ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------
|
Số:
36/2011/QĐ-UBND
|
Đồng
Nai, ngày 07 tháng 6 năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VIỆN TRỢ PHI CHÍNH PHỦ
NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật
Tổ chức HĐND và UBND được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị
định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ ban hành quy chế
quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài;
Căn cứ
Thông tư số 07/2010/TT-BKH ngày 30 tháng 3 năm 2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư
hướng dẫn thi hành Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của
Chính phủ ban hành quy chế quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước
ngoài;
Theo đề
nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Văn bản số 600/SKHĐT-TH ngày 21
tháng 4 năm 2011,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo
Quyết định này Quy định về quản lý và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài
trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Điều 2. Quyết định này có
hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số
4533/2005/QĐ-UBND ngày 01 tháng 12 năm 2005 của UBND tỉnh về việc ban hành quy
chế quản lý và sử dụng viện trợ của các tổ chức phi Chính phủ.
Điều 3. Chánh Văn phòng
UBND tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; các đơn vị có sử dụng vốn viện trợ
phi Chính phủ; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh và thành phố Biên Hòa
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đinh Quốc Thái
|
QUY ĐỊNH
QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VIỆN TRỢ PHI CHÍNH PHỦ NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 07 tháng 6 năm 2011 của
UBND tỉnh Đồng Nai)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh
1. Quy định
này điều chỉnh các hoạt động quản lý và sử dụng các nguồn viện trợ phi Chính phủ
nước ngoài trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Viện trợ phi
Chính phủ nước ngoài (sau đây viết tắt là PCPNN) đề cập trong Quy định này được
hiểu là viện trợ không hoàn lại, không vì mục đích lợi nhuận của bên tài trợ để
thực hiện các mục tiêu phát triển và nhân đạo dành cho tỉnh Đồng Nai.
2. Bên tài trợ
trong quy định này bao gồm các tổ chức PCPNN, các tổ chức và cá nhân người nước
ngoài khác, kể cả các tập đoàn, công ty có vốn nước ngoài, cộng đồng người Việt
Nam định cư ở nước ngoài tôn trọng và chấp hành luật pháp Việt Nam, có thiện
chí, cung cấp trực tiếp viện trợ không hoàn lại nhằm hỗ trợ cho các mục tiêu
phát triển kinh tế xã hội và nhân đạo của tỉnh Đồng Nai.
3. Các phương
thức cung cấp viện trợ PCPNN, bao gồm:
a) Viện trợ
thông qua các chương trình, dự án. b) Viện trợ phi dự án.
4. Các đối tượng
được tiếp nhận viện trợ thực hiện theo Khoản 4, Điều 1 Quy chế quản lý và sử dụng
viện trợ PCPNN ban hành kèm theo Nghị định 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm
2009 của Chính phủ.
Điều 2. Nguyên tắc quản lý và sử dụng
Nguyên tắc cơ
bản trong quản lý và sử dụng viện trợ PCPNN: Công khai, minh bạch, có phân
công, phân cấp, gắn quyền hạn với trách nhiệm, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ và
phát huy tính chủ động của các cấp, các cơ quan quản lý ngành, địa phương, tổ
chức và các đơn vị thực hiện.
Điều 3. Lĩnh vực ưu tiên sử dụng viện trợ PCPNN
Các lĩnh vực
ưu tiên sử dụng viện trợ PCPNN gồm: Phát triển nông nghiệp và nông thôn, phát
triển hạ tầng cơ sở xã hội, bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, giảm nhẹ
thiên tai, dịch bệnh; tăng cường năng lực thể chế, quản lý kỹ thuật và phát triển
nguồn nhân lực; các hoạt động nhân lực.
Chương II
THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT CÁC
KHOẢN VIỆN TRỢ PHI CHÍNH PHỦ NƯỚC NGOÀI
Điều 4. Cơ quan chủ trì thẩm định
1. Sở Kế hoạch
và Đầu tư chủ trì tổ chức thẩm định các khoản viện trợ PCPNN thuộc thẩm quyền
phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh.
2. Thành lập
tổ thẩm định các khoản viện trợ PCPNN do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm tổ trưởng.
