HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
10/2010/NQ-HĐND
|
Bến Tre, ngày
17 tháng 11 năm 2010
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ TIẾP KHÁCH TRONG NƯỚC; CHẾ ĐỘ CÔNG
TÁC PHÍ, CHẾ ĐỘ CHI TỔ CHỨC CÁC CUỘC HỘI NGHỊ ĐỐI VỚI CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC VÀ
ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE
KHOÁ VII - KỲ HỌP THỨ 21
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ
ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Thông tư số 01/2010/TT-BTC ngày 06
tháng 01 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước
ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế
tại Việt Nam và chi tiêu tiếp khách trong nước;
Căn cứ Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06
tháng 7 năm 2010 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ
chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;
Sau khi nghe Uỷ ban nhân dân tỉnh trình bày tờ
trình về việc quy định chế độ chi tiêu tiếp khách trong nước và tờ trình về việc
quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các
cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập;
Sau khi nghe báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế
và Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Chế độ chi tiêu tiếp
khách trong nước
1. Quy định chung về tiếp khách trong nước:
Các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập,
cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức
chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp có
sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước cấp phải thực hành tiết kiệm trong việc tiếp
khách; việc tổ chức tiếp khách phải đơn giản, không phô trương hình thức. Không
sử dụng ngân sách để mua quà tặng đối với các đoàn khách đến làm việc. Mọi khoản
chi tiêu tiếp khách phải đúng chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng theo quy định; phải
công khai, minh bạch và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ
quan, đơn vị. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị tổ chức tiếp khách phải trực tiếp
chịu trách nhiệm nếu để xảy ra việc chi tiêu sai quy định.
Việc tổ chức chiêu đãi, tiếp khách trong nước của
các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước do Thủ trưởng cơ quan được
giao nhiệm vụ tổ chức đón tiếp phê duyệt.
2. Mức chi tiếp khách:
a) Chi nước uống: đối với khách đến làm việc tại
cơ quan, đơn vị mức chi nước uống tối đa không quá 20.000 đồng/người/ngày.
b) Chi mời cơm: các cơ quan, đơn vị không tổ chức
chi chiêu đãi đối với khách trong nước đến làm việc tại cơ quan, đơn vị mình;
trường hợp xét thấy cần thiết thì chỉ tổ chức mời cơm khách theo mức chi tiếp
khách tối đa không quá 200.000đồng/1 suất.
3. Quy định khác về tiếp khách được mời
cơm:
a) Đối tượng khách được mời cơm:
- Đoàn cán bộ lão thành cách mạng; Đoàn Bà mẹ Việt
Nam anh hùng; Đoàn bà con các dân tộc ít người; Đoàn khách già làng trưởng bản,
trưởng ấp.
- Đoàn lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính
phủ; các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Uỷ ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam, Ban, Ngành,
Đoàn thể ở Trung ương.
- Các nhà đầu tư đến thăm và làm việc tìm hiểu
môi trường đầu tư để mở rộng và thu hút các dự án đầu tư; các nhà tài trợ, viện
trợ đến thăm và làm việc với địa phương để triển khai, thực hiện dự án tài trợ,
viện trợ.
b) Kế hoạch tiếp khách:
Đối với các khách thuộc đối tượng quy định tại
điểm a khoản 3 Điều này khi đến thăm và làm việc tại cơ quan cấp tỉnh, huyện,
thành phố thì cơ quan tiếp khách phải có đề án hoặc kế hoạch đón tiếp trình cấp
có thẩm quyền:
- Đoàn khách là cơ quan Đảng, Uỷ ban Mặt trận Tổ
quốc, đoàn thể trình Thường trực Tỉnh uỷ đối với cấp tỉnh; trình Thường trực
Huyện uỷ, Thành uỷ đối với cấp huyện, thành phố.
- Đoàn khách do Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì
tiếp khách trình Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; Hội đồng nhân dân huyện,
thành phố trình Thường trực Hội đồng nhân dân huyện, thành phố.
- Các đoàn khách còn lại trình Uỷ ban nhân dân tỉnh
đối với cơ quan cấp tỉnh; trình Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố đối với cơ
quan cấp huyện, thành phố.
- Kinh phí thực hiện tiếp khách các trường hợp
nêu trên được ngân sách cấp bổ sung hoặc từ nguồn kinh phí đặc thù và nguồn thu
hợp pháp khác (nếu có).
c) Khách tỉnh bạn, khách trong tỉnh đến thăm và làm
việc tại các cơ quan, đơn vị do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định mời cơm
theo thẩm quyền, kinh phí tiếp khách được thực hiện từ nguồn kinh phí hoạt động
thường xuyên.
d) Đối với các đoàn khách thuộc đối tượng quy định
tại điểm a khoản 3 Điều này, khách ngoài tỉnh và khách trong tỉnh khi đến thăm
và làm việc tại các xã, phường, thị trấn thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các xã,
phường, thị trấn quyết định mời cơm theo thẩm quyền trong phạm vi nguồn ngân
sách xã, phường, thị trấn.
4. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo
đảm chi phí hoạt động, đơn vị tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động theo quy định
tại Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định
quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên
chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị định số
115/2005/NĐ-CP ngày 05 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ, tự
chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, đối tượng khách được
mời cơm, mức chi mời cơm do Thủ trưởng đơn vị xem xét, quyết định và phải được
quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả
phù hợp với đặc điểm hoạt động của cơ quan, đơn vị.
