BỘ TÀI CHÍNH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 133/2015/TT-BTC
|
Hà Nội, ngày 31 tháng 8 năm 2015
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN CƠ CHẾ QUẢN LÝ
TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI PHÒNG
THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
Căn cứ Luật
Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Luật Quản
lý, sử dụng tài sản nhà nước ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6 tháng 6 năm 2003 của Chính
phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật
Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 215/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 12 năm 2013 của
Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài
chính;
Căn cứ Quyết định số 310-TTg ngày 29 tháng 6 năm 1993 của Thủ tướng
Chính phủ về quan hệ công tác của các cơ quan chính quyền với Phòng
Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
Căn cứ Quyết định số 601/TTg ngày 01 tháng 8
năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức hoạt động của Uỷ ban
chuyên trách quan hệ với Đài Loan;
Căn cứ Quyết định số 68/2010/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2010 của Thủ
tướng Chính phủ về việc quy định hội có tính chất đặc thù;
Căn cứ Quyết định số 71/2011/QĐ-TTg ngày 20 tháng 12 năm 2011 của Thủ
tướng Chính phủ về việc bảo đảm, hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước đối với
các hội có tính đặc thù;
Trên cơ sở ý kiến thống nhất của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại văn bản số
1703/PTM-TC ngày 23 tháng 7 năm 2015;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Tài chính
doanh nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng
dẫn cơ chế quản lý tài chính đối với Phòng Thương mại và Công
nghiệp Việt Nam.
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy
định về cơ chế quản lý tài chính áp dụng đối với Phòng Thương
mại và Công nghiệp Việt Nam (sau đây gọi tắt là VCCI).
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Cơ quan
VCCI tại Hà Nội, các chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị sự nghiệp thuộc
VCCI.
2. Ủy ban
chuyên trách quan hệ với Đài Loan (sau đây gọi tắt là UBĐL).
Điều 3. Nguyên tắc quản lý tài chính đối với VCCI
1. VCCI hoạt động
theo chế độ tự chủ về tài chính và được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí theo
quy định tại Quyết định số 71/2011/QĐ-TTg ngày
20 tháng 12 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm, hỗ trợ kinh phí từ
ngân sách nhà nước đối với các hội có tính đặc thù.
2. Quản lý tài
chính đối với VCCI được phân định và hạch toán rõ theo hai loại hoạt động:
a) Các hoạt động
xúc tiến thương mại và đầu tư để thực hiện chủ trương mở rộng và phát triển kinh
tế của đất nước; các hoạt động theo nhiệm vụ được Nhà nước giao; các hoạt động
triển khai các chương trình, dự án, đề tài theo kế hoạch được cơ quan nhà nước
có thẩm quyền phê duyệt (sau đây gọi chung là các hoạt động xúc tiến).
Ngân sách nhà nước
hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động xúc tiến theo kế hoạch được cơ quan nhà nước
có thẩm quyền giao.
b) Các hoạt động
kinh doanh, dịch vụ: VCCI phải tự đảm bảo kinh phí và tuân thủ các quy định
pháp luật về hoạt động kinh doanh, dịch vụ.
3. Ban Thường trực VCCI có trách nhiệm xây dựng và ban hành
Quy chế quản lý tài chính của VCCI căn cứ quy định tại Thông tư này và các văn
bản chế độ quản lý tài chính hiện hành có liên quan.
Chương II
QUẢN
LÝ VÀ SỬ DỤNG VỐN, TÀI SẢN
Điều 4. Vốn của VCCI
1. Vốn hoạt động
của VCCI bao gồm:
a) Vốn được
ngân sách nhà nước cấp trong quá trình hoạt động; vốn nhà nước được tiếp nhận từ
nơi khác chuyển đến; giá trị tài sản gắn liền với đất và các khoản khác được
tính vào vốn nhà nước theo quy định của pháp luật.
b) Vốn bổ sung
từ kết quả hoạt động hàng năm theo quy định.
c) Các loại vốn
khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
2. VCCI được
ngân sách nhà nước cấp kinh phí hoạt động hàng năm theo các nội dung:
a) Đảm bảo chi
hoạt động của UBĐL.
b) Hỗ trợ kinh
phí thực hiện các hoạt động xúc tiến.
c) Hỗ trợ kinh
phí hoạt động và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.
d) Các hoạt động
khác được ngân sách nhà nước đảm bảo hoặc hỗ trợ kinh phí.
