BỘ
TÀI CHÍNH-BỘ LAO ĐỘNG,
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
******
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
06/2006/TTLT-BTC-BLĐTBXH
|
Hà
Nội, ngày 19 tháng 01 năm 2006
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ DẠY NGHỀ NGẮN HẠN CHO
LAO ĐỘNG NÔNG THÔN
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản
hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 81/2005/QĐ-TTg ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Thủ tướng
Chính phủ về chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn;
Bộ Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện
chính sách hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
Đối tượng được áp dụng chính sách hỗ trợ dạy nghề
ngắn hạn theo quy định tại Thông tư này là lao động nông thôn trong độ tuổi lao
động chưa qua học nghề, có nhu cầu học nghề, đủ điều kiện xét tuyển vào các
khóa học nghề ngắn hạn và được lựa chọn theo thứ tự ưu tiên sau:
1. Lao động thuộc các hộ bị thu hồi đất canh tác
do đô thị hóa hoặc do xây dựng các công trình công cộng, khu công nghiệp, khu
chế xuất và các dự án khác về an ninh quốc phòng vì lợi ích quốc gia có nhu cầu
học nghề để chuyển đổi nghề nghiệp;
2. Lao động thuộc đối tượng hưởng chính sách ưu
đãi người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật;
3. Lao động thuộc các dân tộc thiểu số; các xã đặc
biệt khó khăn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
4. Lao động nữ chưa có việc làm;
5. Lao động thuộc các làng nghề nằm trong dự án
khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống mà dự án không có khoản kinh phí
riêng cho dạy nghề;
6. Lao động thuộc vùng chuyên canh có nhu cầu
chuyển đổi nghề;
7. Lao động nông thôn khác có nhu cầu học nghề.
II. TỔ CHỨC DẠY NGHỀ NGẮN HẠN
CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN
1. Điều kiện hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn
Các khóa dạy nghề ngắn hạn cho đối tượng nêu tại
mục I trên đây được hỗ trợ kinh phí khi có đủ các điều kiện sau:
a. Khóa học đã được Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt trong kế hoạch hỗ trợ hàng năm và có
thời gian dạy nghề từ một tháng trở lên;
b. Quy mô của một lớp học nghề từ 25 - 30 học
viên;
c. Chương trình dạy nghề phải được xây dựng, thẩm
định và phê duyệt theo đúng quy định tại Quyết định số 212/2003/QĐ-BLĐTBXH ngày
27/2/2003 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành
quy định nguyên tắc xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình dạy nghề;
d. Học viên hoàn thành khóa học phải được kiểm
tra và đánh giá, nếu đạt yêu cầu sẽ được cấp chứng chỉ nghề theo quy định tại
Quyết định số 1012/1998/QĐ-BLĐTBXH ngày 09 tháng 10 năm 1998 của Bộ trưởng Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội về việc ban hành bằng nghề và chứng chỉ nghề
và Quyết định số 1536/1998/QĐ-BLĐTBXH ngày 01/12/1998 của Bộ trưởng Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội ban hành quy chế tạm thời về cấp và quản lý bằng nghề,
chứng chỉ nghề.
2. Ngành nghề đào tạo
Ngành nghề đào tạo được xác định căn cứ theo nhu
cầu chuyển dịch lao động việc làm và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương
do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.
3. Đơn vị thực hiện dạy nghề
Việc tổ chức dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông
thôn do các cơ sở dạy nghề và cơ sở đào tạo khác có chức năng dạy nghề của địa
phương và Trung ương trên địa bàn thực hiện. Khuyến khích các hình thức dạy nghề
lưu động để tạo điều kiện thuận lợi và giảm chi phí cho người học nghề.
III. SỬ DỤNG, QUẢN LÝ KINH
PHÍ DẠY NGHỀ NGẮN HẠN CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN
1. Nguồn kinh phí dạy nghề ngắn hạn cho lao động
nông thôn:
a. Ngân sách địa phương bố trí từ nguồn kinh phí
sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề thường xuyên được giao hàng năm;
b. Ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu từ
nguồn kinh phí của Dự án “Tăng cường năng lực đào tạo nghề” thuộc Chương trình mục
tiêu quốc gia giáo dục - đào tạo cho các tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách và
có số lượng lớn lao động nông thôn;
c. Lồng ghép từ các chương trình mục tiêu quốc
gia và các chương trình dự án khác trên địa bàn;
d. Đóng góp của người học nghề;
đ. Huy động từ doanh nghiệp và các nguồn hợp
pháp khác.
