ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 54/2024/QĐ-UBND
|
Vĩnh Long, ngày
26 tháng 12 năm 2024
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ
QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG KINH PHÍ CHI THƯỜNG XUYÊN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI
CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG, THÂN NHÂN NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VÀ NGƯỜI TRỰC TIẾP
THAM GIA KHÁNG CHIẾN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Thông tư số 44/2022/TT-BTC ngày
21 tháng 7 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh
phí chi thường xuyên thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách
mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia
kháng chiến do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội tại Tờ trình số 262/TTr-SLĐTBXH ngày 19 tháng 12 năm 2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý và sử dụng kinh phí chi thường
xuyên thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân người
có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến trên địa bàn tỉnh
Vĩnh Long.
Điều 2. Hiệu Lực và trách
nhiệm thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 06
tháng 01 năm 2025. Quyết định số 3020/QĐ-UBND ngày 05 tháng 12 năm 2019 của Chủ
tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy chế phân cấp, quản lý và sử dụng
kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng và người trực
tiếp tham gia kháng chiến trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long hết hiệu lực kể từ ngày
Quyết định này có hiệu lực.
2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám
đốc các sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính; Giám đốc Kho bạc Nhà
nước Vĩnh Long; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ
trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VB QPPL);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các Phó CT UBND tỉnh;
- UBMTTQ VN tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Các Phòng: TH, VH-XH; TT. TH-CB;
- Lưu: VT, 85.TH.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đặng Văn Chính
|
QUY CHẾ
QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG
KINH PHÍ CHI THƯỜNG XUYÊN THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH
MẠNG, THÂN NHÂN NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG VÀ NGƯỜI TRỰC TIẾP THAM GIA KHÁNG
CHIẾN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
(Kèm theo Quyết định số 54/2024/QĐ-UBND ngày 26 tháng 12 năm 2024 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định về quản lý và sử dụng kinh phí chi thường
xuyên thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân người
có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến, tham gia chiến tranh
bảo vệ tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-pu-chi-a, giúp bạn Lào, người được
cử làm chuyên gia sang giúp bạn Lào và Căm-pu-chi-a (sau đây gọi chung là người
trực tiếp tham gia kháng chiến) do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản
lý trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long từ nguồn ngân sách Trung ương đảm bảo, bố trí
trong dự toán chi ngân sách nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ủy
quyền cho sở Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện nhiệm vụ chi.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Ủy ban nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện);
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung
là Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện); Ủy ban nhân dân các xã,
phường, thị trấn (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã); Trung tâm Điều dưỡng
người có công, tổ chức thực hiện dịch vụ chi trả trợ cấp.
2. Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến quản
lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên thực hiện chính sách ưu đãi người có công
với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và người trực tiếp
tham gia kháng chiến do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý trên địa
bàn tỉnh Vĩnh Long.
Điều 3. Nguyên tắc
thực hiện quản lý và sử dụng kinh phí
1. Tạo sự chủ động, linh hoạt trong thực hiện nhiệm
vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; đảm bảo nguyên tắc chi trả chế độ chính
sách phải kịp thời, đầy đủ, đúng nội dung, đúng chế độ, đúng đối tượng, tiêu chuẩn
định mức quy định. Đối với các khoản trợ cấp thường xuyên hàng tháng phải hoàn
thành chi trả đến tay đối tượng trước ngày 05 hàng tháng.
2. Việc quản lý, sử dụng, hạch toán kế toán và
quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà
nước, pháp luật về kế toán, các quy định cụ thể tại Thông tư so 44/2022/TT-BTC ngày
21/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định quản lý và sử dụng kinh phí chi thường
xuyên thực hiện chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân
người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành
Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý (sau đây gọi chung là Thông tư số 44/2022/TT-BTC)
và Quy chế này.
3. Đảm bảo sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ của các
cấp, các ngành chức năng trong việc thực hiện quy định của pháp luật về quản
lý, sử dụng ngân sách nhà nước và các quy định nêu tại Quy chế này.
4. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao
nhiệm vụ quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với
cách mạng phải sử dụng đúng mục đích theo quy định, không được cho vay, mượn,
không được thu trái quy định bất cứ khoản thu nào của người có công với cách
mạng khi thực hiện chi trả chế độ ưu đãi đối với người có công.
