THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
|
Số: 365/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 17
tháng 03 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ CỦA CHÍNH PHỦ VỀ THỰC HÀNH TIẾT
KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ NĂM 2015
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày
25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thực hành tiết kiệm,
chống lãng phí ngày 26 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị quyết số 77/2014/QH13
ngày 10 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 84/2014/NĐ-CP
ngày 08 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài
chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình tổng
thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng
cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương và Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà
nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ: TKBT, PL, KTN, V.I, TH, TCCV;
- Lưu: Văn thư, KTTH (3b).
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|
CHƯƠNG TRÌNH
TỔNG THỂ VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ CỦA CHÍNH PHỦ NĂM 2015
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 365/QĐ-TTg ngày 17 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng
Chính phủ)
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU,
NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ NĂM 2015
1. Mục tiêu
Mục tiêu của thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí năm 2015 là tạo bước đột phá quan trọng trong chống lãng phí và thực
hành tiết kiệm, góp phần tích cực bổ sung nguồn lực thực hiện các mục tiêu tăng
trưởng, phát triển kinh tế, ổn định đời sống, tiêu dùng của nhân dân, bảo đảm
an sinh xã hội.
2. Yêu cầu của thực hành tiết kiệm,
chống lãng phí
a) Đẩy mạnh việc thực hiện chống lãng
phí trong năm 2015, thông qua thực hiện tốt các biện pháp tiết kiệm;
b) Thực hành tiết kiệm, chống lãng
phí (sau đây gọi là THTK, CLP) là trách nhiệm của các cấp, các ngành, cơ quan,
tổ chức và cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ được giao, gắn với trách nhiệm của
người đứng đầu và gắn kết giữa các ngành, lĩnh vực để tạo chuyển biến tích cực
trong chống lãng phí và thực hành tiết kiệm;
c) THTK, CLP phải bám sát chủ trương,
định hướng của Đảng, Nhà nước, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển
kinh tế - xã hội của ngành, lĩnh vực, phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính,
bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, không để ảnh hưởng đến hoạt động bình
thường của cơ quan, tổ chức;
d) THTK, CLP phải được tiến hành thường
xuyên, liên tục ở mọi lúc, mọi nơi.
3. Nhiệm vụ trọng tâm
Năm 2015 là năm cuối thực hiện kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 5 năm 2011 - 2015, tạo cơ sở
quan trọng cho kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 tiếp theo. Việc THTK, CLP trong năm
2015 nhằm thực hiện tốt Luật THTK, CLP để góp phần hoàn thành các nhiệm vụ kinh
tế - xã hội năm 2015, cụ thể:
a) Tiếp tục thực hiện Đề án tổng thể
tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng và các đề án cơ cấu
ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả. Thực hiện chống lãng
phí trong sử dụng các nguồn lực của đất nước, tài nguyên thiên nhiên, để góp phần
đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,2%; tỷ lệ nhập
siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu khoảng 5%;
b) Không ban hành các chính sách, chế
độ mới làm tăng chi ngân sách nhà nước khi chưa có nguồn bảo đảm. Triệt để tiết
kiệm chi ngân sách, lồng ghép các chính sách, xây dựng phương án tiết kiệm để
thực hiện ngay từ khâu phân bổ dự toán và cả trong quá trình thực hiện; không
tăng chi thường xuyên ngoài lương, phụ cấp và các khoản có tính chất lương; bảo
đảm bội chi theo kế hoạch (khoảng 5% GDP). Kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiệu quả
sử dụng và bảo đảm nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới
hạn an toàn;
c) Tích cực huy động các nguồn lực với
cơ cấu lãi suất hiệu quả, chú trọng các nguồn vốn rẻ, ưu đãi để tạo vốn cho đầu
tư phát triển kinh tế, phấn đấu huy động tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn
xã hội bằng khoảng 30% - 32% GDP;
d) Chống lãng phí trong sử dụng nguồn
lực lao động, nâng cao chất lượng lao động, tăng hiệu suất, hiệu quả lao động,
phấn đấu đạt tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%. Phấn đấu tinh giản biên chế
hành chính ở mức tối đa trên cơ sở nâng cao hiệu suất, hiệu quả làm việc trong
các cơ quan nhà nước;
đ) Chống lãng phí trong sử dụng tài
nguyên thiên nhiên, trong xử lý ô nhiễm môi trường thông qua việc thực hiện tốt
các quy hoạch, kế hoạch về sử dụng đất, quy hoạch tài nguyên nước, quy hoạch
thăm dò khai thác khoáng sản đã được phê duyệt; nâng tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm
môi trường nghiêm trọng được xử lý đạt 90%; tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất
đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường
đạt 82%; tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom từ 83% - 85%;
e) Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, định
mức, chế độ làm cơ sở cho THTK, CLP.
