BỘ NỘI VỤ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 296/QĐ-BNV
|
Hà Nội, ngày 14
tháng 4 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC CÔNG NHẬN ĐIỀU LỆ QUỸ (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG) QUỸ HOA MẶT TRỜI
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
Căn cứ Nghị định số 34/2017/NĐ-CP ngày 03 tháng
4 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25 tháng
11 năm 2019 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ
thiện;
Theo đề nghị của Hội đồng quản lý Quỹ Hoa Mặt trời
và Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Công nhận Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Quỹ Hoa Mặt trời ban
hành kèm theo Quyết định này. Điều lệ này thay thế Điều lệ được công nhận kèm
theo Quyết định số 2280/QĐ-BNV ngày 25/7/2017 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Hoa Mặt trời, Vụ trưởng Vụ Tổ
chức phi chính phủ và Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng Bộ Nội vụ (để b/c);
- Bộ Công an;
- Bộ Tài chính;
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Lưu; VT, TCPCP, TT, TNT.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Vũ Chiến Thắng
|
ĐIỀU LỆ (SỬA ĐỔI, BỔ SUNG) QUỸ HOA MẶT TRỜI
(Được công nhận
kèm theo Quyết định số: 296/QĐ-BNV ngày 14/4/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Tên gọi, biểu tượng,
trụ sở
1. Tên gọi:
a) Tên tiếng Việt: Quỹ Hoa Mặt trời;
b) Tên tiếng Anh: Sun Flower Foundation;
c) Tên viết tắt: SFF
2. Quỹ Hoa Mặt trời có biểu tượng (logo) riêng được
đăng ký bản quyền theo quy định của pháp luật.
3. Trụ sở chính của Quỹ tại tầng 9, tòa nhà Sun
City, số 13, phố Hai Bà Trưng, phường Tràng Tiền, thành phố Hà Nội.
Điều 2 . Tôn chỉ, mục đích
Quỹ Hoa Mặt trời (sau đây gọi tắt là Quỹ) là quỹ từ
thiện hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, nhằm mục đích hỗ trợ các công dân
Việt Nam, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế và các đối tượng khác bị ảnh
hưởng do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn cần sự trợ giúp của xã hội để
vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.
Điều 3. Nguyên tắc, phạm vi
hoạt động và địa vị pháp lý
1. Quỹ được hình thành từ nguồn vốn đóng góp ban đầu
của sáng lập viên và tự tạo vốn trên cơ sở vận động quyên góp, tiếp nhận tài trợ,
các khoản đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy
định của pháp luật Việt Nam để thực hiện các hoạt động theo đúng Điều lệ Quỹ.
2. Quỹ hoạt động theo nguyên tắc:
a) Không vì mục đích lợi nhuận;
b) Tự nguyện, tự tạo vốn, tự trang trải kinh phí và
tự chịu trách nhiệm trước pháp luật bằng tài sản của Quỹ;
c) Công khai, minh bạch về thu, chi, tài chính, tài
sản của Quỹ;
d) Quỹ hoạt động theo Điều lệ được Bộ trưởng Bộ Nội
vụ công nhận, tuân thủ pháp luật, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ và các
bộ, ngành liên quan về lĩnh vực Quỹ hoạt động theo quy định của pháp luật;
đ) Không phân chia tài sản của Quỹ trong quá trình
Quỹ đang hoạt động.
3. Quỹ hoạt động trong phạm vi toàn quốc.
4. Quỹ có tư cách pháp nhân, có con dấu, có tài khoản
riêng tại ngân hàng theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Sáng lập viên thành lập
Quỹ
Quỹ có 03 (ba) thành viên sáng lập Quỹ gồm:
1. Ông Trần Khanh
a) Sinh ngày: 14/04/1969; Dân tộc: Kinh; Quốc tịch:
Việt Nam;
b) Chứng minh thư nhân dân số: 011805058 do Công an
thành phố Hà Nội cấp ngày 24/02/2011;
c) Hộ khẩu thường trú: Số 21, Ngõ 333 Phố Vọng, phường
Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội;
d) Chỗ ở hiện nay: Phòng 1617 - 1618, T2 Khu đô thị
Times City, 458 đường Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, Quận Hai Bà Trưng, thành phố
Hà Nội;
2. Bà Nguyễn Minh Trang
a) Sinh ngày: 08/11/1983; Dân tộc: Kinh; Quốc tịch:
Việt Nam;
b) Chứng minh thư nhân dân số: 012128958 do Công an
Thành phố Hà Nội cấp ngày 03/5/2006;
c) Hộ khẩu thường trú: Số 55, Ngõ Văn Chương, Phường
Văn Chương, Quận Đống Đa, thành phố Hà Nội;
d) Chỗ ở hiện nay: Phòng A2306, Chung cư Hoàng Anh
Gia Lai, 72 đường Hàm Nghi, phường Thạc Gián, Quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng;
3. Ông Nguyễn Việt Sơn
a) Sinh ngày: 13/12/1976; Dân tộc: Kinh; Quốc tịch:
Việt Nam;
b) Chứng minh thư nhân dân số: 011825802 do Công an
Thành phố Hà Nội cấp ngày 02/5/2007;
c) Địa chỉ thường trú: Phòng 205, nhà E6, Tập thể
Quỳnh Mai, phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội;
d) Chỗ ở hiện tại: Phòng 205, nhà E6, Tập thể Quỳnh
Mai, phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội;
Chương II
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ; QUYỀN
HẠN VÀ NGHĨA VỤ
Điều 5. Chức năng, nhiệm vụ
1. Sử dụng nguồn vốn của Quỹ để hỗ trợ cho các đối
tượng, các chương trình, dự án phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Quỹ và quy định
của pháp luật.
