BỘ NỘI VỤ-BỘ TÀI CHÍNH-BỘ Y TẾ
********
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 13/2004/TTLT-BTC-BYT-BNV
|
Hà Nội , ngày 27 tháng 2 năm 2004
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
CỦA BỘ TÀI CHÍNH - BỘ Y TẾ - BỘ NỘI VỤ SỐ 13/2004/TTLT-BTC-BYT-BNV
NGÀY 27 THÁNG 02 NĂM 2004 HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI CÁC ĐƠN VỊ
SỰ NGHIỆP CÓ THU HOẠT ĐỘNG TRONG LĨNH VỰC Y TẾ CÔNG LẬP
Căn cứ Nghị định
số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho
đơn vị sự nghiệp có thu.
Để phù hợp với hoạt động đặc thù của ngành y tế, liên tịch Bộ
Tài chính - Bộ Y tế - Bộ Nội vụ hướng dẫn thêm một số nội dung về chế độ quản
lý tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp có thu hoạt động trong lĩnh vực y tế
công lập như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG
1. Đối tượng áp dụng
Thông tư này là các đơn vị sự nghiệp được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thành
lập và hoạt động trong lĩnh vực y tế (sau đây gọi chung là cơ sở y tế công lập);
bao gồm:
- Các bệnh viện,
các viện và trung tâm có giường bệnh, cơ sở điều dưỡng và phục hồi chức năng
thuộc các Bộ, ngành và địa phương;
- Các cơ sở khám,
chữa bệnh trực thuộc viện nghiên cứu, trường đào tạo y, dược trong toàn quốc.
- Các Trung tâm y
tế (bao gồm các Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, Trung
tâm y tế dự phòng, Trung tâm phòng chống các bệnh xã hội, Trung tâm truyền
thông giáo dục sức khoẻ, Trung tâm bảo vệ bà mẹ trẻ em-kế hoạch hoá gia đình hoặc
Trung tâm Sức khoẻ sinh sản), Trung tâm tin học y tế thuộc các Bộ, ngành, địa
phương.
- Các viện, trạm,
trại hoặc các đơn vị khác có chức năng và nhiệm vụ phòng, chống bệnh dịch thuộc
các Bộ, ngành, địa phương.
- Các đơn vị có chức
năng kiểm định vắc xin, sinh phẩm y tế, trang thiết bị y tế; kiểm nghiệm thuốc,
hoá mỹ phẩm, thực phẩm; kiểm dịch y tế thuộc các Bộ, ngành, địa phương.
- Các cơ sở sản xuất
vắc xin, sinh phẩm y tế, máu và các chế phẩm về máu, dịch truyền hoặc các sản
phẩm khác thuộc ngành y tế.
2. Các đơn vị sự nghiệp
có thu nêu trên thuộc đối tượng thực hiện Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày
16/01/2002 của Chính phủ khi có đủ các điều kiện sau:
a) Có đủ tư cách
pháp nhân:
- Có quyết định
thành lập đơn vị bằng văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;
- Có con dấu
riêng;
- Có tài khoản tại
Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng;
- Có tổ chức bộ
máy tài chính kế toán;
b) Có nguồn thu hợp
pháp.
c) Có đề án và được
cấp có thẩm quyền ra quyết định cho đơn vị được áp dụng cơ chế tài chính đối với
đơn vị sự nghiệp có thu theo quy định tại Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày
16/01/2002 của Chính phủ.
3. Các cơ quan có
thẩm quyền có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở y tế công lập hoạt
động có thu thực hiện Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ.
4. Những đơn vị dự
toán trực thuộc các cơ sở y tế công lập có thu như các đơn vị sự nghiệp đào tạo,
nghiên cứu khoa học công nghệ, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạp chí
là đối tượng thực hiện Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ
được áp dụng Thông tư này và các Thông tư hướng dẫn đối với từng lĩnh vực hoạt
động như: giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hoá-thông tin.