Điều 5. Quản lý và sử dụng vốn, tài sản
1. Nguyên tắc
quản lý, sử dụng tài sản:
a) Đối với tài
sản nhà nước tại VCCI, việc quản lý, sử dụng được thực hiện theo quy định tại Điều 36 và Điều 37 Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và Điều 2 Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ quy
định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
b) Đối với tài
sản không phải tài sản nhà nước, VCCI thực hiện việc quản lý, sử dụng theo quy
định của pháp luật về dân sự, pháp luật có liên quan và Điều lệ của VCCI.
2. Các nội
dung về quản lý, sử dụng vốn, tài sản phải được quy định cụ thể trong Quy chế
quản lý tài chính của VCCI và theo nguyên tắc tại khoản 1 Điều này. Chủ tịch
VCCI chịu trách nhiệm bảo toàn vốn và tài sản nhà nước theo quy định của pháp
luật.
Chương III
NGUỒN
THU, CHI PHÍ, LỢI NHUẬN VÀ PHÂN PHỐI LỢI NHUẬN
Mục 1. NGUỒN THU VÀ QUẢN LÝ NGUỒN THU (Không bao gồm UBĐL)
Điều 6. Nguồn thu
1. Thu từ hoạt
động xúc tiến.
1.1. Nguồn
thu:
a) Phí gia nhập
và hội phí do hội viên đóng góp.
b) Thu từ các
hoạt động xúc tiến nêu tại điểm 1.2 khoản 1 Điều này. Trong đó thu phí cấp C/O
theo mức phí Bộ Tài chính quy định, hoặc theo mức hỗ trợ của Nhà nước trong trường
hợp thực hiện chính sách ngừng thu phí.
c) Các khoản
đóng góp, tài trợ, quà tặng, quà biếu bằng tiền, hiện vật của các cá nhân, tổ
chức cho hoạt động xúc tiến; thu từ tài trợ nước ngoài (theo dự án hoặc viện trợ
lẻ).
d) Hỗ trợ từ
ngân sách nhà nước để triển khai các hoạt động xúc tiến.
e) Các nguồn
thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật từ hoạt động xúc tiến.
1.2. Các hoạt
động xúc tiến do VCCI thực hiện:
a) Các hoạt động
có tính chất xúc tiến thuộc chức năng, nhiệm vụ quy định tại Điều lệ của VCCI,
trong đó có hoạt động cấp giấy chứng nhận xuất xứ cho hàng hóa xuất khẩu của Việt
Nam (cấp C/O) theo nhiệm vụ được cơ quan có thẩm quyền giao;
b) Tổ chức tiếp
đón các doanh nhân, các tổ chức nước ngoài vào Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư,
xúc tiến thương mại;
c) Chủ trì
thành lập, tổ chức hoạt động các Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, Hội đồng doanh
nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp các nước theo nhiệm vụ Chính phủ giao.
d) Tổ chức các
đoàn doanh nghiệp tháp tùng Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi công tác nước ngoài nhằm
mở rộng quan hệ quốc tế về thương mại, đầu tư và du lịch.
e) Triển khai
các chương trình, dự án, đề tài theo kế hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền
phê duyệt.
g) Các hoạt động
xúc tiến khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quy định trong Điều lệ của VCCI
và nhiệm vụ được các cơ quan có thẩm quyền giao.
2. Doanh thu
hoạt động kinh doanh, dịch vụ:
a) Các khoản
thu từ bán hàng hoá; phát hành sách báo, tạp chí; hoạt động quảng cáo.
b) Thu từ việc
bán mẫu giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (form C/O), phí dịch vụ chứng thực các
chứng từ cần thiết khác trong kinh doanh, xác nhận các trường hợp bất khả kháng.
Giá bán form C/O và mức thu phí dịch vụ chứng thực, xác nhận do Chủ tịch VCCI quyết
định và chịu trách nhiệm theo nguyên tắc bù đắp đủ chi phí phát sinh; đồng thời
giá bán form C/O không được vượt quá mức thu của cơ quan chức năng đang thực hiện
cung cấp dịch vụ tương tự.
c) Các khoản
thu khác từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ quy định
trong Điều lệ của VCCI.