2. Tiếp nhận và quản lý tài sản được tài trợ, viện
trợ theo ủy quyền từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của
pháp luật để thực hiện các hoạt động theo hợp đồng ủy quyền phù hợp với tôn chỉ,
mục đích của Quỹ và quy định của pháp luật.
3. Tiếp nhận tài sản từ các tổ chức, cá nhân trong
và ngoài nước tài trợ, hiến, tặng hoặc bằng các hình thức khác theo quy định của
pháp luật để tạo nguồn vốn của Quỹ.
Điều 6. Quyền hạn và nghĩa vụ
1. Tổ chức, hoạt động theo Điều lệ đã được Bộ Nội vụ
công nhận và các quy định của pháp luật có liên quan.
2. Quỹ hoạt động thuộc lĩnh vực nào phải chịu sự quản
lý nhà nước của cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực đó.
3. Vận động quyên góp, tài trợ cho Quỹ; tiếp nhận
tài sản do các cá nhân, tổ chức trong nước và ngoài nước tài trợ, hiến tặng hoặc
bằng các hình thức khác theo đúng tôn chỉ, mục đích của Quỹ và quy định của
pháp luật.
4. Thực hiện tài trợ đúng theo sự ủy quyền của cá
nhân, tổ chức đã ủy quyền và tôn chỉ, mục đích của Quỹ.
5. Được thành lập pháp nhân trực thuộc theo quy định
của pháp luật; tổ chức các hoạt động theo quy định của pháp luật để bảo tồn và
tăng trưởng tài sản Quỹ.
6. Lưu trữ và có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ,
các chứng từ, tài liệu về tài sản, tài chính của Quỹ; nghị quyết, biên bản về
các hoạt động của Quỹ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp
luật.
7. Sử dụng tài sản, tài chính tiết kiệm và hiệu quả
theo đúng tôn chỉ, mục đích của Quỹ; nộp thuế, phí, lệ phí và thực hiện chế độ
kế toán, kiểm toán, thống kê theo quy định của pháp luật.
8. Được quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của
pháp luật và chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước, các tổ
chức, cá nhân tài trợ và cộng đồng theo quy định của pháp luật. Giải quyết khiếu
nại, tố cáo trong nội bộ Quỹ theo quy định pháp luật, Điều lệ Quỹ và báo cáo kết
quả giải quyết với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
9. Hàng năm, Quỹ phải báo cáo tình hình tổ chức, hoạt
động và tài chính với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, cơ quan quản lý về ngành, lĩnh vực
hoạt động của Quỹ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi Quỹ đặt trụ sở trước ngày 31
tháng 12; Quỹ thực hiện công khai các khoản đóng góp của Quỹ trước ngày 31
tháng 3.
10. Quỹ được quan hệ với cá nhân, tổ chức để vận động
quyên góp, vận động tài trợ cho Quỹ hoặc cho các đề án, dự án cụ thể của Quỹ
theo quy định của pháp luật.
11. Được quan hệ với các địa phương, tổ chức, cá
nhân cần sự trợ giúp để xây dựng các đề án, đề tài, dự án tài trợ theo tôn chỉ,
mục đích hoạt động của Quỹ.
12. Khi thay đổi trụ sở chính hoặc Giám đốc Quỹ, Quỹ
phải báo cáo bàng văn bản với Bộ Nội vụ.
13. Thực hiện các quyền và nghĩa vụ khác theo quy định
của pháp luật.
Chương III
TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG
Điều 7. Cơ cấu tổ chức
1. Hội đồng quản lý Quỹ.
2. Ban Kiểm soát Quỹ.
3. Giám đốc, Phó Giám đốc Quỹ.
4. Văn phòng, các phòng ban chuyên môn và bộ phận kế
toán, pháp nhân trực thuộc, chi nhánh hoặc văn phòng đại diện.
Điều 8. Hội đồng quản lý Quỹ
1. Hội đồng quản lý Quỹ là cơ quan quản lý của Quỹ,
nhân danh Quỹ để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Quỹ. Hội đồng
quản lý Quỹ có ít nhất 03 (ba) thành viên trong đó số lượng thành viên Hội đồng
quản lý Quỹ là công dân Việt Nam tối thiểu 51% do sáng lập viên đề cử; trường hợp
không có đề cử của sáng lập viên thành lập Quỹ, Hội đồng quản lý Quỹ nhiệm kỳ
trước bầu ra Hội đồng quản lý Quỹ nhiệm kỳ tiếp theo và được Bộ trưởng Bộ Nội vụ
công nhận. Nhiệm kỳ của Hội đồng quản lý Quỹ là 05 (năm) năm. Hội đồng quản lý
Quỹ gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên.
