ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH TÂY NINH
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
2489/QĐ-UBND
|
Tây Ninh, ngày
03 tháng 12 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN VẬN ĐỘNG VIỆN TRỢ PHI CHÍNH PHỦ
NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2013-2017
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 40/2013/QĐ-TTg, ngày 10/7/2013
của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Chương trình Quốc gia xúc tiến vận động
viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2013-2017;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Ngoại vụ Tây Ninh
tại Tờ trình số 107/TTr-SNV, ngày 10 tháng 10 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình xúc tiến vận động
viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn
2013-2017.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Giao Sở Ngoại vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh,
Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã triển khai thực hiện Chương trình này và báo
cáo kết quả thực hiện cho Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Ngoại vụ,
thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Thị Thu Thủy
|
CHƯƠNG TRÌNH
XÚC TIẾN VẬN ĐỘNG VIỆN TRỢ PHI CHÍNH PHỦ NƯỚC NGOÀI TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH TÂY NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2489/QĐ-UBND, ngày 03/12/2013 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Tây Ninh)
Ngày 10/7/2013, Thủ tướng Chính phủ
đã ban hành Quyết định số 40/2013/QĐ-TTg về việc Ban hành Chương trình Quốc gia
xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2013-2017. Nhằm
tăng cường công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hợp tác với các tổ chức phi
chính phủ nước ngoài, Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh xây dựng Chương trình xúc
tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh với những nội
dung sau:
I. MỤC TIÊU
CHƯƠNG TRÌNH
1. Mục tiêu tổng quát
Tăng cường huy động và nâng cao hiệu
quả sử dụng nguồn viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, góp phần
phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo trong tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
- Củng cố, tăng cường hợp tác giữa
tỉnh với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã và đang hoạt động tại tỉnh và
trong nước Việt Nam, mở rộng quan hệ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài
có tiềm năng;
- Duy trì và nâng cao giá trị viện
trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, gắn với nâng cao hiệu quả của viện
trợ phi chính phủ thông qua việc tăng cường giám sát, đánh giá, nâng cao năng lực
hợp tác với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài;
- Xây dựng môi trường thân thiện,
phù hợp và thuận lợi cho hoạt động viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước
ngoài, nâng cao tính chủ động của các sở, ngành, địa
phương và tổ chức nhân dân trong quan hệ với các tổ chức phi chính phủ nước
ngoài nhằm khai thác hữu hiệu vận động các nguồn lực phục vụ cho yêu cầu phát
triển.
II. NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH
1. Định hướng chung
Viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước
ngoài phải phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, chương trình giảm
nghèo của tỉnh, phù hợp với quy hoạch và ưu tiên phát triển theo ngành và của từng
địa phương, hỗ trợ cho những nỗ lực giảm nghèo và phát triển của tỉnh.
2. Định hướng theo lĩnh vực
Định hướng về lĩnh vực trong Chương trình này là
những lĩnh vực Chính phủ Việt Nam ưu tiên kêu gọi viện trợ phi chính phủ nước
ngoài.
Viện trợ phi chính phủ nước ngoài phải được định
hướng và các lĩnh vực mà các tổ chức phi chính phủ nước ngoài có lợi thế, ổn định,
an toàn để hỗ trợ thực hiện các chương trình của địa phương trong từng lĩnh vực
cụ thể:
a) Lĩnh vực công, nông, lâm, ngư nghiệp và phát
triển nông thôn:
- Phát triển mạng lưới khuyến công, khuyến nông,
khuyến lâm: Đào tạo, tập huấn, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm cho cán bộ khuyến
công, khuyến nông, khuyến lâm và nhân dân;
- Hỗ trợ nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ, tăng cường
sự tham gia của cộng đồng trong quản lý nguồn lợi thủy sản hồ Dầu Tiếng và quản
lý môi trường, dịch bệnh thủy sản;
- Hạ tầng cơ sở nông thôn; phát triển hạ tầng sản
xuất quy mô nhỏ như các công trình thủy lợi, trạm bơm, đường liên xã;
- Xây dựng mô hình phát triển nông thôn mới;
phát triển ngành, nghề, thủ công mỹ nghệ, sản xuất và dịch vụ nhỏ; hỗ trợ chuyển
đổi cơ cấu kinh tế thông qua tăng cường thu nhập phi nông nghiệp;
- Tín dụng và tiết kiệm dựa vào cộng đồng;
- Phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh trên gia
súc, gia cầm;
- Nghiên cứu khoa học trong công, nông, lâm, ngư
nghiệp và phát triển nông thôn.