II. NGUỒN THU SỰ NGHIỆP CỦA CÁC CƠ SỞ Y TẾ CÔNG LẬP
Các cơ sở y tế
công lập có những nguồn thu sự nghiệp như sau:
1. Các loại phí, lệ
phí hiện hành theo quy định:
a) Thu viện phí (kể
cả viện phí do cơ quan Bảo hiểm xã hội và Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo
thanh toán) theo các loại hình dịch vụ khám, chữa bệnh và phục vụ người bệnh được
để lại đơn vị sử dụng theo quy định hiện hành. Mức thu viện phí của các loại
hình khám chữa bệnh thực hiện theo các quy định hiện hành về thu viện phí.
b) Thu phí và lệ
phí khác của ngành y tế được để lại cho đơn vị sử dụng theo quy định của pháp
luật về phí, lệ phí.
2. Các khoản thu gắn
với hoạt động của đơn vị:
a) Thu từ các hoạt
động về khám chữa bệnh ngoài bệnh viện, y tế dự phòng, đào tạo, nghiên cứu khoa
học của đơn vị theo hợp đồng dịch vụ và các hoạt động dịch vụ khác theo quy định
của pháp luật. Mức thu theo hợp đồng thỏa thuận giữa hai bên.
b) Thu từ các dịch
vụ pha chế thuốc, dịch truyền, sàng lọc máu và các chế phẩm từ máu, vắc xin,
sinh phẩm, giầy dép phục hồi chức năng cho bệnh nhân phong. Các sản phẩm sản xuất
theo đơn đặt hàng của Nhà nước do Nhà nước quy định giá theo nguyên tắc đảm bảo
bù đắp chi phí và có tích luỹ.
c) Thu từ các hoạt
động dịch vụ, cung ứng lao vụ do đơn vị tổ chức thực hiện như dịch vụ giặt là,
ăn uống, vệ sinh, phương tiện đưa đón bệnh nhân. Mức thu do thủ trưởng đơn vị
quyết định theo nguyên tắc đảm bảo bù đắp chi phí và có tích luỹ.
3. Các khoản thu hợp
pháp khác được để lại sử dụng theo quy định của pháp luật.
III. NỘI DUNG CHI HOẠT ĐỘNG THƯỜNG XUYÊN
Các cơ sở y tế
công lập có thu được sử dụng nguồn ngân sách Nhà nước cấp và nguồn thu sự nghiệp
của đơn vị để chi cho các hoạt động thường xuyên theo những nội dung sau:
1. Chi tiền lương,
tiền công, các khoản phụ cấp, tiền thưởng, phúc lợi tập thể, các khoản trích nộp
Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn đối với công chức, viên chức
và lao động hợp đồng theo quy định hiện hành của Nhà nước. Mức đóng Bảo hiểm xã
hội, Bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn của người lao động trong đơn vị thực hiện
theo quy định hiện hành (không tính theo hệ số điều chỉnh tăng thêm mức lương tối
thiểu quy định tại Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của chính phủ).
2. Chi tiền điện,
nước, vệ sinh môi trường (kể cả chi thuê làm vệ sinh công nghiệp), nhiên liệu,
vật tư văn phòng, dịch vụ công cộng, thông tin liên lạc, tuyên truyền, công tác
phí, hội nghị phí, quần áo, dầy, dép, mũ bảo hộ cho người lao động và các khoản
chi mang tính chất quản lý điều hành hoạt động của đơn vị.
3. Chi thuê chuyên
gia trong và ngoài nước; thuê phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động
chuyên môn của đơn vị.
4. Chi nghiệp vụ
chuyên môn trực tiếp sử dụng trong công tác phòng bệnh và chữa bệnh: Tiền thuốc,
hoá chất, dịch truyền, máu, phim X-quang, vật tư, dụng cụ tiêu hao; đồ vải, quần
áo cho bệnh nhân, chăn màn, giường, chiếu, ga, đệm; vật tư rẻ tiền mau hỏng và
các khoản chi khác phục vụ cho hoạt động chuyên môn của đơn vị.
