QUY ĐỊNH
VỀ
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC VÀ MỨC HỖ TRỢ CHI PHÍ KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH CHO NGƯỜI NGHÈO
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 46/2015/QĐ-UBND, ngày 17 tháng 9 năm 2015
của Ủy ban Nhân dân tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Quy định này quy định về trình tự, thủ tục và
mức hỗ trợ tiền ăn, tiền đi lại và một phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh từ Quỹ
khám, chữa bệnh cho người nghèo (sau đây viết tắt là Quỹ) do Ủy ban Nhân dân
tỉnh Tây Ninh thành lập.
2. Quy định này được áp dụng cho các đối tượng là
người có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Người thuộc hộ nghèo theo quy định hiện hành của
Thủ tướng Chính phủ về chuẩn hộ nghèo.
2. Đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở xã,
phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định số
1049/QĐ-TTg, ngày 26/6/2014 của Thủ tướng Chính phủ.
3. Người thuộc
diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật và người
đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước.
4. Người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ
tim, hoặc các bệnh khác gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi
trả viện phí.
Điều 3. Nguyên tắc hỗ trợ
1. Quỹ hỗ trợ cho các đối tượng tại Điều 2, Quy
định này khi vào điều trị tại các cơ sở y tế công lập.
2. Quỹ không hỗ trợ người bệnh trong các trường hợp
sau:
a) Tự chọn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (trái tuyến,
vượt tuyến theo quy định của Sở Y tế).
b) Điều trị theo yêu cầu.
c) Người bệnh cố ý tự tử,
tự gây thương tích; điều trị tổn thương về thể chất và tinh thần do hành vi vi
phạm pháp luật của người đó gây ra.
d) Không xuất trình đầy
đủ giấy tờ theo quy định.
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4. Hỗ trợ tiền ăn
1. Đối tượng
Là đối tượng được quy định tại khoản 1 và 2, Điều 2
của Quy định này.
2. Định mức hỗ trợ
Hỗ trợ tiền ăn khi điều trị nội trú tại các cơ sở y
tế của Nhà nước từ tuyến huyện trở lên với mức hỗ trợ là 3% mức lương cơ
sở/người bệnh/ngày.
Điều 5. Hỗ trợ tiền đi lại
1. Đối tượng
Là đối tượng được quy định tại khoản 1 và 2, Điều 2
của Quy định này.
2. Định mức hỗ trợ
Hỗ trợ tiền đi lại từ nhà đến bệnh viện, từ bệnh
viện về nhà và chuyển bệnh viện khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế của Nhà
nước từ tuyến huyện trở lên, các trường hợp cấp cứu, tử vong hoặc bệnh quá nặng
và người nhà có nguyện vọng đưa về nhà nhưng không được bảo hiểm y tế hỗ trợ,
mức hỗ trợ cụ thể là:
- Trường hợp sử dụng phương tiện vận chuyển của cơ
sở y tế Nhà nước: Thanh toán chi phí vận chuyển cả chiều đi và chiều về cho cơ
sở y tế chuyển người bệnh theo mức bằng 0,2 lít xăng/km tính theo khoảng cách
vận chuyển và giá xăng tại thời điểm sử dụng và các chi phí cầu, phà, phí đường
bộ khác (nếu có). Nếu có nhiều hơn một người bệnh cùng được vận chuyển trên một
phương tiện thì mức thanh toán chỉ được tính như đối với vận chuyển một người
bệnh.
- Trường hợp không sử dụng phương tiện vận chuyển
của cơ sở y tế Nhà nước: Thanh toán chi phí vận chuyển một chiều đi cho người
bệnh theo mức bằng 0,2 lít xăng/km cho một chiều đi tính theo khoảng cách vận
chuyển và giá xăng tại thời điểm sử dụng. Cơ sở y tế chỉ định chuyển bệnh nhân
thanh toán chi phí vận chuyển cho người bệnh, sau đó thanh toán lại với Quỹ.
Điều 6. Hỗ trợ một phần chi phí
khám bệnh, chữa bệnh BHYT
1. Đối tượng
Là đối tượng được quy định tại khoản 1, 2 và 3, Điều
2 của Quy định này.
