CHỈ ĐẠO KIỂM KÊ TRUNG ƯƠNG
***
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******
|
Số: 04 KK/TW
|
Hà nội ngày 22 tháng 10 năm 1999
|
PHƯƠNG ÁN
CỦA BAN CHỈ ĐẠO KIỂM KÊ TRUNG ƯƠNG
SỐ 04 KK/TW NGÀY 22 THÁNG 10 NĂM 1999 TIẾN HÀNH TỔNG KIỂM KÊ TÀI SẢN VÀ XÁC
ĐỊNH LẠI GIÁ TRỊ TÀI SẢN CỦA DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC THỜI ĐIỂM 1/1/2000
Thi hành Quyết định số 150/1999/TTg ngày 8/7/1999 của Thủ
tướng Chính phủ về việc tiến hành tổng kiểm kê tài sản và xác định lại giá trị
tài sản của doanh nghiệp nhà nước, Ban chỉ đạo kiểm kê Trung ương hướng dẫn nội
dung, phương pháp và kế hoạch tiến hành tổng kiểm kê tài sản và xác định lại
giá trị tài sản của doanh nghiệp nhà nước thời điểm 0 giờ ngày 01/01/2000 như
sau:
1. Mục đích yêu cầu:
1.1. Xác định đúng số lượng, chất lượng và giá trị thực tế
của tài sản hiện có tại doanh nghiệp nhà nước; thực trạng, cơ cấu vốn và các
khoản nợ để làm cơ sở cho việc hoạch định kế hoạch phát triển dài hạn sau năm
2000, trước mắt là kế hoạch 2001 - 2005.
1.2. Xác định được nguyên nhân thừa (+), thiếu (-) trong
quá trình kiểm kê và kiến nghị các biện pháp giải quyết.
1.3. Đánh giá tình hình bảo toàn và tăng trưởng vốn nhà
nước, khả năng trả nợ của doanh nghiệp; thấy được chất lượng kinh doanh, các
tồn tại trong việc quản lý vốn và tài sản của doanh nghiệp nhà nước trong các
năm qua để nghiên cứu đề xuất các biện pháp quản lý tài sản, quản lý vốn nhà
nước trong các năm tới.
1.4. Điều chỉnh lại giá trị của một số tài sản cố định thuộc
một số ngành và doanh nghiệp mà giá trị hạch toán trên sổ kế toán còn chênh
lệch so với giá xây dựng và mua sắm hiện nay để doanh nghiệp hạch toán đúng giá
thành và kết quả sản xuất kinh doanh, duy trì và phát triển năng lực sản xuất
kinh doanh của doanh nghiệp.
1.5. Tổng hợp, phân tích cơ cấu, giá trị tài sản và vốn theo
Bộ, ngành, địa phương và toàn quốc.
2. Phạm vi, đối tượng kiểm kê
2.1. Phạm vi kiểm kê
Phạm vi kiểm kê lần này là tất cả các Tổng công ty 90, 91,
các doanh nghiệp nhà nước hạch toán kinh tế độc lập (bao gồm các doanh nghiệp
hạch toán kinh tế độc lập là thành viên các Tổng công ty và doanh nghiệp nhà
nước hạch toán kinh tế độc lập trực thuộc các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), các doanh nghiệp nhà nước thuộc các đơn
vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội. Mỗi Tổng công ty
90, 91, doanh nghiệp hạch toán kinh tế độc lập là một đơn vị kiểm kê. Đối với
Tổng công ty 90, 91 ngoài việc thực hiện kiểm kê và xác định lại giá trị tài
sản phần hạch toán tập trung của Tổng công ty, còn phải tổng hợp báo cáo kết
quả kiểm kê và xác định lại giá trị tài sản của các doanh nghiệp thành viên
hạch toán độc lập trong Tổng công ty.