5. Chi công tác chỉ
đạo tuyến và tăng cường cán bộ y tế về cơ sở.
6. Chi nghiên cứu
khoa học đề tài cấp cơ sở của đơn vị.
7. Chi đào tạo, tập
huấn cho công chức, viên chức trong đơn vị (không kể chi đào tạo và bồi dưỡng
cán bộ, công chức theo chỉ tiêu của Nhà nước).
8. Chi phí trực tiếp
cho các hoạt động dịch vụ, sản xuất, cung ứng lao vụ như: mua nguyên vật liệu,
hoá chất để sản xuất vắc xin, thuốc, dịch truyền, nước cất; chi phí sàng lọc
máu (bao gồm cả chi bồi dưỡng người hiến máu), mua thực phẩm trong khoa dinh dưỡng
ăn theo bệnh lý điều trị; nộp thuế; trích khấu hao tài sản cố định
9. Các chi phí thường
xuyên liên quan đến công tác thu phí và lệ phí theo quy định hiện hành.
10. Chi duy tu, bảo
dưỡng thường xuyên tài sản cố định (TSCĐ) của cơ sở (mua sắm dụng cụ thay thế,
bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên máy móc thiết bị và các công trình cơ
sở hạ tầng).
11. Chi đoàn ra,
đoàn vào.
12. Chi khác: Trả
gốc và lãi vốn vay các tổ chức tín dụng trong nước và vốn huy động đóng góp (nếu
có); đóng góp từ thiện xã hội, chi trợ giúp tiền ăn, tầu xe đi lại đối với bệnh
nhân nghèo, chi phí chôn cất bệnh nhân vô gia cư, đóng góp cho xã, phường về vệ
sinh môi trường, trật tự trị an
Các khoản chi
không thường xuyên thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày
16/01/2002 của Chính phủ và Thông tư số 25/2002/TT-BTC ngày 21/3/2002 của Bộ
Tài chính.
IV. GIAO DỰ TOÁN THU, CHI HÀNG NĂM
1. Dự toán thu,
chi thường xuyên:
a) Giao dự toán
thu sự nghiệp:
- Đối với số thu
phí, lệ phí: Cơ quan chủ quản giao dự toán thu phí, lệ phí cho các đơn vị (tổng
số và chi tiết theo từng loại phí) như sau:
+ Tổng số thu phí,
lệ phí.
+ Tổng số phí, lệ
phí được để lại đơn vị sử dụng theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
+ Tổng số phí, lệ
phí phải nộp ngân sách nhà nước.
- Đối với số thu sản
xuất, dịch vụ:
+ Cơ quan chủ quản
chỉ giao dự toán thu đối với các khoản thu sản xuất, cung ứng dịch vụ ổn định của
các đơn vị không có nguồn thu phí, lệ phí.
+ Cơ quan chủ quản
không giao dự toán thu đối với các khoản thu sản xuất, cung ứng dịch vụ không ổn
định của các đơn vị có thu phí, lệ phí. Đơn vị tự xây dựng kế hoạch thu để điều
hành trong cả năm.
b) Giao dự toán
chi thường xuyên:
- Đối với đơn vị sự
nghiệp có thu đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên: Trên cơ sở dự
toán chi đã được thẩm định, cơ quan chủ quản giao tổng số chi hoạt động thường
xuyên từ nguồn thu sự nghiệp (ổn định trong 3 năm) để các đơn vị chủ động sử dụng
cho hoạt động thường xuyên.
- Đối với đơn vị sự
nghiệp có thu thuộc loại đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên:
Trên cơ sở dự toán
chi đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, cơ quan chủ quản giao dự toán chi ổn
định trong 3 năm, gồm:
+ Tổng số chi hoạt
động thường xuyên từ nguồn thu phí, lệ phí được để lại đơn vị sử dụng theo quy
định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với từng loại phí, lệ phí.
