ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
Căn cứ Luật
Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6
năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Trách
nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017;
Căn cứ Nghị định số
68/2017/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số
Điều và biện pháp thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước;
Căn cứ Thông tư số
08/2019/TT-BTP ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định biện
pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước;
Căn cứ Thông tư số
09/2019/TT-BTP ngày 10 tháng 12 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định biện
pháp hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường
nhà nước;
Theo đề nghị của
Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 43/TTr-STP ngày 29 tháng 3 năm 2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này Quy chế phối hợp thực hiện công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn tỉnh
An Giang.
Điều 2. Quyết định này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Thủ trưởng các Cơ quan
chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan Trung ương được tổ
chức theo ngành dọc đặt tại địa bàn tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp
xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Thanh Bình
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP THỰC HIỆN CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 738/QĐ-UBND ngày 08/4/2021 của UBND tỉnh An
Giang)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định trách nhiệm
và mối quan hệ phối hợp liên ngành giữa các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác
bồi thường nhà nước theo quy định Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và
các văn bản hướng dẫn thi hành.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
Các cơ quan, tổ chức có mối
quan hệ phối hợp liên ngành được quy định trong Quy chế này bao gồm: Các
cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh; Các cơ quan Trung
ương được tổ chức theo ngành dọc đặt tại địa bàn tỉnh (Công an tỉnh,
Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự,
Bảo hiểm xã hội tỉnh, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Cục Thuế, Cục Thống kê, Cục Hải
quan…); Các đơn vị trực thuộc UBND tỉnh; UBND cấp huyện, UBND cấp xã và tổ
chức, cá nhân có liên quan theo quy định pháp luật.
Điều 3.
Nguyên tắc phối hợp
1. Đảm bảo nguyên tắc chặt chẽ,
đồng bộ, thống nhất, tôn trọng nguyên tắc thứ bậc trong quá trình thực hiện chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao và xác định trách nhiệm cụ thể giữa các cơ
quan, tổ chức có liên quan nhằm đảm bảo giải quyết vụ việc thuộc trách nhiệm bồi
thường của nhà nước kịp thời, công khai, bình đẳng, thiện chí, trung thực, đúng
pháp luật.
2. Việc phối hợp hoạt động trên
cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, tổ chức và quy định
của pháp luật, không làm cản trở đến hoạt động của cơ quan, tổ chức
và ảnh hưởng đến quyền lợi của cá nhân.
Điều 4. Nội
dung phối hợp
Cơ quan quản lý nhà nước, cơ
quan, tổ chức có liên quan phối hợp thực hiện:
1. Xây dựng,
ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng
tâm về công tác bồi thường nhà nước.
2. Bố trí công chức đầu mối phụ
trách công tác bồi thường nhà nước.
3. Tổ chức tập huấn,
bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ công chức được giao thực hiện công
tác bồi thường nhà nước.
4. Xác định cơ quan giải quyết
bồi thường của nhà nước.
5. Hỗ trợ, hướng dẫn người bị
thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường.
6. Theo dõi, đôn đốc thực hiện
công tác bồi thường nhà nước.
7. Tham gia xác minh thiệt
hại, thương lượng việc bồi thường, xác định trách nhiệm hoàn trả của người thi
hành công vụ.
8. Kiểm tra công
tác bồi thường nhà nước và hoạt động giải quyết bồi thường.
9. Báo cáo, thống
kê thực hiện công tác bồi thường nhà nước tại địa phương.
10. Hướng dẫn nghiệp vụ, giải
đáp vướng mắc công tác bồi thường nhà nước.
Chương II
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN,
TỔ CHỨC, CÁ NHÂN TRONG PHỐI HỢP THỰC HIỆN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC BỒI THƯỜNG
NHÀ NƯỚC
Điều 5.
Trách nhiệm của Sở Tư pháp
1. Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan, đơn vị tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi
thường trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án trên địa bàn
tỉnh.
2. Chủ trì phối hợp các cơ quan
liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức việc xác định cơ quan giải quyết bồi thường
theo quy định pháp luật; tổ chức thực hiện việc hỗ trợ, hướng dẫn người bị
thiệt hại hoặc chủ động thực hiện hỗ trợ; đôn đốc việc thực hiện giải quyết
bồi thường, chi trả bồi thường, xác định trách nhiệm hoàn trả; theo dõi, đôn đốc
thực hiện hoạt động quản lý nhà nước về công tác bồi thường trên địa bàn tỉnh.
