Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 163/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật ngân sách nhà nước

Số hiệu: 163/2016/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 21/12/2016 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Nghị định 163/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước về phân cấp quản lý ngân sách và mối quan hệ giữa ngân sách các cấp; lập dự toán ngân sách nhà nước; chấp hành ngân sách nhà nước; kế toán, kiểm toán và quyết toán ngân sách nhà nước và công khai ngân sách, giám sát cộng đồng về ngân sách nhà nước.

1. Phân cấp quản lý ngân sách và mối quan hệ giữa ngân sách các cấp

- Theo Nghị định số 163/2016, nguồn thu của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được thu từ một số nguồn như:

+ Tiền thu một số các khoản thuế;

+ Khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ các nước;

+ Phí thu được từ các hoạt động dịch vụ;

+ Thu từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, cấp quyền khai thác tài nguyên nước;

+ Thu từ quỹ dự trữ, nguồn kết dư ngân sách;

+ Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, bán tài sản nhà nước và từ nhiều nguồn khác.

- Bên cạnh đó, Nghị định 163/NĐ-CP còn quy định một số khoản thu mà ngân sách trung ương và địa phương hưởng theo tỷ lệ phân chia phần trăm.

- Nghị định số 163 quy định các nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương gồm các nội dung sau:

+ Chi đầu tư phát triển;

+ Chi dự trữ quốc gia;

+ Các khoản chi thường xuyên, chi trả lãi, phí và các chi phí phát sinh từ các khoản tiền vay;

+ Chi chuyển nguồn, chi bổ sung cân đối nguồn ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách.

2. Chấp hành ngân sách nhà nước

- Nghị định 163/2016 quy định việc phẩn bổ và giao dự toán ngân sách nhà nước của các đơn vị dự toán cũng như việc tổ chức thu, chi và điều hành đối với ngân sách nhà nước.

- Ngoài ra, Nghị định số 163/CP còn hướng dẫn các tiêu chí và điều kiện được ứng trước dự toán ngân sách năm sau, cụ thể:

+ Tiêu chí ứng trước dự án năm sau: Áp dụng đối với các dự án quan trọng quốc gia; dự án, công trình xây dựng cơ bản, cấp bách của trung ương và địa phương.

+ Điều kiện được ứng trước dự án năm sau: Phải đảm bảo cân đối được quỹ ngân sách của từng cấp; dự án, công trình xây dựng cơ bản đáp ứng đủ điều kiện theo quy định; không còn số dư ứng trước dự toán ngân sách; có đầy đủ hồ sơ, báo cáo thuyết minh về sự cần thiết phải ứng trước dự toán.

3. Công khai ngân sách nhà nước, giám sát của cộng đồng về ngân sách nhà nước

- Các đối tượng phải công khai ngân sách gồm có: các cấp ngân sách nhà nước, đơn vị dự toán ngân sách, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ và chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

- Một số nội dung sau phải được công khai theo Nghị định 163/2016/CP như công khai số liệu, thuyết minh dự toán ngân sách về các khoản cân đối thu, chi và bội chi ngân sách; công khai số liệu, thuyết minh tình hình thực hiện dự toán thu ngân sách.

- Việc giám sát của cộng đồng đối với ngân sách nhà nước được thực hiện thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp. Hình thức giám sát có thể là nghiên cứu, xem xét; tổ chức đoàn giám sát hoặc thông qua hoạt động của Ban thanh tra.

Nghị định 163/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật ngân sách nhà nước có hiệu lực ngày 01/01/2017.

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 163/2016/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 21 tháng 12 năm 2016

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi áp dụng:

a) Nghị định này quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ngân sách nhà nước về lập dự toán ngân sách; thu nộp ngân sách; kiểm soát, thanh toán chi ngân sách; quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả thực hiện nhiệm vụ; quyết toán ngân sách; nguyên tắc, điều kiện, thẩm quyền ứng trước dự toán, chi chuyển nguồn, sử dụng dự phòng ngân sách; sử dụng quỹ dự trữ tài chính; công khai ngân sách nhà nước, giám sát ngân sách nhà nước của cộng đồng và một số nội dung khác theo quy định của Luật ngân sách nhà nước;

b) Các nội dung về kế hoạch tài chính 05 năm, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm; quản lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại; cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước; quy chế xem xét, quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương được thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ.

2. Đối tượng áp dụng:

a) Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội;

b) Các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo nhiệm vụ Nhà nước giao;

c) Các đơn vị sự nghiệp công lập;

d) Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến ngân sách nhà nước.

Điều 2. Thu ngân sách nhà nước

1. Thuế do các tổ chức, cá nhân nộp theo quy định của các luật thuế.

2. Lệ phí do các tổ chức, cá nhân nộp theo quy định của pháp luật.

3. Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do cơ quan nhà nước thực hiện; trường hợp được khoán chi phí hoạt động thì được khấu trừ.

4. Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước thực hiện, sau khi trừ phân được trích lại để bù đắp chi phí theo quy định của pháp luật.

5. Các khoản nộp ngân sách nhà nước từ hoạt động kinh tế của Nhà nước, gồm:

a) Lãi được chia cho nước chủ nhà và các khoản thu khác từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu, khí;

b) Các khoản thu hồi vốn của Nhà nước đầu tư tại các tổ chức kinh tế;

c) Thu cổ tức, lợi nhuận được chia tại các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước;

d) Thu phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp nhà nước;

đ) Chênh lệch thu lớn hơn chi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

e) Thu hồi tiền cho vay của Nhà nước (bao gồm cả gốc và lãi), trừ vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ.

6. Huy động đóng góp từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

7. Thu từ bán tài sản nhà nước, kể cả thu từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất do các cơ quan, đơn vị, tổ chức của Nhà nước quản lý.

8. Tiền sử dụng đất; tiền cho thuê đất, thuê mặt nước; tiền sử dụng khu vực biển; tiền cho thuê và tiền bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước.

9. Thu từ tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước; thu cấp quyền khai thác khoáng sản, thu cấp quyền khai thác tài nguyên nước.

10. Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt, tịch thu khác theo quy định của pháp luật.

11. Các khoản đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

12. Các khoản viện trợ không hoàn lại của Chính phủ các nước, các tổ chức, cá nhân ở ngoài nước cho Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, cho cơ quan nhà nước ở địa phương.

13. Thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định tại Điều 11 Luật ngân sách nhà nước.

14. Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Chi ngân sách nhà nước

1. Chi đầu tư phát triển gồm:

a) Chi đầu tư xây dựng cơ bản cho các dự án theo các lĩnh vực được quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Đầu tư và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước đặt hàng; các tổ chức kinh tế; các tổ chức tài chính của trung ương và địa phương; đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;

c) Các khoản chi đầu tư phát triển khác theo quy định của pháp luật.

2. Chi dự trữ quốc gia.

3. Chi thường xuyên cho các lĩnh vực:

a) Quốc phòng;

b) An ninh và trật tự, an toàn xã hội;

c) Sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề;

d) Sự nghiệp khoa học và công nghệ;

đ) Sự nghiệp y tế, dân số và gia đình;

e) Sự nghiệp văn hóa thông tin;

g) Sự nghiệp phát thanh, truyền hình, thông tấn;

h) Sự nghiệp thể dục thể thao;

i) Sự nghiệp bảo vệ môi trường;

k) Các hoạt động kinh tế;

l) Hoạt động của các cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội bao gồm: Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn lao động Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam; hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp theo quy định của pháp luật;

m) Chi bảo đảm xã hội, bao gồm cả chi hỗ trợ thực hiện các chính sách xã hội theo quy định của pháp luật;

n) Các khoản chi thường xuyên khác theo quy định của pháp luật.

4. Chi trả lãi, phí và chi phí phát sinh khác từ các khoản tiền do Chính phủ, chính quyền địa phương cấp tỉnh vay.

5. Chi viện trợ của ngân sách trung ương cho các Chính phủ, tổ chức ngoài nước.

6. Chi cho vay theo quy định của pháp luật.

7. Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính.

8. Chi chuyển nguồn từ ngân sách năm trước sang ngân sách năm sau.

9. Chi bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới.

Điều 4. Bội chi ngân sách nhà nước

1. Bội chi ngân sách nhà nước bao gồm bội chi ngân sách trung ương và bội chi ngân sách địa phương cấp tỉnh:

a) Bội chi ngân sách trung ương được xác định bằng chênh lệch lớn hơn giữa tổng chi ngân sách trung ương và tổng thu ngân sách trung ương trong một năm ngân sách;

b) Bội chi ngân sách địa phương cấp tỉnh là tổng hợp bội chi ngân sách cấp tỉnh của từng địa phương, được xác định bằng chênh lệch lớn hơn giữa tổng chi ngân sách cấp tỉnh và tổng thu ngân sách cấp tỉnh của từng địa phương trong một năm ngân sách.