Điều 2. Chế độ công tác phí,
chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị
1. Thanh toán khoán tiền tự túc phương tiện đi
công tác:
a) Đối với các đối tượng cán bộ lãnh đạo có tiêu
chuẩn được bố trí xe ôtô đưa đi công tác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ,
nhưng cơ quan không bố trí được xe ôtô cho người đi công tác mà người đi công
tác phải tự túc phương tiện khi đi công tác cách trụ sở cơ quan từ 15km trở lên
thì được cơ quan, đơn vị thanh toán tiền khoán tự túc phương tiện khi đi công
tác. Mức thanh toán khoán tự túc phương tiện được tính theo số ki lô mét (km)
thực tế và đơn giá thuê xe. Đơn giá thuê xe do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quy định
căn cứ đơn giá thuê xe phổ biến đối với phương tiện loại trung bình tại địa
phương và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đơn vị.
b) Đối với các đối tượng cán bộ, công chức không
có tiêu chuẩn được bố trí xe ôtô khi đi công tác, nhưng nếu cán bộ đi công tác
cách trụ sở cơ quan từ 15km trở lên thì mức khoán thanh toán nhiên liệu và khấu
hao phương tiện cụ thể như sau:
- Nhiên liệu: 30km/lít xăng đối với xe môtô công
và xe cá nhân.
- Khấu hao xe áp dụng đối với xe cá nhân là 600
đồng/km.
2. Mức chi phụ cấp lưu trú:
a) Đối với nguồn kinh phí khoán (kinh phí khoán
chi quản lý hành chính, kinh phí khoán cho đơn vị sự nghiệp do ngân sách đảm bảo
kinh phí theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP): mức phụ cấp lưu trú tối đa không quá
150.000 đồng/người/ngày. Giao cho Thủ trưởng cơ quan, đơn vị căn cứ vào nguồn
kinh phí khoán được giao; quãng đường đi công tác, thời gian đi công tác để quy
định mức chi cụ thể vào quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị mình trên tinh thần
tiết kiệm, tránh lãng phí.
b) Đối với nguồn kinh phí không khoán (kinh phí
hoạt động sự nghiệp, kinh phí bổ sung ngoài khoán) thì mức khoán lưu trú như
sau:
- Đi công tác ngoài tỉnh:
+ Đi công tác ngoài tỉnh trong ngày về mức thanh
toán phụ cấp lưu trú tối đa không quá 100.000 đồng/ngày/người.
+ Đi công tác ngoài tỉnh nghỉ lại nơi công tác mức
thanh toán phụ cấp lưu trú không quá 150.000 đồng/ngày/người.
- Đi công tác trong tỉnh: phụ cấp lưu trú được
tính theo cự ly km tính từ trụ sở làm việc đến nơi công tác:
+ Nơi đến công tác cách xa trụ sở từ 10km đến dưới
30km mức phụ cấp lưu trú là 50.000 đồng/ngày/người.
+ Nơi đến công tác cách xa trụ sở từ 30km đến dưới
40km mức phụ cấp lưu trú không quá 70.000 đồng/ngày/người.
+ Nơi đến công tác cách xa từ 40km trở lên mức
phụ cấp lưu trú là 100.000 đồng/ngày/người.
3. Các nội dung khác về chế độ chi tiêu công tác
phí, chi tiêu tổ chức các hội nghị đối với các đơn vị cơ quan Nhà nước, đơn vị
sự nghiệp công lập không quy định tại Nghị quyết này thì thực hiện theo các định
mức quy định tại Thông tư số 97/2010/TT-BTC ngày 06 tháng 7 năm 2010 của Bộ Tài
chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với
các cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập. Thủ trưởng các cơ quan, đơn
vị căn cứ vào phạm vi kinh phí được giao quy định cụ thể các mức chi tiêu vào
quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị mình nhưng không vượt mức Trung ương quy định
đồng thời đảm bảo tiết kiệm, tránh lãng phí.
Điều 3. Nghị quyết này thay thế các quy định tại Điều 1, 2 Phần A và
Điều 3 Phần B của Nghị quyết số 23/2007/NQ- HĐND ngày 14 tháng 12 năm 2007 của
Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre về việc quy định chế độ công tác phí, chế độ chi
tổ chức các cuộc hội nghị; quy định chế độ chi tiêu đón tiếp khách nước ngoài
vào làm việc trên địa bàn tỉnh, chi tiêu tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế
tại tỉnh và chi tiêu tiếp khách trong nước trên địa bàn tỉnh Bến Tre.
Điều 4. Tổ chức thực hiện
1. Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Uỷ ban nhân
dân tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết. Khi chỉ số
CPI (mức tăng giá chung) tăng từ 20% trở lên, Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Uỷ
ban nhân dân tỉnh có văn bản quy định điều chỉnh chế độ công tác phí, chế độ
chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với cơ quan Nhà nước và đơn vị sự nghiệp công
lập trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế với mức dao động Bộ Tài
chính cho phép.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội
đồng nhân dân tỉnh và Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giúp Hội đồng nhân dân tỉnh
giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh
khoá VII - kỳ họp thứ 21 (kỳ họp bất thường) thông qua ngày 17 tháng 11 năm
2010 và có hiệu lực thi hành sau mười ngày kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh
thông qua./.