QUYẾT ĐỊNH
QUY ĐỊNH MỨC CHI
CÔNG TÁC PHỔ CẬP GIÁO DỤC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH LONG
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ
ban nhân dân, ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 07/2008/QĐ-TTg, ngày 10
tháng 01 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục
tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo đến năm 2010;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số
125/2008/TTLT-BTC-BGDĐT, ngày 22 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài chính - Bộ Giáo
dục và Đào tạo về việc hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương
trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo đến năm 2010;
Căn cứ Văn bản số 21/CV-HĐND, ngày 24 tháng 8
năm 2010 của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh;
Xét Tờ trình số 40/TTr-STC, ngày 25 tháng 02
năm 2010 của Giám đốc Sở Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Quy định mức chi công tác phổ cập
giáo dục trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, cụ thể như sau:
1. Hỗ trợ giáo dục hoà nhập cho trẻ khuyết tật
và các đối tượng xoá mù chữ, giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ trong độ tuổi
từ 15 đến 50 tuổi ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đối tượng hộ
nghèo (theo quy định của Chính phủ) chưa đi học. Mức hỗ trợ cụ thể cho mỗi học
viên thuộc diện này như sau:
a) Sách giáo khoa:
- Đối với các lớp xoá mù chữ và giáo dục tiếp
tục sau khi biết chữ: Tối đa là 6 quyển/1 học viên, tuỳ theo lớp.
- Đối với các lớp phổ cập trung học: Được nhà
trường cho mượn 01 bộ sách giáo khoa.
b) Tập, viết:
- Đối với các lớp xoá mù chữ và giáo dục tiếp
tục sau khi biết chữ: 05 quyển tập, 2 cây viết/1 học viên/năm học.
- Đối với các lớp phổ cập trung học: 15 quyển
tập, 6 cây viết/1 học viên/năm học.
2. Chi mua học phẩm và các loại sổ sách để theo
dõi quá trình học tập gồm: Sổ gọi tên ghi điểm, sổ đầu bài, học bạ, phấn, sách,
vở, bút mực...; được chi theo số lượng quy định hợp lý của từng lớp và có chứng
từ hợp lệ.
3. Chi hỗ trợ cho cán bộ vận động đối tượng
trong độ tuổi xoá mù chữ (15 - 50 tuổi) ra lớp: 30.000đồng/1 học viên.
Nhiệm vụ cụ thể của cán bộ này như sau:
- Chịu trách nhiệm chính trong việc huy động học
viên ra lớp, tham mưu với Ban Chỉ đạo xã, phường, thị trấn mở lớp.
- Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ mở lớp theo mẫu quy định
như đăng ký mở lớp phổ cập, trình Phòng Giáo dục - Đào tạo và Ban Chỉ đạo xã,
phường, thị trấn có ý kiến chấp thuận, sau đó đăng ký mở lớp với Sở Giáo dục và
Đào tạo theo thời gian quy định.
4. Chi hỗ trợ cho giáo viên chủ nhiệm hoặc cán
bộ quản lý lớp học:
- Đối với các lớp xoá mù chữ và giáo dục tiếp
tục sau khi biết chữ: 03 tiết/tuần/lớp.
- Đối với các lớp phổ cập trung học: 04
tiết/tuần/lớp.
Nhiệm vụ cụ thể của cán bộ này như sau:
- Chịu trách nhiệm chính về giáo dục ý thức tổ
chức kỷ luật cho học viên, bảo vệ của công, tinh thần cầu tiến trong học tập
cho học viên.
- Tìm hiểu và nắm vững học viên trong lớp về mọi
mặt để có biện pháp tổ chức giáo dục sát với đối tượng nhằm thúc đẩy sự tiến bộ
của từng học viên và của cả lớp học.
- Phối hợp chặt chẽ với gia đình học viên, với
giáo viên dạy lớp, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức đoàn thể
xã hội khác có liên quan trong hoạt động giảng dạy và nề nếp học tập của học
viên lớp mình quản lý.
- Phối hợp với giáo viên dạy lớp nhận xét, đánh
giá xếp loại học sinh sau khi hoàn thành chương trình theo quy định của một
lớp, đề nghị khen thưởng và kỷ luật học viên, đề nghị danh sách học viên được
lên lớp, danh sách học viên phải kiểm tra lại, phải ở lại lớp, hoàn chỉnh việc
ghi vào sổ điểm và học bạ học viên.
- Báo cáo thường kỳ hoặc đột xuất về tình hình
của lớp với Ban Chỉ đạo.
- Chịu trách nhiệm duy trì sĩ số lớp học từ khi
mở lớp đến cuối thời gian hoàn thành một lớp học tối thiểu 95% so với sĩ số ban
đầu, được hưởng bằng định mức trên; duy trì sĩ số từ 70 - dưới 95% hưởng giảm
đi 01 tiết/tuần/lớp; từ 50 - dưới 70% hưởng giảm đi 02 tiết/tuần/lớp; dưới 50%
không được hưởng chế độ.
Quy định sĩ số lớp học ban đầu:
- Đối với các lớp xoá mù chữ và giáo dục tiếp
tục sau khi biết chữ: Sĩ số ban đầu ít nhất 05 học viên/lớp.
- Đối với các lớp phổ cập trung học: Mở lớp
thuộc 02 huyện Tam Bình và Trà Ôn có xã thuộc diện 135 giai đoạn II, Quyết định
số 07/2006/QĐ-TTg, ngày 10 tháng 01 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc
phê duyệt Chương trình phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn
vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006 - 2010; sĩ số lớp học ban đầu
ít nhất 10 học viên/lớp. Đối với các xã, phường, thị trấn còn lại ít nhất 15
học viên/lớp.
5. Chi thắp sáng đối với các lớp học phổ cập ban
đêm: Định mức điện 01kw/buổi học/lớp. Số tiền điện thu được của các lớp này,
đơn vị trường học hoặc cơ sở giáo dục khấu trừ giảm chi ngân sách nhà nước trên
hoá đơn tiền điện phải trả trong năm.
6. Chi hỗ trợ hoạt động Ban Chỉ đạo phổ cập
trung học phổ thông các cấp (bao gồm điện, nước, văn phòng phẩm, công tác
phí,...) như sau:
- Ban Chỉ đạo cấp xã, phường, thị trấn:
2.000.000 đồng/năm.
- Ban Chỉ đạo cấp ngành giáo dục và đào tạo
tỉnh, cấp huyện, thành phố: 3.000.000 đồng/năm.
- Ban Chỉ đạo cấp tỉnh: 5.000.000 đồng/năm.
7. Các nội dung chi như thù lao giáo viên; chi
đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý các trường; điều tra thu thập dữ
liệu, kiểm tra công nhận đạt chuẩn; khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích
trong công tác phổ cập giáo dục: Thực hiện theo Thông tư Liên tịch số
125/2008/TTLT-BTC-BGDĐT, ngày 22 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài Chính - Bộ Giáo
dục và Đào tạo về việc hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương
trình mục tiêu quốc gia giáo dục và đào tạo đến năm 2010.
Thời gian thực hiện: Mức chi trên được áp dụng
từ ngày 01/01/2010.
Nguồn kinh phí: Sử dụng kinh phí chương trình
mục tiêu quốc gia.
Điều 2. Giao Giám đốc Sở Tài chính phối
hợp với thủ trưởng các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Quyết
định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân
tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, thủ trưởng các
đơn vị có liên quan, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký./.