2.2. Đối tượng kiểm kê và xác định
lại giá trị tài sản
2.2.1. Đối tượng kiểm kê
a) Kiểm kê toàn bộ tài sản là hiện vật thuộc quyền quản lý
và sử dụng của doanh nghiệp:
- Đối với TSCĐ kiểm kê toàn bộ tài sản hiện có tại doanh
nghiệp, kể cả những tài sản đang cho thuê, tài sản gửi giữ hộ, tài sản được
tặng biếu, viện trợ, tài sản vô chủ hiện có trong khu vực quản lý của doanh nghiệp.
Đối với công trình XDCB đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng thì được kiểm
kê như TSCĐ cùng loại.
- Đối với công trình XDCB còn dở dang thì kiểm kê toàn bộ
phần công trình, hạng mục công trình đầu tư tự làm. Nếu giao thầu cho bên B thì
chỉ kiểm kê phần công trình hạng mục công trình đã hoàn thành theo từng giai
đoạn, bên B bàn giao cho bên A và được bên A chấp nhận thanh toán. Phần công
trình XDCB dở dang bên A chưa chấp nhận thanh toán cho bên B được coi là tài
sản lưu động (chi phí sản xuất kinh doanh dở dang) của bên B.
- Đối với tài sản lưu động:
+ Kiểm kê toàn bộ các loại nguyên liệu, vật liệu tồn kho,
công cụ, dụng cụ trong kho, hàng hoá, thành phẩm bán thành phẩm tồn kho, hàng
mua đang đi trên đường, hàng gửi đi bán, các loại chi phí sản xuất kinh doanh
dở dang...
+ Toàn bộ các loại vốn bằng tiền bao gồm tiền mặt tại quỹ,
tiền đang chuyển, ngân phiếu, vàng, bạc, kim khí quí, đá quí, và chứng khoán có
giá trị như tiền, các loại tiền gửi ở ngân hàng, kể cả tiền gửi đi liên doanh,
liên kết, các loại ngoại tệ tại quỹ và gửi ngân hàng....
- Toàn bộ tài sản là các khoản đầu tư tài chính như: đầu tư
chứng khoán dài hạn, góp vốn liên doanh, các khoản đầu tư dài hạn khác, đầu tư
chứng khoán ngắn hạn, đầu tư ngắn hạn khác; các khoản ký quỹ, ký cược ngắn hạn
và dài hạn; các loại tài sản khác.
- Các khoản nợ phải thu như: Phải thu của khách hàng, trả
trước cho người bán, phải thu nội bộ, các khoản phải thu khác...
b) Kiểm kê nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu của doanh
nghiệp:
- Các khoản phải trả bao gồm nợ vay ngắn hạn và dài hạn, nợ
dài hạn, phải trả cho người bán, người mua trả tiền trước, thuế và các khoản
phải nộp Nhà nước, phải trả công nhân viên, phải trả cho các đơn vị nội bộ, các
khoản phải trả, phải nộp khác, nợ khác.
- Toàn bộ nguồn vốn chủ sở hữu bao gồm: nguồn vốn kinh
doanh, nguồn vốn đầu tư XDCB, các quỹ xí nghiệp, các khoản chênh lệch tỷ giá và
chênh lệch đánh giá lại tài sản và nguồn kinh phí.
2.2.2. Đối tượng xác định lại giá
trị tài sản
a) Đối với tài sản cố định: Chỉ xác định lại giá trị một
số tài sản cố định thuộc một số ngành và doanh nghiệp mà giá hạch toán trên sổ
kế toán còn chênh lệch so với giá xây dựng hoặc mua sắm hiện nay.
b) Đối với tài sản lưu động: chỉ xác định lại giá trị tài
sản lưu động kém, mất phẩm chất, ứ đọng chậm luân chuyển, không cần dùng chờ
thanh lý.
3. Thời điểm kiểm kê: Thực hiện
thống nhất trong cả nước vào 0 giờ ngày 01/01/2000.
