THÔNG TƯ
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGÂN SÁCH VÀ TÀI SẢN
NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG THUỘC LĨNH VỰC CƠ YẾU
- Căn cứ Pháp lệnh Cơ yếu ban hành năm 2001;
- Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà
nước;
- Căn cứ Nghị định số 10/2004/NĐ-CP ngày
07/01/2004 của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản của
Nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh;
- Căn cứ Nghị định số 14/1998/NĐ-Cp ngày 06/3/2003 của Chính phủ về quản
lý tài sản Nhà nước;
- Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc quản
lý, sử dụng ngân sách và tài sản Nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực
Cơ yếu như sau:
A - NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Thông tư này hướng dẫn quản lý, sử dụng ngân
sách và tài sản nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực cơ yếu. Những
nội dung không hướng dẫn trong Thông tư này về lập, chấp hành, quyết toán chi đầu
tư xây dựng cơ bản, chi Chương trình mục tiêu quốc gia và chi thường xuyên thực
hiện theo Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày
23/6/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ; Thông
tư số 79/2003/TT-BTC ngày 13/8/2003 hướng dẫn
chế độ quản lý, cấp phát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc
Nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành;
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ, các cơ quan khác ở trung ương và các địa phương có nhiệm vụ đảm bảo ngân
sách cho công tác cơ yếu thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước; Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ và
các quy định tại Thông tư này.
B- QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGÂN SÁCH
THUỘC LĨNH VỰC CƠ YẾU
I- Nội dung chi ngân sách tại
Ban Cơ yếu Chính phủ:
1. Chi thường xuyên:
1.1. Chi đảm bảo chế độ, chính sách về đời sống
vật chất, tinh thần cho cán bộ, công nhân viên thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ;
1.2. Chi huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ thuật
mật mã;
1.3. Chi đào tạo và nghiên cứu khoa học kỹ thuật
mật mã;
1.4. Chi sản xuất thử, triển khai thực nghiệm kỹ
thuật - công nghệ mới về mật mã và chuyển giao công nghệ mật mã;
1.5. Chi sản xuất, bảo quản và sửa chữa máy móc,
thiết bị mật mã chuyên dùng trong ngành cơ yếu;
1.6. Chi sản xuất, bảo quản và sửa chữa tài liệu
mật mã, từ điển mật mã;
1.7. Chi mua sắm, lắp đặt máy móc, trang thiết bị
mật mã chuyên dùng thuộc Hệ thống cơ yếu Việt Nam;
1.8. Chi mua sắm, sửa chữa tài sản cố định;
1.9. Chi quản lý Nhà nước về cơ yếu: Xây dựng
văn bản pháp luật về cơ yếu; hướng dẫn thực hiện chế độ, chính sách; thanh tra,
kiểm tra cơ yếu;...
1.10. Chi viện trợ và quan hệ quốc tế;
1.11. Chi tuyên truyền, thông tin, thi đua về cơ
yếu;
1.12 . Chi xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa trụ sở
làm việc; kho tàng bảo quản dự trữ tài liệu, máy móc thiết bị mật mã và một số
công trình khác trừ các công trình được xây dựng bằng nguồn vốn đầu tư tập
trung của Nhà nước);
1.13. Chi đảm bảo chế độ, chính sách và điều kiện
học tập đối với học viên đào tạo chuyên ngành mật mã cơ yếu tại Học viện kỹ thuật
mật mã;
1.14. Chi thẩm định, kiểm định sản phẩm mật mã
thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
2. Chi đầu tư phát triển và dự trữ quốc gia:
2.1. Chi phát triển kỹ thuật, công nghệ mật mã
Việt Nam và xây dựng, cơ bản từ nguồn vốn đầu tư tập trung của Nhà nước;
2.2. Chi dự trữ quốc gia chuyên ngành cơ yếu.
3. Chi khác:
3.1. Chi Chương trình mục tiêu quốc gia (nếu
có);
3.2. Chi nghiên cứu Khoa học - công nghệ cấp nhà
nước (nếu có);
3.3. Chi khác được Chính phủ giao.
Ban Cơ yếu Chính phủ kiểm tra, xem xét các nội
dung chi do các đơn vị cấp dưới lập; tổng hợp lập dự toán gửi Bộ Tài chính (kèm
Chỉ tiêu kế hoạch sản xuất; kế hoạch cung cấp và trang bị) và thực hiện quyết
toán chi ngân sách nhà nước theo quy định của Luật
Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành (kèm phụ lục 1,2a,
2b, 3 của Thông tư này).
II- Nội dung chi ngân sách
tại các cơ quan, đơn vị có sử dụng Cơ yếu:
1. Chi đảm bảo chế độ, chính sách của
Nhà nước đối với người đang làm công tác cơ yếu ở cơ quan, đơn vị mình theo quy
định;
2. Chi đảm bảo điều kiện, phương tiện
làm việc, trang phục nghiệp vụ theo quy định của công tác cơ yếu;
3. Kinh phí đảm bảo cho công tác cơ yếu tại
các Bộ ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được bố trí trong dự toán
ngân sách hàng năm của các cơ quan, đơn vị có sử dụng cơ yếu theo quy định về
phân cấp quản lý ngân sách của Luật Ngân sách
nhà nước.
