ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH LÀO CAI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
03/2015/CT-UBND
|
Lào Cai, ngày 16 tháng 11 năm 2015
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ CHẤT THẢI
NGUY HẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
Trong thời
gian qua, thực hiện Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành,
UBND tỉnh đã có nhiều chương trình, dự án, kế hoạch và chỉ đạo các cấp, các
ngành tăng cường công tác quản lý chất thải, chất thải nguy hại (CTNH) trên địa
bàn tỉnh. Việc thu gom, xử lý CTNH của các tổ chức, cá nhân được quan tâm, chú
trọng và thực hiện tương đối nghiêm túc, một số cơ sở sản xuất trong các khu, cụm
công nghiệp đã tiến hành phân loại, thu gom, lưu giữ và chuyển giao CTNH cho
các đơn vị có đủ năng lực xử lý theo quy định. Đối với CTNH y tế phát sinh từ
các bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh; tuyến huyện và một số phòng khám đa khoa khu
vực đã phân loại tại nguồn, được hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách của Trung
ương đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải và chất thải rắn (lò đốt) để xử
lý đảm bảo tiêu chuẩn thải.
Tuy nhiên,
bên cạnh kết quả đạt được thì vẫn còn đơn vị thực hiện chưa đúng các quy định về
quản lý CTNH như: CTNH thu gom chưa triệt để, còn để ngoài trời không có mái
che, để lẫn với chất thải thông thường, chưa bố trí khu vực lưu giữ tạm thời,
thùng chứa theo quy định; lượng CTNH được chuyển giao, xử lý thấp mới đạt khoảng
8,7%, cá biệt vẫn có đơn vị thải trực tiếp CTNH ra môi trường gây bức xúc trong
dư luận.
Tại vùng
nông thôn, các loại vỏ chai lọ, bao bì đựng hóa chất bảo vệ thực vật thải ra
chưa được thu gom, xử lý triệt để, đây là nguồn gây tác động ảnh hưởng đến cuộc
sống và sức khỏe cộng đồng trong hiện tại và tương lai.
Nguyên nhân
dẫn đến tình trạng trên là do nhận thức của một bộ phận cán bộ, nhân dân và
doanh nghiệp đối với tác hại của CTNH còn chưa đúng mức, đặc biệt là việc quản
lý CTNH còn hạn chế, công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, chưa có sự phối hợp
chặt chẽ của các ngành trong công tác kiểm tra, giám sát việc thu gom, xử lý
CTNH.
Để tăng cường
công tác quản lý CTNH trên địa bàn tỉnh, đầu tư hạ tầng cơ sở xử lý CTNH, khuyến
khích các đơn vị tự xử lý, đầu tư hệ thống sản xuất ra các sản phẩm với nguồn
nguyên liệu là các loại CTNH phát sinh của đơn vị nhằm phòng ngừa, giảm thiểu
tác hại của CTNH, nâng cao nhận thức đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn
tỉnh, UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo tập trung thực hiện tốt các vấn đề sau:
1. Nhiệm vụ và giải pháp
1.1. Các sở,
ban, ngành; tổ chức chính trị xã hội; UBND các huyện, thành phố Lào Cai; các cơ
quan thông tin đại chúng tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn
các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh thực hiện những quy định về quản lý CTNH
theo các văn bản hiện hành.
a) Xây dựng
các chuyên mục, phóng sự, phim tài liệu, bài viết,… trên các phương tiện thông
tin đại chúng (báo Lào Cai, Đài Phát thanh và Truyền hình…) giúp các tổ chức,
cá nhân hiểu rõ quy định của pháp luật về môi trường; kịp thời tuyên dương, khen
ngợi các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường; thường
xuyên nắm bắt và chuyển các kiến nghị của bạn đọc, xem truyền hình, nghe đài đến
các cơ quan chức năng để xem xét, giải quyết và trả lời theo quy định của pháp
luật. Xây dựng kịch bản tuyên truyền về bảo vệ môi trường, hướng dẫn cách thức
phân loại CTNH tại nguồn, việc thu gom, xử lý, tái chế, tái sử dụng CTNH với nội
dung và hình thức gần gũi, dễ hiểu và thiết thực đối với nhân dân.
b) Lồng
ghép tuyên truyền nội dung quản lý CTNH trong các ngày lễ về môi trường (Ngày
môi trường Thế giới 5/6; Chiến dịch Làm cho thế giới sạch hơn); Treo các khẩu
hiệu, pano tuyên truyền về CTNH tại các tuyến đường phố chính, khu tập trung
đông dân cư trên địa bàn thành phố và trung tâm huyện. Đối với các thôn, bản nằm
xa trung tâm, thực hiện lồng ghép việc tuyên truyền đến người dân trong các buổi
sinh hoạt, họp thôn bản.
c) Nhân rộng
các mô hình làm tốt công tác bảo vệ môi trường, thu gom xử lý, tái sử dụng, tái
chế CTNH; Công khai các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không chấp hành các quy định
về quản lý CTNH.