2. Hội đồng quản lý Quỹ có nhiệm vụ và quyền hạn
sau đây:
a) Quyết định chiến lược phát triển, kế hoạch hoạt
động hàng năm của Quỹ;
b) Quyết định các giải pháp phát triển Quỹ; thông
qua hợp đồng vay, mua, bán tài sản và các giao dịch khác có giá trị từ
500.000.000 Việt Nam đồng (năm trăm triệu đồng Việt Nam) trở lên;
c) Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch,
thành viên Hội đồng quản lý Quỹ; quyết định thành lập Ban Kiểm soát Quỹ; quyết
định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc Quỹ hoặc ký và chấm dứt hợp đồng
đối với Giám đốc Quỹ trong trường hợp Giám đốc là người do Quỹ thuê; quyết định
người phụ trách công tác kế toán và người quản lý khác quy định tại Điều lệ Quỹ;
d) Quyết định mức lương, thưởng, các chế độ, chính
sách đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản lý Quỹ, Giám đốc,
người phụ trách kế toán Quỹ, người làm việc tại Quỹ theo quy định Điều lệ Quỹ
và quy định của pháp luật;
đ) Thông qua báo cáo tài chính hàng năm và phương
án sử dụng tài sản, tài chính Quỹ;
e) Quyết định cơ cấu tổ chức quản lý Quỹ theo quy định
của pháp luật và Điều lệ Quỹ;
g) Quyết định thành lập pháp nhân trực thuộc Quỹ,
thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại diện Quỹ theo quy định của pháp luật;
h) Đổi tên, sửa đổi, bổ sung Điều lệ Quỹ (nếu có);
i) Quyết định giải thể hoặc đề xuất thay đổi về Giấy
phép thành lập và Điều lệ Quỹ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
k) Trong thời hạn 60 (sáu mươi) ngày kể từ ngày có
Quyết định công nhận Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) thì Hội đồng quản lý Quỹ chịu
trách nhiệm rà soát, xây dựng, ban hành: quy định về quản lý và sử dụng tài sản,
tài chính, nguồn thu, các định mức chi tiêu của Quỹ; quy định công tác khen thưởng,
kỷ luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong nội bộ Quỹ; quy định về thời gian
làm việc, việc sử dụng lao động và sử dụng con dấu của Quỹ; quy định cụ thể việc
bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, thành viên Hội đồng quản lý
và quy chế làm việc của Hội đồng quản lý Quỹ, Ban Kiểm soát Quỹ; quy định cụ thể
việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động đối
với Giám đốc Quỹ;
l) Các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của
pháp luật (nếu có).
3. Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ:
a) Cuộc họp của Hội đồng quản lý Quỹ do Chủ tịch Hội
đồng quản lý Quỹ triệu tập và chủ trì. Hội đồng quản lý Quỹ họp định kỳ 01 (một)
năm 03 (ba) lần, có thể họp bất thường theo yêu cầu của trên 1/2 (một phần hai)
số thành viên Hội đồng quản lý Quỹ hoặc theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng quản
lý Quỹ. Cuộc họp của Hội đồng quản lý Quỹ được coi là hợp lệ khi có trên 1/2 (một
phần hai) số thành viên Hội quản lý Quỹ tham gia. Việc triệu tập cuộc họp Hội đồng
quản lý Quỹ phải được thông báo đến toàn thể thành viên Hội đồng quản lý Quỹ
trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc trường hợp họp bất thường phải thông báo
trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc;
b) Mỗi thành viên Hội đồng quản lý Quỹ có một phiếu
biểu quyết. Trong trường hợp số thành viên có mặt tại cuộc họp không đầy đủ,
người chủ trì cuộc họp Hội đồng quản lý Quỹ xin ý kiến bằng văn bản, ý kiến bằng
văn bản của thành viên vắng mặt có giá trị như ý kiến của thành viên có mặt tại
cuộc họp.
c) Giữa hai kỳ họp, Hội đồng quản lý Quỹ có thể biểu
quyết hoặc quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản lý Quỹ
thông qua việc lấy ý kiến các thành viên bằng văn bản;
d) Các quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ được
thông qua khi có trên 1/2 (một phần hai) thành viên Hội đồng quản lý Quỹ biểu
quyết tán thành.
