ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 90/QĐ-UBND
|
Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 17 tháng 01 năm 2019
|
QUYẾT ĐỊNH
V/V: BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH 135 GIAI ĐOẠN 2019 - 2020
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 18
tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước
ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 136/2015/NĐ-CP
ngày 31/12/2015 của Chính phủ Hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Đầu tư
công;
Căn cứ Nghị định số 120/NĐ-CP ngày
13/9/2018 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Điều Nghị định số
77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và
hàng năm, số 136/2015/NĐ-CP ngày 31/12/2015 của Chính phủ Hướng dẫn thi hành một
số Điều của Luật Đầu tư công và số 161/2016/NĐ-CP ngày 02/12/2016 của Chính phủ
về cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Quyết định số 1722/QĐ-TTg
ngày 02 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình mục
tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Quyết định số 582/QĐ-TTg
ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó
khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền
núi giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Quyết định số
41/2016/QĐ-TTg ngày 10 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy
chế quản lý, điều hành thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 414/QĐ-UBDT về
phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vào diện đầu tư chương trình 135
giai đoạn 2017 - 2020;
Căn cứ Thông tư số 01/2017/TT-UBDT
ngày 10/5/2017 của Ủy ban Dân tộc quy định chi tiết thực hiện Dự án 2 (chương
trình 135) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016
- 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 77/NQ-HĐND ngày 14 tháng 12 năm 2018 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa -
Vùng Tàu về thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh
Bà Rịa - Vũng Tàu,
Xét Tờ trình số: 21/TTr-BDT ngày
09/01/2019 của Trưởng Ban Dân tộc về việc Ban hành Kế hoạch thực hiện Chương
trình 135 giai đoạn 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vùng Tàu,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành theo Quyết định
này Kế hoạch thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh
Bà Rịa - Vũng Tàu.
Điều 2. Giao Ban Dân tộc là cơ
quan thường trực Chương trình 135 có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các sở,
ngành có liên quan và UBND các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc triển khai Kế hoạch
này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban
nhân dân tỉnh, Trưởng ban Dân tộc, Giám đốc các Sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu
tư, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Lao động Thương Binh và Xã hội, UBND
các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 4;
- TTr TU; TTr HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các Phó chủ tịch;
- UBMTTQ Tỉnh
và các đoàn thể;
- Các Ban thuộc HĐND tỉnh;
- Lưu VT-TH; VX2, VX5
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thanh Tịnh
|
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH 135 GIAI ĐOẠN 2019 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA
- VŨNG TÀU
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 90/QĐ-UBND ngày 17 tháng 01 năm 2019 của UBND tỉnh về việc ban hành
Kế hoạch thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2019 - 2020
trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
I. TÌNH HÌNH KINH
TẾ XÃ HỘI CỦA CÁC THÔN, ẤP ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU.
1. Đánh giá kết quả thực hiện
Chương trình 135 giai đoạn III (2015-2018):
Thực hiện Quyết định số 551/QĐ-TTg
ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình 135 về hỗ
trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc biệt khó
khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn, bản đặc biệt khó khăn; Quyết định
số 447/QĐ-UBDT ngày 19/9/2013 của Ủy ban Dân tộc về công nhận thôn đặc biệt khó
khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công nhận có 03 xã và 21 thôn, ấp đặc biệt khó khăn.
Trong đó:
- Huyện Xuyên Mộc có 01 xã và 14
thôn, ấp đặc biệt khó khăn là xã Hòa Hiệp và ấp Bàu Hàm, ấp Bàu Ngứa thuộc xã
Tân Lâm; ấp Khu I, ấp Bình Thắng thuộc xã Bình Châu; ấp 1, ấp 2 Tây thuộc xã
Bàu Lâm; ấp Tân Rú, ấp Thạnh Sơn 3, ấp Tân Trung thuộc xã Phước Tân; ấp Phú
Quý, ấp Phú Tài, ấp Phú Lộc, ấp Phú Vinh, ấp Phú Lâm thuộc xã Hòa Hiệp.