+ Tổng số chi hoạt
động thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước cấp cho năm đầu của thời kỳ ổn định
được xác định trên cơ sở định mức phân bổ chi ngân sách của Bộ trưởng, Thủ trưởng
cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quy định cho các đơn vị trực thuộc (đối
với các đơn vị do trung ương quản lý); của Hội đồng nhân dân ban hành (đối với
các đơn vị do địa phương quản lý) theo quy định tại Quyết định số
139/2003/QĐ-TTg ngày 11/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ. Mức chi thường xuyên từ
nguồn ngân sách cấp năm đầu của thời kỳ ổn định không thấp hơn định mức phân bổ
và dự toán chi thường xuyên của năm trước liền kề.
Mức được giao hai
năm tiếp theo: Phải đảm bảo chi phí hoạt động thường xuyên của các đơn vị bằng
năm đầu của thời kỳ ổn định, ngoài ra được cộng mức kinh phí tăng thêm do cơ
quan chủ quản quyết định trong phạm vi dự toán ngân sách nhà nước giao và các
nhiệm vụ tăng thêm của đơn vị được cấp có thẩm quyền quy định (nếu có).
+ Kết thúc thời kỳ
ổn định 3 năm, mức chi thường xuyên do ngân sách Nhà nước đảm bảo sẽ được xác định
lại cho phù hợp theo nguyên tắc nêu trên.
2. Dự toán chi
không thường xuyên từ nguồn ngân sách nhà nước cấp được giao và quản lý theo
các quy định hiện hành, gồm:
- Chi thực hiện
các đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Nhà nước, cấp Bộ, ngành;
- Chi đào tạo, bồi
dưỡng cán bộ công chức, viên chức từ kinh phí chi đào tạo lại;
- Chi thực hiện
các chương trình mục tiêu quốc gia;
- Chi đặt hàng
theo chế độ của nhà nước;
- Chi thực hiện
tinh giản biên chế;
- Chi vốn đối ứng
các dự án vay, viện trợ;
- Chi đầu tư phát triển,
gồm: chi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, sửa chữa lớn
tài sản, chi thực hiện các dự án đầu tư theo quy định được cấp có thẩm quyền
phê duyệt.
- Chi thực hiện
các nhiệm vụ đột xuất được cấp có thẩm quyền giao;
- Các khoản chi không
thường xuyên khác (nếu có).
V. CÁC CƠ SỞ Y TẾ CÔNG LẬP CÓ THU ĐƯỢC TỰ CHỦ TÀI CHÍNH, TỰ QUYẾT ĐỊNH
VÀ CHỊU TRÁCH NHIỆM NHƯ SAU:
1. Về sử dụng nguồn
kinh phí từ ngân sách Nhà nước cấp và nguồn thu sự nghiệp:
a) Đối với đơn vị
tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động: Được chủ động sử dụng nguồn thu sự nghiệp
cho các hoạt động thường xuyên của đơn vị để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được
giao.
- Trường hợp đơn vị
thực hiện vượt thu so với dự toán được giao thì đơn vị được sử dụng toàn bộ số
thu vượt (phần phí và lệ phí được để lại đơn vị theo quy định) nhằm bổ sung quỹ
tiền lương và kinh phí hoạt động của đơn vị theo quy định.
- Trường hợp đơn vị
thực hiện hụt thu so với dự toán được giao thì phải điều chỉnh giảm chi tương ứng.
b) Đối với đơn vị
tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động:
- Trường hợp tiết
kiệm chi kinh phí thường xuyên hoặc tăng thu phí, lệ phí so với dự toán được
giao thì đơn vị được sử dụng toàn bộ nguồn kinh phí tiết kiệm và số tăng thu (phần
phí và lệ phí được để lại đơn vị theo quy định) để bổ sung quỹ tiền lương và
kinh phí hoạt động của đơn vị.