4. Chỉ tiêu kiểm kê
Toàn bộ danh mục tài sản lưu động và đầu tư ngắn hạn, tài
sản cố định và đầu tư dài hạn, nợ phải trả và nguồn vốn chủ sở hữu trong mẫu số
B 01-DN (Bảng cân đối kế toán) của hệ thống biểu mẫu báo cáo tài chính ban hành
kèm theo Quyết định số 1141 TC/QĐ/CĐKT ngày 01/11/1995 của Bộ trưởng Bộ Tài
chính và Thông tư số 100/1998/TT-BTC ngày 15/7/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn
kế toán thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp (Biểu số 1, 2 kèm
theo), cụ thể:
4.1. Kiểm kê tài sản
4.1.1. Đối với tài sản cố định:
- Chỉ tiêu hiện vật: xác định về số lượng, công suất, chất
lượng, hiện trạng và tình hình sử dụng TSCĐ, theo sổ kế toán và theo thực tế.
- Chỉ tiêu giá trị: nguyên giá, giá trị hao mòn và giá trị
còn lại của TSCĐ. Riêng đối với TSCĐ được xác định lại giá trị phải tính theo
giá đang hạch toán trên sổ kế toán và giá mới xác định lại; giá trị còn lại của
tài sản cố định được phân loại theo vốn ngân sách, vốn tự bổ sung, vốn vay ngân
hàng và các nguồn vốn khác.
- Phân tích đánh giá để phân loại tài sản theo nhóm và theo
tình trạng sử dụng: đang dùng, chưa cần dùng, không cần dùng, hư hỏng chờ thanh
lý (Biểu số 1c kèm theo).
4.1.2. Đối với tài sản lưu động:
- Chỉ tiêu hiện vật: số lượng, chất lượng, hiện trạng sử
dụng (tồn kho ứ đọng không cần dùng, kém mất phẩm chất) theo sổ kế toán và theo
thực tế. Đối với vốn bằng tiền được kiểm kê theo từng loại tiền: tiền Việt Nam và các loại ngoại tệ khác (nếu có); phân loại ngoại tệ gửi Ngân hàng trong nước và tiền
gửi ngoại tệ tại nước ngoài.
- Chỉ tiêu giá trị: theo giá hạch toán trên sổ kế toán.
Riêng đối với những tài sản lưu động kém mất phẩm chất không cần dùng, chờ thanh
lý phải được xác định lại theo giá hiện hành theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo
kiểm kê TW (biểu số 1b kèm theo).
4.1.3. Đối với các khoản nợ phải thu: xác định giá trị theo
số dư trên sổ kế toán của từng khoản nợ, đối chiếu với hoá đơn chứng từ phát
sinh từng khoản nợ; phải phân loại các khoản nợ phải thu: nợ phải thu ngắn hạn
(là khoản nợ phải thu không quá 1 năm kể từ khi phát sinh); nợ phải thu dài hạn
(là khoản nợ phải thu từ 1 năm trở lên kể từ khi phát sinh); nợ phải thu quá
hạn (là khoản nợ đến thời hạn thu nhưng chưa thu được), trong đó nợ phải thu
quá hạn phải phân loại: quá hạn 1 năm, quá hạn 2 năm và quá hạn 3 năm trở lên;
Đối với nợ phải thu khó đòi phải ghi rõ số tiền và nguyên nhân không đòi được
(Biểu số 1a).
4.1.4. Các khoản đầu tư tài chính: là cổ phiếu, trái phiếu,
tài sản góp vốn liên doanh, các khoản đầu tư dài hạn khác, dự phòng giảm giá
đầu tư dài hạn khác, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn... đối chiếu với số dư
ghi trên sổ kế toán, trong đó phải phân loại và xác định các khoản đầu tư không
có khả năng thu hồi.
