Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 02/CT-TTg Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Trần Hồng Hà
Ngày ban hành: 24/01/2025 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/CT-TTg

Hà Nội, ngày 24 tháng 01 năm 2025

CHỈ THỊ

VỀ CÁC GIẢI PHÁP CẤP BÁCH TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC KIỂM SOÁT VÀ XỬ LÝ Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG NƯỚC MỘT SỐ LƯU VỰC SÔNG

Sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội trong gần ba thập kỷ qua đã đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia có tăng trưởng GDP cao khu vực Đông Nam Á nói riêng và trên thế giới nói chung. Bên cạnh các thành quả to lớn đã đạt được, các vấn đề về ô nhiễm môi trường đã ngày càng trở nên thách thức, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước mặt tại một số lưu vực sông, đoạn chảy qua các đô thị lớn hoặc nơi tập trung nhiều nguồn thải.

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đã không ngừng được đẩy mạnh, hành lang pháp lý về bảo vệ môi trường được hoàn thiện, hệ thống quan trắc môi trường được củng cố, công tác quản lý và kiểm soát các nguồn ô nhiễm, theo dõi diễn biến chất lượng môi trường được tăng cường. Tuy nhiên, trước áp lực của phát triển kinh tế, xã hội, các nỗ lực về bảo vệ môi trường còn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tế. Tình trạng xả nước thải, đặc biệt là nước thải sinh hoạt (viết tắt là NTSH) tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung, cụm dân cư và làng nghề chưa được qua xử lý đạt quy chuẩn môi trường vẫn còn phổ biến; hạ tầng kỹ thuật về môi trường chưa được đầu tư, vận hành đúng mức; hoạt động quản lý, phân bổ nguồn nước mặt chưa hiệu quả; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm chưa thực sự quyết liệt; nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư chưa cao; nguồn lực tài chính cho công tác thu gom, xử lý nước thải đô thị, làng nghề và cải tạo, phục hồi môi trường tại các đoạn sông bị ô nhiễm còn rất thiếu. Một số điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước đã hình thành trong một thời gian dài trên các lưu vực sông, nhưng chưa có dấu hiệu cải thiện. Thậm chí, tại một số nơi, mức độ ô nhiễm đã ngày càng nghiêm trọng hơn, phạm vi không gian mở rộng và thời gian ô nhiễm kéo dài hơn, đặc biệt là tại lưu vực sông Cầu, lưu vực sông Nhuệ - Đáy, lưu vực sông Đồng Nai và hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải (tại Chỉ thị này viết tắt là các lưu vực sông).

Nhằm tăng cường hiệu quả công tác kiểm soát, xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường nước các lưu vực sông, thực thi hiệu quả các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tiến tới giảm thiểu và xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm nước tại một số điểm nóng trên các lưu vực sông, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách như sau:

1. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp chung

a) Ủy ban nhân dân (viết tắt là UBND) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên địa bàn các lưu vực sông khẩn trương thực hiện các nội dung sau:

- Thống kê và phân loại các nguồn thải trên địa bàn có tác động đến chất lượng nước các lưu vực sông, lập danh mục (theo loại hình và quy mô xả thải) để kiểm soát chặt chẽ, gửi danh mục nguồn thải về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp trước ngày 31 tháng 12 năm 2025.

- Tổ chức thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gửi báo cáo kết quả thực hiện năm 2024 cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30 tháng 6 năm 2025 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện quy hoạch cấp tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đầu tư đồng bộ công trình hạ tầng về bảo vệ môi trường cho các khu đô thị, khu dân cư tập trung, làng nghề, cụm công nghiệp; bố trí quỹ đất và triển khai các thủ tục đầu tư, nâng cấp hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy hoạch được phê duyệt; ban hành đơn giá dịch vụ xử lý nước thải; đầu tư kinh phí, hoàn thành đúng tiến độ các dự án, nhiệm vụ bảo vệ môi trường lưu vực sông đã được phê duyệt. Mục tiêu đến ngày 31 tháng 12 năm 2025, 92% các khu công nghiệp, 60% cụm công nghiệp trên địa bàn có hạ tầng thu gom và xử lý nước thải tập trung vận hành đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; 100% các làng nghề có phát sinh nước thải sản xuất có phương án thu gom và xử lý nước thải tập trung, 50% nước thải từ các làng nghề được thu gom và xử lý; 30% NTSH đô thị được thu gom và xử lý; 40% NTSH nông thôn được xử lý bằng các biện pháp tập trung hoặc phân tán phù hợp.

b) Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan:

- Tổng hợp danh mục các nguồn thải có lưu lượng xả nước thải từ 200 m3/ngày đêm trở lên vào các lưu vực sông cần được kiểm soát chặt chẽ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 6 năm 2025; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện các biện pháp kiểm soát các nguồn thải lớn gây ô nhiễm các lưu vực sông.

- Tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề về chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở do Bộ cấp phép môi trường và xử lý vi phạm theo quy định; tổng hợp kết quả công tác thanh tra, kiểm tra trên các lưu vực sông, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 6 năm 2025.

- Rà soát mạng lưới các điểm quan trắc, bổ sung các điểm, trạm quan trắc (bao gồm cả tự động, liên tục) tại vị trí đặc biệt ô nhiễm; trường hợp mực nước thấp, dòng chảy lưu thông kém, thông báo kịp thời cho cơ quan, đơn vị liên quan để điều tiết hoạt động bổ cập nước, tạo nguồn nhằm tăng khả năng tự làm sạch của sông.

- Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các kế hoạch quản lý chất lượng nước đối với các lưu vực sông nêu trên, hoàn thiện trước ngày 30 tháng 9 năm 2025 để phê duyệt và tổ chức thực hiện; tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ thành lập tổ chức lưu vực sông thực hiện nhiệm vụ điều phối, giám sát hoạt động quản lý, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường nước theo quy định pháp luật; xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Đề án thí điểm cải thiện, phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm tại sông Nhuệ - Đáy, sông Cầu, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải vào năm 2026.

c) Bộ Xây dựng: chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương trên các lưu vực sông rà soát hạ tầng thu gom và xử lý nước thải tại toàn bộ các đô thị từ loại V trở lên, đề xuất phương án, giải pháp thúc đẩy các dự án đầu tư xây dựng nhà máy thu gom, xử lý NTSH tập trung, rà soát đơn giá, định mức, đề xuất cơ chế tài chính đối với dịch vụ thu gom, xử lý nước thải nhằm thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, vận hành hệ thống xử lý nước thải, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 6 năm 2025.

d) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: chỉ đạo đánh giá mức độ tác động từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp đến môi trường nước tại các lưu vực sông trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ lần thứ nhất trước ngày 30 tháng 6 năm 2025 và cập nhật thông tin hàng năm; đề xuất giải pháp tuần hoàn, sử dụng hợp lý tài nguyên nước (bao gồm cả các loại nước thải) trong hoạt động sản xuất nông nghiệp. Chỉ đạo hoàn thiện và thực hiện quy chế tiếp nhận thông tin để vận hành quy trình điều tiết, bổ cập nước (thông qua hệ thống các trạm bơm, trạm bơm dã chiến) cho các dòng chảy (đặc biệt vào mùa khô) thuộc các lưu vực sông; chỉ đạo xây dựng, điều chỉnh quy trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, trong đó, bổ sung yêu cầu đối với việc duy trì dòng chảy tối thiểu liên tục trong hệ thống, hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 năm 2025.