3. Doanh thu
hoạt động tài chính bao gồm:
a) Các khoản thu
phát sinh từ hoạt động cho thuê văn phòng và tài sản khác theo quy định của
pháp luật.
b) Lãi tiền gửi
ngân hàng, lãi do chênh lệch tỷ giá ngoại tệ theo quy định hiện hành.
c) Các khoản
doanh thu hoạt động tài chính khác theo quy định của pháp luật.
4. Thu nhập
khác: Các khoản thu từ bán công cụ, dụng cụ đã phân bổ hết giá trị, bị hư hỏng
hoặc không cần sử dụng; thu từ thanh lý, nhượng bán tài sản cố định (trừ tài sản
nhà nước quy định tại tiết a khoản 1 Điều 5 Thông tư này),
thu tiền bảo hiểm được bồi thường, các khoản nợ phải trả nay mất chủ được ghi
tăng thu nhập, thu tiền phạt khách hàng do vi phạm hợp đồng và các khoản thu
khác theo quy định của pháp luật.
Điều 7. Quản lý nguồn thu
1. Nguyên tắc
quản lý nguồn thu:
Nguồn thu của
VCCI phải được phân loại và theo dõi riêng biệt theo hai hoạt động là hoạt động
xúc tiến và hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Doanh thu hoạt động tài chính và thu
nhập khác có được từ hoạt động xúc tiến hoặc hoạt động kinh doanh, dịch vụ cũng
phải được phân loại tương ứng theo hai hoạt động này.
2. Nguyên tắc
sử dụng nguồn thu:
a) Nguồn thu từ
các hoạt động xúc tiến được sử dụng để triển khai các hoạt động xúc tiến.
b) Doanh thu từ
hoạt động kinh doanh, dịch vụ được sử dụng để bù đắp các chi phí cho hoạt động
kinh doanh, dịch vụ.
3. Một số hoạt
động xúc tiến theo yêu cầu quản lý phải theo dõi riêng như: các dự án sự nghiệp
kinh tế, các chương trình, dự án, đề tài theo kế hoạch được cơ quan nhà nước có
thẩm quyền phê duyệt, VCCI cần có bộ phận quản lý dự án (hoặc bộ phận điều phối
dự án), chịu trách nhiệm đảm bảo đủ nguồn thu để trang trải cho các hoạt động
và sử dụng nguồn thu theo quy định tại Thông tư này và các quy định pháp luật hiện
hành có liên quan.
4. Việc quản
lý và sử dụng nguồn thu phí cấp C/O thực hiện theo quy định hiện hành của Bộ
Tài chính và văn bản pháp luật có liên quan.
5. Việc quản
lý và sử dụng nguồn thu viện trợ từ nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước
thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính nhà
nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách
nhà nước.
Mục 2. CHI PHÍ VÀ QUẢN LÝ CHI PHÍ (Không bao gồm UBĐL)
Điều 8. Chi phí
Chi phí của
VCCI là toàn bộ các khoản chi thực hiện hoạt động xúc tiến và hoạt động kinh
doanh, dịch vụ, bao gồm:
1. Chi phí
nguyên, nhiên vật liệu, dịch vụ mua ngoài (tính theo mức tiêu hao thực tế và
giá gốc thực tế), chi phí phân bổ công cụ, dụng cụ lao động, chi phí sửa chữa
tài sản cố định, chi phí trích trước chi phí sửa chữa lớn tài sản cố định.
2. Chi phí khấu
hao tài sản cố định theo quy định hiện hành.
3. Chi phí tiền
lương, tiền công, chi phí có tính chất lương phải trả cho người lao động theo quy
định tại Quy chế tiền lương của VCCI. Ban Thường trực hoặc Chủ tịch VCCI (theo Điều
lệ của VCCI) có trách nhiệm xây dựng, ban hành Quy chế tiền lương của VCCI đảm
bảo phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
4. Kinh phí bảo
hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn cho người
lao động mà VCCI phải nộp theo quy định.
5. Chi phí
giao dịch, đối ngoại, tiếp khách, tiếp thị, khuyến mại, quảng cáo tính theo chi
phí thực tế phát sinh và quy định của Luật thuế
thu nhập doanh nghiệp.