3. Tham gia xác minh thiệt hại,
xác định trách nhiệm hoàn trả với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về
công tác bồi thường. Tham gia xác minh thiệt hại cùng cơ quan trực tiếp quản
lý người thi hành công vụ gây thiệt hại khi có đề nghị của cơ quan đó để đảm bảo
xác minh thiệt hại được khách quan, đúng quy định của pháp luật.
4. Tham gia thương lượng với tư
cách là thành phần bắt buộc và phải có ý kiến tại buổi thương lượng.
5. Kiến nghị Thủ trưởng cơ
quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại xem xét lại quyết
định hoàn trả, quyết định giảm mức hoàn trả trong trường hợp quyết định
hoàn trả, quyết định giảm mức hoàn trả không phù hợp với quy định tại Điều 65
và Điều 66 của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Điều 6.
Trách nhiệm của Tòa án nhân dân tỉnh
1. Hằng năm tổ chức triển khai
công tác bồi thường nhà nước trong hệ thống Tòa án theo chỉ đạo, hướng dẫn của
Tòa án nhân dân tối cao và Kế hoạch của UBND tỉnh.
2. Phối hợp với Sở Tư pháp thực
hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng trên địa
bàn tỉnh trong việc xác định cơ quan giải quyết bồi thường khi có văn bản yêu cầu;
đôn đốc việc thực hiện giải quyết bồi thường, chi trả bồi thường, xác định
trách nhiệm hoàn trả; đôn đốc thực hiện công tác bồi thường.
3. Chỉ đạo Tòa án nhân dân
cấp huyện giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng, hình sự, dân sự và
hành chính theo quy định Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước, xác định trách
nhiệm hoàn trả, thực hiện quyết định hoàn trả, thực hiện xử lý kỷ luật theo thẩm
quyền.
4. Chỉ đạo Tòa án nhân dân hai cấp
trong tỉnh gửi các bản án đã có hiệu lực pháp luật có nội dung giải quyết yêu cầu
về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cho cơ quan quản lý Nhà nước về công tác
bồi thường nhà nước ở Trung ương và địa phương.
5. Thực hiện kiểm
tra công tác bồi thường nhà nước đối với việc giải quyết bồi thường phát sinh
thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành mình.
6. Thực hiện chế độ thống kê,
báo cáo; cung cấp thông tin, phản hồi kiến nghị do Sở Tư pháp đề nghị khi phát
sinh hoặc theo yêu cầu của Bộ Tư pháp.
Điều 7.
Trách nhiệm của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh
1. Hằng năm tổ chức triển khai
công tác bồi thường nhà nước trong hệ thống kiểm sát theo chỉ đạo, hướng dẫn của
Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Kế hoạch của UBND tỉnh.
2. Phối hợp với Sở Tư pháp thực
hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động tố tụng trên địa
bàn tỉnh trong việc xác định cơ quan giải quyết bồi thường khi có văn bản yêu cầu;
đôn đốc việc thực hiện giải quyết bồi thường, chi trả bồi thường, xác định
trách nhiệm hoàn trả; đôn đốc thực hiện công tác bồi thường.
3. Chỉ đạo Viện kiểm sát nhân
dân cấp huyện giải quyết bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự, xác định
trách nhiệm hoàn trả, thực hiện quyết định hoàn trả, thực hiện xử lý kỷ luật
theo thẩm quyền.
4. Tham gia thương lượng với tư
cách là thành phần bắt buộc đối với các vụ việc yêu cầu bồi thường trong tố tụng
hình sự.
5. Thực hiện kiểm
tra công tác bồi thường nhà nước đối với việc giải quyết bồi thường phát sinh
thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành mình.
6. Thực hiện chế độ thống kê,
báo cáo; cung cấp thông tin, phản hồi kiến nghị do Sở Tư pháp đề nghị khi phát
sinh hoặc theo yêu cầu của Bộ Tư pháp.
Điều 8.
Trách nhiệm của Công an tỉnh
1. Công an tỉnh phối hợp với Sở
Tư pháp trong thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động
tố tụng hình sự và thi hành án hình sự trên địa bàn tỉnh.
2. Tổ chức triển khai công tác
bồi thường nhà nước trong hệ thống Công an nhân dân theo Kế hoạch của UBND tỉnh.
3. Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc xác định
cơ quan giải quyết bồi thường khi có văn bản yêu cầu; chỉ đạo bộ phận Thi hành
án hình sự thuộc Công an cấp huyện thực hiện giải quyết bồi thường, chi trả bồi
thường, xác định trách nhiệm hoàn trả, thực hiện xử lý kỷ luật theo thẩm quyền.
4. Thực hiện chế độ thống kê,
báo cáo; cung cấp thông tin, phản hồi kiến nghị do Sở Tư pháp đề nghị khi phát
sinh hoặc theo yêu cầu của Bộ Tư pháp.