Chương II
QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM
Điều 4. Sở Lao
động-Thương binh và Xã hội
1. Kiểm tra, xét duyệt hồ sơ, lập danh sách những
đối tượng đủ điều kiện hưởng trợ cấp, ban hành quyết định và trình cấp có thẩm
quyền quyết định hưởng chính sách theo đúng quy định.
2. Kiểm tra, giám sát thực hiện đúng các quy định
của Nhà nước trong công tác thực hiện chính sách người có công.
3. Lập dự toán
a) Dự toán kinh phí thực hiện chính sách, chế độ ưu
đãi người có công với cách mạng, thân nhân của người có công với cách mạng và
người trực tiếp tham gia kháng chiến được lập chi tiết theo từng loại trợ cấp
hằng tháng, trợ cấp một lần, chi thực hiện các chế độ, chính sách, chi phí quản
lý theo quy định tại Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của
Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có
công với cách mạng; Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 của
Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày
24 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các
chế độ ưu đãi người có công với cách mạng; Nghị định số 77/2024/NĐ-CP ngày
01/7/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày
24 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các
chế độ ưu đãi người có công với cách mạng đã được sửa đổi, bổ sung một số điều
theo Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 2023 của Chính
phủ.
b) Lập dự toán phần chi tại sở Lao động - Thương
binh và Xã hội; thực hiện xem xét dự toán của Phòng Lao động - Thương binh và
Xã hội các huyện, thị xã, thành phố; Trung tâm Điều dưỡng người có công tổng
hợp dự toán của toàn tỉnh gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 05
tháng 7 hằng năm.
4. Phân bổ, giao dự toán
a) Căn cứ dự toán được Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội phân bổ và giao dự toán, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phân bổ,
giao dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách (Phòng Lao động - Thương binh và
Xã hội cấp huyện; Trung tâm Điều dưỡng người có công và kinh phí chi tại Văn
phòng s ở Lao động - Thương binh và Xã hội) trước ngày 31 tháng 12 năm trước;
gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để theo dõi, Kho bạc Nhà nước nơi giao
dịch để thực hiện.
b) Trường hợp được giao bổ sung dự toán, chậm nhất
10 ngày làm việc, kể từ ngày được giao dự toán bổ sung, sở Lao động - Thương
binh và Xã hội phải hoàn thành việc phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị theo
quy định.
5. Điều chỉnh dự toán
a) Giám đốc sở Lao động - Thương binh và Xã hội
quyết định việc điều chỉnh dự toán kinh phí giữa các đơn vị sử dụng ngân sách
trong phạm vi dự toán đã được Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
giao. Thời gian điều chỉnh dự toán hoàn thành trước ngày 15 tháng 11 năm hiện
hành.
b) Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét sự
cần thiết, căn cứ điều chỉnh, kiểm tra số dư dự toán của các đơn vị sử dụng
ngân sách có liên quan để quyết định điều chỉnh dự toán. Quyết định điều chỉnh
dự toán được gửi đến đơn vị sử dụng ngân sách, đồng thời gửi Kho bạc Nhà nước
nơi giao dịch làm căn cứ thực hiện điều chỉnh dự toán trên Hệ thống thông tin
quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS).
6. Hạch toán, quyết toán kinh phí
a) Kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có
công với cách mạng được thực hiện theo Mục lục ngân sách nhà nước hiện hành,
hạch toán và quyết toán vào (mã số 01) cấp Ngân sách trung ương; Chương (mã số
024) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; (loại 370) sự nghiệp đảm bảo xã hội;
(khoản 371) chính sách và hoạt động phục vụ người có công với cách mạng. Đ i
với chi mua bảo hiểm y tế hạch toán vào (loại 130) sự nghiệp y tế; (khoản 133)
hỗ trợ kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng chính sách.
b) Việc xét duyệt, thẩm định và thông báo quyết
toán năm thực hiện theo quy định tại Thông tư số 137/2017/TT-BTC ngày
25/12/2017 của, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định xét duyệt, thẩm định, thông báo
và tổng hợp quyết toán năm. Cụ thể quy trình và trình tự thời gian gửi báo cáo quyết
toán năm như sau:
- Cơ quan được giao quản lý và sử dụng kinh phí
người có công với cách mạng và Trung tâm Điều dưỡng người có công lập báo cáo
quyết toán theo quy định gửi sở Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 30
tháng 4 hằng năm;
- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xét duyệt và
thông báo kết quả xét duyệt quyết toán cho các cơ quan quản lý và sử dụng kinh
phí người có công với cách mạng, Trung tâm Điều dưỡng người có công và phần
kinh phí chi tại sở; tổng hợp báo cáo quyết toán kinh phí thực hiện chính sách
ưu đãi người có công với cách mạng của tỉnh (kèm theo thông báo xét duyệt quyết
toán cho các đơn vị trực thuộc, các mẫu biểu báo cáo quyết toán theo quy định
và giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước (nếu có) gửi Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội trước ngày 05 tháng 7 hằng năm.
