BỘ NỘI VỤ
BỘ TÀI CHÍNH
******
|
VIỆT NAM DÂN
CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số: 06-TT/LB
|
Hà Nội, ngày 23
tháng 07 năm 1973
|
THÔNG TƯ LIÊN BỘ
VỀ
VIỆC CẢI TIẾN CHẾ ĐỘ SINH HOẠT PHÍ CỦA THƯƠNG BINH NẶNG Ở CÁC TRẠI AN DƯỠNG, VÀ
CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI THƯƠNG BINH, BỆNH BINH GÁI
Nghị quyết số 196-CP ngày 16-10-1972 của Hội đồng Chính phủ về
việc bổ sung chính sách đối với thương binh, bệnh binh có quy định việc cải tiến
chế độ sinh hoạt phí của thương binh và chế độ đối với thương binh, bệnh binh
gái.
Thi hành nghị quyết của Hội đồng Chính phủ, hai Bộ Nội vụ -
Tài chính quy định cụ thể và hướng dẫn thực hiện như sau.
I.
CHẾ ĐỘ SINH HOẠT PHÍ ĐỐI VỚI THƯƠNG BINH NẶNG Ở CÁC TRẠI AN DƯỠNG
Đối tượng thu nhận vào các trại giam an dưỡng thương binh là
những thương binh và những người bị thương khác được hưởng chính sách như
thương binh (gọi tắt là thương binh) có thương tật nặng (thương binh hạng đặc
biệt, hạng 1 cũ, thương binh hạng 8,7,6 mới); thương binh các bệnh nội tạng tỷ
lệ mất sức lao động do thương tật từ 71% trở lên; và những quân nhân do chiến đấu
bị mắc bệnh mà mất sức lao động từ 71% trở lên hiện nay không có điều kiện về địa
phương hoặc quê ở miền Nam.
Việc thu nhận vào trại an dưỡng phải do Bộ Nội vụ quyết định
(đối với các trại do Bộ Nội vụ quản lý), hoặc do Ủy ban hành chính tỉnh, thành
phố quyết định (đối với các trại do Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố quản lý)
theo đúng các quy định trên đây.
Để thống nhất chế độ và cải thiện thêm một bước đời sống của
thương binh ở các trại an dưỡng. Hai Bộ quy định cụ thể chế độ sinh hoạt phí của
thương binh ở các trại an dưỡng như sau:
1. Sinh hoạt phí của thương binh ở các trại an dưỡng gồm 3 mức:
- Thương binh hạng đặc biệt (cũ), hạng 8 (mới) được hưởng sinh
hoạt phí mỗi tháng:
Tiền ăn 21đ
Tiền may mặc và tiêu vặt 23đ
Cộng: 44đ
- Thương binh hạng 1 (cũ) hạng 7 và hạng 6 (mới) được hưởng
sinh hoạt phí mỗi tháng:
Tiền ăn 21đ
Tiền may mặc và tiêu vặt 19đ
Cộng: 40đ
- Thương binh các hạng khác mắc bệnh nội tạng, tỷ lệ mất sức
do thương tật từ 71% trở lên, những quân nhân do chiến đấu bị mắc bệnh mà mất sức
lao động từ 71% trở lên được hưởng sinh hoạt phí mỗi tháng:
Tiền ăn 21đ
Tiền may mặc và tiêu vặt 15đ
Cộng: 36đ
2. Mức sinh hoạt phí trên đây áp dụng thống nhất cho các
thương binh từ trước đến nay. Thương binh vào trại an dưỡng được lĩnh trợ cấp
thương tật theo mức quy định cho thương binh về địa phương (nghị định số 13-CP
ngày 2-2-1962 và nghị định số 161-CP ngày 30-10-1964 của Hội đồng Chính phủ); nếu
trợ cấp thương tật hàng tháng cao hơn mức sinh hoạt phí thì lĩnh trợ cấp thương
tật và nộp tiền ăn cho trại theo mức thống nhất là 21đ mỗi tháng.
Riêng những thương binh vào trại trước năm 1962, đã lĩnh sinh
hoạt phí và trợ cấp thương tật theo nghị định số 134-TTg ngày 1-2-1958 của Thủ
tướng Chính phủ, nếu số tiền được lĩnh cao hơn sinh hoạt phí quy định trên đây
thì được giữ nguyên số tiền đã lĩnh.
