Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 55/2008/QĐ-BTC Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Trần Xuân Hà
Ngày ban hành: 15/07/2008 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 55/2008/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 15 tháng 7 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ THI, CẤP, SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ THẺ THẨM ĐỊNH VIÊN VỀ GIÁ

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Pháp lệnh Giá số 40/2002/PL-UBTVQH 10 ngày 26 tháng 4 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 170/2003/ NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của  Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá;
Căn cứ Nghị định số 75/2008/NĐ-CP ngày 9 tháng 6 năm 2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 170/2003/ NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2003 của  Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Giá;
Căn cứ Nghị định số 101/2005/NĐ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về thẩm định giá;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý giá, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế thi, cấp, sử dụng và quản lý Thẻ thẩm định viên về giá”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo, thay thế Quyết định số 21/2004/QĐ-BTC ngày 24 tháng 2 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế cấp, sử dụng và quản lý Thẻ thẩm định viên về giá

Điều 3. Cục trưởng Cục Quản lý giá, Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Chánh văn phòng Bộ Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Toà án Nhân dân tối cao; Viện KSNDTC;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Các Công ty thẩm định giá;
- Cục kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Các đơn vị thuộc, trực thuộc bộ;
- Hội thẩm định giá Việt Nam;
- Trang Web Chính phủ;
- Trang Web Bộ Tài chính;
- Lưu: VT, QLG (10 b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Trần Xuân Hà

 

QUY CHẾ

THI, CẤP, SỬ DỤNG VÀ QUẢN LÝ THẺ THẨM ĐỊNH VIÊN VỀ GIÁ

(Ban hành kèm theo Quyết định số 55 /2008/QĐ-BTC ngày 15 tháng 7 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

Chương I.

ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN DỰ THI

Điều 1. Đối tượng dự thi

1. Công dân Việt Nam có đủ điều kiện quy định tại Điều 2 của Quy chế này có quyền dự thi để được cấp Thẻ thẩm định viên về giá.

2. Người Việt Nam, người nước ngoài có Chứng chỉ hành nghề thẩm định giá do tổ chức nước ngoài có thẩm quyền cấp được Bộ Tài chính thừa nhận được phép dự thi sát hạch lấy Thẻ thẩm định viên về giá.

Điều 2. Điều kiện dự thi

1. Đối với đối tượng quy định tại khoản 1, Điều 1 Quy chế này:

1.1. Có lý lịch rõ ràng; không có tiền án tiền sự; không trong thời gian bị kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự; không thuộc các đối tượng không được hành nghề thẩm định giá theo quy định của pháp luật.

1.2. Có bằng tốt nghiệp từ đại học trở lên chuyên ngành: Vật giá; Thẩm định giá; Kế toán; Kiểm toán; Tài chính - Ngân hàng; Kinh tế; Kinh tế - Kỹ thuật; Quản trị kinh doanh; Luật Kinh tế.

1.3. Có thời gian công tác thực tế theo chuyên ngành đào tạo từ 03 năm (đủ 36 tháng) trở lên tính từ khi có bằng tốt nghiệp đại học theo chuyên ngành quy định tại điểm 1.2 khoản 1 Điều này.

1.4. Có chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành về Thẩm định giá do các cơ sở được phép đào tạo chuyên ngành thẩm định giá cấp.

Người có bằng tốt nghiệp đại học trở lên về chuyên ngành Vật giá, Thẩm định giá không cần chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên ngành thẩm định giá.

1.5. Có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ C trở lên của 01 trong 05 ngoại ngữ thông dụng: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức; hoặc tốt nghiệp Đại học ở các nước học bằng 01 trong 05 thứ tiếng trên; Có chứng chỉ tin học trình độ B trở lên.

Người được miễn thi hai môn ngoại ngữ và tin học quy định tại khoản 5 Điều 7 Quy chế này không cần chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học.

1.6. Nộp đầy đủ, đúng mẫu hồ sơ và lệ phí dự thi theo quy định tại Điều 3 Quy chế này.

2. Đối với đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1 Quy chế này:

2.1. Có lý lịch rõ ràng, không có tiền án tiền sự, không trong thời gian bị kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự do cơ quan  trực tiếp quản lý lao động của Việt Nam xác nhận.

2.2. Có hợp đồng lao động với một doanh nghiệp thẩm định giá hoặc có chức năng hoạt động thẩm định giá được thành lập và hoạt động tại Việt Nam; Riêng đối với người nước ngoài phải được phép cư trú tại Việt Nam từ 01 năm trở lên.

2.3. Nộp đầy đủ, đúng mẫu hồ sơ theo quy định tại Điều 17 và lệ phí dự thi theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Quy chế này.

Điều 3. Hồ sơ đăng ký dự thi và lệ phí dự thi.

