BỘ QUỐC PHÒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
170/2018/TT-BQP
|
Hà Nội, ngày 16
tháng 12 năm 2018
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG
DẪN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA NGHỊ ĐỊNH SỐ 102/2018/NĐ-CP NGÀY 20 THÁNG 7 NĂM 2018 CỦA
CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ HỖ TRỢ VÀ MỘT SỐ CHẾ ĐỘ ĐÃI NGỘ KHÁC ĐỐI VỚI NGƯỜI VIỆT
NAM CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG, NGƯỜI THAM GIA KHÁNG CHIẾN, CHIẾN TRANH BẢO VỆ TỔ QUỐC
VÀ LÀM NHIỆM VỤ QUỐC TẾ ĐANG ĐỊNH CƯ Ở NƯỚC NGOÀI
Căn cứ Nghị định số 164/2017/NĐ-CP ngày 30 tháng
12 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Quốc phòng;
Căn cứ Nghị định số 102/2018/NĐ-CP
ngày 20 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ
đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng
chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước
ngoài;
Theo đề nghị của Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị;
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư hướng
dẫn một số điều của Nghị định số 102/2018/NĐ-CP
ngày 20 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ
đãi ngộ khác đối với người Việt Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng
chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước
ngoài.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn về đối tượng và điều kiện áp
dụng; chế độ hỗ trợ và cách tính hưởng; hồ sơ giải quyết chế độ hỗ trợ; phương
thức chi trả chế độ hỗ trợ và cấp “Giấy chứng nhận”; trách nhiệm tổ chức thực
hiện của các cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định tại Nghị định số 102/2018/NĐ-CP ngày 20 tháng 7 năm 2018 của
Chính phủ quy định chế độ hỗ trợ và một số chế độ đãi ngộ khác đối với người Việt
Nam có công với cách mạng, người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc
và làm nhiệm vụ quốc tế đang định cư ở nước ngoài (sau đây viết tắt là Nghị định
số 102/2018/NĐ-CP).
Điều 2. Đối tượng và điều kiện
áp dụng
Thực hiện theo quy định tại Điều 2 Nghị
định số 102/2018/NĐ-CP. Trong đó, điều kiện về địa bàn, thời gian, đơn vị quy
định tại điểm c khoản 2 và khoản 3 Điều 2 Nghị định số
102/2018/NĐ-CP, được thực hiện như sau:
1. Các xã giáp ranh bên bờ Bắc sông Bến Hải trên vĩ
tuyến 17, gồm 07 xã: Vĩnh Giang, Vĩnh Quang, Vĩnh Thành, Vĩnh Lâm, Vĩnh Sơn,
Vĩnh Ô, Vĩnh Hà và các xã nằm trong khu phi quân sự, gồm 05 xã: Vĩnh Tân, Vĩnh
Thạch, Vĩnh Hòa, Vĩnh Hiền, Vĩnh Thủy thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
2. Địa bàn, thời gian, đơn vị trực tiếp tham gia
chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế thực hiện theo Quyết định số
2084/QĐ-BTTM ngày 09 tháng 11 năm 2012 của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân
dân Việt Nam ban hành kèm theo Danh mục địa bàn, thời gian, đơn vị trực tiếp
tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế sau ngày 30 tháng 4
năm 1975; Quyết định số 1377/QĐ-TM ngày 06 tháng 8 năm 2014 của Tổng Tham mưu
trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam ban hành kèm theo Danh mục bổ sung địa bàn,
thời gian, đơn vị trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ
quốc tế sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 và kết quả giải mã ký hiệu, phiên hiệu các
đơn vị tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế do Bộ Quốc
phòng ban hành.
Điều 3. Chế độ hỗ trợ và cách
tính hưởng
1. Đối tượng quy định tại khoản 1 Điều
2 Nghị định số 102/2018/NĐ-CP, được thực hiện như sau:
a) Đối với người có công với cách mạng bị dừng hưởng
chế độ (bao gồm cả thân nhân liệt sĩ, nhưng không thuộc đối tượng hướng dẫn tại
điểm c khoản này) còn sống, chế độ hỗ trợ được tính từ (tháng, năm) bị dừng hưởng
chế độ phụ cấp, trợ cấp đến (tháng, năm) có quyết định hỗ trợ của Ủy ban nhân
dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi trực tiếp quản lý, chi trả chế độ
trợ cấp, phụ cấp hằng tháng trước khi đối tượng định cư ở nước ngoài.
