CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 72/2023/NĐ-CP
|
Hà Nội, ngày 26
tháng 9 năm 2023
|
NGHỊ ĐỊNH
QUY
ĐỊNH TIÊU CHUẨN, ĐỊNH MỨC SỬ DỤNG XE Ô TÔ
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa
đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền
địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Quản
lý, sử dụng tài sản công ngày 21 tháng 6 năm 2017;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định tiêu chuẩn,
định mức sử dụng xe ô tô.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Nghị định này quy định về tiêu chuẩn, định mức sử
dụng xe ô tô; khoán kinh phí sử dụng xe ô tô; thuê dịch vụ xe ô tô và sắp xếp lại,
xử lý xe ô tô, gồm:
a) Xe ô tô phục vụ công tác các chức danh.
b) Xe ô tô phục vụ công tác chung.
c) Xe ô tô chuyên dùng.
d) Xe ô tô phục vụ lễ tân nhà nước.
2. Tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô tại đơn vị
lực lượng vũ trang nhân dân thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và tiêu chuẩn, định
mức sử dụng xe ô tô của cơ quan Việt Nam ở nước ngoài thực hiện theo quy định
riêng của Chính phủ.
3. Xe ô tô phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của
doanh nghiệp nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng
vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và pháp luật có
liên quan; không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này.
Xe ô tô phục vụ hoạt động cung cấp dịch vụ vận tải
đối ngoại (ngoài tiêu chuẩn, định mức xe ô tô phục vụ lễ tân nhà nước quy định
tại Điều 18 Nghị định này) của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc
Bộ Ngoại giao do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao xem xét, quyết định việc đầu tư, trang
bị xe ô tô, đảm bảo hiệu quả và không sử dụng ngân sách nhà nước để mua sắm, quản
lý, vận hành xe ô tô; không điều chỉnh theo quy định tại Nghị định này.
4. Tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô của đơn vị
sự nghiệp công lập được cơ quan, người có thẩm quyền quy định hoặc phê duyệt Đề
án áp dụng hoặc vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp theo quy định của
pháp luật được thực hiện như sau:
a) Tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ
công tác của các chức danh được áp dụng theo quy định tại Nghị định này.
b) Tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ
công tác chung và xe ô tô chuyên dùng do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung
ương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau khi xin ý
kiến của các cơ quan liên quan theo Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Thành ủy) xem
xét, quyết định để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ sự nghiệp
công do cơ quan, người có thẩm quyền giao, phù hợp với nguồn kinh phí được phép
sử dụng của đơn vị, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả và không sử dụng ngân sách nhà
nước để mua sắm; không thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Đối tượng áp dụng của Nghị định này, bao gồm:
a) Cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng Cộng sản Việt
Nam, Mặt trận Tổ quốc; Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam,
Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu
chiến binh Việt Nam, đơn vị sự nghiệp công lập, ban quản lý dự án sử dụng vốn
nhà nước (sau đây gọi là cơ quan, tổ chức, đơn vị).
b) Doanh nghiệp do Nhà nước, cơ quan Đảng Cộng sản
Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội được ngân sách
nhà nước đảm bảo kinh phí hoạt động nắm giữ 100% vốn điều lệ, bao gồm cả các
doanh nghiệp là công ty con và đơn vị trực thuộc (sau đây gọi là doanh nghiệp
nhà nước).
c) Các hội quần chúng có tính chất đặc thù được Nhà
nước hỗ trợ xe ô tô theo quy định tại Điều 20 Nghị định này.
d) Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc xác
định, ban hành, áp dụng tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.
2. Các tổ chức tài chính nhà nước ngoài ngân sách
được áp dụng theo cơ chế tài chính của đơn vị, tổ chức nào thì tiêu chuẩn, định
mức sử dụng xe ô tô được áp dụng theo tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô của
mô hình tương ứng quy định tại Nghị định này; nguồn kinh phí để mua xe ô tô do
các tổ chức tự đảm bảo, không sử dụng ngân sách nhà nước để mua sắm xe ô tô.
Điều 3. Nguyên tắc áp dụng tiêu
chuẩn, định mức và thay thế xe ô tô phục vụ công tác
1. Tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô quy định tại
Nghị định này được sử dụng làm căn cứ để: lập kế hoạch và dự toán ngân sách;
giao, mua sắm, bố trí, khoán kinh phí sử dụng, thuê dịch vụ xe ô tô; quản lý, sử
dụng và xử lý xe ô tô.
2. Trường hợp một người giữ nhiều chức danh, chức vụ
có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô thì được áp dụng tiêu chuẩn cao nhất. Khi người
tiền nhiệm nghỉ chế độ, chuyển công tác hoặc vì lý do khác mà không còn giữ chức
vụ đó nữa nhưng xe ô tô đã trang bị chưa đủ điều kiện thay thế, thanh lý theo
quy định thì người kế nhiệm tiếp tục sử dụng, không trang bị mới, trừ trường hợp
xe ô tô được cơ quan, người có thẩm quyền quyết định xử lý theo quy định của
pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Ủy viên Trung ương Đảng dự khuyết đang đảm nhiệm vị
trí công tác nào thì được áp dụng tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô theo chức
vụ đang công tác.
Đối với các chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý
trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được quy định cụ thể tại các Điều 5, 6, 7 và 8 Nghị định này, khi cơ quan có thẩm quyền quy
định chức danh, chức vụ đó tương đương với chức danh, chức vụ nào quy định tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 và các điểm a, b, c, d, đ
khoản 2 Điều 8 Nghị định này thì được áp dụng tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô chức
danh, xe ô tô phục vụ công tác chung của chức danh, chức vụ tương đương.
3. Xe ô tô phục vụ công tác của các chức danh quy định
tại Điều 4 và Điều 5 Nghị định này được trang bị, thay thế
theo yêu cầu công tác; việc xử lý xe ô tô cũ khi thay thế được thực hiện theo
quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công
và các văn bản quy định chi tiết thi hành.
Xe ô tô phục vụ lễ tân nhà nước được thay thế theo
quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 19 Nghị định này; việc xử
lý xe ô tô cũ khi thay thế được thực hiện theo quy định tại khoản
3 Điều 19 Nghị định này.
4. Xe ô tô không thuộc quy định tại khoản 3 Điều
này được thay thế khi đủ điều kiện thanh lý. Việc thanh lý xe ô tô được thực hiện
khi đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
a) Đã quá thời gian sử dụng để tính hao mòn theo
quy định của pháp luật về chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản cố định.
b) Đã sử dụng trên 200.000 km đối với xe ô tô của
các cơ quan, tổ chức đơn vị, doanh nghiệp nhà nước có trụ sở chính đóng trên địa
bàn miền núi, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn
theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc/và đóng trên địa bàn tỉnh,
thành phố có trên 50% đơn vị hành chính cấp huyện thuộc địa bàn miền núi, hải đảo,
địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính
phủ, Thủ tướng Chính phủ; đã sử dụng trên 250.000 km đối với xe ô tô của các cơ
quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước còn lại.
c) Chưa đủ điều kiện quy định tại điểm a, điểm b
khoản này nhưng bị hư hỏng mà không thể sửa chữa được hoặc việc sửa chữa không
hiệu quả (dự toán chi phí sửa chữa để khắc phục hư hỏng lớn hơn 30% so với
nguyên giá).
5. Nguyên tắc xác định giá mua xe ô tô:
a) Giá mua xe ô tô trong tiêu chuẩn, định mức là
giá mua đã bao gồm các loại thuế phải nộp theo quy định của pháp luật, sau khi
trừ đi các khoản chiết khấu, giảm giá (nếu có); chưa bao gồm: lệ phí trước bạ;
lệ phí đăng ký, cấp biển phương tiện giao thông; phí bảo hiểm; lệ phí cấp giấy
chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới,
xe máy chuyên dùng; phí bảo trì đường bộ liên quan đến việc sử dụng xe. Trường
hợp xe ô tô được miễn các loại thuế (nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, giá trị gia
tăng) thì phải tính đủ số thuế được miễn này vào giá mua xe để xác định tiêu
chuẩn, định mức.
Trường hợp quá 01 năm, kể từ ngày Nghị định này có
hiệu lực thi hành, giá xe ô tô trên thị trường có biến động tăng, bộ, cơ quan
trung ương, Ban thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), Hội đồng thành
viên, Hội đồng quản trị tập đoàn kinh tế được xem xét, quyết định giá mua xe ô
tô cao hơn nhưng mức giá tăng thêm không vượt quá 15% so với mức giá theo quy định
tại Nghị định này đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước
thuộc phạm vi quản lý.
Khi giá xe ô tô phổ biến trên thị trường tăng, giảm
trên 15% so với các mức giá quy định tại Nghị định này, Bộ trưởng Bộ Tài chính
trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh giá mua xe ô tô quy định
tại Nghị định này cho phù hợp.
b) Giá xe ô tô làm căn cứ xác định tiêu chuẩn, định
mức trong trường hợp giao, điều chuyển xe ô tô đã qua sử dụng là giá trị còn lại
trên sổ kế toán hoặc giá trị đánh giá lại theo quy định của pháp luật (đối với
xe ô tô chưa được theo dõi giá trị trên sổ kế toán hoặc trường hợp phải đánh
giá lại khi xử lý theo quy định của pháp luật), bảo đảm giá trị còn lại hoặc
giá trị đánh giá lại không vượt quá 15% mức giá mua xe tối đa quy định cụ thể tại
Nghị định này. Trường hợp cần thiết, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng sau khi có
ý kiến thống nhất của đồng chí Thường trực Ban Bí thư (đối với trường hợp giao,
điều chuyển xe ô tô của cơ quan, đơn vị của Đảng ở trung ương), Thủ tướng Chính
phủ theo đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh có liên quan (đối với trường hợp còn lại) xem xét, quyết định
giao, điều chuyển xe ô tô đã qua sử dụng có giá trị còn lại hoặc giá trị đánh
giá lại cao hơn trên 15% mức giá mua xe tối đa quy định cụ thể tại Nghị định
này.
6. Số biên chế làm căn cứ xác định tiêu chuẩn, định
mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung của các cơ quan, tổ chức, đơn vị là
số lượng biên chế hoặc số người làm việc theo đề án vị trí việc làm được cơ
quan, người có thẩm quyền phê duyệt và số lượng người làm việc của cơ quan, tổ
chức, đơn vị ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn (bao gồm cả các cơ
quan, đơn vị thuộc, trực thuộc - nếu có) được cơ quan, người có thẩm quyền quyết
định theo quy định của pháp luật tại thời điểm xác định tiêu chuẩn, định mức sử
dụng xe ô tô; trường hợp tại Nghị định này quy định biên chế của các đơn vị thuộc,
trực thuộc được tách riêng để tính định mức thì không được tính gộp biên chế của
các đơn vị thuộc, trực thuộc vào biên chế các cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Số biên chế và các tiêu chí khác tại thời điểm Nghị
định này có hiệu lực thi hành là căn cứ để xác định tiêu chuẩn, định mức sử dụng
xe ô tô phục vụ công tác chung của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Tiêu chuẩn, định
mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung được ổn định theo mỗi chu kỳ 05 năm;
sau mỗi chu kỳ ổn định, các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải
xác định lại và công bố công khai tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ
công tác chung của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo số
biên chế và các tiêu chí khác tại thời điểm xác định lại.
Việc điều chỉnh tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô
tô phục vụ công tác chung trong chu kỳ ổn định chỉ áp dụng trong trường hợp có
thay đổi về cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc, trực thuộc bộ, cơ quan trung
ương, các đơn vị thuộc, trực thuộc tổng cục, các sở, ban, ngành và tương đương
cấp tỉnh và các đơn vị hành chính cấp huyện.
7. Tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ
công tác chung của các cơ quan, đơn vị của Đảng ở Trung ương và các cơ quan,
đơn vị thuộc, trực thuộc: Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn
phòng Quốc hội, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm toán nhà nước,
Thanh tra Chính phủ, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan quản lý thị trường,
Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí
Minh thực hiện theo quy định tại Nghị định này; trường hợp số lượng xe ô tô phục
vụ công tác chung quy định tại Nghị định này thấp hơn số xe ô tô phục vụ công
tác chung cộng với xe ô tô bán tải, xe ô tô chuyên dùng khác phục vụ nhiệm vụ đặc
thù đã được cơ quan, người có thẩm quyền ban hành theo quy định tại Nghị định số
04/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2019 của
Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô (sau đây gọi là Nghị định
số 04/2019/NĐ-CP) thì số lượng xe ô tô phục
vụ công tác chung được xác định bằng số xe ô tô phục vụ công tác chung theo quy
định tại Nghị định số 04/2019/NĐ-CP cộng với
xe ô tô bán tải, xe ô tô chuyên dùng khác phục vụ nhiệm vụ đặc thù đã được cơ
quan, người có thẩm quyền ban hành theo quy định tại Nghị định số 04/2019/NĐ-CP. Trường hợp có thay đổi về cơ cấu,
tổ chức, chức năng, nhiệm vụ và các trường hợp cần thiết khác, Chánh Văn phòng
Trung ương Đảng phê duyệt (sau khi có ý kiến thống nhất của đồng chí Thường trực
Ban Bí thư) tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung của các
cơ quan, đơn vị của Đảng ở Trung ương; Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính
phủ, Văn phòng Quốc hội, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối
cao, Kiểm toán nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Thông
tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung để
đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao.