1. Hồ sơ đăng ký dự thi:           

1.1. Người đăng ký dự thi lần đầu, hồ sơ đăng ký dự thi gồm:

1.1.1.  Phiếu đăng ký dự thi.

1.1.2. Sơ yếu lý lịch (có xác nhận của Thủ trưởng đơn vị của người đang làm việc tại đơn vị hoặc Ủy ban nhân dân phường, xã nơi thường trú);

1.1.3. Các bản sao công chứng văn bằng, chứng chỉ quy định tại điểm 1.2; 1.4 và 1.5 Khoản 1 Điều 2 Quy chế này.

1.1.4. 03 ảnh mầu cỡ 3 x 4cm (chụp trong thời gian 6 tháng tính đến trước ngày đăng ký dự thi), hai phong bì có dán tem ghi rõ họ tên, địa chỉ người nhận.

1.2. Người đăng ký dự thi lại các môn thi đã thi chưa đạt yêu cầu, hoặc thi tiếp các môn thi chưa thi, hoặc thi để đạt tổng số điểm quy định tại Khoản 2 Điều 7 Quy chế này, hồ sơ gồm:

1.2.1. Phiếu đăng ký dự thi.

1.2.2. Bản sao công chứng giấy chứng nhận điểm thi của các kỳ thi trước do Chủ tịch Hội đồng thi cấp.

1.2.3. 03 ảnh mầu cỡ 3 x 4cm (chụp trong thời gian 6 tháng tính đến trước ngày đăng ký dự thi), hai phong bì có dán tem ghi rõ họ tên, địa chỉ người nhận.

2. Hồ sơ dự thi do Hội đồng thi phát hành theo mẫu thống nhất. Người đăng ký dự thi phải nộp hồ sơ cho Hội đồng thi thẩm định viên về giá hoặc đơn vị được Hội đồng thi ủy quyền chậm nhất là 30 ngày trước ngày thi.

3. Lệ phí dự thi tính cho từng môn thi và từng kỳ thi do Chủ tịch Hội đồng thi thông báo cho từng kỳ thi sau khi được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt.

4. Chỉ nhận hồ sơ của người đăng ký dự thi khi có đầy đủ hồ sơ theo quy định trên và nộp đủ lệ phí dự thi.

Điều 4. Số môn thi, nội dung thi

1. Số môn thi của kỳ thi thẩm định viên về giá gồm:

1.1. Các môn chuyên ngành:

1.1.1. Pháp luật áp dụng trong hoạt động định giá và thẩm định giá tài sản;

1.1.2. Nguyên lý hình thành giá cả thị trường;

1.1.3. Những nguyên lý căn bản về thẩm định giá;

1.1.4. Thẩm định giá bất động sản;

1.1.5. Thẩm định giá máy, thiết bị;

1.1.6. Thẩm định giá trị doanh nghiệp.

1.2. Các môn điều kiện:

1.2.1. Tin học (trình độ B);

1.2.2 Ngoại ngữ: trình độ C của 01 trong 05 ngoại ngữ thông dụng: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức.

2. Nội dung từng môn thi quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Quy chế này.

3. Người đăng ký dự thi lấy Thẻ thẩm định viên về giá phải thi lần đầu ít nhất là 4 môn thi chuyên ngành quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 5. Thể thức thi

Tất cả các môn thi chuyên ngành và các môn thi điều kiện, mỗi môn thi: thí sinh phải làm một bài thi viết hoặc trắc nghiệm trong thời gian tối đa 120 phút. Thể thức thi cụ thể cho mỗi kỳ thi do Hội đồng thi thẩm định viên về giá quyết định.

Điều 6. Tổ chức các kỳ thi

1. Mỗi năm tổ chức ít nhất một kỳ thi cấp Thẻ thẩm định viên về giá. Trước ngày thi ít nhất 3 tháng, Hội đồng thi thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về điều kiện, tiêu chuẩn, thời gian, địa điểm và các thông tin cần thiết khác liên quan đến kỳ thi.

2. Trong thời hạn chậm nhất 45 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ thi, Hội đồng thi công bố công khai kết quả thi và thông báo kết quả thi cho người dự thi.

Điều 7. Môn thi đạt yêu cầu, điều kiện đạt yêu cầu thi, bảo lưu, hủy bỏ kết quả thi, miễn thi.

1. Môn thi đạt yêu cầu: là những môn thi có điểm thi đạt từ 5 điểm trở lên chấm theo thang điểm 10. Trường hợp tính theo thang điểm khác, môn thi đạt yêu cầu có điểm thi từ 50% số điểm trở lên. 

2. Điều kiện đạt yêu cầu thi:

2.1. Người dự thi phải thi 8 môn: Phải có điểm thi đạt yêu cầu tất cả 8 môn; trong đó tổng điểm thi 6 môn chuyên ngành quy định tại khoản 1 Điều 4 đạt từ 38 điểm trở lên.

2.2. Người dự thi phải thi 7 môn (được miễn thi tin học hoặc ngoại ngữ) phải có điểm thi đạt yêu cầu tất cả 7 môn; trong đó tổng điểm thi 6 môn chuyên ngành quy định tại khoản 1 Điều 4 đạt từ 38 điểm trở lên.

