HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH AN GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
07/2023/NQ-HĐND
|
An Giang, ngày 13
tháng 7 năm 2023
|
NGHỊ QUYẾT
BAN HÀNH QUY ĐỊNH CƠ CHẾ HUY ĐỘNG NGUỒN VỐN TÍN DỤNG VÀ NGUỒN
VỐN HỢP PHÁP KHÁC THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
AN GIANG GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG
KHÓA X KỲ HỌP THỨ 14
Căn cứ Luật Tổ chức Chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước
ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Nghị định số
27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ
chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Nghị định số 38/2023/NĐ-CP
ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản
lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia;
Xét Tờ trình số 571/TTr-UBND
ngày 04 tháng 7 năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh dự thảo Nghị quyết ban hành
Quy định cơ chế huy động nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện
các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2021 -
2025; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế - ngân sách; ý kiến thảo luận của đại biểu
Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy định cơ chế huy
động nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện các Chương trình mục
tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025.
Điều 2.
Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết
này.
Điều 3.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh An
Giang Khóa X Kỳ họp thứ 14 thông qua ngày 13 tháng 7 năm 2023 và có hiệu lực từ
ngày 23 tháng 7 năm 2023.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Chính phủ;
- Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam;
- Ban Công tác đại biểu - UBTVQH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và PTNT, Lao động
TB&XH;
- Ủy ban Dân tộc;
- Vụ Công tác Quốc hội, Địa phương và Đoàn thể - VPCP;
- Kiểm toán Nhà nước Khu vực IX;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Vụ Pháp chế Ủy ban dân tộc;
- Vụ Pháp chế các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và PTNT, Lao
động TB&XH;
- Website Chính phủ;
- Bí thư Tỉnh ủy;
- Thường trực, Ban Thường vụ Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- UBND tỉnh, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Ngân hàng NN Việt Nam chi nhánh tỉnh An Giang;
- Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh An Giang;
- Văn phòng: Tỉnh ủy, Đoàn ĐBQH và HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh;
- Thường trực HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Cơ quan thường trú TTXVN tại AG, Báo Nhân dân tại AG, Truyền hình Quốc hội
tại tỉnh An Giang;
- Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang;
- Website tỉnh, Trung tâm Công báo - Tin học;
- Cổng thông tin điện tử Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Lưu: VT, Phòng CTHĐND-Huy
|
CHỦ TỊCH
Lê Văn Nưng
|
QUY ĐỊNH
CƠ CHẾ HUY ĐỘNG NGUỒN VỐN TÍN DỤNG VÀ NGUỒN VỐN HỢP PHÁP
KHÁC THỰC HIỆN CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Kèm theo Nghị quyết số 07/2023/NQ-HĐND ngày 13 tháng 7 năm 2023 của Hội đồng
nhân dân tỉnh An Giang)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định cơ chế
huy động nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện các Chương
trình mục tiêu quốc gia (Chương trình MTQG) trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn
2021 - 2025.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với
các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động huy động
nguồn vốn tín dụng và nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện các Chương trình MTQG
trên địa bàn tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025.
Chương II
CƠ CHẾ HUY ĐỘNG NGUỒN VỐN
TÍN DỤNG VÀ NGUỒN VỐN HỢP PHÁP KHÁC
Điều 3.
Các nguồn vốn huy động
1. Nguồn vốn tín dụng: gồm vốn
vay của Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tín dụng; vốn ngân sách nhà
nước các cấp ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội.
2. Nguồn vốn hợp pháp khác: gồm
nguồn đóng góp tự nguyện của người dân (bằng tiền, hiện vật hoặc ngày công lao
động), doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Cơ
chế huy động nguồn vốn tín dụng
1. Hình thức huy động
a) Huy động tối đa nguồn vốn
tín dụng để thực hiện các Chương trình MTQG thông qua các chính sách tín dụng
cho từng đối tượng, nội dung thuộc phạm vi đầu tư từng Chương trình MTQG.
b) Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh, huyện trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định quy mô, bố trí ngân
sách tự cân đối của địa phương thực hiện chính sách tín dụng, hỗ trợ tín dụng
cho từng đối tượng, lĩnh vực, nội dung, hoạt động thuộc từng Chương trình mục
tiêu quốc gia bảo đảm phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế - xã hội tại địa
phương và quy định của pháp luật về quản lý đầu tư công, quản lý ngân sách nhà
nước và quản lý vốn tín dụng chính sách.