- Huyện Châu Đức có 02 xã và 07 thôn,
ấp đặc biệt khó khăn là xã Suối Rao, xã Đá Bạc và ấp Vinh Thanh thuộc thị trấn
Ngãi Giao; thôn 1 thuộc xã Bình Trung; thôn 1, thôn 3 thuộc xã Suối Rao; thôn Lồ
Ồ, thôn Bình Sơn, thôn Bàu Điển thuộc xã Đá Bạc
- Tình hình kinh tế - xã hội của các
thôn, ấp đặc biệt khó khăn, xã thuộc khu vực III thuộc diện đầu tư Chương
trình 135 giai đoạn III của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu với 10.841 hộ
và 51.104 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số có 1.668 hộ với 7.362 khẩu,
số hộ nghèo là 2.398 hộ. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân trong 21 thôn, ấp và 03 xã
nói trên là 22,03%.
Ngày 22/5/2014 UBND tỉnh ban hành Quyết
định số 1022/QĐ-UBND về việc Phê duyệt đề án Chương trình 135 giai đoạn III
(2015 - 2018) về hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát
triển sản xuất các xã, thôn, ấp đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh
phê duyệt kinh phí là 242.340 triệu đồng. Trong quá trình thực hiện, UBND tỉnh
ban hành Quyết định số 22/2015/QĐ-UBND ngày 27/4/2015 về định mức hỗ trợ dự án
hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình 135 giai đoạn III tăng từ hỗ trợ
5 triệu đồng/hộ lên 10 triệu đồng/hộ. Do đó, kinh phí bổ sung cho Hợp phần phát
triển sản xuất là: 6.530 triệu đồng; kinh phí bổ sung để thực hiện Dự án đào tạo
bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn và cộng đồng là 910 triệu đồng. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình 135 giai đoạn III (2015-2018) là: 249.280
triệu đồng, gồm:
1.1. Hợp phần phát triển cơ sở hạ tầng
thiết yếu là 234.750 triệu đồng, cụ thể:
a) Đầu tư 51 công trình đường giao
thông dài 135,96 km từ xã đến thôn, ấp, liên thôn ấp:
218.120 triệu đồng.
Gồm: 20 công trình từ đường đất làm
đường đá xô bồ dài 76,2 km; 24 công trình đường đá xô bồ làm đường nhựa dài
51,06 km; 07 công trình đường đất làm đường nhựa dài 8,7 km.
b) Đầu tư 08 công trình điện: 8.230
triệu đồng.
Gồm: 9,4 km hệ thống đường dây hạ thế.
c) Xây dựng 01 nhà Văn hóa truyền thống
dân tộc thiểu số: 2.000 triệu đồng.
d) Đầu tư 03 công trình thủy lợi:
6.400 triệu đồng.
Qua 04 năm thực hiện Chương trình 135
giai đoạn III, cùng với việc lồng ghép các chương trình đề án của tỉnh, Đề án
phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh giai đoạn
2016 - 2020 cơ sở hạ tầng thiết yếu của các xã đặc biệt khó khăn nói chung và
vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói riêng đã có những bước
thay đổi đáng kể, đời sống của đại đa số dân cư và đồng bào dân tộc thiểu số
trên địa bàn tỉnh từng bước được cải thiện, nâng cao. Đường giao thông liên
thôn ấp trên 03 xã và 11 thôn (ấp) đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135
giai đoạn III phần lớn đã được đầu tư xây dựng; đa số các ấp đã được đầu tư hỗ
trợ điện sinh hoạt, 90% số hộ được sử dụng điện thắp sáng
là khoảng 9.750 hộ; 85% số hộ được sử dụng nước sạch sinh hoạt là khoảng 9.200
hộ; cải thiện hệ thống kênh mương, thủy lợi tưới tiêu phục vụ phát triển sản xuất.
Hiện nay đời sống vật chất và tinh thần
của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện, cơ sở hạ tầng thiết yếu
vùng đặc biệt khó khăn nói chung, trong đó có vùng đồng bào dân tộc nói riêng
được đầu tư xây dựng đã phát huy hiệu quả cao. Các tuyến
đường trọng yếu liên thôn ấp được xây dựng đáp ứng được nhu cầu đi lại cho nhân
dân, thông thương trao đổi hàng hóa; các công trình điện
được đầu tư nhằm hỗ trợ, phục vụ đời sống sinh hoạt cho
Nhân dân; các công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp hết
sức cần thiết và đạt hiệu quả cao; nhà Văn hóa dân tộc được đầu tư xây dựng nhằm
giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào. Hệ thống chính trị các xã đặc
biệt khó khăn ngày càng được củng cố, tăng cường; an ninh quốc phòng được đảm bảo;
góp phần cho công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất,
tinh thần cho nhân dân.