đ) Bộ Công an: tổ chức các hoạt động điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đối với việc xả nước thải, chất thải rắn gây ô nhiễm nguồn nước các lưu vực sông trên; phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để xử lý nghiêm và công khai một số trường hợp điển hình cố tình chây ỳ, không chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tạo hiệu ứng răn đe trong cộng đồng doanh nghiệp; xem xét xử lý hình sự đối với các hành vi cố tình xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

e) Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo thẩm quyền rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành về thu hút đầu tư, xã hội hóa các hoạt động trong lĩnh vực môi trường, trong đó bao gồm thu hút đầu tư, xã hội hóa đầu tư hệ thống thu gom, xử lý NTSH tập trung, phi tập trung, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 6 năm 2025; đề xuất phân bổ nguồn lực từ ngân sách nhà nước và các nguồn đầu tư khác (nguồn chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn dự án hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)...) ưu tiên cho xây dựng hạ tầng thu gom, xử lý NTSH tập trung tại các đô thị loại V trở lên theo quy định của Luật Đầu tư công.

g) Bộ Tài chính: nghiên cứu và rà soát phí bảo vệ môi trường đối với nước thải nhằm nâng cao trách nhiệm của đối tượng gây ô nhiễm, tạo nguồn thu vào ngân sách nhà nước để sử dụng cho các hoạt động khắc phục tình trạng ô nhiễm tại các lưu vực sông theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

2. Nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho một số lưu vực sông

a) Đối với lưu vực sông Cầu

- UBND các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, UBND thành phố Hà Nội khẩn trương chỉ đạo, thực hiện các giải pháp xử lý triệt để các nguồn thải gây ô nhiễm lưu vực sông, tập trung xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm sông Ngũ Huyện Khê trên địa bàn tỉnh mình, bao gồm: (i) Hoàn thiện hệ thống thu gom để vận hành nhà máy xử lý nước thải làng nghề Phong Khê, hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2025; (ii) Vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung của cụm công nghiệp Phú Lâm trước ngày 31 tháng 3 năm 2025; đấu nối, thu gom, xử lý nước thải của cụm công nghiệp Phong Khê 1, 2, hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2025; (iii) Buộc các hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ hoạt động tại các làng nghề Phong Khê, Châu Khê, Hương Mạc, Phù Khê, Đồng Quang và các cụm công nghiệp Phú Lâm, Phong Khê 2 phải đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định; hoặc phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoặc di dời vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã có đầy đủ cơ sở hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường; (iv) Xử lý các điểm tập kết chất thải rắn không đúng quy định dọc sông Ngũ Huyện Khê; (v) Tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước tại làng nghề Phong Khê, cụm công nghiệp Phú Lâm; (vi) Xem xét tạm thời không cấp phép đầu tư mới hoặc cho phép mở rộng quy mô sản xuất đối với các cơ sở có nguồn thải vào sông Ngũ Huyện Khê; (vii) Lập kế hoạch thực hiện để đến năm 2025, các cơ sở hiện đang hoạt động có xả nước thải vào sông Ngũ Huyện Khê có phương án xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng nước mặt hoặc có phương án tuần hoàn, tái sử dụng, không làm phát sinh nước thải.

- UBND tỉnh Thái Nguyên xây dựng lộ trình và triển khai các biện pháp khắc phục dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại điểm cầu Bóng Tối, hoàn thành và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 12 năm 2025.

b) Đối với lưu vực sông Nhuệ - Đáy

- UBND thành phố Hà Nội tập trung xây dựng và triển khai các dự án thu gom, xử lý NTSH; cải tạo phục hồi môi trường nước, nạo vét, khơi thông dòng chảy các đoạn sông nội đô (Tô Lịch, Nhuệ, Lừ, Sét, Kim Ngưu) đang bị ô nhiễm nặng; điều chỉnh quy trình vận hành cống Thanh Liệt và trạm bơm Yên Sở; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm bơm Liên Mạc, hoàn thành trước ngày 31/12/2025; đẩy nhanh tiến độ xây dựng trạm xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000 m3/ngày đêm, đưa vào vận hành chính thức trước ngày 30 tháng 6 năm 2025; rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành đập Đồng Quan, hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 năm 2025.