4.2. Kiểm kê nguồn vốn
4.2.1. Kiểm kê nợ phải trả
Chỉ tiêu kiểm kê là giá trị các khoản nợ phải trả theo giá
hạch toán trên sổ kế toán; phải phân loại các khoản nợ phải trả theo các chỉ
tiêu: nợ ngắn hạn, nợ dài hạn, nợ khác; nợ chưa đến hạn, nợ quá hạn, trong đó
phân loại quá hạn trả 1 năm, 2 năm, từ 3 năm trở lên, phân loại theo một số chủ
nợ chính: nợ ngân sách, nợ ngân hàng, nợ cán bộ công nhân viên, nợ nước ngoài
(Biểu số 2a kèm theo).
4.2.2. Kiểm kê nguồn vốn chủ sở hữu.
Toàn bộ nguồn vốn chủ sở hữu bao gồm: nguồn vốn kinh doanh,
nguồn vốn đầu tư XDCB, các quỹ xí nghiệp, các khoản chênh lệch tỷ giá và chênh
lệch đánh giá lại tài sản và nguồn kinh phí. Vốn kinh doanh, vốn đầu tư XDCB
được phân loại theo vốn ngân sách, vốn tự bổ sung, vốn liên doanh, vốn cổ phần
(Biểu số 2b kèm theo).
5. Phương pháp kiểm kê
5.1. Trước khi kiểm kê, xác định lại
giá trị tài sản phải khoá sổ kế toán, xác định số lượng, giá trị từng tài sản,
nguồn vốn hiện có ghi trên sổ kế toán đến 0 giờ ngày 01/01/2000.
5.2. Tiến hành kiểm kê theo phương
pháp kiểm kê thực tế, đối chiếu với số liệu trên sổ kế toán cụ thể:
+ Phải thực hiện cân, đong, đo, đếm từng tài sản để xác định
về số lượng và giá trị tài sản.
+ Đối với các khoản nợ phải thu, phải trả phải đối chiếu với
hoá đơn chứng từ phát sinh các khoản nợ, đối chiếu từng khoản nợ và có xác nhận
của khách nợ và chủ nợ liên quan.
+ Đối với vốn chủ sở hữu thì căn cứ vào kết quả kiểm kê tài
sản và chứng từ, sổ kế toán để xác định nguồn vốn chủ sở hữu.
+ So sánh giữa số liệu thực tế kiểm kê với số liệu đang ghi
trên sổ kế toán. Xác định chênh lệch, nguyên nhân, trách nhiệm đối với việc
thừa thiếu tài sản.
6. Điều chỉnh lại giá trị tài sản
6.1. Điều chỉnh lại giá trị tài sản:
+ Đối với TSCĐ: chỉ áp dụng đối với những tài sản mà giá
hạch toán trên sổ kế toán có chênh lệch so với giá xây dựng và mua sắm mới của
một số doanh nghiệp thuộc các ngành như ngành điện (các nhà máy thuỷ điện, hệ
thống đường dây tải điện); ngành thuỷ lợi (hệ thống các công trình thuỷ lợi); Công
nghiệp đóng tàu; Ngành xi măng và một số doanh nghiệp thuộc một số ngành khác
có yêu cầu phải điều chỉnh.
Đối với những tài sản cố định đã khấu hao hết giá trị nhưng
vẫn còn sử dụng được, thì doanh nghiệp đánh giá lại giá trị theo tỷ lệ (%) còn
lại thực tế của tải sản để nắm tình hình thực trạng tài sản tại doanh nghiệp.
Việc hạch toán kế toán những tài sản này vẫn theo chế độ hiện hành.
+ Đối với TSLĐ: chỉ đánh giá lại những tài sản kém, mất phẩm
chất, ứ đọng không cần dùng chờ thanh lý.
6.2. Khi điều chỉnh lại giá trị tài sản, ngoài yếu tố giá
cả, cần tính đến yếu tố hậu quả về xử lý tài chính cụ thể của doanh nghiệp sau
khi điều chỉnh sao cho vừa đảm bảo hạch toán đúng, vừa đảm bảo sản xuất kinh
doanh của doanh nghiệp được bình thường và phát triển không làm khó khăn thêm
về xử lý tài chính doanh nghiệp.