1.2 . Hợp phần phát triển sản xuất: Tổng
kinh phí 13.620 triệu đồng. Gồm:
a) Hỗ trợ cây, con giống cho 1.341 hộ,
kinh phí 13.410 triệu đồng.
b) Tổ chức 28 lớp tập huấn chuyển
giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt và chăn nuôi: 210 triệu đồng.
Việc hỗ trợ con giống bước đầu đã mang
lại kết quả tích cực như các mô hình hỗ trợ giống dê, gà được bà con đồng tình
hưởng ứng. Qua các lớp tập huấn chuyển giao KHKT đã dần giúp bà con biết ứng dụng, chủ động đầu tư đưa các giống mới có năng suất và hiệu quả
kinh tế cao vào sản xuất nên số hộ đủ ăn và khá, giàu ngày một tăng góp phần giảm
nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm khoảng 4%.
1.3. Dự án đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn và cộng đồng với số tiền là 910
triệu đồng, gồm: Tổ chức 12 đợt tập huấn cho cán bộ xã,
thôn và cộng đồng; Tổ chức 2 đợt đi tham quan học tập kinh nghiệm tại các tỉnh
Tây Nguyên và Tây Nam bộ cho các cán bộ huyện, xã thuộc chương trình 135.
Dự án đào tạo bồi dưỡng, nâng cao
năng lực cán bộ xã, thôn và cộng đồng giúp trang bị, bổ sung kiến thức về
chuyên môn nghiệp vụ, xóa đói giảm nghèo, nâng cao nhận thức pháp luật, nâng
cao kỹ năng kiến thức đầu tư và kỹ năng quản lý điều hành để hoàn thành nhiệm vụ
cho cán bộ, công chức cấp xã; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến
vào sản xuất cho hộ nghèo vùng khó khăn để vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống.
Kết quả của Chương trình 135 giai đoạn
III qua thực hiện 03 hợp phần dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội hết sức
to lớn, số hộ giảm nghèo khoảng 380 hộ, đạt tỷ lệ khoảng
4%/năm; số xã, thôn ấp thoát ra khỏi Chương trình 135 là 03 xã và 06 thôn, ấp gồm:
Huyện Xuyên Mộc có 01 là xã Hòa Hiệp và 02 ấp là ấp Bình Thắng thuộc xã Bình
Châu, ấp Thanh Sơn 3 thuộc xã Phước Tân; huyện Châu Đức có 02 xã là xã Suối
Rao, xã Đá Bạc và 04 thôn, ấp là ấp Vinh Thanh thuộc thị trấn Ngãi Giao, thôn 1 thuộc xã Bình Trung, thôn Bình Sơn, thôn Bàu Điển
thuộc xã Đá Bạc.
2. Tình
hình kinh tế - xã hội của thôn, ấp đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135
giai đoạn 2019 - 2020:
Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày
28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn,
xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu còn 15 thôn, ấp đặc biệt khó
khăn.
Ngày 11/7/2017 Ủy ban Dân tộc ban
hành Quyết định số 414/QĐ-UBDT về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn
vào diện đầu tư chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
được phê duyệt 15 thôn, ấp vào diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2017 -
2020, cụ thể huyện Xuyên Mộc có 12 ấp, gồm: Ấp 1, ấp 2 Tây thuộc xã Bàu Lâm; ấp
Bàu Hàm, ấp Bàu Ngứa thuộc xã Tân Lâm; ấp Khu 1 thuộc xã Bình Châu; ấp Tân Rú, ấp
Tân Trung thuộc xã Phước Tân; ấp Phú Quý, ấp Phú Tài, ấp Phú Lộc, ấp Phú Vinh, ấp
Phú Lâm thuộc xã Hòa Hiệp; huyện Châu Đức có 03 thôn gồm: thôn Lồ Ồ thuộc xã Đá Bạc; thôn 1, thôn 3 thuộc xã Suối Rao.