Điều 9. Chủ tịch Hội đồng quản
lý Quỹ
1. Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ là công dân Việt
Nam do Hội đồng quản lý Quỹ bầu và là người đại diện theo pháp luật của Quỹ. Chủ
tịch Hội đồng quản lý Quỹ có thể kiêm Giám đốc Quỹ. Nhiệm kỳ của Chủ tịch Hội đồng
quản lý Quỹ không quá 05 (năm) năm. Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ có thể được
bâu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Trường hợp Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ
kiêm Giám đốc Quỹ thì phải ghi rõ trong các giấy tờ giao dịch của Quỹ.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng quản
lý Quỹ:
a) Chuẩn bị hoặc tổ chức việc chuẩn bị chương
trình, kế hoạch hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ;
b) Chuẩn bị hoặc tổ chức việc chuẩn bị chương
trình, nội dung, tài liệu họp Hội đồng quản lý Quỹ hoặc để lấy ý kiến các thành
viên Hội đồng quản lý Quỹ;
c) Triệu tập và chủ trì cuộc họp Hội đồng quản lý
Quỹ hoặc tổ chức việc lấy ý kiến các thành viên Hội đồng quản lý Quỹ;
d) Giám sát hoặc tổ chức giám sát việc thực hiện
các quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ;
đ) Thay mặt Hội đồng quản lý Quỹ ký các quyết định
của Hội đồng quản lý Quỹ.
e) Các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định của
pháp luật (nếu có).
3. Trường hợp vắng mặt thì Chủ tịch Hội đồng quản
lý Quỹ ủy quyền bằng văn bản cho Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ thực hiện
nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ.
Điều 10. Phó Chủ tịch Hội đồng
quản lý Quỹ
1. Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ do Hội đồng quản
lý Quỹ bầu và có nhiệm kỳ cùng với nhiệm kỳ của Hội đồng quản lý Quỹ.
2. Phó Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ có nhiệm vụ
giúp Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ điều hành các hoạt động của Quỹ theo sự phân
công của Hội đồng quản lý Quỹ và thực hiện các nhiệm vụ theo sự ủy quyền của Chủ
tịch Hội đồng quản lý Quỹ.
Điều 11. Ban Kiểm soát Quỹ
1. Ban kiểm soát Quỹ do Chủ tịch Hội đồng quản lý
Quỹ quyết định thành lập theo Nghị quyết của Hội đồng quản lý Quỹ. Ban Kiểm
soát có ít nhất 03 (ba) thành viên, gồm: Trưởng ban, Phó Trưởng ban và Ủy viên.
Ban Kiểm soát Quỹ có cùng nhiệm kỳ với Hội đồng quản lý Quỹ.
2. Ban kiểm soát Quỹ hoạt động độc lập và có nhiệm
vụ sau:
a) Kiểm tra, giám sát hoạt động của Quỹ theo Điều lệ
và các quy định của pháp luật;
b) Báo cáo, kiến nghị với Hội đồng quản lý Quỹ về kết
quả kiểm tra, giám sát và tình hình tài chính, tài sản của Quỹ.
c) Báo cáo, kiến nghị Hội đồng quản lý Quỹ việc giải
quyết tranh chấp trong nội bộ Quỹ theo quy định của Điều lệ Quỹ; giải quyết
đơn, thư, phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân, tổ chức gửi đến
Quỹ.
3. Tiêu chuẩn thành viên Ban kiểm soát Quỹ: Người
có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; có sức khỏe, am hiểu
pháp luật về quỹ từ thiện. Những người thuộc trường hợp sau đây không được làm
thành viên Ban kiểm soát Quỹ:
a) Thành viên Ban sáng lập Quỹ;
b) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc
đang chấp hành hình phạt tù hoặc bị tòa án tước quyền hành nghề vi phạm các tội
buôn lậu, làm hàng giả, buôn bán hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế, lừa
dối khách hàng và các tội khác theo quy định của pháp luật.
Điều 12. Giám đốc, Phó Giám đốc
Quỹ
1. Giám đốc Quỹ do Hội đồng quản lý Quỹ bổ nhiệm
trong số thành viên Hội đồng quản lý Quỹ hoặc thuê người khác làm Giám đốc Quỹ.
2. Giám đốc Quỹ là người điều hành công việc hằng
ngày của Quỹ, chịu sự giám sát của Hội đồng quản lý Quỹ, chịu trách nhiệm trước
Hội đồng quản lý Quỹ và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nhiệm vụ
được giao. Nhiệm kỳ của Giám đốc Quỹ không quá 05 (năm) năm, có thể được bổ nhiệm
lại với số nhiệm kỳ không hạn chế.
3. Giám đốc Quỹ có các nhiệm vụ và quyền hạn sau
đây:
a) Điều hành và quản lý các hoạt động của Quỹ, chấp
hành các định mức chi tiêu của Quỹ theo đúng nghị quyết của Hội đồng quản lý,
Điều lệ Quỹ và các quy định của pháp luật;
b) Ban hành các văn bản thuộc trách nhiệm điều hành
của Giám đốc và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình;
c) Báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động của Quỹ với
Hội đồng quản lý Quỹ và cơ quan có thẩm quyền;
d) Chịu trách nhiệm quản lý tài sản của Quỹ theo Điều
lệ Quỹ và các quy định của pháp luật về quản lý tài chính, tài sản;
đ) Đề nghị Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ bổ nhiệm
Phó Giám đốc và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc;
e) Thông qua hợp đồng vay, mua, bán tài sản và các
hợp đồng khác của Quỹ có giá trị dưới 500.000.000 Việt Nam đồng (năm trăm triệu
đồng Việt Nam) theo quyết định của Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ;
g) Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của
Điều lệ Quỹ và quyết định của Hội đồng quản lý Quỹ.