6. Chi phí bằng
tiền khác theo quy định gồm: Các khoản chi về tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê
đất; trợ cấp thôi việc, mất việc cho người lao động; chi phí cho lao động nữ;
chi cho công tác y tế, bảo vệ môi trường; chi bảo hộ lao động và trang phục làm
việc; chi phí ăn ca cho người lao động; chi phí cho công tác Đảng, đoàn thể tại
VCCI (phần chi ngoài kinh phí của tổ chức Đảng, đoàn thể được chi từ nguồn quy
định) và các khoản chi phí bằng tiền khác.
7. Giá trị các
khoản dự phòng trích lập và xử lý tổn thất tài sản theo quy định.
8. Chi thực hiện
các hoạt động xúc tiến quy định tại điểm 1.2 khoản 1 Điều 6 Thông
tư này. Một số nội dung chi cụ thể:
a) Chi cho hoạt
động điều tra, khảo sát; thu thập, phổ biến thông tin và tuyên truyền chính
sách, pháp luật.
b) Chi tổ chức
các hội nghị, hội thảo, diễn đàn kinh tế ở trong và ngoài nước; các cuộc tiếp
xúc giữa cơ quan nhà nước với đại diện cộng đồng doanh nghiệp.
c) Chi tổ chức
các khóa đào tạo cho doanh nghiệp.
d) Chi tổ chức
các đoàn doanh nghiệp đi nghiên cứu, khảo sát thị trường nước ngoài; Tổ chức tiếp
đón các doanh nhân, các đoàn thương mại nước ngoài vào Việt Nam tìm kiếm cơ hội
đầu tư, xúc tiến thương mại.
e) Chi cho
công tác nghiên cứu khoa học, xuất bản tạp chí và các ấn phẩm thông tin kinh tế
khác thuộc hoạt động xúc tiến.
f) Chi đóng
góp hội phí và tham dự các hoạt động của các tổ chức quốc tế.
g) Đối với việc
huy động tài trợ để thực hiện các hoạt động xúc tiến: trường hợp cần thiết thuê
tư vấn tài trợ, Ban Thường trực hoặc Chủ tịch VCCI căn cứ quy định của pháp luật
hiện hành quyết định mức chi thuê tư vấn và tự chịu trách nhiệm đảm bảo tính hiệu
quả khi thực hiện.
9. Chi phí hoạt
động tài chính gồm: Chi phí cho thuê tài sản cố định; các khoản lỗ về chênh lệch
tỷ giá ngoại tệ phát sinh thực tế trong kỳ và chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại
số dư cuối kỳ của các khoản phải thu dài hạn và phải trả dài hạn có nguồn gốc từ
ngoại tệ, khoản lỗ phát sinh khi bán ngoại tệ; chi phí trả lãi tiền vay (kể cả
lãi vay vốn đầu tư xây dựng cơ bản đối với các công trình xây dựng cơ bản đã
hoàn thành đưa vào sử dụng); chiết khấu thanh toán cho người mua hàng hoá dịch
vụ khi thanh toán trước hạn và chi phí các hoạt động tài chính khác theo quy định
của pháp luật hiện hành.
10. Chi hoạt động
khác: Chi phí thanh lý nhượng bán tài sản cố định (giá trị còn lại và chi phí
thanh lý nhượng bán); chi phí về tiền phạt do vi phạm hợp đồng; chi phí để thu
tiền phạt; chi phí cho việc thu hồi các khoản nợ phải thu khó đòi đã xoá sổ kế
toán và các khoản chi phí hoạt động khác theo quy định của pháp luật.
Điều 9. Quản lý chi phí
1. Nguyên tắc
quản lý chi phí:
a) Các khoản
chi phải được phân loại, theo dõi riêng biệt theo hai hoạt động là hoạt động
xúc tiến và hoạt động kinh doanh, dịch vụ. Chi phí hoạt động tài chính và chi
phí hoạt động khác phát sinh từ hoạt động xúc tiến hoặc hoạt động kinh doanh, dịch
vụ cũng phải được phân loại tương ứng theo hai hoạt động này.
b) Đối với các
chi phí chung cho cả hai hoạt động xúc tiến và hoạt động kinh doanh, dịch vụ,
VCCI thực hiện phân bổ đảm bảo phù hợp với đặc điểm hoạt động của VCCI. Tiêu
chí và phương thức phân bổ phải thực hiện thống nhất, ổn định, được quy định cụ
thể trong Quy chế quản lý tài chính của VCCI và Chủ tịch VCCI chịu trách nhiệm
về nội dung này.