Tình hình kinh tế - xã hội của 15
thôn, ấp đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2019
-2020 của tỉnh Bà Rịa - Vùng Tàu với 5.131 hộ và 23.262 khẩu, trong đó đồng bào
dân tộc thiểu số có 1.011 hộ với 3.555 khẩu. Tổng số hộ
nghèo là 1.250 hộ, trong đó hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số có 263 hộ chiếm
21,04%. Tỷ lệ hộ nghèo bình quân trong 15 thôn, ấp nói trên là 24,37%.
- Về cơ sở hạ tầng: Đa số các thôn, ấp
đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2019 - 2020 cơ sở hạ tầng
còn thiếu, nhiều công trình thiết yếu được đầu tư trước đây đã xuống cấp nghiêm
trọng cần được đầu tư mới hoặc sửa chữa, tu bổ lại. Trong đó, đặc biệt là về
giao thông và thủy lợi, hầu như các công trình hạ tầng thiết yếu chưa được đầu
tư. Khoảng 30% dân số các xã sinh sống rải rác ở các khu vực sâu, cách xã đường
trục lộ chính, một số nơi chưa có điện lưới sinh hoạt, riêng xã Hòa Hiệp, Bình
Châu có đến khoảng 465 hộ đang sử dụng điện qua hình thức câu nhờ từ hộ khác và
18 hộ chưa có điện, số hộ có nước sạch sinh hoạt còn hạn chế, số hộ thiếu nước vào mùa khô còn nhiều. Riêng đối với đường giao thông nông thôn,
hiện nay hầu hết các xã đã có đường trải nhựa đến trung tâm xã, tuy nhiên các
tuyến đường giao thông liên thôn, ấp hoặc trong các ấp chủ yếu vẫn là đường đất
hoặc đường mòn, việc đi lại của nhân dân gặp nhiều khó khăn, lưu thông hàng
hóa, nông sản vì thế cũng bị ảnh hưởng, giá cả của các loại
hàng hóa cây công nghiệp và nông nghiệp thấp hơn nhiều so với các vùng khác.
Qua kiểm tra, rà soát các danh mục đầu tư của Đề án là những công trình rất cần
thiết và cấp bách, không trùng lắp với các nội dung Chương trình xây dựng nông
thôn mới của tỉnh.
- Về đời sống sản xuất: 90% dân số của
các ấp đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II, sinh sống bằng nghề nông nghiệp,
10% còn là buôn bán nhỏ, chăn nuôi hoặc làm thuê. Là các xã nông nghiệp, tuy
nhiên đời sống của đông đảo các hộ dân ở đây gặp nhiều khó
khăn do đất đai kém màu mỡ, đất ngập úng rất khó khăn cho
canh tác. Phần diện tích khô ráo thì rất nhiều đá sỏi, chủ yếu được dùng cho
hoa màu nhưng năng suất thấp. Kinh tế chậm phát triển do phụ thuộc vào thiên
nhiên và thời tiết hằng năm. Đa số diện tích gieo trồng chỉ sản xuất được vào 6
tháng mùa mưa, thời gian còn lại là bỏ hoang do thiếu nước.
Bên cạnh đó số hộ nghèo, hộ cận nghèo, số hộ đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn do thiếu đất, thiếu vốn, thiếu điều kiện sản xuất và kinh
nghiệm làm ăn.
Trong chăn nuôi, chủ yếu phát triển
theo mô hình kinh tế hộ gia đình nhỏ lẻ và manh mún. Chăn nuôi heo và gia cầm
trong những năm gần đây giảm mạnh so với trước do dịch bệnh và giá cả giảm sâu,
tuy nhiên đàn bò và dê, cừu được tăng lên nhưng không đáng kể. Trong những năm
gần đây thiên tai dịch bệnh xảy ra liên tiếp, cộng thêm giá cả thị trường biến động mạnh ảnh hưởng lớn đến sản xuất và chăn nuôi của
các hộ dân. Diện tích trồng cây cao su, cà phê, tiêu giảm đáng kể, quy mô chăn
nuôi đặc biệt là chăn nuôi heo, gà cũng bị thu hẹp, nhiều hộ gia đình bỏ hẳn
chăn nuôi do thua lỗ. Về vệ sinh môi trường, cải thiện và
nâng cao đời sống cho nhân dân ở các ấp đặc biệt khó khăn, việc chăn nuôi gia
súc gia cầm rất phổ biến, tuy nhiên vấn đề vệ sinh môi trường ít được quan tâm.