7. Xử lý kinh phí cuối năm
a) Việc xử lý số dư kinh phí chi thực hiện chính
sách ưu đãi người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến
do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý cuối năm thực hiện theo quy
định tại Điều 43 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước.
b) Thời hạn chi, tạm ứng và hạch toán các khoản chi
ngân sách thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 26 Thông tư số số 342/2016/TT-BTC ngày
30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ
quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước.
Điều 5. Sở Tài chính
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực
hiện các khoản chi cho công tác quản lý người có công với cách mạng do ngân
sách địa phương đảm bảo đúng theo quy định.
Điều 6. Kho bạc Nhà
nước tỉnh và cấp huyện
1. Thanh toán kịp thời kinh phí thực hiện chính
sách ưu đãi người có công với cách mạng cho cơ quan Lao động - Thương binh và
Xã hội trên cơ sở đề nghị của cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội và dự
toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Việc kiểm soát chi, tạm ứng, thanh toán kinh phí
thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng thực hiện theo quy định
tại Điều 11 Thông tư số 44/2022/TT-BTC .
3. Căn cứ quyết định giao dự toán, điều chỉnh dự
toán của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch
thực hiện nhập và điều chỉnh dự toán đầy đủ, kịp thời trên Hệ thống thông tin
quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS).
4. Tổ chức công tác kiểm soát, thanh toán theo quy
trình nghiệp vụ, thanh toán kịp thời, đầy đủ, thuận tiện cho đơn vị sử dụng
ngân sách, đảm bảo đơn giản thủ tục hành chính và quản lý chặt chẽ vốn ngân
sách nhà nước.
5. Đối với các khoản lĩnh trùng, cấp trùng, chi sai
chế độ: Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch thực hiện xử lý theo quyết định của cơ
quan có thẩm quyền thu hồi, nộp ngân sách nhà nước theo quy định.
Điều 7. Ủy ban nhân
dân cấp huyện
1. Chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội
cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện công tác quản lý đối tượng, quản
lý và sử dụng kinh phí chi trả trợ cấp ưu đãi người có công, xây dựng dự toán
kinh phí hằng năm, triển khai thực hiện quyết định giao dự toán ngân sách nhà
nước của cấp có thẩm quyền, báo cáo quyết toán đúng thời gian quy định. Đôn
đốc, thực hiện thu hồi các khoản trùng lĩnh, trùng cấp, chi sai chế độ (nếu
có), thực hiện nộp ngân sách nhà nước theo quy định.
2. Chỉ đạo các Phòng chuyên môn thuộc cấp huyện phê
duyệt theo quy định của pháp luật về mua sắm tài sản, trang thiết bị và đầu tư,
xây dựng các công trình ghi công liệt sĩ có sử dụng kinh phí từ nguồn kinh phí
thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng được sở Lao động -
Thương binh và Xã hội giao.
3. Thường xuyên chỉ đạo thực hiện kiểm tra công tác
quản lý đối tượng, chi trả trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công và việc quản
lý sử dụng kinh phí thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công tại Phòng Lao động
- Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân cấp xã trên địa bàn quản lý. Kịp
thời xử lý các trường hợp sai phạm về thực hiện chế độ, chính sách và quản lý,
sử dụng kinh phí thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công theo quy định của
pháp luật.
Điều 8. Phòng Lao động
- Thương binh và Xã hội cấp huyện
1. Quản lý đối tượng, trực tiếp quản lý, sử dụng
kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân
người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến trên địa
bàn đúng quy định của pháp luật; Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội
cấp huyện hoặc người được ủy quyền làm chủ tài khoản và có bộ phận kế toán của
phòng giúp việc, mở tài khoản dự toán tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch theo
đúng quy định để tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn kinh phí. Mở đầy đủ sổ
sách theo dõi đối tượng, kinh phí chi trả, quản lý lưu trữ chứng từ, hồ sơ sổ
sách và thực hiện thanh quyết toán theo quy định chế độ kế toán hiện hành.
