địa bàn; xử lý triệt
để các hộ dân san lấp mặt bằng, xây dựng công trình lấn chiếm dòng chảy.
Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão các huyện, thị
và xã, phường, thị trấn ven sông Sài Gòn tăng cường công tác quản lý các mốc
chỉ giới hành lang thoát lũ hồ Dầu Tiếng đã nhận bàn giao; tổ chức bảo quản
chặt chẽ và nghiêm cấm di dời mốc chỉ giới khi chưa được sự chấp thuận của cơ
quan chuyên môn. Điều tra nắm tình hình kinh tế, xã hội, dân cư trong hành lang
thoát lũ để lập phương án phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn phù hợp với
từng cấp lưu lượng xả lũ.
Đối với các vùng thường xảy ra hiện tượng lốc
xoáy, lũ quét, sét đánh trong mùa mưa (đây là loại hình thiên tai nguy hiểm,
diễn ra bất ngờ và không thể dự báo trước được) cần tăng cường công tác tuyên
truyền cho nhân dân nhận thức được nguy hiểm của loại hình thiên tai này để chủ
động phòng tránh; vận động nhân dân thường xuyên kiểm tra, chằng néo, gia cố
vững chắc nhà cửa; khi xây dựng nhà ở, nhà trọ, công trình kiến trúc khác đặc
biệt lưu ý kết cấu vững chắc đảm bảo an toàn khi có lốc xoáy; không ra ngoài
khi có mưa, dông, sấm chớp, không trú mưa dưới gốc cây cao, vật kiến trúc không
chắc chắn; chặt mé những cây có khả năng gãy đổ ảnh hưởng đến tính mạng và tài
sản của nhân dân.
6. Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão các ngành,
các cấp trong tỉnh ngoài việc làm tốt công tác phòng, chống lụt, bão trên địa
bàn mình phụ trách, còn phải chuẩn bị sẵn sàng lực lượng ứng cứu và khắc phục
hậu quả thiên tai theo sự điều động của Uỷ ban nhân dân, Ban Chỉ huy phòng
chống lụt bão tỉnh.
Tổ chức kiểm tra, rà soát và xác định cụ thể về
số lượng, chủng loại phương tiện, vật tư phục vụ cho công tác phòng, chống lụt,
bão và tìm kiếm cứu nạn hiện có trên địa bàn; trên cơ sở đó có kế hoạch bảo
quản, bổ sung nhằm đảm bảo đủ cơ số cần thiết theo quy định để có thể huy động
kịp thời khi có thiên tai xảy ra.
Xây dựng kế hoạch, phương án, tổ chức bố trí lực
lượng, phương tiện để sẵn sàng ứng cứu khi cần thiết. Tăng cường công tác kiểm
tra, đôn đốc công tác phòng, chống lụt, bão ở các địa phương, các vùng trọng
điểm, xung yếu và các công trình hồ chứa, đê bao ngăn lũ trên địa bàn tỉnh.
7. Các cơ quan thông tin đại chúng, các huyện,
thị và xã, phường, thị trấn tổ chức tuyên truyền phổ biến kiến thức và biện
pháp về phòng, chống lụt, bão, tìm kiếm cứu nạn và giảm nhẹ thiên tai; chủ
trương chính sách của Nhà nước về quản lý phòng, chống lụt, bão và các biện
pháp phòng, tránh thiên tai để người dân chủ động phòng tránh cho chính bản
thân, gia đình và tham gia cùng cộng đồng trong việc phòng, tránh và khắc phục
hậu quả thiên tai xảy ra.
8. Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão các
ngành, các cấp địa phương triển khai thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị này và báo
cáo kịp thời về Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão tỉnh
theo địa chỉ: Chi cục Thủy lợi Bình Dương, số 89 đường Đoàn Thị Liên, phường
Phú Lợi, thị xã Thủ Dầu Một. Điện thoại: 829389, Fax: 829955.
Ban Chỉ huy phòng, chống lụt, bão tỉnh, Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện
Chỉ thị này và thường xuyên báo cáo kết quả về Uỷ ban nhân dân tỉnh biết chỉ
đạo./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Thị Kim Vân
|