Đa số các hộ chăn nuôi đều nuôi thả, chuồng trại cho gia súc gia cầm nếu có thì
rất tạm bợ và được dựng liền kề nhà ở gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.
Từ thực tế cho thấy, trong 15 thôn ấp
đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn 2019 - 2020 có tỷ
lệ hộ nghèo còn cao, cơ sở hạ tầng thiết yếu còn thấp kém, đời sống nhân dân gặp
rất nhiều khó khăn. Vì vậy cần được Đảng, Nhà nước quan tâm và giúp đỡ nhằm giảm khoảng cách với các xã khác trong toàn tỉnh.
II. SỰ CẦN THIẾT
XÂY DỰNG KẾ HOẠCH CHƯƠNG TRÌNH 135 GIAI ĐOẠN 2019 - 2020
Ngày 11/7/2017, Ủy ban Dân tộc đã ban
hành Quyết định số 414/QĐ- UBDT về Phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn
vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó tỉnh Bà Rịa
- Vùng Tàu được công nhận có 15 thôn ấp đặc biệt khó khăn thuộc diện đầu tư của
Chương trình 135 giai đoạn 2019 - 2020.
Xuất phát từ thực tiễn khó khăn của đại
bộ phận người dân thuộc các thôn ấp đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh, đòi hỏi
phải có sự hỗ trợ của Nhà nước nhằm thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa dân
thành thị với nông thôn; vùng sâu, vùng xa mà đặc biệt là
người dân nói chung và người tộc thiểu số nói riêng đang sinh sống tại các thôn ấp đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Vì vậy, việc xây dựng đề án Chương
trình 135 giai đoạn 2019 - 2020 nhằm triển khai chủ trương chính sách của Đảng
và Nhà nước dành cho các thôn ấp đặc biệt khó khăn. Bên cạnh đó, đầu tư cơ sở hạ
tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất; nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ
sở thuộc các thôn, ấp đặc biệt khó khăn là cần thiết nhằm tạo động lực phát triển
kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân
dân. Qua đó góp phần vào công cuộc giảm nghèo bền vững của
tỉnh.
III. NỘI DUNG KẾ
HOẠCH CHƯƠNG TRÌNH 135 GIAI ĐOẠN 2019 - 2020
1. Tên chương trình: Thực hiện Chương trình 135 giai đoạn
2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
2. Đơn vị lập Báo cáo đề xuất chủ
trương đầu tư: Ban Dân tộc.
3. Đối tượng thụ hưởng: Người dân thuộc các thôn, ấp đặc biệt khó khăn vào diện đầu tư Chương
trình 135 giai đoạn 2019 - 2020 đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Địa điểm thực hiện: Các thôn, ấp đặc biệt khó khăn vào diện đầu tư Chương trình 135 theo
Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt
danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc
vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020; Quyết định số
414/QĐ-UBDT ngày 11/7/2017 của Ủy ban Dân tộc về phê duyệt danh sách thôn đặc
biệt khó khăn vào diện đầu tư chương trình 135 giai đoạn 2017 -2020, bao gồm:
* Huyện Xuyên Mộc:
- Ấp 1, ấp 2 Tây
- xã Bàu Lâm;
- Ấp Bàu Hàm, ấp Bàu Ngứa - xã Tân Lâm;
- Ấp Khu 1 - xã Bình Châu;
- Ấp Tân Rú, ấp Tân Trung - xã Phước Tân;
- Ấp Phú Quý, ấp Phú Tài, ấp Phú Lộc,
ấp Phú Vinh, ấp Phú Lâm - xã Hòa Hiệp.
* Huyện Châu Đức:
- Thôn Lồ Ồ - xã
Đá Bạc;
- Thôn 1, thôn 3 - xã Suối Rao.
5. Tổng kinh phí thực hiện chương
trình: 200.505 triệu đồng, trong đó:
- Ngân sách cấp tỉnh: 187.575 triệu đồng.
