UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
24/2013/QĐ-UBND
|
Vĩnh Yên, ngày
10 tháng 10 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH THỰC HIỆN ĐẦU TƯ, HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIAI ĐOẠN 2013-2020, THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 88/2013/NQ-HĐND NGÀY
16/7/2013 CỦA HĐND TỈNH.
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26
tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng
6 năm 2003 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật ngân sách
nhà nước;
Căn cứ Nghị định 02/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng
01 năm 2010 của Chính phủ về khuyến nông;
Căn cứ Nghị định 61/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng
6 năm 2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào
nông nghiệp, nông thôn;
Căn cứ Quyết định 10/2008/QĐ-TTg ngày 16
tháng 01 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển
chăn nuôi đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định 01/2012/QĐ-TTg ngày 09
tháng 01 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng
Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và
thủy sản;
Căn cứ Thông tư liên tịch
183/2010/TTLT-BTC-BNN ngày 15 tháng 11 năm 2010 giữa Bộ Tài chính và Bộ Nông
nghiệp & PTNT về hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước các cấp
đối với hoạt động khuyến nông;
Căn cứ Nghị quyết 88/2013/NQ-HĐND ngày 16
tháng 7 năm 2013 của HĐND tỉnh về phát triển chăn nuôi tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn
2013-2020;
Xét đề nghị của sở Nông nghiệp & PTNT tại
văn bản số 998/SNN&PTNT-CN ngày 17 tháng 9 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định thực hiện đầu tư,
hỗ trợ phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2013-2020”,
theo Nghị Quyết số 88/2013/NQ-HĐND ngày 16/7/2013 của HĐND tỉnh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng
các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND cấp huyện; Chủ tịch UBND cấp xã; các tổ chức,
cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Phùng Quang Hùng
|
QUY ĐỊNH
THỰC HIỆN ĐẦU TƯ, HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
GIAI ĐOẠN 2013-2020, THEO NGHỊ QUYẾT SỐ 88/2013/NQ-HĐND NGÀY 16/7/2013 CỦA HĐND
TỈNH.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 24/2013/QĐ-UBND ngày 10 tháng 10 năm 2013 của
UBND tỉnh Vĩnh Phúc)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng được đầu
tư, hỗ trợ
Các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, cá
nhân, hộ nông dân (sau đây gọi chung là hộ) phát triển chăn nuôi, sản xuất thức
ăn chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh (trừ các doanh nghiệp
có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp liên doanh, liên kết với nước ngoài).
Điều 2. Điều kiện được đầu
tư, hỗ trợ
1. Đối với hộ phát triển chăn nuôi
a) Đối với các hộ phát triển mới chăn nuôi có địa
điểm chăn nuôi ngoài khu dân cư phải phù hợp với quy hoạch về phát triển chăn
nuôi trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Đối với những hộ hiện đang chăn nuôi tại địa
điểm không thuộc quy hoạch, nếu không vi phạm các quy định về luật đất đai,
pháp lệnh giống vật nuôi, pháp lệnh thú y thì vẫn được hỗ trợ vắc xin tiêm
phòng, hỗ trợ lãi xuất vốn vay ngân hàng và xử lý chất thải môi trường chăn
nuôi;
c) Hộ chăn nuôi phải có chuồng trại đảm bảo vệ
sinh thú y, không gây ô nhiễm môi trường, có đủ hồ sơ, thủ tục đề nghị xin hỗ
trợ theo quy định (do Sở Nông nghiệp&PTNT hướng dẫn);
d) Chưa được hưởng đầu tư, hỗ trợ sản xuất từ
ngân sách nhà nước.
2. Đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất thức ăn
chăn nuôi, chế biến sản phẩm chăn nuôi phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Đảm bảo điều kiện quy định tại Điều 6,7,8,9
Chương II, Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 05/02/2010 của Chính phủ về Quản lý
thức ăn chăn nuôi;
b) Địa điểm xây dựng cơ sở sản xuất, chế biến phải
được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chương II
NỘI DUNG, CƠ CHẾ ĐẦU TƯ,
HỖ TRỢ
Điều 3. Nguồn kinh phí
Kinh phí đầu tư, hỗ trợ phát triển chăn nuôi từ
nguồn ngân sách tỉnh và kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Trung ương (nếu có).
Điều 4. Nội dung đầu tư, hỗ
trợ
1. Về đất đai:
a) Khuyến khích dồn điền, đổi thửa khu đất qui
hoạch phát triển chăn nuôi; khu đất trũng, đất quỹ 2, đất trồng lúa kém hiệu quả,
đất trồng màu, đất đồi trong qui hoạch phát triển chăn nuôi; sau dồn điền đổi
thửa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giao ổn định thời hạn 49 năm và được
chuyển nhượng, cho thuê theo quy định của Luật Đất đai để phát triển chăn nuôi.
b) Hỗ trợ 100% chi phí đo đạc, cấp lại giấy chứng
nhận quyền sử dụng đất sau dồn điền, đổi thửa và xây dựng bản đồ, qui hoạch
theo định mức qui định của Nhà nước. Hỗ trợ cấp xã 1 triệu đồng/1 ha sau khi
hoàn thành dồn điền, đổi thửa.
c) Hộ gia đình thuê đất lập trang trại tại các
vùng đã quy hoạch phát triển chăn nuôi được hưởng các chính sách ưu tiên theo
Nghị định 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ về chính sách khuyến khích
doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
2. Xử lý chất thải môi trường
chăn nuôi:
a) Hỗ trợ 20% kinh phí xây bể lọc sục khí, ao chứa
chất thải lỏng và men ủ chất thải rắn cho hộ chăn nuôi lợn quy mô trên 20 con lợn
nái hoặc 200 con lợn thịt/lứa trở lên, mức hỗ trợ tối đa không quá 20 triệu đồng/hộ.
Hộ chăn nuôi có quy mô dưới mức quy định trên có từ 10 con trở lên được hỗ trợ
làm hầm Bioga, mức hỗ trợ không quá 2 triệu đồng/hầm Bioga (trừ các hộ hưởng
theo Nghị quyết số 27/2011/NQ-HĐND ngày 19/12/2011 của HĐND tỉnh về cơ chế hỗ
trợ bảo vệ môi trường nông thôn giai đoạn 2012 - 2015 trên địa bàn tỉnh).
b) Hỗ trợ một lần tập huấn chuyển giao kỹ thuật,
mua nguyên liệu, làm đệm lót chuồng sinh học cho các hộ nuôi gà qui mô từ 500
con/lứa trở lên, mức hỗ trợ 1.000 đồng/con gà, tối đa không quá 2 triệu đồng /hộ.
c) Hỗ trợ 20% tiền mua máy ép phân cho hộ nuôi
gà quy mô trên 2.000 con/lứa, mức hỗ trợ không quá 8 triệu đồng/hộ.
3. Hỗ trợ 50% kinh phí mua máy
nghiền, máy trộn thức ăn cho các hộ chăn nuôi quy mô từ 100 con lợn/lứa hoặc
nuôi từ 2.000 con gà/lứa trở lên, mức hỗ trợ không quá 10 triệu đồng/hộ.
4. Hỗ trợ 100% kinh phí mua
các loại vắc xin tiêm phòng: Cúm gia cầm; lở mồm long móng, tụ huyết trùng
trâu, bò; tai xanh, dịch tả lợn cho các hộ nuôi vịt và hộ nuôi từ 1.000 con gà
trở xuống, các hộ nuôi trâu bò, lợn nái, lợn đực giống; các loại thuốc khử
trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi, phun 2 lần/năm trên phạm vi toàn tỉnh.