6.3. Trên cơ sở kết quả kiểm kê, điều chỉnh lại giá trị tài
sản, các doanh nghiệp thuộc đối tượng điều chỉnh lại giá trị tài sản cần xử lý
điều chỉnh tăng, giảm vốn tướng ứng phải có văn bản báo cáo cơ quan có thẩm
quyền ra quyết định tăng giảm vốn cho doanh nghiệp, cụ thể là:
- Đối với các Tổng công ty 90, 91 (bao gồm cả các Tổng công
ty 90, 91 do địa phương quyết định thành lập) và doanh nghiệp nhà nước độc lập
trực thuộc các Bộ, ngành thì gửi văn bản báo cáo Bộ Tài chính ra quyết định
tăng, giảm vốn cho doanh nghiệp, đồng thời gửi cho Bộ quản lý ngành, Uỷ ban
nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nếu là các Tổng công ty do địa
phương quản lý).
- Đối với các doanh nghiệp nhà nước độc lập trực thuộc Uỷ
ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc TW thì gửi văn bản báo cáo Sở Tài chính
- Vật giá tỉnh, thành phố có ý kiến để báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương ra quyết định tăng, giảm vốn cho doanh nghiệp.
7. Xử lý chênh lệch thừa, thiếu do
kết quả kiểm kê.
Các doanh nghiệp, Tổng công ty Nhà nước căn cứ kết quả kiểm
kê, phát hiện chênh lệch, phân tích nguyên nhân để xử lý và điều chỉnh sổ kế
toán, lập báo cáo tài chính và bản cân đối tài chính. Doanh nghiệp chịu trách
nhiệm về các báo cáo tài chính và công khai tài chính theo chế độ hiện hành.
8. Tổ chức công tác kiểm kê và tổng
hợp
Ban chỉ đạo kiểm kê Trung ương được thành lập theo Quyết
định số 150/1999/QĐ-TTg ngày 8/7/1999 của Thủ tướng Chính phủ. Ban chỉ đạo kiểm
kê Trung ương thành lập tổ thường trực giúp việc đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp
của Ban chỉ đạo kiểm kê Trung ương. Tổ thường trực giúp việc do một Tổng thư ký
phụ trách, giúp việc cho Tổng thư ký có 2 phó Tổng thư ký và các thành viên
trong tổ thường trực được triệu tập từ các Bộ, ngành có liên quan.
Việc thành lập Ban chỉ đạo kiểm kê các cấp, thành phần và
nhiệm vụ thực hiện theo công văn số 01 KK/TW ngày 16/9/1999 của Ban chỉ đạo
kiểm kê Trung ương.
9. Tiến độ triển khai công tác kiểm
kê
9.1. Bước 1: Từ tháng 8 - 10/1999.
- Thành lập Ban chỉ đạo kiểm kê TW và Ban chỉ đạo kiểm kê
các Bộ, ngành, địa phương, chuẩn bị điều kiện cần thiết cho hoạt động của các
Ban chỉ đạo kiểm kê; thành lập Hội đồng kiểm kê của Tổng công ty, doanh nghiệp,
chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho công tác kiểm kê của đơn vị mình.
- Ban chỉ đạo kiểm kê Trung ương phối hợp cùng với các Bộ,
ngành soạn thảo và ban hành phương án kiểm kê, phiếu kiểm kê, mẫu biểu kiểm kê,
biểu mẫu báo cáo kết quả kiểm kê, các văn bản hướng dẫn phương pháp xác định lại
giá trị tài sản của một số ngành có chênh lệch giá trị tài sản lớn.
- In và phát hành biểu mẫu, văn bản hướng dẫn kiểm kê.
- Chuẩn bị tài liệu và các điều kiện cho công tác tập huấn
nghiệp vụ cho Ban chỉ đạo kiểm kê của các Bộ, ngành, địa phương, các Tổng công
ty;
9.2. Bước 2: Từ tháng 11/1999
- Ban chỉ đạo kiểm kê Trung ương tập huấn nghiệp vụ kiểm kê,
xác định lại giá trị tài sản cho Ban chỉ đạo kiểm kê của các Bộ, ngành, địa
phương, các Tổng công ty; giải thích những vướng mắc của các doanh nghiệp.