+ Vốn đầu tư phát triển: 186.745 triệu
đồng.
+ Vốn sự nghiệp: 830 triệu đồng.
- Ngân sách cấp huyện: 8.665 triệu đồng.
- Nguồn vốn đối ứng của người dân:
4.265 triệu đồng.
6. Thời gian thực hiện: Giai đoạn 2019 - 2021.
7. Cơ quan thực hiện:
- Ban Dân tộc thực hiện Tiểu dự án 3:
Nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng.
- UBND các huyện Xuyên Mộc, Châu Đức
thực hiện Tiểu dự án 1: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng; Tiểu
dự án 2: Hỗ trợ phát triển sản xuất.
8. Mục tiêu:
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững,
hạn chế tái nghèo; góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an
sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân, đặc biệt là ở các
địa bàn đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận thuận
lợi các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ
sinh, tiếp cận thông tin), góp phần hoàn thành mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo
giai đoạn 2016 - 2020.
Các chỉ tiêu chủ yếu cần đạt được đến
năm 2020:
- Phấn đấu 100% thôn, ấp đặc biệt khó
khăn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn;
- Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục
vụ phát triển sản xuất và dân sinh trên địa bàn các thôn, ấp thuộc Chương trình
135 phù hợp quy hoạch dân cư và quy hoạch sản xuất, đảm bảo phục vụ có hiệu quả
đời sống và phát triển sản xuất của người dân: Từ 90% - 100% thôn, ấp có trục
đường giao thông được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đảm bảo tiêu chuẩn và cấp kỹ
thuật theo quy định; 90% - 100% hộ gia đình được sử dụng điện sinh hoạt;
- Thu nhập của hộ gia đình tham gia dự
án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm
nghèo thuộc Chương trình 135 tăng 20% - 25%/năm; bình quân mỗi năm có ít nhất
15% hộ gia đình tham gia dự án thoát nghèo, cận nghèo;
- 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo
cấp xã, trưởng thôn, ấp thuộc Chương trình 135 được tập huấn
kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính
sách, dự án giảm nghèo; lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển
cộng đồng;
- Thông qua các đợt tập huấn nâng cao
năng lực cộng đồng có 90% các hộ dân thuộc địa bàn thôn, ấp thuộc Chương trình 135 được tiếp cận, cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật của Đảng
và Nhà nước; kinh nghiệm sản xuất; tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
9. Phạm vi áp dụng: Áp dụng đối với
15 thôn, ấp đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 582/QĐ-TTg ngày 28/4/2017 của
Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực III,
khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 -
2020; Quyết định số 414/QĐ-UBDT ngày 11/7/2017 của Ủy ban
Dân tộc về phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vào diện đầu tư chương
trình 135 giai đoạn 2017 - 2020.
10. Nội dung và quy mô thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2019 - 2020:
Dự án 1: Đầu tư cơ sở hạ tầng:
a) Đầu tư 28 tuyến đường giao thông
nông thôn thuộc các thôn, ấp. Từ đường đất thành đường láng nhựa, bê tông xi
măng;
b) Đầu tư 16 tuyến đường dây điện hạ
thế (hệ thống điện sinh hoạt).
Dự án 2: Hỗ trợ phát triển sản xuất:
a) Hỗ trợ con giống cho 853 hộ nghèo;
b) Mở 18 lớp tập huấn chuyển giao
khoa học kỹ thuật chăn nuôi.
Dự án 3: Dự án nâng cao năng lực
cho cán bộ cơ sở và cộng đồng:
Tổ chức khoảng 30 lớp tập huấn bồi dưỡng
nâng cao năng lực cho các cán bộ làm công tác giảm nghèo tại các thôn, ấp đặc
biệt khó khăn; tổ chức đi thăm quan, học tập kinh nghiệm tốt của các mô hình giảm
nghèo có hiệu quả để vận dụng vào thực tế của địa phương.
(Có danh mục cụ thể đính kèm)
11. Nguồn vốn và khả năng cân đối
vốn Chương trình 135 giai đoạn 2019 - 2020:
a). Nguồn vốn:
- Ngân sách tỉnh bố trí vốn thực hiện
đối với Tiểu dự án 1: Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng và Tiểu
dự án 3: Nâng cao năng lực cho cán bộ cơ sở và cộng đồng.