Thường xuyên rà soát việc tăng, giảm đối tượng thụ hưởng. Báo cáo, đề xuất cơ
quan có thẩm quyền xử lý theo quy định đối với các trường hợp chi sai đối tượng
hoặc chưa được hưởng chế độ ưu đãi. Thực hiện việc cấp, quản lý sổ lĩnh tiền
trợ cấp hằng tháng của đối tượng đúng quy định.
2. Lập dự toán kinh phí thực hiện chính sách, chế
độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng và
người trực tiếp tham gia kháng chiến của năm kế hoạch gửi sở Lao động - Thương
binh và Xã hội trước ngày 20 tháng 6 hằng năm.
3. Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã
kiểm tra, lập hồ sơ đối tượng tăng, giảm gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã
hội (qua phòng người có công) trước ngày 20 hàng tháng. Trước ngày 23 hàng
tháng, Phòng người có công chuyển dữ liệu chi trả hàng tháng về Phòng Lao động
- Thương binh và Xã hội cấp huyện đối chiếu danh sách và in danh sách chi trả
trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách
mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến trên địa bàn quản lý; rà soát,
kiểm tra, đối chiếu danh sách chi trả hằng tháng trước khi cấp, phát kinh phí
đảm bảo việc thực hiện chi trả chính sách ưu đãi người có công với cách mạng,
thân nhân người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến
trước ngày 05 hàng tháng, từ ngày 05 đến ngày 15 hằng tháng hoàn thành việc rà
soát, kiểm tra, đối chiếu danh sách chi trả của tháng trước, trước khi thực
hiện chi trả tháng tiếp theo.
4. Tổng hợp kinh phí chi trả chính sách, chế độ
hằng tháng trên địa bàn; thực hiện rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước nơi giao
dịch chuyển vào tài khoản tiền gửi của tổ chức dịch vụ chi trả mở tại ngân
hàng, đồng thời gửi danh sách chi trả của tháng sau cho tổ chức dịch vụ chi trả
trước ngày 25 hằng tháng để thực hiện chi trả trợ cấp ưu đãi người có công với
cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia
kháng chiến. Trong thời gian chi trả, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội
cấp huyện có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã cử người giám sát
việc thực hiện chi trả trợ cấp. Trường hợp đáp ứng đủ điều kiện thực hiện chi
trả không dùng tiền mặt, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện thực
hiện rút dự toán ngân sách tại Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch chuyển vào tài
khoản tiền gửi cá nhân của người có công mở tại ngân hàng.
5. Phối hợp UBND cấp xã lập danh sách đố i tượng
đến niên hạn hưởng chế độ điều dưỡng, chịu trách nhiệm về tính chính xác danh
sách đối tượng được hưởng đúng niên hạn vào tháng 11 hằng năm gửi về s ở Lao
động - Thương binh và Xã hội tổng hợp thực hiện chế độ điều dưỡng năm tiếp theo.
6. Thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn Ủy ban nhân dân
cấp xã thực hiện đúng các quy định của Nhà nước trong công tác quản lý đ i
tượng tăng, giảm; đối tượng di chuyển hộ khẩu đi địa phương khác, thay đổi nơi
cư trú nhưng không di chuyển hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi để thực hiện quản lý,
chi trả chế độ ưu đãi đúng quy định của pháp luật. Kiểm tra, giám sát việc xây
dựng, cải tạo, nâng cấp nghĩa trang và công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn.
7. Thực hiện việc mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản
công từ nguồn kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng
đảm bảo hiệu quả; đúng chế độ, định mức theo quy định của pháp luật.
8. Cuối tháng, kiểm tra chứng từ chi trả và thanh
toán với tổ chức dịch vụ chi trả số tiền đã trả trợ cấp cho người có công với
cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia
kháng chiến nhận thanh toán qua tài khoản đúng đối tượng yêu cầu, tập hợp, lưu
trữ chứng từ tại Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện; chịu trách
nhiệm về tính chính xác, trung thực và pháp lý các chứng từ của đơn vị mình,
đồng thời thanh toán với Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị giao dịch.
9. Phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội cùng cấp rà
soát, đối chiếu để mua, cấp và báo tăng, giảm thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng
thụ hưởng kịp thời.
10. Tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành văn
bản chỉ đạo, đôn đốc các Phòng chuyên môn, nghiệp vụ và Ủy ban nhân cấp xã, đơn
vị có liên quan; theo dõi, đôn đốc việc thực hiện thu hồi và nộp ngân sách nhà
nước các khoản trợ cấp của các đối tượng hưởng sai chế độ quy định; báo cáo Ủy
ban nhân dân cấp huyện và sở Lao động - Thương binh và Xã hội về kết quả thực
hiện. Thực hiện công khai kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công
với cách mạng đúng theo quy định.