2. Tổ chức quản lý và sử dụng
a) Huy động nguồn vốn tín dụng
thực hiện theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng;
b) Sử dụng nguồn vốn tín dụng
thực hiện theo quy định của từng chính sách tín dụng và các quy định của pháp
luật về hoạt động tín dụng;
c) Khuyến khích cho vay ủy thác
qua hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội.
3. Thanh toán, quyết toán
Thực hiện theo quy định của Luật
Các tổ chức tín dụng năm 2010; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ
chức tín dụng năm 2017, các quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng thực
hiện các Chương trình MTQG.
Điều 5. Cơ
chế huy động các nguồn vốn hợp pháp khác
1. Hình thức huy động
a) Huy động, thu hút nguồn vốn
từ các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân; huy động nguồn đóng góp tự nguyện của
doanh nghiệp, tổ chức, người dân (bằng tiền: việt nam đồng hoặc ngoại tệ; bằng
hiện vật: đất đai, cây trái, hoa màu trên đất; hoặc bằng ngày công lao động được
quy đổi thành tiền);
b) Từ các khoản đóng góp tự
nguyện và viện trợ không hoàn lại của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thực
hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất và các hoạt động khác của các
chương trình theo quy định của pháp luật.
2. Nguyên tắc huy động
a) Huy động nguồn vốn từ đóng
góp của người dân, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đảm bảo dựa
trên tinh thần tự nguyện, dân chủ, công khai, minh bạch theo quy định của pháp
luật. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức không được quy định mức ủng hộ, đóng góp. Đối
với hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật không nơi nương tựa, hộ khó
khăn, gia đình chính sách, đối tượng hưởng trợ cấp xã hội, đóng góp bằng hình
thức phù hợp trên tinh thần tự nguyện;
b) Nguồn vốn huy động phải được
sử dụng đúng mục đích, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch trong công tác quản
lý, sử dụng các nguồn vốn huy động; phát huy vai trò làm chủ của người dân và cộng
đồng, thực hiện dân chủ cơ sở trong quá trình lập kế hoạch, tổ chức thực hiện,
giám sát cộng đồng, đánh giá, thực hiện tốt phương châm dân biết, dân bàn, dân
làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng;
c) Việc huy động các nguồn vốn
hợp pháp thực hiện các dự án, nhiệm vụ, nội dung, hoạt động phải được thể hiện
rõ trong quyết định phê duyệt dự án, dự toán và phải được theo dõi, đánh giá và
tổng hợp báo cáo trong kế hoạch 5 năm và hằng năm của địa phương.
3. Phương thức huy động
a) Huy động đóng góp từ cán bộ,
công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức
chính trị - xã hội - nghề nghiệp: Tuyên truyền, vận động, huy động cán bộ công
chức, viên chức, lực lượng vũ trang cấp tỉnh, cấp huyện; cán bộ, công chức cấp
xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã (kể cả các cơ quan trung ương
đóng tại địa phương); các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội
- nghề nghiệp ủng hộ bằng tiền hoặc hiện vật để thực hiện các Chương trình; Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp vận động, thu nộp và sử dụng quỹ để thực
hiện các Chương trình, dự án, hoạt động, nội dung của Chương trình mục tiêu quốc
gia; việc phân bổ quỹ phải thống nhất với Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu
quốc gia các cấp;
b) Huy động từ doanh nghiệp:
Tuyên truyền, vận động, huy động các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh
trên địa bàn với hình thức ủng hộ, đóng góp bằng tiền, hiện vật, công trình hạ
tầng hoặc vật tư, nguyên vật liệu để thực hiện các Chương trình. Ủy ban nhân
dân, phối hợp Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tổ chức tiếp nhận và triển
khai thực hiện;
c) Huy động nguồn vốn đóng góp
từ nhân dân tham gia thực hiện các Chương trình: Tuyên truyền, vận động, huy động
đóng góp của nhân dân để đầu tư công trình, dự án, hoạt động, nội dung của
Chương trình theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”:
- Ủy ban nhân dân cấp xã triển
khai huy động nguồn vốn đóng góp của nhân dân theo quy trình lập kế hoạch đầu
tư cấp xã, nội dung huy động nguồn vốn để đầu tư, hỗ trợ thực hiện các dự án của
các chương trình phải được đưa ra bàn bạc thống nhất với nhân dân tại cuộc họp
và phải đảm bảo nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 5 của Quy định này và phù
hợp với cơ cấu nguồn vốn đối với từng nội dung tổ chức thực hiện;
- Việc đóng góp xây dựng công
trình kết cấu hạ tầng nông thôn theo phương thức tự nguyện thông qua các hình
thức như: hiến đất, công lao động, tiền, nguyên vật liệu, máy móc thiết bị…Việc
huy động rộng rãi trong nhân dân do nhân dân trong ấp, xã tự bàn bạc quyết định
và đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã trình Hội đồng nhân dân xã thông qua;
- Trường hợp các hộ dân chưa thống
nhất với phương án huy động đóng góp, Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì phối hợp với
ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa
phương và Trưởng các ấp tổ chức tuyên truyền, giải thích, vận động, thuyết phục
để các hộ dân tự nguyện đóng góp tham gia theo sự thống nhất chung.