Thành viên tổ thẩm định gồm có lãnh đạo các đơn vị sau đây: Sở Ngoại vụ, Công an
tỉnh, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên Môi trường, sở chuyên ngành (tùy
theo các khoản viện trợ PCPNN thuộc ngành nào sẽ mời thành viên sở chuyên ngành
liên quan tham gia thẩm định); UBND các các huyện, thị xã, TP. Biên Hòa (tùy
theo khoản viện trợ PCPNN trên địa bàn nào sẽ mời địa phương đó tham gia thẩm định).
Điều 5. Thời gian thẩm định
Thời gian thẩm
định đối với các khoản viện trợ PCPNN là không quá 20 ngày làm việc, kể từ khi
nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trong đó:
Thời gian
đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ thẩm định: Không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày
nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Thời hạn các
cơ quan liên quan trả lời ý kiến thẩm định bằng văn bản: Không quá 12 ngày làm
việc kể từ ngày cơ quan chủ trì thẩm định phát hành văn bản lấy ý kiến gửi các
cơ quan liên quan. Sau thời hạn trên, cơ quan nào không có ý kiến bằng văn bản
thì được xem là đồng ý với nội dung hồ sơ gửi lấy ý kiến, quá trình thực hiện
có vướng mắc liên quan thì đơn vị nói trên chịu trách nhiệm.
Điều 6. Quy trình thẩm định
Bước 1: Đánh
giá tính hợp lệ của hồ sơ:
1. Hồ sơ các
khoản viện trợ PCPNN gửi đến Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của Sở Kế hoạch
và Đầu tư gồm có:
a) Đối với
văn kiện chương trình, dự án PCPNN:
- Văn bản đề
nghị trình phê duyệt của cơ quan chủ quản hoặc chủ khoản viện trợ PCPNN (trong
trường hợp cơ quan chủ quản trực tiếp quản lý) đối với các khoản viện trợ
PCPNN.
- Văn bản của
bên tài trợ thống nhất với nội dung khoản viện trợ PCPNN và thông báo hoặc cam
kết xem xét tài trợ cho khoản viện trợ PCPNN đó. Về hàng hóa viện trợ đã qua sử
dụng thì bên tài trợ phải có văn bản xác nhận khoản hàng hóa đó còn hơn 80% so
với giá trị sử dụng mới.
- Dự thảo văn
kiện chương trình, dự án danh mục các khoản viện trợ phi dự án (bằng cả tiếng
Việt và tiếng nước ngoài) và dự thảo thỏa thuận viện trợ PCPNN cụ thể (nếu được
yêu cầu để ký kết thay văn kiện chương trình, dự án sau này).
Trường hợp dự
án đầu tư sử dụng vốn viện trợ PCPNN thì nội dung dự án phải được xây dựng theo
quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng công trình, bổ sung thêm lý do
sử dụng vốn viện trợ PCPNN.
- Bản sao giấy
đăng ký hoạt động hoặc bản sao giấy tờ hợp pháp về tư cách pháp nhân của bên
tài trợ. Các bản sao cần được hợp pháp hóa lãnh sự để đảm bảo tính hợp pháp của
văn bản.
b) Hồ sơ khoản
viện trợ phi dự án bao gồm các văn bản chủ yếu sau đây:
- Văn bản đề
nghị trình phê duyệt của cơ quan chủ khoản viện trợ có thể hiện các nội dung chủ
yếu:
+ Trị giá của
khoản viện trợ phi dự án.
+ Tính phù hợp
của khoản viện trợ phi dự án với định hướng, kế hoạch dài hạn phát triển, nhu cầu
cụ thể của đơn vị thụ hưởng viện trợ PCPNN.
- Văn bản của
bên tài trợ thông báo hoặc cam kết xem xét tài trợ cho khoản viện trợ phi dự án
đó. Đối với khoản hàng hóa đã qua sử dụng thì bên tài trợ phải có văn bản xác
nhận khoản hàng hóa đó còn hơn 80% so với giá trị sử dụng mới.
- Các văn bản
ghi nhớ với bên tài trợ; những cam kết, điều kiện tiên quyết và các điều kiện
khác đối với khoản viện trợ của bên tài trợ; nghĩa vụ và cam kết của bên tiếp
nhận.
c) Đối với
khoản viện trợ phi dự án là các phương tiện đã qua sử dụng thì ngoài các văn bản
đã quy định trên, cần có các văn bản sau:
- Bản đăng ký
hoặc giấy chứng nhận sở hữu phương tiện của bên tài trợ;
- Giấy chứng
nhận đăng kiểm của cơ quan có thẩm quyền của nước bên tài trợ. Trong trường hợp
có phương tiện tạm nhập tái xuất thì cần có giấy chứng nhận đăng kiểm của cơ
quan có thẩm quyền của Việt Nam.