II. MỘT SỐ CHỈ
TIÊU TIẾT KIỆM TRONG CÁC LĨNH VỰC
THTK, CLP được thực hiện trên tất cả
các lĩnh vực theo quy định của Luật THTK, CLP, trong đó tập trung vào một số
lĩnh vực cụ thể sau:
1. Trong quản
lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước
Năm 2015, tiếp tục thực hiện chỉ tiêu
tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể tiền lương và các khoản có tính chất
lương) để tạo nguồn cải cách tiền lương. Trong đó phấn đấu thực hiện:
a) Tiết kiệm tối thiểu 12% chi hội
nghị, hội thảo, tọa đàm; cử cán bộ, công chức, viên chức đi công tác; tiếp
khách, khánh tiết, tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm; sử dụng điện, nước, văn phòng phẩm,
sách, báo, tạp chí;
b) Tiết kiệm tối thiểu 15% chi đoàn
ra, đoàn vào. Không bố trí chi đoàn ra trong chi thường xuyên các Chương trình
mục tiêu quốc gia. Thực hiện quản lý chặt chẽ đoàn ra, đoàn vào đúng người,
đúng mục đích và căn cứ trên dự toán và danh mục đoàn ra, đoàn vào được phê duyệt
từ đầu năm của mỗi cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Hạn chế tối đa
các đoàn đi công tác nước ngoài bổ sung không theo dự toán, danh mục từ đầu
năm; chỉ tiến hành bổ sung khi có nhiệm vụ đột xuất, đặc biệt cần thiết;
c) Không đề xuất, phê duyệt các đề
tài nghiên cứu khoa học có nội dung trùng lặp, không khả thi. Thực hiện cơ chế
khoán kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên cơ sở định mức
nghiên cứu khoa học, công nghệ và kết quả đầu ra.
2. Trong quản
lý, sử dụng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách nhà nước
a) Thực hiện tiết kiệm từ chủ trương
đầu tư; tiến hành rà soát cắt giảm 100% các dự án không nằm trong quy hoạch, kế
hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt; cắt giảm, tạm dừng các hạng mục công
trình chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả đầu tư thấp;
b) Chống lãng phí, nâng cao chất lượng
công tác khảo sát, thiết kế, giải pháp thi công, thẩm định dự án để phấn đấu tiết
kiệm từ 10% đến 15% tổng mức đầu tư;
c) Thực hiện nghiêm Chỉ thị số
27/CT-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường,
đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành sử dụng vốn nhà nước;
d) Không tổ chức lễ động thổ, lễ khởi
công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình quan trọng
quốc gia; công trình có giá trị lớn, có ý nghĩa quan trọng về kinh tế, chính trị,
văn hóa - xã hội của địa phương;
đ) Xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng
trong xây dựng cơ bản.
3. Trong quản
lý, sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ, tài sản công
a) Đất đai, trụ sở làm việc, nhà công
vụ giao cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức phải được quản lý, sử dụng đúng mục
đích, có hiệu quả và bảo đảm thực hành tiết kiệm;
b) Thực hiện nâng cao hiệu suất sử dụng
nhà công vụ; thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối
tượng, đối tượng hết thời gian sử dụng nhà công vụ theo quy định;
c) Thực hiện nghiêm việc xử lý, thu hồi
các diện tích đất đai, mặt nước sử dụng không đúng quy định của pháp luật, sử dụng
đất sai mục đích, sai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, lãng phí, kém hiệu quả,
bỏ hoang hóa và đất lấn chiếm trái quy định;
d) Thực hiện xử lý tài sản của các dự
án sử dụng vốn nhà nước sau khi dự án kết thúc đúng thời hạn theo quy định.
4. Trong quản lý,
sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước trong các công ty trách nhiệm hữu hạn một
thành viên 100% vốn Nhà nước
a) Tập trung hoàn thành nhiệm vụ kế
hoạch tái cơ cấu và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo đề án đã duyệt;
b) Thực hiện triệt để tiết kiệm năng
lượng, vật tư, chi phí đầu vào; ứng dụng công nghệ mới để nâng cao chất lượng,
sức cạnh tranh hàng xuất khẩu, tiết kiệm chi phí sản xuất kinh doanh; đăng ký
và thực hiện tiết giảm chi phí quản lý (từ 5% trở lên), phấn đấu thực hiện tiết
giảm tối đa chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, chi tiếp
tân, khánh tiết, hội nghị, chi chiết khấu thanh toán, chi phí năng lượng.