b) Lĩnh vực Y tế:
- Đào tạo cán bộ y tế: Hỗ trợ các
trường đào tạo cán bộ y tế thông qua chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi phương pháp
và nghiệp vụ; cấp học bổng đào tạo cho cán bộ y tế trong và ngoài nước;
- Phát triển hạ tầng cơ sở y tế:
Nâng cấp, xây dựng, cung cấp trang thiết bị, chuyển giao công nghệ cho các bệnh
viện chuyên ngành tỉnh, trung tâm y tế cấp huyện và các trạm y tế cấp xã;
- Hỗ trợ việc thực hiện các Chương trình Quốc
gia trên địa bàn tỉnh về phòng, chống sốt rét, lao phổi, chống phong, sốt xuất
huyết, nước sạch và vệ sinh môi trường;
- Phòng chống HIV/AIDS, hỗ trợ và điều trị cho
người nhiễm HIV/AIDS và nạn nhân chất độc da cam; phòng, chống và giảm tác hại
của ma túy, tuyên truyền về nguy cơ và hiểm họa của ma túy, tuyên truyền và sử
dụng các biện pháp tránh thai an toàn;
- Các hoạt động dân số như kế hoạch hóa gia
đình, kiểm soát tỷ lệ sinh, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác dân số,
chăm sóc sức khỏe sinh sản,…
- Hỗ trợ xây dựng các trung tâm kiểm soát dịch bệnh;
việc thực hiện các chương trình thử nghiệm lâm sàng các bệnh truyền nhiễm.
c) Lĩnh vực giáo dục:
- Hỗ trợ đào tạo giáo viên các cấp, ưu tiên đối
với giáo viên tiểu học và trung học cơ sở ở các vùng sâu, biên giới, vùng dân tộc
ít người (Chăm, Khơme,…);
- Hỗ trợ phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em
theo địa bàn vùng biên giới, vùng sâu hoặc tại các trường mầm non, nhà trẻ và học
sinh cấp tiểu học;
- Xây dựng hạ tầng cơ sở giáo dục: Hỗ trợ xây dựng
kiên cố, hiện đại các trường cao đẳng sư phạm, trường dạy nghề và các trường phổ
thông;
- Hỗ trợ giảng dạy, thiết bị về công nghệ thông
tin cho các trường phổ thông, nhất là ở vùng nông thôn, vùng biên giới.
d) Lĩnh vực đào tạo, dạy nghề:
- Hỗ trợ đào tạo, dạy nghề, chú trọng các cụm,
khu công nghiệp, vùng nông thôn, các vùng đang đô thị hóa, vùng ven thị xã, các
xã biên giới;
- Xây dựng chương trình đào tạo, dạy nghề phù hợp
với định hướng phát triển ngành nghề, chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình dạy
nghề hiệu quả;
- Phát triển cơ sở vật chất cho đào tạo và dạy
nghề: Xây dựng cơ sở và cung cấp trang thiết bị cho dạy nghề của hệ thống các
trường, các trung tâm dạy nghề;
- Cung cấp, bổ sung chuyên gia và giáo viên hướng
dẫn dạy nghề có chuyên môn cao;
- Đào tạo, dạy nghề gắn với tạo việc làm cho các
đối tượng là người nghèo, người khuyết tật, người sau cai nghiện ma túy.
đ) Lĩnh vực giải quyết các
vấn đề xã hội:
- Hỗ trợ các dự án nhỏ nhằm phát triển cộng đồng;
- Giáo dục và giúp đỡ trẻ em mồ côi, khuyết tật,
lang thang;
- Xây dựng nhà tạm lánh cho các đối
tượng là nạn nhân bạo lực gia đình, mua bán người, trẻ em cơ nhỡ, lang thang, đối
tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới;
- Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam;
- Phòng chống buôn bán người; hỗ trợ nạn nhân
tái hòa nhập cộng đồng;
- Tuyên truyền, phòng ngừa và giảm thiểu tai nạn
giao thông, tai nạn lao động.