2.3. Người dự thi phải thi 6 môn (được miễn thi tin học và ngoại ngữ) phải đạt yêu cầu tất cả 6 môn và tổng điểm thi 6 môn chuyên ngành quy định tại khoản 1 Điều 4 đạt từ 38 điểm trở lên.

3. Bảo lưu - hủy bỏ kết quả thi:

Điểm thi của các môn thi đạt yêu cầu được bảo lưu 03 năm tính từ lần thi thứ nhất: Trong thời gian bảo lưu, người dự thi được thi tiếp các môn thi chưa thi hoặc môn thi chưa đạt yêu cầu hoặc được dự thi các môn đã thi, đã đạt yêu cầu nhưng muốn thi để lấy điểm cao  hơn. Mỗi môn thi được thi tối đa 3 lần.

Những người đã dự thi từ trước khi Quy chế này có hiệu lực, được bảo lưu điểm của các môn đã thi theo Quy chế cấp, sử dụng và quản lý Thẻ thẩm định viên về giá ban hành kèm theo Quyết định số 21/2004/QĐ-BTC ngày 24/02/2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính, nhưng tổng số điểm đạt yêu cầu cấp thẻ phải tuân theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Quy chế này.

Sau 03 năm dự thi, tính từ lần thi thứ nhất nếu một trong các môn thi đã thi 3 lần nhưng điểm thi không đạt yêu cầu hoặc thí sinh dự thi đủ 8 môn nhưng không đủ tổng số điểm thi theo quy định để đề nghị cấp thẻ thẩm định viên về giá thì bị hủy bỏ toàn bộ kết quả thi.

4. Thi nâng điểm: Người có điểm thi đã đạt yêu cầu của tất cả các môn thi quy định tại khoản 1 Điều 4 Quy chế này nhưng tổng số điểm thi không đủ số điểm quy định tại khoản 2 Điều này thì được lựa chọn các môn thi chưa thi đủ 3 lần để đăng ký thi nâng điểm. Trường hợp thi nâng điểm thì kết quả thi lấy theo điểm thi lần sau.

Trong thời gian bảo lưu, người dự thi được phép lựa chọn các môn chưa thi đủ 3 lần để đăng ký thi nâng điểm.

5. Miễn thi môn ngoại ngữ và tin học:

5.1. Miễn thi ngoại ngữ cho người dự thi có một trong các điều kiện sau:

5.1.1. Có chứng chỉ kiểm toán viên do Bộ Tài chính cấp.

5.1.2. Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành ngoại ngữ 01 trong 05 thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc.

5.1.3. Có bằng tốt nghiệp đại học, hoặc thạc sĩ, hoặc tiến sĩ học bằng ngoại ngữ quy định tại Mục 5.1.2 điểm 5.1 khoản 5 điều này do tổ chức đào tạo nước ngoài cấp.

5.1.4. Có chứng chỉ IELTS đạt từ 5.0 điểm hoặc TOEFL đạt từ 450 điểm trong thời hạn 2 năm kể từ ngày cấp.

5.1.5. Nam từ 50 tuổi, nữ từ 45 tuổi trở lên. Điều kiện này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2012.

5.2. Miễn thi tin học cho người dự thi có một trong các điều kiện sau:

5.2.1. Có chứng chỉ kiểm toán viên do Bộ Tài chính cấp.

5.2.2. Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành công nghệ thông tin do các tổ chức đào tạo trong nước và nước ngoài cấp.

5.2.3. Nam từ 50 tuổi, nữ từ 45 tuổi trở lên. Điều kiện này có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2012.

Chương II.

HỘI ĐỒNG THI THẨM ĐỊNH VIÊN VỀ GIÁ

Điều 8. Hội đồng thi Thẩm định viên về giá (gọi tắt là Hội đồng thi)

1. Hội đồng thi do Bộ trưởng Bộ Tài chính thành lập cho từng kỳ thi theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý giá và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.

2. Hội đồng thi chịu trách nhiệm tổ chức các kỳ thi thẩm định viên về giá theo Quyết định số 2648/QĐ-BTC ngày 6/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành một số quy định cụ thể cho các kỳ thi tuyển dụng, nâng ngạch công chức, viên chức, thi cấp chứng chỉ của Bộ Tài chính. Trong từng kỳ thi Chủ tịch Hội đồng phải thành lập Ban Đề thi, Ban Coi thi, Ban Chấm thi, Ban Phúc khảo (nếu cần).

3. Văn phòng của Hội đồng thi đặt tại Cục Quản lý giá.

Hội đồng thi được phép sử dụng con dấu của Cục Quản lý giá hoặc con dấu của Bộ Tài chính trong thời gian hoạt động của Hội đồng.

4. Hội đồng thi, các thành viên Hội đồng thi và người ký hợp đồng ra đề thi không được tổ chức, tham gia phụ đạo, hướng dẫn ôn thi sau khi Hội đồng thi đã thông báo kế hoạch, nội dung, chương trình của kỳ thi.

