BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO - BỘ TÀI CHÍNH - BỘ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH VÀ
XÃ HỘI
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 03/2012/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTB&XH
|
Hà Nội, ngày 19 tháng 01 năm 2012
|
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ VỀ HỌC TẬP ĐỐI VỚI TRẺ
EM, HỌC SINH, SINH VIÊN CÁC DÂN TỘC RẤT ÍT NGƯỜI THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 2123/QĐ-TTG
NGÀY 22 THÁNG 11 NĂM 2010 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN
GIÁO DỤC ĐỐI VỚI CÁC DÂN TỘC RẤT ÍT NGƯỜI GIAI ĐOẠN 2010 - 2015
Căn cứ Nghị định số
32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP
ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số
186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Thực hiện Quyết định số
2123/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án
Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 - 2015,
Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ
Tài chính và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chính sách
hỗ trợ về học tập đối với trẻ em, học sinh, sinh viên các dân tộc rất ít người
theo quy định tại Quyết định số 2123/QĐ-TTg ngày 22 tháng 11 năm 2010 của Thủ
tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Quyết định 2123/QĐ-TTg) phê duyệt Đề án
Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai đoạn 2010 - 2015 như
sau:
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư
này hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ về học tập đối với trẻ em, học sinh,
sinh viên các dân tộc rất ít người theo quy định tại Điểm 4 Mục
IV Điều 1 của Quyết định 2123/QĐ-TTg.
2. Đối tượng áp dụng: Trẻ em 3 -
5 tuổi, học sinh, sinh viên 9 dân tộc rất ít người Ơ Đu, Pu Péo, Si La, Rơ Măm,
Cống, Brâu, Bố Y, Mảng, Cờ Lao có gia đình cư trú tại 6 tỉnh Lào Cai, Hà Giang,
Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Kon Tum đang học tập trong các cơ sở giáo dục,
đào tạo và dạy nghề công lập ở các tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Điều 2. Điều
kiện được hưởng chính sách hỗ trợ học tập
Trẻ em 3 -5 tuổi, học sinh, sinh
viên thuộc đối tượng quy định tại Khoản 2 Điều 1 của Thông tư này được hưởng
chính sách hỗ trợ học tập khi đáp ứng hai điều kiện sau đây:
1. Có gia đình cư trú tại vùng
có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại các văn bản
dưới đây:
- Quyết định số 164/2006/QĐ-TTg
ngày 11/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách xã đặc biệt
khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình phát triển
kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi
giai đoạn 2006-2010 (Chương trình 135 giai đoạn II);
- Quyết định số 113/2007/QĐ-TTg
ngày 20/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách xã hoàn
thành mục tiêu Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng đồng bào
dân tộc, miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa giai đoạn 1999-2005, bổ sung
các xã, thôn, bản vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II và xã vùng
bãi ngang ven biển và hải đảo vào diện đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc
gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010;
- Quyết định số 01/2008/QĐ-UBDT
ngày 11/01/2008 của Ủy ban Dân tộc về việc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt
khó khăn thuộc xã khu vực II vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II;
- Quyết định số 69/2008/QĐ-TTg
ngày 28/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt bổ sung danh sách xã đặc
biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình 135
giai đoạn II và danh sách xã ra khỏi diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn
II;
- Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP
ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh
và bền vững đối với 61 huyện nghèo;
- Quyết định số 1105/QĐ-TTg ngày
28/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt bổ sung danh sách các xã đặc
biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình 135
giai đoạn II và danh sách xã hoàn thành mục tiêu, ra khỏi diện đầu tư của
Chương trình 135 giai đoạn II.
2. Là nhân khẩu thuộc hộ nghèo
(chuẩn nghèo theo quy định của Chính phủ và hộ nghèo theo quyết định của Uỷ ban
nhân dân cấp huyện từng năm).
Điều 3. Mức
hỗ trợ, thời gian được hưởng, hình thức hưởng
1. Mức hỗ trợ:
a) Nhóm 1: gồm các đối tượng trẻ
em 3 - 5 tuổi, học sinh, sinh viên học tại các trường, lớp công lập được gọi
chung là cơ sở giáo dục, cụ thể như sau:
- Đối với trẻ em 3 - 5 tuổi (đạt
đến 3, 4 hoặc 5 tuổi trong năm học theo giấy khai sinh) thuộc hộ nghèo đang học
tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập, được hưởng mức hỗ trợ bằng 30% mức
lương tối thiểu chung/trẻ/tháng.