- Ban chỉ đạo kiểm kê các Bộ và địa phương tập huấn nghiệp
vụ kiểm kê cho các doanh nghiệp nhà nước theo nội dung Ban chỉ đạo kiểm kê
Trung ương đã hướng dẫn.
9.3. Bước 3: Từ tháng 12/1999 -
1/2000
- Thực hiện kiểm kê, xác định lại giá trị tài sản tại các doanh
nghiệp;
- Các doanh nghiệp tổng hợp kết quả kiểm kê, lập báo cáo
kiểm kê xác định lại giá trị tài sản gửi cho Tổng công ty, ban chỉ đạo kiểm kê
Bộ, ngành, địa phương theo qui định.
9.4. Bước 4: Từ tháng 2 - 3/2000
- Hội đồng kiểm kê Tổng công ty, Ban chỉ đạo kiểm kê các Bộ,
ngành, địa phương:
+ Kiểm tra báo cáo kiểm kê của các doanh nghiệp, thực hiện
phúc tra đối với những doanh nghiệp có sai sót lớn trong kiểm kê xác định lại
giá trị tài sản;
+ Tổng hợp báo cáo kiểm kê của các doanh nghiệp;
+ Lập và gửi báo cáo nhanh về kết quả kiểm kê theo qui định;
- Ban chỉ đạo kiểm kê Trung ương phối hợp với Ban chỉ đạo
kiểm kê các Bộ, ngành, địa phương phúc tra việc tính toán xác định lại giá trị
tài sản của một số doanh nghiệp có chênh lệch giá lớn;
- Xử lý những tồn tại trong kiểm kê, xác định lại giá trị
tài sản.
9.5. Bước 5: Từ tháng 4/2000 đến
tháng 6/2000
- Tổng hợp báo cáo kết quả kiểm kê của các đơn vị kiểm kê;
- Ban chỉ đạo kiểm kê các Bộ, ngành, địa phương, Tổng công
ty tổng hợp lập báo cáo kết quả kiểm kê; phân tích kết quả kiểm kê, kiến nghị
các biện pháp xử lý sau kiểm kê và các biện pháp đổi mới quản lý vốn và tài sản
tại doanh nghiệp; gửi báo cáo kiểm kê cho Ban chỉ đạo kiểm kê Trung ương theo
qui định.
- Ban chỉ đạo kiểm kê Trung ương lập báo cáo kiểm kê, phân
tích kết quả kiểm kê, kiến nghị các biện pháp xử lý sau kiểm kê và các biện
pháp đổi mới quản lý vốn và tài sản tại doanh nghiệp trình Thủ tướng Chính
phủ.
- Tổng kết công tác kiểm kê xác định lại giá trị tài sản,
quyết toán kinh phí kiểm kê.
10. Phân công trách nhiệm cho một số
Bộ, ngành, địa phương.
10.1. Trách nhiệm của các Bộ, ngành
là thành viên của Ban chỉ đạo kiểm kê Trung ương và Bộ, ngành có liên quan đến
công tác kiểm kê.
- Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành có thành
viên trong Ban chỉ đạo kiểm kê TW chuẩn bị phương án triển khai kiểm kê; chuẩn
bị tài liệu hướng dẫn phương pháp đánh giá bảo toàn, phát triển vốn, khả năng
thanh toán nợ của doanh nghiệp; chuẩn bị các điều kiện vật chất cũng như kinh
phí cho hoạt động của Ban chỉ đạo kiểm kê TW; hướng dẫn đôn đốc các Bộ, ngành,
Ban chỉ đạo kiểm kê các địa phương tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm kê; Tổng
hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả kiểm kê và kiến nghị các biện pháp xử
lý những tồn tại về tài sản nhằm làm lành mạnh hoá tài chính doanh nghiệp;
nghiên cứu trình Chính phủ ban hành chế độ quản lý, sử dụng tài sản của các
doanh nghiệp có hiệu quả.