2. Định mức hỗ trợ
Hỗ trợ 30% phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo
hiểm y tế mà người bệnh phải chi trả vượt khung theo quy định của Luật Bảo hiểm
y tế cho cơ sở y tế Nhà nước. Nhưng tối đa không quá 5.000.000 đồng/người/lần
hỗ trợ.
Điều 7. Hỗ trợ thanh toán một
phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh
1. Đối tượng
Là đối tượng được quy định tại khoản 4, Điều 2 của
Quy định này.
2. Định mức hỗ trợ
- Đối với người bệnh có BHYT: Hỗ trợ theo quy định
tại khoản 2, Điều 6 của Quy định này.
- Đối với người bệnh không có thẻ BHYT: Hỗ trợ 25%
phần chi phí khám bệnh, chữa bệnh mà người bệnh phải chi trả cho cơ sở y tế của
Nhà nước từ 1.000.000 đồng trở lên cho một đợt khám bệnh, chữa bệnh. Nhưng tối
đa không quá 5.000.000 đồng/người/lần hỗ trợ.
Điều 8. Quy trình hỗ trợ
Người bệnh hoặc thân nhân có trách nhiệm gửi các
giấy tờ liên quan (hồ sơ) đến việc chi trả trong đợt điều trị cho bộ phận
chuyên môn giúp việc của Ban Quản lý Quỹ để được nhận chế độ hỗ trợ. Hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị hỗ
trợ chi phí điều trị bệnh hiểm nghèo (theo mẫu).
- Giấy ra viện hoặc các giấy tờ khác chứng minh quá
trình điều trị (Bản sao có kèm theo bản gốc).
- Biên lai (hóa đơn) thanh toán dịch vụ khám bệnh,
chữa bệnh; chứng từ hợp pháp liên quan đến việc mua thuốc, dụng cụ sử dụng các
dịch vụ kỹ thuật y tế….
- Giấy CMND (bản pho to) để làm căn cứ xác định chi
trả.
- Đối với người
thuộc hộ nghèo khi nằm điều trị tại các cơ sở y tế công lập: Thẻ BHYT còn giá
trị sử dụng mã HN (bản pho to).
- Đồng bào dân tộc thiểu số: Thẻ BHYT còn giá trị
sử dụng mã DT.
- Đối với người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã
hội và người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội Nhà nước nằm
điều trị: Thẻ BHYT còn giá trị sử dụng mã BT.
- Người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ
tim hoặc các bệnh khác gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả
viện phí thì phải có xác nhận của Ủy ban Nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư
ngụ. (Trường hợp có nghi ngờ việc xác nhận thì Ban Quản lý Quỹ có quyền xác
minh làm rõ).
Điều 9. Nguồn tài chính Quỹ
Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo là Quỹ của Nhà
nước, hoạt động theo nguyên tắc không vì lợi nhuận, bảo toàn và phát triển
nguồn vốn, được hình thành từ các nguồn sau:
- Ngân sách Nhà nước hỗ trợ Quỹ để thực hiện các
chế độ hỗ trợ cho các đối tượng được quy định tại khoản 1, 2 và 3, Điều 2 của
Quy định này.
- Đóng góp của
các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp
khác.
* Kinh phí hỗ trợ
cho các đối tượng được quy định tại khoản 4, Điều 2 của Quy định này chi từ các
nguồn thu hợp pháp khác của Quỹ. Trong trường hợp Quỹ không có các nguồn thu
hợp pháp khác thì ngân sách Nhà nước sẽ chi hỗ trợ.
Điều 10. Cơ chế hỗ trợ
Ban Quản lý Quỹ hỗ trợ trực tiếp chi phí khám bệnh,
chữa bệnh cho đối tượng được hỗ trợ và quyết toán theo số chi thực tế.
Điều 11. Thời gian giải quyết hồ sơ
- Đối với những trường hợp điều trị tại các Bệnh viện
công lập trong tỉnh: Không quá 10 ngày làm
việc sau khi đối tượng được ra viện và nộp đầy đủ các giấy tờ theo quy định.
- Đối
với những trường hợp điều trị tại các Bệnh viện ngoài tỉnh và Bệnh viện tuyến
Trung ương: Không quá 30 ngày làm việc, kể từ khi đối tượng nộp đầy đủ các giấy
tờ theo quy định.