8. Xe ô tô chuyên dùng quy định tại Điều
16, Điều 17 Nghị định này phải được sử dụng theo đúng mục đích được xác định
cụ thể theo chức năng, nhiệm vụ được giao của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; trường
hợp có thể bố trí sử dụng kết hợp để phục vụ công tác chung mà không ảnh hưởng
đến mục đích chính của xe chuyên dùng thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung
ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phép sử dụng kết hợp nhưng phải
cân đối số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung để đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả
và phải được quy định cụ thể khi ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô
chuyên dùng của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
9. Số lượng và mức giá mua xe ô tô quy định tại Nghị
định này là số lượng và mức giá tối đa. Căn cứ vào nhu cầu sử dụng xe ô tô thực
tế để thực hiện nhiệm vụ được giao và nguồn hình thành tài sản tại các cơ quan,
tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, nguồn kinh phí thực hiện mua sắm (nguồn
ngân sách nhà nước cấp, ngân sách nhà nước hỗ trợ, quỹ phát triển hoạt động sự
nghiệp của đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn kinh phí khác được phép sử dụng
theo quy định của pháp luật), cơ quan, người có thẩm quyền quyết định giao, điều
chuyển, mua sắm xem xét, quyết định số lượng và mức giá mua xe phù hợp, bảo đảm
tiết kiệm, hiệu quả.
Chương II
TIÊU CHUẨN, ĐỊNH MỨC SỬ
DỤNG XE Ô TÔ
MỤC 1. XE Ô TÔ PHỤC VỤ CÔNG
TÁC CÁC CHỨC DANH
Điều 4. Chức danh được sử dụng
thường xuyên một xe ô tô, kể cả khi đã nghỉ công tác, không quy định mức giá
1. Tổng Bí thư.
2. Chủ tịch nước.
3. Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch Quốc hội.
Điều 5. Chức danh được sử dụng
thường xuyên một xe ô tô trong thời gian công tác, không quy định mức giá
1. Thường trực Ban Bí thư; Ủy viên Bộ Chính trị; Ủy
viên Ban Bí thư; Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Chánh án
Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Phó Chủ tịch
nước; Phó Thủ tướng Chính phủ; Phó Chủ tịch Quốc hội.
2. Chế độ trang bị:
a) Trường hợp mua mới xe ô tô, Thủ tướng Chính phủ
quyết định chủng loại, giá mua xe ô tô trang bị cho các chức danh quy định tại
khoản 1 Điều này theo đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan.
b) Trường hợp trang bị theo hình thức giao, điều
chuyển xe ô tô, cơ quan, người có thẩm quyền giao, điều chuyển xe ô tô theo quy
định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công quyết định việc giao, điều
chuyển xe ô tô để trang bị cho các chức danh quy định tại khoản 1 Điều này.
Trình tự, thủ tục giao, điều chuyển xe ô tô thực hiện theo quy định của pháp luật
về quản lý, sử dụng tài sản công.
Điều 6. Chức danh được sử dụng
thường xuyên một xe ô tô trong thời gian công tác, có quy định mức giá
1. Chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô
trong thời gian công tác với giá mua tối đa 1.600 triệu đồng/xe, gồm: Ủy viên
Trung ương Đảng chính thức; Trưởng ban, cơ quan Đảng ở Trung ương; Giám đốc Học
viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Tổng Biên tập
Tạp chí Cộng sản; Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn
phòng Quốc hội; Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội;
Trưởng ban Công tác đại biểu, Trưởng ban Dân nguyện thuộc Thường vụ Quốc hội).
2. Chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô
trong thời gian công tác với giá mua tối đa 1.550 triệu đồng/xe, gồm: Bộ trưởng
và Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Tổng Kiểm
toán nhà nước; Trưởng tổ chức chính trị - xã hội trung ương được ngân sách nhà
nước đảm bảo kinh phí hoạt động; Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban trung ương Mặt
trận Tổ quốc Việt Nam; Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy Khối trực thuộc Trung
ương; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Chủ
tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ
Chí Minh; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
3. Chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô
trong thời gian công tác với giá mua tối đa 1.500 triệu đồng/xe, gồm: Chủ tịch
Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công
nghệ Việt Nam; Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Tổng Giám
đốc Thông tấn xã Việt Nam, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Tổng Giám đốc
Đài Truyền hình Việt Nam.
Điều 7. Chức danh được sử dụng
xe ô tô đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại và đi công tác, có quy định
mức giá
1. Các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô gồm:
a) Chức danh được sử dụng xe ô tô với giá mua tối
đa 1.400 triệu đồng/xe, gồm:
Phó Trưởng ban, cơ quan Đảng ở Trung ương; Phó Giám
đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân;
Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc
hội; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao,
Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Thứ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Phó Chủ
nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Phó Tổng Kiểm toán nhà nước; Phó trưởng các tổ
chức chính trị - xã hội ở trung ương được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí
hoạt động; Bí thư thường trực Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy khối trực thuộc Trung ương; Chủ tịch Hội
đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
(trừ thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh); Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung
ương; Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật; Chủ tịch các hội quần
chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương (đối với các tổ chức hội có
đảng đoàn); Trợ lý các lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước; Trợ lý Thường trực
Ban Bí thư.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban
Thường vụ Quốc hội; Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Đại học Quốc gia
Thành phố Hồ Chí Minh; Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Trưởng Ban Quản
lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia; Phó
Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Thẩm phán Tòa án nhân
dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
b) Chức danh được sử dụng xe ô tô với giá mua tối
đa 1.250 triệu đồng/xe, gồm:
Tổng Cục trưởng, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu,
Phó Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Phó Chủ tịch Viện
Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công
nghệ Việt Nam; Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam; Phó Tổng Giám đốc Đài
Tiếng nói Việt Nam; Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam; Bí thư Trung
ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc,
Ủy viên Thường trực các Ủy ban của Quốc hội; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà
Nội, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Ủy viên Thường trực Tiểu ban Bảo vệ chính
trị nội bộ Trung ương; Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương; Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản
trị, Tổng Giám đốc các tập đoàn, tổng công ty do Thủ tướng Chính phủ quyết định
thành lập (sau đây gọi là tập đoàn kinh tế).
Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban
nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; Ủy viên Ban Biên tập Báo Nhân
Dân; Ủy viên Ban Biên tập Tạp chí Cộng sản; Phó Trưởng Ban chuyên trách hoặc ủy
viên chuyên trách các ban chỉ đạo ở Trung ương; Phó Trưởng ban chuyên trách hoặc
ủy viên chuyên trách các ban chỉ đạo do Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng
Chính phủ làm Trưởng Ban chỉ đạo; Trợ lý các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng,
Nhà nước.
Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; Tổng
Biên tập Báo Đại biểu nhân dân; Giám đốc Truyền hình Quốc hội; Tổng Giám đốc Cổng
Thông tin điện tử Chính phủ; Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Phó Giám đốc
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt
Nam; Phó Chánh Văn phòng Ban Cán sự đảng Chính phủ, Phó Chánh văn phòng Đảng
đoàn Quốc hội; Phó Bí thư chuyên trách công tác đảng ở các Đảng ủy: Văn phòng
Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Học viện
Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
2. Trường hợp các chức danh quy định tại khoản 1 Điều
này tự nguyện nhận khoán kinh phí sử dụng xe ô tô thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản
trị tập đoàn kinh tế căn cứ tình hình thực tế của cơ quan, tổ chức, đơn vị, tập
đoàn kinh tế, phương án nhận khoán và số lượng chức danh nhận khoán kinh phí để
xem xét, quyết định việc khoán kinh phí và số lượng xe ô tô trang bị, đảm bảo
tiết kiệm, hiệu quả giữa việc bố trí xe ô tô phục vụ công tác với việc khoán
kinh phí sử dụng xe ô tô. Việc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô thực hiện theo
quy định tại Điều 21 Nghị định này.
Trường hợp tất cả các chức danh quy định tại khoản
1 Điều này của từng bộ, cơ quan trung ương, tổng cục, tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương, tập đoàn kinh tế áp dụng khoán kinh phí sử dụng xe ô tô cho toàn bộ
công đoạn thì không trang bị xe ô tô phục vụ chức danh.
MỤC 2. XE Ô TÔ PHỤC VỤ CÔNG
TÁC CHUNG
Điều 8. Phạm vi, đối tượng được
sử dụng và thẩm quyền quyết định số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung
1. Xe ô tô phục vụ công tác chung là xe ô tô một cầu
hoặc hai cầu, có số chỗ ngồi từ 4 đến 16 chỗ ngồi (bao gồm cả xe ô tô bán tải)
để phục vụ công tác chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị (bao gồm cả các đơn vị
thuộc, trực thuộc của cơ quan, tổ chức, đơn vị), doanh nghiệp nhà nước, không
thuộc danh mục xe ô tô chuyên dùng quy định tại Điều 16 Nghị định
này.
2. Các đối tượng sau đây được sử
dụng xe ô tô phục vụ công tác chung để thực hiện chức trách, nhiệm vụ được cơ
quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước giao (không sử dụng để đưa, đón từ
nơi ở đến cơ quan và ngược lại):
a) Phó Tổng cục trưởng và tương đương.
b) Vụ trưởng và tương đương; Phó Vụ trưởng và tương
đương.
c) Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (trừ thành phố Hà Nội và
Thành phố Hồ Chí Minh).
d) Giám đốc, Phó Giám đốc sở và tương đương cấp tỉnh.
đ) Bí thư Huyện ủy, Quận ủy, Thành ủy, Thị ủy; Chủ
tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
e) Ủy viên Ban thường vụ Huyện ủy, Quận ủy, Thành ủy,
Thị ủy; Chủ tịch, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện; Phó Chủ tịch Hội
đồng nhân dân cấp huyện, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
g) Ủy viên (Thành viên) Hội đồng thành viên, Hội đồng
quản trị, Phó Tổng Giám đốc tập đoàn kinh tế; Chủ tịch công ty, Giám đốc, Phó
Giám đốc và các chức danh tương đương tại doanh nghiệp nhà nước.
h) Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được
giao thực hiện nhiệm vụ đặc thù của cơ quan, tổ chức, đơn vị; danh mục nhiệm vụ
đặc thù được quy định cụ thể tại Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công của cơ
quan, tổ chức, đơn vị.
3. Trường hợp cần thiết do yêu cầu công tác, Thủ
trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước quyết định cho cán bộ,
công chức, viên chức, người lao động ngoài các đối tượng quy định tại khoản 2
Điều này được sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung để đi công tác.
4. Các đối tượng quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều
này được bố trí xe ô tô phục vụ công tác chung hoặc khoán kinh phí sử dụng xe ô
tô hoặc thuê dịch vụ xe ô tô khi đi công tác. Việc khoán kinh phí sử dụng xe ô
tô, thuê dịch vụ xe ô tô thực hiện theo quy định tại Điều 21,
Điều 22 Nghị định này.
5. Ngoài số xe ô tô đã được xác định theo quy định
tại các Điều 9, 10, 11, và 12 Nghị định này,
bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau khi có ý kiến thống nhất
của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) xem xét, quyết định số lượng xe ô tô bán tải,
xe ô tô từ 12 - 16 chỗ ngồi phục vụ công tác chung cho các cơ quan, đơn vị được
giao thực hiện nhiệm vụ kiểm lâm, phòng chống cháy rừng, phòng chống dịch bệnh
trong nông nghiệp, tuần tra biên giới, phục vụ người có công, bảo trợ xã hội,
phân giới cắm mốc, điều tra cơ bản địa chất và khoáng sản, quan trắc phân tích
mẫu môi trường thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương, địa phương đảm
bảo tiết kiệm, hiệu quả.