1.2. Xã hội
hóa đầu tư xây dựng nhà máy xử lý chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh. Sở Kế
hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các ngành có liên quan tham mưu về các chính
sách ưu đãi, hỗ trợ (đất đai, thuế, vốn tín dụng,…) đối với các dự án đầu tư
xây dựng các khu xử lý CTNH theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh.
1.3. Tăng
cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh, kịp thời
các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, quản lý chất thải nguy hại;
kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển CTNH xuyên biên giới qua cửa khẩu Quốc tế
Lào Cai.
1.4. Các cá
nhân, tổ chức trong hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải
nguy hại (gọi tắt là chủ nguồn thải CTNH) thực hiện tốt các yêu cầu sau:
a) Thực hiện
nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường trong báo cáo đánh giá tác động
môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường được phê duyệt; tích cực áp dụng các biện
pháp nhằm giảm thiểu phát sinh chất thải nguy hại.
b) Trang bị
đầy đủ phương tiện, thiết bị thu gom, lưu giữ CTNH, đánh ô, mã số và thực hiện
phân loại triệt để CTNH tại nguồn, bố trí khu vực lưu giữ tạm thời chất thải
nguy hại đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và quy trình quản lý theo quy định.
c) Thực hiện
đăng ký chủ nguồn thải CTNH; trường hợp không tự tái sử dụng, tái chế, đồng xử
lý, xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải nguy hại tại cơ sở, Chủ nguồn thải
CTNH phải ký hợp đồng chuyển giao chất thải nguy hại với tổ chức, cá nhân có giấy
phép phù hợp; lập báo cáo công tác quản lý CTNH định kỳ theo quy định.
d) Tổ chức,
cá nhân được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép và mã số quản lý
CTNH mới được tham gia thu gom, vận chuyển và xử lý CTNH.
đ) Tăng cường
nghiên cứu ứng dụng công nghệ tự xử lý, đồng xử lý hoặc tái chế, tái sử dụng
CTNH đối với dự án do tổ chức, cá nhân quản lý.
2. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành
2.1. Sở Tài
nguyên và Môi trường
a) Tăng cường
công tác quản lý nhà nước đối với chất thải nguy hại, trong đó chú trọng quản
lý và cấp sổ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại cho các chủ nguồn thải
chất thải nguy hại; hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký cấp phép
quản lý CTNH theo quy định.
b) Tăng cường
công tác thanh tra, kiểm tra công tác quản lý chất thải nguy hại; quản lý các hồ
sơ, báo cáo, hợp đồng, chứng từ của chủ nguồn thải chất thải nguy hại trong phạm
vi địa phương mình. Chịu trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh về việc thu gom và xử lý
chất thải nguy hại trên địa bàn tỉnh.
c) Nâng cao
chất lượng công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, Đề án bảo vệ
môi trường chi tiết và Kế hoạch bảo vệ môi trường theo thẩm quyền phân cấp. Hướng
dẫn UBND các huyện, thành phố làm tốt công tác thẩm định và xác nhận Kế hoạch bảo
vệ môi trường, Đề án bảo vệ môi trường đơn giản cho các dự án đầu tư đặc biệt
chú trọng công tác quản lý CTNH; giám sát chặt chẽ việc thực hiện các nội dung
của Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Kế hoạch Bảo vệ môi trường, Đề án bảo
vệ môi trường đã được phê duyệt và xác nhận.
d) Theo
dõi, giám sát, đánh giá tình hình ô nhiễm môi trường do CTNH trên địa bàn tỉnh.
đ) Hướng dẫn
thực hiện và áp dụng các kỹ thuật, công nghệ, tiêu chuẩn và quy chuẩn môi trường
trong lĩnh vực xử lý chất thải rắn thông thường và chất thải nguy hại. e) Tăng
cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường
nói chung và quản lý CTNH nói riêng. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn các doanh nghiệp
trên địa bàn áp dụng, thực hiện đúng những quy định của Bộ Tài nguyên và Môi
trường về quản lý chất thải nguy hại.
f) Phối hợp
với các ngành liên quan tham mưu về các chính sách ưu tiên, xã hội hóa để thu
hút tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn nói chung
và CTNH phát sinh trong hoạt động sản xuất, nông nghiệp.
2.2. Ban
Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai
a) Thường
xuyên rà soát và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động trong khu, cụm công
nghiệp (thuộc phạm vi quản lý) có phát sinh CTNH thực hiện nghiêm túc các quy định
về quản lý CTNH.
b) Cập nhật,
thông tin kịp thời các sự cố môi trường xảy ra tại khu, cụm công nghiệp (thuộc
phạm vi quản lý), đặc biệt là các sự cố có liên quan đến CTNH cho các ngành, địa
phương để phối hợp chỉ đạo xử lý.
