QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỨC TRỢ CẤP XÃ HỘI
VÀ HỖ TRỢ KINH PHÍ CHĂM SÓC HÀNG THÁNG ĐỐI VỚI NGƯỜI KHUYẾT TẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
ĐIỆN BIÊN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Căn cứ Luật Tổ chức
Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban
hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày
03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Người
khuyết tật ngày 17 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27 tháng
02 năm 2010 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các
đối tượng bảo trợ xã hội;
Căn cứ Nghị định số
28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về việc quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật;
Căn cứ Thông tư số
26/2012/TT-BLĐTBXH ngày 12 tháng 11 năm 2012 của Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội về việc hướng dẫn một số điều của Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10
tháng 4 năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
điều của Luật Người khuyết tật;
Căn cứ Nghị quyết số
163/2009/NQ-HĐND ngày 14 tháng 7 năm 2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh Điện Biên
về việc điều chỉnh thời gian và mức trợ cấp nuôi dưỡng, sinh hoạt phí cho đối
tượng nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh;
Xét đề nghị của Giám
đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều
1. Quy định mức
trợ cấp xã hội và mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng cho người khuyết tật
trên địa bàn tỉnh Điện Biên:
1. Mức chuẩn trợ cấp
xã hội để xác định các mức trợ cấp xã hội hàng tháng, mức hỗ trợ kinh phí chăm
sóc hàng tháng đối với người khuyết tật là 180.000 đồng (theo quy định tại Khoản
4 Điều 1 Nghị định số 13/2010/NĐ-CP).
2. Mức trợ cấp xã hội
hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng đối với người khuyết tật sống tại
hộ gia đình được tính theo mức chuẩn trợ cấp xã hội nhân với hệ số theo quy định
tại các Điều 16, 17 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP , cụ thể:
a)
Mức trợ cấp xã hội hàng tháng đối với người khuyết tật sống tại hộ gia đình được
quy định như sau:
-
Mức 270.000 đồng/người/tháng (hệ số 1,5) đối với người khuyết tật nặng.
-
Mức 360.000 đồng/người/tháng (hệ số 2,0) đối với người khuyết tật đặc biệt nặng,
người khuyết tật nặng là người cao tuổi, người khuyết tật nặng là trẻ em.
- Mức 450.000 đồng/người/tháng
(hệ số 2,5) đối với người khuyết tật đặc biệt nặng là người cao tuổi, người
khuyết tật đặc biệt nặng là trẻ em.
b) Mức hỗ trợ kinh phí
chăm sóc hàng tháng đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng
đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi được quy định như sau:
- Mức 270.000 đồng/người/tháng
(hệ số 1,5) đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang
mang thai hoặc nuôi một con dưới 36 tháng tuổi.
- Mức 360.000 đồng/người/tháng
(hệ số 2,0) đối với người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang
mang thai và nuôi con dưới 36 tháng tuổi; người khuyết tật đặc biệt nặng, người
khuyết tật nặng đang nuôi từ hai con trở lên dưới 36 tháng tuổi.
c) Trường hợp cả vợ và
chồng là người khuyết tật thuộc diện hưởng hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng
quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này thì chỉ được hưởng một suất hỗ trợ kinh
phí chăm sóc quy định tại Điểm b, Khoản 2 Điều này.
d) Trường hợp người
khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng đang hưởng trợ cấp xã hội quy định
tại Điểm a Khoản 2 Điều này nhưng mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi
thì vẫn được hưởng kinh phí hỗ trợ chăm sóc quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều
này.
đ) Trường hợp người
khuyết tật thuộc diện hưởng các mức trợ cấp xã hội, các mức hỗ trợ kinh phí chăm
sóc hàng tháng hoặc các mức hỗ trợ mai táng phí khác nhau thì chỉ được hưởng một
mức cao nhất.
e) Người khuyết tật
đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này, khi
chết được hỗ trợ chi phí mai táng là 3.000.000 đồng (theo quy định tại khoản 6
Điều 1 Nghị định số 13/2010/NĐ-CP).
g)
Hộ gia đình đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng
được hưởng kinh phí hỗ trợ chăm sóc là 180.000 đồng/tháng (hệ số 1,0).
h) Người đáp ứng điều kiện
quy định tại Điều 19 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP khi nhận nuôi dưỡng, chăm sóc
người khuyết tật đặc biệt nặng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc được quy định như
sau:
- Mức 270.000 đồng/người/tháng
(hệ số 1,5) đối với trường hợp nhận nuôi dưỡng, chăm sóc một người khuyết tật đặc
biệt nặng.