Trường hợp, đối tượng đã được hưởng chế độ hỗ trợ
nêu trên, sau đó từ trần thì thân nhân đối tượng quy định tại khoản
5 Điều 2 Nghị định số 102/2018/NĐ-CP tiếp tục được hưởng chế độ hỗ trợ; thời
gian tính hưởng chế độ hỗ trợ lần này được tính từ tháng sau liền kề (tháng,
năm) có quyết định hưởng chế độ hỗ trợ lần trước đến thời điểm (tháng, năm) đối
tượng từ trần.
Ví dụ 1: Ông Nguyễn Văn Bốn, đã được cấp có
thẩm quyền của Việt Nam quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp hằng
tháng với tỷ lệ thương tật 33%. Tháng 6 năm 1979, do hoạch định biên giới Quốc
gia, ông Bốn định cư ở nước ngoài, bị dừng hưởng chế độ trợ cấp thương binh hằng
tháng từ tháng 7 năm 1979. Giả sử tháng 10 năm 2019, được Ủy ban nhân dân tỉnh
nơi trực tiếp quản lý và chi trả chế độ trợ cấp thương binh hằng tháng trước
khi ông Bốn định cư ở nước ngoài ký Quyết định hỗ trợ. Cách tính hưởng chế độ hỗ
trợ đối với ông Bốn như sau:
- Thời gian được tính hưởng chế độ: Tháng 10 năm
2019 - tháng 7 năm 1979 = 40 năm 04 tháng = 484 tháng.
- Giả sử mức trợ cấp thương tật 33%, được chuyển đổi
tương ứng tại thời điểm tháng 10 năm 2019 là 1.700.000 đồng/tháng. Mức hỗ trợ đối
với ông Bốn là:
1.700.000 đồng/tháng x 484 tháng = 822.800.000 đồng.
Ví dụ 2: Cũng trường hợp ông Bốn nêu ở ví dụ
1, đã hưởng chế độ hỗ trợ tháng 10 năm 2019, sau đó, đến tháng 10 năm 2020 ông
Bốn từ trần. Giả sử tháng 12 năm 2020, được Ủy ban nhân dân tỉnh (nơi thực hiện
chế độ hỗ trợ khi còn sống), ký Quyết định hỗ trợ đối với thân nhân ông Bốn.
Cách tính hưởng chế độ hỗ trợ lần này được thực hiện như sau:
- Thời gian tính hưởng chế độ hỗ trợ: Tháng 10 năm
2020 - tháng 11 năm 2019 = 12 tháng.
- Giả sử mức trợ cấp thương tật 33%, được chuyển đổi
tương ứng tại thời điểm tháng 12 năm 2020 là 1.800.000 đồng/tháng. Mức hỗ trợ đối
với thân nhân ông Bốn là:
1.800.000 đ/tháng x 12 tháng = 21.600.000 đồng.
b) Đối với đối tượng đã từ trần thì thân nhân đối
tượng quy định tại khoản 5 Điều 2 Nghị định số 102/2018/NĐ-CP
được hưởng chế độ hỗ trợ tính từ (tháng, năm) bị dừng hưởng chế độ phụ cấp, trợ
cấp đến (tháng, năm) đối tượng từ trần.
Ví dụ 3: Cũng trường hợp ông Bốn nêu ở ví dụ
1, nhưng đã từ trần tháng 8 năm 2010. Giả sử tháng 10 năm 2019, được Ủy ban
nhân dân tỉnh nơi trực tiếp quản lý và chi trả chế độ trợ cấp thương binh hằng
tháng trước khi ông Bổn định cư ở nước ngoài ký Quyết định hỗ trợ. Cách tính hưởng
chế độ hỗ trợ đối với thân nhân ông Bốn như sau:
- Thời gian tính hưởng chế độ hỗ trợ: Tháng 8 năm
2010 - tháng 7 năm 1979 = 31 năm 02 tháng = 374 tháng.