11. Tổng hợp, lập báo cáo quyết toán kinh phí thực
hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân người có công với
cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến hằng năm gửi sở Lao động -
Thương binh và Xã hội trước ngày 30 tháng 4 năm sau. Báo cáo quyết toán phải
thể hiện đầy đủ các khoản chi theo quy định, có trong dự toán được giao và theo
đúng Mục lục ngân sách nhà nước; có đủ biểu mẫu, thuyết minh, cập nhật phần mềm
quản lý chi trả người có công số liệu khớp đúng, xác nhận của Kho bạc Nhà nước
nơi đơn vị giao dịch.
12. Tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở
Lao động - Thương binh và Xã hội về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình
thực hiện.
Điều 9. Ủy ban nhân
dân cấp xã
1. Hướng dẫn kê khai, lập hồ sơ, kiểm tra, xác nhận
hồ sơ và lập danh sách đối tượng đề nghị hưởng trợ cấp, gửi Phòng Lao động -
Thương binh và Xã hội cấp huyện.
2. Tuyên truyền, giải thích kịp thời về các chế độ,
chính sách, tiêu chuẩn ưu đãi của người có công với cách mạng theo quy định của
Nhà nước; thủ tục, nội dung, quy trình giải quyết chế độ chính sách người có
công được hưởng. Tổ chức công tác chăm sóc, thăm hỏi đối tượng người có công
khi ốm đau, già yếu theo quy định. Giám sát việc chi trả trợ cấp hằng tháng cho
đối tượng của tổ chức dịch vụ chi trả.
3. Chỉ đạo công chức phụ trách lĩnh vực Lao động -
Thương binh vã Xã hội thực hiện: Mở sổ theo dõi, quản lý từng loại đối tượng
người có công với cách mạng trên địa bàn xã; lập danh sách đối tượng hết tuổi
hưởng trợ cấp, chuyển đi địa phương khác và hồ sơ đối tượng từ trần, hàng tháng
gửi về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện làm cơ sở tăng, giảm,
giải quyết chế độ mai táng phí cho người có công theo đúng quy định. Khuyến
khích tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác theo dõi, quản lý
đối tượng trên địa bàn quản lý.
4. Ký xác nhận trên giấy ủy quyền nhận trợ cấp của
người được hưởng chính sách trong trường hợp người được hưởng trợ cấp, phụ cấp,
ưu đãi không trực tiếp đến nhận trợ cấp được hoặc không đủ năng lực ký nhận trợ
cấp, phụ cấp.
5. Thường xuyên thực hiện tự kiểm tra việc thực
hiện chế độ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng trên địa bàn xã.
Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện sai phạm báo cáo về Phòng Lao động -
Thương binh và Xã hội cấp huyện để xem xét, xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến
nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật. Phối hợp với
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, đôn đốc việc thực hiện thu hồi
nộp ngân sách nhà nước các khoản đối tượng hưởng sai chế độ quy định.
6. Chỉ đạo công chức phụ trách lĩnh vực Lao động -
Thương binh và Xã hội cấp xã phối hợp với Công an cấp xã thu thập, cập nhật
thông tin về đối tượng, thông tin về tài khoản của đối tượng trên hệ thống Cơ
sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên địa bàn để hỗ trợ chi trả không dùng tiền
mặt.
Điều 10. Trung
tâm Điều dưỡng người có công
1. Quản lý đối tượng tại Trung tâm. Mở tài khoản
tại Kho bạc Nhà nước để theo dõi quản lý và sử dụng nguồn kinh phí được giao.
2. Lập dự toán kinh phí hằng năm đảm bảo kịp thời,
đầy đủ gửi về sở Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 20 tháng 6 hằng
năm.
3. Lập báo cáo quyết toán theo quy định hiện hành
gửi về sở Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 30 tháng 4 hàng năm.
4. Chấp hành nghiêm việc công khai dự toán, quyết
toán từ nguồn kinh phí được giao quản lý theo quy định.