Điều 9. Tổ chức của Hội đồng thi

1. Thành phần Hội đồng thi tối đa không quá 7 người bao gồm:

1.1. Chủ tịch Hội đồng thi là Thứ trưởng Bộ Tài chính hoặc Cục trưởng Cục Quản lý giá (nếu được uỷ quyền); 2 Phó Chủ tịch là lãnh đạo Cục Quản lý giá, lãnh đạo Vụ Tổ chức cán bộ; các Ủy viên là lãnh đạo Vụ Pháp chế và cán bộ khoa học, chuyên gia của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và Hội Thẩm định giá Việt Nam; 01 ủy viên thư ký Hội đồng thi là lãnh đạo phòng thuộc Cục Quản lý giá.

1.2. Những người có bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh chị em ruột của mình hoặc bên vợ (hoặc chồng) tham gia dự thi kỳ thi nào thì không được tham gia vào Hội đồng thi và các bộ phận liên quan đến kỳ thi đó.

2. Giúp việc cho Hội đồng thi có Tổ Thường trực do Cục trưởng Cục Quản lý giá và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ đề nghị Chủ tịch Hội đồng thi quyết định thành lập. Tổ thường trực hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm và tối đa không quá 4 người.

Chức năng, nhiệm vụ của Tổ Thường trực do Chủ tịch Hội đồng thi quy định.

Điều 10. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thi

1. Xây dựng đề thi, đáp án cho kỳ thi.

2. Thông báo công khai kế hoạch thi trên phương tiện thông tin đại chúng.

3. Tổ chức tiếp nhận hồ sơ, xét duyệt danh sách thí sinh dự thi.

4. Tổ chức kỳ thi thẩm định viên về giá và tổ chức thi sát hạch đối với người có chứng chỉ hành nghề thẩm định giá do tổ chức nước ngoài có thẩm quyền cấp được Bộ Tài chính thừa nhận.

5. Thông qua nội quy phòng thi.

6. Xét duyệt kết quả thi.

7. Tổ chức phúc khảo kết quả thi nếu thí sinh có yêu cầu.

8. Báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt kết quả kỳ thi, công bố kết quả thi và thông báo điểm cho từng thí sinh dự thi.

9. Tổng hợp danh sách các thí sinh đạt yêu cầu thi theo từng kỳ thi thứ nhất, thứ hai, thứ ba và trình Bộ trưởng Bộ Tài chính cấp Thẻ Thẩm định viên về giá.

Điều 11. Chế độ làm việc của Hội đồng thi

1. Hội đồng thi làm việc theo chế độ tập thể. Các quyết định của Hội đồng thi phải có ý kiến tập thể, theo nguyên tắc biểu quyết với tối thiểu 2/3 ý kiến đồng ý của các thành viên Hội đồng thi.

2. Hội đồng thi tổ chức 01 cuộc họp trước kỳ thi và 01 cuộc họp sau kỳ thi do Chủ tịch Hội đồng thi quyết định triệu tập. Khi cần thiết, Chủ tịch Hội đồng thi quyết định triệu tập cuộc họp bất thường.

3. Hội đồng thi được sử dụng thời gian làm việc hành chính để tổ chức các cuộc họp và hoạt động thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thi. Các thành viên Hội đồng thi được hưởng thù lao trích từ lệ phí thi theo mức do Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt.

4. Chương trình và nội dung các cuộc họp Hội đồng thi phải được thông báo trước bằng văn bản cho các thành viên ít nhất 1 tuần (5 ngày làm việc).

Điều 12. Nhiệm vụ, quyền hạn của thành viên Hội đồng thi

1. Chủ tịch Hội đồng thi:

1.1. Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thi quy định tại Điều 10 Quy chế này. Tổ chức các kỳ thi nghiêm túc, an toàn.

1.2. Phân công trách nhiệm cho các phó Chủ tịch và từng thành viên Hội đồng thi.

1.3. Tổ chức việc ra đề thi và đáp án có niêm phong riêng, lựa chọn đề thi, đáp án theo nội dung, chương trình đã quy định, đảm bảo bí mật tuyệt đối đề thi, đáp án trước khi thi; nếu thấy cần thiết thì có thể mời Tổ (hoặc chuyên gia) phản biện đề thi.

1.4 Quyết định thành lập Ban đề thi, Ban coi thi, Ban chấm thi và Ban phúc khảo (nếu cần thiết).

1.5. Trực tiếp hoặc giao cho Phó Chủ tịch tiếp nhận và bảo quản đề thi, đáp án có niêm phong riêng; ký hợp đồng với người được lựa chọn ra đề thi và đáp án từng môn thi.

1.6. Tổ chức và quyết định việc lựa chọn đề thi và đáp án. Thực hiện đúng quy trình kiểm tra, giám sát, bảo mật cho quá trình mở đề thi gốc, nhân bản, đóng gói, niêm phong đề thi (có biên bản của từng công đoạn).