- Mức hỗ trợ đối với thân nhân ông Bốn là:
1.700.000 đồng/tháng x 374 tháng = 635.800.000 đồng.
c) Con đẻ, con nuôi hợp pháp của liệt sĩ được hưởng
chế độ hỗ trợ tính từ thời điểm (tháng, năm) bị dừng hưởng chế độ trợ cấp đến
tháng liền kề trước tháng sinh của năm đủ 18 tuổi. Trường hợp đối tượng từ trần
trước thời điểm đủ 18 tuổi thì chế độ hỗ trợ được tính từ (tháng, năm) bị dừng
hưởng chế độ trợ cấp đến (tháng, năm) đối tượng từ trần.
Ví dụ 4: Ông Trần Quốc Hùng, sinh tháng 7
năm 1975 là con đẻ của liệt sĩ đã được cấp có thẩm quyền của Việt Nam quyết định
cấp giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ và trợ cấp tuất hằng tháng. Tháng 6 năm
1979, do hoạch định biên giới Quốc gia, ông Hùng định cư ở nước ngoài, bị dừng
hưởng chế độ trợ cấp tuất hằng tháng từ tháng 7 năm 1979. Theo quy định của
pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, ông Hùng được hưởng trợ cấp hằng
tháng đến tháng liền kề trước tháng sinh của năm đủ 18 tuổi (tháng 6/1993). Giả
sử tháng 9 năm 2019, ông Hùng được Ủy ban nhân dân tỉnh nơi trực tiếp quản lý
và chi trả chế độ trước khi ông Hùng định cư ở nước ngoài ký Quyết định hỗ trợ.
Cách tính hưởng chế độ hỗ trợ của ông Hùng như sau:
- Thời gian được tính hưởng chế độ: Tháng 6 năm
1993 - tháng 7 năm 1979 = 14 năm = 168 tháng.
- Giả sử mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với con liệt
sĩ, được chuyển đổi tương ứng tại thời điểm tháng 9 năm 2019 là 1.600.000 đồng/tháng.
Mức hỗ trợ đối với ông Hùng là:
1.600.000 đồng/tháng x 168 tháng = 268.800.000 đồng.
2. Đối tượng quy định tại khoản 2, 3
và 4 Điều 2 Nghị định số 102/2018/NĐ-CP, được thực hiện như sau:
a) Có từ đủ 2 năm công tác thực tế trở xuống, được
hưởng chế độ hỗ trợ bằng 4.000.000 đồng.
Ví dụ 5: Bà Trần Thị H, từ năm 2004 đến nay
đi định cư ở nước ngoài; khi ở trong nước bà H là dân quân được huyện M tổ chức
tập trung làm nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong chiến tranh phá hoại ở
miền Bắc như sau: Đợt 1 từ tháng 10 năm 1965 đến tháng 12 năm 1965 (3 tháng), đợt
2 từ tháng 8 năm 1967 đến tháng 11 năm 1967 (4 tháng); trước khi đi định cư ở
nước ngoài, bà H không thuộc đối tượng được hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức
lao động hằng tháng. Chế độ hỗ trợ đối với bà H được tính như sau:
- Thời gian 02 đợt tham gia dân quân tập trung được
tính hưởng chế độ hỗ trợ là:
3 tháng + 4 tháng = 7 tháng.
- Mức hỗ trợ bà H được hưởng là: 4.000.000 đồng.
b) Có trên 2 năm công tác thực tế thì từ năm thứ 3
trở đi mỗi năm được cộng thêm 1.500.000 đồng, mức hỗ trợ được tính theo công thức
sau:
Mức hỗ trợ = 4.000.000 đồng + [(số năm được hưởng -
2 năm) x 1.500.000 đồng].
Ví dụ 6: Ông Trần Văn Sáu, nhập ngũ tháng 02
năm 1972; phục viên, xuất ngũ tháng 5 năm 1977; tái ngũ tháng 7 năm 1978 đến
tháng 10 năm 1989 phục viên đi lao động hợp tác quốc tế, sau đó định cư ở nước
ngoài. Chế độ hỗ trợ đối với ông Sáu được tính như sau:
- Thời gian công tác thực tế trong Quân đội lần thứ
nhất từ tháng 02 năm 1972 đến tháng 5 năm 1977 (5 năm 4 tháng); lần thứ hai từ
tháng 7 năm 1978 đến tháng 10 năm 1989 (11 năm 4 tháng).
