BỘ
TÀI CHÍNH
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
32/1997/TC-HCSN
|
Hà
Nội, ngày 13 tháng 6 năm 1997
|
THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 32/1997/TC-HCSN NGÀY 13 THÁNG 6 NĂM 1997
HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CÁC CHƯƠNG TRÌNH KHOA HỌC CÔNG NGHỆ CẤP NHÀ NƯỚC
GIAI ĐOẠN 1996-2000
Căn cứ vào Nghị định số 87 CP
ngày 19/12/1996 của Chính Phủ hướng dẫn Luật ngân sách Nhà nước và các Quyết định
của Thủ tướng Chính phủ: số 419/TTg ngày 21/7/1995 về Cơ chế quản lý các hoạt động
nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, số 363/TTg ngày 30/5/1996 phê duyệt
Danh mục các Chương trình khoa học công nghệ và các nhiệm vụ khoa học công nghệ
trọng điểm giai đoạn 5 năm 1996-2000, số 716/TTg ngày 30/9/1996 phê duyệt
phương hướng nghiên cứu và danh mục các Chương trình khoa học cấp Nhà nước về
khoa học xã hội - nhân văn giai đoạn 5 năm 1996-2000. Bộ Tài chính hướng dẫn quản
lý tài chính các Chương trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước giai đoạn
1996-2000 như sau:
Phần 1:
NHỮNG QUI ĐỊNH CHUNG
1 - Quản lý tài chính các Chương
trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước (gọi tắt là Chương trình) giai đoạn
1996-2000 phải thực hiện theo Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn
Luật. Nguồn ngân sách Nhà nước cấp cho các Chương trình phải được sử dụng có hiệu
quả nhằm tạo ra sản phẩm khoa học cụ thể hướng vào việc thực hiện các mục tiêu
quan trọng về phát triển kinh tế xã hội cũng như xây dựng luận cứ khoa học cho
các quyết định về đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Ngoài kinh phí sự
nghiệp khoa học từ ngân sách Nhà nước, các Bộ và các cơ quan khoa học công nghệ
cần huy động và sử dụng các nguồn vốn khác để thực hiện các nhiệm vụ khoa học
công nghệ (KHCN) được giao.
2 - Kinh phí thực hiện các nhiệm
vụ thuộc Chương trình của Bộ, Ngành nào được ghi vào dự toán kinh phí hàng năm
của Bộ, Ngành đó .
Bộ Tài chính căn cứ vào chỉ tiêu
ngân sách Nhà nước do Chính phủ thông báo cho các Bộ, Ngành để cấp phát kinh
phí.
3 - Kinh phí cấp cho các Chương
trình chỉ được dùng để thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, các cơ quan
khoa học công nghệ không sử dụng kinh phí này cho các nhiệm vụ nghiên cứu thường
xuyên theo chức năng của đơn vị.
4 - Quản lý về khoa học đối với
các Chương trình được thực hiện theo Thông tư số 2155/KH ngày 21/9/1996 của Bộ
Khoa học, Công nghệ và Môi trường "Hướng dẫn cơ chế quản lý các Chương
trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước giai đoạn 5 năm 1996-2000" và công
văn số 2535/QLKH ngày 06/11/1996 về "Một số quy định về cơ chế quản lý các
chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước về khoa học xã hội-nhân văn giai
đoạn 1996-2000" của Bộ Khoa - Công nghệ và Môi trường; công văn số
1862/TC-HCSN ngày 06 tháng 06 năm 1997 của Bộ Tài chính về việc cấp phát và quản
lý chương trình khoa học xã hội cấp Nhà nước giai đoạn 1996- 2000
Phần 2:
NHỮNG QUI ĐỊNH CỤ THỂ
1 - Kinh phí thực hiện Chương
trình để chi cho các nội dung sau:
- Chi cho công tác nghiên cứu của
các Đề tài nghiên cứu, ứng dụng - Chi cho hoạt động chung của Chương trình như:
tổ chức hội thảo khoa học, lấy ý kiến tham gia của các nhà khoa học, kiểm tra
đánh giá, viết và in ấn các báo cáo tổng hợp hoạt động khoa học của các Chương
trình.
- Chi tổ chức các đoàn ra và đón
đoàn vào.
2 - Công tác lập dự toán:
Lập dự toán kinh phí của Chương
trình phải căn cứ vào: nội dung và khối lượng công việc cần triển khai của đề
tài và Thông tư liên Bộ số 49/TC-KHCN ngày 1/7/1995 của Bộ Tài Chính và Bộ Khoa
học - Công nghệ và Môi trường "Qui định chế độ chi tiêu đối với các hoạt động
nghiên cứu triển khai" và các chế độ hiện hành của Nhà nước.