- Văn bản
giám định phương tiện vận tải còn hơn 80% so với giá trị sử dụng mới do tổ chức
giám định có thẩm quyền của nước bên tài trợ xác nhận.
2. Hồ sơ khoản
viện trợ PCPNN được lập thành 08 bộ tài liệu đối với các khoản viện trợ PCPNN,
trong đó có ít nhất 01 bộ tài liệu gốc.
Hồ sơ các khoản
viện trợ PCPNN gửi đến Bộ phận Tiếp nhận hồ sơ của Sở Kế hoạch và Đầu tư (bộ phận
01 cửa). Bộ phận Tiếp nhận hồ sơ kiểm tra, nếu hồ sơ đầy đủ theo yêu cầu nói
trên thì bộ phận 01 cửa nhận hồ sơ để tổ chức thẩm định. Trường hợp hồ sơ không
hợp lệ thì Bộ phận Tiếp nhận hồ sơ chưa nhận hồ sơ mà có trách nhiệm hướng dẫn
để chủ đầu tư hoàn chỉnh hồ sơ.
Bước 2: Gửi hồ
sơ đến các thành viên tổ thẩm định
Sau khi nhận
đủ số bộ hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức thẩm định khoản viện
trợ PCPNN gửi bộ hồ sơ kèm theo văn bản đề nghị góp ý kiến tới thành viên tổ thẩm
định dự án sử dụng vốn viện trợ phi Chính phủ nước ngoài.
Bước 3: Thẩm
định
Các thành
viên tổ thẩm định nghiên cứu nội dung hồ sơ chương trình, dự án hoặc hồ sơ phi
dự án PCPNN, có ý kiến gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư trong thời gian quy định. Sở Kế
hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến thẩm định. Quá thời gian quy định mà thành viên
nào chưa có ý kiến xem như thống nhất, quá trình thực hiện có phát sinh vấn đề
liên quan thì thành viên đó hoàn toàn chịu trách nhiệm.
- Nếu sau khi
tổng hợp ý kiến nhận thấy hồ sơ chương trình, dự án hoặc phi dự án đạt yêu cầu,
các thành viên tổ tư vấn có ý kiến thống nhất thì Sở Kế hoạch và Đầu tư làm tờ
trình kèm theo dự thảo quyết định trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.
- Trường hợp
ý kiến các thành viên tổ thẩm định chưa có sự thống nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư
tổ chức họp tổ thẩm định để thống nhất nội dung báo cáo UBND tỉnh. Thời gian tổ
chức họp sau thời điểm hết hạn lấy ý kiến tối đa là 10 ngày làm việc.
Chương III
NHIỆM VỤ CỦA CÁC SỞ,
NGÀNH VÀ UBND CÁC HUYỆN, THỊ XÃ LONG KHÁNH VÀ TP. BIÊN HÒA VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG
VIỆN TRỢ PHI CHÍNH PHỦ NƯỚC NGOÀI
Điều 7. Sở Kế hoạch và Đầu tư
1. Làm đầu mối
về quản lý và sử dụng các khoản viện trợ phi Chính phủ nước ngoài (PCPNN).
2. Chủ trì tổ
chức thẩm định các khoản viện trợ PCPNN thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch
UBND tỉnh.
3. Chủ trì soạn
thảo, trình UBND tỉnh ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản về quản
lý và sử dụng viện trợ PCPNN.
4. Chủ trì và
phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh đề xuất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
Bộ Tài chính bố trí vốn đối ứng trong kế hoạch ngân sách Nhà nước hàng năm cho
các đơn vị thuộc đối tượng được cấp ngân sách để thực hiện các khoản viện trợ
PCPNN đã cam kết với bên tài trợ theo quy định của Luật Ngân sách.
5. Phối hợp với
Sở Ngoại vụ hướng dẫn các sở, ngành, UBND cấp huyện tổ chức xây dựng các đề xuất
chương trình, dự án hoặc phi dự án PCPNN làm cơ sở cho việc vận động viện trợ
PCPNN.