5. Tham gia thương lượng với tư
cách là thành phần bắt buộc đối với các vụ việc yêu cầu bồi thường trong tố tụng
hình sự.
Điều 9.
Trách nhiệm của Cục thi hành án dân sự
1. Phối hợp với Sở Tư pháp thực
hiện công tác quản lý nhà nước về công tác bồi thường trong hoạt động thi hành
án dân sự trên địa bàn tỉnh.
2. Tổ chức triển khai công tác
bồi thường nhà nước trong hệ thống thi hành án dân sự theo Kế hoạch của UBND tỉnh.
3. Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc xác định
cơ quan giải quyết bồi thường khi có văn bản yêu cầu; chỉ đạo các Chi cục thi
hành án dân sự thực hiện giải quyết bồi thường, chi trả bồi thường, xác định
trách nhiệm hoàn trả.
4. Thực hiện chế độ thống kê,
báo cáo; cung cấp thông tin, phản hồi kiến nghị do Sở Tư pháp đề nghị khi phát
sinh hoặc theo yêu cầu của Bộ Tư pháp.
Điều 10. Trách nhiệm của Sở
Tài chính
1. Hằng năm, trên cơ sở đề nghị của
cơ quan giải quyết bồi thường được đảm bảo kinh phí hoạt động từ ngân sách địa
phương, Sở Tài chính lập dự toán kinh phí bồi thường tham mưu Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định theo quy định của
pháp luật về ngân sách nhà nước và khả năng cân đối ngân sách địa phương.
2. Tham gia xác minh thiệt hại đối
với các vụ việc phức tạp khi được cơ quan giải quyết bồi thường đề nghị.
3. Tham gia thương lượng việc bồi
thường với tư cách là thành phần được cơ quan giải quyết bồi thường mời trong
trường hợp cần thiết.
4. Thực hiện chế độ thống kê,
báo cáo; cung cấp thông tin, phản hổi kiến nghị theo đề nghị của Sở Tư pháp hoặc
của Bộ Tư pháp (nếu có).
Điều 11.
Trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội tỉnh
1. Hằng năm tổ chức triển khai
công tác bồi thường nhà nước trong hệ thống bảo hiểm xã hội theo Kế hoạch của
UBND tỉnh.
2. Thực hiện thủ tục thu tiền
hoàn trả trong trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại đã nghỉ hưu, nghỉ
việc theo quy định.
Chỉ đạo cơ quan Bảo hiểm xã hội
cấp huyện đang trả lương hưu cho người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách
nhiệm thu tiền theo quyết định hoàn trả và nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách
nhà nước.
3. Tham gia Hội đồng xem xét
trách nhiệm hoàn trả với tư cách là cơ quan chi trả lương hưu cho người thi
hành công vụ trong trường hợp người đó đã nghỉ hưu.
4. Phối hợp với Sở Tư pháp
trong việc xác định cơ quan giải quyết bồi thường khi có văn bản yêu cầu; đôn đốc
việc thực hiện giải quyết bồi thường, chi trả bồi thường, xác định trách nhiệm
hoàn trả.
5. Thực hiện chế
độ thống kê, báo cáo, cung cấp thông tin theo đề nghị của
Sở Tư pháp.
Điều 12. Trách nhiệm của
UBND cấp huyện, UBND cấp xã
1. Căn cứ Kế hoạch công tác bồi thường nhà nước
của UBND tỉnh và tình hình thực tế tại địa phương. Hằng năm chủ động ban hành Kế
hoạch công tác bồi thường nhà nước hoặc lồng ghép với Kế hoạch công tác tư
pháp.
2. Chủ trì giải quyết yêu cầu bồi thường, xác
minh thiệt hại, thương lượng, thực hiện thủ tục chi trả và hoàn trả trong trường
hợp phát sinh vụ việc bồi thường tại địa phương.
3. Thực hiện chế độ thống kê,
báo cáo, cung cấp thông tin theo đề nghị của Sở Tư pháp.
4. UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng
Tư pháp làm đầu mối tham mưu, tổng hợp, thống kê, báo cáo, cung cấp thông tin về
công tác bồi thường nhà nước trên địa bàn.
Điều 13.
Trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, các cơ quan Trung ương
ngành dọc đặt tại địa phương, cơ quan, tổ chức cá nhân khác có liên quan
1. Hằng năm, căn cứ Kế hoạch công
tác bồi thường nhà nước của UBND tỉnh và tình hình thực tế tại cơ quan, đơn vị
chủ động ban hành Kế hoạch công tác bồi thường nhà nước hoặc lồng ghép vào Kế
hoạch công tác pháp chế.