3. Những thương thuộc tiêu chuẩn an dưỡng, nếu được thu nhận
vào trại điều dưỡng thì vẫn hưởng mức sinh hoạt phí như ở trại an dưỡng, hàng
tháng nộp tiền ăn cho trại là 21đ và được ăn theo mức điều dưỡng là 30đ một
tháng (số tiền ăn còn thiếu do kinh phí của trại đài thọ).
Những thương binh hiện ở các trại an dưỡng bị ốm đau, sức khỏe
giảm sút cần được bồi dưỡng (do y sĩ, bác sĩ xét và quyết định trong từng thời
gian) thì được hưởng chế độ ăn theo mức ăn ở trại điều dưỡng (30đ một tháng)
trong thời gian bồi dưỡng theo quyết định của bác sĩ, y sĩ.
4. Để đảm bảo sức khỏe cho thương binh nặng, các trại an dưỡng,
điều dưỡng nhất thiết phải tổ chức cho thương binh ăn theo mức ăn đã quy định
(chế độ an dưỡng ăn mỗi tháng là 30đ) không được tùy tiện hạ thấp mức ăn ở các
trại.
5. Các Ban quản đốc các trại phải lập danh sách thương binh được
hưởng các mức sinh hoạt phí trên đây để Bộ Nội vụ xét duyệt (đối với các trại
trực thuộc Bộ), hoặc các Sở, Ty thương binh xã hội xét duyệt (đối với các trại
trực thuộc Sở, Ty).
II.
MỘT SỐ CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI THƯƠNG BINH, BỆNH BINH GÁI
Để thực hiện đúng chính sách, chế độ đối với thương binh, bệnh
binh và để giải quyết những khó khăn đối với thương binh, bệnh binh gái, hai Bộ
quy định cụ thể một số chế độ đối với thương binh, bệnh binh gái ở các trại
giam, trường thương binh như sau:
1. Về phòng bệnh, chữa bệnh, vệ sinh và thai sản.
Tiêu chuẩn về thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, thuốc phụ khoa, thuốc
cho con thương binh, bệnh binh gái cùng ở chung với mẹ, phụ cấp vệ sinh nữ, các
chế độ trợ cấp khi sinh đẻ, sảy thai, mất sữa đối với thương binh, bệnh binh
gái đều theo như chế độ đối với nữ công nhân, viên chức Nhà nước.
2. Về nhà giữ trẻ.
Thương binh, bệnh binh có con nhỏ dưới 36 tháng vì bị thương tật,
bệnh tật nặng hoặc đang học văn hóa, đang tham gia sản xuất được gửi con vào
nhà gửi trẻ chung với cán bộ, công nhân viên ở trại, trạm, trường, hoặc nơi gửi
trẻ riêng của thương binh, bệnh binh (nơi nào có điều kiện thì tổ chức nhà gửi
trẻ riêng của thương binh, bệnh binh có thương tật, bệnh tật nặng).
Thương binh, bệnh binh gái gửi con vào nhà gửi trẻ được miễn
tiền đóng góp hàng tháng cho nhà gửi trẻ.
Những chị em đủ điều kiện gửi con ở nhà gửi trẻ như đã nói
trên, nhưng các trường, trạm, trại thương binh chưa tổ chức được nhà gửi trẻ,
do đó chị em phải tự trông nom lấy thì được hưởng trợ cấp mỗi tháng 5đ cho mỗi
cháu từ 36 tháng trở xuống theo quy định chung đối với công nhân, viên chức Nhà
nước.
Số tiền chi về xây dựng và mua sắm dụng cụ cho nhà gửi trẻ
riêng cho thương binh gái do kinh phí sự nghiệp thương binh đài thọ. Hình thức
tổ chức nhà gửi trẻ và chi phí phục vụ theo sự hướng dẫn của Ủy ban bảo vệ bà mẹ
trẻ em.
3. Về trợ cấp khó khăn.
Thương binh, bệnh binh ở các trại, trạm, trường, nếu gia đình
gặp khó khăn thì được xét trợ cấp khó khăn theo quy định trong thông tư số
51-TTg ngày 17-5-1965 của Hội đồng Chính phủ, các chị em thương binh, bệnh binh
có con nhỏ cùng ở với mẹ, thu nhập thấp, cần được quan tâm đầy đủ, Bộ Nội vụ sẽ
hướng dẫn cụ thể.
Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 07 năm
1973. Những quy định trái với thông tư này đều bãi bỏ.
K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI
VỤ
THỨ TRƯỞNG
Lê Đình Thiệp
|
K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ
TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG
Đào Thiện Thi
|