5. Hỗ trợ 100% lãi suất tiền
vay ngân hàng cho các hộ chăn nuôi để mua mới con giống, mức lãi suất tính tại
thời điểm vay theo quy định của Nhà nước, cụ thể:
a) Hộ nuôi lợn thịt từ 200 con/lứa trở lên, mức
vay tối đa không quá 250 triệu đồng/hộ, chu kỳ 4 tháng.
b) Hộ nuôi bò cái lai từ 3 con trở lên, mức vay
không quá 15 triệu đồng/con, chu kỳ 18 tháng.
c) Hộ nuôi bò sữa, mức vay không quá 30 triệu đồng/con,
chu kỳ 18 tháng.
d) Hộ nuôi gà thịt từ 5.000 con/lứa trở lên, mức
vay không quá 100 triệu đồng/hộ, chu kỳ 2 tháng.
6. Doanh nghiệp đầu tư xây dựng
nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi hoặc chế biến sản phẩm chăn nuôi trên địa
bàn:
a) Hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay ngân hàng, thời
gian vay tối đa 3 năm, vốn vay tối đa để làm căn cứ tính hỗ trợ lãi suất là 70%
giá trị đầu tư của dự án; chỉ được hỗ trợ sau khi dự án hoàn thành, đi vào sản
xuất.
b) Hỗ trợ 30% chi phí xây dựng cơ sở giết mổ gia
súc, gia cầm tập trung để làm hệ thống xử lý chất thải, mua thiết bị phục vụ giết
mổ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở có qui mô giết mổ tối
thiểu là 100 con lợn/ngày hoặc 30 con trâu, bò/ngày; nếu giết mổ cả trâu, bò, lợn
thì qui mô bằng 1/2 mỗi loại trên, mức hỗ trợ tối đa không quá 01 tỷ đồng/cơ sở.
7. Xây dựng mô hình chuỗi liên
kết sản xuất, cung cấp thực phẩm an toàn, sạch về thịt lợn, thịt gà và trứng gà
a) Giai đoạn 2013 - 2015:
- Đối với cơ quan thực hiện xây dựng mô hình các
chuỗi sản xuất, cung cấp thực phẩm an toàn, ngân sách tỉnh đầu tư 100% kinh phí
cho thực hiện các nội dung:
+ Kinh phí quản lý, điều tra, khảo sát, phân
tích mẫu nước, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm thịt, trứng đảm bảo các chỉ tiêu vệ
sinh an toàn thực phẩm.
+ Biên soạn và in ấn tài liệu tập huấn tại các
mô hình thực hiện chuỗi.
+ Đánh giá cấp giấy chứng nhận sản xuất theo
VietGAHP.
+ Đào tạo, tập huấn cán bộ quản lý, kỹ thuật,
công nhân kỹ thuật và hộ chăn nuôi tham gia sản xuất theo chuỗi.
- Đối với các hộ (nhóm hộ) tham gia mô hình chuỗi
được hưởng cơ chế, chính sách trong quy định này để phát triển chăn nuôi và được
hỗ trợ thêm các nội dung sau:
+ Hỗ trợ đầu tư 50% kinh phí để cải tạo cơ sở vật
chất kỹ thuật, thiết bị để bảo đảm tiêu chuẩn VietGAHP; mức hỗ trợ chuỗi thịt lợn
không quá 150 triệu đồng; chuỗi thịt gà không quá 50 triệu đồng; chuỗi trứng gà
không quá 20 triệu đồng.
+ Hỗ trợ kinh phí bảo quản, sát trùng, đóng hộp
trứng, tem, đóng dấu sản phẩm đối với chuỗi sản xuất, cung cấp trứng gà an
toàn; mức hỗ trợ không quá 15 triệu đồng/chuỗi/năm.
+ Hỗ trợ 50% kinh phí cải tạo cơ sở giết mổ gia
súc, gia cầm của mô hình chuỗi liên kết sản xuất, cung cấp thực phẩm an toàn; mức
hỗ trợ không quá 50 triệu đồng/cơ sở; số lượng 02 cơ sở.