Điều 11. Tổ chức dịch
vụ chi trả trợ cấp
1. Thực hiện đúng quy định, quy trình chi trả trợ
cấp ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng và
người trực tiếp tham gia kháng chiến theo Phương án chi trả đã được Ủy ban nhân
dân tỉnh phê duyệt, tăng cường chi trả không dùng tiền mặt theo chỉ đạo của
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hợp đồng dịch vụ chi trả giữa cơ quan Lao động
- Thương binh và Xã hội với tổ chức dịch vụ chi trả về việc chi trả trợ cấp ưu đãi
người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng và người trực
tiếp tham gia kháng chiến hằng năm xác định rõ quyền lợi và trách nhiệm các
bên. Trong đó ghi rõ phạm vi đối tượng chi trả, phương thức chi trả (gồm chi
trả trực tiếp bằng tiền mặt, chi trả qua hệ thống ngân hàng và các phương thức
không dùng tiền mặt theo quy định của pháp luật), phương thức chuyển tiền và thời
hạn chuyển tiền, thời hạn chi trả đến người thụ hưởng, mức chi phí chi trả,
thời hạn thanh quyết toán, thỏa thuận khác có liên quan đến việc chi trả.
2. Chịu trách nhiệm chi trả đủ số tiền trợ cấp, phụ
cấp đến đối tượng thụ hưởng theo đúng thời gian quy định. Đối với kinh phí đã
nhận để chi trả trợ cấp cho đối tượng, trường hợp lợi dụng, để xảy ra mất, thất
thoát trợ cấp của đối tượng thụ hưởng thì tổ chức dịch vụ chi trả chịu trách
nhiệm bồi hoàn 100% số tiền mất, thất thoát.
3. Hằng tháng, tổng hợp, báo cáo danh sách đối
tượng đã nhận tiền, số tiền đã chi trả; danh sách đối tượng chưa nhận tiền
(hoặc không nhận tiền có lý do) nộp trả vào tài khoản dự toán của phòng Lao
động - Thương binh Xã hội cấp huyện (kèm chứng từ nộp tiền) và chuyển chứng từ
(danh sách chi trả đã ký nhận tiền trợ cấp, chứng từ chuyển khoản ngân hàng và
chứng từ có liên quan) gửi cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày
20 hằng tháng.
Điều 12. Đối tượng
thụ hưởng chính sách, chế độ ưu đãi người có công với cách mạng, thân nhân
người có công với cách mạng và người trực tiếp tham gia kháng chiến
1. Thực hiện đúng các quy định về quản lý đối tượng
trong thụ hưởng chính sách, chế độ ưu đãi của Nhà nước.
2. Ký danh sách hoặc sổ lĩnh tiền trợ cấp khi nhận
tiền, nhận chế độ ưu đãi bằng tiền mặt. Trường hợp ủy quyền cho người nhận thay
phải có giấy ủy quyền theo quy định của pháp luật.
3. Phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong
việc thanh tra, kiểm tra, rà soát, xác minh đối tượng thụ hưởng chính sách ưu
đãi người có công với cách mạng, thân nhân người có công với cách mạng và người
trực tiếp tham gia kháng chiến theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Công tác
thanh tra, kiểm tra, kiểm toán
Các đơn vị, tổ chức các cấp sử dụng ngân sách ủy
quyền trợ cấp người có công cách mạng chịu sự thanh tra, kiểm toán thường
xuyên, đột xuất, chuyên đề về công tác quản lý kinh phí thực hiện Pháp lệnh Ưu
đãi người có công với cách mạng thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội
theo quy định.
Điều 14. Tổ chức thực
hiện
1. Giao Giám đốc sở Lao động - Thương binh và Xã
hội chủ trì, hướng dẫn và phối hợp với các cơ quan có liên quan thường xuyên
kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.
2. Kho bạc Nhà nước Vĩnh Long hướng dẫn và kiểm tra
việc thực hiện Quy chế này đối với các Kho bạc Nhà nước cấp huyện.
3. Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm chỉ
đạo, quản lý, kiểm tra Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân
dân cấp xã trực thuộc thực hiện nghiêm túc Quy chế này.
4. Tổ chức dịch vụ chi trả phối hợp chặt chẽ với cơ
quan Lao động - Thương binh và Xã hội, Kho bạc Nhà nước các cấp, chính quyền
địa phương cấp xã triển khai thực hiện công tác chi trả chế độ chính sách cho
đối tượng đảm bảo kịp thời, đúng quy định.
5. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật được
trích dẫn tại Quy chế này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện
theo hướng dẫn của các văn bản quy phạm pháp luật được sửa đổi, bổ sung hoặc
thay thế đó.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các
ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phản ánh
kịp thời về sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, trình Ủy ban nhân
dân tỉnh xem xét, quyết định.