2. Bội chi ngân sách trung ương được bù đắp từ các nguồn sau:

a) Vay trong nước từ phát hành trái phiếu Chính phủ, công trái xây dựng Tổ quốc và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật;

b) Vay ngoài nước từ các khoản vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ các nước, các định chế tài chính các nước và các tổ chức quốc tế; phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế; không bao gồm các khoản Chính phủ vay về cho các tổ chức kinh tế vay lại.

3. Bội chi ngân sách địa phương được bù đắp từ các nguồn sau:

a) Vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật;

b) Vay từ nguồn Chính phủ vay về cho ngân sách địa phương vay lại.

4. Vay để bù đắp bội chi ngân sách quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này không bao gồm sổ vay để trả nợ gốc.

5. Ngân sách cấp tỉnh từng địa phương được phép bội chi khi đáp ứng đủ các quy định và điều kiện sau:

a) Chỉ được sử dụng để đầu tư các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 7 Luật ngân sách nhà nước;

b) Bội chi ngân sách cấp tỉnh hằng năm không vượt quá mức bội chi ngân sách hằng năm được Quốc hội quyết định cho từng địa phương cấp tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 7 Luật ngân sách nhà nước;

c) Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày kết thúc năm ngân sách trước năm xây dựng dự toán, không phát sinh nợ quá hạn đối với các khoản nợ vay phải thanh toán trong năm ngân sách trước năm xây dựng dự toán. Trường hợp đặc biệt, Bộ Tài chính trình Chính phủ;

d) Vay bù đắp bội chi ngân sách địa phương được huy động chủ yếu từ các khoản vay trung và dài hạn. Hằng năm, căn cứ diễn biến thị trường vốn, Bộ Tài chính trình Chính phủ tỷ lệ tối thiểu các khoản vay bù đắp bội chi ngân sách địa phương có thời hạn vay trung và dài hạn;

đ) Số dư nợ vay của ngân sách địa phương, bao gồm cả số vay bù đắp bội chi ngân sách theo dự toán, không vượt mức dư nợ vay quy định tại khoản 6 Điều này.

6. Mức dư nợ vay của ngân sách địa phương:

a) Đối với thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp;

b) Đối với các địa phương có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp lớn hơn chi thường xuyên của ngân sách địa phương, không vượt quá 30% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp;

c) Đối với các địa phương có số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp nhỏ hơn hoặc bằng chi thường xuyên của ngân sách địa phương, không vượt quá 20% số thu ngân sách được hưởng theo phân cấp;

d) Việc xác định số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn chi thường xuyên quy định tại điểm b và điểm c của khoản này trên cơ sở dự toán thu, chi ngân sách địa phương được Quốc hội quyết định của năm dự toán ngân sách, số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp được xác định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 15 của Nghị định này, không bao gồm khoản thu kết dư ngân sách địa phương.

7. Giao Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn nội dung vay và trả nợ của chính quyền địa phương.

Điều 5. Chi trả nợ gốc các khoản vay

1. Nguồn chi trả nợ gốc các khoản vay, gồm:

a) Số vay để trả nợ gốc được Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định hằng năm;

b) Bội thu ngân sách trung ương và bội thu ngân sách địa phương cấp tỉnh;

Bội thu ngân sách trung ương được xác định bằng chênh lệch lớn hơn giữa tổng dự toán thu ngân sách trung ương và tổng dự toán chi ngân sách trung ương trong một năm ngân sách. Bội thu ngân sách địa phương cấp tỉnh được xác định bằng chênh lệch lớn hơn giữa tổng dự toán thu ngân sách cấp tỉnh và tổng dự toán chi ngân sách cấp tỉnh của từng địa phương trong một năm ngân sách;

c) Kết dư ngân sách trung ương và ngân sách cấp tỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật ngân sách nhà nước;

d) Tăng thu, tiết kiệm chi so với dự toán trong quá trình chấp hành ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật ngân sách nhà nước.

2. Các khoản nợ gốc đến hạn phải được chi trả đầy đủ, đúng hạn theo cam kết và hợp đồng đã ký.

3. Khoản chi trả nợ gốc phải được quản lý, hạch toán qua Kho bạc Nhà nước.

Điều 6. Hệ thống ngân sách nhà nước và quan hệ giữa các cấp ngân sách

1. Ngân sách nhà nước gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương.

2. Ngân sách địa phương gồm ngân sách của các cấp chính quyền địa phương, trong đó:

a) Ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là ngân sách tỉnh), bao gồm ngân sách cấp tỉnh và ngân sách của các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương;

b) Ngân sách huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là ngân sách huyện), bao gồm ngân sách cấp huyện và ngân sách của các xã, phường, thị trấn;

c) Ngân sách các xã, phường, thị trấn (gọi chung là ngân sách cấp xã).

3. Nguyên tắc phân cấp quản lý nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa các cấp ngân sách thực hiện theo quy định tại Điều 9 Luật ngân sách nhà nước.

Điều 7. Dự phòng ngân sách nhà nước

1. Dự toán chi ngân sách trung ương và dự toán chi ngân sách các cấp chính quyền địa phương được bố trí khoản dự phòng từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách mỗi cấp.

2. Dự phòng ngân sách nhà nước được sử dụng cho các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật ngân sách nhà nước,

3. Thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng ngân sách trung ương:

a) Đối với các khoản chi trên 03 tỷ đồng đối với mỗi nhiệm vụ phát sinh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định các khoản chi đầu tư phát triển và các khoản chi thuộc chức năng quản lý của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định các khoản chi còn lại.

Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định mức chi không quá 03 tỷ đồng đối với mỗi nhiệm vụ phát sinh, định kỳ hằng quý tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

b) Căn cứ các chính sách, chế độ đã được cấp có thẩm quyền quyết định chi từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định chi, trừ các khoản chi quy định tại điểm a khoản này và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện;

c) Hằng quý, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội việc sử dụng dự phòng ngân sách trung ương tại điểm a và điểm b khoản này, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

4. Trong quá trình tổ chức thực hiện ngân sách, khi phát sinh nhiệm vụ thuộc các nội dung chi của dự phòng ngân sách trung ương quy định tại khoản 2 Điều này, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương phải lập dự toán và thuyết minh chi tiết gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét quyết định theo thẩm quyền hoặc tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định bổ sung kinh phí cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương thực hiện nhiệm vụ.

5. Thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng ngân sách các cấp ở địa phương thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 10 Luật ngân sách nhà nước.

Điều 8. Quỹ dự trữ tài chính

1. Quỹ dự trữ tài chính là quỹ của Nhà nước được thành lập ở trung ương và cấp tỉnh.

2. Quỹ dự trữ tài chính được hình thành từ các nguồn:

a) Bố trí trong dự toán chi ngân sách hằng năm;

b) Kết dư ngân sách theo quy định tại khoản 1 Điều 72 Luật ngân sách nhà nước;

c) Tăng thu ngân sách theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật ngân sách nhà nước;

d) Lãi tiền gửi quỹ dự trữ tài chính;

đ) Các nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật.

3. Số dư của quỹ dự trữ tài chính ở mỗi cấp không vượt quá 25% dự toán chi ngân sách hằng năm của cấp đó, không bao gồm số chi từ nguồn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên.

4. Quỹ dự trữ tài chính được sử dụng trong các trường hợp sau:

a) Cho ngân sách tạm ứng để đáp ứng các nhu cầu chi theo dự toán chi ngân sách khi nguồn thu chưa tập trung kịp và phải hoàn trả ngay trong năm ngân sách;

b) Trường hợp thu ngân sách nhà nước hoặc vay để bù đắp bội chi không đạt mức dự toán được Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định và cần thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh trên diện rộng, với mức độ nghiêm trọng, nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ cấp bách khác phát sinh ngoài dự toán; sau khi sắp xếp lại ngân sách, sử dụng hết dự phòng ngân sách mà vẫn chưa đủ nguồn, được sử dụng quỹ dự trữ tài chính để đáp ứng các nhu cầu chi nhưng mức sử dụng trong năm tối đa không quá 70% số dư đầu năm của quỹ.

5. Thẩm quyền quyết định sử dụng quỹ dự trữ tài chính:

a) Đối với quỹ dự trữ tài chính trung ương, Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định tạm ứng để đáp ứng nhu cầu chi quy định tại điểm a khoản 4 Điều này; Thủ tướng Chính phủ quyết định sử dụng để chi cho các trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;

b) Đối với quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sử dụng trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

6. Quỹ dự trữ tài chính của trung ương do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm chủ tài khoản. Quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc ủy quyền cho giám đốc Sở Tài chính làm chủ tài khoản.

7. Việc sử dụng quỹ dự trữ tài chính trong các trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 Điều này được thực hiện theo phương thức chuyển từ quỹ dự trữ tài chính vào thu ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ chi đã được quyết định.