Tổng thời gian công tác thực tế trong Quân đội được
tính hưởng chế độ là:
5 năm 4 tháng + 11 năm 4 tháng = 16 năm 8 tháng, được
tính bằng 17 năm.
- Mức hỗ trợ ông Sáu được hưởng là:
4.000.000 đồng + [(17 năm - 2 năm) x 1.500.000 đồng]
= 26.500.000 đồng.
Ví dụ 7: Ông Nguyễn Văn Đồng là quân nhân,
chiến đấu tại biên giới phía Bắc (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn tháng 4/1979),
nhập ngũ tháng 5 năm 1975, xuất ngũ tháng 7 năm 1989; tháng 10 năm 2005, ông Đồng
đi định cư ở nước ngoài đến nay; trước khi đi định cư ở nước ngoài ông Đồng
không thuộc đối tượng được hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hằng
tháng. Chế độ hỗ trợ đối với ông Đồng được tính như sau:
- Thời gian công tác trong Quân đội được tính hưởng
chế độ là 14 năm 3 tháng, được tính bằng 14,5 năm.
- Mức hỗ trợ ông Đồng được hưởng là:
4.000.000 đồng + [(14, 5 năm - 2 năm) x 1.500.000 đồng]
= 22.750.000 đồng.
Ví dụ 8: Bà Nguyễn Thị K là dân quân được
huyện M tổ chức tập trung làm nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu trong chiến
tranh phá hoại ở miền Bắc từ tháng 8 năm 1965 đến tháng 11 năm 1965 (4 tháng);
sau đó nhập ngũ vào Quân đội từ tháng 5 năm 1969 đến tháng 10 năm 1971 xuất ngũ
về địa phương (02 năm 6 tháng); từ tháng 3 năm 2002 đến nay định cư ở nước
ngoài. Chế độ hỗ trợ đối với bà K được tính như sau:
- Thời gian thực tế tham gia dân quân tập trung và
thời gian công tác trong Quân đội được tính hưởng chế độ hỗ trợ là: 4 tháng +
02 năm 6 tháng = 2 năm 10 tháng, được tính bằng 03 năm.
- Mức hỗ trợ bà K được hưởng là:
4.000.000 đồng + [(3 năm - 2 năm) x 1.500.000 đồng]
= 5.500.000 đồng.
c) Trường hợp đã từ trần trước ngày 05 tháng 9 năm
2018 (ngày Nghị định số 102/2018/NĐ-CP có
hiệu lực thi hành) thì thân nhân đối tượng quy định tại khoản 5
Điều 2 Nghị định số 102/2018/NĐ-CP, được hỗ trợ bằng 6.000.000 đồng. Nếu từ
trần kể từ ngày 05 tháng 9 năm 2018 trở đi thì mức hưởng chế độ hỗ trợ được thực
hiện như cách tính tại điểm a, điểm b khoản này.
Ví dụ 9: Cũng trường hợp ông Đồng nêu ở ví dụ
7, nhưng đã từ trần ngày 04 tháng 9 năm 2018 (trước ngày Nghị định số 102/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành), thân
nhân ông Đồng được hưởng hỗ trợ bằng 6.000.000 đồng.
Ví dụ 10: Cũng trường hợp ông Đồng nêu ở ví
dụ 7, nhưng đã từ trần ngày 06 tháng 9 năm 2018 (sau ngày Nghị định số 102/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành), thân
nhân ông Đồng được hưởng chế độ hỗ trợ bằng 22.750.000 đồng (cách tính chế độ hỗ
trợ như ở ví dụ 7).
3. Trường hợp đối tượng quy định tại khoản 1, đồng
thời thuộc đối tượng quy định tại khoản 2, 3 và 4 Điều 2 Nghị định
số 102/2018/NĐ-CP thì được hưởng cả chế độ hỗ trợ hướng dẫn tại khoản 1 và khoản
2 Điều này.
Ví dụ 11: Trường hợp ông Bốn nêu ở ví dụ 1;
đồng thời là quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhập ngũ tháng
5/1968, xuất ngũ tháng 4/1972 (có tổng thời gian công tác thực tế trong Quân đội
là 04 năm). Chế độ hỗ trợ đối với ông Bốn được tính như sau:
- Mức hỗ trợ đối với thương binh, tỷ lệ thương tật
33%: 822.800.000 đồng.