- UBND tỉnh Hà Nam hoàn thiện hệ thống thu gom thoát nước và xử lý nước thải khu đô thị, khu dân cư tập trung; vận hành hiệu quả các trạm xử lý nước thải đã được đầu tư xây dựng; xử lý dứt điểm các hộ sản xuất có phát sinh nước thải tẩy, nhuộm tại làng nghề Nha Xá; rà soát, điều chỉnh quy trình vận hành trạm bơm cầu Nhật Tựu, Hoành Uyển, hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 năm 2025; tổ chức xây dựng và triển khai các dự án cải tạo phục hồi môi trường, khơi thông dòng chảy nhằm giải quyết ô nhiễm nước sông Châu Giang, hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2025; thực hiện giải pháp chuyển nguồn cấp nước sinh hoạt cho các nhà máy cấp nước của tỉnh từ các nguồn nước sạch thay thế (sông Hồng).

- UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo hoàn thành xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu xử lý, chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt cho thành phố Hòa Bình và các huyện lân cận.

c) Đối với lưu vực sông Đồng Nai

UBND Thành phố Hồ Chí Minh: xây dựng và vận hành các dự án thoát nước, xử lý nước thải và các dự án cải tạo phục hồi môi trường nước, khơi thông dòng chảy tại các đoạn sông chảy qua các khu vực đô thị, đặc biệt là điểm nóng ô nhiễm trên sông Sài Gòn (đoạn từ cửa sông Thị Tính về phía hạ lưu), hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2025; phối hợp với UBND tỉnh Bình Dương giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại tuyến giáp ranh trên kênh Ba Bò, khu vực tuyến Suối Cái (Suối Nhum - Suối Xuân Trường - Suối Cái), hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2025.

d) Đối với hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải

- Các Bộ, UBND 04 tỉnh, thành phố trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải nghiêm túc thực hiện các yêu cầu, chỉ đạo tại Thông báo số 315/TB-VPCP ngày 09 tháng 8 năm 2023 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị về xử lý ô nhiễm môi trường hệ thống công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải, định kỳ tổng hợp thông tin gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: chỉ đạo tổ chức đầu tư xây dựng và vận hành hiệu quả trạm bơm Xuân Quan, hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 năm 2025, thông báo rộng rãi kế hoạch vận hành các trạm bơm dã chiến để bổ cập nước để các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải biết, điều tiết việc sử dụng nước.

- UBND 04 tỉnh, thành phố chỉ đạo tổ chức triển khai các hoạt động nạo vét, dọn vệ sinh, khơi thông dòng chảy, nâng cấp sửa chữa hệ thống đê, cống, trạm bơm và các công trình thủy lợi trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm 2025; triển khai các biện pháp kiểm soát chặt chẽ, nhằm hạn chế tối đa các nguồn thải phân tán từ hoạt động sinh hoạt và nông nghiệp đưa trực tiếp vào nguồn nước.

- UBND thành phố Hà Nội: (i) Đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật thu gom và xử lý NTSH từ các khu đô thị, khu dân cư tập trung và các cụm dân cư phân tán khu vực nông thôn, đặc biệt là từ khu vực quận Long Biên, huyện Gia Lâm thải vào khu vực sông Cầu Bây; tổ chức triển khai Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp sông Cầu Bây, đảm bảo hoàn thành trong năm 2025; (ii) Đầu tư xây dựng 03 nhà máy xử lý nước thải trên địa bàn quận Long Biên (Nhà máy xử lý nước thải Phúc Đồng, An Lạc và Yên Viên) nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm sông Cầu Bây, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung khu đô thị Việt Hưng, Long Biên; (iii) Duy trì, vận hành hiệu quả trạm quan trắc môi trường nước mặt tự động liên tục trên sông Cầu Bây tại Trạm bơm Am, thôn Ngọc Động, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm.

