QUY ĐỊNH
VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ
PHÁT TRIỂN TRANG TRẠI, CƠ SỞ CHĂN NUÔI CÔNG NGHIỆP, CƠ SỞ GIẾT MỔ GIA SÚC, GIA
CẦM TẬP TRUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI GIAI ĐOẠN 2014 -2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 56/2013/QĐ-UBND ngày 20/12/2013 của
UBND tỉnh Lào Cai)
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi
điều chỉnh: Quy định này quy định về chính sách hỗ trợ phát triển trang trại,
cơ sở chăn nuôi công nghiệp, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa
bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2014 -2015.
2. Đối tượng
áp dụng: Các trang trại, cơ sở chăn nuôi công nghiệp (trâu, bò, lợn và gia cầm);
cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh đáp ứng các tiêu chí
và quy định hiện hành của Nhà nước đối với từng loại cơ sở tương ứng, đảm bảo
phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, phù hợp với
quy hoạch tổng thể của ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai đã được cơ quan nhà nước
có thẩm quyền phê duyệt giai đoạn 2010 - 2015 thì được hưởng chính sách hỗ trợ
kinh phí cho các nội dung xây dựng cơ sở vật chất; tiếp nhận và chuyển giao kỹ
thuật chăn nuôi, thú y; xúc tiến thương mại; xử lý vệ sinh môi trường.
Điều 2. Nội dung và mức hỗ trợ
1. Đối với
trang trại chăn nuôi:
Các tổ chức,
cá nhân khi có trang trại chăn nuôi đáp ứng được các yêu cầu theo quy định hiện
hành về đăng ký, sản xuất theo mô hình trang trại thì được thụ hưởng các nội
dung hỗ trợ: Xây dựng cơ sở vật chất; tiếp nhận và chuyển giao kỹ thuật chăn
nuôi, thú y; xử lý vệ sinh môi trường, giống mới, cụ thể:
a) Đối với
các trang trại đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận trang
trại và đang hoạt động ổn định thì được hỗ trợ 15 triệu đồng/ trang trại;
b) Đối với
các tổ chức, cá nhân đang chăn nuôi tập trung nhưng chưa đủ điều kiện để công
nhận là trang trại chăn nuôi thì được hỗ trợ một phần kinh phí để hoàn thiện
các tiêu chí công nhận trang trại chăn nuôi, mức hỗ trợ không vượt quá 30 triệu
đồng/trang trại;
c) Đối với
các tổ chức, cá nhân xây dựng mới trang trại được hỗ trợ một phần kinh phí làm
chuồng trại, vệ sinh môi trường, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, mua giống mới. Mức
hỗ trợ không vượt quá 50 triệu đồng/trang trại.
2. Đối với
cơ sở chăn nuôi công nghiệp:
Đối với các
Hợp tác xã, doanh nghiệp chăn nuôi lợn nái trên 600 con/năm, chăn nuôi lợn thịt
trên 3.000 con/năm; chăn nuôi gia cầm sản xuất giống 20.000 con/tháng hoặc nuôi
gia cầm thịt với quy mô thường xuyên từ 30.000 con/lứa (gọi chung là cơ sở), được
hỗ trợ một phần kinh phí để xây dựng cơ sở hạ tầng, tiếp nhận và chuyển giao kỹ
thuật, xúc tiến thương mại, vệ sinh môi trường. Mức hỗ trợ không quá 10% định mức
đầu tư, nhưng tối đa không quá 2 tỷ đồng/cơ sở.
3. Đối với
cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung:
Các tổ chức,
cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung phù hợp với
quy hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt được hỗ trợ kinh phí
để đầu tư trang thiết bị, vệ sinh môi trường cho từng dự án cụ thể: Dự án dưới
10 tỷ đồng, định mức hỗ trợ tương ứng tối đa là 10% theo tổng mức đầu tư/1 cơ sở;
Dự án từ 10 tỷ đồng trở lên định mức hỗ trợ tương ứng tối đa là 10% theo tổng mức
đầu tư và không quá 02 tỷ đồng/1 cơ sở.