+ Hỗ trợ đầu tư 70% kinh phí xây dựng cửa hàng,
trang thiết bị phục vụ tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi; mức hỗ trợ không quá 250
triệu đồng/cửa hàng; số lượng làm điểm 1- 2 cửa hàng.
+ Hỗ trợ cho quản lý và bán sản phẩm của chuỗi
(2- 4 người); thời gian hỗ trợ đến hết năm 2015; mức hỗ trợ tương đương mức
lương tối thiểu nhà nước quy định cho doanh nghiệp (2,1 triệu đồng/người/tháng).
+ Hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng thương hiệu sản
phẩm theo đúng quy định của Nhà nước.
- Giai đoạn 2016 - 2020: Tiếp tục đầu tư, hỗ trợ
để mở rộng, tăng qui mô, sản lượng chuỗi sản xuất thực phẩm thịt lợn, thịt gà
và trứng gà an toàn, sạch .
8. Cơ sở tiêu thụ sản phẩm
chăn nuôi sạch, có thương hiệu:
- Hỗ trợ 100% tiền thuê đất trong thời hạn 3 năm
để xây dựng cửa hàng hoặc thuê địa điểm kinh doanh, mức hỗ trợ không quá 50 triệu
đồng/cửa hàng/năm.
- Hỗ trợ 70% chi phí quảng cáo sản phẩm trên
phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh trong thời hạn không quá 3 năm, mức hỗ
trợ không quá 30 triệu đồng/sản phẩm/ năm.
- Hỗ trợ 70% kinh phí thuê gian hàng để tham gia
triển lãm, hội chợ giới thiệu sản phẩm ở trong nước.
9. Hỗ trợ công tác tuyên truyền,
đào tạo, tập huấn, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ sản xuất chăn nuôi
và quản lý, chỉ đạo thực hiện đầu tư, hỗ trợ phát triển chăn nuôi cho cơ quan
chỉ đạo, thực hiện.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 5. Điều khoản thi hành
1. Giao Sở Nông nghiệp & PTNT:
- Chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành liên
quan, UBND các huyện, thành, thị để tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh xem xét có
văn bản cho chủ trương triển khai đối với tất cả các hình thức triển khai (gồm
Dự án, Báo cáo KTKT, Kế hoạch). Nội dung tham mưu, đề xuất cần khái quát rõ về
quy mô, cách thức triển khai, nguồn vốn, khả năng đáp ứng nguồn vốn, tính khả
thi.
- Chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở:
Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ hướng dẫn thực hiện các
quy định về hỗ trợ, đầu tư phát triển chăn nuôi.
2. Giao Sở Tài nguyên & Môi trường chủ trì
phối hợp với Sở Nông nghiệp & PTNT và các Sở, Ngành liên quan hướng dẫn cụ
thể về dồn điền, đổi thửa; chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho phát triển chăn
nuôi; giao quyền sử dụng và chuyển nhượng đất đai đối với các hộ chăn nuôi.
3. Giao Ngân hàng nhà nước tỉnh Vĩnh Phúc chủ
trì phối hợp với các sở: Tài chính, Nông nghiệp & PTNT và các Sở, Ngành
liên quan hướng dẫn cụ thể hỗ trợ lãi suất tiền vay ngân hàng cho các đối tượng
vay vốn được hưởng hỗ trợ từ ngân sách tỉnh theo Nghị quyết 88/2013/NQ-HĐND
ngày 16/7/2013 của HĐND tỉnh.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính theo chức
năng nhiệm vụ ngành, có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp&PTNT,
Các Sở, ngành liên quan cân đối, bố trí đủ nguồn vốn cho thực hiện Nghị quyết
HĐND tỉnh hàng năm theo kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh Quyết định;
5. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng
mắc phát sinh hoặc cần bổ sung, các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân kịp thời
phản ánh về Sở Nông nghiệp & PTNT để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh
để xem xét, giải quyết./.