6. Tổng hợp
các danh mục và báo cáo UBND tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo định kỳ 06 tháng,
năm về các chương trình, dự án PCPNN trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Điều 8. Sở Tài chính
1. Hướng dẫn
và kiểm tra việc thực hiện các chế độ quản lý tài chính đối với nguồn viện trợ
PCPNN trực tiếp cho địa phương.
2. Thực hiện
xác nhận viện trợ và hạch toán ngân sách địa phương đối với nguồn viện trợ
PCPNN thuộc nguồn thu ngân sách địa phương.
3. Phối hợp với
Bộ Tài chính trong việc hạch toán ngân sách đối với viện trợ nước ngoài thuộc
nguồn thu ngân sách Trung ương hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương.
4. Kiểm tra,
giám sát việc sử dụng viện trợ nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách Trung ương
hỗ trợ có mục tiêu cho ngân sách địa phương và viện trợ nước ngoài thuộc nguồn
thu ngân sách địa phương. Theo dõi, đôn đốc chủ dự án thanh toán hoàn tạm ứng đối
với các khoản viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách Trung ương chi bổ sung cho
ngân sách địa phương và viện trợ thuộc nguồn thu NSĐP, đã ghi chi tạm ứng cho dự
án, bảo đảm thời hạn thanh toán vốn tạm ứng không chậm hơn thời hạn chỉnh lý
quyết toán NSNN hàng năm theo quy định hiện hành.
5. Thẩm định
quyết toán viện trợ năm đối với các chủ dự án viện trợ là đơn vị dự toán cấp I
thuộc UBND cấp tỉnh.
6. Phối hợp với
Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài
chính bố trí vốn đối ứng trong kế hoạch ngân sách Nhà nước hàng năm cho các đơn
vị thuộc đối tượng được cấp ngân sách để thực hiện các khoản viện trợ PCPNN đã
cam kết với bên tài trợ theo quy định của Luật Ngân sách.
7. Báo cáo
tình hình giải ngân và tổng hợp quyết toán tài chính của mọi khoản viện trợ
PCPNN định kỳ theo quy định.
8. Tham gia
phối hợp thẩm định và góp ý kiến với Sở Kế hoạch và Đầu tư về các khoản viện trợ
PCPNN trước khi trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Điều 9. Sở Ngoại vụ
1. Làm đầu mối
trong quan hệ và vận động viện trợ PCPNN. Chủ trì hướng dẫn các đơn vị trong tỉnh
xây dựng các đề xuất chương trình, dự án theo yêu cầu của đơn vị viện trợ.
2. Phối hợp với
Sở Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan tổ chức việc theo dõi, kiểm tra
tình hình tiếp nhận, quản lý và thực hiện khoản viện trợ PCPNN.
3. Tham gia
phối hợp thẩm định các khoản viện trợ PCPNN.
Điều 10. Nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Nội vụ
Hướng dẫn và
hỗ trợ các đơn vị, tổ chức trên địa bàn tỉnh chấp hành thực hiện đường lối,
chính sách tôn giáo của Nhà nước trong quá trình tiếp nhận và sử dụng các khoản
viện trợ PCPNN.
Điều 11. Công an tỉnh
1. Hướng dẫn
và hỗ trợ các cơ quan liên quan, tổ chức trong quá trình tiếp nhận và sử dụng
các khoản viện trợ PCPNN thực hiện đúng các quy định của pháp luật Việt Nam về
bảo vệ an ninh Quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
2. Tham gia
phối hợp thẩm định các khoản viện trợ PCPNN.
3. Tham gia
giám sát việc tiếp nhận và sử dụng viện trợ PCPNN, đặc biệt chú trọng tới khía
cạnh tác động đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội của việc tiếp nhận
và sử dụng các khoản viện trợ PCPNN.
4. Theo dõi
và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật liên
quan tới việc tiếp nhận và sử dụng các khoản viện trợ PCPNN.
5. Thực hiện
việc quản lý nhập, xuất cảnh, cư trú, đi lại đối với người nước ngoài vào làm
việc trong các tổ chức PCPNN tại tỉnh Đồng Nai.
Điều 12. UBND các huyện, thị xã Long Khánh và TP. Biên Hòa
1. Đôn đốc,
kiểm tra, giám sát các đơn vị trực thuộc tiếp nhận và sử dụng viện trợ PCPNN
theo đúng các quy định hiện hành.