e) Lĩnh vực môi trường:
- Bảo vệ môi trường: Khuyến khích các dự án nhằm
bảo vệ và cải thiện môi trường sống, môi trường thiên nhiên (trồng và bảo vệ rừng,
vệ sinh môi trường và môi trường lao động);
- Quản lý tài nguyên thiên nhiên: Khuyến khích
các dự án nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng bền vững các tài nguyên đất, nước,
không khí, rừng;
- Bảo tồn động vật hoang dã và đa dạng sinh học;
- Khắc phục hậu quả chiến tranh (xử lý vật liệu
chưa nổ, chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh).
f) Lĩnh vực phòng, giảm nhẹ thiên tai và cứu trợ
khẩn cấp:
- Phòng, ngừa, giảm nhẹ thiên tai, trồng và bảo
vệ rừng, xây dựng hệ thống cảnh báo sớm; bồi dưỡng, đào tạo kỹ năng ứng phó khi
xảy ra thiên tai;
- Cứu trợ khẩn cấp (cung cấp thuốc men, lương thực,
nhà ở, tái thiết hạ tầng cơ sở sản xuất) khi xảy ra thiên tai, hỏa hoạn.
g) Lĩnh vực văn hóa, thể thao:
- Trao đổi văn hóa, thể thao; đào tạo huấn luyện
viên, vận động viên;
- Tuyên truyền giá trị văn hóa và bảo vệ văn hóa
phi vật thể, bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống và các di sản văn hóa.
h) Lĩnh vực thông tin truyền thông:
- Nâng cao khả năng sử dụng máy tính và truy cập
internet cộng đồng, góp phần giảm bớt khoảng cách giữa các vùng dân cư về việc
hưởng lợi do công nghệ thông tin mang lại.
3. Định hướng theo địa bàn
Định hướng về địa bàn cho hoạt động viện trợ phi
chính phủ nước ngoài cần ưu tiên vùng sâu, biên giới, nơi có đồng bào dân tộc
sinh sống. Nội dung ưu tiên cụ thể cần được xác định theo tình hình thực tế của
mỗi địa phương.
III. CÁC BIỆN
PHÁP THỰC HIỆN
1. Triển khai đến các ngành,
các cấp trong tỉnh nhận thức đúng đắn mục tiêu, nội dung của Chương trình; nâng
cao trách nhiệm của cơ quan tham mưu, quản lý chương trình và nhiệm vụ của cơ
quan, đơn vị tiếp nhận viện trợ phi chính phủ; động viên, khuyến khích, khen
thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích và đóng góp cho việc vận động viện trợ
của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại tỉnh.
2. Tăng cường hợp tác, giới thiệu các nhu cầu của
tỉnh với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và các tổ chức tài trợ, hướng viện
trợ các lĩnh vực, địa bàn mà tỉnh đang cần.
a) Xây dựng hệ thống thông tin hiện đại, bảo đảm
cung cấp nhanh, làm cơ sở để các tổ chức phi chính phủ nước ngoài xem xét, tài
trợ; đưa các thông tin lên website của tỉnh, xây dựng các bản tin nhanh, tổ chức
hội thảo phù hợp và thiết thực;
b) Các sở, ngành, địa phương cần cung cấp thông
tin về nhu cầu một cách có hệ thống, đúng quy định pháp luật cho các cơ quan tổng
hợp để phổ biến rộng rãi với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.
3. Tăng cường giám sát và đánh giá nhằm nâng cao
hiệu quả viện trợ:
a) Thường xuyên tổ chức giám sát theo quy định
và hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương để kiểm tra và đánh giá các chương
trình, dự án phi chính phủ nước ngoài để kịp thời rút kinh nghiệm, nhân rộng hoặc
chấn chỉnh các hoạt động và kết quả của chương trình, dự án trên phạm vi cả tỉnh;
b) Tăng cường thông tin và tuyên truyền hiệu quả
của nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài, về các mô hình dự án có hiệu quả,
các bài học và kinh nghiệm thiết thực cho các tổ chức tài trợ cũng như cho các
sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã;
c) Tăng cường, thúc đẩy mô hình tham gia giám
sát các dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng.