III- Thu ngân sách thuộc lĩnh
vực cơ yếu:
1. Thu hoạt động dịch vụ: Các đơn vị
thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ sử dụng ngân sách nhà nước có tận dụng cơ sở vật chất
kỹ thuật để sản xuất, kinh doanh, đào tạo và làm dịch vụ có thu đều phải nộp đầy
đủ, đúng hạn vào ngân sách nhà nước các khoản thu; trừ những khoản được để lại
trang trải chi phí thu theo quy định của pháp luật hoặc được cấp có thẩm quyền
phê duyệt;
2. Thu xử phạt vi phạm hành chính, thu khác: Các
khoản thu từ xử phạt hành chính, tiền phạt đều phải nộp toàn bộ vào ngân sách
Nhà nước. Thu thanh lý tài sản cố định và các khoản thu khác thực hiện theo quy
định của pháp luật.
C- QUẢN LÝ TÀI CHÍNH ĐỐI VỚI
HOẠT ĐỘNG ĐẶC THÙ CỦA CƠ YẾU
1. Sản xuất sản phẩm mật mã:
1.1. Kinh phí để sản xuất sản phẩm mật mã theo
chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước giao
hàng năm do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
1.2. Các loại sản phẩm mật mã sản xuất phải được
thể hiện về: số lượng, chủng loại, tiến độ thời gian theo kế hoạch được giao;
1.3. Sản xuất sản phẩm mật mã phải có định mức chi
phí kế hoạch theo từng loại đơn vị sản phẩm và khi hoàn thành phải báo cáo chi
phí sản xuất thực tế của đơn vị sản phẩm theo từng loại sản phẩm;
1.4. Chi phí sản xuất đơn vị sản phẩm mật mã phải
hạch toán đầy đủ nội dung chủ yếu như: chi phí nguyên vật liệu mua ngoài; nhiên
liệu; năng lượng; chi phí khác;
1.5. Ban Cơ yếu Chính phủ chịu trách nhiệm về
danh mục, định mức vật tư tiêu hao, chi phí sản xuất sản phẩm mật mã và báo cáo
cơ quan có thẩm quyền theo yêu cầu.
2. Cung cấp máy móc, thiết bị, tài liệu mật
mã:
2.1. Ban Cơ yếu Chính phủ có trách nhiệm cung cấp
đầy đủ, kịp thời theo chỉ tiêu kế hoạch nhà nước giao các loại kỹ thuật mật mã,
sản phẩm mật mã cho các Hệ cơ yếu và các cơ quan, tổ chức có sử dụng sản phẩm mật
mã, kỹ thuật mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước;
2.2. Các loại máy móc, thiết bị chuyên dùng mật
mã; tài liệu mật mã do Ban Cơ yếu Chính phủ sản xuất, phân phối, trang bị mới
hoặc nâng cấp cho cơ quan, đơn vị sử dụng phải được lập kế hoạch và dự toán
kinh phí chi tiết theo từng loại máy móc thiết bị, theo từng loại tài liệu mật
mã của từng đơn vị sử dụng;
2.3. Việc nâng cấp, đổi mới trang thiết bị, máy
móc, tài liệu chuyên dùng về mật mã thực hiện theo kế hoạch hoặc dự án được cơ
quan có thẩm quyền phê duyệt bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước của
Ban Cơ yếu Chính phủ và quyết toán chi ngân sách nhà nước theo quy định hiện
hành;
2.4. Kinh phí sửa chữa, bảo dưỡng kỹ thuật thay
thế phụ tùng máy móc thiết bị chuyên dùng mật mã, tài liệu mật mã phải được báo
cáo chi tiết khi lập dự toán và quyết toán theo từng đơn vị sử dụng. Việc đảm bảo
kinh phí được phân cấp thực hiện như sau:
a/ Nếu xác định hỏng chương trình phần mềm hoặc
phần cứng liên quan trực tiếp đến kỹ thuật mật mã nhất thiết phải do cơ quan cơ
yếu sửa chữa:
- Máy mật mã, thiết bị nghiệp vụ mật mã do Ban
Cơ yếu Chính phủ trực tiếp cấp (loại đã được kẹp chì, niêm xi tại Ban Cơ yếu
Chính phủ) khi hỏng phải chuyển về ban Cơ yếu Chính phủ để sửa chữa thì kinh
phí sửa chữa, thay thế phụ tùng do Ban Cơ yếu Chính phủ đảm bảo;
- Loại còn lại do tổ chức Cơ yếu các Bộ, ngành tổ
chức sửa chữa thì kinh phí sửa chữa, thay thế phụ tùng do các Bộ, ngành đảm bảo;
b/ Nếu bị hỏng các phần không liên quan trực tiếp
đến kỹ thuật mật mã, người làm công tác cơ yếu báo cáo Thủ trưởng cơ quan, đơn
vị để chủ động sửa chữa thì kinh phí sửa chữa, thay thế do các cơ quan, đơn vị
sử dụng cơ yếu đảm bảo.
3. Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công
nghệ mật mã: Công tác nghiên cứu khoa học phát triển kỹ thuật mật mã
và chuyển giao công nghệ mật mã của Ban Cơ yếu Chính phủ phải đảm bảo trình tự,
thủ tục của Luật Khoa học - Công nghệ và các
văn bản hướng dẫn hiện hành được báo cáo, thuyết minh chi tiết trong dự toán
ngân sách nhà nước giao hàng năm và quyết toán chi ngân sách Nhà nước theo quy
định.
4. Kiểm soát chi đối với một số nội dung chi
ngân sách: Căn cứ vào tính chất bí mật của ngành cơ yếu, Kho bạc Nhà
nước không thực hiện việc kiểm soát chi đối với các mục chi: 100, 102, 103,
105, 108, 113, 119, 139, 127 và tiểu mục 09 mục 111; tiểu mục 06 mục 117, 118;
tiểu mục 03, 06 mục 145. Ban Cơ yếu Chính phủ chịu trách nhiệm trước pháp luật
về tính hợp pháp, hợp lệ của các chứng từ chi tiêu thuộc mục chi nêu trên.
5. Kiểm toán đối với Ban Cơ yếu Chính phủ:
Công tác kiểm toán báo cáo quyết toán năm của
các đơn vị dự toán thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ do cơ quan Kiểm toán Nhà nước thực
hiện theo quy định tại Điều 66 của Luật Ngân sách nhà nước; Điều 78 của Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính
phủ và Nghị quyết số 1011/2006/NQ-UBTVQH11 ngày 30/3/2006 của Uỷ ban thường vụ
Quốc hội.
D- QUẢN LÝ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC
TRONG NGÀNH CƠ YẾU
1. Tài sản Nhà nước thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ: được
quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật. Nghiêm cấm việc sử dụng tài sản
nhà nước không đúng mục đích, chế độ, tiêu chuẩn, định mức được cơ quan Nhà nước
có thẩm quyền ban hành; sử dụng vào mục đích cá nhân, kinh doanh và các mục
đích khác. Trừ trường hợp đặc biệt được Chính phủ quy định.
2. Tài sản chuyên dùng cơ yếu:
2.1. Các loại sản phẩm mật mã bao gồm các máy
mã, trang thiết bị kỹ thuật và nghiệp vụ mật mã phần cứng, phần mềm sử dụng bảo
vệ thông tin cơ yếu;
2.2. Các loại máy móc, trang thiết bị khác được
sử dụng trực tiếp vào sản xuất sản phẩm mật mã, nghiên cứu khoa học và phát triển
công nghệ mật mã;
2.3. Các loại khoá mã, từ điển mật mã, tài liệu
mật mã trong ngành cơ yếu;
2.4. Tài sản dự trữ quốc gia chuyên ngành cơ yếu.
3. Quản lý tài sản chuyên dùng cơ yếu:
3.1. Tài sản chuyên dùng cơ yếu phải do cán bộ kỹ
thuật chuyên trách sử dụng quản lý; có hồ sơ riêng và thực hiện theo quy định bảo
vệ bí mật của ngành cơ yếu;
3.2. Tài sản chuyên dùng cơ yếu khi đầu tư, mua
sắm đảm bảo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật và phải được cơ quan
chuyên môn có thẩm quyền thẩm định về chất lượng.
3.3. Tài sản chuyên dùng cơ yếu đầu tư, mua sắm
thông qua nhập khẩu được áp dụng như đối với hàng nhập khẩu thuộc lĩnh vực quốc
phòng, an ninh;
3.4. Tài sản chuyên dùng cơ yếu khi nâng cấp, đổi
mới theo kế hoạch hoặc dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải báo cáo thực
hiện tiến độ và nghiệm thu sản phẩm quy định;
3.5. Việc thu hồi hoặc tiêu huỷ tài sản chuyên
dùng cơ yếu thực hiện theo quy định bảo vệ bí mật của ngành cơ yếu;
3.6. Báo cáo về đầu tư, mua sắm, trang bị, nâng
cấp đối với tài sản chuyên dùng cơ yếu được gửi kèm thuyết minh khi xây dựng dự
toán và báo cáo thực hiện vào quyết toán chi ngân sách hàng năm;
3.7. Báo cáo kết quả Kiểm kê 0 giờ ngày 01/01
hàng năm đối với tài sản chuyên dùng cơ yếu được gửi kèm thuyết minh quyết toán
chi ngân sách hàng năm.
E- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01
tháng 01 năm 2007;
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính
phủ, cơ quan khác ở Trung ương, Uỷ ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm thi
hành Thông tư này.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng
mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để xem xét giải quyết./.