8. Quỹ dự trữ tài chính được gửi tại Kho bạc Nhà nước và được Kho bạc Nhà nước trả lãi theo mức lãi suất quy định của pháp luật về chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước.

9. Ngân sách cấp tỉnh được tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính của trung ương, ngân sách cấp huyện và ngân sách cấp xã được tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính của Tỉnh và phải hoàn trả tạm ứng ngay trong năm ngân sách.

Điều 9. Kinh phí hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội

1. Kinh phí hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội bao gồm: Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn lao động Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam được ngân sách nhà nước bảo đảm theo nguyên tắc ngân sách nhà nước cấp phần chênh lệch giữa dự toán chi được xác định theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cấp có thẩm quyền quy định với các nguồn thu theo Điều lệ của các tổ chức này.

2. Việc lập dự toán, thực hiện dự toán, quyết toán ngân sách của các tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.

3. Giao Bộ Tài chính quy định cụ thể về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước đối với các cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Điều 10. Kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp

1. Kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc tự bảo đảm. Trường hợp các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội tổ chức xã hội - nghề nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao nhiệm vụ thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí để thực hiện.

2. Kinh phí hỗ trợ cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được bố trí trong dự toán ngân sách của từng cấp ngân sách trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định.

3. Việc lập dự toán, thực hiện dự toán, quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ được thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, quy định tại Nghị định này và pháp luật có liên quan.

4. Chính phủ có quy định cụ thể việc hỗ trợ của ngân sách nhà nước đối với các tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 11. Quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả thực hiện nhiệm vụ

1. Quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả thực hiện nhiệm vụ là việc lập, phân bổ, chấp hành, quyết toán ngân sách nhà nước trên cơ sở xác định rõ kinh phí ngân sách gắn với nhiệm vụ, dịch vụ, sản phẩm cần hoàn thành với khối lượng, số lượng và chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định.

2. Đối tượng thực hiện quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả thực hiện nhiệm vụ là các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước đáp ứng đủ điều kiện sau:

a) Xác định được khối lượng, số lượng, chất lượng, thời gian hoàn thành;

b) Có cơ sở, căn cứ tính toán để lập và giao dự toán kinh phí theo tiêu chuẩn định mức kỹ thuật kinh tế, định mức chi tiêu hoặc giá trị của nhiệm vụ, dịch vụ, sản phẩm tương đương cùng loại được cung ứng trong điều kiện tương tự (bao gồm cả các khoản thuế, phí, lệ phí phải nộp theo quy định của pháp luật);

c) Phải có tiêu chí, cơ chế giám sát, đánh giá kết quả thực hiện;

d) Có sự thỏa thuận bằng văn bản giữa cơ quan giao nhiệm vụ và cơ quan nhận nhiệm vụ về việc quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ.

3. Phạm vi áp dụng là các nhiệm vụ, dịch vụ, sản phẩm có thể xác định được rõ yêu cầu về khối lượng, số lượng, chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật của nhiệm vụ, dịch vụ, sản phẩm hoàn thành và nhu cầu kinh phí ngân sách cần bảo đảm trên cơ sở định mức kỹ thuật kinh tế, tiêu chí, định mức chi ngân sách được cơ quan có thẩm quyền quyết định.

4. Nguyên tắc áp dụng:

a) Tăng thẩm quyền, đi đôi với tăng trách nhiệm cá nhân, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của thủ trưởng đơn vị;

b) Đơn giản hóa quy trình quản lý ngân sách nhà nước trong khâu kiểm soát chi, quyết toán chi ngân sách nhà nước;

c) Khối lượng, số lượng, chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, thời gian cung cấp, dự toán chi phí của nhiệm vụ, dịch vụ, sản phẩm phải bảo đảm tối thiểu bằng hoặc tốt hơn so với phương thức quản lý ngân sách nhà nước theo các yếu tố đầu vào;

d) Giao Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn việc quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Điều 12. Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách

1. Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách là quỹ được thành lập theo quy định tại khoản 19 Điều 4 Luật ngân sách nhà nước.

2. Ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

3. Căn cứ khả năng của ngân sách nhà nước, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được cơ quan có thẩm quyền xem xét hỗ trợ vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước khi đáp ứng đủ các điều kiện:

a) Được thành lập và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật;

b) Có khả năng tài chính độc lập;

c) Có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước.

4. Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách và cơ quan quản lý quỹ phải thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và quy định của Nghị định này về lập, chấp hành, quyết toán, kiểm toán ngân sách nhà nước đối với phần vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ.

5. Hằng năm, cơ quan quản lý quỹ do trung ương quản lý báo cáo Bộ Tài chính tình hình thực hiện kế hoạch tài chính, kế hoạch tài chính năm sau và quyết toán thu, chi quỹ để tổng hợp báo cáo Chính phủ để báo cáo Quốc hội cùng với báo cáo dự toán và quyết toán ngân sách nhà nước; cơ quan quản lý quỹ do địa phương quản lý báo cáo Sở Tài chính tình hình thực hiện kế hoạch tài chính, kế hoạch tài chính năm sau và quyết toán thu, chi quỹ để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân để báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cùng với báo cáo dự toán và quyết toán ngân sách địa phương.

6. Cơ quan quản lý quỹ tài chính ngoài ngân sách ở trung ương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ để giải trình với Quốc hội khi có yêu cầu; cơ quan quản lý quỹ tài chính ngoài ngân sách ở địa phương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để giải trình với Hội đồng nhân dân cùng cấp khi có yêu cầu.

Chương II

PHÂN CẤP QUẢN LÝ NGÂN SÁCH VÀ MỐI QUAN HỆ GIỮA NGÂN SÁCH CÁC CẤP

Điều 13. Nguồn thu của ngân sách trung ương

1. Các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%:

a) Thuế giá trị gia tăng thu từ hàng hóa nhập khẩu;

b) Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;

c) Thuế tiêu thụ đặc biệt từ hàng hóa nhập khẩu, bao gồm cả thuế tiêu thụ đặc biệt hàng hóa nhập khẩu do cơ sở kinh doanh nhập khẩu tiếp tục bán ra trong nước;

d) Thuế bảo vệ môi trường thu từ hàng hóa nhập khẩu;

đ) Thuế tài nguyên, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, lãi được chia nước chủ nhà, các loại phí, tiền thuê mặt nước, các khoản thuế, phí và thu khác từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu, khí;

e) Viện trợ không hoàn lại của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức khác, các cá nhân ở nước ngoài cho Chính phủ Việt Nam;

g) Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do các cơ quan nhà nước trung ương thực hiện, trường hợp được cấp có thẩm quyền cho khoán chi phí hoạt động thì được khấu trừ; phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập trung ương và doanh nghiệp nhà nước trung ương thực hiện, sau khi trừ phần được trích lại để bù đắp chi phí theo quy định của pháp luật;

h) Lệ phí do các cơ quan nhà nước trung ương thu; không kể lệ phí môn bài quy định tại điểm g và lệ phí trước bạ quy định tại điểm h khoản 1 Điều 15 của Nghị định này;

i) Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt, tịch thu khác theo quy định của pháp luật do các cơ quan nhà nước trung ương quyết định thực hiện xử phạt, tịch thu;

k) Thu từ bán tài sản nhà nước, kể cả thu từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất, chuyển mục đích sử dụng đất do các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập, các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu hoặc doanh nghiệp mà có vốn của trung ương tham gia trước khi thực hiện cổ phần hóa, sắp xếp lại và các đơn vị, tổ chức khác thuộc trung ương quản lý;

l) Thu từ tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước do các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc trung ương xử lý, sau khi trừ đi các chi phí theo quy định của pháp luật;

m) Các khoản thu hồi vốn của ngân sách trung ương đầu tư tại các tổ chức kinh tế (bao gồm cả gốc và lãi); thu cổ tức, lợi nhuận được chia tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương đại diện chủ sở hữu; thu phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp nhà nước do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương đại diện chủ sở hữu;

n) Thu từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, cấp quyền khai thác tài nguyên nước phần ngân sách trung ương được hưởng theo quy định của pháp luật;

o) Tiền sử dụng khu vực biển đối với khu vực biển thuộc thẩm quyền giao của trung ương;

p) Chênh lệch thu lớn hơn chi của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

q) Thu từ quỹ dự trữ tài chính trung ương;

r) Thu kết dư ngân sách trung ương;

s) Thu chuyển nguồn từ năm trước chuyển sang của ngân sách trung ương;

t) Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

2. Các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương:

a) Thuế giá trị gia tăng, bao gồm cả thuế giá trị gia tăng của các nhà thầu phụ phát sinh từ các hoạt động dịch vụ phục vụ hoạt động thăm dò và khai thác dầu, khí; không kể thuế giá trị gia tăng quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều này;

b) Thuế thu nhập doanh nghiệp, bao gồm cả thuế thu nhập doanh nghiệp của các nhà thầu phụ phát sinh từ các hoạt động dịch vụ phục vụ hoạt động thăm dò và khai thác dầu, khí; không kể thuế thu nhập doanh nghiệp quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này.

c) Thuế thu nhập cá nhân;

d) Thuế tiêu thụ đặc biệt, không kể thuế tiêu thụ đặc biệt quy định tại điểm c khoản 1 Điều này;

đ) Thuế bảo vệ môi trường, không kể thuế bảo vệ môi trường quy định tại điểm d khoản 1 Điều này. Đối với thuế bảo vệ môi trường thu từ xăng dầu sản xuất trong nước, việc xác định số thu phát sinh căn cứ vào sản lượng do doanh nghiệp đầu mối bán ra trên thị trường và tỷ trọng tổng sản lượng xăng dầu sản xuất trong nước và tổng sản lượng xăng dầu nhập khẩu. Giao Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể nội dung này.