2. Biện pháp
quản lý:
VCCI phải quản
lý chặt chẽ các khoản chi phí thông qua xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện
các định mức kinh tế - kỹ thuật phù hợp với đặc điểm kinh tế - kỹ thuật, mô
hình tổ chức quản lý, trình độ trang bị của VCCI. Các định mức phải được phổ biến
đến tận người thực hiện, công bố công khai cho toàn thể cán bộ công nhân viên
trong cơ quan biết để thực hiện và kiểm tra, giám sát.
Mục 3. LỢI NHUẬN VÀ PHÂN PHỐI LỢI NHUẬN
Điều 10. Lợi nhuận
Lợi nhuận thực
hiện trong năm của VCCI được hình thành từ:
1. Lợi nhuận
hoạt động kinh doanh, dịch vụ.
2. Chênh lệch
thu, chi của hoạt động xúc tiến, xác định trên cơ sở tổng số thu thực hiện
trong năm và tổng chi thực hiện trong năm của hoạt động xúc tiến nhưng không
bao gồm:
a) Số thu, chi
từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước và kinh phí có nguồn gốc ngân sách nhà nước.
b) Thu tài trợ
chưa chi phải trả lại, hoặc được chuyển sang năm sau chi theo thỏa thuận với
nhà tài trợ.
Điều 11. Phân phối lợi nhuận
Lợi nhuận thực
hiện trong năm của VCCI sau khi bù đắp lỗ năm trước theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, trích Quỹ
phát triển khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật, nộp thuế thu nhập
doanh nghiệp, phần lợi nhuận còn lại được phân phối như sau:
1. Bù đắp các khoản
lỗ của các năm trước đã hết thời hạn được trừ vào lợi nhuận trước thuế.
2. Số lợi nhuận
còn lại được phân phối như sau:
a) Trích tối
thiểu 30% vào Quỹ đầu tư phát triển của VCCI;
b) Trích Quỹ
khen thưởng, phúc lợi của VCCI: mức trích vào mỗi Quỹ do Ban Thường trực VCCI
quyết định, tổng mức trích hai Quỹ tối đa không vượt quá 03 tháng lương, tiền công
và thu nhập khác bình quân thực hiện trong năm với điều kiện không có nợ phải
trả quá hạn và khả năng thanh toán nợ đến hạn từ 0,5 trở lên;
c) Số lợi nhuận
còn lại sau khi trích lập theo quy định tại các điểm a, b Khoản này tiếp tục bổ
sung vào Quỹ đầu tư phát triển của VCCI.
Điều 12. Sử dụng các quỹ
1. Quỹ Phát
triển khoa học và công nghệ: Việc trích lập, quản lý, quyết toán việc sử dụng
theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.
2. Quỹ đầu tư
phát triển được sử dụng để đầu tư hình thành tài sản cố định của VCCI, việc quản
lý và sử dụng quỹ thực hiện theo quy định hiện hành.
3. Quỹ khen
thưởng dùng để:
a) Thưởng cuối
năm hoặc thường kỳ trên cơ sở năng suất lao động và thành tích công tác cho cán
bộ công nhân viên của VCCI; Thưởng đột xuất cho những cá nhân, tập thể của VCCI
có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, quy trình nghiệp vụ, phương án kinh doanh mang
lại hiệu quả kinh tế cao. Mức thưởng do Chủ tịch VCCI quyết định sau khi có ý
kiến tham gia của Công đoàn VCCI.
b) Thưởng cho
các cá nhân và tập thể đơn vị ngoài VCCI có đóng góp nhiều cho hoạt động kinh
doanh, công tác quản lý, mang lại lợi ích và kết quả hoạt động của VCCI. Mức
thưởng do Chủ tịch VCCI quyết định sau khi có ý kiến tham gia của Công đoàn
VCCI.
4. Quỹ phúc lợi
dùng để:
a) Đầu tư xây
dựng hoặc sửa chữa các công trình phúc lợi của VCCI. Góp một phần vốn để đầu tư
xây dựng các công trình phúc lợi chung với các đơn vị khác theo hợp đồng.
b) Chi cho các
hoạt động phúc lợi của tập thể người lao động của VCCI.
c) Sử dụng một
phần quỹ phúc lợi để trợ cấp khó khăn đột xuất cho những người lao động kể cả
những trường hợp về hưu, về mất sức, lâm vào hoàn cảnh khó khăn, không nơi
nương tựa hoặc làm công tác từ thiện xã hội.