2.1 - Dự toán tổng thể của
Chương trình:
- Các cơ quan chủ trì Đề tài phải
lập dự toán toàn bộ kinh phí của Đề tài trong thời gian thực hiện gửi Bộ chủ quản,
Ban Chỉ đạo chương trình, Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường.
- Ban chỉ đạo Chương trình lập dự
toán kinh phí hoạt động chung của Chương trình bao gồm cả kinh phí hợp tác quốc
tế gửi Bộ Tài Chính và Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
- Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi
trường tổng hợp nhu cầu kinh phí của từng Chương trình và toàn bộ các Chương
trình gửi Bộ Tài chính.
2.2 - Công tác dự toán hàng năm
- Hàng năm trên cơ sở dự toán
chung của Chương trình, các cơ quan chủ trì, chủ nhiệm Đề tài lập dự toán chi
tiết các nội dung chi của Đề tài theo mục lục ngân sách Nhà nước cho năm kế hoạch
gửi Bộ chủ quản, Ban Chỉ đạo chương trình , Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
.
- Các Bộ chủ quản duyệt các nội
dung chi của từng Đề tài theo mục lục ngân sách Nhà nước và tổng hợp gửi Bộ Tài
chính và Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.
- Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi
trường phối hợp với Bộ Tài chính thảo luận với các Bộ , Ngành về những nội dung
khoa học và dự toán của Đề tài , sau đó tổng hợp dự toán kinh phí của các
Chương trình gửi Bộ Tài chính để trình Chính phủ và Quốc hội.
- Bộ Tài chính căn cứ vào mức
ngân sách Nhà nước đầu tư cho khoa học công nghệ và môi trường được Quốc hội
phê duyệt, chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường phân bổ
kinh phí cho các nhiệm vụ khoa học thuộc các Chương trình cho các Bộ, Ngành để
trình Chính phủ phê duyệt.
3 - Công tác cấp phát kinh phí:
Hàng năm, căn cứ vào Thông báo của
Chính phủ giao nhiệm vụ chi cho các Bộ, Ngành , Bộ Tài chính cấp kinh phí cho
các cơ quan chủ trì Đề tài theo dự toán được duyệt và theo chế độ tài chính hiện
hành.
Kinh phí cho hoạt động chung của
Chương trình được cấp về cơ quan của Trưởng ban chỉ đạo Chương trình theo dự
toán được duyệt.
4 - Chế độ báo cáo quyết toán:
Chế độ kế toán , mẫu biểu và quyết
toán quí, năm thực hiện theo Quyết định số 999TC/QDCĐKT ngày 2/11/1996 của Bộ
trưởng Bộ Tài chính và Thông tư số 09 TC/NSNN ngày 18/3/1997 của Bộ Tài chính
"Hướng dẫn thực hiện việc phân cấp, lập, chấp hành và quyết toán ngân sách
Nhà nước"
Việc thanh quyết toán phải đảm bảo
đúng chế độ, kèm theo các chứng từ chi tiêu cụ thể, phù hợp với nội dung và tiến
độ thực hiện Đề tài.
Cơ quan chủ trì Đề tài lập báo
cáo quyết toán của từng Đề tài của đơn vị gửi Bộ chủ quản. Bộ chủ quản lập báo
cáo quyết toán của các đơn vị chủ trì Đề tài thuộc Bộ mình quản lý gửi cho Bộ
Tài chính.
5 - Công tác kiểm tra tài chính,
kiểm kê tài sản các Đề tài:
Hàng năm Bộ Tài chính sẽ phối hợp
với Bộ khoa học Công nghệ và Môi trường và Bộ chủ quản để tiến hành kiểm tra
thường xuyên hoặc kiểm tra đột xuất tình hình sử dụng kinh phí của các Đề tài
và các nội dung nghiên cứu khoa học của Đề tài. Qua kiểm tra xem xét, đanh giá
tình hình sử dụng kinh phí của Đề tài, trường hợp sử dụng kinh phí sai mục đích
sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền đình chỉ thực hiện Đề tài và thu hồi kinh phí đã
cấp.
Sau khi Chương trình, Đề tài
hoàn thành, được đánh giá và nghiệm thu, các cơ quan chủ trì Đề tài phải tiến
hành kiểm kê đánh giá tài sản đã mua sắm, xây dựng bằng kinh phí của Đề tài. Bộ
Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường kiểm tra
xem xét và quyết định xử lý các vật tư tài sản theo chế độ hiện hành.