6. Căn cứ tổng số lượng xe ô tô phục vụ công tác
chung được xác định theo quy định tại Điều 9, khoản 1 Điều 10,
Điều 11, Điều 12, điểm a khoản 1 Điều 14
và khoản 7 Điều 3 Nghị định này:
a) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định
số lượng, chủng loại xe ô tô của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc, trực thuộc
bộ, cơ quan trung ương (trừ các đơn vị ngành dọc trực thuộc tổng cục đóng trên
địa bàn cấp tỉnh và các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tổng cục).
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau khi xin ý kiến của
các cơ quan có liên quan theo Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Thành ủy) quyết định
số lượng, chủng loại xe ô tô theo tiêu chuẩn, định mức của từng Văn phòng cấp tỉnh
(Văn phòng Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc trung ương, Văn phòng đoàn đại biểu Quốc
hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh); sở,
ban, ngành và tương đương cấp tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, các tổ
chức chính trị - xã hội cấp tỉnh; đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh; quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc
thành phố trực thuộc trung ương.
c) Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy quyết định số lượng,
chủng loại xe ô tô theo tiêu chuẩn, định mức của từng cơ quan, đơn vị thuộc Tỉnh
ủy, Thành ủy trực thuộc trung ương (trừ Văn phòng Tỉnh ủy, Thành ủy) và đơn vị
sự nghiệp thuộc Tỉnh ủy, Thành ủy.
d) Việc quyết định số lượng xe ô tô quy định tại
các điểm a, b và c khoản này không áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị
được trang bị xe ô tô theo quy định tại khoản 5 Điều này.
Điều 9. Xe ô tô phục vụ công
tác chung của cục, vụ và tổ chức tương đương thuộc, trực thuộc bộ, cơ quan
trung ương
1. Định mức sử dụng xe ô tô phục
vụ công tác chung của cục, vụ và tổ chức tương đương (không phải là đơn vị sự
nghiệp công lập) thuộc, trực thuộc bộ, cơ quan trung ương được xác định như
sau:
a) Đơn vị có số biên chế từ 20 người trở xuống: Tối
đa 01 xe/02 đơn vị. Riêng đối với các đơn vị có số biên chế dưới 10 người thì gộp
chung số biên chế vào số biên chế của Văn phòng bộ, cơ quan trung ương để xác định
định mức xe ô tô phục vụ công tác chung của Văn phòng bộ, cơ quan trung ương.
b) Đơn vị có số biên chế từ trên 20 người đến 50
người: Tối đa 01 xe/01 đơn vị.
c) Đơn vị có số biên chế từ trên 50 người đến 100
người: Tối đa 02 xe/01 đơn vị.
d) Đơn vị có số biên chế từ trên 100 người đến 200
người: Tối đa 03 xe/01 đơn vị.
đ) Đơn vị có số biên chế từ trên 200 người đến 500
người: Tối đa 04 xe/01 đơn vị.
e) Đơn vị có số biên chế từ trên 500 người trở lên:
Tối đa 05 xe/01 đơn vị.
g) Các đơn vị (Chi cục, cảng vụ, trung tâm,...) trực
thuộc cấp cục và tổ chức tương đương thuộc bộ, cơ quan trung ương có số biên chế
từ 20 người trở lên thì không tổng hợp biên chế của các đơn vị này vào biên chế
của cục và tương đương để xác định định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác
chung theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này; định mức sử dụng
xe ô tô phục vụ công tác chung của các đơn vị trực thuộc được xác định như sau:
Đơn vị có số biên chế từ 20 người đến 50 người: Tối
đa 01 xe/đơn vị.
Đơn vị có số biên chế từ trên 50 người trở lên: Tối
đa 02 xe/đơn vị.
2. Đối với bộ, cơ quan trung ương được tổ chức theo
ngành dọc thì định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung của các đơn vị
thuộc, trực thuộc bộ, cơ quan trung ương đóng trên địa bàn cấp tỉnh được xác định
như sau:
a) Đơn vị có số biên chế từ 40 người trở xuống: Tối
đa 01 xe/01 đơn vị.
b) Đơn vị có số biên chế từ trên 40 người đến 100
người: Tối đa 02 xe/01 đơn vị.
c) Đơn vị có số biên chế từ trên 100 người đến 200
người: Tối đa 03 xe/01 đơn vị.
d) Đơn vị có số biên chế từ trên 200 người đến 300
người: Tối đa 04 xe/01 đơn vị.
đ) Đơn vị có số biên chế từ trên 300 người đến 400
người: Tối đa 05 xe/01 đơn vị.
e) Đơn vị có số biên chế từ trên 400 người đến 500
người: Tối đa 06 xe/01 đơn vị.
g) Đơn vị có số biên chế từ trên 500 người trở lên
thì cứ 300 biên chế tăng thêm được bổ sung định mức 01 xe.
h) Trường hợp đơn vị có trụ sở đóng trên địa bàn tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương có trên 50% số đơn vị hành chính cấp huyện thuộc
danh mục địa bàn miền núi, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc
biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc đóng trên địa
bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên hoặc đóng trên địa bàn
tỉnh, thành phố có diện tích tự nhiên từ 5.000 km2 trở lên hoặc đóng
trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tự cân đối được ngân sách
nhà nước thì ngoài số lượng xe được xác định theo quy định tại các điểm a, b,
c, d, đ, e và g khoản này được bổ sung định mức 01 xe nếu thỏa mãn 01 tiêu chí,
được bổ sung định mức 02 xe nếu thỏa mãn từ 02 tiêu chí trở lên.
i) Đối với các đơn vị có đơn vị trực thuộc đóng
trên địa bàn từ 02 huyện trở lên hoặc đóng trên địa bàn 01 huyện có diện tích tự
nhiên từ 450 km2 trở lên thì xác định định mức như sau:
Không tính số biên chế của các đơn vị trực thuộc
đóng trên địa bàn từ 02 huyện trở lên và biên chế của các đơn vị trực thuộc
đóng trên địa bàn một huyện có diện tích tự nhiên từ 450 km2 trở lên
vào biên chế của các đơn vị thuộc, trực thuộc bộ, cơ quan trung ương đóng trên
địa bàn cấp tỉnh để xác định định mức sử dụng xe ô tô theo quy định tại các điểm
a, b, c, d, đ, e, g và h khoản này.
Cứ mỗi đơn vị trực thuộc đóng trên địa bàn từ 02
huyện trở lên hoặc đóng trên địa bàn 01 huyện có diện tích tự nhiên từ 450 km2
trở lên thì được bổ sung 01 xe vào định mức của đơn vị thuộc, trực thuộc bộ, cơ
quan trung ương đóng trên địa bàn cấp tỉnh.
3. Tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ
công tác chung của đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc bộ, cơ quan trung ương
(trừ đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, dạy
nghề) được xác định như sau:
a) Đơn vị có số biên chế từ 50 người trở xuống: Tối
đa 01 xe/01 đơn vị.
b) Đơn vị có số biên chế từ trên 50 người đến 100
người: Tối đa 02 xe/01 đơn vị.
c) Đơn vị có số biên chế từ trên 100 người đến 200
người: Tối đa 03 xe/01 đơn vị.
d) Đơn vị có số biên chế từ trên 200 người đến 500
người: Tối đa 04 xe/01 đơn vị.
đ) Đơn vị có số biên chế từ trên 500 người đến
1.000 người: Tối đa 05 xe/01 đơn vị.
e) Đơn vị có số biên chế từ trên 1.000 người trở
lên: Tối đa 06 xe/01 đơn vị.
4. Tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ
công tác chung của đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc bộ, cơ quan trung ương
thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, dạy nghề được xác định như sau:
a) Đơn vị có số biên chế từ 100 người trở xuống: Tối
đa 01 xe/01 đơn vị.
b) Đơn vị có số biên chế từ trên 100 người đến 300
người: Tối đa 02 xe/01 đơn vị.
c) Đơn vị có số biên chế từ trên 300 người đến 500
người: Tối đa 03 xe/01 đơn vị.
d) Đơn vị có số biên chế từ trên 500 người đến
1.000 người: Tối đa 04 xe/01 đơn vị.
đ) Đơn vị có số biên chế từ trên 1.000 người đến
2.000 người: Tối đa 05 xe/01 đơn vị.
e) Đơn vị có số biên chế từ trên 2.000 người trở
lên: Tối đa 06 xe/01 đơn vị.
5. Phương thức quản lý xe ô tô phục vụ công tác
chung:
a) Đối với các cục, vụ và tổ chức tương đương quy định
tại khoản 1 Điều này, bộ, cơ quan trung ương quyết định giao cho một cơ quan
nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp công ích thực hiện quản
lý xe ô tô theo phương thức tập trung để bố trí cho các đối tượng được sử dụng
xe phục vụ công tác chung theo nguyên tắc không thành lập mới, không làm tăng
biên chế của bộ, cơ quan trung ương (gọi là phương thức quản lý tập trung); đối
với các đơn vị có dự toán riêng thì có thể giao cho từng đơn vị trực tiếp quản
lý, sử dụng xe ô tô để phục vụ công tác chung của đơn vị (gọi là phương thức quản
lý trực tiếp); số lượng xe ô tô giao cho từng đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng
do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định theo quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định này.
b) Đối với các đơn vị đóng trên địa bàn cấp tỉnh
quy định tại khoản 2 Điều này, việc quản lý xe ô tô phục vụ công tác chung được
thực hiện theo phương thức quản lý trực tiếp; số lượng xe ô tô giao cho từng
đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương
quyết định theo quy định tại khoản 6 Điều 8 Nghị định này.
c) Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc
bộ, cơ quan trung ương quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này, việc quản lý xe
ô tô phục vụ công tác chung thực hiện theo quy định tại điểm a khoản này.
Trường hợp bộ, cơ quan trung ương quyết định quản
lý xe ô tô của đơn vị quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này theo phương thức
quản lý tập trung thì các đơn vị sự nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm toàn bộ
kinh phí hoạt động và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường
xuyên có số biên chế dưới 20 người không tính định mức riêng mà gộp chung số
biên chế của các đơn vị này vào số biên chế của Văn phòng bộ, cơ quan trung
ương để xác định định mức xe ô tô phục vụ công tác chung của Văn phòng bộ, cơ
quan trung ương.
Trường hợp bộ, cơ quan trung ương quyết định quản
lý xe ô tô của đơn vị quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này theo phương thức
quản lý trực tiếp thì số lượng xe ô tô giao cho từng đơn vị trực tiếp quản lý,
sử dụng do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định theo quy định tại
khoản 6 Điều 8 Nghị định này. Đối với các đơn vị sự nghiệp
công lập do Nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động và đơn vị sự nghiệp
công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên có số biên chế dưới 20 người
không trang bị xe ô tô phục vụ công tác chung; trường hợp các đơn vị này có đối
tượng được sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung quy định tại khoản
2, khoản 3 Điều 8 Nghị định này thì thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô
tô hoặc thuê dịch vụ xe ô tô khi đi công tác.
d) Đối với các đơn vị được giao trực tiếp quản lý
xe ô tô quy định tại các điểm a, b và c khoản này mà có đơn vị thuộc, trực thuộc
thì Thủ trưởng đơn vị quy định tại điểm a, b và c khoản này quyết định phương
thức quản lý tập trung hoặc phương thức quản lý trực tiếp hoặc kết hợp cả hai
phương thức cho phù hợp.
đ) Trong trường hợp áp dụng phương thức quản lý xe
tập trung, các đơn vị sử dụng xe ô tô thanh toán cho đơn vị được giao quản lý
xe ô tô tập trung các chi phí quản lý, vận hành xe ô tô tương tự trường hợp sử
dụng chung tài sản công quy định tại Điều 10 Nghị định số
151/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một
số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công
(sau đây gọi là Nghị định số 151/2017/NĐ-CP)
và văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Điều 10. Xe ô tô phục vụ công
tác chung của tổng cục và tổ chức tương đương (sau đây gọi là tổng cục)
1. Định mức sử dụng xe ô tô phục
vụ công tác chung của cục, vụ, ban và tổ chức tương đương (không phải là đơn vị
sự nghiệp công lập) thuộc, trực thuộc tổng cục được xác định như sau:
a) Đơn vị có số biên chế từ 20 người trở xuống: Tối
đa 01 xe/02 đơn vị. Riêng đối với các đơn vị có số biên chế dưới 10 người thì gộp
chung số biên chế của đơn vị này vào số biên chế của Văn phòng tổng cục để xác
định định mức xe ô tô phục vụ công tác chung của Văn phòng tổng cục.
b) Đơn vị có số biên chế từ trên 20 người đến 50
người: Tối đa 01 xe/01 đơn vị.
c) Đơn vị có số biên chế từ trên 50 người trở lên:
Tối đa 02 xe/01 đơn vị.