- Trường hợp đơn vị
hụt thu so với dự toán được giao thì đơn vị phải điều chỉnh giảm chi tương ứng.
c) Đối với những
loại phí, lệ phí phải nộp ngân sách Nhà nước theo tỷ lệ phần trăm (%) thì hàng
năm cơ quan có thẩm quyền giao dự toán thu điều chỉnh cho phù hợp với hoạt động
của đơn vị.
2. Số lao động làm
căn cứ xây dựng dự toán quỹ tiền lương, tiền công ổn định trong 3 năm bao gồm số
biên chế được cơ quan có thẩm quyền giao, số người được ký hợp đồng làm việc từ
một năm trở lên và những người được ký hợp đồng làm việc lần đầu có thời hạn thử
việc theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 116/2003/NĐ-CP
ngày 10/10/2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ,
công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước đến ngày 31/12 năm trước liền
kề.
Trong quá trình hoạt
động, Thủ trưởng cơ sở y tế công lập có thu được chủ động sử dụng biên chế, lao
động như sau:
a) Sắp xếp, sử dụng
và bố trí công chức, viên chức để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của
đơn vị. Việc phân công nhiệm vụ đối với công chức, viên chức của đơn vị phải đảm
bảo chế độ phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc bệnh nhân theo quy định của
Bộ Y tế. Những người trong diện giảm biên chế được hưởng chế độ tinh giản biên
chế theo quy định của nhà nước.
b) Thủ trưởng cơ sở
y tế công lập có thu được quyết định biên chế tăng thêm hàng năm để phù hợp với
nhu cầu công việc, khả năng tài chính của đơn vị và hướng dẫn về định mức lao động
của cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành.
c) Thủ trưởng cơ sở
y tế công lập có thu được ký hợp đồng làm việc lần đầu đối với số biên chế tăng
thêm hàng năm sau khi đã qua tuyển dụng. Những người được ký hợp đồng lao động
không xác định thời hạn phải có đủ tiêu chuẩn, chức danh nghiệp vụ, chuyên môn
theo quy định của Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và được xếp theo bảng lương hành
chính sự nghiệp do nhà nước quy định, được hưởng các quyền lợi và nghĩa vụ theo
quy định của pháp luật.
d) Thủ trưởng cơ sở
y tế công lập được quyết định việc hợp đồng thuê khoán công việc đối với những
công việc không cần thiết phải bố trí biên chế thường xuyên; được chấm dứt hợp
đồng thuê khoán lao động theo công việc và hợp đồng làm việc đối với những người
do đơn vị ký hợp đồng. Trình tự thủ tục chấm dứt hợp đồng theo quy định của
pháp luật.
đ) Thực hiện quy
chế dân chủ, công khai trong việc tuyển dụng, sử dụng và bố trí công chức, viên
chức theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền quản lý
viên chức.
3. Quỹ tiền lương
và thu nhập:
a) Quỹ tiền lương
và thu nhập của cơ sở y tế công lập có thu được sử dụng từ các nguồn sau:
- Nguồn ngân sách
Nhà nước để chi tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp theo lương của công chức,
viên chức trong biên chế và lao động hợp đồng (đối với đơn vị bảo đảm một phần
chi phí hoạt động thường xuyên) thực hiện theo quy định tại Nghị định số
25/NĐ-CP ngày 23/05/1993 của Chính phủ, Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày
17/11/2003 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn hiện hành về lương và phụ cấp
lương.
- Nguồn thu sự nghiệp
và tiết kiệm chi phí thường xuyên từ ngân sách Nhà nước:
Căn cứ vào kết quả
hoạt động tài chính và tình hình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, quỹ tiền lương
và thu nhập của cơ sở y tế công lập có thu được xác định theo quy định tại Điểm 1 Mục IV Thông tư số 25/2002/TT-BTC ngày 21/3/2002 của Bộ
Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/1/2002 của
Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu.
b) Đơn vị xây dựng
quy chế chi trả tiền lương, tiền công và thảo luận công khai, thống nhất trong
Hội nghị công chức, viên chức của đơn vị.