4. Phó Giám đốc Quỹ do Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ
bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Quỹ. Phó Giám đốc Quỹ giúp Giám đốc Quỹ điều
hành một số hoạt động theo sự phân công, ủy quyền của Giám đốc Quỹ.
Điều 13. Phụ trách kế toán của
Quỹ
1. Người phụ trách kế toán Quỹ do Hội đồng quản lý
Quỹ bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm theo đề nghị của Giám đốc Quỹ và thực hiện tiêu chuẩn,
điều kiện bổ nhiệm, bãi miễn, thay thế phụ trách kế toán theo quy định về pháp
luật kế toán.
2. Người được giao phụ trách kế toán của Quỹ có
trách nhiệm giúp Giám đốc Quỹ tổ chức, thực hiện công tác kế toán, thống kê của
Quỹ theo quy định của pháp luật.
3. Không được bổ nhiệm người phụ trách kế toán thuộc
trường hợp những người không được làm kế toán theo quy định của pháp luật về kế
toán.
4. Trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải
thể Quỹ hoặc trường hợp phụ trách kế toán của Quỹ chuyển công tác khác thì người
phụ trách kế toán của Quỹ phải hoàn thành việc quyết toán trước khi sáp nhập, hợp
nhất, chia, tách, giải thể Quỹ hoặc nhận công tác khác và vẫn phải chịu trách
nhiệm về các số liệu, báo cáo kế toán trong giai đoạn mình phụ trách cho đến
khi bàn giao xong công việc cho người khác.
Điều 14. Văn phòng, ban chuyên
môn
1. Văn phòng Quỹ có nhiệm vụ tham mưu, thực hiện
các hoạt động của Quỹ; điều phối các hoạt động, công tác hành chính và các nhiệm
vụ khác của Quỹ.
2. Trong quá trình hoạt động, Hội đồng quản lý Quỹ
xem xét, quyết định thành lập các phòng ban chuyên môn có nhiệm vụ tham mưu,
giúp Quỹ vận động, quyên góp, tài trợ, hỗ trợ, thực hiện các hoạt động của Quỹ
theo quy định của pháp luật và Điều lệ Quỹ.
Điều 15. Pháp nhân trực thuộc,
Chi nhánh hoặc văn phòng đại diện
1. Quỹ có thể thành lập pháp nhân trực thuộc Quỹ
theo quy định của pháp luật để triển khai thực hiện các hoạt động của Quỹ. Hội
đồng quản lý Quỹ quyết định thành lập pháp nhân trực thuộc theo đề nghị của Chủ
tịch Hội đồng quản lý Quỹ.
2. Quỹ được thành lập chi nhánh hoặc văn phòng đại
diện ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với đặt trụ sở chính của
Quỹ và gửi 01 (một) bộ hồ sơ thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho
phép thành lập Quỹ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi Quỹ đặt chi nhánh hoặc văn
phòng đại diện.
3. Chi nhánh hoặc văn phòng đại diện là đơn vị phụ
thuộc của Quỹ; hoạt động theo quy định của pháp luật và Điều lệ Quỹ. Quỹ chịu
trách nhiệm về hoạt động của chi nhánh hoặc văn phòng đại diện.
4. Hoạt động của chi nhánh hoặc văn phòng đại diện
của Quỹ chịu sự quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi Quỹ đặt chi
nhánh hoặc văn phòng đại diện.
Chương IV
VẬN ĐỘNG QUYÊN GÓP, TIẾP
NHẬN TÀI TRỢ, ĐỐI TƯỢNG VÀ ĐIỀU KIỆN HỖ TRỢ
Điều 16. Vận động quyên góp,
tiếp nhận tài trợ
1. Quỹ được vận động quyên góp, vận động tài trợ
trong nước và ngoài nước nhằm thực hiện mục đích hoạt động theo quy định của Điều
lệ Quỹ và theo quy định của pháp luật.
2. Các khoản vận động quyên góp, tài trợ của các cá
nhân, tổ chức trong và ngoài nước cho Quỹ phải được nộp ngay vào Quỹ theo đúng
quy định hiện hành, đồng thời công khai thông tin trên phương tiện thông tin đại
chúng để công chúng và các nhà tài trợ có điều kiện kiểm tra, giám sát.
3. Việc tổ chức vận động đóng góp hỗ trợ khắc phục
khó khăn chỉ thực hiện khi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng làm
thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân. Hội đồng quản lý Quỹ quyết định
tổ chức vận động đóng góp và thực hiện hỗ trợ theo hướng dẫn của Ủy ban Trung
ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
4. Đối với những khoản tài trợ có mục đích, mục
tiêu phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật có liên quan, tôn chỉ, mục
đích của Quỹ và yêu cầu của nhà tài trợ.