2. Chủ trì giải quyết yêu cầu bồi
thường, xác minh thiệt hại, thương lượng, thực hiện thủ tục chi trả và hoàn trả
trong trường hợp phát sinh vụ việc bồi thường ngay tại cơ quan, đơn vị; tham
gia thương lượng với tư cách là thành viên được cơ quan giải quyết bồi thường mời;
tham gia hội đồng xem xét trách nhiệm hoàn trả với tư cách là đại diện của cơ
quan liên quan đến việc gây thiệt hại.
3. Các cơ quan, tổ chức, cá
nhân khác có liên quan cung cấp tài liệu, chứng cứ làm cơ sở cho việc xác
minh thiệt hại, đề nghị định giá tài sản, giải quyết thiệt hại hoặc lấy ý kiến
của cá nhân, tổ chức có liên quan về thiệt hại, mức bồi thường.
4. Thực hiện chế độ thống kê,
báo cáo, cung cấp thông tin theo đề nghị của Sở Tư pháp.
Chương III
QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 14. Mối
quan hệ công tác
Mối quan hệ công tác giữa các
cơ quan, tổ chức, cá nhân quy định tại Điều 2 của Quy chế này là quan hệ
phối hợp, dựa trên nguyên tắc phối hợp, tôn trọng lẫn nhau để thực hiện tốt
nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.
Điều 15.
Thanh tra, kiểm tra công tác bồi thường của nhà nước
1. Hằng năm, Sở Tư pháp ban
hành và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra công tác bồi thường nhà nước định kỳ
hoặc đột xuất.
2. Các cơ quan
chuyên môn thuộc UBND tỉnh; các cơ quan Trung ương được tổ
chức theo ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh; UBND
cấp huyện, UBND cấp xã, các cơ quan, tổ chức có liên quan đến nội dung thanh
tra, kiểm tra phối hợp Sở Tư pháp tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm
tra công tác bồi thường nhà nước theo quy định của pháp luật.
Điều 16.
Trách nhiệm gửi văn bản trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường và xác định
trách nhiệm hoàn trả
Trong quá trình
giải quyết yêu cầu bồi thường và xác định trách nhiệm hoàn trả, cơ quan trực tiếp
quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại có trách nhiệm gửi Sở Tư
pháp các văn bản quy định tại Khoản 7
Điều 15, Khoản 4 Điều 43, Khoản 5 Điều
48, Khoản 3 Điều 49, Khoản 4 Điều 50,
Khoản 3 Điều 51 và Khoản 4 Điều 66 Luật
Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (bằng hình thức gửi văn bản giấy hoặc
qua hệ thống văn phòng điện tử, email…). Cụ thể:
1. Bản án, quyết định
về giải quyết yêu cầu bồi thường.
2. Thông báo thụ lý hồ sơ;
Thông báo không thụ lý hồ sơ; Văn bản cử người giải quyết bồi thường.
3. Quyết định hủy,
sửa chữa, bổ sung quyết định giải quyết bồi thường.
4. Quyết định
hoãn giải quyết bồi thường.
5. Quyết định tạm
đình chỉ giải quyết yêu cầu bồi thường.
6. Quyết định
đình chỉ giải quyết bồi thường.
7. Quyết định
hoàn trả.
Điều 17.
Chế độ thông tin, báo cáo
1. Sở Tư pháp giúp UBND tỉnh thực
hiện việc thống kê, báo cáo định kỳ, báo cáo đột xuất việc thực hiện công tác bồi
thường nhà nước.
2. Các cơ quan, tổ chức liên
quan khi nhận được văn bản đề nghị báo cáo của Sở Tư pháp cần thực hiện thống
kê, báo cáo đầy đủ các nội dung theo đề cương gửi kèm, gửi Sở Tư pháp tổng hợp
đúng thời gian quy định.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 18. Tổ
chức, thực hiện
Các cơ quan, tổ chức theo trách
nhiệm được phân công tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế này và
các văn bản pháp luật có liên quan trong cơ quan, đơn vị.
Điều 19.
Giải quyết khó khăn, vướng mắc
Trong quá trình thực hiện nếu
có khó khăn, vướng mắc các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân kịp thời phản
ánh bằng văn bản về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
Điều 20. Sửa
đổi, bổ sung, thay thế Quy chế
Giao Sở Tư pháp theo dõi trong
quá trình thực hiện Quy chế này nếu có vấn đề chưa phù hợp hoặc mới phát sinh,
kịp thời báo cáo UBND tỉnh bổ sung, sửa đổi, thay thế cho phù hợp với thực tế
và quy định của pháp luật hiện hành.