- Mức hỗ trợ đối với thời gian là quân nhân tham
gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước là: 4.000.000 đồng + [(4 năm - 2 năm) x
1.500.000 đồng] = 7.000.000 đồng.
Tổng mức hỗ trợ ông Bốn được hưởng là: 822.800.000
đồng + 7.000.000 đồng = 829.800.000 đồng.
Điều 4. Hồ sơ giải quyết chế độ
hỗ trợ
Thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị
định số 102/2018/NĐ-CP; trong đó, giấy tờ gốc hoặc giấy tờ liên quan quy định
tại điểm b khoản 1, điểm b khoản 3 Điều 6 Nghị định số
102/2018/NĐ-CP, được hướng dẫn như sau:
1. Giấy tờ gốc hoặc giấy tờ liên quan quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 Nghị định số 102/2018/NĐ-CP, gồm một hoặc
một số giấy tờ sau đây chứng minh thuộc đối tượng là người có công với cách mạng
hoặc thân nhân liệt sĩ được hưởng chế độ trợ cấp, phụ cấp hằng tháng nhưng bị dừng
hưởng chế độ:
a) Quyết định hưởng trợ cấp, phụ cấp hằng tháng đối
với người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945; người hoạt động
cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Quyết
định phong tặng, Quyết định hưởng trợ cấp, phụ cấp hằng tháng đối với Bà Mẹ Việt
Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong
kháng chiến; Quyết định hưởng trợ cấp hằng tháng đối với người hoạt động cách mạng,
hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, người có công giúp đỡ cách mạng; Quyết
định cấp giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ và trợ cấp hằng tháng đối với thân
nhân liệt sĩ; Quyết định cấp giấy chứng nhận thương binh hoặc người hưởng chính
sách như thương binh và trợ cấp thương tật hằng tháng; Quyết định cấp giấy chứng
nhận bệnh binh và trợ cấp, phụ cấp hằng tháng; Quyết định trợ cấp đối với người
hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học;
b) Bản trích lục hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi hằng
tháng đối với người có công với cách mạng (bao gồm cả thân nhân liệt sĩ), hoặc
giấy xác nhận của cấp có thẩm quyền (kèm theo bản phô tô hồ sơ, giấy tờ làm căn
cứ xác nhận), hoặc Phiếu (Sổ) lĩnh trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công hằng
tháng của đối tượng.
2. Giấy tờ gốc hoặc giấy tờ liên quan quy định tại điểm b khoản 3 Điều 6 Nghị định số 102/2018/NĐ-CP, gồm một hoặc
một số giấy tờ sau đây chứng minh là người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo
vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế hoặc dân công hỏa tuyến:
- Quyết định phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành,
thôi việc hoặc hết nhiệm vụ hoặc chuyển sang công nhân viên chức quốc phòng rồi
thôi việc, quyết định của cơ quan có thẩm quyền cử đi lao động hợp tác quốc tế;
- Phiếu lập sổ trợ cấp phục viên, xuất ngũ, chuyển
ngành;
- Giấy tờ gốc hoặc giấy tờ liên quan hướng dẫn tại khoản
1 Điều này;
- Lý lịch quân nhân, lý lịch cán bộ công chức, viên
chức, lý lịch cán bộ hoặc bản trích yếu 63 đối với sĩ quan, phiếu quân nhân; lý
lịch đi lao động ở nước ngoài, lý lịch đảng viên; sổ bảo hiểm xã hội (nếu có);
- Giấy xác nhận quá trình công tác của cơ quan, đơn
vị cũ trước khi đối tượng phục viên, xuất ngũ, chuyển ngành, thôi việc do thủ
trưởng cơ quan, đơn vị từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên trực tiếp quản
lý đối tượng trước khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc hoặc cử đi lao động hợp
tác quốc tế, hoặc trước khi chuyển ngành hoặc chuyển sang công nhân viên quốc
phòng rồi thôi việc hoặc Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện và tương đương trở lên
(nơi quản lý đối tượng khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc thường trú tại địa
phương trước khi định cư ở nước ngoài) cấp, ký, đóng dấu, kèm theo bản
photocopy hồ sơ của đối tượng hoặc danh sách đăng ký, quản lý đối tượng mà cơ
quan, đơn vị đang lưu trữ để làm căn cứ xác nhận. Trường hợp, cơ quan, đơn vị
cũ đã sáp nhập, giải thể thì do cơ quan, đơn vị mới thành lập sau sáp nhập hoặc
cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị đã giải thể xác nhận;
- Quyết định nhập ngũ, tuyển dụng; phong, thăng
quân hàm, nâng lương; điều động công tác, bổ nhiệm chức vụ; giao nhiệm vụ; giấy
chứng tử; giấy báo tử;
- Giấy chứng nhận tham gia thanh niên xung phong;
dân công hỏa tuyến, hoặc giấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi huy động
đối tượng tham gia dân công hỏa tuyến; giấy đăng ký quân nhân dự bị; phiếu khám
sức khỏe, chuyển thương, chuyển viện;
- Huân, huy chương tham gia kháng chiến, chiến
tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế và các hình thức khen thưởng khác.