2. Đối với tổng cục được tổ chức
theo ngành dọc thì định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung của các đơn
vị thuộc, trực thuộc tổng cục đóng trên địa bàn cấp tỉnh được xác định như sau:
a) Đơn vị có số biên chế từ 40 người trở xuống: Tối
đa 01 xe/01 đơn vị.
b) Đơn vị có số biên chế từ trên 40 người đến 100
người: Tối đa 02 xe/01 đơn vị.
c) Đơn vị có số biên chế từ trên 100 người đến 200
người: Tối đa 03 xe/01 đơn vị.
d) Đơn vị có số biên chế từ trên 200 người đến 300
người: Tối đa 04 xe/01 đơn vị.
đ) Đơn vị có số biên chế từ trên 300 người đến 400
người: Tối đa 05 xe/01 đơn vị.
e) Đơn vị có số biên chế từ trên 400 người đến 500
người: Tối đa 06 xe/01 đơn vị.
g) Đơn vị có số biên chế từ trên 500 người trở lên
thì cứ 300 biên chế tăng thêm được bổ sung định mức 01 xe.
h) Trường hợp đơn vị có trụ sở đóng trên địa bàn tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương có trên 50% số đơn vị hành chính cấp huyện thuộc
danh mục địa bàn miền núi, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc
biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc đóng trên địa
bàn từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên hoặc đóng trên địa bàn
tỉnh, thành phố có diện tích tự nhiên từ 5.000 km2 trở lên hoặc đóng
trên địa bàn tỉnh, thành phố tự cân đối được ngân sách nhà nước thì ngoài số lượng
xe được xác định theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản này được
bổ sung định mức 01 xe nếu thỏa mãn 01 tiêu chí, được bổ sung định mức 02 xe nếu
thỏa mãn từ 02 tiêu chí trở lên.
i) Đối với các đơn vị có đơn vị trực thuộc đóng
trên địa bàn từ 02 huyện trở lên hoặc đóng trên địa bàn 01 huyện có diện tích tự
nhiên từ 450 km2 trở lên thì xác định định mức như sau:
Không tính số biên chế của các đơn vị trực thuộc
đóng trên địa bàn từ 02 huyện trở lên và các đơn vị trực thuộc đóng trên địa
bàn có diện tích tự nhiên từ 450 km2 trở lên vào biên chế của các
đơn vị thuộc, trực thuộc tổng cục đóng trên địa bàn cấp tỉnh để xác định định mức
sử dụng xe ô tô theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g và h khoản này.
Cứ mỗi đơn vị trực thuộc đóng trên địa bàn từ 02
huyện trở lên hoặc đóng trên địa bàn 01 huyện có diện tích tự nhiên từ 450 km2
trở lên thì được bổ sung 01 xe vào định mức của đơn vị thuộc, trực thuộc tổng cục
trên địa bàn cấp tỉnh.
3. Tiêu chuẩn, định mức sử dụng
xe ô tô phục vụ công tác chung của đơn vị sự nghiệp công lập (trừ đơn vị sự
nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, dạy nghề) trực thuộc
tổng cục được xác định như sau:
a) Đơn vị có số biên chế từ 50 người trở xuống: Tối
đa 01 xe/01 đơn vị.
b) Đơn vị có số biên chế từ trên 50 người đến 100
người: Tối đa 02 xe/01 đơn vị.
c) Đơn vị có số biên chế từ trên 100 người đến 200
người: Tối đa 03 xe/01 đơn vị.
d) Đơn vị có số biên chế từ trên 200 người đến 500
người: Tối đa 04 xe/01 đơn vị.
đ) Đơn vị có số biên chế từ trên 500 người đến
1.000 người: Tối đa 05 xe/01 đơn vị.
e) Đơn vị có số biên chế từ trên 1.000 người trở
lên: Tối đa 06 xe/đơn vị.
4. Định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung
của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, dạy nghề
trực thuộc tổng cục được xác định như sau:
a) Đơn vị có số biên chế từ 100 người trở xuống: Tối
đa 01 xe/01 đơn vị.
b) Đơn vị có số biên chế từ trên 100 người đến 300
người: Tối đa 02 xe/01 đơn vị.
c) Đơn vị có số biên chế từ trên 300 người đến 500
người: Tối đa 03 xe/01 đơn vị.
d) Đơn vị có số biên chế từ trên 500 người đến
1.000 người: Tối đa 04 xe/01 đơn vị.
đ) Đơn vị có số biên chế từ trên 1.000 người đến
2.000 người: Tối đa 05 xe/01 đơn vị.
e) Đơn vị có số biên chế từ trên 2.000 người trở
lên: Tối đa 06 xe/01 đơn vị.
5. Phương thức quản lý xe ô tô
phục vụ công tác chung:
a) Đối với các cục, vụ, ban và tổ chức tương đương
thuộc, trực thuộc tổng cục quy định tại khoản 1 Điều này, trường hợp bộ, cơ
quan trung ương quyết định phương thức quản lý tập trung tại bộ, cơ quan trung
ương thì thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 9 Nghị
định này.
Các trường hợp còn lại thì tổng cục quyết định giao
cho một cơ quan nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp công
ích thực hiện quản lý xe ô tô theo phương thức tập trung để bố trí cho các đối
tượng được sử dụng xe phục vụ công tác chung theo nguyên tắc không thành lập mới,
không làm tăng biên chế của tổng cục (gọi là phương thức quản lý tập trung); đối
với các đơn vị có dự toán riêng thì có thể giao cho từng đơn vị trực tiếp quản
lý, sử dụng xe ô tô để phục vụ công tác chung của đơn vị (gọi là phương thức quản
lý trực tiếp); số lượng xe ô tô giao cho từng đơn vị do tổng cục trưởng quyết định.
b) Đối với các đơn vị đóng trên địa bàn cấp tỉnh
quy định tại khoản 2 Điều này, việc quản lý xe ô tô phục vụ công tác chung được
thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 9 Nghị định này;
số lượng xe ô tô giao cho từng đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng do Tổng cục
trưởng quyết định nhưng tổng số xe ô tô phục vụ công tác chung của các đơn vị
đóng trên địa bàn cấp tỉnh không được vượt quá số lượng xe được xác định theo
quy định tại khoản 2 Điều này.
c) Đối với các đơn vị sự nghiệp
công lập trực thuộc tổng cục quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này, việc quản
lý xe ô tô phục vụ công tác chung được thực hiện theo phương thức quản lý trực
tiếp; số lượng xe ô tô giao cho từng đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng do Tổng
cục trưởng quyết định nhưng tổng số xe ô tô phục vụ công tác chung của các đơn
vị sự nghiệp công lập trực thuộc tổng cục không được vượt quá số lượng xe được
xác định theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều này. Riêng đối với đơn vị sự
nghiệp công lập do Nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động, đơn vị sự nghiệp
công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên có số biên chế dưới 20 người thì
không trang bị xe ô tô phục vụ công tác chung; trường hợp có đối tượng được sử
dụng xe ô tô phục vụ công tác chung quy định tại khoản 2,
khoản 3 Điều 8 Nghị định này thì thực hiện khoán
kinh phí sử dụng xe ô tô hoặc thuê dịch vụ xe ô tô khi đi công tác.
d) Đối với các đơn vị được giao trực tiếp quản lý
xe ô tô quy định tại các điểm a, b và c khoản này mà có đơn vị thuộc, trực thuộc
thì Thủ trưởng đơn vị quy định tại điểm a, b và c khoản này quyết định phương
thức quản lý tập trung hoặc phương thức quản lý trực tiếp hoặc kết hợp cả hai
phương thức cho phù hợp.
đ) Trong trường hợp áp dụng phương thức quản lý xe
tập trung, các đơn vị sử dụng xe ô tô thanh toán cho đơn vị được giao quản lý
xe ô tô tập trung các chi phí quản lý, vận hành xe ô tô tương tự trường hợp sử
dụng chung tài sản công quy định tại Điều 10 Nghị định số
151/2017/NĐ-CP và văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Điều 11. Xe ô tô phục vụ công
tác chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp tỉnh
1. Xe ô tô phục vụ công tác chung của khối các Văn
phòng cấp tỉnh (gồm: Văn phòng Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc trung ương; Văn
phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; Văn phòng Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh): Tổng số tối đa 15 xe; riêng thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ
Chí Minh: Tổng số tối đa 20 xe.
Trường hợp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có
trên 50% số đơn vị hành chính cấp huyện thuộc danh mục địa bàn miền núi, hải đảo,
địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương có diện tích tự nhiên từ 5.000 km2 trở lên hoặc tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương tự cân đối được ngân sách nhà nước thì được bổ
sung định mức 01 xe/01 đơn vị.
Định mức cụ thể của từng Văn phòng quy định tại khoản
này do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định (sau khi có ý kiến của các cơ quan
liên quan theo Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Thành ủy). Các ban thuộc Hội đồng
nhân dân cấp tỉnh sử dụng xe ô tô trong định mức xe ô tô phục vụ công tác chung
của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tại
khoản này để phục vụ công tác. Trường hợp Văn phòng Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc
trung ương phục vụ chung cho các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy, Thành
ủy thì định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung của Văn phòng Tỉnh ủy,
Thành ủy bao gồm cả số xe theo quy định tại khoản này và khoản 2 Điều này.
2. Các cơ quan, đơn vị thuộc Tỉnh ủy, Thành ủy trực
thuộc trung ương (trừ Văn phòng Tỉnh ủy, Thành ủy, đơn vị sự nghiệp thuộc Tỉnh ủy,
Thành ủy):
a) Tối đa 01 xe/01 đơn vị; trường hợp tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương có trên 50% số đơn vị hành chính cấp huyện thuộc danh
mục địa bàn miền núi, hải đảo, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt
khó khăn hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có diện tích tự nhiên từ
5.000 km2 trở lên hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tự cân
đối được ngân sách nhà nước thì được bổ sung định mức 01 xe/01 đơn vị.
b) Trường hợp cơ quan, đơn vị có số biên chế từ
trên 20 người đến 50 người: Tối đa 02 xe/01 đơn vị.
c) Trường hợp cơ quan, đơn vị có số biên chế từ
trên 50 người trở lên: Tối đa 03 xe/01 đơn vị.
3. Định mức sử dụng xe ô tô của sở, ban, ngành và
tương đương cấp tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, các tổ chức chính trị
- xã hội cấp tỉnh (không phải là các cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại các
khoản 1, 2, 4 và 5 Điều này) được xác định như sau:
a) Đơn vị có số biên chế từ 40 người trở xuống: Tối
đa 01 xe/01 đơn vị.
b) Đơn vị có số biên chế từ trên 40 người đến 100
người: Tối đa 02 xe/01 đơn vị.
c) Đơn vị có số biên chế từ trên 100 người đến 200
người: Tối đa 03 xe/01 đơn vị.
d) Đơn vị có số biên chế từ trên 200 người đến 300
người: Tối đa 04 xe/01 đơn vị.
đ) Đơn vị có số biên chế từ trên 300 người đến 400
người: Tối đa 05 xe/01 đơn vị.
e) Đơn vị có số biên chế từ trên 400 người đến 500
người: Tối đa 06 xe/01 đơn vị.
g) Đơn vị có số biên chế từ trên 500 người trở lên
thì cứ 300 biên chế tăng thêm được bổ sung định mức 01 xe.
h) Trường hợp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
có trên 50% số đơn vị hành chính cấp huyện thuộc địa bàn miền núi, hải đảo, địa
bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ hoặc/và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có diện
tích tự nhiên trên 5.000 km2 hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương tự cân đối được ngân sách nhà nước thì ngoài số lượng xe được xác định
theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản này, được bổ sung định mức
01 xe/01 đơn vị.
4. Tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ
công tác chung của đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh (trừ đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế, giáo
dục và đào tạo, dạy nghề) được xác định như sau:
a) Đơn vị có số biên chế từ 50 người trở xuống: Tối
đa 01 xe/01 đơn vị.
b) Đơn vị có số biên chế từ trên 50 người đến 100
người: Tối đa 02 xe/01 đơn vị.
c) Đơn vị có số biên chế từ trên 100 người đến 200
người: Tối đa 03 xe/01 đơn vị.
d) Đơn vị có số biên chế từ trên 200 người đến 500
người: Tối đa 04 xe/01 đơn vị.
đ) Đơn vị có số biên chế từ trên 500 người đến
1.000 người: Tối đa 05 xe/01 đơn vị.
e) Đơn vị có số biên chế từ trên 1.000 người trở
lên: Tối đa 06 xe/đơn vị.
5. Tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ
công tác chung của đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy
ban nhân dân cấp tỉnh thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục và đào tạo, dạy nghề được
xác định như sau:
a) Đơn vị có số biên chế từ 100 người trở xuống: Tối
đa 01 xe/01 đơn vị.
b) Đơn vị có số biên chế từ trên 100 người đến 300
người: Tối đa 02 xe/01 đơn vị.
c) Đơn vị có số biên chế từ trên 300 người đến 500
người: Tối đa 03 xe/01 đơn vị.
d) Đơn vị có số biên chế từ trên 500 người đến
1.000 người: Tối đa 04 xe/01 đơn vị.
đ) Đơn vị có số biên chế từ trên 1.000 người đến
2.000 người: Tối đa 05 xe/01 đơn vị.
e) Đơn vị có số biên chế từ trên 2.000 người trở
lên: Tối đa 06 xe/01 đơn vị.
6. Phương thức quản lý xe ô tô phục vụ công tác
chung:
a) Đối với các cơ quan, tổ chức đơn vị quy định tại
các khoản 1, 2 và 3 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau khi xin ý kiến các
cơ quan liên quan theo Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Thành ủy) quyết định việc
quản lý xe ô tô phục vụ công tác chung theo một trong các phương thức sau đây:
Giao cho một cơ quan nhà nước hoặc đơn vị sự nghiệp
công lập hoặc doanh nghiệp công ích thực hiện quản lý xe ô tô theo phương thức
tập trung để bố trí cho các đối tượng được sử dụng xe phục vụ công tác chung
theo nguyên tắc không thành lập mới, không làm tăng biên chế của địa phương (gọi
là phương thức quản lý tập trung).
Giao cho Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn đại biểu
Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản
lý xe ô tô tập trung của từng hệ thống để bố trí xe cho các chức danh có tiêu
chuẩn sử dụng xe ô tô khi đi công tác (gọi là phương thức quản lý tập trung
theo từng hệ thống).
Giao cho từng đơn vị có tiêu chuẩn, định mức sử dụng
xe ô tô trực tiếp quản lý, sử dụng xe ô tô để phục vụ công tác chung của đơn vị
(gọi là phương thức quản lý trực tiếp).
Kết hợp các phương thức quản lý tập trung và phương
thức quản lý trực tiếp.
b) Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập quy định tại
khoản 4, khoản 5 Điều này, việc quản lý xe ô tô phục vụ công tác chung được thực
hiện theo phương thức quản lý trực tiếp. Riêng đối với đơn vị sự nghiệp công lập
do Nhà nước bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo
đảm một phần chi thường xuyên có số biên chế dưới 20 người thì không trang bị
xe ô tô phục vụ công tác chung; trường hợp có đối tượng được sử dụng xe ô tô phục
vụ công tác chung quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 8 Nghị định
này thì thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô hoặc thuê dịch vụ xe ô tô
khi đi công tác.
c) Đối với các đơn vị được giao trực tiếp quản lý
xe ô tô quy định tại các điểm a, điểm b khoản này mà có đơn vị thuộc, trực thuộc
thì Thủ trưởng đơn vị quy định tại điểm a, điểm b khoản này quyết định phương
thức quản lý tập trung hoặc phương thức quản lý trực tiếp hoặc kết hợp cả hai
phương thức cho phù hợp.
d) Trong trường hợp áp dụng phương thức quản lý xe
tập trung, các đơn vị sử dụng xe ô tô thanh toán cho đơn vị được giao quản lý
xe ô tô tập trung các chi phí quản lý, vận hành xe ô tô tương tự trường hợp sử
dụng chung tài sản công quy định tại Điều 10 Nghị định số
151/2017/NĐ-CP và văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Điều 12. Xe ô tô phục vụ công
tác chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp huyện
1. Định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung
của mỗi quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương (gọi chung là huyện): Tối đa 06 xe/01 huyện. Riêng các tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương mà Huyện ủy, Quận ủy, Thị ủy, Thành ủy là đơn vị dự toán thuộc
Văn phòng Tỉnh ủy, Thành ủy đã được xác định định mức sử dụng xe ô tô phục vụ
công tác chung theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định này
thì định mức tối đa là 04 xe/01 huyện.
Đối với các huyện đáp ứng 01 trong các tiêu chí sau
đây thì được bổ sung định mức 01 xe/01 huyện, đáp ứng từ 02 tiêu chí sau đây trở
lên thì được bổ sung 02 xe/01 huyện:
a) Huyện có từ 15 đơn vị hành chính là xã, thị trấn
trở lên.
b) Huyện có diện tích tự nhiên từ 450 km2
trở lên.
c) Huyện thuộc địa bàn miền núi, hải đảo, địa bàn
có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ, Thủ
tướng Chính phủ.
d) Thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
Đối với các đô thị đặc biệt, trường hợp cần thiết
phải trang bị thêm xe ô tô để phục vụ công tác chung cho các đơn vị thuộc cấp
huyện, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định định mức xe ô tô phục vụ
công tác chung cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc cấp huyện đảm bảo nguyên
tắc tiết kiệm, hiệu quả.
2. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, Ủy ban
nhân dân cấp huyện (sau khi xin ý kiến của các cơ quan liên quan theo Quy chế
làm việc của Huyện ủy) quyết định định mức cụ thể của từng cơ quan, tổ chức,
đơn vị thuộc cấp huyện; quyết định việc quản lý xe ô tô phục vụ công tác chung
theo một trong các phương thức sau đây:
a) Giao cho Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp huyện thực
hiện quản lý xe ô tô tập trung để bố trí phục vụ công tác chung cho các đối tượng
của huyện được sử dụng xe ô tô khi đi công tác.
b) Giao Văn phòng Huyện ủy, Văn phòng Hội đồng nhân
dân cấp huyện, Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc các cơ quan, tổ chức,
đơn vị thuộc huyện trực tiếp quản lý, sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung
cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của từng văn phòng, cơ quan, tổ chức,
đơn vị.
c) Trong trường hợp áp dụng phương thức quản lý xe
tập trung, các đơn vị sử dụng xe ô tô thanh toán cho đơn vị được giao quản lý
xe ô tô tập trung các chi phí quản lý, vận hành xe ô tô tương tự trường hợp sử
dụng chung tài sản công quy định tại Điều 10 Nghị định số
151/2017/NĐ-CP và văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Điều 13. Xe ô tô phục vụ công
tác chung của doanh nghiệp nhà nước
1. Định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung
của doanh nghiệp nhà nước được xác định như sau:
a) Đối với tập đoàn kinh tế: Tối đa 02 xe/01 tập
đoàn.
b) Doanh nghiệp nhà nước không thuộc quy định tại
điểm a khoản này: Tối đa 01 xe/01 đơn vị.
2. Doanh nghiệp nhà nước quản lý xe ô tô để bố trí
cho cho các đối tượng quy định tại điểm g khoản 2 Điều 8 Nghị định
này khi đi công tác.
Điều 14. Xe ô tô phục vụ công
tác chung của ban quản lý dự án và phục vụ hoạt động cửa dự án
1. Định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung
của ban quản lý dự án sử dụng vốn nhà nước:
a) Ban quản lý dự án sử dụng vốn nhà nước có chức
danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung được áp dụng theo định
mức tương ứng với mô hình hoạt động (cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập
hoặc doanh nghiệp nhà nước) quy định tại Nghị định này; mô hình hoạt động của
Ban quản lý dự án sử dụng vốn nhà nước được xác định theo quyết định thành lập
của cấp có thẩm quyền.
b) Ban quản lý dự án không thuộc trường hợp quy định
tại điểm a khoản này hoặc thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này nhưng
tất cả các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô tham gia ban quản lý dự án
theo hình thức kiêm nhiệm thì không trang bị xe ô tô phục vụ công tác chung.
2. Đối với xe ô tô phục vụ hoạt động của dự án:
a) Xe ô tô phục vụ hoạt động của dự án (bao gồm cả
các dự án sử dụng; vốn nhà nước, dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức
(ODA), vốn vay ưu đãi, vốn vay thương mại, viện trợ không hoàn lại) là xe ô tô
được trang bị để phục vụ hoạt động của từng dự án cụ thể trong thời gian thực
hiện dự án, không tính vào định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung quy
định tại khoản 1 Điều này.
b) Căn cứ vào quy mô, địa bàn hoạt động, đặc điểm
và nhu cầu của từng dự án, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương quyết định
việc trang bị xe ô tô phục vụ hoạt động của từng dự án thuộc phạm vi quản lý của
Bộ, cơ quan trung ương; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc trang bị xe ô
tô phục vụ hoạt động của từng dự án thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
c) Việc trang bị xe ô tô phục vụ hoạt động của dự
án phải đảm bảo nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả và được thực hiện theo hình thức
giao, điều chuyển, thuê hoặc mua sắm theo quy định sau:
Chỉ trang bị xe ô tô phục vụ hoạt động của dự án đã
được cơ quan, người có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của
pháp luật về đầu tư nhưng chưa được trang bị xe ô tô để phục vụ hoạt động của dự
án. Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư sắp xếp,
bố trí trong số xe hiện có để phục vụ hoạt động chuẩn bị đầu tư. Trường hợp
không sắp xếp, bố trí được trong tổng số xe hiện có để phục vụ hoạt động chuẩn
bị đầu tư thì thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô hoặc thuê dịch vụ xe ô
tô theo quy định tại Điều 21, Điều 22 Nghị định này.
Không thực hiện trang bị xe ô tô phục vụ hoạt động
của dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), trừ trường hợp các dự án lớn được
cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập Ban Quản lý dự án PPP theo quy định của
pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Không sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi, vốn vay
thương mại để mua sắm xe ô tô, trừ trường hợp việc mua xe ô tô đã quy định cụ thể
tại hiệp định đã được ký kết hoặc văn kiện dự án đã được cơ quan có thẩm quyền
phê duyệt trước ngày 01 tháng 01 năm 2018.
Đối với dự án viện trợ không hoàn lại của nước
ngoài mà hiệp định hoặc văn kiện dự án đã được ký kết trước ngày Nghị định này
có hiệu lực thi hành có quy định việc mua sắm xe ô tô phục vụ hoạt động của từng
dự án thì việc mua sắm xe ô tô thực hiện theo quy định của hiệp định đã được ký
kết hoặc văn kiện dự án đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Khi đàm phán để
ký kết văn kiện dự án viện trợ không hoàn lại từ ngày Nghị định này có hiệu lực
thi hành mà nhà tài trợ yêu cầu phải mua sắm xe ô tô phục vụ hoạt động của dự
án thì ngoài việc tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục ký kết, gia nhập và thực
hiện Điều ước quốc tế, cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì lấy ý kiến của
cơ quan tài chính nhà nước cùng cấp trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt
chủ trương tiếp nhận dự án.
Giá mua xe ô tô phục vụ hoạt động của dự án được áp
dụng theo giá mua xe ô tô phục vụ công tác chung quy định tại khoản
1 Điều 15 Nghị định này, trừ trường hợp hiệp định hoặc văn kiện dự án viện
trợ không hoàn lại đã ký kết có quy định khác. Giá xe ô tô làm căn cứ giao, điều
chuyển thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 3 Nghị định
này.
Điều 15. Giá mua xe ô tô phục
vụ công tác chung
1. Giá mua xe ô tô phục vụ công tác chung tối đa là
950 triệu đồng/xe. Trường hợp cần thiết phải mua xe từ 12 - 16 chỗ ngồi thì mức
giá tối đa là 1.300 triệu đồng/xe, mua xe ô tô 7 hoặc 8 chỗ ngồi 2 cầu thì mức
giá tối đa là 1.600 triệu đồng/xe. Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh căn cứ phạm vi hoạt động, tính chất công việc, nhu cầu sử dụng xe thực tế
của cơ quan, tổ chức, đơn vị để quyết định việc trang bị xe ô tô từ 12 - 16 chỗ
ngồi và xe ô tô 7 hoặc 8 chỗ 2 cầu cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm
vi quản lý bảo đảm cơ cấu hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.