PHỤ LỤC
DANH MỤC HÌNH THỨC TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG ĐẦU
TƯ, HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CHĂN NUÔI TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2013 – 2020
(Kèm theo Quyết định số 24/2013/QĐ-UBND ngày 10/10/2013 của UBND tỉnh)
STT
|
PHƯƠNG THỨC
THỰC HIỆN
|
NỘI DUNG/HẠNG
MỤC
|
NGUỒN VỐN ĐẦU
TƯ, HỖ TRỢ
|
1
|
Dự án hoặc báo cáo KTKT đầu tư, hỗ trợ
|
1. Hỗ trợ mua máy trộn thức ăn chăn nuôi.
2. Hỗ trợ xử lý chất thải
3. Hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết chuỗi
sản xuất, cung cấp sản phẩm chăn nuôi an toàn, sạch.
|
Nguồn sự nghiệp kinh tế
|
2
|
Dự án hoặc báo cáo KTKT đầu tư, hỗ trợ
|
1. Hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh
2. Hỗ trợ xây dựng cơ sở giết mổ gia súc
3. Đầu tư, hỗ trợ xây dựng, trang thiết bị cho
cửa hàng bán sản phẩm chuỗi sản xuất, cung cấp sản phẩm chăn nuôi an toàn, sạch.
|
Nguồn đầu tư phát triển
|
3
|
Báo cáo KTKT đầu tư, hỗ trợ
|
1. Xây dựng thương hiệu sản phẩm chuỗi sản xuất,
cung cấp sản phẩm chăn nuôi an toàn, sạch.
|
Nguồn khoa học công nghệ
|
4
|
Kế hoạch và dự toán kinh phí đầu tư, hỗ trợ
hàng năm được UBND tỉnh phê duyệt
|
1. Hỗ trợ 100% lãi xuất tiền vay ngân hàng cho
các hộ chăn nuôi để mua mới con giống, mức lãi xuất tính tại thời điểm vay theo
quy định của Nhà nước, cụ thể:
- Hộ nuôi lợn thịt từ 200 con/lứa trở lên, mức
vay tối đa không quá 250 triệu đồng/hộ, chu kỳ 4 tháng.
- Hộ nuôi bò cái lai từ 3 con trở lên, mức vay
không quá 15 triệu đồng/con, chu kỳ 18 tháng.
- Hộ nuôi bò sữa, mức vay không quá 30 triệu đồng/con,
chu kỳ 18 tháng.
- Hộ nuôi gà thịt từ 5.000 con/lứa trở lên, mức
vay không quá 100 triệu đồng/hộ, chu kỳ 2 tháng.
2. Đầu tư 100% kinh phí thực hiện công tác
tuyên truyền, đào tạo, tập huấn theo các nội dung:
- Đào tạo chủ trang trại, cán bộ kỹ thuật và
công nhân kỹ thuật.
- Đào tạo về liên kết, xây dựng chuỗi cung cấp
thực phẩm an toàn, sạch;
- Đào tạo thú y cơ sở;
- Đào tạo dẫn tinh viên lợn, bò;
- Tuyên truyền, tập huấn, tham quan học tập mô
hình.
3. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, được đầu
tư để thực hiện các nội dung sau:
- Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ sản
xuất chăn nuôi như giá vật tư đầu vào, giá sản phẩm đầu ra đối với thị trường
trong nước, xuất khẩu, dự báo dịch bệnh, hệ thống mạng cung cấp thông tin, từng
bước hoàn thiện hệ thống thông tin liên lạc,…
- Chi công tác quản lý, chỉ đạo, theo dõi thực
hiện chương trình của cơ quan thường trực (Sở Nông nghiệp & PTNT).
|
Nguồn sự nghiệp kinh tế
|