2.3. Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Tổ chức
hướng dẫn và tăng cường kiểm tra các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu, kinh
doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y thực hiện đúng các quy định
của pháp luật về BVMT và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Nghiêm cấm
không được kinh doanh, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y đã hết
hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục Nhà nước cho phép.
b) Hướng dẫn
tổ chức, cá nhân thu gom chai lọ, bao bì đựng hóa chất bảo vệ thực vật sau khi
sử dụng để xử lý. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện quản lý hóa chất,
bao bì hóa chất bảo vệ thực vật theo đúng quy định.
2.4. Sở
Xây dựng
Tham mưu
cho UBND tỉnh xây dựng, phê duyệt quy hoạch khu xử lý chất thải rắn nói chung
và khu xử lý chất thải nguy hại nói riêng trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến năm
2020, tầm nhìn đến năm 2030.
2.5. Sở
Y tế
a) Tổ chức
hướng dẫn và yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh, kinh doanh, sản xuất thuốc, đào
tạo y dược trên địa bàn tỉnh nghiêm túc thực hiện các quy định về quản lý chất
thải y tế nguy hại:
- Phân loại
chất thải y tế, không để lẫn chất thải thông thường với CTNH. Tuyệt đối không
thu gom để tái chế chất thải y tế có dính, chứa thành phần nguy hại như: dây
truyền dịch, các loại ống dẫn lưu, bơm tiêm nhựa.
- Thực hiện
nghiêm túc việc đăng ký chủ nguồn thải CTNH tại Sở Tài nguyên và Môi trường
theo quy định.
- Chủ nguồn thải chất thải y tế nguy hại phải lập sổ giao nhận chất thải
y tế nguy hại đối với đơn vị vận chuyển xử lý CTNH. Định kỳ 1 năm/ lần báo cáo
việc xử lý CTNH cho Sở Y tế, Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, quản lý.
- Lựa chọn công nghệ phù hợp và xây dựng hệ thống xử lý chất thải nguy
hại đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường hiện hành. Thường xuyên kiểm tra, bảo
trì, vận hành công trình đúng quy trình, có biện pháp khắc phục kịp thời nếu xảy
ra sự cố môi trường.
b) Theo
dõi, thống kê lượng CTNH của ngành y tế. Giám sát, đánh giá và chịu trách nhiệm
trước UBND tỉnh các chỉ tiêu về thu gom, xử lý chất thải y tế trên địa bàn tỉnh.
2.6.
Công an tỉnh, Cục Hải quan, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng
a) Chỉ đạo
các lực lượng chức năng tăng cường công tác kiểm tra, phòng ngừa, phát hiện,
ngăn chặn, đấu tranh phòng chống tội phạm và các vi phạm hành chính về môi trường
đặc biệt là lĩnh vực quản lý CTNH.
b) Tiếp nhận,
xử lý, điều tra, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và vi phạm pháp luật
theo quy định của pháp luật về môi trường.
c) Phối hợp
với Sở Tài nguyên và Môi trường trong hoạt động kiểm soát vận chuyển CTNH xuyên
biên giới.
2.7. UBND
các huyện, thành phố Lào Cai
a) Tạo điều
kiện, hỗ trợ thủ tục pháp lý cho các tổ chức, cá nhân triển khai các dự án đầu
tư xử lý CTNH theo quy hoạch trên địa bàn.
b) Chỉ đạo
phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các phòng chức năng: Hướng
dẫn các chủ đầu tư, cơ sở sản xuất, kinh doanh lập Kế hoạch bảo vệ môi trường,
đề án bảo vệ môi trường đơn giản theo quy định; Yêu cầu các cơ sở có phương án
xử lý chất thải, phòng chống ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường đặc biệt là
việc thu gom, quản lý CTNH trước khi dự án đi vào hoạt động.
2.8. Các
sở, ban, ngành có liên quan; cơ quan thông tin đại chúng;chính quyền địa
phương, tổ chức chính trị xã hội
Có trách
nhiệm thực hiện các nhiệm vụ nêu tại mục 1.1 đến 1.3 và các nhiệm vụ khác theo
chức năng nhiệm vụ của đơn vị. Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường
trong việc thanh tra, kiểm tra công tác quản lý CTNH đối với các cơ sở trên địa
bàn tỉnh.
3. Tổ chức thực hiện
UBND tỉnh
yêu cầu Giám đốc các Sở, thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện,
thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc triển khai các nhiệm
vụ nêu trong Chỉ thị này; Định kỳ báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh (thông
qua Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp) trước ngày 20 tháng 12 hàng năm.
Giao Sở Tài
nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, kiểm
tra, đôn đốc việc thực hiện Chỉ thị; Báo cáo và tổng hợp kiến nghị, vướng mắc của
các ngành đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
Chỉ thị này
có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Doãn Văn Hưởng
|