- Trường
hợp cần xác minh hồ sơ hoặc lấy ý kiến các đơn vị có liên quan, thời gian giải
quyết là 45 ngày làm việc.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 12. Trách nhiệm của Ban
Quản lý Quỹ
1. Lập dự toán ngân sách trên cơ sở dự toán của Sở
Y tế để đưa vào dự toán ngân sách hàng năm.
2. Tiếp nhận, quản lý, sử dụng kinh phí do ngân
sách Nhà nước cấp; các nguồn tài trợ, hỗ trợ của tổ chức cá nhân trong nước và
nước ngoài cho Quỹ theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
3. Phân bổ kinh phí thực hiện chi trả cho đối tượng
thụ hưởng.
4. Kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện hoạt động
của Quỹ tại cơ sở; tổng hợp tình hình hoạt động của Quỹ và báo cáo Chủ tịch
UBND tỉnh và cơ quan tài chính đồng cấp theo định kỳ 06 tháng, 01 năm
5. Định kỳ lập báo cáo tài chính của Quỹ theo quy
định của chế độ kế toán hành chính sự nghiệp.
6. Tiếp nhận, giải quyết hồ sơ.
Điều 13. Tổ chức thực hiện
1. Trách nhiệm chung của các sở, ban, ngành tỉnh
và Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố
Tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân và cộng
đồng xã hội hỗ trợ cho Quỹ.
2. Sở Y tế
a) Bố trí văn phòng thực hiện nhiệm vụ của Thường
trực Ban Quản lý Quỹ.
b) Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh
tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh trong việc vận động, tiếp nhận sự đóng góp về
tài chính của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài cho Quỹ.
c) Phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn Ban Quản lý
Quỹ thực hiện việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí theo quy định.
d) Cập nhật, bổ sung hướng dẫn danh mục các loại
bệnh khác (theo quy định tại khoản 4, Điều 2 Quy định này), tham mưu Ủy ban
Nhân dân tỉnh ban hành.
đ) Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải có
bảng kê ghi rõ chi phí điều trị.
3. Sở Tài chính
a) Thẩm định dự toán kinh phí hoạt động hàng năm
của Ban Quản lý Quỹ, tổng hợp trình Ủy ban Nhân dân tỉnh phê duyệt.
b) Xét duyệt báo cáo quyết toán tài chính hàng năm
của Ban Quản lý Quỹ theo quy định.
4. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
Xác định, tổng hợp đối tượng thụ hưởng quy định tại
khoản 1, 2 và 3, Điều 2 của Quy định này làm căn cứ lập dự toán kinh phí hàng
năm cho Quỹ.
5. Bảo hiểm xã hội tỉnh
a) Chỉ đạo Bảo hiểm xã hội các huyện, thành
phố in và cấp thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng thụ hưởng kịp thời và chính
xác.
b) Giám định chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người
bệnh có thẻ bảo hiểm y tế kịp thời để Quỹ thanh toán cho đối tượng.
6. Sở Thông tin và Truyền thông
Phối hợp định hướng các phương tiện thông tin đại
chúng trên địa bàn tăng cường công tác tuyên truyền về các quy định hỗ trợ khám
bệnh, chữa bệnh cho các đối tượng và công tác vận động Quỹ.
7. Ủy ban Nhân dân các huyện, thành phố
a) Chỉ đạo Ủy ban Nhân dân cấp xã; các phòng, ban
chức năng chuyên môn tổ chức điều tra, lập danh sách, cấp phát thẻ BHYT cho các
đối tượng thụ hưởng tại Quy định này kịp thời, chính xác và đúng đối tượng.
2. Thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động hỗ trợ
theo quy định này tại địa phương.
Điều 14. Điều khoản thi hành
1. Thời gian áp dụng hỗ trợ: Sau 10 ngày kể từ ngày
ký ban hành Quyết định. (Các đối tượng có thời gian xuất viện cùng hoặc sau
ngày ban hành Quyết định thì vẫn được tính hưởng chế độ theo quy định tại Quyết
định này)
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các
thành viên Ban Quản lý báo cáo về Ban Quản lý Quỹ để trình Ủy ban Nhân dân tỉnh
xem xét, giải quyết.
3. Sở Y tế, Ban Quản lý Quỹ khám, chữa bệnh cho
người nghèo có trách nhiệm triển khai thực hiện Quy định này./.