5. Trong thành lập
các quỹ tài chính có nguồn từ ngân sách nhà nước
Đảm bảo 100% quỹ tài chính nhà nước
có nguồn từ ngân sách nhà nước được thành lập, hoạt động và sử dụng kinh phí
theo đúng quy định của pháp luật. Ngân sách nhà nước không cấp hỗ trợ kinh phí
hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
6. Trong quản lý,
sử dụng điện năng
Chống lãng phí, thực hiện giảm tổn thất
điện cả năm xuống 8%, tiết kiệm điện tương đương 1,5% điện thương phẩm trong nước.
7. Trong quản lý,
sử dụng lao động và thời gian lao động
a) Thực hiện nghiêm quy định của
Chính phủ về tinh giản biên chế. Không tăng biên chế cán bộ, công chức, viên chức
trong năm 2015. Đối với số biên chế giảm do nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công
tác, các đơn vị chỉ được bổ sung tối đa 50% số biên chế giảm;
b) Thực hiện quản lý chặt chẽ thời giờ
lao động, kiểm tra, giám sát chất lượng và đảm bảo hiệu quả công việc của cán bộ,
công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị;
c) Giảm ít nhất 50% số giờ nộp các
khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp;
d) Rút ngắn thời gian thành lập doanh
nghiệp xuống còn tối đa là 6 ngày; rút ngắn thời gian các doanh nghiệp phải
tiêu tốn để hoàn thành thủ tục nộp thuế đạt mức trung bình của nhóm nước
ASEAN-6 (mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 là 171 giờ/năm, bao gồm 121,5 giờ
nộp thuế và 49,5 giờ nộp bảo hiểm xã hội);
đ) Rút thời gian tiếp cận điện năng đối
với các doanh nghiệp, dự án đầu tư xuống còn tối đa là 70 ngày;
e) Rút ngắn thời gian giải quyết thủ
tục phá sản doanh nghiệp xuống còn tối đa 30 tháng;
g) Phấn đấu thời gian xuất khẩu và thời
gian nhập khẩu bằng mức trung bình của các nước ASEAN-6 (mức trung bình thời
gian xuất khẩu của nhóm nước ASEAN-6 là 14 ngày và thời gian nhập khẩu là 13
ngày).
III. GIẢI PHÁP THỰC
HIỆN MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU TIẾT KIỆM
1. Nâng cao nhận
thức, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong THTK, CLP
a) Xác định THTK, CLP là nhiệm vụ thường
xuyên của đơn vị; tuyên truyền sâu rộng đến từng cán bộ, công chức, viên chức
thuộc phạm vi quản lý nhằm tăng cường hiểu biết pháp luật, nâng cao nhận thức về
THTK, CLP;
b) Tăng cường thông tin, phổ biến
pháp luật về THTK, CLP trên các phương tiện thông tin đại chúng của Bộ, ngành,
địa phương, đặc biệt chú trọng cập nhật các văn bản về công tác THTK, CLP như:
Luật THTK, CLP, Nghị định số 84/2014/NĐ-CP ngày 08 tháng 9 năm 2014 của Chính
phủ quy định chi tiết một số điều của Luật THTK, CLP.
2. Tăng cường
công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện trên các lĩnh vực THTK, CLP
trong đó tập trung vào:
a) Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục
hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng đối với các ngành, cơ quan, tổ chức;
b) Tập trung rà soát các kế hoạch, dự
án đầu tư ngay từ khâu định hướng, chủ trương đầu tư, tránh việc định hướng đầu
tư và chủ trương đầu tư sai, dẫn đến các dự án đầu tư không đạt hiệu quả kinh tế
- xã hội, đầu tư dàn trải, hiệu quả sử dụng vốn nhà nước thấp;
c) Đổi mới việc phân bổ vốn, tập
trung vốn cho các công trình sắp hoàn thành.
3. Thực hiện
công khai, giám sát THTK, CLP
a) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ
đạo, hướng dẫn các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện các quy định về công
khai minh bạch để tạo điều kiện cho việc kiểm tra, thanh tra, giám sát THTK,
CLP;
b) Người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử
dụng ngân sách nhà nước phải thực hiện công khai theo đúng quy định của pháp luật,
tập trung thực hiện công khai việc sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn tài
chính được giao theo quy định. Khuyến khích thực hiện hình thức công khai trên
trang thông tin điện tử nhằm nâng cao hiệu quả và tiết kiệm ngân sách (trừ những
nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật);
c) Thực hiện công khai hành vi lãng
phí, kết quả xử lý hành vi lãng phí;
d) Đẩy mạnh việc thực hiện giám sát đầu
tư cộng đồng qua Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng theo quy định của Thủ tướng
Chính phủ; đồng thời tăng cường vai trò của người dân trong việc theo dõi, đánh
giá việc chấp hành các quy định về quản lý đầu tư của cơ quan có thẩm quyền quyết
định đầu tư.