Điều 5. Phương thức chi trả chế
độ hỗ trợ, cấp “Giấy chứng nhận”; nội dung chi kinh phí bảo đảm công tác tổ chức
thực hiện chế độ hỗ trợ
1. Phương thức chi trả chế độ hỗ trợ và cấp “Giấy
chứng nhận”
a) Đối với đối tượng không ủy quyền cho thân nhân ở
trong nước lập hồ sơ, nhận chế độ hỗ trợ, thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định số 102/2018/NĐ-CP.
b) Đối với đối tượng ủy quyền cho thân nhân ở trong
nước lập hồ sơ, nhận chế độ hỗ trợ quy định tại điểm b khoản 1
Điều 9 Nghị định số 102/2018/NĐ-CP, thực hiện như sau:
Theo từng đợt, sau khi nhận được Quyết định, “Giấy
chứng nhận”, kinh phí bảo đảm và danh sách đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ của
Bộ Tư lệnh quân khu hoặc Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chuyển đến, Bộ Chỉ huy quân sự
cấp tỉnh hoặc Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội chỉ đạo Ban Chỉ huy quân sự
cấp huyện tổ chức chi trả chế độ hỗ trợ và trao “Giấy chứng nhận” cho thân nhân
đối tượng.
Trình tự, trách nhiệm tổ chức chi trả và thủ tục, hồ
sơ thanh quyết toán thực hiện tương tự như đối với đối tượng dân công hỏa tuyến
hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 138/2015
ATLT-BQP-BLĐTBXH-BTC ngày 16 tháng 12 năm 2015 của Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 49/2015/QĐ-Ttg ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Thủ
tướng Chính phủ về một số chế độ, chính sách đối với dân công hỏa tuyến tham
gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ
quốc tế.
2. Nội dung chi kinh phí bảo đảm công tác tổ chức
thực hiện chế độ hỗ trợ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 9 Nghị
định số 102/2018/NĐ-CP, gồm:
a) Tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; tiếp nhận, xét
duyệt, thẩm định hồ sơ; chuyển hồ sơ từ nước ngoài về nước, từ trong nước ra nước
ngoài; chi phí chuyển tiền ra nước ngoài và tổ chức chi trả chế độ hỗ trợ; rút
kinh nghiệm, sơ kết, tổng kết;
b) In ấn tài liệu, mẫu biểu, giấy tờ quản lý, “Giấy
chứng nhận” người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm
vụ quốc tế;
c) Mua sắm, sửa chữa nhỏ trang bị, mua đồ dùng văn
phòng phục vụ công tác xét duyệt chi trả chế độ, chính sách.
Điều 6. Trách nhiệm tổ chức thực
hiện
1. Đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội:
a) Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các
địa phương tiếp nhận hồ sơ của Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài chuyển
đến, tổ chức xét duyệt, thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) ra quyết
định hưởng chế độ hỗ trợ đối với đối tượng là người có công với cách mạng đang
định cư ở nước ngoài nhưng bị dừng hưởng chế độ trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng
tháng do hoạch định biên giới Quốc gia và đối tượng vừa là người có công với
cách mạng vừa là người tham gia kháng chiến, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm
nhiệm vụ quốc tế quy định tại khoản 1, khoản 3 Điều 4 Nghị định
số 102/2018/NĐ-CP.