Điều 14. Nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương

1. Chi đầu tư phát triển:

a) Đầu tư xây dựng cơ bản cho các chương trình, dự án của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương theo các lĩnh vực được quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Đầu tư và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích do nhà nước đặt hàng; các tổ chức kinh tế; các tổ chức tài chính của trung ương; đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;

c) Các khoản chi đầu tư phát triển khác theo quy định của pháp luật.

2. Chi dự trữ quốc gia.

3. Chi thường xuyên của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương được phân cấp trong các lĩnh vực:

a) Quốc phòng;

b) An ninh và trật tự an toàn xã hội;

c) Sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề;

d) Sự nghiệp khoa học và công nghệ;

đ) Sự nghiệp y tế, dân số và gia đình;

e) Sự nghiệp văn hóa thông tin;

g) Sự nghiệp phát thanh, truyền hình, thông tấn;

h) Sự nghiệp thể dục thể thao;

i) Sự nghiệp bảo vệ môi trường;

k) Các hoạt động kinh tế: Lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản; giao thông; tài nguyên; phân giới cắm mốc biên giới; quy hoạch thương mại, du lịch; chi hoạt động nhập, xuất, bảo quản, bảo vệ, bảo hiểm hàng dự trữ quốc gia do nhà nước thực hiện; các hoạt động kinh tế khác;

l) Hoạt động của các cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam; Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam;

m) Hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp ở trung ương theo quy định của pháp luật;

n) Chi bảo đảm xã hội, bao gồm cả chi hỗ trợ thực hiện các chính sách xã hội theo quy định của pháp luật;

o) Các khoản chi thường xuyên khác theo quy định của pháp luật.

4. Chi trả lãi, phí và chi phí phát sinh khác từ các khoản vay của Chính phủ.

5. Chi viện trợ.

6. Chi cho vay theo quy định của pháp luật.

7. Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính trung ương.

8. Chi chuyển nguồn của ngân sách trung ương sang năm sau.

9. Chi bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương.

Điều 15. Nguồn thu của ngân sách địa phương

1. Các khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%:

a) Thuế tài nguyên, không kể thuế tài nguyên thu từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu, khí;

b) Thuế sử dụng đất nông nghiệp;

c) Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp;

d) Tiền sử dụng đất;

đ) Tiền cho thuê đất, thuê mặt nước, không kể tiền thuê đất, thuê mặt nước từ hoạt động thăm dò, khai thác dầu, khí;

e) Tiền cho thuê và tiền bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;

g) Lệ phí môn bài;

h) Lệ phí trước bạ;

i) Thu từ hoạt động xổ số kiến thiết, kể cả hoạt động xổ số điện toán;

k) Các khoản thu hồi vốn của ngân sách địa phương đầu tư tại các tổ chức kinh tế (bao gồm cả gốc và lãi); thu cổ tức, lợi nhuận được chia tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của Nhà nước do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đại diện chủ sở hữu; thu phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của doanh nghiệp nhà nước do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đại diện chủ sở hữu;

l) Thu từ bán tài sản nhà nước, kể cả thu từ chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn liền với tài sản trên đất, chuyển mục đích sử dụng đất do các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, các đơn vị sự nghiệp công lập, các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu đơn vị hoặc doanh nghiệp mà có vốn của ngân sách địa phương tham gia trước khi thực hiện cổ phần hóa, sắp xếp lại và các đơn vị, tổ chức khác thuộc địa phương quản lý;

m) Viện trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế, các tổ chức khác, các cá nhân ở nước ngoài trực tiếp cho địa phương;

n) Phí thu từ các hoạt động dịch vụ do các cơ quan nhà nước địa phương thực hiện, trường hợp được cấp có thẩm quyền cho khoán chi phí hoạt động thì được khấu trừ; phí thu từ các hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập địa phương và doanh nghiệp nhà nước địa phương thực hiện, sau khi trừ phân được trích lại để bù đắp chi phí theo quy định của pháp luật;

o) Lệ phí do các cơ quan nhà nước địa phương thực hiện thu;

p) Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính, phạt, tịch thu khác theo quy định của pháp luật do các cơ quan nhà nước địa phương quyết định thực hiện xử phạt, tịch thu;

q) Thu từ tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước do các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc địa phương xử lý, sau khi trừ đi các chi phí theo quy định của pháp luật;

r) Thu từ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, cấp quyền khai thác tài nguyên nước phân ngân sách địa phương được hưởng theo quy định của pháp luật;

s) Tiền sử dụng khu vực biển đối với khu vực biển thuộc thẩm quyền giao của địa phương;

t) Thu từ quỹ đất công ích và thu hoa lợi công sản khác;

u) Huy động đóng góp từ các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật;

v) Thu từ quỹ dự trữ tài chính địa phương;

x) Thu kết dư ngân sách địa phương;

y) Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.

2. Các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định tại khoản 2 Điều 13 của Nghị định này.

3. Thu bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương.

4. Thu chuyển nguồn của ngân sách địa phương từ năm trước chuyển sang.

Điều 16. Nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương

1. Chi đầu tư phát triển:

a) Đầu tư xây dựng cơ bản cho các chương trình, dự án do địa phương quản lý theo các lĩnh vực được quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Đầu tư và hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích do nhà nước đặt hàng, các tổ chức kinh tế, các tổ chức tài chính của địa phương theo quy định của pháp luật; đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp do địa phương quản lý theo quy định của pháp luật;

c) Các khoản chi đầu tư phát triển khác theo quy định của pháp luật.

2. Chi thường xuyên của các cơ quan, đơn vị ở địa phương được phân cấp trong các lĩnh vực:

a) Sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề;

b) Sự nghiệp khoa học và công nghệ;

c) Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phần giao cho địa phương quản lý;

d) Sự nghiệp y tế, dân số và gia đình;

đ) Sự nghiệp văn hóa thông tin;

e) Sự nghiệp phát thanh, truyền hình;

g) Sự nghiệp thể dục thể thao;

h) Sự nghiệp bảo vệ môi trường;

i) Các hoạt động kinh tế: Lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi, thủy sản; giao thông; tài nguyên; quy hoạch; thương mại, du lịch; hoạt động kiến thiết thị chính; các hoạt động kinh tế khác;

k) Hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam; Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam ở địa phương;

l) Hỗ trợ hoạt động cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp ở địa phương theo quy định của pháp luật;

m) Chi bảo đảm xã hội, bao gồm cả chi thực hiện các chính sách xã hội theo quy định của pháp luật;

n) Các khoản chi thường xuyên khác theo quy định của pháp luật.

3. Chi trả lãi, phí và chi phí phát sinh khác từ các khoản tiền do chính quyền cấp tỉnh vay.

4. Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính địa phương.

5. Chi chuyển nguồn sang năm sau của ngân sách địa phương.

6. Chi bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp dưới.

Điều 17. Nguyên tắc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp ở địa phương

1. Căn cứ vào nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Nghị định này, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp cụ thể nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp ở địa phương theo nguyên tắc sau:

a) Phù hợp với phân cấp nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh đối với từng lĩnh vực và đặc điểm kinh tế, địa lý, dân cư, trình độ quản lý của từng vùng, từng địa phương;

b) Ngân sách xã, thị trấn được phân chia nguồn thu từ các khoản: thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; lệ phí môn bài thu từ cá nhân, hộ kinh doanh; thuế sử dụng đất nông nghiệp thu từ hộ gia đình; lệ phí trước bạ nhà, đất;

c) Ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp xã không có nhiệm vụ chi nghiên cứu khoa học và công nghệ. Ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp xã được chi cho nhiệm vụ ứng dụng, chuyển giao công nghệ;

d) Trong phân cấp nhiệm vụ chi đối với thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương phải có nhiệm vụ chi đầu tư xây dựng các trường phổ thông công lập các cấp, điện chiếu sáng, cấp thoát nước, giao thông đô thị, vệ sinh đô thị và các công trình phúc lợi công cộng khác.