2. Trường hợp cần trang bị một số xe ô tô 2 cầu có
công suất lớn trong số xe phục vụ công tác chung của các bộ, cơ quan trung
ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong số xe phục vụ công tác chung
quy định tại khoản 1 Điều 9, khoản 1 Điều 11 Nghị định này
để thực hiện các nhiệm vụ đặc thù của bộ, cơ quan trung ương và tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương (gồm: phục vụ công tác phòng chống bão lũ, thiên tai, tìm
kiếm cứu nạn, kiểm soát dịch bệnh; phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại;
phục vụ công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện về các lĩnh vực kinh tế
- văn hóa - xã hội; phục vụ các đoàn giám sát, tiếp xúc cử tri; phục vụ công
tác đối ngoại, tiếp khách quốc tế, đưa đón, tháp tùng đoàn trong và ngoài nước
đến làm việc; chỉ đạo hoạt động quản lý, cắm mốc biên giới và các nhiệm vụ đặc
thù khác) thì mức giá mua xe được quy định như sau:
a) Mỗi bộ, cơ quan trung ương, tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương được trang bị 01 xe với mức giá tối đa là 4.500 triệu đồng/xe
và 01 xe với mức giá tối đa là 2.800 triệu đồng/xe.
b) Đối với các bộ, cơ quan trung ương, tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương có các chức danh quy định tại Điều 4,
Điều 5 Nghị định này, ngoài số xe được trang bị theo quy định tại điểm a
khoản này, các bộ, cơ quan trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được
trang bị xe ô tô phục vụ thực hiện nhiệm vụ đặc thù của các chức danh quy định
tại Điều 4, Điều 5 Nghị định này với mức giá tối đa là
5.000 triệu đồng/xe. Số lượng xe cụ thể được áp dụng mức giá này do Chánh Văn
phòng Trung ương Đảng quyết định sau khi có ý kiến thống nhất của đồng chí Thường
trực Ban Bí thư (đối với các chức danh thuộc các cơ quan, đơn vị của Đảng ở
Trung ương), Thủ tướng Chính phủ quyết định theo đề nghị của Bộ trưởng, Thủ trưởng
cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan (đối với các trường hợp
còn lại).
Trường hợp số lượng xe ô tô phục vụ nhiệm vụ đặc
thù quy định tại điểm này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định tại
Nghị định số 04/2019/NĐ-CP thì thực hiện
theo nội dung đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, không phải báo cáo lại cơ
quan, người có thẩm quyền theo quy định tại điểm này; trừ trường hợp cần điều
chỉnh số lượng xe ô tô đã được phê duyệt.
Mục 3. XE Ô TÔ CHUYÊN DÙNG
Điều 16. Danh mục xe ô tô
chuyên dùng
1. Xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế, gồm:
a) Xe ô tô cứu thương:
Xe ô tô cứu thương đáp ứng tiêu chuẩn do Bộ Y tế
quy định.
Xe ô tô cứu thương có kết cấu đặc biệt (xe có kết cấu
không gian rộng rãi được trang bị máy móc, trang thiết bị y tế
phục vụ công tác cấp cứu, hồi sức tích cực trên xe).
b) Xe ô tô chuyên dùng có kết cấu đặc biệt sử dụng
trong lĩnh vực y tế gồm:
Xe chụp X.quang lưu động.
Xe khám, chữa mắt lưu động.
Xe xét nghiệm lưu động.
Xe phẫu thuật lưu động.
Xe lấy máu.
Xe vận chuyển vắc xin, sinh phẩm.
Xe ô tô khác được thiết kế dành riêng cho các hoạt
động khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch, kiểm nghiệm.
c) Xe ô tô chuyên dùng có gắn hoặc sử dụng thiết bị
chuyên dùng phục vụ hoạt động y tế, bao gồm:
Xe chuyên dùng phục vụ công tác chăm sóc, bảo vệ sức
khỏe cán bộ trung và cấp cao.
Xe vận chuyển máu và các loại mẫu thuộc lĩnh vực y
tế, bao gồm: mẫu bệnh phẩm, mẫu bệnh truyền nhiễm, mẫu thực phẩm, mẫu thuốc
(bao gồm cả vắc xin, sinh phẩm), mẫu thuộc lĩnh vực môi trường y tế.
Xe vận chuyển người bệnh.
Xe giám định pháp y, xe vận chuyển tử thi.
Xe chở máy phun và hóa chất lưu động.
Xe phục vụ lấy, vận chuyển mô, tạng để phục vụ công
tác cấy ghép mô, tạng cho người.
Xe vận chuyển bữa ăn cho bệnh nhân tâm thần.
Xe vận chuyển dụng cụ, vật tư, trang
thiết bị y tế chuyên dùng trong lĩnh vực truyền nhiễm.
Xe ô tô gắn mô hình giảng dạy, mô hình mô phỏng,
các thiết bị và phương tiện giảng dạy, giáo cụ trực quan.
Xe ô tô khác có gắn thiết bị chuyên dùng dành riêng
cho các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, phòng, chống dịch, kiểm nghiệm.
Xe chỉ đạo tuyến có gắn thiết bị chuyên dùng.
Xe chuyển giao kỹ thuật có gắn thiết bị chuyên
dùng.
Xe ô tô có gắn thiết bị chuyên dùng phục vụ cho
công tác nghiên cứu, đánh giá kết quả thử nghiệm lâm sàng (theo dõi các phản ứng
sau tiêm) và xử lý sự cố tại các điểm tiêm.
d) Căn cứ danh mục xe ô tô chuyên dùng quy định tại
các điểm a, b và c khoản này, Bộ Y tế ban hành quy định chi tiết hướng dẫn về
việc xác định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng thuộc lĩnh vực y
tế.
2. Xe ô tô có kết cấu đặc biệt
(xe chở tiền, vàng bạc, đá quý; xe trang bị phòng thí nghiệm, xe cần cẩu, xe
thu gom, ép rác, xe chở rác, chất thải...).
3. Xe ô tô gắn thiết bị chuyên
dùng (thiết bị chuyên dùng được gắn cố định với xe) hoặc xe ô tô được gắn biển
hiệu nhận biết theo quy định của pháp luật (xe gắn thiết bị thu, phát vệ tinh;
xe phát thanh truyền hình lưu động; xe thanh tra giao thông; xe phục vụ tang lễ;
xe giám sát hải quan; xe đào tạo, tập lái, sát hạch xe ô tô, xe hộ tống tiền,...).
4. Xe ô tô tải.
5. Xe ô tô trên 16 chỗ ngồi.
Điều 17. Thẩm quyền ban hành
tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng
1. Đối với xe ô tô chuyên dùng trong lĩnh vực y tế
quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định này, căn cứ vào quy
định chi tiết hướng dẫn của Bộ Y tế:
a) Các bộ, cơ quan trung ương ban hành tiêu chuẩn,
định mức xe ô tô chuyên dùng của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản
lý, trừ đơn vị quy định tại điểm c khoản này.
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau khi xin ý kiến của
các cơ quan liên quan theo Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Thành ủy) ban hành
tiêu chuẩn, định mức xe ô tô chuyên dùng của cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm
vi quản lý của địa phương, trừ đơn vị quy định tại điểm c khoản này.
c) Hội đồng quản lý, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp
công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (trong trường hợp đơn vị sự
nghiệp không có Hội đồng quản lý) ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô
chuyên dùng tại đơn vị.
d) Đối với các đơn vị không hoạt động trong lĩnh vực
y tế nhưng có yêu cầu phải sử dụng xe ô tô cứu thương, thẩm quyền ban hành tiêu
chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô cứu thương được thực hiện theo quy định tại các
điểm a, b và c khoản này.
2. Đối với xe ô tô chuyên dùng quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 16 Nghị định này:
a) Bộ, cơ quan trung ương ban hành tiêu chuẩn, định
mức xe ô tô chuyên dùng trang bị cho cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản
lý, trừ đơn vị quy định tại điểm c khoản này.
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau khi xin ý kiến của
các cơ quan liên quan theo Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Thành ủy) ban hành
tiêu chuẩn, định mức xe ô tô chuyên dùng trang bị cho cơ quan, tổ chức, đơn vị
thuộc phạm vi quản lý của địa phương, trừ đơn vị quy định tại điểm c khoản này.
c) Hội đồng quản lý, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp
công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (trong trường hợp đơn vị sự
nghiệp không có Hội đồng quản lý) ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô
chuyên dùng tại đơn vị.
3. Giá mua xe ô tô chuyên dùng trong tiêu chuẩn, định
mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng do cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại
khoản 1, khoản 2 Điều này ban hành được xác định phù hợp với giá mua trên thị
trường của chủng loại xe tương ứng.
4. Quyết định ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng
xe ô tô chuyên dùng quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này được công khai trên
Cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương và được gửi cơ quan Kho bạc Nhà nước để thực hiện kiểm soát chi theo
quy định của pháp luật.
Mục 4. XE Ô TÔ PHỤC VỤ LỄ TÂN
NHÀ NƯỚC
Điều 18. Tiêu chuẩn, định mức
sử dụng xe ô tô phục vụ lễ tân nhà nước
1. Tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ
công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước (sau đây gọi là xe ô tô phục vụ lễ tân
nhà nước):
a) Xe phục vụ Nguyên thủ, Phó Nguyên thủ Quốc gia,
Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Đại sứ nước
ngoài trình Quốc thư (sau đây gọi là Nhóm 1): Tối đa 04 xe.
b) Xe phục vụ Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng
Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao hoặc tương đương, phu nhân hoặc phu quân của
Nguyên thủ, Phó Nguyên thủ Quốc gia, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ
(sau đây gọi là Nhóm 2): Tối đa 18 xe.
c) Xe phục vụ các Bộ trưởng khác, đoàn viên Đoàn cấp
cao, Đoàn viên các Đoàn cấp Phó Nguyên thủ Quốc gia, thành viên Hoàng gia
(Hoàng tử, Thái tử, Công chúa,...), Chủ tịch Đảng cầm quyền,... các Đoàn khách
mời mang tính chất Nhà nước của các bộ, cơ quan trung ương và phục vụ cán bộ Việt
Nam tham gia đón đoàn (sau đây gọi là Nhóm 3): Tối đa 37 xe.
d) Xe chở hành lý cho các Đoàn khách quốc tế đến
thăm chính thức nước ta và các Đoàn cấp cao của Đảng và Nhà nước ta đi thăm các
nước (sau đây gọi là Nhóm 4): Tối đa 03 xe.
2. Xe ô tô phục vụ lễ tân nhà nước được trang bị và
giao Bộ Ngoại giao quản lý, sử dụng để phục vụ công tác đối ngoại của Đảng và
Nhà nước. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan có
liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định cụ thể chủng loại, giá mua xe ô
tô của từng nhóm xe quy định tại khoản 1 Điều này khi mua sắm, trang bị đáp ứng
yêu cầu phục vụ công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, phù hợp với tình hình,
điều kiện thực tế của đất nước từng thời kỳ.
Điều 19. Thay thế xe ô tô phục
vụ lễ tân nhà nước
1. Điều kiện thay thế xe ô tô phục vụ lễ tân nhà nước:
a) Xe ô tô phục vụ lễ tân nhà nước được thay thế
khi đã đưa vào sử dụng quá 10 năm hoặc đã vận hành trên 150.000 km.
b) Xe ô tô không thuộc quy định tại điểm a khoản
này nhưng bị hư hỏng mà không thể sửa chữa được hoặc việc sửa chữa không hiệu
quả (dự toán chi phí sửa chữa lớn hơn 30% so với nguyên giá).
2. Xe ô tô chưa đủ điều kiện theo quy định tại khoản
1 Điều này mà cần thay thế để đảm bảo yêu cầu phục vụ công tác đối ngoại của Đảng
và Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết
định.
3. Xe ô tô phục vụ lễ tân nhà nước (cũ) khi được
thay thế, Bộ Ngoại giao thống nhất với Bộ Tài chính để xử lý như sau:
a) Điều chuyển giữa các nhóm (chuyển từ Nhóm 1 xuống
Nhóm 2 hoặc Nhóm 3, chuyển từ Nhóm 2 xuống Nhóm 3); Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
ban; hành quyết định điều chuyển xe ô tô giữa các nhóm để tiếp tục sử dụng phục
vụ lễ tân nhà nước.
b) Xử lý theo các hình thức khác theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn
bản quy định chi tiết thi hành.
Mục 5. XE Ô TÔ PHỤC VỤ CÔNG
TÁC CỦA CÁC HỘI QUẦN CHÚNG
Điều 20. Xe ô tô phục vụ công
tác của các hội quần chúng
1. Các hội quần chúng tự đảm bảo xe ô tô phục vụ hoạt
động bằng kinh phí của hội theo quy định của pháp luật về dân sự, pháp luật có
liên quan và Điều lệ của tổ chức.