- UBND tỉnh Hải Dương: chỉ đạo đẩy nhanh xây dựng đường ống thu gom tách riêng nước thải đô thị về trạm xử lý nước thải tập trung, hoàn thành trước ngày 30 tháng 6 năm 2025; kiểm soát chất lượng nước và xử lý các nguồn thải gây ô nhiễm nguồn nước các nhánh sông Sặt, Cửu An, Cầy Lường và các kênh T1, T2.

- UBND tỉnh Hưng Yên: chỉ đạo triển khai quyết liệt Đề án thu gom, xử lý NTSH nhằm giảm thiểu ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường nước hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải trên địa bàn tỉnh; kiểm soát chất lượng nước các nhánh sông Bần Vũ Xá, Đình Dù và kênh Trần Thành Ngọ.

- UBND tỉnh Bắc Ninh: chỉ đạo kiểm soát chất lượng nước các nhánh sông Đông Côi, Đồng Khởi, Đại Quảng Bình, Ngụ, Dâu và Bùi.

3. Nhiệm vụ, giải pháp lâu dài

a) Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương có liên quan tổ chức thực hiện các kế hoạch quản lý chất lượng nước, xây dựng và vận hành hiệu quả cơ sở dữ liệu dùng chung về nguồn thải và chất lượng nước; theo dõi diễn biến chất lượng môi trường nước, xác định các khu vực ô nhiễm và đề xuất các biện pháp, giải pháp xử lý; phân công trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải; công bố thông tin về nguồn thải, lượng thải và chất lượng môi trường nước theo quy định.

b) Bộ Xây dựng tiếp tục chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương rà soát kế hoạch và đề xuất giải pháp thúc đẩy lộ trình ưu tiên thực hiện các dự án đầu tư xây dựng nhà máy thu gom, xử lý NTSH tập trung tại các đô thị, khu dân cư tập trung có xả thải vào các lưu vực sông theo các giai đoạn 2022 - 2025 và 2026 - 2030.

c) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo, tổ chức triển khai các mô hình canh tác nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, chế biến nông sản bền vững, sử dụng hợp lý tài nguyên, tái sử dụng nước thải, không để phát sinh ô nhiễm các lưu vực sông.

d) Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác điều tra, phát hiện, đấu tranh xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm các lưu vực sông.

đ) UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên địa bàn lưu vực sông Cầu, lưu vực sông Nhuệ - Đáy, lưu vực sông Đồng Nai và hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải: tổ chức thực hiện kế hoạch quản lý chất lượng môi trường nước mặt sau khi được ban hành; công khai thông tin các nguồn thải vào môi trường nước mặt; tổ chức hoạt động phòng ngừa và kiểm soát các nguồn thải vào nguồn nước mặt; thực hiện các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước mặt, cải thiện chất lượng nước mặt; huy động mọi nguồn lực để thực hiện các dự án thu gom, xử lý nước thải tập trung đối với NTSH từ khu dân cư, làng nghề, khu, cụm công nghiệp; xác định các dự án xử lý NTSH đô thị, khu dân cư tập trung ưu tiên để kêu gọi, thu hút đầu tư; chủ động đề xuất các giải pháp, phương án, cơ chế chính sách hỗ trợ để thu gom, xử lý NTSH đối với khu vực dân cư phân tán; tuyên truyền, phổ biến pháp luật, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội trong công tác giám sát, phản biện xã hội, tăng cường sự tham gia của cộng đồng dân cư trong công tác bảo vệ môi trường nước.

Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi, đôn đốc tình hình triển khai thực hiện, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị này để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện hiệu quả, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, tiến độ đối với các nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị này.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Ban Dân vận Trung ương;
- Ủy ban KH&CNMT của Quốc hội;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: VT, NN (2).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Trần Hồng Hà

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Chỉ thị 02/CT-TTg ngày 24/01/2025 về Giải pháp cấp bách tăng cường công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường nước một số lưu vực sông do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


20

DMCA.com Protection Status
IP: 3.133.7.179
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!