Việc sử dụng
quỹ phúc lợi do Chủ tịch VCCI quyết định sau khi tham khảo ý kiến của Công đoàn
VCCI.
5. Việc trích
lập và sử dụng các quỹ nói trên phải thực hiện công khai theo quy chế công khai
tài chính, quy chế dân chủ ở cơ sở và quy định của Nhà nước.
6. Toàn bộ số
dư quỹ dự phòng tài chính được kết chuyển vào quỹ đầu tư phát triển của VCCI để
sử dụng theo quy định tại Thông tư này.
Mục 4. ỦY BAN CÔNG TÁC ĐÀI
LOAN
Điều
13. Nguồn thu của UBĐL
1. Ngân sách nhà nước
cấp hàng năm theo quy định tại Điều 7 Quyết định số 601/TTg ngày 01/8/1997 của
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tổ chức hoạt động của Uỷ ban chuyên trách
quan hệ với Đài Loan.
2. Các khoản tài trợ của
các cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế cho UBĐL; số dư cuối năm nếu có được
chuyển tiếp sang năm sau để sử dụng.
3. Các nguồn kinh phí
hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Điều
14. Chi hoạt động của UBĐL
1. Nội dung chi:
a) Chi trả lương, bảo
hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn cho cán bộ văn phòng UBĐL theo
chế độ quy định.
b) Chi phụ cấp trách
nhiệm cho các thành viên kiêm nhiệm của UBĐL.
c) Chi trả tiền thuê
trụ sở, mua trang thiết bị làm việc và các khoản chi phục vụ cho hoạt động của
văn phòng UBĐL.
d) Chi cho các đoàn
ra, đoàn vào phục vụ cho hoạt động của UBĐL theo nhiệm vụ được Thủ tướng Chính
phủ giao.
e) Các khoản chi khác
cho hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ của UBĐL và phù hợp với quy định của
pháp luật.
2. Chế độ chi tiêu:
a) Việc chi tiêu cho
các hoạt động phải trên cơ sở kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thực
hiện theo quy định tại các văn bản chế độ chi tiêu tài chính hiện hành đối với
đơn vị hành chính sự nghiệp.
b) Đối với các hoạt động
có kinh phí tài trợ của các cá nhân, tổ chức trong nước, quốc tế cho UBĐL, nội
dung và định mức chi tiêu theo kế hoạch được Chủ nhiệm UBĐL phê duyệt và phải đảm
bảo đúng mục tiêu tài trợ (nếu có mục tiêu tài trợ cụ thể).
Chương
IV
CHẾ
ĐỘ KẾ TOÁN, KIỂM TRA, KIỂM TOÁN, BÁO CÁO VÀ CÔNG KHAI TÀI CHÍNH
Điều 15. Chế độ kế toán
1. Chế độ kế toán áp dụng
đối với VCCI là Chế độ kế toán doanh nghiệp.
2. Chế độ kế
toán áp dụng đối với UBĐL là Chế độ kế toán hành chính sự nghiệp.
Điều 16. Chế độ báo cáo, kiểm tra, kiểm toán báo cáo tài
chính
1. VCCI chịu sự
thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
theo quy định hiện hành.
2. Niên độ kế toán,
kỳ kế toán tính theo năm dương lịch từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng
12. VCCI có trách nhiệm tổ chức kiểm tra kế toán, báo cáo tài chính quý, năm
cho các đơn vị trực thuộc. Cuối kỳ kế toán quý, năm, VCCI phải lập, trình bày
và gửi các báo cáo tài chính và báo cáo thống kê theo quy định của pháp luật.
Chủ tịch VCCI chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của
các báo cáo này.
3. Báo cáo tài
chính (Bảng cân đối kế toán; Kết quả hoạt động kinh doanh; Báo cáo lưu chuyển
tiền tệ; Thuyết minh báo cáo tài chính) và Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước
(không bao gồm kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản thuộc ngân sách nhà nước và kinh
phí viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước) sau khi đã thực hiện kiểm toán
theo quy định tại khoản 4 Điều này phải được gửi về Bộ Tài chính (Cục Tài chính
doanh nghiệp, Vụ Ngân sách nhà nước) chậm nhất là ngày 30/9 năm sau năm báo
cáo.