- Tổng cục Thống kê chủ trì cùng với Bộ Tài chính soạn thoả
biểu mẫu kiểm kê, hướng dẫn phương pháp tính và ghi chép các chỉ tiêu trong
biểu mẫu kiểm kê, báo cáo kiểm kê; Xây dựng các qui định về trình tự, cách thức
gửi báo cáo kết quả kiểm kê trình Ban chỉ đạo kiểm kê TW xem xét ban hành trong
tháng 10/1999; Cùng với Bộ Tài chính tổng hợp phân tích kết quả kiểm kê theo
yêu cầu của Ban chỉ đạo kiểm kê TW.
- Ban Vật giá Chính phủ chủ trì cùng với Bộ Tài chính và các
Bộ ngành liên quan xác định những ngành quan trọng có chênh lệch giá tài sản
lớn cần đánh giá lại tài sản, xây dựng văn bản hướng dẫn đánh giá lại tài sản
cố định của những ngành này trình Ban chỉ đạo kiểm kê TW xem xét ban hành trong
tháng 10/1999.
- Bộ Xây dựng chủ trì cùng với Ban Vật giá Chính phủ, Bộ Tài
chính xây dựng văn bản hướng dẫn phương pháp xác định lại giá TSCĐ là nhà cửa,
vật kiến trúc, công trình xây dựng thuộc kết cấu hạ tầng của những ngành cần
xác định lại giá trị tài sản trình Ban chỉ đạo kiểm kê TW xem xét ban hành
trong tháng 10/1999.
- Các Bộ Công nghiệp, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường,
Ban Vật giá Chính phủ và Bộ Tài chính xây dựng văn bản hướng dẫn phương pháp
xác định lại giá trị của các loại TSCĐ đặc thù của ngành mình cần phải xác định
lại giá trị trình Ban chỉ đạo kiểm kê TW ban hành trong tháng 10/1999.
10.2. Trách nhiệm chung của các Bộ,
ngành, địa phương:
Bộ trưởng các Bộ; Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ; Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty 90, 91 và Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm;
- Thành lập Ban chỉ đạo kiểm kê của cấp mình, qua Ban chỉ
đạo kiểm kê để chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thuộc phạm vi quản lý của
cấp mình thực hiện kiểm kê xác định lại giá trị TSCĐ theo đúng hướng dẫn của
Ban chỉ đạo kiểm kê Trung ương;
- Xử lý tổng hợp và báo cáo kịp thời kết quả kiểm kê xác
định lại giá trị TSCĐ theo đúng quy định của Ban chỉ đạo kiểm kê Trung ương.
Để đạt được mục đích và yêu cầu của cuộc tổng kiểm kê và xác
định lại giá trị TSCĐ thuộc quyền quản lý và sử dụng của doanh nghiệp nhà nước;
Ban chỉ đạo kiểm kê Trung ương đề nghị các đồng chí Thủ trưởng các Bộ, ngành,
UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Ban chỉ đạo kiểm kê các cấp chỉ
đạo sát sao công tác kiểm kê và xác định lại giá trị tài sản của các doanh
nghiệp thuộc phạm vi quản lý của mình, theo đúng nội dung, phương án của Ban
chỉ đạo kiểm kê Trung ương.
Tên đơn vị báo cáo ............
Thuộc đơn vị quản lý.........
Thuộc tỉnh, thành phố.......
Thuộc Bộ, ngành ...............
|
BÁO CÁO KIỂM
KÊ TÀI SẢN CỦA DNNN
có đến 0 giờ ngày 1/1/2000
|
Biểu số: 1 BCKK/DNNN
(Ban hành kèm theo văn bản số 04 KK/TW
ngày 22 tháng 10 năm 1999
của Trưởng Ban CĐKKTW)
|