Trường hợp hồ sơ đối tượng không đủ điều kiện hưởng
chế độ hoặc còn thiếu thủ tục, giấy tờ theo quy định thì kết luận bằng văn bản
và gửi Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để trả lời hoặc đề nghị đối tượng
(thân nhân đối tượng) bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;
b) Theo từng đợt, căn cứ đề nghị bảo đảm kinh phí
chi trả chế độ hỗ trợ của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chỉ đạo cơ quan chức năng
thuộc quyền tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đề
nghị Bộ Tài chính bảo đảm theo quy định;
c) Hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện chế độ bảo hiểm y tế
và mai táng phí đối với đối tượng về nước định cư theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 102/2018/NĐ-CP;
d) Phối hợp giải quyết các vấn đề vướng mắc, phát
sinh.
2. Đề nghị Bộ Ngoại giao chỉ đạo các Cơ quan đại diện
Việt Nam ở nước ngoài:
a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính
sách đối với đối tượng hoặc thân nhân đối tượng;
b) Hướng dẫn đối tượng hoặc thân nhân đối tượng lập
hồ sơ đề nghị hưởng chế độ; tiếp nhận, rà soát, tổng hợp, lập danh sách, chuyên
hồ sơ đối tượng hoặc thân nhân đối tượng về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (qua Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội) hoặc Bộ Quốc phòng (qua Cục Chính sách, Tổng
cục Chính trị) để giải quyết chế độ hỗ trợ theo thẩm quyền và quy trình, trách
nhiệm giải quyết quy định tại khoản 1; điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị
định số 102/2018/NĐ-CP;
c) Tổ chức chi trả chế độ, trao “Giấy chứng nhận”
cho đối tượng hoặc thân nhân đối tượng; theo từng đợt hoàn chỉnh bảng kê danh
sách chi trả chế độ hỗ trợ, chứng từ thanh toán gửi về Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
hoặc Bộ Quốc phòng để thanh quyết toán theo quy định tai điểm a
khoản 1 Điều 9 Nghị định số 102/2018/NĐ-CP.
d) Phối hợp giải quyết các vấn đề vướng mắc, phát
sinh.
3. Đối với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
a) Chỉ đạo các địa phương và các cơ quan chức năng
có liên quan tổ chức tốt việc tuyên truyền, phổ biến các chế độ, chính sách đối
với nhân dân và thân nhân đối tượng. Tổ chức tập huấn, triển khai thực hiện chế
độ, chính sách đối với các đối tượng trên địa bàn bảo đảm chặt chẽ, dân chủ,
công khai, thuận tiện, không để xảy ra sai sót, tiêu cực;
b) Chỉ đạo các cơ quan quân sự địa phương, ngành
Lao động- Thương binh và Xã hội tiếp nhận hồ sơ, tổ chức xét duyệt, thẩm định;
tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định hưởng chế độ và đề nghị Bộ
Lao động - Thương binh và Xã hội bảo đảm kinh phí chi trả chế độ hỗ trợ theo quy
định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định số 102/2018/NĐ-CP. Tổ chức
thực hiện chặt chẽ, kịp thời chế độ bảo hiểm y tế, chế độ mai táng phí đối với
đối tượng khi về nước định cư theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị
định số 102/2018/NĐ-CP.
4. Đối với Bộ Tư lệnh các Quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ
đô Hà Nội:
a) Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tổ chức
tuyên truyền, phổ biến chế độ, chính sách; tổ chức tập huấn cho lãnh đạo, cán bộ
chuyên môn các cơ quan, đơn vị thuộc quyền; triển khai thực hiện chế độ, chính
sách đối với các đối tượng trên địa bàn theo quy định tại điểm
b khoản 2 Điều 7 Nghị định số 102/2018/NĐ-CP;
b) Tổng hợp, báo cáo Bộ Quốc phòng (qua Cục Chính
sách, Tổng cục Chính trị) quyết định và danh sách đối tượng hưởng chế độ hỗ trợ,
mỗi loại 05 bản để tổng hợp, đề nghị Bộ Tài chính bảo đảm kinh phí;
c) Căn cứ quyết định và danh sách đối tượng được hưởng
chế độ hỗ trợ, ký “Giấy chứng nhận” đối với từng đối tượng, chuyển về Bộ Chỉ
huy quân sự cấp tỉnh hoặc Cục Chính trị Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội để bàn giao
cho Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện tổ chức chi trả chế độ và trao “Giấy chứng nhận”
cho thân nhân đối tượng;
d) Chủ trì kiểm tra, giải quyết những vướng mắc
phát sinh ở cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc quyền quản lý; tổ chức xác minh,
kết luận hoặc có văn bản chỉ đạo, đề nghị đơn vị, địa phương xác minh, kết luận
khi phát hiện khai man, giả mạo giấy tờ để hưởng chế độ.