Căn cứ vào quy chế
chi trả tiền lương, tiền công của đơn vị và quỹ tiền lương được xác định, Thủ
trưởng đơn vị quyết định mức chi trả tiền lương, tiền công cho công chức, viên
chức và lao động hợp đồng theo hiệu quả công việc hàng tháng của từng người .
c) Quỹ tiền lương
thực tế của đơn vị cuối năm nếu không sử dụng hết được đưa vào quỹ dự phòng ổn
định thu nhập và chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng.
4. Xây dựng quy chế
chi tiêu nội bộ:
- Trong phạm vi
nguồn tài chính của đơn vị (bao gồm nguồn chi thường xuyên do ngân sách nhà nước
cấp và nguồn thu sự nghiệp), thủ trưởng đơn vị được chủ động xây dựng quy chế
chi tiêu nội bộ trên cơ sở quy định của pháp luật và phù hợp với hoạt động đặc
thù của đơn vị.
- Việc xây dựng
quy chế chi tiêu nội bộ phải thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số
50/2003/TT-BTC ngày 22/5/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp
có thu xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ theo quy định tại Nghị định số
10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ.
- Trong quy chế
chi tiêu nội bộ, các cơ sở y tế công lập có thu phải ưu tiên chi nghiệp vụ để đảm
bảo công tác phòng bệnh, công tác khám, chữa bệnh cho các đối tượng thuộc diện
miễn, giảm viện phí theo quy định hiện hành của Nhà nước.
- Quy chế chi tiêu
nội bộ của đơn vị phải có ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước cấp trên và phải
gửi cơ quan tài chính đồng cấp và Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để phối hợp và
giám sát thực hiện.
5. Về trích và sử
dụng khấu hao tài sản cố định:
- Các cơ sở y tế
công lập có hoạt động dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu và các hoạt động sản
xuất, cung ứng dịch vụ, lao vụ phải xây dựng quy chế trích lập khấu hao tài sản
cố định theo quy định hiện hành của Nhà nước.
- Trường hợp đặc
biệt, thủ trưởng đơn vị có thể xây dựng tỷ lệ khấu hao cao hơn quy định trình
cơ quan chủ quản quyết định nhằm thu hồi vốn kịp thời nhưng phải phù hợp với thời
gian, khả năng kỹ thuật của tài sản và khả năng chi trả của người hưởng dịch vụ.
- Toàn bộ số tiền
khấu hao TSCĐ được hạch toán vào chi phí khám chữa bệnh theo yêu cầu, hoạt động
sản xuất, cung ứng dịch vụ, lao vụ và được để lại trích lập quỹ phát triển hoạt
động sự nghiệp nhằm đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị của
đơn vị hoặc trả vốn vay mua sắm tài sản cố định theo quy định của Pháp luật.
6. Về xử lý tài sản:
Các cơ sở y tế công lập có thu có nhu cầu thanh lý tài sản thành lập Hội đồng
thanh lý tài sản theo Quyết định số 55/2000/QĐ-BTC ngày 19/4/2000 của Bộ trưởng
Bộ Tài chính về việc ban hành quy chế quản lý việc xử lý tài sản Nhà nước tại
các cơ quan hành chính sự nghiệp. Số tiền thu được do thanh lý tài sản (sau khi
trừ đi chi phí thanh lý) được đưa vào quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp. Trường
hợp thanh lý tài sản hình thành từ nguồn vốn vay, nếu chưa trả hết vốn vay, đơn
vị được sử dụng số tiền thu được do thanh lý (sau khi trừ đi chi phí thanh lý)
để trả vốn vay; trường hợp trả hết vốn vay thì được đưa vào quỹ phát triển hoạt
động sự nghiệp.