- Đối với học sinh tiểu học thuộc
hộ nghèo đang học tại các điểm trường ở thôn, bản được hưởng mức hỗ trợ bằng
40% mức lương tối thiểu chung/học sinh/tháng; học sinh tiểu học thuộc hộ nghèo
học tại trường phổ thông dân tộc bán trú và ở bán trú được hưởng mức hỗ trợ bằng
60% mức lương tối thiểu chung/học sinh/tháng.
- Đối với học sinh trung học cơ
sở thuộc hộ nghèo đang học tại trường phổ thông dân tộc bán trú và ở bán trú được
hưởng mức hỗ trợ bằng 60% mức lương tối thiểu chung/học sinh/tháng; học sinh
trung học cơ sở thuộc hộ nghèo học tại trường phổ thông dân tộc nội trú cấp huyện
được hưởng học bổng bằng 100% mức lương tối thiểu chung/học sinh/tháng.
- Đối với học sinh trung học phổ
thông thuộc hộ nghèo đang học tại các trường trung học phổ thông dân tộc nội
trú cấp tỉnh và trường phổ thông dân tộc nội trú liên cấp trung học cơ sở và
trung học phổ thông được hưởng học bổng bằng 100% mức lương tối thiểu chung/học
sinh/tháng.
- Đối với học sinh, sinh viên
thuộc hộ nghèo học tại các trường, khoa dự bị đại học, các trường đại học, cao
đẳng, trung cấp chuyên nghiệp được hưởng học bổng bằng 100% mức lương tối thiểu
chung/người/tháng.
b) Nhóm 2: gồm các đối tượng học
sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo học tại các trường cao đẳng nghề, trường trung cấp
nghề và trung tâm dạy nghề công lập (gọi chung là cơ sở dạy nghề), được hưởng học
bổng bằng 100% mức lương tối thiểu chung/người/tháng.
2. Thời gian được hưởng hỗ trợ:
12 tháng/năm cho đối tượng có thời gian học 9 tháng/năm trở lên; trường hợp đối
tượng học không đủ 9 tháng/năm thì được hưởng theo thời gian học thực tế.
3. Chi phí hỗ trợ học tập được
chi trả bằng tiền mặt; tính trên mức lương tối thiểu chung theo quy định của
Chính phủ trong từng thời kỳ.
Điều 4. Hồ sơ,
trình tự, thủ tục và phương thức chi trả
1. Hồ sơ xét cấp tiền hỗ trợ học
tập gồm có:
- Đơn đề nghị hỗ trợ học tập (mẫu
đơn kèm theo Thông tư này: Phụ lục I dùng cho học sinh mẫu giáo và phổ thông; mẫu
đơn theo Phụ lục II dùng cho học sinh, sinh viên học tại các trường, khoa dự bị
đại học, các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và cơ sở dạy nghề);
- Giấy khai sinh (bản sao);
- Giấy chứng nhận hộ nghèo do uỷ
ban nhân dân cấp xã cấp (bản sao).
Đơn đề nghị hỗ trợ học tập và bản
sao giấy khai sinh chỉ phải nộp lần đầu khi đề nghị xét cấp trong cùng một cơ sở
giáo dục.
2. Trình tự và thời gian thực hiện:
a) Đối với trẻ em 3 - 5 tuổi, học
sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục (thuộc Nhóm 1) trực thuộc Uỷ ban
nhân dân 6 tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Kon Tum:
- Đầu năm học, cơ sở giáo dục có
học sinh dân tộc rất ít người theo học tổ chức phổ biến, thông báo rộng rãi, hướng
dẫn cho cha mẹ (hoặc người giám hộ, người nhận nuôi) trẻ mẫu giáo hoặc học
sinh, sinh viên thuộc đối tượng được hưởng chính sách viết, gửi đơn đề nghị hỗ
trợ học tập.