2. Các hội quần chúng thuộc danh sách hội có tính
chất đặc thù do Thủ tướng Chính phủ ban hành (đối với hội hoạt động trong phạm
vi cả nước) hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành (đối với các hội hoạt
động trong phạm vi địa phương) theo quy định của Thủ tướng Chính phủ được xem
xét, hỗ trợ xe ô tô phục vụ hoạt động như sau:
a) Trường hợp các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước
giao nhiệm vụ ở trung ương (tổ chức hội có đảng đoàn) thì Chủ tịch các hội quần
chúng được hỗ trợ trang bị xe ô tô phục vụ chức danh theo tiêu chuẩn, định mức
quy định tại điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định này.
b) Trường hợp hội chưa có xe ô tô phục vụ công tác
chung hoặc tất cả các xe ô tô hiện có (trừ xe ô tô quy định tại điểm a khoản
này) đã đủ điều kiện thanh lý theo quy định tại khoản 4 Điều 3
Nghị định này thì tùy theo khả năng ngân sách và nguồn xe ô tô hiện có, hội
có tính chất đặc thù được xem xét, hỗ trợ kinh phí để mua xe ô tô từ nguồn ngân
sách nhà nước theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành hoặc hỗ trợ bằng hiện
vật như sau:
Đối với các hội có số biên chế được giao từ 20 người
đến 50 người được hỗ trợ 01 xe.
Đối với các hội có số biên chế được giao từ trên 50
người trở lên được hỗ trợ tối đa 02 xe.
Đối với các hội có số biên chế được giao dưới 20
người được hỗ trợ kinh phí để thuê xe hoặc khoán kinh phí sử dụng xe ô tô khi
thực hiện nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao.
Mức kinh phí hỗ trợ không quá mức giá mua xe ô tô
phục vụ công tác chung quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định
này. Trường hợp hỗ trợ bằng hiện vật thì thực hiện theo hình thức điều chuyển,
giá trị còn lại của xe ô tô điều chuyển không vượt quá mức giá quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định này.
Việc hỗ trợ kinh phí để mua xe ô tô được thực hiện
theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Việc điều chuyển xe ô tô được
thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
3. Việc quản lý, sử dụng và xử lý xe ô tô Nhà nước
hỗ trợ theo quy định tại khoản 2 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp
luật về dân sự, pháp luật có liên quan và Điều lệ của tổ chức. Không bán, chuyển
nhượng, thanh lý hoặc các hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với xe ô
tô được Nhà nước hỗ trợ theo quy định tại khoản 2 Điều này khi chưa đủ điều kiện
thanh lý theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định này.
Chương III
KHOÁN KINH PHÍ SỬ DỤNG
XE Ô TÔ VÀ THUÊ DỊCH VỤ XE Ô TÔ
Điều 21. Khoán kinh phí sử dụng
xe ô tô
1. Đối tượng thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô
tô:
a) Đối tượng được sử dụng xe ô tô tại các đơn vị
không thực hiện trang bị xe ô tô theo quy định tại điểm c khoản
5 Điều 9, điểm c khoản 5 Điều 10 và điểm b khoản 6 Điều 11
Nghị định này.
b) Chức danh thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô
tô theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Nghị định này.
c) Đối tượng quy định tại khoản 2,
khoản 3 Điều 8 Nghị định này áp dụng khoán kinh phí sử dụng xe ô tô theo
quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền quy định tại khoản 7 Điều này.
2. Công đoạn khoán kinh phí sử dụng xe ô tô:
a) Đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại.
b) Đi công tác.
3. Hình thức và mức khoán kinh phí:
a) Hình thức khoán theo km thực tế
Đối với công đoạn đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và
ngược lại: Mức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô được xác định trên cơ sở số km từ
nơi ở đến cơ quan (2 lần/ngày), số ngày làm việc thực tế trong tháng và đơn giá
khoán.
Đối với công đoạn đi công tác: Mức khoán kinh phí sử
dụng xe ô tô được xác định trên cơ sở số km thực tế của từng lần đi công tác và
đơn giá khoán.
b) Hình thức khoán gọn:
Đối với công đoạn đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và
ngược lại: Căn cứ khoảng cách bình quân từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại, số
ngày đưa, đón bình quân hàng tháng của các chức danh có tiêu chuẩn, đơn giá
khoán để xác định mức khoán gọn áp dụng cho các chức danh.
Đối với công đoạn đi công tác: Căn cứ số km bình
quân đi công tác hàng tháng theo yêu cầu công việc của các chức danh tại cơ
quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước và đơn giá khoán.
4. Đơn giá khoán: Phù hợp với đơn giá dịch vụ vận
chuyển của phương tiện vận tải tương đương trên thị trường.
5. Nguồn kinh phí khoán được bố trí trong dự toán
ngân sách nhà nước, nguồn kinh phí được phép sử dụng của cơ quan, tổ chức, đơn
vị, doanh nghiệp nhà nước. Kinh phí khoán được thanh toán cho người nhận khoán
cùng với việc chi trả tiền lương hàng tháng. Riêng kinh phí khoán theo hình thức
quy định tại điểm a khoản 3 Điều này trong trường hợp đi công tác được thanh
toán cùng với việc thanh toán công tác phí.
6. Trường hợp tất cả các chức danh có tiêu chuẩn sử
dụng xe ô tô tại cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước áp dụng khoán
kinh phí sử dụng xe ô tô cho các công đoạn thì không thực hiện trang bị xe ô
tô; trường hợp đã trang bị xe ô tô thì phải sắp xếp lại, xử lý số xe ô tô hiện
có theo quy định tại Điều 23 Nghị định này.
7. Căn cứ quy định tại Nghị định này và điều kiện
thực tế của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng
cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau khi có ý kiến của các cơ quan
theo Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Thành ủy), Hội đồng thành viên, Hội đồng quản
trị các tập đoàn kinh tế quyết định hoặc quy định thẩm quyền quyết định:
a) Việc áp dụng khoán kinh phí sử dụng xe ô tô của
các đối tượng quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 8 Nghị định
này; riêng các chức danh thuộc cơ quan, đơn vị của Đảng ở địa phương thực
hiện theo quy định tại khoản 8 Điều này.
b) Hình thức và công đoạn thực hiện khoán kinh phí
sử dụng xe ô tô cho các chức danh.
c) Đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ô tô, mức
khoán kinh phí sử dụng xe ô tô áp dụng cho từng chức danh hoặc từng nhóm chức
danh phù hợp với từng thời kỳ.
8. Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy quyết định đối
tượng áp dụng khoán kinh phí sử dụng xe ô tô của các cơ quan, đơn vị của Đảng ở
địa phương theo quy định tại Nghị định số 165/2017/NĐ-CP.
9. Xác định mức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đối
với công đoạn đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại:
a) Hình thức khoán theo km thực tế
Mức khoán (đồng/tháng)
|
=
|
Số km từ nơi ở đến
cơ quan và ngược lại (km)
|
x
|
Số ngày làm việc
thực tế trong tháng (ngày)
|
x
|
Đơn giá khoán (đồng/km)
|
Trong đó:
Số km từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại là khoảng cách
thực tế của lộ trình di chuyển ngắn nhất (mà xe ô tô kinh doanh vận tải loại 4
chỗ ngồi được phép lưu thông) từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại của chức danh
nhận khoán;
Số ngày làm việc thực tế trong tháng là số ngày chức
danh nhận khoán thực tế làm việc tại cơ quan (bao gồm cả ngày làm thêm vào các
ngày thứ 7, chủ nhật hoặc các ngày nghỉ lễ, nếu phát sinh).
b) Hình thức khoán gọn
Hình thức khoán gọn được áp dụng đối với tất cả các
chức danh hoặc áp dụng đối với từng chức danh. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau khi xin ý kiến của các cơ quan liên
quan theo Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Thảnh ủy), Hội đồng thành viên, Hội đồng
quản trị các tập đoàn kinh tế quyết định hoặc quy định thẩm quyền quyết định áp
dụng mức khoán gọn đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế, khoảng cách từ nơi ở đến
cơ quan và ngược lại của các chức danh nhận khoán. Mức khoán được xác định như
sau:
Mức khoán (đồng/tháng)
|
=
|
Số km bình quân từ
nơi ở đến cơ quan và ngược lại (km)
|
x
|
Số ngày đưa đón
bình quân hàng tháng (ngày)
|
x
|
Đơn giá khoán (đồng/km)
|
Trong đó:
Số km bình quân từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại
được tính theo tổng số km thực tế ngắn nhất từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại
(mà xe ô tô kinh doanh vận tải loại 4 chỗ ngồi được phép lưu thông) của tất cả
các chức danh nhận khoán chia (:) tổng số chức danh thuộc đối tượng khoán (trường
hợp áp dụng đối với tất cả các chức danh); được tính theo số km thực tế ngắn nhất
từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại (mà xe ô tô kinh doanh vận tải loại 4 chỗ ngồi
được phép lưu thông) của từng chức danh nhận khoán (trường hợp áp dụng đối với
từng chức danh).
Số ngày đưa đón bình quân hàng tháng (ngày/tháng):
22 ngày.
10. Xác định mức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đối
với công đoạn đi công tác:
Cơ quan, người có thẩm quyền quyết định khoán kinh
phí sử dụng xe ô tô quy định áp dụng khoán cho toàn bộ công đoạn đi công tác hoặc
từng công đoạn (ví dụ: khoán khi đi công tác trong nội tỉnh, thành phố trực thuộc
trung ương; khoán đi công tác trên địa bàn của huyện,...); mức khoán kinh phí đối
với công đoạn đi công tác được xác định như sau:
a) Hình thức khoán theo km thực tế
Mức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công đoạn đi
công tác trong trường hợp áp dụng hình thức khoán theo km thực tế được xác định
như sau:
Mức khoán
(đồng/tháng)
|
=
|
Tổng số km thực tế
của từng lần đi công tác
(km)
|
x
|
Đơn giá khoán
(đồng/km)
|
Trong đó: Tổng số km thực tế của từng lần đi công
tác được xác định trên cơ sở khoảng cách thực tế của lộ trình di chuyển ngắn nhất
từ cơ quan đến các địa điểm công tác (mà xe ô tô kinh doanh vận tải được phép
lưu thông) các đợt công tác của từng chức danh nhận khoán.
b) Hình thức khoán gọn
Hình thức khoán gọn được áp dụng đối với tất cả các
chức danh hoặc áp dụng đối với từng chức danh. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (sau khi xin ý kiến của các cơ quan liên
quan theo Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, Thành ủy), Hội đồng thành viên, Hội đồng
quản trị các tập đoàn kinh tế quyết định hoặc quy định thẩm quyền quyết định áp
dụng hình thức khoán gọn đảm bảo phù hợp điều kiện thực tế, áp dụng trong trường
hợp đi công tác thường xuyên trong tháng (tổng số ngày đi công tác chiếm trên
50% tổng số ngày làm việc trong tháng theo quy định của Bộ luật Lao động) của các chức danh áp dụng
khoán kinh phí sử dụng xe ô tô.
Mức khoán được xác định như sau:
Mức khoán
(đồng/tháng)
|
=
|
Số km đi công tác
bình quân hàng tháng
(km)
|
x
|
Đơn giá khoán
(đồng/km)
|
Trong đó: Số km đi công tác bình quân hàng tháng được
xác định trên cơ sở tổng số km đi công tác thực tế của 12 tháng trong năm trước
khi áp dụng khoán kinh phí sử dụng xe ô tô của tất cả các chức danh áp dụng
khoán chia (:) Tổng số chức danh áp dụng khoán chia (:) 12 tháng (trường hợp áp
dụng đối với tất cả các chức danh); được xác định trên cơ sở tổng số km đi công
tác thực tế của 12 tháng trong năm trước khi áp dụng khoán kinh phí sử dụng xe
ô tô của từng chức danh chia (:) 12 tháng (trường hợp áp dụng đối với từng chức
danh).
11. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước
được cấp có thẩm quyền quy định tại khoản 7, khoản 8 Điều này giao tổ chức thực
hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô thực hiện:
a) Xác định số km từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại,
số ngày làm việc thực tế trong tháng của từng chức danh nhận khoán; xác định số
km bình quân từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại, số ngày đưa, đón bình quân hàng
tháng của các chức danh có tiêu chuẩn đưa, đón từ nơi ở đến cơ quan và ngược lại
theo quy định tại khoản 9 Điều này.
b) Xác định tổng số km thực tế của từng lần đi công
tác của từng chức danh nhận khoán; xác định số km đi công tác bình quân hàng
tháng của chức danh áp dụng khoán theo quy định tại khoản 10 Điều này.
c) Quyết định đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ô
tô theo quy định tại điểm c khoản 7 Điều này.