4. Kiểm toán:
a) Báo cáo tài
chính, Báo cáo quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước của VCCI phải được kiểm
toán bởi một tổ chức kiểm toán độc lập hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Việc ký
kết hợp đồng kiểm toán, phối hợp thực hiện và sử dụng kết quả kiểm toán thực hiện
theo quy định của hệ thống chuẩn mực kiểm toán Việt Nam và các quy định hiện
hành của Nhà nước.
b) Trường hợp
năm báo cáo của VCCI được ghi trong kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước
thì không bắt buộc phải thực hiện quy định tại điểm a trên.
Điều 17. Chế độ áp dụng đối với kinh phí đầu tư xây dựng cơ
bản và viện trợ thuộc nguồn ngân sách nhà nước
Đối với kinh
phí đầu tư xây dựng cơ bản thuộc ngân sách nhà nước; viện trợ không hoàn lại của
nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước, VCCI thực hiện các chế độ kế
toán, thống kê, kiểm tra, kiểm toán, báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật
hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý tài chính nhà nước đối với
viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước.
Điều 18. Công khai báo cáo tài chính
VCCI thực
hiện thông báo công khai báo cáo tài chính theo chế độ quy định tại Thông tư số
171/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013 của Bộ Tài
chính hướng dẫn công khai thông tin tài chính theo quy định tại Nghị định số 61/2013/NĐ-CP ngày 25/06/2013 của Chính phủ.
Chương V
LẬP
KẾ HOẠCH, PHÂN BỔ, CẤP PHÁT VÀ QUYẾT TOÁN NGUỒN KINH PHÍ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
Điều 19. Lập kế hoạch và phân bổ kinh phí ngân sách nhà nước
hỗ trợ
1. Hàng năm,
VCCI lập kế hoạch dự toán thu, chi tài chính đối với các hoạt động được ngân
sách nhà nước hỗ trợ trên cơ sở nội dung quy định tại khoản 2 Điều
4 Thông tư này, gửi Bộ Tài chính (đối với chi thường xuyên), gửi Bộ Kế hoạch
và Đầu tư (đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản), gửi các Bộ, cơ quan chuyên
ngành (đối với kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu, đề tài, dự án) để xem
xét, bố trí trên cơ sở cân đối khả năng ngân sách từng năm và qui định của Luật Ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn
Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản có
liên quan.
2. Kế hoạch dự
toán thu, chi tài chính phải được xây dựng trên cơ sở các khoản mục được ngân
sách nhà nước hỗ trợ và theo từng hoạt động. Trong số dự toán chi phải chi tiết
theo phần kinh phí đề nghị ngân sách nhà nước hỗ trợ và phần chi từ nguồn dự kiến
thu được ngoài ngân sách nhà nước. Nguyên tắc xác định mức hỗ trợ từ ngân sách
nhà nước cho một số khoản mục:
a) Chi quản lý hành chính: Ngân sách nhà nước đảm bảo kinh
phí hoạt động của UBĐL và hỗ trợ một phần kinh phí hoạt động thực hiện hoạt động
xúc tiến của VCCI theo quy định của pháp luật.
b) Chi sự nghiệp
kinh tế: Ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa không quá 50% tổng chi phí thực hiện
của từng đề án sự nghiệp kinh tế. Nội dung chi và mức chi cụ thể của từng hoạt
động trong đề án phải được xây dựng theo tiêu chuẩn và định mức tại các văn bản
quy định chế độ chi tiêu tài chính hiện hành.
c) Chi thực hiện
các chương trình, đề tài, dự án do cơ quan có thẩm quyền giao được bố trí trong
kinh phí chi thường xuyên: Ngân sách nhà nước đảm bảo hoặc hỗ trợ một phần chi
phí thực hiện theo quy định tại văn bản pháp luật hướng dẫn thực hiện chương
trình, đề tài, dự án.
d) Chi tổ chức
các đoàn doanh nghiệp tháp tùng Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đi công tác nước
ngoài: Đối tượng, nội dung chi và định mức ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định
tại Quyết định số 123/2009/QĐ-TTg ngày
15/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức các chuyến
đi công tác nước ngoài của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ và công
văn số 120/CP-KTTH ngày 20/01/2004 của Chính phủ về việc hỗ trợ xúc tiến thương
mại cho đoàn doanh nghiệp tháp tùng các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đi
công tác nước ngoài.