Cha mẹ (hoặc người giám hộ, người
nhận nuôi) trẻ mẫu giáo hoặc học sinh, sinh viên khi đến nộp đơn tại cơ sở giáo
dục phải xuất trình bản gốc và 01 bản sao các loại giấy tờ quy định về hồ sơ
xét cấp tại Khoản 1 Điều này. Người nhận hồ sơ đối chiếu bản sao với bản gốc,
ký xác nhận tính xác thực của bản sao và ghi rõ họ tên vào bản sao để đưa vào hồ
sơ.
Trong vòng 45 ngày, kể từ ngày
khai giảng năm học, cơ sở giáo dục lập danh sách trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh
viên được đề nghị cấp tiền hỗ trợ học tập, kèm hồ sơ xét cấp, gửi đến phòng
giáo dục và đào tạo (đối với các cơ sở giáo dục do Uỷ ban nhân dân cấp huyện quản
lý) hoặc sở giáo dục và đào tạo (đối với cơ sở giáo dục do Uỷ ban nhân dân cấp
tỉnh quản lý).
- Trong vòng 15 ngày làm việc, kể
từ khi nhận được hồ sơ, sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo tổ chức
thẩm định hồ sơ, phê duyệt danh sách đối tượng được hưởng và thông báo kết quả
đến các cơ sở giáo dục.
- Các cơ sở giáo dục niêm yết
công khai danh sách đối tượng được hưởng và thực hiện chi trả ngay sau khi nhận
được thông báo kết quả.
b) Đối với học sinh, sinh viên học
tại các cơ sở dạy nghề (thuộc Nhóm 2) trực thuộc Uỷ ban nhân dân 6 tỉnh Lào
Cai, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Kon Tum:
- Đầu năm học/khoá học cơ sở dạy
nghề có học sinh dân tộc rất ít người theo học tổ chức phổ biến, thông báo rộng
rãi, hướng dẫn cho học sinh, sinh viên thuộc đối tượng được hưởng chính sách viết,
gửi đơn đề nghị hỗ trợ học tập.
Học sinh, sinh viên khi đến nộp
đơn tại cơ sở dạy nghề phải xuất trình bản gốc và 01 bản sao các loại giấy tờ
quy định về hồ sơ xét cấp tại Khoản 1 Điều này. Người nhận hồ sơ đối chiếu bản
sao với bản gốc, ký xác nhận tính xác thực của bản sao và ghi rõ họ tên vào bản
sao để đưa vào hồ sơ.
Trong vòng 45 ngày, kể từ ngày
khai giảng năm học/khoá học, tất cả cơ sở dạy nghề đóng trên địa bàn huyện lập
danh sách học sinh, sinh viên được đề nghị cấp tiền hỗ trợ học tập, kèm hồ sơ
xét cấp, gửi đến phòng lao động - thương binh và xã hội cấp huyện.
- Trong vòng 15 ngày làm việc, kể
từ khi nhận được hồ sơ, phòng lao động - thương binh và xã hội tổ chức thẩm định
hồ sơ, phê duyệt, niêm yết công khai danh sách đối tượng được hưởng và thực hiện
việc chi trả.
c) Đối với trẻ mẫu giáo 3 - 5 tuổi,
học sinh, sinh viên thuộc đối tượng được hưởng ở Nhóm 1 và Nhóm 2 đang học tại
các cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề do Trung ương quản lý và các cơ sở giáo dục,
cơ sở dạy nghề trực thuộc Uỷ ban nhân các tỉnh, thành phố khác với 6 tỉnh Lào
Cai, Hà Giang, Điện Biên, Lai Châu, Nghệ An, Kon Tum:
- Đầu năm học/khoá học, cơ sở
giáo dục và cơ sở dạy nghề có trẻ, học sinh, sinh viên dân tộc rất ít người
theo học tổ chức phổ biến, thông báo rộng rãi và hướng dẫn cho cha mẹ (người
giám hộ, người nhận nuôi) trẻ em học mẫu giáo hoặc học sinh, sinh viên thuộc đối
tượng được hưởng chính sách viết, gửi đơn đề nghị hỗ trợ học tập.