4. Tổ chức quản lý và sử dụng
a) Vốn huy động từ các doanh
nghiệp, tổ chức cá nhân thông qua các chính sách thu hút đầu tư được sử dụng
theo quy định của pháp luật về Luật đầu tư và các văn bản quy phạm pháp luật có
liên quan;
b) Đóng góp (bằng tiền hoặc hiện
vật) của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện phân bổ, sử dụng theo quy
định của cơ quan có thẩm quyền tại địa phương (nếu có) theo quy định của Luật
Ngân sách nhà nước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Trừ trường hợp
đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có yêu cầu phân bổ, sử dụng theo cơ chế
riêng;
c) Đóng góp tự nguyện (bằng tiền,
hiện vật hoặc ngày công lao động) của nhân dân tham gia thực hiện các chương
trình do nhân dân thống nhất, cử đại diện trực tiếp quản lý, sử dụng.
5. Thanh toán, quyết toán
a) Đối với nguồn vốn của các
nhà tài trợ: trường hợp nhà tài trợ có quy định về phương thức thanh toán, quyết
toán thì thực hiện theo quy định của nhà tài trợ; trường hợp nhà tài trợ không
có quy định thì thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn
bản quy định hiện hành;
b) Đối với nguồn vốn đóng góp tự
nguyện: do cộng đồng tham gia thực hiện các chương trình trực tiếp quản lý, sử
dụng; tham gia đóng góp bằng hiện vật hoặc ngày công lao động được quy đổi
thành tiền và được tính trong giá trị nội dung thực hiện đầu tư, hỗ trợ các
chương trình để theo dõi, quản lý tỷ lệ đóng góp đã thống nhất không thực hiện
hạch toán vào thu, chi ngân sách nhà nước;
c) Sau khi thanh toán, quyết
toán, nếu chênh lệch thu lớn hơn chi hoặc với các khoản hiện vật đóng góp chưa
được sử dụng hết, nhân dân tổ chức họp bàn và quyết định sử dụng kinh phí hoặc
hiện vật chưa sử dụng hết để tiếp tục đầu tư, hỗ trợ thực hiện các nội dung thuộc
các chương trình trên địa bàn hoặc sử dụng cho các công trình công ích cần thiết
khác của cộng đồng.
6. Công khai tài chính
a) Nội dung công khai: Kết quả
huy động vốn (đối tượng, thời gian, hình thức, mức huy động, đóng góp của các đối
tượng); việc sử dụng nguồn vốn huy động để đầu tư, hỗ trợ thực hiện các nội
dung thuộc các chương trình; số chênh lệch thu, chi phải được công khai (nếu
có);
b) Hình thức công khai: Niêm yết
tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, nhà văn hóa các ấp, thông báo trên hệ thống
truyền thanh của xã, ấp và thông qua các buổi họp trực tiếp với nhân dân.
7. Kiểm tra, giám sát
Các khoản huy động, đóng góp sẽ
được kiểm tra, giám sát chặt chẽ; phát huy vai trò giám sát, kiểm tra của Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, các Tổ
Giám sát cộng đồng ở cơ sở./.