Điều 3. Nguồn kinh phí thực hiện chính sách
Kinh phí hỗ
trợ cho chính sách khuyến khích phát triển trang trại, cơ sở chăn nuôi công
nghiệp, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai
đoạn 2014 - 2015 được tổng hợp lồng ghép các nguồn vốn: Ngân sách Nhà nước
thông qua các chương trình như: Đào tạo nghề; hỗ trợ phát triển thương mại - dịch
vụ; các dự án phát triển, vốn ODA và các nguồn vốn khác có tính chất như ngân
sách.
Tổng kinh
phí thực hiện 19.145 triệu đồng. Trong đó: Năm 2014 là 10.250 triệu đồng (nguồn
kinh phí lồng ghép các chương trình 5.250 triệu đồng, ngân sách tỉnh 5.000 triệu
đồng); năm 2015 là 8.895 triệu đồng (nguồn kinh phí lồng ghép các chương trình
5.250 triệu đồng, ngân sách tỉnh 3.645 triệu đồng).
Điều 4. Thời gian áp dụng: Từ ngày 01/01/2014 đến hết ngày
31/12/2015.
Điều 5. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn:
a) Chủ trì,
phối hợp với Sở Tài chính ban hành văn bản hướng dẫn của liên ngành về thực hiện
nội dung chính sách nêu trên. Yêu cầu nội dung hướng dẫn phải đúng quy định
pháp luật, dễ thực hiện, rõ về trình tự, thủ tục cấp phát, thanh quyết toán nguồn
kinh phí hỗ trợ; tránh gây phiền hà cho đối tượng được hỗ trợ.
b) Hàng
năm, trên cơ sở đề nghị của các huyện, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở
Tài chính trình Chủ tịch UBND tỉnh giao kế hoạch số lượng trang trại, cơ sở
chăn nuôi tập trung và kinh phí hỗ trợ cho từng huyện.
c) Đôn đốc,
kiểm tra và tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện chính sách nêu trên về UBND tỉnh.
2. Sở Tài
chính:
a) Chủ trì,
phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham
mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí cho các huyện để triển khai thực hiện chính
sách;
b) Phối hợp
với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản hướng dẫn của liên
ngành về thực hiện nội dung chính sách nêu trên. Thực hiện cấp phát kinh phí,
thanh quyết toán kinh phí theo quy định; thanh tra, kiểm tra việc thực hiện
kinh phí theo quy định tại Điều 2 Quy định này.
3. Sở Kế hoạch
và Đầu tư: Phối hợp với Sở Tài chính tham mưu cho UBND tỉnh bố trí kinh phí để
các huyện, thành phố triển khai thực hiện chính sách đảm bảo hiệu quả.
4. UBND các
huyện, thành phố:
a) Phổ biến,
hướng dẫn, đôn đốc các xã lựa chọn những địa điểm, các tổ chức, cá nhân hộ có đủ
tiêu chuẩn và điều kiện đăng ký đầu tư xây dựng trang trại, cơ sở chăn nuôi gia
súc, gia cầm tập trung.
b) Quyết định
hỗ trợ kinh phí cụ thể cho từng trang trại; nghiệm thu, hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục
cấp phát, thanh quyết toán theo quy định hiện hành của Nhà nước và hướng dẫn của
liên ngành. Chủ tịch UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước Chủ
tịch UBND tỉnh và pháp luật trong việc quyết định mức hỗ trợ kinh phí cho các
trang trại trên địa bàn quản lý.
c) Rà soát,
bổ sung quy hoạch phát triển chăn nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức,
cá nhân được giao đất, thuê đất đầu tư các khu trang trại, cơ sở chăn nuôi tập
trang. Ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, căn cứ vào điều kiện cụ thể của huyện
để đề xuất ban hành chính sách hỗ trợ phát triển trang trại chăn nuôi tập trung
của huyện.
d) Đôn đốc,
kiểm tra và tạo điều kiện thuận lợi để các ngành có liên quan kiểm tra, giám
sát việc thực hiện chính sách trên địa bàn huyện; định kỳ hàng quý báo cáo kết
quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo
UBND tỉnh.
Trong quá
trình thực hiện có vướng mắc, đề nghị các địa phương, cơ quan, đơn vị phản ánh
về Sở Nông nghiệp và PTNT để trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.