Trong vòng 30 ngày, kể từ ngày
khai giảng năm học/khoá học, cha mẹ (người giám hộ, người nhận nuôi) trẻ em học
mẫu giáo hoặc học sinh, sinh viên phải làm đơn đề nghị cấp tiền hỗ trợ học tập,
có xác nhận của cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề nơi đang theo học gửi đến phòng
lao động - thương binh và xã hội cấp huyện nơi gia đình cư trú, kèm bản sao chứng
thực các loại giấy tờ quy định tại Khoản 1 Điều này.
Trường hợp tại nơi theo học mà
trẻ, học sinh, sinh viên đang được hưởng chính sách cùng tính chất, nhưng có mức
ưu đãi thấp hơn chính sách hỗ trợ học tập quy định tại Thông tư này, cơ sở giáo
dục, cơ sở dạy nghề phải ghi rõ mức được hưởng, thời gian hưởng/năm và xác nhận
cụ thể thời gian ngừng cấp để phòng lao động - thương binh và xã hội có cơ sở
xét duyệt.
Trường hợp tại nơi theo học mà
trẻ, học sinh, sinh viên đang được hưởng chính sách cùng tính chất, nhưng có mức
ưu đãi cao hơn chính sách hỗ trợ học tập quy định tại Thông tư này thì chỉ được
tiếp tục hưởng chính sách đang thực hiện tại cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề mà
trẻ, học sinh, sinh viên theo học.
- Trong vòng 15 ngày làm việc, kể
từ khi nhận được hồ sơ, phòng lao động - thương binh và xã hội tổ chức thẩm định,
phê duyệt, niêm yết công khai danh sách đối tượng được hưởng và thực hiện chi
trả.
3. Phương thức chi hỗ trợ:
- Tuỳ theo điều kiện quản lý cụ
thể, cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông thoả thuận với ban đại diện cha mẹ học
sinh để quyết định phương thức chi trả cho phù hợp (khuyến khích cơ sở giáo dục
tổ chức bữa ăn tập trung cho học sinh).
- Phòng lao động - thương binh
và xã hội thống nhất với phòng tài chính - kế hoạch cấp huyện để chi trả tiền hỗ
trợ học tập trực tiếp cho học sinh, sinh viên hoặc thông qua cha mẹ của trẻ, học
sinh, sinh viên.
- Tuỳ vào tình hình thực tế của
từng địa phương, việc chi trả chi phí hỗ trợ học tập có thể thực hiện theo
tháng, quý hoặc theo kỳ học, khoá học.
Điều 5. Về nguồn
kinh phí
1. Nguồn kinh phí: kinh phí chi
trả chính sách đối với trẻ mẫu giáo 3 - 5 tuổi, học sinh, sinh viên các dân tộc
rất ít người theo quy định tại Thông tư này được cân đối trong dự toán chi sự
nghiệp giáo dục, đào tạo hàng năm của địa phương.
2. Ngân sách trung ương hỗ trợ
100% kinh phí cho các địa phương để thực hiện chính sách hỗ trợ học tập theo
quy định tại Thông tư này.
Điều 6. Về lập
dự toán, quản lý, sử dụng, quyết toán kinh phí
1. Việc lập và phân bổ dự toán
kinh phí thực hiện chính sách chi hỗ trợ học tập cho trẻ mẫu giáo, học sinh,
sinh viên được thực hiện đồng thời với thời điểm lập, phân bổ dự toán ngân sách
nhà nước hàng năm tại địa phương. Dự toán phải ghi rõ kinh phí thực hiện chính
sách cấp hỗ trợ học tập cho trẻ mẫu giáo, học sinh, sinh viên các dân tộc rất
ít người và số lượng đối tượng được hưởng.
Kinh phí hỗ trợ học tập cho trẻ
mẫu giáo 3 - 5 tuổi và học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục do tỉnh
quản lý cân đối trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm phân bổ cho các cơ sở
giáo dục.
Kinh phí hỗ trợ học tập cho trẻ,
học sinh, sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục ngoài tỉnh, do Trung ương
quản lý và tất cả các cơ sở dạy nghề cân đối trong dự toán ngân sách nhà nước
hàng năm phân bổ qua phòng lao động - thương binh và xã hội cấp huyện nơi gia
đình trẻ, học sinh, sinh viên cư trú.