- Ngân sách huyện bố trí vốn thực hiện
đối với Tiểu dự án 2: Hỗ trợ phát triển sản xuất.
- Nguồn vốn đối ứng
của người dân khi được hỗ trợ sản xuất.
b) Khả năng cân đối vốn: Ngân sách
cân đối bố trí vốn trong giai đoạn 2019 - 2021.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN:
1. Ban Dân tộc: Là chủ chương trình
chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính vào quý III hàng năm
tiến hành thẩm tra, rà soát các danh mục công trình đầu
tư, căn cứ vào nhu cầu khả năng ngân sách của tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh phân
bổ kinh phí cho địa phương thực hiện; chủ trì giúp UBND tỉnh tổ chức kiểm tra,
theo dõi, giám sát, đánh giá và tổng hợp báo cáo tình hình tổ chức triển khai
thực hiện theo quy định của UBND tỉnh và Ủy ban Dân tộc.
2. Sở Tài chính: Tham mưu UBND tỉnh
cân đối vốn, bố trí vốn sự nghiệp từ ngân sách địa phương cho chương trình theo
phân kỳ hàng năm.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Tham mưu
UBND tỉnh cân đối vốn, bố trí vốn đầu tư từ ngân sách địa phương cho chương
trình theo kế hoạch hàng năm.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn:
- Chủ trì phối hợp với Ban Dân tộc
tham mưu giúp UBND tỉnh hướng dẫn chỉ đạo thực hiện “Dự án hỗ trợ phát triển sản
xuất đa dạng hóa sinh kế nhân rộng mô hình giảm nghèo” cho các thôn, ấp đặc biệt
khó khăn;
- Chỉ đạo một số xã, thôn, ấp để rút
kinh nghiệm nhân ra diện rộng; hướng dẫn, kiểm tra về hỗ trợ con giống và các lớp
tập huấn khoa học kỹ thuật về chăn nuôi.
5. Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội:
- Thường trực Ban chỉ đạo giảm nghèo
của tỉnh có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Ban Dân tộc, Sở Nông nghiệp và
Phát triển Nông thôn, UBND các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc và các sở, ngành có
liên quan chỉ đạo thực hiện xây dựng nhân rộng mô hình giảm nghèo;
- Chủ động lồng ghép các chương trình
giảm nghèo gắn với Chương trình 135 để đẩy nhanh công tác giảm nghèo tại các
thôn, ấp đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.
6. UBND các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc:
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban,
ngành có liên quan triển khai thực hiện hiệu quả các hạng mục đã được phê duyệt;
lập danh mục các hạng mục công trình đầu tư cơ sở hạ tầng
theo thứ tự ưu tiên để triển khai.
- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra UBND
xã có thôn, ấp thuộc Chương trình 135 tổ chức thực hiện dự án Hỗ trợ phát triển
sản xuất; lập danh sách đối tượng thụ hưởng hỗ trợ con giống thuộc dự án Hỗ trợ
phát triển sản xuất.
- Hằng năm tổ chức bình xét các thôn,
ấp hoàn thành mục tiêu chương trình; định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện
và những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện các hạng mục trên địa bàn
của mình gửi về UBND tỉnh qua Ban Dân tộc.
7. UBND các xã có thôn, ấp đặc biệt
khó khăn thuộc Chương trình 135 giai đoạn 2019 - 2020: Phối hợp với Phòng Dân tộc
đề xuất, lập danh mục các hạng mục công trình đầu tư cơ sở hạ tầng; bình xét lập
danh sách đối tượng thụ hưởng hỗ trợ phát triển sản xuất để hỗ trợ con giống; tổ
chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi; tham gia
bình xét các xã, thôn, ấp hoàn thành mục tiêu chương trình./.
Nơi nhận:
- Như điều 4;
- TTr TU; TTr HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch,
các Phó chủ tịch;
- UBMTTQ Tỉnh và
các đoàn thể;
- Các Ban thuộc HĐND tỉnh;
- Lưu VT-TH; VX2, VX5.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thanh Tịnh
|