1.7. Tổ chức giao nhận đề thi giữa Hội đồng thi với trưởng Ban coi thi và lập biên bản giao nhận các túi đề thi còn niêm phong.

1.8. Báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính kết quả kỳ thi.

1.9. Cấp giấy chứng nhận điểm thi cho người dự thi sau khi kết quả thi đã được Bộ trưởng phê duyệt.

1.10. Ủy quyền cho Phó Chủ tịch Hội đồng thi điều hành công việc của Hội đồng thi trong trường hợp vắng mặt.

2. Phó Chủ tịch  và  các uỷ viên Hội đồng thi:

2.1. Phó Chủ tịch Hội đồng thi: điều hành công việc thường xuyên của Hội đồng thi theo ủy quyền của Chủ tịch Hội đồng thi.

2.2.  Phó Chủ tịch  và  các uỷ viên Hội đồng thi: thực hiện các công việc theo phân công của Chủ tịch Hội đồng thi.

3. Uỷ viên thư ký Hội đồng thi:

3.1. Tổ chức việc tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi của người dự thi, lập danh sách thí sinh trình Hội đồng thi xét duyệt danh sách dự thi.

3.2. Chuẩn bị các văn bản cần thiết liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thi và ghi biên bản các cuộc họp của Hội đồng thi.

3.3. Thu nhận biên bản vi phạm kỷ luật đối với người dự thi có vi phạm nội quy thi và trình Hội đồng thi xem xét.

3.4. Thực hiện các công việc khác do Chủ tịch Hội đồng thi phân công.

Điều 13. Ban đề thi, Ban coi thi, Ban chấm thi, Ban phúc khảo; Quy trình làm đề thi, coi thi, chấm thi, bảo quản, lưu trữ đề thi, bài thi; xử lý vi phạm nội quy thi, giải quyết khiếu nại, quy định về sử dụng máy vi tính, khen thưởng và xử lý vi phạm quy chế thi, thực hiện theo quy định tại Quyết định số 2684/QĐ-BTC ngày 6/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành một số quy định cụ thể cho các kỳ thi tuyển dụng, nâng ngạch công chức, viên chức, thi cấp chứng chỉ của Bộ Tài chính.

Điều 14. Xét duyệt kết quả thi

Hội đồng thi căn cứ vào kết quả chấm thi của từng môn thi để xét duyệt kết quả thi và thông qua danh sách điểm thi của từng môn thi của người dự thi. Kết quả thi do Chủ tịch Hội đồng thi công bố sau khi báo cáo và được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt.

Điều 15. Phúc khảo bài thi

1. Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi công bố kết quả thi, người dự thi có quyền gửi đơn xin phúc khảo đến Chủ tịch Hội đồng thi, Hội đồng thi có trách nhiệm tổ chức phúc khảo bài thi và trả lời cho người có đơn xin phúc khảo biết. Trường hợp chấm phúc khảo kết quả điểm thi lấy theo điểm phúc khảo.

2. Người có đơn xin phúc khảo phải nộp lệ phí phúc khảo theo thông báo của Hội đồng thi.

Chương III.

TỔ CHỨC THI SÁT HẠCH ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ THẨM ĐỊNH GIÁ DO TỔ CHỨC NƯỚC NGOÀI CÓ THẨM QUYỀN CẤP

Điều 16. Nội dung thi sát hạch

Nội dung thi sát hạch: Môn thi Pháp luật áp dụng trong hoạt động định giá và thẩm định giá tài sản.

Ngôn ngữ trong kỳ thi sát hạch được sử dụng bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh.

Nội dung cụ thể quy định tại điểm 3, Mục II Phụ lục 01 kèm theo Quy chế này.

Điều 17. Hồ sơ dự thi sát hạch

Hồ sơ dự thi sát hạch gồm:

1. Phiếu đăng ký dự thi.

2. Bản sao và bản dịch ra tiếng Việt có công chứng của cơ quan công chứng Việt Nam: Bằng tốt nghiệp đại học; Chứng chỉ hành nghề thẩm định giá. Các giấy tờ quy định tại điểm 2.1, điểm 2.2 khoản 2 Điều 2 Quy chế này.

3. 03 ảnh màu cỡ 3 x 4 chụp trong thời gian không quá 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ, 02 phong bì có dán tem và ghi rõ họ, tên, địa chỉ người nhận.

4. Bản sao Hộ chiếu do nước sở tại cấp có xác nhận của tổ chức quản lý lao động (đối với người nước ngoài)

5. Hồ sơ dự thi do Hội đồng thi phát hành theo mẫu thống nhất, người đăng ký dự thi sát hạch phải nộp hồ sơ cho Hội đồng thi hoặc đơn vị được Hội đồng thi ủy quyền chậm nhất là 30 ngày trước ngày thi.

Điều 18. Đạt kết quả thi

Người dự thi sát hạch phải đạt kết quả từ 7 điểm trở lên theo thang điểm 10 hoặc đạt từ 70% số điểm trở lên nếu tính theo thang điểm khác thì được Bộ trưởng Bộ Tài chính cấp Thẻ thẩm định viên về giá.