4. Tăng cường nguồn nhân lực trong công tác phi
chính phủ nước ngoài:
a) Quan tâm việc đưa đi đào tạo, bồi dưỡng kiến
thức nghiệp vụ cho cán bộ ở tỉnh làm công tác phi chính phủ nước ngoài về các kỹ
năng xây dựng, vận động, quan hệ, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, đánh
giá các dự án phi chính phủ nước ngoài;
b) Bố trí cán bộ chuyên sâu, nhất là trong khâu
khảo sát, thiết kế, giám sát và đánh giá dự án. Tăng cường chia sẻ thông tin và
kinh nghiệm trong đội ngũ những người Việt Nam làm việc cho các tổ chức phi
chính phủ nước ngoài.
c) Củng cố và tăng cường năng lực của các cơ
quan đầu mối về công tác phi chính phủ nước ngoài ở các địa phương, thông qua
việc đảm bảo phân công cán bộ chuyên trách, có chuyên môn nghiệp vụ, đủ điều kiện
cơ sở vật chất để thực hiện công tác vận động, quản lý và sử dụng viện trợ hiệu
quả.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Ngoại vụ
Là cơ quan chủ trì, phối hợp với các sở, ngành
liên quan trong việc đăng ký và quản lý hoạt động của các tổ chức phi chính phủ
nước ngoài tại địa phương.
a) Tham mưu về công tác đối ngoại, chủ trì và phối
hợp với sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân huyện, thị xã xây dựng kế hoạch hoạt
động đối ngoại và định kỳ sơ kết công tác vận động viện trợ các tổ chức phi
chính phủ nước ngoài hàng năm, báo cáo Bộ Ngoại giao và Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh theo quy định.
b) Tham mưu thành lập Liên hiệp các Tổ chức Hữu
nghị tỉnh là cơ quan đầu mối xúc tiến quan hệ với các tổ chức phi chính phủ nước
ngoài, nhằm cung cấp thông tin, định hướng ưu tiên và chính sách đối ngoại; tập
hợp cụ thể hóa các ưu tiên giúp cho các Sở, ngành, đơn vị định hướng tham gia
công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
c) Tổng hợp báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện
công tác xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh,
việc quản lý sử dụng nguồn viện trợ phi chính phủ nước ngoài và thông báo đến
các sở , ban ngành có liên quan đề phối hợp theo dõi, thực hiện.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Là cơ quan chủ trì, phối hợp với
các sở, ngành trình UBND tỉnh phê duyệt các khoản viện trợ
phi chính phủ nước ngoài.
a) Chịu trách nhiệm hướng dẫn sở, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và các cơ quan đoàn thể
xây dựng chương trình, dự án để tiếp nhận các khoản vận động viện trợ phi chính
phủ nước ngoài.
b) Thẩm định và đề xuất Ủy ban
nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt các chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ
nước ngoài thuộc ngành, lĩnh vực theo dõi.
c) Phối hợp với Sở Tài chính bố trí vốn đối ứng
đầu tư trong kế hoạch ngân sách Nhà nước hàng năm cho các đơn vị thuộc đối tượng
được cấp ngân sách để thực hiện các khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài đã
cam kết với Bên tài trợ theo quy định của Luật Ngân sách.
3. Sở Tài chính
Dự toán ngân sách đối ứng trình Ủy
ban nhân dân tỉnh phê duyệt cho các chương trình, dự án viện trợ phi chính phủ
nước ngoài (nếu có).
a) Theo dõi, giám sát việc quản lý
tài chính về viện trợ phi chính phủ nước ngoài và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
trong việc tiếp nhận, điều phối, quản lý và việc thực hiện các khoản viện trợ
phi chính phủ nước ngoài trên địa bàn tỉnh.
b) Hàng năm
có dự toán kinh phí trích từ ngân sách tỉnh cho việc xây dựng và triển khai thực
hiện Chương trình xúc tiến của các sở, ngành, đơn vị, Liên
hiệp các tổ chức Hữu nghị ở địa phương.
4. Công an tỉnh
a) Hướng dẫn và hỗ trợ các cơ quan, đơn vị, tổ
chức thực hiện đúng quy định về bảo vệ an ninh trong quá trình tiếp nhập và sử
dụng các khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài.
b) Tham gia ý kiến về các chương trình, dự án và
viện trợ phi dự án liên quan đến chính sách, pháp luật, tôn giáo, quốc phòng,
an ninh,…trước khi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã căn cứ Chương trình để triển khai thực hiện và vận
động viện trợ phi chính phủ nước ngoài phù hợp với tình hình thực tế của mỗi
ngành, mỗi địa phương, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Trong quá trình thực hiện nếu có những nội dung
cần sửa đổi, bổ sung, Sở Ngoại vụ có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh
xem xét, quyết định./.