2. Mức hỗ trợ dạy nghề tính theo số lượng học
viên thực tế tốt nghiệp khóa học, nhưng tối đa không quá 300.000 đồng/người/tháng
và không quá 1.500.000 đồng/người/khóa học nghề. Mức hỗ trợ cụ thể cho từng
khóa học do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định
phù hợp với điều kiện của địa phương.
3. Nội dung và mức chi
a. Chi tổ chức lớp học gồm:
- Chi tuyển sinh, khai giảng, bế giảng, cấp chứng
chỉ nghề;
- Chi thù lao giáo viên dạy lý thuyết và giáo
viên hướng dẫn thực hành nghề;
- Chi thuê lớp học, thuê thiết bị (nếu có);
- Chi cho công tác quản lý lớp học.
Mức chi theo quy định hiện hành của Nhà nước.
b. Chi hỗ trợ nguyên vật liệu học nghề;
c. Chi biên soạn chương trình, giáo trình (đối với
những nghề chưa có chương trình, giáo trình giảng dạy) áp dụng theo mức chi đối
với bậc trung học chuyên nghiệp được quy định tại Thông tư số 87/2001/TT-BTC
ngày 30/10/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung, mức chi xây dựng chương
trình khung cho các ngành đào tạo Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và
biên soạn chương trình các môn học.
Các nội dung chi quy định trên đây được hỗ trợ
thông qua các cơ sở dạy nghề, không hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng học nghề.
4. Ngoài các nội dung chi và mức chi hỗ trợ dạy
nghề trên đây, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể của từng khóa học, của từng đối
tượng học nghề, khả năng ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác, Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xem xét, quyết định việc
chi hỗ trợ thêm về tiền ăn, ở, đi lại cho người học.
5. Kinh phí hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động
nông thôn được giao cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương quản lý, sử dụng và thanh quyết toán.
IV. TRÁCH NHIỆM CỦA BỘ,
NGÀNH, ĐỊA PHƯƠNG, CƠ SỞ DẠY VÀ HỌC NGHỀ
1. Bộ Tài chính:
a. Tổng hợp nhu cầu nguồn lực tài chính để dạy
nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn hàng năm trình Chính phủ xem xét, trình Quốc
hội;
b. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện của các địa phương.
2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
a. Hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch 5
năm và hàng năm về dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn;
b. Tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện dạy
nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn; đề xuất nhu cầu nguồn lực hàng năm gửi Bộ
Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp trình Chính phủ xem xét, trình Quốc
hội;
c. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính theo dõi,
đôn đốc và kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện của các địa phương.
3. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương:
a. Xây dựng phương án hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn
cho lao động nông thôn trình Hội đồng nhân dân quyết định; trên cơ sở phương án
được Hội đồng nhân dân quyết định, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương phê duyệt kế hoạch hàng năm về chỉ tiêu và kinh phí dạy nghề ngắn hạn
cho lao động nông thôn trên địa bàn, giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
triển khai thực hiện;
b. Tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện dạy
nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn trên địa bàn; đề xuất nhu cầu nguồn lực
hàng năm gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp báo cáo Chính phủ;
c. Bố trí các nguồn lực và quy định mức chi cụ
thể cho từng khóa học; chỉ đạo, kiểm tra thực hiện kế hoạch hàng năm về dạy nghề
ngắn hạn cho lao động nông thôn trên địa bàn.
4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
a. Xây dựng kế hoạch hàng năm về chỉ tiêu và
kinh phí dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, trình Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt;
b. Thông báo công khai kế hoạch hàng năm về chỉ
tiêu và kinh phí được duyệt với các quận, huyện, thị xã; các xã, phường, thị trấn
và các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để
đăng ký số lượng học viên;
c. Hợp đồng với các cơ sở dạy nghề đủ điều kiện
(kể cả các cơ sở dạy nghề ngoài công lập) để tổ chức các khóa dạy nghề ngắn hạn
cho lao động nông thôn theo kế hoạch và mức chi đã được Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt;
d. Lưu giữ hồ sơ, thống kê số lượng học viên đã
được hỗ trợ kinh phí dạy nghề theo từng khóa học, bảo đảm chỉ hỗ trợ kinh phí dạy
nghề ngắn hạn cho các đối tượng quy định tại mục I Thông tư này;
đ. Kiểm tra, giám sát, đôn đốc các cơ sở dạy nghề
thực hiện; tổng hợp báo cáo kết quả định kỳ 6 tháng với Ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (theo mẫu
số 1 kèm theo Thông tư này);
e. Quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí hỗ trợ
dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn theo quy định của Luật Ngân sách Nhà
nước và các văn bản hướng dẫn Luật.