2. Căn cứ nguồn thu ngân sách địa phương hưởng 100% và các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) do Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách các cấp ở địa phương. Đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, khi phân chia cho ngân sách các cấp chính quyền địa phương thì tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu không được vượt quá tỷ lệ do Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Giao Bộ Tài chính quy định cụ thể về quản lý ngân sách và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn.

Điều 18. Nguyên tắc xác định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia và số bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới

1. Tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương được xác định nhằm bảo đảm nguồn thu cho ngân sách địa phương cân đối với nhu cầu chi theo nhiệm vụ được giao. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sau khi đã được chia lại 100% các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương, mà nhiệm vụ chi theo quy định vẫn lớn hơn nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng, thì ngân sách trung ương sẽ thực hiện bổ sung cân đối cho ngân sách địa phương tương ứng với số chênh lệch thiếu giữa nguồn thu và nhiệm vụ chi.

2. Tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách ở địa phương được xác định nhằm bảo đảm nguồn thu cân đối với nhu cầu chi theo nhiệm vụ được giao. Căn cứ vào điều kiện thực tế ở địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có thể vừa phân cấp các khoản thu phân chia, vừa thực hiện bổ sung cân đối ngân sách cho các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.

3. Tỷ lệ phần trăm (%) phân chia đối với các khoản thu phân chia và số bổ sung cân đối được xác định trên cơ sở tính toán các nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách từng cấp theo các tiêu chí về dân số, điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng; chú ý tới vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và vùng có khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn; vùng có diện tích đất trồng lúa nước lớn; vùng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; vùng kinh tế trọng điểm.

4. Tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu được áp dụng chung đối với tất cả các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Đối với các khoản thu phân chia giữa các cấp chính quyền địa phương do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định cụ thể.

Điều 19. Số bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới

1. Chính phủ trình Quốc hội quyết định số bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định số bổ sung từ ngân sách cấp mình cho ngân sách cấp dưới trực tiếp.

2. Bổ sung cân đối ngân sách nhằm bảo đảm cho chính quyền cấp dưới cân đối nguồn ngân sách để thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh được giao. Các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách, căn cứ khả năng cân đối của ngân sách cấp trên, cơ quan có thẩm quyền quyết định tăng thêm số bổ sung cân đối ngân sách từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới so với năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách.

3. Bổ sung có mục tiêu nhằm hỗ trợ ngân sách cấp dưới:

a) Thực hiện các chính sách, chế độ mới đo cấp trên ban hành, nhưng chưa được bố trí hoặc bố trí chưa đủ trong dự toán ngân sách của năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách; mức hỗ trợ cụ thể được xác định trên cơ sở nhu cầu chi theo chế độ, chính sách và khả năng cân đối của ngân sách các cấp có liên quan;

b) Thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án khác của cấp trên, phần giao cho cấp dưới thực hiện; mức hỗ trợ cụ thể thực hiện theo dự toán chi được cấp có thẩm quyền giao;

c) Khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh trên diện rộng, sau khi ngân sách cấp dưới đã sử dụng dự phòng ngân sách, quỹ dự trữ tài chính theo quy định nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu;

d) Hỗ trợ thực hiện một số chương trình, dự án lớn, đặc biệt quan trọng có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Mức hỗ trợ được xác định cụ thể cho từng chương trình, dự án. Tổng mức hỗ trợ vốn đầu tư phát triển hằng năm của ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương quy định tại điểm này tối đa không vượt quá 30% tổng chi đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách trung ương.

Điều 20. Thẩm quyền của Bộ Tài chính ban hành chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách áp dụng chung cho cả nước

1. Quyết định ban hành mức chi ngân sách đối với các chế độ, tiêu chuẩn đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định nhưng chưa có mức chi cụ thể.

2. Quyết định ban hành chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách đối với các ngành, lĩnh vực sau khi thống nhất với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực; trường hợp không thống nhất, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến trước khi quyết định theo quy định tại khoản 3 Điều 26 Luật ngân sách nhà nước.

3. Quyết định ban hành chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách theo phân công của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Điều 21. Thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định định mức phân bổ và chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu ngân sách

1. Căn cứ nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách ở địa phương do Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành, khả năng ngân sách địa phương và đặc điểm tình hình ở địa phương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ ngân sách ở địa phương làm căn cứ xây dựng dự toán ngân sách ở địa phương.

2. Quyết định cụ thể đối với một số chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách theo quy định khung của Chính phủ.

3. Quyết định các chế độ chi ngân sách đối với một số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương ngoài các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa phương, ngân sách trung ương không hỗ trợ. Riêng những chế độ chi có tính chất tiền lương, tiền công, phụ cấp, trước khi quyết định phải có ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ quản lý ngành, lĩnh vực trực tiếp.

Chậm nhất 10 ngày làm việc, kể từ ngày Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định ban hành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan chế độ chi ngân sách đặc thù ở địa phương để tổng hợp và giám sát việc thực hiện.

Chương III

LẬP DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Điều 22. Thời gian hướng dẫn lập, xây dựng, tổng hợp, quyết định và giao dự toán ngân sách nhà nước

1. Trước ngày 15 tháng 5 hằng năm, Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm sau.

2. Trước ngày 01 tháng 6 hằng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

a) Ban hành thông tư hướng dẫn về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư phát triển năm sau;

b) Thông báo số kiểm tra dự toán chi đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước năm sau đến từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

c) Thông báo số kiểm tra dự toán chi đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước năm sau của từng chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu đến từng bộ, cơ quan quản lý chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu.

3. Trước ngày 01 tháng 6 hằng năm, Bộ Tài chính:

a) Ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm sau;

b) Thông báo số kiểm tra về dự toán ngân sách với tổng mức và từng khoản thu, chi ngân sách cho dự trữ quốc gia, từng lĩnh vực chi ngân sách thường xuyên năm sau đến từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở trung ương;

c) Thông báo số kiểm tra dự toán chi ngân sách thường xuyên chi tiết theo từng lĩnh vực năm sau của từng chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu đến từng bộ, cơ quan quản lý chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu;

d) Thông báo số kiểm tra dự toán tổng số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, tổng số chi ngân sách địa phương và một số lĩnh vực chi quan trọng đến từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

4. Trước ngày 15 tháng 6 hằng năm:

a) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách năm sau trong phạm vi được giao quản lý; thông báo số kiểm tra dự toán thu, chi ngân sách năm sau đến từng cơ quan, đơn vị trực thuộc;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách năm sau ở địa phương phù hợp với yêu cầu, nội dung và thời gian lập dự toán ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thông báo số kiểm tra dự toán thu, chi ngân sách năm sau đến từng cơ quan, đơn vị trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp huyện thông báo số kiểm tra dự toán thu, chi ngân sách năm sau đến từng cơ quan, đơn vị trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp xã.

5. Trước ngày 20 tháng 7 hàng năm:

a) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương lập dự toán thu, chi ngân sách, phương án phân bổ ngân sách năm sau chi tiết theo từng lĩnh vực và chi tiết tới từng cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan quản lý chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu (đối với phần chi chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu);

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập, tổng hợp dự toán ngân sách địa phương năm sau gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan quản lý chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu (phần dự toán chi chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu);

6. Trước ngày 15 tháng 8 hằng năm, các bộ, cơ quan quản lý chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu chủ trì lập dự toán chi và phương án phân bổ năm sau của chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

7. Trước ngày 31 tháng 8 hằng năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi phương án phân bổ chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương năm sau tới Bộ Tài chính để tổng hợp.

8. Bộ Tài chính chủ trì, tổng hợp và lập dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm sau báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước ngày 20 tháng 9 theo quy định tại khoản 2 Điều 44 Luật ngân sách nhà nước.

9. Trên cơ sở ý kiến thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội, Bộ Tài chính chủ trì hoàn thiện báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm hiện hành, dự toán ngân sách nhà nước, báo cáo phân bổ ngân sách trung ương năm sau trình Chính phủ để gửi đến các Đại biểu Quốc hội chậm nhất là 20 ngày, trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội cuối năm.

10. Sau khi Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương, Thủ tướng Chính phủ giao dự toán thu, chi ngân sách năm sau cho từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trước ngày 20 tháng 11 năm trước.

11. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định dự toán ngân sách địa phương, phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm sau trước ngày 10 tháng 12. Hội đồng nhân dân cấp dưới quyết định dự toán ngân sách địa phương, phân bổ ngân sách năm sau của cấp mình chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp quyết định dự toán và phân bổ ngân sách.

12. Chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày Hội đồng nhân dân quyết định dự toán ngân sách, Ủy ban nhân dân cùng cấp giao dự toán thu, chi ngân sách năm sau cho từng cơ quan, đơn vị thuộc cấp mình và cấp dưới; đồng thời, báo cáo Ủy ban nhân dân và cơ quan tài chính cấp trên trực tiếp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Tài chính về dự toán ngân sách đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

13. Trước ngày 31 tháng 12, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Ủy ban nhân dân các cấp ở địa phương phải hoàn thành việc giao dự toán ngân sách cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc và Ủy ban nhân dân cấp dưới, trừ trường hợp quy định tại Điều 27 của Nghị định này.

Điều 23. Lập dự toán ngân sách tại các đơn vị dự toán ngân sách và các tổ chức được ngân sách hỗ trợ

1. Các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư lập dự toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi nhiệm vụ được giao, gửi cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp.

2. Đối với đơn vị sử dụng ngân sách được cấp có thẩm quyền cho thực hiện quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ, thì phải lập riêng phần kinh phí này cho từng nhiệm vụ, dịch vụ và sản phẩm cụ thể. Việc lập dự toán cho từng nhiệm vụ, dịch vụ, sản phẩm phải căn cứ yêu cầu về kết quả, tiêu chuẩn kỹ thuật, thời gian hoàn thành cụ thể cho từng nhiệm vụ, dịch vụ, sản phẩm; định mức kỹ thuật kinh tế, chế độ, định mức chi tiêu theo quy định hiện hành hoặc giá trị của nhiệm vụ, dịch vụ, sản phẩm tương đương, cùng loại.

3. Cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp (trường hợp không phải là đơn vị dự toán cấp I) xem xét, tổng hợp dự toán của các đơn vị cấp dưới trực thuộc gửi đơn vị dự toán cấp I.

4. Các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ lập dự toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi nhiệm vụ được giao gửi cơ quan tài chính, cơ quan kế hoạch và đầu tư cùng cấp.

5. Các đơn vị dự toán cấp I xem xét dự toán do các đơn vị cấp dưới trực thuộc lập; tổng hợp và lập dự toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi quản lý gửi cơ quan tài chính, cơ quan kế hoạch và đầu tư cùng cấp.

6. Dự toán thu, chi ngân sách được lập phải đáp ứng đúng yêu cầu lập dự toán ngân sách nhà nước quy định tại Điều 42 Luật ngân sách nhà nước.

Điều 24. Lập dự toán ngân sách nhà nước tại các cơ quan thu ngân sách

1. Cục Thuế:

a) Lập dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý, số thuế giá trị gia tăng phải hoàn theo chế độ thuộc phạm vi quản lý gửi Tổng cục Thuế, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư;

b) Hướng dẫn cơ quan thuế trực thuộc lập dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn gửi Ủy ban nhân dân, cơ quan tài chính và cơ quan kế hoạch và đầu tư, bảo đảm yêu cầu, nội dung và thời gian lập dự toán ngân sách của địa phương.

2. Cục Hải quan lập dự toán thu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế bảo vệ môi trường hàng nhập khẩu, các khoản thu khác có liên quan đến hoạt động xuất, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý và theo địa bàn từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gửi Tổng cục Hải quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư.

3. Các cơ quan, đơn vị được cấp có thẩm quyền giao thu ngân sách nhà nước từ các khoản phí, lệ phí phải lập dự toán thu các khoản thu phí, lệ phí được giao gửi cơ quan thuế và cơ quan tài chính cùng cấp.

Điều 25. Lập dự toán ngân sách địa phương

1. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn do các cơ quan thu ngân sách lập, dự toán thu, chi ngân sách của đơn vị dự toán cấp I thuộc phạm vi quản lý và dự toán thu, chi ngân sách của cấp huyện; lập dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu, chi ngân sách địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để trình Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, cho ý kiến.

2. Sau khi có ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi báo cáo dự toán ngân sách địa phương đến Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan quản lý chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu đối với phần dự toán chi chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu.

Điều 26. Lập dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương

1. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, cơ quan liên quan, tổng hợp và lập dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương trình Chính phủ theo các tài liệu quy định tại khoản 1 Điều 47 Luật ngân sách nhà nước.

2. Theo phân công của Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ báo cáo và giải trình về lập dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội theo quy định của pháp luật.

Điều 27. Lập lại dự toán ngân sách nhà nước

1. Việc lập lại dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương; dự toán ngân sách địa phương, phương án phân bổ ngân sách địa phương theo quy định tại Điều 48 Luật ngân sách nhà nước.

2. Thời gian lập lại dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương do Quốc hội quyết định.

3. Thời gian lập lại dự toán ngân sách địa phương được thực hiện như sau:

a) Đối với dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương đã được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán ngân sách địa phương, phân bổ ngân sách cấp tỉnh trước ngày 10 tháng 12. Trường hợp Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập lại dự toán ngân sách địa phương, phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định vào thời gian do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, nhưng phải trước ngày 20 tháng 12 năm trước;

b) Việc lập lại dự toán ngân sách địa phương, phân bổ ngân sách cấp mình theo quy định tại khoản 2 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định dự toán ngân sách địa phương, phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh chậm nhất 15 ngày, kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ giao dự toán ngân sách cho địa phương;

c) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể thời gian lập lại dự toán ngân sách đối với cấp huyện và cấp xã, nhưng phải bảo đảm Hội đồng nhân dân cấp dưới quyết định dự toán ngân sách địa phương, phân bổ ngân sách cấp mình chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp quyết định dự toán và phân bổ ngân sách.

Điều 28. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc lập dự toán ngân sách, phương án phân bổ dự toán ngân sách

1. Ủy ban nhân dân các cấp:

a) Hướng dẫn, tổ chức và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, chính quyền cấp dưới lập dự toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi quản lý; phối hợp và chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan ở địa phương lập dự toán thu ngân sách nhà nước, dự kiến số thuế giá trị gia tăng phải hoàn theo chế độ quy định;

b) Lập dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu, chi ngân sách địa phương; báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân xem xét trước khi báo cáo cơ quan hành chính nhà nước cấp trên;

c) Căn cứ dự toán thu, chi ngân sách được cấp trên giao, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách cấp mình, báo cáo cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan tài chính, cơ quan kế hoạch và đầu tư cấp trên trực tiếp dự toán ngân sách địa phương và kết quả phân bổ dự toán ngân sách cấp mình đã được Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định;

d) Căn cứ vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp, giao dự toán thu, chi ngân sách cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc, dự toán thu, chi và mức bổ sung ngân sách cho cấp dưới;

đ) Lập phương án điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương và phương án phân bổ dự toán thu, chi ngân sách cấp mình, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định theo yêu cầu của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên trong trường hợp Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp không phù hợp với dự toán thu, chi ngân sách cấp trên giao;

e) Yêu cầu Hội đồng nhân dân cấp dưới điều chỉnh lại dự toán ngân sách trong trường hợp cần thiết.

2. Cơ quan tài chính các cấp:

a) Chủ trì, phối hợp với cơ quan kế hoạch và đầu tư tổ chức thảo luận về dự toán ngân sách hằng năm với các cơ quan, đơn vị cùng cấp. Đối với năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách, cơ quan tài chính chủ trì, phối hợp với cơ quan kế hoạch và đầu tư, cơ quan thuế và các cơ quan có liên quan tổ chức thảo luận với Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp để xác định dự toán thu, chi ngân sách, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách cấp trên và ngân sách cấp dưới, số bổ sung cân đối ngân sách từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới. Đối với các năm tiếp theo trong thời kỳ ổn định ngân sách, cơ quan tài chính cấp trên tổ chức thảo luận với Ủy ban nhân dân cấp dưới trực tiếp khi Ủy ban nhân dân cấp dưới đề nghị.