Điều 22. Thuê dịch vụ xe ô tô
1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước
thực hiện thuê dịch vụ xe ô tô phục vụ công tác chung, xe ô tô chuyên dùng
trong các trường hợp sau:
a) Xe ô tô hiện có không đủ để bố trí phục vụ công
tác, không áp dụng hình thức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô.
b) Cơ quan, tổ chức, đơn vị có đối tượng được sử dụng
xe ô tô nhưng không thuộc trường hợp được trang bị xe ô tô phục vụ công tác
chung theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 9, điểm c khoản 5
Điều 10 và điểm b khoản 6 Điều 11 Nghị định này.
c) Cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước
thuộc đối tượng được trang bị xe ô tô phục vụ công tác chung và xe ô tô chuyên
dùng theo quy định Nghị định này nhưng không thực hiện trang bị xe ô tô và
không áp dụng hình thức khoán kinh phí sử dụng xe ô tô.
2. Căn cứ điều kiện cụ thể, thực tế cung cấp dịch vụ
phương tiện đi lại của thị trường, cơ quan, tổ chức, đơn vị, ban quản lý dự án,
doanh nghiệp nhà nước thực hiện thuê dịch vụ xe ô tô. Giá thuê dịch vụ xe ô tô
phù hợp với đơn giá dịch vụ vận chuyển của phương tiện vận tải tương đương trên
thị trường.
Chương IV
SẮP XẾP LẠI, XỬ LÝ XE Ô
TÔ
Điều 23. Sắp xếp lại, xử lý xe
ô tô phục vụ công tác các chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung
1. Các bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh căn cứ tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô quy định tại Nghị định này thực
hiện rà soát, sắp xếp lại số xe ô tô hiện có của các cơ quan, tổ chức, đơn vị
thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương và địa phương; thực hiện xử lý
xe ô tô dôi dư theo quy định của Luật Quản lý,
sử dụng tài sản công, các văn bản quy định chi tiết có liên quan. Thời hạn
hoàn thành: 12 tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm cập nhật
đầy đủ, chính xác số liệu xe ô tô sau khi rà soát, xử lý vào Cơ sở dữ liệu quốc
gia về tài sản công theo thời hạn quy định.
2. Doanh nghiệp nhà nước căn cứ tiêu chuẩn, định mức
sử dụng xe ô tô quy định tại Nghị định này thực hiện rà soát, sắp xếp lại số xe
ô tô phục vụ công tác hiện có; thực hiện xử lý xe ô tô dôi dư theo quy định của
pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại
doanh nghiệp và pháp luật liên quan. Thời hạn hoàn thành: 12 tháng, kể từ ngày
Nghị định này có hiệu lực thi hành.
3. Trường hợp các bộ, cơ quan trung ương, tổng cục
và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện thay đổi phương thức quản
lý xe ô tô hoặc điều chỉnh số lượng xe ô tô được sử dụng của từng đơn vị mà phải
sắp xếp lại số xe hiện có thì thực hiện theo hình thức giao, điều chuyển theo
quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Điều 24. Sắp xếp lại, xử lý xe
ô tô chuyên dùng
1. Căn cứ danh mục xe ô tô chuyên dùng quy định tại
Điều 16 Nghị định này, cơ quan, người có thẩm quyền ban
hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng quy định tại Điều 17 Nghị định này rà soát lại các quyết định đã ban hành của
mình về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng theo quy định tại Nghị
định số 04/2019/NĐ-CP để xử lý như sau:
a) Đối với các quyết định ban hành tiêu chuẩn, định
mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng thuộc danh mục quy định tại Điều
16 Nghị định này mà đã được ban hành theo đúng thẩm quyền và trình tự quy định
tại Nghị định số 04/2019/NĐ-CP và tiêu chuẩn,
định mức đã ban hành vẫn còn phù hợp thì được tiếp tục thực hiện theo các quyết
định đó cho đến khi có văn bản thay thế. Cơ quan, người có thẩm quyền ban hành
tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng có trách nhiệm thông báo cho
các đối tượng chịu sự tác động bằng văn bản và đăng tải công khai trên Cổng
thông tin điện tử của bộ, cơ quan trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương.
b) Các trường hợp khác, cơ quan, người có thẩm quyền
phải ban hành tiêu chuẩn, định mức xe ô tô chuyên dùng quy định tại Điều 16, Điều 17 Nghị định này trong thời hạn 12 tháng kể từ
ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành. Trong thời gian cơ quan, người có thẩm
quyền chưa ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng theo quy định
tại Điều 16, Điều 17 Nghị định này, việc quản lý, xử lý đối
với xe ô tô chuyên dùng đã trang bị được thực hiện như sau:
Đối với các xe ô tô chuyên dùng thuộc danh mục quy
định tại Điều 16 Nghị định này, cơ quan, tổ chức, đơn vị quản
lý, sử dụng xe ô tô chuyên dùng đã được trang bị theo đúng tiêu chuẩn, định mức
đã được cơ quan, người có thẩm quyền ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu
lực thi hành, không thực hiện việc giao, mua mới. Trường hợp điều chuyển trong
phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung
ương hoặc thanh lý xe ô tô thì thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn
bản quy định chi tiết có liên quan. Sau khi cơ quan, người có thẩm quyền ban
hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng theo quy định tại Điều 16, Điều 17 Nghị định này, bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc sắp xếp, xử lý theo quy định tại khoản
2 Điều này. Trường hợp sau khi thực hiện sắp xếp, xử lý mà còn thiếu xe ô tô
chuyên dùng theo tiêu chuẩn, định mức thì thực hiện việc giao, mua mới xe ô tô
theo quy định của pháp luật.
Đối với xe ô tô chuyên dùng đã trang bị nhưng nay
không thuộc danh mục quy định tại Điều 16 Nghị định này được
chuyển sang xe ô tô phục vụ công tác chung và thực hiện sắp xếp lại theo quy định
tại Điều 23 Nghị định này.
2. Căn cứ tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô
chuyên dùng được cơ quan, người có thẩm quyền thông báo hoặc ban hành theo quy
định tại khoản 1 Điều này, bộ, cơ quan trung ương, tập đoàn kinh tế, Ủy ban
nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện việc rà soát, sắp xếp lại xe ô tô chuyên
dùng hiện có của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ
quan trung ương và địa phương như sau:
a) Trường hợp xe ô tô chuyên dùng hiện có phù hợp với
tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô chuyên dùng quy định tại Nghị định này thì
tiếp tục quản lý, sử dụng.
b) Trường hợp xe ô tô chuyên dùng hiện có không phù
hợp với tiêu chuẩn, định mức xe ô tô chuyên dùng quy định tại Nghị định này
nhưng có thể sử dụng để phục vụ công tác chung thì chuyển sang xe ô tô phục vụ
công tác chung để sử dụng theo tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô phục vụ
công tác chung; số còn lại thực hiện xử lý theo các hình thức quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, các văn bản
quy định chi tiết có liên quan.
Việc thực hiện xử lý xe ô tô chuyên dùng không phù
hợp tiêu chuẩn, định mức phải hoàn thành chậm nhất 12 tháng kể từ ngày cơ quan,
người có thẩm quyền ban hành tiêu chuẩn, định mức theo quy định tại Điều 16, Điều 17 Nghị định này. Trường hợp xe chuyên dùng hiện
có phù hợp với tiêu chuẩn, định mức xe ô tô chuyên dùng quy định tại Nghị định
này thì thời điểm 12 tháng được tính từ ngày cơ quan, người có thẩm quyền ban
hành tiêu chuẩn, định mức xe ô tô chuyên dùng có văn bản thông báo cho các đối
tượng chịu sự tác động.
3. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm cập
nhật đầy đủ số liệu xe ô tô sau khi rà soát, xử lý vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về
tài sản công theo thời hạn quy định.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 25. Xử lý chuyển tiếp
1. Các chức danh quy định tại Điều
6, Điều 7 Nghị định này đã được trang bị xe ô tô chức danh thì tiếp tục sử
dụng xe ô tô chức danh đã trang bị; trường hợp xe ô tô chức danh đã trang bị đủ
điều kiện thanh lý theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định
này thì được trang bị để thay thế theo tiêu chuẩn, định mức quy định tại
Nghị định này.
2. Các chức danh đã được trang
bị xe ô tô chức danh theo đúng quy định tại Nghị định số 04/2019/NĐ-CP nhưng
nay không có trong danh mục các chức danh, chức vụ có tiêu chuẩn sử dụng xe ô
tô chức danh quy định tại Điều 6, Điều 7 Nghị định này thì được tiếp tục sử dụng xe ô tô chức danh cho đến
khi sắp xếp lại các chức danh, chức vụ theo Kết luận 35-KL/TW ngày
05 tháng 5 năm 2022 của Bộ Chính trị.
3. Các chức danh có hệ số phụ
cấp tương đương với hệ số phụ cấp chức vụ của các chức danh quy định tại các
điểm a, b, c, d và đ khoản 2 Điều 8 Nghị định này thuộc đối tượng được sử dụng xe ô tô phục vụ công tác
chung trong thời gian cơ quan, người có thẩm quyền chưa có quy định thay thế.
4. Xe ô tô phục vụ công tác chung đã được trang bị
trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành (bao gồm cả số xe ô tô chuyên
dùng được chuyển sang xe ô tô phục vụ công tác chung theo quy định tại điểm b khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 24 Nghị định này) thì phải
sắp xếp lại để tiếp tục sử dụng phục vụ công tác chung của các cơ quan, tổ chức,
đơn vị, doanh nghiệp nhà nước (kể cả trường hợp giá mua trước đây cao hơn mức
giá tối đa quy định tại Nghị định này) thuộc phạm vi quản lý của từng bộ, cơ
quan trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo số lượng phù hợp với
quy định tại Nghị định này; số xe ô tô dôi dư (nếu có) thì xử lý theo các hình
thức quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản
công, Nghị định số 151/2017/NĐ-CP và
các văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có). Thời hạn hoàn thành: 12 tháng, kể từ
ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Đối với các bộ, cơ quan trung ương, tổng cục được tổ
chức theo ngành dọc tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, trường hợp
sau khi sắp xếp lại, xử lý xe ô tô theo quy định mà số lượng xe ô tô phục vụ
công tác chung quy định tại Nghị định này thấp hơn số lượng xe ô tô phục vụ
công tác chung cộng với xe ô tô bán tải, xe ô tô chuyên dùng phục vụ nhiệm vụ đặc
thù đã được cơ quan, người có thẩm quyền ban hành theo quy định hiện có thì được
tiếp tục quản lý, sử dụng số xe ô tô hiện có để phục vụ công tác. Khi đủ điều
kiện thanh lý theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định này,
cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện thanh lý theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn
bản quy định chi tiết có liên quan, bảo đảm số lượng xe ô tô phục vụ công tác
chung theo định mức quy định tại Nghị định này.
Điều 26. Điều khoản thi hành
và trách nhiệm thi hành
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10
tháng 11 năm 2023.
2. Nghị định này thay thế Nghị định số 04/2019/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2019 của
Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.
3. Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh,
tập đoàn kinh tế có trách nhiệm:
a) Tổ chức xác định số lượng xe ô tô được sử dụng của
các cơ quan, tổ chức đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý theo
đúng tiêu chuẩn, định mức theo quy định tại Nghị định này, thông báo cho các cơ
quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý và Bộ Tài chính
được biết. Các đơn vị thuộc, trực thuộc bộ là đơn vị dự toán cấp I cũng phải thực
hiện theo quy định này.
b) Chỉ đạo cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp
nhà nước thuộc phạm vi quản lý thực hiện việc quản lý, sử dụng xe ô tô theo
đúng tiêu chuẩn, định mức và xử lý xe ô tô dôi dư, thanh lý xe ô tô khi đủ điều
kiện theo quy định tại Nghị định này; bố trí, sắp xếp đội ngũ lái xe khi xử lý
xe ô tô dôi dư theo quy định của pháp luật về lao động; hạch toán và công khai
chi phí sử dụng xe ô tô, chi phí khoán kinh phí sử dụng xe ô tô, thuê dịch vụ
xe ô tô phục vụ công tác theo quy định của pháp luật; cập nhật dữ liệu về xe ô
tô vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công theo quy định.
4. Bộ Ngoại giao ban hành Quy chế quản lý, sử dụng
xe ô tô lễ tân nhà nước sau khi có ý kiến của các cơ quan có liên quan.
5. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương, Chủ tịch
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Chủ tịch Hội đồng
thành viên, Chủ tịch Hội đồng quản trị các tập đoàn kinh tế, Thủ trưởng các cơ
quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan và cán bộ, công chức, viên chức,
người lao động làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước
chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (2b).
|
TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Lê Minh Khái
|