6 - Thu hồi kinh phí của Đề tài,
dự án SXTTN sử dụng từ quỹ thu hồi:
Các cơ quan thực hiện Đề tài có
trách nhiệm thu hồi một phần kinh phí được ngân sách Nhà nước cấp cho các Đề
tài do bán các sản phẩm nghiên cứu, chế thử, các phế liệu phế phẩm và vật tư
thiết bị không cần dùng trong quá trình thực hiện hoặc khi kết thúc toàn bộ Đề
tài .
Đối với các Đề tài có khả năng
thu hồi kinh phí, các dự án SXTTN, mức thu hồi và thời hạn thu hồi phải được kế
hoạch hoá và được qui định cụ thể trong hợp đồng ký kết giữa Bộ Khoa học - Công
nghệ và Môi trường, Bộ chủ quản với chủ nhiệm Đề tài, dự án có sự tham gia của
Bộ tài chính, số kinh phí thu hồi được nộp vào ngân sách Nhà nước.
Mức thu hồi kinh phí đối với các
Đề tài ứng dụng thuộc các Chương trình và các dự án SXTTN (sử dụng từ quĩ thu hồi)
từ 80 đến 100%. Mức thu hồi cụ thể cho từng loại, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ
Khoa học - Công nghệ và Môi trường sẽ có hướng dẫn riêng.
Riêng đối với Dự án sản xuất, thử
nghiệm được sử dụng từ quĩ thu hồi: Hàng năm Bộ Khoa học - Công nghệ và Môi trường
lập kế hoạch thu, kế hoạch chi của tưng dự án gửi Bộ Tài Chính để tổng hợp vào
kế hoạch thu chi hàng năm và thông báo cho các Bộ, Ngành. Căn cứ vào tiến độ
thu nộp vào ngân sách và các hợp đồng đã được ký kết, Bộ Tài chính cấp phát cho
các cơ quan chủ trì dự án để thực hiện theo nguyên tắc dùng kinh phí thu hồi
các dự án để đầu tư cho các dự án mới.
7- Thù lao cho Ban chỉ đạo
Chương trình:
Ban chỉ đạo Chương trình có triển
khai hoạt động và thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ đã nêu trong Thông tư số 2155
/KH ngày 21/9/1996 "hướng dẫn cơ chế quản lý các Chương trình khoa học
công nghệ cấp Nhà nước giai đoạn 5 năm 1996 -2000 " và Công văn số
2619/KCM ngày 06/11/ 1996 "Qui chế về tổ chức và phương thức hoạt động của
Ban chỉ đạo Chương trình Khoa học Công nghệ cấp Nhà nước giai doạn
1996-2000" của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thì được nhận khoản
thù lao.
- Mức thù lao đối với thường trực
Ban chỉ đạo Chương trình qui định tạm thời như sau:
+ Trưởng Ban: 200.000đ/tháng
+ Phó trưởng ban: 150.000đ/tháng
+ Uỷ viên thư ký: 150.000đ/tháng
- Các thành viên của Ban Chỉ đạo
Chương trình tuỳ theo công việc cụ thể sẽ được thù lao theo các chế độ hiện
hành.
Tổng số chi cho hoạt động chung
của Chương trình không quá 3% tổng kinh phí chi cho Chương trình hàng năm
(trong đó bao gồm cả thù lao cho Ban chỉ đạo Chương trình).
Phần 3:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Thông tư này áp dụng cho việc quản
lý tài chính đối với các Chương trình, Đề tài cấp Nhà nước giai đoạn 1996-2000,
các Đề tài độc lập cấp Nhà nước, các Dự án sản xuất thử nghiệm chi từ nguồn
kinh phí thu hồi và thay thế Thông tư liên Bộ số 1213/KHCN-TC ngày 26/9/1992 của
uỷ ban Khoa học Nhà nước - Bộ Tài chính "Hướng dẫn việc quản lý tài chính
của các Chương trình khoa học và công nghệ cấp Nhà nước giai đoạn
1991-1995" và Thông tư số 1308/TC-KHKT ngày 24/11/1990 của Liên Bộ Uỷ ban
khoa học Nhà nước - Bộ Tài chính "Hướng dẫn chế độ thu hồi kinh phí đối với
hoạt khoa học công nghệ".
Thông tư này có hiệu lực thi
hành từ ngày 01 tháng 01 năm 1997. Phần kinh phí đã thực hiện của năm 1996 cho
các Chương trình và các dự án SXTTN cho các Bộ, Ngành cũng được thực hiện theo
hướng dẫn của Thông tư này. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc,
đề nghị các chủ nhiệm Chương trình, Đề tài, Dự án, các Bộ, Ngành phản ánh về Bộ
Tài chính để nghiên cứu sửa đổi bổ sung cho phù hợp.