2. Các cơ quan được phân bổ ngân
sách theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư này chịu trách nhiệm lập dự
toán, thực hiện việc quản lý, chi trả kinh phí hỗ trợ học tập đúng đối tượng và
thanh quyết toán kinh phí với ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật.
Quy trình, trách nhiệm và thẩm
quyền trong lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí hỗ trợ học tập thực
hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và theo phân cấp quản lý hiện
hành.
3. Cơ quan tài chính các cấp có
trách nhiệm bảo đảm kinh phí hỗ trợ, hướng dẫn quản lý và kiểm tra, kiểm soát
việc thực hiện.
4. Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm
soát, cấp phát, thanh toán kinh phí hỗ trợ theo quy định hiện hành của Bộ Tài
chính về hướng dẫn chế độ quản lý, cấp phát, thanh toán các khoản chi ngân sách
qua Kho bạc Nhà nước; các chế độ chi tiêu và các quy định tại Thông tư này.
5. Hàng năm ủy ban nhân dân tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương căn cứ Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng
kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, Thông tư hướng
dẫn của Bộ Tài chính về xây dựng dự toán ngân sách nhà nước, số lượng đối tượng
được hưởng xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ học tập, tổng hợp chung trong dự
toán chi ngân sách nhà nước của địa phương gửi Bộ Tài chính cùng thời gian báo
cáo dự toán ngân sách Nhà nước năm kế hoạch; đồng thời, gửi báo cáo về Bộ Giáo
dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để phối hợp quản lý.
Điều 7. Điều
khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày 05 tháng 3 năm 2012.
2. Thời điểm thực hiện chính
sách hỗ trợ về học tập cho các đối tượng quy định tại Thông tư này được tính từ
ngày 01/9/2011 đến 31/12/2015.
3. Các đối tượng được hưởng
chính sách hỗ trợ về học tập theo quy định của Thông tư này mà cùng một lúc được
hưởng nhiều chính sách cùng tính chất thì chỉ được hưởng chính sách có chế độ
ưu đãi cao nhất.
4. Trường hợp nếu các văn bản dẫn
chiếu để áp dụng trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hay thay thế bằng văn
bản mới thì sẽ được dẫn chiếu áp dụng theo các văn bản mới đó.
KT.
BỘ TRƯỞNG
BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Ngọc Phi
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Minh
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Nghĩa
|
Nơi nhận:
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội và các UB của Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Văn phòng Chính phủ;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng;
- Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Kiểm toán nhà nước;
- UBTW Mặt trận tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các Vụ, Cục, Thanh tra, Văn phòng thuộc Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ
Tài chính;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- HĐND, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc TW;
- Các sở GD&ĐT, sở tài chính; sở LĐ-TB&XH;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website các Bộ: GD&ĐT; Tài chính; LĐ-TB&XH;
- Lưu: VT, Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH, Bộ TC.
|
PHỤ LỤC I
(Kèm
theo Thông tư liên tịch số /2011/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTB&XH
ngày
tháng năm 2011 của Liên Bộ Giáo
dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội )
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------------
ĐƠN ĐỀ NGHỊ HỖ TRỢ HỌC TẬP
(Dùng
cho cha mẹ trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông)
Kính
gửi: (tên cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông)
Họ và tên:
Cư trú tại:
Là Cha/mẹ (hoặc người giám hộ,
nhận nuôi) của em:
Sinh ngày:
Dân tộc:
Hiện đang học tại lớp:
Trường:
Thuộc đối tượng được hưởng chi
phí hỗ trợ học tập theo quy định tại Quyết định số 2123/QĐ-TTg ngày 22 tháng
11năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Tôi làm đơn này đề nghị các cấp
quản lý xem xét, giải quyết cấp tiền hỗ trợ học tập theo quy định và chế độ hiện
hành.
|
...,
ngày tháng năm
Người
làm đơn
(Ký
tên và ghi rõ họ tên)
|
Xác
nhận của cơ sở giáo dục
Cơ sở giáo dục: ................................................................................................