Chương IV.

CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐẠT KẾT QUẢ  KỲ THI  VÀ XÉT CẤP THẺ THẨM ĐỊNH VIÊN VỀ GIÁ

Điều 19. Cấp giấy chứng nhận đạt kết quả kỳ thi thẩm định viên về giá

Căn cứ vào kết quả thi do Hội đồng thi báo cáo và được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt, Chủ tịch Hội đồng thi cấp Giấy chứng nhận điểm thi cho từng thí sinh (phụ lục số 02). Giấy chứng nhận điểm thi là cơ sở để lập hồ sơ xin dự thi các chuyên đề chưa thi, thi lại, các chuyên đề chưa đạt yêu cầu hoặc dự thi để nâng điểm (đối với thí sinh chưa thi đủ hoặc chưa đạt yêu cầu đủ các môn thi); là căn cứ để Hội đồng thi trình Bộ trưởng Bộ Tài chính cấp thẻ thẩm định viên về giá.

Điều 20. Thẻ thẩm định viên về giá.

1. Thẻ thẩm định viên về giá (Phụ lục số 03) do Bộ trưởng Bộ Tài chính cấp có giá trị pháp lý để đăng ký hành nghề thẩm định giá theo quy định của pháp luật về thẩm định giá.

2. Thẻ thẩm định viên về giá được trao trực tiếp cho người được cấp thẻ hoặc người được ủy quyền hợp pháp của người được cấp theo quy định của pháp luật.

3. Người được cấp Thẻ thẩm định viên về giá nhưng bị mất, bị rách thì được cấp lại Thẻ thẩm định viên về giá.

4. Người được đổi Thẻ, cấp lại Thẻ thẩm định viên về giá phải nộp một khoản phí theo quy định của Bộ Tài chính.

5. Thẻ thẩm định viên về giá có giá trị không thời hạn. Những thẻ đã cấp trước ngày Quy chế này có hiệu lực (có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp) sẽ được Bộ trưởng Bộ Tài chính đổi lại theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý giá và theo đúng quy định tại Quy chế này. Thời hạn đổi thẻ được hoàn thành trong năm 2008.

Chương V.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 21. Nhiệm vụ quyền hạn của Cục trưởng Cục Quản lý giá.

1. Tổ chức triển khai thực hiện quy chế này.

2. Lập và báo cáo Bộ trưởng Bộ Tài chính kế hoạch tổ chức thi hàng năm.           

3. Chủ trì phối hợp với Hội nghề nghiệp và các trường Đại học, Cao đẳng xây dựng nội dung, chương trình tài liệu học, ôn thi cấp Thẻ thẩm định viên về giá.

4. Thực hiện việc trao Thẻ Thẩm định viên về giá cho các cá nhân đạt yêu cầu thi theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

5. Quản lý danh sách thẩm định viên về giá.

6. Tổ chức bảo quản, lưu trữ an toàn hồ sơ, tài liệu liên quan đến các kỳ thi theo quy định hiện hành.

7. Thực hiện các chức năng quản lý nhà nước liên quan đến kỳ thi thẩm định viên về giá./.

 

PHỤ LỤC SỐ 01

NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA CÁC MÔN THI ĐỂ CẤP THẺ THẨM ĐỊNH VIÊN VỀ GIÁ

(Ban hành kèm theo Quyết định số 55 /2008/QĐ-BTC ngày 15 tháng 7 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

I. CÁC MÔN THI BAO GỒM:

Các môn chuyên ngành:

1. Pháp luật áp dụng trong hoạt động định giá và thẩm định giá tài sản;

2. Nguyên lý hình thành giá cả thị trường;

3. Nguyên lý căn bản về thẩm định giá;

4. Thẩm định giá bất động sản;

5. Thẩm định giá máy, thiết bị;

6. Thẩm định giá trị doanh nghiệp;

Các môn điều kiện:

7. Tin học (trình độ B);

8. Ngoại ngữ: trình độ C của 01 trong 05 ngoại ngữ thông dụng: Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức.

II. NỘI DUNG CỤ THỂ CỦA TỪNG MÔN THI:

1. Pháp luật áp dụng trong hoạt động định giá và thẩm định giá tài sản

1.1. Pháp luật về tài sản và các quyền về tài sản;

1.2. Những nội dung cơ bản của pháp luật về định giá và thẩm định giá tài sản;

1.3. Địa vị pháp lý của Thẩm định viên về giá;

1.4. Pháp luật về doanh nghiệp;

1.5. Pháp luật hợp đồng;

1.6. Pháp luật thuế;

1.7. Pháp luật về giải quyết tranh chấp;

1.8. Pháp luật về phá sản.

2. Nguyên lý hình thành giá cả thị trường

2.1. Phạm trù giá cả trong nền kinh tế thị trường;

2.2. Bản chất kinh tế của phạm trù giá cả (theo học thuyết của K.Marx);

2.3. Cơ chế vận động của giá cả thị trường:

- Cơ chế vận động của giá cả thị trường

- Xu hướng vận động của giá cả thị trường và các nhân tố tác động đến sự hình thành và vận động của giá sản phẩm của doanh nghiệp .