- Mức 540.000 đồng/người/tháng
(hệ số 3,0) đối với trường hợp nhận nuôi dưỡng, chăm sóc từ hai người khuyết tật
đặc biệt nặng trở lên.
i) Thời gian hưởng trợ
cấp xã hội hàng tháng đối với người khuyết tật sống tại gia đình và người khuyết
tật có đủ điều kiện nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội nhưng có người chăm sóc
tại gia đình được tính từ ngày ghi trong quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân
dân cấp huyện.
3.
Mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng và hỗ trợ sinh hoạt phí hàng tháng đối với
người khuyết tật tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh như sau:
a) Đối tượng nuôi dưỡng
tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh:
- Mức trợ cấp nuôi dưỡng
bằng 80% mức lương tối thiểu/người/tháng.
-
Mức hỗ trợ sinh hoạt phí bằng 30% mức lương tối thiểu/người/tháng để mua bảo hiểm
y tế, cấp tư trang, vật dụng phục vụ sinh hoạt đời sống thường ngày, mua thuốc
chữa bệnh thông thường và vệ sinh cá nhân hàng tháng (đối với phụ nữ).
b)
Đối tượng đi học tại các trường chuyên nghiệp và dạy nghề:
- Mức trợ cấp nuôi dưỡng
bằng 80% mức lương tối thiểu/người/tháng.
-
Mức hỗ trợ sinh hoạt phí bằng 50% mức lương tối thiểu/người/tháng để mua bảo hiểm
y tế, cấp tư trang, vật dụng phục vụ sinh hoạt đời sống thường ngày, mua thuốc
chữa bệnh thông thường và vệ sinh cá nhân hàng tháng (đối với phụ nữ).
4. Định mức hỗ trợ và
thời gian sử dụng tư trang, vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày đối với
người khuyết tật đặc biệt nặng sống trong Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh theo quy
định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 26/2012/TT-BLĐTBXH. Căn cứ vào định mức hiện
vật hỗ trợ tư trang, vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày, chi phí sửa chữa
dụng cụ, phương tiện hỗ trợ phục hồi chức năng, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh lập
dự toán hàng năm trên cơ sở giá cả thực tế trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều
2. Hồ sơ, thủ tục đề nghị trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm
sóc hàng tháng, hỗ trợ mai táng phí cho người khuyết tật thực hiện theo các quy
định tại các Điều 20, 21, 22, 23 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP và các Điều 6, 8
Thông tư số 26/2012/TT-BLĐTBXH .
Điều
3. Nguồn kinh phí bảo đảm.
1. Kinh phí chi trả trợ
cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng và hỗ trợ mai táng
phí cho người khuyết tật sống tại hộ gia đình, người khuyết tật có đủ điều kiện
được nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội nhưng có người nhận chăm sóc tại hộ
gia đình được bố trí trong dự toán chi đảm bảo xã hội của ngân sách cấp huyện.
2. Kinh phí chi trả trợ
cấp xã hội hàng tháng và hỗ trợ sinh hoạt phí, mai táng phí cho đối tượng người
khuyết tật được nuôi dưỡng tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh được bố trí trong
dự toán chi đảm bảo xã hội thuộc ngân sách tỉnh giao cho Sở Lao động - Thương
binh và Xã hội hàng năm, nguồn vận động, đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá
nhân (nếu có).
Điều
4. Tổ chức thực hiện.
1. Giao Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính hướng dẫn triển khai
và kiểm tra, giám sát các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố và Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh thực hiện Quyết định
này.
2. Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm cân đối ngân sách, thực hiện chi trợ cấp
đúng đối tượng, đúng chế độ và quyết toán theo quy định hiện hành; chỉ đạo Ủy
ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thường xuyên rà soát, xét
duyệt và thực hiện trợ cấp kịp thời đối với người khuyết tật.
Điều
5. Quyết định
này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế các nội
dung về mức trợ cấp, hỗ trợ kinh phí chăm sóc đối với người khuyết tật, người
tâm thần tại Quyết định số 32/2010/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2010 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Điện Biên về việc Quy định mức trợ cấp, trợ giúp cho các đối tượng
bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Điều 6. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các
Sở: Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành,
đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc
tỉnh; các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.