Điều 17. Nguyên tắc vận động
quyên góp, tiếp nhận tài trợ
1. Việc vận động tài trợ, vận động quyên góp tiền,
hiện vật, công sức của cá nhân, tổ chức phải trên cơ sở tự nguyện, Quỹ không tự
đặt ra mức huy động đóng góp tối thiểu để buộc cá nhân, tổ chức thực hiện.
2. Việc quyên góp, tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền,
hiện vật từ cá nhân, tổ chức đóng góp cho Quỹ phải công khai, minh bạch và phải
chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát theo quy định của pháp luật.
3. Nội dung vận động quyên góp, tiếp nhận tài trợ
phải công khai, minh bạch, bao gồm: mục đích vận động quyên góp, tài trợ; kết
quả vận động quyên góp, tài trợ; việc sử dụng, kết quả sử dụng và báo cáo quyết
toán.
4. Hình thức công khai bao gồm:
a) Niêm yết công khai tại trụ sở Quỹ, nơi tiếp nhận
quyên góp, tài trợ, trên trang thông tin điện tử/website của Quỹ (nếu có) và
thông báo cho nơi nhận hỗ trợ.
b) Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng.
c) Cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ
chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Điều 18. Đối tượng, điều kiện
nhận hỗ trợ, tài trợ
1. Đối tượng nhận hỗ trợ, tài trợ:
a) Hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn cần sự giúp đỡ
vươn lên trong cuộc sống;
b) Công dân Việt Nam là người nghèo, người khuyết tật,
trẻ em mồ côi, người mắc bệnh hiểm nghèo và các trường hợp khác cần sự trợ giúp
của xã hội.
c) Địa phương, tổ chức Việt Nam và công dân Việt
Nam bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, tai nạn.
d) Tổ chức Việt Nam được thành lập theo quy định của
pháp luật thực hiện các chương trình, dự án hoạt động từ thiện phù hợp với tôn
chỉ, mục đích của Quỹ hoặc thuộc các chương trình, hoạt động từ thiện do Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam kêu gọi, vận động.
2. Hình thức hỗ trợ, tài trợ:
a) Hỗ trợ, tài trợ kinh phí trong đó có kinh phí
chăm sóc, trợ cấp, nuôi dưỡng và khám chữa bệnh.
b) Hỗ trợ, tài trợ kinh phí để cung cấp trang thiết
bị làm việc, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất khác; hỗ trợ tạo việc làm và
trợ cấp cuộc sống.
c) Hỗ trợ với các hình thức khác nhau theo trường hợp
cụ thể do Hội đồng quản lý Quỹ xem xét và phù hợp với quy định của pháp luật.
3. Điều kiện nhận hỗ trợ, tài trợ và thủ tục: Hội đồng
quản lý Quỹ quy định cụ thể về điều kiện nhận hỗ trợ, tài trợ từ Quỹ; thủ tục
nhận hỗ trợ, tài trợ phù hợp quy định của pháp luật và Điều lệ này.
4. Căn cứ tình hình thực tiễn, khả năng tài chính của
Quỹ và trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Quỹ, Hội đồng quản lý Quỹ sẽ lựa chọn
hình thức hỗ trợ, tài trợ phù hợp quy định của pháp luật và Điều lệ này.
Chương V
QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG TÀI
CHÍNH, TÀI SẢN
Điều 19. Nguồn thu của Quỹ
1. Thu từ đóng góp tự nguyện, tài trợ hợp pháp của
tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật. Nguồn thu của
Quỹ không bao gồm nguồn tài sản của các sáng lập viên đóng góp thành lập Quỹ.
2. Thu từ các hoạt động dịch cung cấp dịch vụ hoặc
các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.
3. Thu từ tiền lãi gửi, lãi trái phiếu Chính phủ.
4. Các khoản thu hợp pháp khác (nếu có).
Điều 20. Sử dụng Quỹ
1. Chi hỗ trợ, tài trợ cho các đối tượng quy định tại
Điều 18 Điều lệ này theo các hình thức hỗ trợ, tài trợ phù hợp
Điều lệ Quỹ và quy định của pháp luật.
2. Việc tiếp nhận, sử dụng viện trợ từ tổ chức phi
chính phủ nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng
viện trợ phi chính phủ nước ngoài và các văn bản liên quan.
3. Chi cho hoạt động quản lý Quỹ.
4. Mua trái phiếu Chính phủ, gửi tiết kiệm đối với
nguồn vốn nhàn rỗi của Quỹ.
5. Nguồn vốn tài trợ, hỗ trợ khác (nếu có): Sử dụng
theo yêu cầu của Nhà tài trợ trên cơ sở quy định của Điều lệ Quỹ và quy định của
pháp luật, đảm bảo công khai, minh bạch và hợp pháp.
6. Chi thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ hoặc
các hoạt động khác phù hợp với quy định của pháp luật và Điều lệ Quỹ.