3. Căn cứ văn bản giao dự toán ngân sách nhà nước của cơ
quan có thẩm quyền, VCCI phân bổ kinh phí cho các đơn vị trực thuộc để triển
khai thực hiện, đảm bảo đúng trình tự thủ tục, kế hoạch được duyệt và thời gian
quy định.
4. Trường hợp
cần thiết mở rộng các hoạt động xúc tiến, tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật
hoặc cần hỗ trợ do phát sinh khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm
vụ Nhà nước giao, VCCI báo cáo Bộ Tài chính (đối với chi thường xuyên), báo cáo
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản) để xem xét, giải quyết
theo thẩm quyền hoặc tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc
bổ sung kinh phí hỗ trợ và các điều kiện khác từ nguồn ngân sách nhà nước.
Điều 20. Cấp phát kinh phí
1. Đối với
kinh phí hỗ trợ chi thường xuyên, chi hỗ trợ khác: cấp bằng lệnh chi tiền.
a) Căn cứ dự
toán được giao về kinh phí chi thường xuyên và tiến độ triển khai các hoạt động,
định kỳ 2 tháng/lần, VCCI lập dự kiến số kinh phí ngân sách nhà nước sử dụng trong
kỳ gửi Bộ Tài chính để được xem xét, cấp ứng kinh phí thực hiện.
b) Đối với các
khoản kinh phí hỗ trợ đột xuất, không thường xuyên và mang tính sự kiện độc lập:
việc cấp phát thực hiện theo thời điểm phát sinh.
c) Đối với các
khoản kinh phí hỗ trợ có văn bản hướng dẫn riêng: việc cấp phát thực hiện theo
văn bản hướng dẫn riêng đó.
2. Đối với
kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản: rút dự toán tại Kho bạc nhà nước theo qui định.
Điều 21. Thẩm định quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước
1. Trên cơ sở Báo
cáo tài chính và Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước của VCCI gửi theo quy định
tại khoản 3 Điều 16 Thông tư này, Bộ Tài chính (Cục Tài
chính doanh nghiệp, Vụ Ngân sách nhà nước) phối hợp với VCCI thực hiện thẩm định
quyết toán ngân sách nhà nước và ra Thông báo thẩm định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn
hiện hành.
2. Căn cứ
Thông báo thẩm định quyết toán ngân sách nhà nước:
a) Bộ Tài
chính phối hợp với VCCI tổ chức thu hồi phần kinh phí ngân sách nhà nước đã cấp
chưa sử dụng hết hoặc không được quyết toán; thực hiện ghi thu – ghi chi ngân
sách nhà nước đối với nguồn kinh phí theo chế độ phải thực hiện ghi thu – ghi
chi.
b) Đối với phần
kinh phí ngân sách nhà nước được chuyển sang năm sau theo chế độ, VCCI có trách
nhiệm theo dõi, quản lý và sử dụng đảm bảo thực hiện đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn
liên quan.
3. Việc quyết
toán kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản của VCCI thực hiện theo quy định của pháp luật
hiện hành về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản.
Điều 22. Kinh phí viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước
Việc lập kế hoạch
tài chính, xác nhận viện trợ, quản lý sử dụng và ghi thu – ghi chi kinh phí viện
trợ thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước của VCCI thực hiện theo quy định của
pháp luật hiện hành về quản lý tài chính nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại
của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước.
Chương VI
ĐIỀU
KHOẢN THI HÀNH
Điều 23. Hiệu lực thi hành.
1. Thông tư này
có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 10 năm 2015, thay thế Thông tư số 14/1999/TT-BTC ngày 03/02/1999 của Bộ Tài chính quy
định chế độ quản lý tài chính đối với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
2. Trong quá
trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để
nghiên cứu giải quyết./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư
TƯ Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- VP Trung ương và các Ban của Đảng;
- VP Tổng Bí thư;
- VP Quốc hội, VP Chủ tịch nước;
- VP BCĐTW về phòng chống tham nhũng;
- Toà án nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Phòng TM&CNVN;
- Công báo;
- Website: Chính phủ, Bộ Tài chính, Phòng TM&CNVN;
- Các đơn vị thuộc Bộ TC: NSNN,KBNN,PC,CST,TCT;
- Lưu: Bộ TC (VT, Cục TCDN)
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Văn Hiếu
|