2.4. Phân loại chi phí và xác  định chi phí:

- Phân loại chi phí

- Cơ cấu giá bán

- Phân tích mối quan hệ giữa giá thành, sản lượng và mức giá dự kiến.

2.5. Các hình thái thị trường và phương pháp xác định giá.

2.6. Cơ chế quản lý giá theo quy định hiện hành.   

3. Nguyên lý căn bản về thẩm định giá;

3.1. Khái niệm về thẩm định giá;

3.2. Cơ sở giá trị của thẩm định giá;

3.3. Các nguyên tắc thẩm định giá;

3.4. Các cách tiếp cận và phương pháp cơ bản sử dụng trong thẩm định giá;

3.5. Toán ứng dụng trong thẩm định giá;

3.6. Quy trình thẩm định giá;

3.7. Báo cáo, chứng thư thẩm định giá;

3.8. Hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam.

4. Thẩm định giá bất động sản

4.1. Vai trò, mục đích và ý nghĩa của thẩm định giá bất động sản;

4.2. Bất động sản;

4.3. Thị trường bất động sản;

4.4. Thẩm định giá bất động sản:

- Khái niệm.

- Cơ sở giá trị của thẩm định giá bất động sản.

- Các yếu tố tác động đến giá  bất động sản.

4.5. Các nguyên tắc thẩm định giá bất động sản;

4.6. Quy trình thẩm định giá bất động sản;

4.7. Các phương pháp thẩm định giá bất động sản theo quy định của hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam;

4.8. Bài tập cụ thể cho từng phương pháp thẩm định giá.

5. Thẩm định giá máy, thiết bị

5.1. Vai trò, mục đích và ý nghĩa của thẩm định giá máy, thiết bị;

5.2. Khái niệm, bản chất, phân loại máy, thiết bị;

5.3. Thị trường máy, thiết bị;

5.4. Cơ sở giá trị của thẩm định giá máy-thiết bị;

5.5. Các yếu tố tác động đến giá máy, thiết bị;

5.6. Quy trình thẩm định giá máy, thiết bị;

5.7. Các phương pháp thẩm định giá máy, thiết bị theo quy định của hệ thống tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam;

5.8. Bài tập cụ thể cho từng phương pháp thẩm định giá.

6. Thẩm định giá trị doanh nghiệp

6.1.  Khái niệm, vai trò, mục đích và ý nghĩa của thẩm định giá trị doanh nghiệp;

6.2. Thẩm định giá trị doanh nghiệp theo Tiêu chuẩn quốc tế và Việt Nam.

- Những khái niệm cơ bản.

- Cơ sở thẩm định giá.

- Quy trình thẩm định giá.

6.3. Các yếu tố tác động đến giá trị doanh nghiệp.

- Môi trường vĩ mô của doanh nghiệp.

- Môi trường ngành.

- Địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp.

6.4. Các yếu tố về sản phẩm, thị trường và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp

- Các yếu tố về sản phẩm, thị trường và chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.

- Đánh giá sản phẩm của doanh nghiệp

- Đánh giá thị trường của doanh nghiệp.

- Đánh giá chiến lược của doanh nghiệp.

6.5. Các yếu tố về quản trị kinh doanh của doanh nghiệp

- Đánh giá các loại hình doanh nghiệp.

- Đánh giá công nghệ, thiết bị của doanh nghiệp.

- Đánh giá nguồn nguyên liệu của công nghệ môi trường.

- Đánh giá nguồn nhân lực.

6.6. Phân tích tình hình tài chính doanh nghiệp:

- Khái niệm, phân tích tài chính doanh nghiệp.

- Tài liệu sử dụng cho việc phân tích.

6.7. Các phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp.

6.8. Phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước để cổ phần hóa theo quy định hiện hành:

- Phương pháp tài sản.

- Phương pháp dòng tiền chiết khấu.

- Phương pháp khác.

6.9. Bài tập ứng dụng cụ thể cho từng phương pháp.

7. Tin học:

- Hệ điều hành WINDOWS và các ứng dụng cơ bản.

- Hệ WINWORD:

+ Các lệnh làm việc, làm việc theo khối.

+ Tạo bảng biểu, đặt trang in.

- Hệ EXCEL và các ứng dụng cơ bản.

- Microsoft Power Point.

- Máy tính, mạng máy tính, internet, trang điện tử.

8. Ngoại ngữ

- Yêu cầu trình độ C trở lên.

- Kỹ năng đọc, viết.