Điều 21. Nội dung chi cho hoạt
động quản lý Quỹ
1. Nội dung chi hoạt động quản lý Quỹ bao gồm:
a) Chi tiền lương và các khoản phụ cấp cho bộ máy
quản lý Quỹ;
b) Chi bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo
hiểm y tế và các khoản đóng góp theo quy định;
c) Chi thuê trụ sở làm việc (nếu có);
d) Chi mua sắm, sửa chữa vật tư văn phòng, tài sản
phục vụ hoạt động của Quỹ;
đ) Chi thanh toán dịch vụ công cộng phục vụ hoạt động
của Quỹ;
e) Chi các khoản công tác phí phát sinh khi đi làm
các nhiệm vụ vận động, tiếp nhận, vận chuyển, phân phối tiền, hàng cứu trợ.
g) Các khoản chi khác có liên quan đến hoạt động của
Quỹ.
2. Định mức chi hoạt động quản lý Quỹ:
a) Hội đồng quản lý Quỹ quy định cụ thể tỷ lệ chi
cho hoạt động quản lý Quỹ, không quá 5% (năm phần trăm) tổng thu hàng năm của
Quỹ (không bao gồm các khoản: tài trợ bằng hiện vật, tài trợ Nhà nước để thực
hiện các dịch vụ công, đề tài nghiên cứu khoa học, các chương trình mục tiêu, đề
án do Nhà nước đặt hàng và các khoản tài trợ có số tiền, địa chỉ của người nhận)
b) Trường hợp nhu cầu chi thực tế cho hoạt động quản
lý Quỹ vượt quá năm phần trăm (5%) tổng thu hàng năm của Quỹ thì Hội đồng quản
lý Quỹ quy định mức chi nhưng tối đa không vượt quá 10% tổng thu hàng năm của
Quỹ;
c) Trường hợp chi phí quản lý của Quỹ đến cuối năm
không sử dụng hết được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng theo quy định.
Điều 22. Quản lý tài chính,
tài sản của Quỹ
1. Hội đồng quản lý ban hành các quy định về quản
lý và sử dụng tài sản, tài chính, nguồn thu, các định mức chi tiêu của Quỹ; phê
Thống nhất tỷ lệ chi cho hoạt động quản lý Quỹ, chuẩn y kế hoạch tài chính và
xét Thống nhất quyết toán tài chính hàng năm của Quỹ.
2. Ban Kiểm soát Quỹ có trách nhiệm kiểm tra, giám
sát hoạt động của Quỹ và báo cáo, kiến nghị với Hội đồng quản lý về tình hình
tài sản, tài chính của Quỹ.
3. Giám đốc Quỹ chấp hành các quy định về quản lý
và sử dụng tài sản, tài chính, nguồn thu, các định mức chi tiêu của Quỹ theo
đúng nghị quyết của Hội đồng quản lý Quỹ trên cơ sở nhiệm vụ đã được Hội đồng
quản lý Quỹ thông qua; không được sử dụng tài sản, tài chính Quỹ vào các hoạt động
khác ngoài tôn chỉ, mục đích của Quỹ.
4. Hội đồng quản lý Quỹ và Giám đốc Quỹ có trách
nhiệm công khai tình hình tài sản, tài chính Quỹ hàng quý, năm theo các nội
dung sau:
a) Danh sách, số tiền, hiện vật đóng góp, tài trợ, ủng
hộ của các tổ chức, cá nhân cho Quỹ;
b) Danh sách, số tiền, hiện vật tổ chức, cá nhân được
nhận từ Quỹ;
c) Báo cáo tình hình tài sản, tài chính và quyết
toán quý, năm của Quỹ theo từng nội dung thu, chi theo Luật Kế toán và các văn
bản hướng dẫn thực hiện.
5. Quỹ phải thực hiện công khai báo cáo tài chính,
báo cáo quyết toán Quỹ và kết luận của kiểm toán (nếu có) trên phương tiện
thông tin đại chúng hàng năm theo quy định pháp luật hiện hành, dưới các hình
thức sau:
a) Niêm yết công khai tại trụ sở Quỹ hoặc nơi tiếp
nhận quyên góp và nơi nhận tài trợ;
b) Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng;
c) Cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ
chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
6. Đối với các khoản chi theo từng đợt vận động, việc
báo cáo kết quả đợt vận động, cứu trợ được thực hiện theo quy định hiện hành về
vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ
nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm
nghèo.
7. Quỹ thực hiện công khai báo cáo tài chính và báo
cáo quyết toán Quỹ và kết luận của kiểm toán (nếu có) trên phương tiện thông
tin đại chúng hàng năm theo quy định hiện hành.
Điều 23. Xử lý tài sản của Quỹ
khi hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, đình chỉ hoạt động có thời hạn và giải thể
1. Trường hợp Quỹ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền
cho phép sáp nhập, hợp nhất, chia, tách thì toàn bộ tiền và tài sản của Quỹ phải
được tiến hành kiểm kê đầy đủ, kịp thời và có biên bản kiểm kê trước khi sáp nhập,
hợp nhất, chia, tách; tuyệt đối không được phân chia tài sản của Quỹ. Tiền và
tài sản của Quỹ mới được sáp nhập, hợp nhất phải bằng với tổng số tiền và tài sản
của các Quỹ trước khi sáp nhập, hợp nhất theo biên bản kiểm kê tiền và tài sản.