5. Đối với các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng:
a) Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị
- Phối hợp, chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến chế độ,
chính sách; hướng dẫn việc tổ chức thực hiện;
- Xét duyệt, ra quyết định hưởng chế độ hỗ trợ, ký
“Giấy chứng nhận” đối với đối tượng không ủy quyền cho thân nhân ở trong nước lập
hồ sơ, nhận chế độ thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ Quốc phòng. Khi có thông
báo bảo đảm kinh phí của Bộ Tài chính, làm thủ tục chuyển kinh phí hỗ trợ kèm
theo quyết định, “Giấy chứng nhận” và danh sách đối tượng được hưởng chế độ đến
Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để tổ chức chi trả và thanh quyết toán
theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 9 Nghị định số
102/2018/NĐ-CP.
Trường hợp hồ sơ đối tượng không đủ điều kiện hưởng
chế độ hoặc còn thiếu thủ tục, giấy tờ theo quy định thì kết luận bằng văn bản
và gửi Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để trả lời hoặc đề nghị đối tượng
(thân nhân đối tượng) bổ sung, hoàn thiện hồ sơ;
- Tổ chức thẩm định hồ sơ hưởng chế độ hỗ trợ theo
đề nghị của Bộ Tư lệnh các Quân khu và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội;
- Tổng hợp kinh phí chi trả chế độ hỗ trợ của các
Quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, báo cáo Thủ trưởng Tổng cục Chính trị đề
nghị Bộ Tài chính bảo đảm kinh phí; phối hợp với Cục Tài chính, Bộ Quốc phòng
phân bổ kinh phí để các đơn vị thực hiện;
- Chủ trì, phối hợp giải quyết những vướng mắc,
phát sinh.
b) Cục Cán bộ, Tổng cục Chính trị; Cục Quân lực, Bộ
Tổng Tham mưu
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị theo phân cấp quản lý
căn cứ vào hồ sơ lưu trữ tại đơn vị, xác nhận quá trình công tác trong Quân đội
cho các đối tượng bảo đảm chặt chẽ, chính xác; phối hợp chỉ đạo, kiểm tra và giải
quyết vướng mắc, phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện.
c) Cục Tài chính, Bộ Quốc phòng
Báo cáo Thủ trưởng Bộ Quốc phòng giao dự toán ngân
sách, cấp kinh phí cho các Quân khu, Bộ Tư lệnh Thủ ô Hà Nội và Cục Chính sách
để thực hiện chi trả chế độ cho đối tượng; quản lý, chỉ đạo thanh quyết toán
kinh phí theo quy định hiện hành; phối hợp chỉ đạo, kiểm tra, giải quyết vướng
mắc, phát sinh trong tổ chức thực hiện.
Điều 7. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30
tháng 01 năm 2019.
2. Các chế độ, chính sách hướng dẫn tại Thông tư này
được thực hiện kể từ ngày 05 tháng 9 năm 2018.
3. Các văn bản viện dẫn trong Thông tư này khi được
sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng các văn bản mới thì nội dung viện dẫn cũng
được điều chỉnh thực hiện theo các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
Điều 8. Trách nhiệm thi hành
1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương có
trách nhiệm thi hành Thông tư này.
2. Quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc,
các cơ quan, đơn vị, địa phương phản ánh về Bộ Quốc phòng (qua Cục Chính sách,
Tổng cục Chính trị) để xem xét, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng; các Phó Thủ tướng (để báo
cáo);
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng;
- Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam;
- Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo, Cổng TTĐT Chính phủ;
- Các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng;
- Lưu: VT, NC; Tam203.
|
BỘ TRƯỞNG
Đại Tướng Ngô Xuân Lịch
|