Xác nhận trẻ/học sinh:
.....................................................................................
Hiện là học sinh lớp:…………………………………………………………..
Các chi tiết nêu trong đơn là
phù hợp với hồ sơ mà cơ sở giáo dục đang quản lý.
Kỷ luật:
................................................................(ghi rõ mức độ
kỷ luật, nếu có).
Đang hưởng chính sách cùng tính
chất tại trường (nếu có), số tiền: ...............đồng/tháng và được hưởng…..
tháng/năm.
Đơn vị chúng tôi sẽ ngừng cấp
chính sách cho học sinh/sinh viên trên tại trường từ tháng…năm…(1); đề nghị cơ
quan quản lý cấp trên xem xét, phê duyệt tiền hỗ trợ học tập cho trẻ/học sinh
nói trên theo quy định và chế độ hiện hành.
|
.........,
ngày ..... tháng ..... năm ...........
Thủ
trưởng đơn vị
(Ký
tên, đóng dấu)
|
(1) Chỉ áp dụng trong trường hợp
chính sách đang hưởng tại nơi học thấp hơn chính sách hỗ trợ học tập quy định tại
Thông tư này; trường hợp chính sách đang hưởng cao hơn thì tiếp tục hưởng tại
nơi đang theo học, không gửi đơn đề nghị nữa.
PHỤ LỤC II
(Kèm
theo Thông tư liên tịch số
/2011/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTB&XH ngày
tháng năm 2011 của Liên Bộ Giáo
dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội)
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------------
ĐƠN ĐỀ NGHỊ HỖ TRỢ HỌC TẬP
(Dùng
cho học sinh, sinh viên học tại các trường, khoa dự bị đại học, các trường đại
học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và cơ sở dạy nghề)
Kính
gửi: Phòng lao động - thương binh và xã hội (cấp huyện)
Họ và tên:
Ngày, tháng, năm sinh:
Dân tộc:
Ngành học:
Mã số học sinh/sinh viên:
Họ tên cha/mẹ học sinh, sinh
viên:
Nơi cư trú của gia đình:
Thuộc đối tượng được hưởng chi
phí hỗ trợ học tập theo QĐ số 2123/QĐ-TTg ngày 22/11/2010 của Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt Đề án Phát triển giáo dục đối với các dân tộc rất ít người giai
đoạn 2010- 2015.
Tôi làm đơn này đề nghị các cấp
quản lý xem xét, giải quyết cấp tiền hỗ trợ học tập theo quy định và chế độ hiện
hành.
|
…,
ngày
tháng năm
Người
làm đơn
(Ký
tên và ghi rõ họ tên)
|
Xác
nhận của cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề
Cơ sở giáo dục/dạy nghề:
......................................................................................
Xác nhận anh/chị:
.................................................
Hiện là học sinh, sinh viên năm
thứ ..... Học kỳ: ..............Năm học.......lớp ............. khoa .........
khóa học.......... thời gian khóa học..........(năm) hệ đào tạo
.........................
Các chi tiết nêu trong đơn là
phù hợp với hồ sơ mà cơ sở giáo dục/dạy nghề đang quản lý.
Kỷ luật:
..............................................(ghi rõ mức độ kỷ luật, nếu có).
Đang hưởng chính sách cùng tính
chất tại trường (nếu có), số tiền: ...............đồng/tháng và được hưởng…..
tháng/năm.
Đơn vị chúng tôi sẽ ngừng cấp
chính sách cho học sinh/sinh viên trên tại trường từ tháng…năm…(1); đề nghị
phòng lao động - thương binh và xã hội xem xét, giải quyết tiền hỗ trợ học tập
cho anh/chị nói trên theo quy định và chế độ hiện hành.
|
.........,
ngày ..... tháng ..... năm ...........
Thủ
trưởng đơn vị
(Ký
tên, đóng dấu)
|
(1) Chỉ áp dụng trong trường hợp
chính sách đang hưởng tại nơi học thấp hơn chính sách hỗ trợ học tập quy định tại
Thông tư này; trường hợp chính sách đang hưởng cao hơn thì tiếp tục hưởng tại
nơi đang theo học, không gửi đơn đề nghị nữa.