Tổng số tiền và tài sản của các Quỹ mới được chia, tách phải bằng với số tiền
và tài sản của Quỹ trước khi chia, tách theo biên bản kiểm kê tiền và tài sản.
2. Trường hợp Quỹ bị đình chỉ hoạt động có thời hạn
thì toàn bộ tiền và tài sản của Quỹ phải được kiểm kê và giữ nguyên hiện trạng
tài sản. Trong thời gian bị đình chỉ hoạt động có thời hạn, Quỹ chỉ được chi
các khoản có tính chất thường xuyên cho bộ máy hoạt động đến khi có quyết định
của cấp có thẩm quyền.
3. Trường hợp Quỹ bị giải thể, không được phân chia
tài sản của Quỹ. Việc bán, thanh lý tài sản của Quỹ thực hiện theo quy định của
pháp luật có liên quan.
4. Toàn bộ số tiền hiện có của Quỹ và tiền thu được
do bán, thanh lý tài sản của Quỹ khi giải thể được sử dụng vào việc thanh toán
các khoản nợ, theo thứ tự ưu tiên sau đây:
a) Tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm thất nghiệp, bảo
hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các quyền lợi khác của người lao động, hợp đồng
lao động đã ký kết;
b) Nợ thuế và các khoản phải trả khác.
5. Sau khi thanh toán các khoản nợ và chi phí giải
thể, số tiền và tài sản còn lại của Quỹ (nếu có) được giải quyết theo quy định
của pháp luật.
Chương VI
HỢP NHẤT, SÁP NHẬP,
CHIA, TÁCH, ĐỔI TÊN; ĐÌNH CHỈ HOẠT ĐỘNG CÓ THỜI HẠN VÀ GIẢI THỂ QUỸ
Điều 24. Hợp nhất, sáp nhập,
chia, tách, đổi tên Quỹ
1. Việc hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, đổi tên Quỹ
thực hiện theo quy định tại Điều 39, Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25 tháng
11 năm 2019 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
2. Hội đồng quản lý quỹ có trách nhiệm tổ chức thực
hiện quyết định hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, đổi tên Quỹ theo quy định của
pháp luật và Điều lệ Quỹ
Điều 25. Đình chỉ có thời hạn
hoạt động của Quỹ
Việc đình chỉ có thời hạn hoạt động của Quỹ thực hiện
theo quy định tại Điều 40 Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25 tháng 11 năm 2019
của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
Điều 26. Giải thể Quỹ
1. Việc giải thể Quỹ thực hiện theo quy định tại Điều
41, Nghị định số 93/2019/NĐ-CP ngày 25 tháng 11 năm 2019 của Chính phủ về tổ chức,
hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
2. Hội đồng quản lý Quỹ có trách nhiệm tổ chức thực
hiện quyết định giải thể Quỹ theo quy định của pháp luật.
Chương VII
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT
Điều 27. Khen thưởng
1. Tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp cho hoạt động
của Quỹ sẽ được Hội đồng quản lý Quỹ khen thưởng hoặc được Hội đồng quản lý Quỹ
đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng theo quy định của pháp luật.
2. Hội đồng quản lý Quỹ quy định cụ thể hình thức,
thẩm quyền, trình tự xét khen thưởng trong nội bộ Quỹ phù hợp Điều lệ này và
quy định của pháp luật.
Điều 28. Kỷ luật
1. Tổ chức thuộc Quỹ, những người làm việc tại Quỹ
vi phạm Điều lệ Quỹ, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc
truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật. Nếu gây thiệt hại vật chất
phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Hội đồng quản lý Quỹ quy định cụ thể hình thức,
thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, xét kỷ luật trong nội bộ Quỹ
phù hợp Điều lệ này và quy định của pháp luật.
Chương VIII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 29. Sửa đổi, bổ sung Điều
lệ
Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Quỹ phải được ít nhất
2/3 (hai phần ba) thành viên Hội đồng quản lý Quỹ biểu quyết thông qua lập
thành văn bản có chữ ký Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ và được Bộ trưởng Bộ Nội
vụ công nhận mới có hiệu lực thi hành.
Điều 30. Hiệu lực thi hành
1. Điều lệ Quỹ Hoa Mặt trời chức có 08 (tám)
Chương, 30 (ba mươi) Điều và có hiệu lực thi hành kể từ ngày được Bộ trưởng Bộ
Nội vụ ký Quyết định công nhận.
2. Căn cứ các quy định pháp luật về quỹ xã hội, quỹ
từ thiện và Điều lệ Quỹ, Hội đồng quản lý Quỹ Hoa Mặt trời có trách nhiệm tổ chức
thực hiện Điều lệ này./.