Trong quá trình thảo luận dự toán ngân sách, phương án phân bổ ngân sách, cơ quan tài chính có quyền yêu cầu bố trí lại những khoản thu, chi trong dự toán chưa đúng quy định của pháp luật, chưa đúng chế độ, tiêu chuẩn, chưa hợp lý, chưa tiết kiệm, chưa phù hợp với khả năng ngân sách và định hướng phát triển kinh tế - xã hội. Trường hợp còn ý kiến khác nhau giữa cơ quan tài chính với các cơ quan, đơn vị cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp dưới, thì cơ quan tài chính ở địa phương báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định; Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định;

b) Chủ trì, phối hợp với cơ quan kế hoạch và đầu tư và các cơ quan liên quan cùng cấp trong việc tổng hợp, lập dự toán ngân sách và phương án phân bổ dự toán ngân sách theo từng lĩnh vực của ngân sách cấp mình. Trong chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên phải tổng hợp, lập dự toán chi cụ thể cho các lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề, khoa học và công nghệ ở địa phương và trong phạm vi cả nước;

c) Chủ trì, phối hợp với cơ quan kế hoạch và đầu tư và các cơ quan liên quan cùng cấp trong việc tổng hợp, lập dự toán ngân sách, phương án phân bổ dự toán ngân sách của cấp mình;

d) Phối hợp với cơ quan kế hoạch và đầu tư cùng cấp trong việc lập dự toán chi đầu tư phát triển của ngân sách cấp mình;

đ) Bộ Tài chính thẩm định chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu đối với phần chi thường xuyên do các cơ quan quản lý chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu lập và tổng hợp dự toán, phương án phân bổ chi chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu do Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi, trình Chính phủ;

e) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất các phương án cân đối ngân sách và các biện pháp nhằm thực hiện chính sách tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách;

g) Bộ Tài chính kiểm tra nghị quyết về dự toán ngân sách của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, có ý kiến đề nghị điều chỉnh lại dự toán ngân sách trong trường hợp cần thiết. Cơ quan tài chính các cấp ở địa phương kiểm tra nghị quyết về dự toán ngân sách của Hội đồng nhân dân cấp dưới để đề xuất ý kiến trình Ủy ban nhân dân cùng cấp, yêu cầu Hội đồng nhân dân cấp dưới điều chỉnh lại dự toán ngân sách trong trường hợp cần thiết.

3. Cơ quan kế hoạch và đầu tư các cấp:

a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và các cân đối chủ yếu của nền kinh tế quốc dân, trong đó có cân đối tài chính, tiền tệ, vốn đầu tư phát triển làm cơ sở cho việc xây dựng dự toán ngân sách;

b) Cơ quan kế hoạch và đầu tư phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp trong việc tổng hợp, lập dự toán ngân sách cấp mình; chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp lập dự toán chi đầu tư phát triển, lập phương án phân bổ chi đầu tư xây dựng cơ bản; gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp lập dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách;

c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định dự toán và phương án phân bổ chi chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu đối với phần chi đầu tư xây dựng cơ bản do các cơ quan quản lý chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu lập; tổng hợp dự toán và phương án phân bổ chi chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu gửi Bộ Tài chính.

4. Cơ quan nhà nước trung ương và địa phương:

a) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương phối hợp với Bộ Tài chính trong việc xây dựng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách;

b) Các cơ quan nhà nước trung ương và địa phương tổ chức lập dự toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi quản lý gửi cơ quan tài chính, cơ quan kế hoạch và đầu tư cùng cấp; lập dự toán chi các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu gửi cơ quan tài chính, cơ quan kế hoạch và đầu tư và cơ quan quản lý chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu; phối hợp với cơ quan tài chính cùng cấp lập và phân bổ dự toán ngân sách theo lĩnh vực của ngân sách cấp mình;

c) Các cơ quan quản lý chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính, cơ quan kế hoạch và đầu tư lập dự toán và phương án phân bổ chi chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu cho các đơn vị, địa phương gửi cơ quan tài chính, cơ quan kế hoạch và đầu tư cùng cấp để tổng hợp vào dự toán ngân sách và phương án phân bổ dự toán ngân sách trình cấp có thẩm quyền quyết định. Trường hợp còn có ý kiến khác nhau giữa cơ quan quản lý chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu với ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thì cơ quan quản lý chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Điều 29. Quyết định, giao dự toán ngân sách nhà nước

1. Căn cứ nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách, Thủ tướng Chính phủ giao dự toán thu, chi ngân sách cho từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương theo từng lĩnh vực; dự toán thu, chi, tổng mức vay để bù đắp bội chi và để trả nợ gốc của từng địa phương, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương và mức bổ sung cân đối ngân sách, số bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho từng địa phương trước ngày 20 tháng 11 năm trước.

2. Căn cứ quyết định giao dự toán ngân sách của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán ngân sách địa phương, phương án phân bổ dự toán ngân sách cấp tỉnh, mức bổ sung từ ngân sách cấp tỉnh cho ngân sách cấp dưới và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương trước ngày 10 tháng 12 năm trước; báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự toán ngân sách địa phương và kết quả phân bổ dự toán ngân sách cấp tỉnh đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

3. Căn cứ vào Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao dự toán thu, chi ngân sách cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh; dự toán thu, chi ngân sách, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương; mức bổ sung từ ngân sách cấp tỉnh cho từng huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.

4. Sau khi nhận được quyết định giao dự toán ngân sách của Ủy ban nhân dân cấp trên, Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định dự toán ngân sách địa phương và phương án phân bổ ngân sách cấp mình, bảo đảm dự toán ngân sách cấp xã được quyết định trước ngày 31 tháng 12 năm trước. Sau khi dự toán ngân sách được Hội đồng nhân dân quyết định, Ủy ban nhân dân cùng cấp báo cáo Ủy ban nhân dân và cơ quan tài chính cấp trên trực tiếp về dự toán ngân sách đã được Hội đồng nhân dân quyết định.

Điều 30. Mẫu biểu lập dự toán ngân sách nhà nước

Giao Bộ Tài chính quy định cụ thể hệ thống mẫu biểu lập, xây dựng, tổng hợp dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương; dự toán ngân sách địa phương, phương án phân bổ ngân sách địa phương.

Chương IV

CHẤP HÀNH NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Điều 31. Phân bổ và giao dự toán ngân sách nhà nước của đơn vị dự toán

1. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân giao dự toán ngân sách, đơn vị dự toán cấp I ở trung ương và địa phương thực hiện phân bổ, giao dự toán ngân sách nhà nước cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc và cấp dưới theo đúng quy trình, yêu cầu và thời hạn quy định tại Điều 49 và Điều 50 Luật ngân sách nhà nước.

2. Dự toán giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách phải chi tiết theo từng lĩnh vực, nhiệm vụ chi. Trường hợp các nhiệm vụ chi thực hiện quản lý ngân sách theo kết quả thực hiện nhiệm vụ, thì dự toán phải chi tiết theo từng nhiệm vụ, dịch vụ, sản phẩm.

3. Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước thuộc ngân sách cấp trên ủy quyền cho cơ quan quản lý nhà nước thuộc ngân sách cấp dưới thực hiện nhiệm vụ chi của mình thì cơ quan ủy quyền thực hiện phân bổ, giao dự toán cho cơ quan được ủy quyền như đối với các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc của mình chi tiết theo từng nhiệm vụ được ủy quyền.

4. Cơ quan tài chính cùng cấp thực hiện kiểm tra dự toán đơn vị dự toán cấp I đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách chậm nhất là 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo phân bổ của đơn vị dự toán ngân sách. Trường hợp phát hiện việc phân bổ không đúng tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực, nhiệm vụ của dự toán ngân sách đã được giao; không đúng chính sách, chế độ quy định thì yêu cầu đơn vị dự toán cấp I điều chỉnh lại.

5. Giao Bộ Tài chính quy định cụ thể mẫu biểu giao dự toán cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Điều 32. Tổ chức thu ngân sách nhà nước

1. Tổ chức quản lý và thực hiện thu thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác nộp trực tiếp vào Kho bạc Nhà nước. Trường hợp được phép thu qua ủy nhiệm thu thì phải nộp đầy đủ, đúng thời hạn vào Kho bạc Nhà nước theo quy định của Bộ Tài chính.

2. Các khoản viện trợ không hoàn lại bằng tiền phải thu nộp kịp thời vào ngân sách nhà nước, trường hợp theo hiệp định hoặc thỏa thuận tài trợ có quy định giải ngân trực tiếp đến chương trình, dự án, thì định kỳ phải hạch toán đầy đủ vào ngân sách nhà nước theo quy định của Bộ Tài chính.

3. Kho bạc Nhà nước được mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và ngân hàng thương mại theo quy định tại Điều 40 Nghị định này để tập trung các khoản thu của ngân sách nhà nước; hạch toán đầy đủ, kịp thời các khoản thu vào ngân sách, điều tiết các khoản thu cho ngân sách các cấp theo đúng quy định.

4. Giao Bộ Tài chính quy định cụ thể về việc tổ chức thu và hạch toán kế toán đối với các khoản thu, viện trợ không hoàn lại vào Kho bạc Nhà nước.

Điều 33. Quản lý, hạch toán vay của ngân sách nhà nước

1. Các khoản vay của ngân sách nhà nước được quản lý, hạch toán theo dõi trên tài khoản của từng cấp ngân sách. Trường hợp có khoản vay ngoài nước theo hiệp định hoặc thỏa thuận tài trợ quy định giải ngân trực tiếp đến chương trình, dự án, thì định kỳ phải hạch toán vào ngân sách nhà nước theo quy định của Bộ Tài chính.