2. Tổng hợp
báo cáo định kỳ 06 tháng và cả năm và gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư về các khoản viện
trợ PCPNN thuộc địa bàn quản lý của huyện, thị xã và TP. Biên Hòa.
3. Tham gia
thẩm định các khoản viện trợ PCPNN thuộc địa bàn huyện, thị xã và TP. Biên Hòa
quản lý.
4. Hàng năm
xây dựng kế hoạch, chương trình và những nhu cầu kêu gọi hỗ trợ đầu tư, viện trợ
PCPNN gửi về Sở Ngoại vụ, Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 20 tháng 11 của năm.
Điều 13. Các sở, ngành liên quan
1. Đôn đốc,
kiểm tra, giám sát các đơn vị thuộc sở, ngành tiếp nhận và sử dụng viện trợ
PCPNN theo đúng các quy định hiện hành.
2. Tổng hợp
báo cáo định kỳ 06 tháng và cả năm và gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư về các khoản viện
trợ PCPNN thuộc ngành quản lý.
3. Tham gia
phối hợp thẩm định các khoản viện trợ PCPNN liên quan ngành quản lý.
4. Kho bạc
Nhà nước tỉnh, Ngân hàng Thương mại (nơi chủ chương trình, dự án hoặc phi dự án
sử dụng vốn viện trợ phi Chính phủ nước ngoài mở tài khoản) thực hiện cấp phát
theo quy định hiện hành và báo cáo kết quả giải ngân định kỳ tháng, quý, 06
tháng, năm.
Chương IV
CHẾ ĐỘ BÁO CÁO VIỆC THỰC
HIỆN VIỆN TRỢ PHI CHÍNH PHỦ NƯỚC NGOÀI
Điều 14. Chế độ báo cáo và mẫu biểu báo cáo
1. Chế độ báo
cáo:
- Báo cáo 06
tháng: Chậm nhất ngày 01 tháng 7 chủ khoản viện trợ, chủ dự án hoặc Ban Quản lý
chương trình, dự án viện trợ PCPNN gửi báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư để Sở Kế
hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 15
tháng 7 hàng năm.
- Báo cáo
năm: Chậm nhất ngày 10 tháng 01 của năm tiếp sau chủ khoản viện trợ, chủ dự án
hoặc Ban Quản lý chương trình, dự án viện trợ PCPNN gửi báo cáo về Sở Kế hoạch
và Đầu tư để Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu
tư trước ngày 31 tháng 01 năm tiếp theo.
2. Mẫu biểu
báo cáo (theo Thông tư 07/2010/TT-BKH):
- Báo cáo 06
tháng (Phụ lục 6.a).
- Báo cáo năm
(Phụ lục 6.b).
- Báo cáo kết
thúc chương trình, dự án (Phụ lục 6.c).
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Tổ chức thực hiện
1. Các sở,
ngành, địa phương đơn vị có sử dụng vốn viện trợ PCPNN có trách nhiệm nghiên cứu
kỹ các quy định sau đây để tổ chức thực hiện:
- Nghị định của
Chính phủ số 93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 ban hành quy chế quản lý
và sử dụng viện trợ phi Chính phủ nước ngoài.
- Thông tư số
07/2010/TT-BKH ngày 30 tháng 3 năm 2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thi
hành Nghị định số 93/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ.
- Thông tư số
225/2010/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ quản
lý tài chính Nhà nước đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn
thu ngân sách Nhà nước.
2. Đối với
các khoản viện trợ PCPNN đang thực hiện được phê duyệt theo Quyết định số
64/2001/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục triển
khai thực hiện theo quy định tại quy chế ban hành kèm theo Nghị định số
93/2009/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ.
3. Đối với
các khoản viện trợ PCPNN thực hiện dở dang thì tiếp tục thực hiện theo hồ sơ đã
phê duyệt trước đây, không phải trình duyệt lại hồ sơ theo quy định tại Quyết định
này. Đối với các khoản viện trợ PCPNN đang trong quá trình nghiên cứu, đề xuất,
đàm phán thì phải thực hiện quy trình thẩm định hồ sơ theo quy định tại Nghị định
số 93/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ, Thông tư số 07/2010/TT-BKH ngày
30/3/2010 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thông tư số 225/2010/TT-BTC ngày
31/12/2010 của Bộ Tài chính và quy định của UBND tỉnh tại Quyết định này.
4. Trong quá
trình thực hiện nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc các đơn vị phản ánh bằng
văn bản về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử
lý./.