4. Kiểm tra, thanh
tra, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về THTK, CLP
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra việc xây dựng và thực hiện Chương trình THTK, CLP; thanh tra, kiểm tra việc
thực hiện các quy định của pháp luật về các lĩnh vực liên quan đến THTK, CLP.
Các Bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch kiểm tra cụ thể (giao thành chỉ
tiêu) liên quan đến THTK, CLP, trong đó:
a) Xây dựng kế hoạch và tập trung tổ
chức kiểm tra, thanh tra một số nội dung, lĩnh vực, công trình trọng điểm, cụ
thể cần tập trung vào các lĩnh vực sau:
- Quản lý, sử dụng đất đai; tài
nguyên thiên nhiên;
- Các dự án đầu tư sử dụng ngân sách
nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước;
- Quản lý, sử dụng trụ sở làm việc,
nhà công vụ, công trình phúc lợi và dịch vụ công cộng;
- Các Chương trình mục tiêu quốc gia;
Chương trình quốc gia; các quỹ có nguồn từ ngân sách nhà nước;
- Mua sắm, trang bị, quản lý, sử dụng
phương tiện đi lại; trang thiết bị làm việc; trang thiết bị y tế, thuốc phòng bệnh,
chữa bệnh phục vụ hoạt động của các cơ sở y tế do ngân sách nhà nước cấp kinh
phí;
- Quản lý kinh phí xây dựng Chương
trình, nội dung giáo dục.
b) Thủ trưởng các đơn vị chủ động xây
dựng kế hoạch kiểm tra, tự kiểm tra tại các đơn vị mình và chỉ đạo công tác kiểm
tra, tự kiểm tra tại đơn vị cấp dưới trực thuộc.
c) Đối với những vi phạm được phát hiện
trong công tác kiểm tra, thủ trưởng đơn vị phải khắc phục, xử lý hoặc đề xuất,
kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Căn cứ Chương trình tổng thể về
THTK, CLP này, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng
Chương trình THTK, CLP của Bộ, ngành, địa phương mình; chỉ đạo việc xây dựng
Chương trình THTK, CLP của các cấp, các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Trong
Chương trình THTK, CLP của mỗi cấp, mỗi ngành cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu
tiết kiệm, tiêu chí đánh giá tiết kiệm và yêu cầu chống lãng phí của cấp mình,
ngành mình; xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm cũng như những giải pháp, biện pháp
cần thực hiện ngay trong năm 2015 để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm đã đặt
ra.
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ
đạo quán triệt về việc:
a) Nâng cao trách nhiệm của người đứng
đầu cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện kiểm tra, kịp thời làm rõ lãng phí
khi có thông tin phát hiện để xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân trong
phạm vi quản lý có hành vi lãng phí;
b) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra việc xây dựng và thực hiện Chương trình THTK, CLP; thanh tra, kiểm tra việc
thực hiện các quy định của pháp luật về THTK, CLP và việc thực hiện Chương
trình THTK, CLP trong phạm vi quản lý;
c) Đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống
định mức, tiêu chuẩn, chế độ làm cơ sở THTK, CLP; thực hiện công khai trong
THTK, CLP, đặc biệt là công khai các hành vi lãng phí và kết quả xử lý hành vi
lãng phí;
d) Báo cáo tình hình thực hiện Chương
trình tổng thể của Chính phủ về THTK, CLP và Chương trình THTK, CLP cụ thể của Bộ,
ngành, địa phương mình trong Báo cáo THTK, CLP hàng năm và gửi Bộ Tài chính để
tổng hợp, trình Chính phủ báo cáo Quốc hội tại kỳ họp đầu năm sau.
3. Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm
hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được Thủ tướng
Chính phủ quyết định thành lập có trách nhiệm tổ chức xây dựng và thực hiện
Chương trình THTK, CLP của đơn vị mình, đảm bảo phù hợp với Chương trình THTK,
CLP của Chính phủ, trong đó, cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm và yêu
cầu chống lãng phí trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước; xác định
rõ nhiệm vụ trọng tâm và những giải pháp, biện pháp cần thực hiện ngay trong
năm 2015 để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm đã đặt ra.
4. Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra,
thanh tra việc triển khai, thực hiện Chương trình tổng thể của Chính phủ về
THTK, CLP và kiểm tra, thanh tra việc xây dựng, thực hiện Chương trình THTK,
CLP của một số bộ, ngành, địa phương./.