5. Sở Tài chính: Phối hợp với Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội kiểm tra giám sát, quản lý kinh phí dạy nghề theo chức
năng nhiệm vụ được giao.
6. Các cơ sở dạy nghề tham gia dạy nghề cho lao
động nông thôn:
a. Tổ chức tuyển sinh, dạy nghề đúng đối tượng,
nội dung theo hợp đồng ký kết với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;
b. Sử dụng kinh phí đúng mục đích, có hiệu quả,
không để thất thoát; tập hợp và lưu giữ các chứng từ thu, chi, thanh toán theo
chế độ kế toán hiện hành; chịu trách nhiệm về tính hợp pháp, hợp lý của chứng từ
đó;
c. Tổ chức kiểm tra, đánh giá, cấp chứng chỉ cho
học viên đạt yêu cầu ngay sau khi kết thúc khóa học.
7. Người lao động tham gia học nghề:
a. Lựa chọn nghề, cơ sở dạy nghề theo hướng dẫn
của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội;
b. Nộp đơn xin học nghề có xác nhận của Ủy ban nhân
dân xã, phường, thị trấn nơi đăng ký hộ khẩu thường trú (mẫu số 2 kèm theo
Thông tư này) cho cơ sở dạy nghề đã lựa chọn;
c. Ký hợp đồng học nghề với cơ sở dạy nghề sau
khi đơn học nghề được chấp nhận; thực hiện các nhiệm vụ và được hưởng các quyền
lợi đối với người học nghề theo quy định hiện hành.
V. HIỆU LỰC THI HÀNH
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày
đăng Công báo. Bãi bỏ Thông tư liên tịch số 65/2004/TTLT/BTC-BLĐTBXH ngày 02
tháng 07 năm 2004 của liên Bộ Tài chính - Lao động - Thương binh và Xã hội hướng
dẫn thực hiện kinh phí hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn. Trong
quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về liên Bộ để xem xét
giải quyết.
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG -
THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Lương Trào
|
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG
Huỳnh Thị Nhân
|
MẪU SỐ 1
(Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 06 ngày 19 tháng 1 năm
2006)
Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội tỉnh........
BẢNG TỔNG HỢP LAO ĐỘNG ĐƯỢC HỖ TRỢ DẠY NGHỀ NGẮN HẠN
THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 81/2005/QĐ-TTg
STT
|
Họ và tên
|
Địa chỉ
|
Nhóm đối tượng
|
Thời gian học
|
Kinh phí hỗ
trợ
|
NSTƯ
|
NSĐP
|
Nguồn khác
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Người lập biểu
|
Trưởng phòng
nghiệp vụ
|
.... Ngày
tháng năm
GIÁM ĐỐC SỞ LAO
ĐỘNG-TBXH
|
Ghi chú:
- Nhóm đối tượng: Đề nghị ghi rõ
thuộc nhóm đối tượng nào trong các nhóm từ điểm 1 - 7 mục I Thông tư liên tịch
số TTLT/BTC - BLĐTBXH.
- Thời gian học: Ghi rõ thời điểm
diễn ra khóa học (từ ngày..... đến ngày.....)
- Kinh phí hỗ trợ: Được tính bằng
tổng kinh phí hỗ trợ cho khóa học/số lượng học viên tham gia khóa học đó.
MẪU SỐ 2
(Ban hành kèm
theo Thông tư liên tịch số 06 ngày 19 tháng 1 năm 2006)
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự
do - Hạnh phúc
---------------------
ĐƠN XIN HỌC NGHỀ NGẮN HẠN
Kính gửi: (Tên
cơ sở dạy nghề được lựa chọn)
Tên tôi là:
Ngày, tháng, năm sinh:
Nguyên quán:
Hiện có hộ khẩu thường trú tại:
Tôi là lao động........... (ghi
theo nhóm đối tượng nêu tại mục I Thông tư liên tịch số.......
TTLT/BTC-BLĐTBXH)...... Tôi chưa qua đào tạo nghề, nay làm đơn đề nghị được
tham gia khóa học nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn do Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội tổ chức tại........ (ghi rõ tên cơ sở dạy nghề)....... từ
ngày...... tháng...... năm....... đến ngày...... tháng...... năm.......
|
...........
Ngày...... tháng...... năm.......
Người làm đơn
(Ký và ghi
rõ họ tên)
|
Xác nhận của UBND cấp xã
Xác nhận ông (bà)....... có hộ
khẩu thường trú tại xã, chưa qua
đào tạo nghề./.
(Ký tên và đóng dấu)