 

PHỤ LỤC SỐ 02

GIẤY CHỨNG NHẬN ĐIỂM THI

(Ban hành kèm theo Quyết định số 55/2008/QĐ-BTC ngày 15 tháng 7 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

BỘ TÀI CHÍNH
--------

HỘI ĐỒNG THI THẨM ĐỊNH VIÊN VỀ GIÁ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

 

Số          /TC-HĐT

Hà Nội, ngày         tháng    năm 200...

 

GIẤY CHỨNG NHẬN ĐIỂM THI

HỘI ĐỒNG THI THẨM ĐỊNH VIÊN VỀ GIÁ

CHỨNG NHẬN

Ông (Bà)................................................................................................

Năm sinh...............................................................................................

Đơn vị công tác.....................................................................................

Đã tham dự kỳ thi thẩm định viên về giá lần thứ.........năm 200.... tổ chức ngày.....tháng........năm 200... đến ngày......tháng....năm 200... tổ chức tại.............

Điểm thi các môn như sau:

SỐ TT

MÔN THI

ĐIỂM THI

Bằng số

Bằng chữ

1

Pháp luật áp dụng trong hoạt động định giá và thẩm định giá tài sản;

 

 

2

Nguyên lý hình thành giá cả thị trường;

 

 

3

Những nguyên lý căn bản về thẩm định giá;

 

 

4

Thẩm định giá bất động sản;

 

 

5

Thẩm định giá máy, thiết bị;

 

 

6

Thẩm định giá trị doanh nghiệp;

 

 

7

Tin học (trình độ B);

 

 

8

Ngoại ngữ trình độ C (Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức).

 

 

 

Đạt tổng số điểm

 

 

 

 

Nơi nhận:
- Thí sinh;
- Lưu: Hội đồng thi.

CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG THI

 

 

PHỤ LỤC SỐ 03

MẪU THẺ THẨM ĐỊNH VIÊN VỀ GIÁ

(Ban hành kèm theo Quyết định số 55/2008/QĐ-BTC ngày 15 tháng 7 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

Mẫu thẻ thẩm định viên về giá được quy định như sau:

1. Kích thước: 7,0cm  x 10 cm

2. Đặc điểm chính: thẻ có hai mặt được ghi bằng tiếng Việt, tiếng Anh.

a. Mặt trước:

+ Tên tiêu đề của nước Việt Nam (chữ đen )

+ Tên cơ quan cấp thẻ (chữ đen)

+ Thẻ thẩm định về giá (chữ đỏ)

+ Số thẻ (chữ đen )

+ Họ, tên,  năm sinh, quê quán (chữ đen)

+ Hà Nội, ngày, tháng, năm (chữ đen )

+ Bộ trưởng Bộ Tài chính (chữ đen )

+ Chữ ký của người có thẩm quyền thuộc Bộ Tài chính và dấu của cơ  quan cấp thẻ.

+ Hạn sử dụng.

+ Bên trái là ảnh màu 3 x 4 cm của thẩm định viên có đóng dấu giáp lai của cơ quan cấp thẻ.

b. Mặt sau:

+ Ghi nội dung quy định về sử dụng thẻ theo quy định tại quyết định này (chữ màu đen).

c. Màu sắc:

+ Mặt trước thẻ màu hồng, nền có Quốc huy, chữ chìm TĐGVN

+ Mặt sau thẻ màu hồng, nền có Quốc huy chìm.

Mặt trước:


BỘ TÀI CHÍNH
MINISTRY OF FINANCE


CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
_____________

 

 

 

 

 

Ảnh 3x4


THẺ THẨM ĐỊNH VIÊN VỀ GIÁ

(VALUER CERTIFICATE)

Số/Number:.....................................

Họ, tên/ Full Name:

Năm sinh/Date of  Birth:

 

 

Quê quán/Home Town:

Hà Nội, ngày       tháng      năm 200...

 

BỘ TRƯỞNG
MINISTER

 

 

Mặt sau:

Quy định sử dụng thẻ

 Người có Thẻ thẩm định viên về giá:

- Được sử dụng Thẻ để hành nghề thẩm định giá theo quy định của pháp luật.

- Phải giữ gìn cẩn thận; không làm mất, hư hỏng, sửa chữa, tẩy xóa.

- Không được cho thuê, cho mượn hoặc cho các tổ chức, cá nhân khác sử dụng tên và Thẻ thẩm định viên về giá của mình để thực hiện các hoạt động thẩm định giá.

- Không được sử dụng Thẻ thẩm định viên về giá vào các mục đích khác mà Pháp luật không quy định.

REGULATIONS OF USE

Rights and obligations of the grantee:

- To practise business in a valuation firm or to establish such a firm under the law.

-  To keep this Certificate carefully, which should not be subject to loss, damage, modification or erasure.

- Lending of this Certificate or letting Grantee’s name for valuation practice is strictly prohibited.

- Use of this Certificate in other practices other than those promulgated by laws.

 

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 55/2008/QĐ-BTC ngày 15/07/2008 về Quy chế thi, cấp, sử dụng và quản lý Thẻ thẩm định viên về giá do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


8.095

DMCA.com Protection Status
IP: 3.133.124.23
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!