7. Các cơ sở y tế
công lập được phép huy động vốn hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài
nước để đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho hoạt động
chuyên môn, sản xuất và cung ứng dịch vụ của đơn vị theo đúng quy định hiện
hành của pháp luật. Thủ trưởng các đơn vị được quyết định mức thu của các hoạt
động sản xuất, cung ứng dịch vụ từ nguồn vốn huy động này theo nguyên tắc bảo đảm
bù đắp chi phí và có tích luỹ.
8. Việc quản lý và
sử dụng nguồn thu viện phí, phí và lệ phí thực hiện theo quy định của Pháp lệnh
phí và lệ phí và Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 3/6/2002 của Chính phủ quy định
chi tiết thi hành Pháp lệnh phí và lệ phí. Riêng viện phí và các loại phí, lệ
phí khác đang thực hiện theo các văn bản hướng dẫn hiện hành thì được tiếp tục
thực hiện cho đến khi có văn bản hướng dẫn mới.
9. Cuối năm, kinh
phí chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước theo dự toán được giao và thu sự
nghiệp (phần được để lại đơn vị theo quy định) của cơ sở y tế công lập có thu nếu
không sử dụng hết được chuyển sang năm sau sử dụng và quyết toán vào niên độ
ngân sách năm sau. Trên cơ sở đối chiếu giữa Kho bạc Nhà nước và đơn vị đến cuối
ngày 31/12, Kho bạc Nhà nước làm thủ tục chuyển số kinh phí chưa chi hết sang
năm sau cho đơn vị theo quy định hiện hành đồng thời thông báo bằng văn bản cho
cơ quan tài chính đồng cấp biết để quản lý.
10. Các cơ sở y tế
công lập có thu thực hiện chế độ kế toán theo Thông tư số 121/2002/TT-BTC ngày
31/12/2002 của Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán đơn vị sự nghiệp có thu.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Các đơn vị sự nghiệp
y tế công lập thuộc đối tượng quy định tại mục I của Thông tư này căn cứ vào khả
năng tài chính và tình hình kinh tế xã hội của địa phương lập dự toán và xây dựng
đề án triển khai thực hiện Nghị định số 10/2002/NĐ-CP của Chính phủ gửi cơ quan
chủ quản, cụ thể như sau:
1. Đối với đơn vị
trực thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trung ương: Cơ quan chủ
quản thẩm định dự toán thu, chi của đơn vị; xác định số kinh phí chi thường
xuyên do ngân sách nhà nước đảm bảo ổn định trong 3 năm (đối với đơn vị tự đảm
bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên) cho đơn vị và tổng hợp gửi Bộ Tài
chính. Bộ Tài chính xem xét có văn bản trả lời để cơ quan chủ quản ra quyết định
cho đơn vị được áp dụng cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp có thu theo
Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ.
2. Đối với đơn vị
trực thuộc địa phương: Cơ quan chủ quản thẩm định dự toán thu, chi của đơn vị;
xác định số kinh phí chi thường xuyên do ngân sách nhà nước đảm bảo ổn định
trong 3 năm (đối với đơn vị tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên)
cho đơn vị và tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp (theo phân cấp quản lý
tài chính hiện hành). Căn cứ vào đề nghị của cơ quan chủ quản và cơ quan tài
chính cùng cấp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp ra quyết định cho đơn vị được
áp dụng cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp có thu theo Nghị định số
10/2002/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của Chính phủ.
VII. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Thông tư này có hiệu
lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng công báo. Các quy định khác về chế độ
tài chính thực hiện theo quy định tại Thông tư số 25/TT-BTC ngày 21/03/2002 của
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 10/NĐ-CP ngày 16/01/2002 của
Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho đơn vị sự nghiệp có thu và các văn bản
hướng dẫn khác. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh kịp
thời về liên Bộ để sửa đổi và bổ sung cho phù hợp.
Huỳnh
Thị Nhân
(Đã
ký)
|
Nguyễn
Trọng Điều
(Đã
ký)
|
Lê
Ngọc Trọng
(Đã
ký)
|