4. Giao Bộ Tài chính quy định chi tiết việc quản lý, hạch toán kế toán đối với các khoản vay của ngân sách nhà nước.

Điều 34. Tổ chức chi ngân sách nhà nước

1. Cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát và thanh toán đầy đủ, kịp thời theo tiến độ thực hiện các nhiệm vụ chi đã bố trí trong dự toán. Thủ trưởng cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước có quyền từ chối các khoản chi không đủ điều kiện chi theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật ngân sách nhà nước, chịu trách nhiệm về quyết định của mình theo quy định của pháp luật và phải thông báo kịp thời cho cơ quan, tổ chức, đơn vị biết. Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị bị từ chối chi không thống nhất với quyết định của cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước, thì cơ quan, tổ chức, đơn vị có quyền báo cáo với cơ quan giao dự toán trực tiếp và cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước cấp trên để xem xét xử lý.

2. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị dự toán ngân sách không chấp hành đầy đủ kịp thời chế độ báo cáo kế toán, quyết toán, báo cáo tài chính khác theo quy định, cơ quan tài chính có quyền yêu cầu Kho bạc Nhà nước tạm đình chỉ chi ngân sách, trừ các khoản chi lương, phụ cấp, trợ cấp xã hội, học bổng và một số khoản chi cấp thiết theo quy định của Bộ Tài chính và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Khi quyết định tạm đình chỉ chi ngân sách, cơ quan tài chính đồng thời thông báo cho cơ quan quản lý cấp trên của các cơ quan, tổ chức, đơn vị bị tạm đình chỉ chi biết.

3. Việc tạm ứng vốn, kinh phí thực hiện theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 56 Luật ngân sách nhà nước và phải thu hồi tạm ứng ngay khi có đủ điều kiện chi theo quy định.

4. Các nhiệm vụ chi có tính chất thường xuyên phải chia đều trong năm để chi; các nhiệm vụ chi đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, sửa chữa lớn và các khoản chi không thường xuyên khác được đảm bảo nguồn thanh toán theo tiến độ thực hiện và trong phạm vi dự toán được giao.

5. Chi ngân sách nhà nước thực hiện theo nguyên tắc thanh toán trực tiếp từ Kho bạc Nhà nước cho người hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và người cung cấp hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp một số khoản chi chưa có đủ điều kiện thực hiện việc thanh toán trực tiếp từ Kho bạc Nhà nước, đơn vị sử dụng ngân sách được tạm ứng kinh phí để chủ động chi theo dự toán được giao, sau đó đơn vị thanh toán với Kho bạc Nhà nước theo đúng quy định của Bộ Tài chính.

Riêng đối với các khoản chi từ nguồn vốn vay ngoài nước của Chính phủ, viện trợ không hoàn lại theo hiệp định hoặc thỏa thuận tài trợ có quy định giải ngân qua ngân hàng phục vụ để chuyển tiền trực tiếp cho chương trình, dự án, thì phải thực hiện kiểm soát chi theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và định kỳ phải hạch toán vào ngân sách nhà nước theo quy định tại khoản 2 Điều 32khoản 1 Điều 33 của Nghị định này.

6. Đối với các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản:

a) Căn cứ vào dự toán công trình, hạng mục công trình được cấp có thẩm quyền quyết định và dự toán ngân sách được giao, giá trị khối lượng đã thực hiện và điều kiện chi ngân sách, chủ đầu tư lập hồ sơ gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch đề nghị thanh toán nếu đã đủ điều kiện chi theo quy định tại khoản 2 Điều 12 hoặc đề nghị tạm ứng vốn theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật ngân sách nhà nước;

b) Kho bạc Nhà nước kiểm tra số dư dự toán và tính hợp pháp của hồ sơ, tài liệu của chủ đầu tư gửi đến và các điều kiện chi theo quy định tại khoản 2 Điều 12 hoặc đề nghị tạm ứng vốn theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật ngân sách nhà nước thực hiện xuất quỹ và hạch toán chi ngân sách theo quy định.

7. Đối với các khoản chi thực hiện quản lý theo kết quả thực hiện nhiệm vụ được thực hiện như sau:

a) Căn cứ vào dự toán được giao, hợp đồng, thỏa thuận đã ký kết, tiến độ, khối lượng, chất lượng triển khai thực hiện nhiệm vụ, dịch vụ, sản phẩm, thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách quyết định chi và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, gửi hồ sơ đề nghị Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch thanh toán hoặc tạm ứng theo chế độ quy định;

b) Kho bạc Nhà nước kiểm tra số dư dự toán và tính hợp pháp của hồ sơ đề nghị của đơn vị gửi, thực hiện xuất quỹ và hạch toán chi hoặc tạm ứng ngân sách theo quy định.

8. Đối với các khoản chi thường xuyên:

a) Căn cứ điều kiện chi ngân sách và tiến độ triển khai công việc, thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách quyết định chi, gửi hồ sơ đề nghị Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch thanh toán hoặc tạm ứng theo chế độ quy định;

b) Kho bạc Nhà nước kiểm tra số dư dự toán, tính hợp pháp của hồ sơ do đơn vị gửi đến và các điều kiện chi theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Luật ngân sách nhà nước, thực hiện xuất quỹ và hạch toán chi hoặc tạm ứng ngân sách theo quy định.

9. Đối với chi bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới, thực hiện rút dự toán tại Kho bạc Nhà nước.

10. Đối với chi kinh phí ủy quyền:

a) Việc thanh toán các khoản kinh phí ủy quyền của đơn vị nhận ủy quyền áp dụng theo quy định tại khoản 6, 7 và khoản 8 Điều này;

b) Kho bạc Nhà nước và đơn vị được ủy quyền thực hiện kế toán, báo cáo riêng các khoản chi về kinh phí ủy quyền.

11. Đối với chi trả nợ lãi, phí và chi phí phát sinh khác từ các khoản vay của ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định tại Điều 35 của Nghị định này.

12. Giao Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn quy trình, thủ tục, hạch toán kế toán, kiểm soát chi ngân sách đối với các nhiệm vụ chi thường xuyên, chi đầu tư xây dựng cơ bản, chi trả nợ, chi hỗ trợ doanh nghiệp và các nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù khác của ngân sách nhà nước, chi bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới.

Điều 35. Quản lý, hạch toán, chi trả nợ vay của ngân sách nhà nước

1. Nợ lãi, phí và chi phí phát sinh khác từ các khoản vay được chi trả theo thực tế phát sinh và trong phạm vi dự toán.

2. Nợ gốc các khoản vay đến hạn được chi trả đúng hạn phải trả theo cam kết quy định, hợp đồng đã ký và trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định tại khoản 1 Điều 5 của Nghị định này.

3. Hạch toán các khoản chi trả nợ:

a) Các khoản chi trả nợ lãi, phí và chi phí phát sinh khác từ các khoản vay được hạch toán vào chi ngân sách nhà nước;

b) Các khoản chi trả nợ gốc được hạch toán giảm số dư nợ của ngân sách nhà nước, không hạch toán vào chi ngân sách nhà nước;

c) Giao Bộ Tài chính quy định chi tiết hạch toán chi trả nợ gốc; chi trả nợ lãi, phí và các chi phí phát sinh khác từ các khoản vay của ngân sách nhà nước.

Điều 36. Tổ chức điều hành ngân sách nhà nước

1. Cơ quan tài chính có trách nhiệm bảo đảm nguồn để thanh toán kịp thời các khoản chi theo dự toán. Trường hợp quỹ ngân sách thiếu hụt tạm thời được xử lý như sau:

a) Xử lý thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách trung ương: Bộ Tài chính tạm ứng quỹ dự trữ tài chính của trung ương và các nguồn tài chính hợp pháp khác, bao gồm cả phát hành tín phiếu Kho bạc Nhà nước và phải hoàn trả trong năm ngân sách. Trường hợp sau khi tạm ứng quỹ dự trữ tài chính của trung ương và các nguồn tài chính hợp pháp khác, bao gồm cả phát hành tín phiếu Kho bạc Nhà nước, mà vẫn còn thiếu nguồn, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm ứng từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định tại khoản 1 Điều 58 Luật ngân sách nhà nước;

b) Xử lý thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách cấp tỉnh: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh và các nguồn tài chính hợp pháp khác và phải hoàn trả trong năm ngân sách. Trường hợp sau khi tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh và các nguồn tài chính hợp pháp khác mà vẫn thiếu nguồn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Tài chính để tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính của trung ương hoặc tạm ứng ngân sách trung ương và phải hoàn trả trong năm ngân sách;

c) Xử lý thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách cấp huyện: Trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh, các nguồn tài chính hợp pháp khác hoặc tạm ứng ngân sách cấp tỉnh và thực hiện hoàn trả trong năm ngân sách;

d) Xử lý thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách cấp xã: Trên cơ sở đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định tạm ứng từ ngân sách cấp huyện cho ngân sách cấp xã và phải hoàn trả trong năm ngân sách. Trường hợp, ngân sách cấp huyện không đáp ứng được, Ủy ban nhân dân huyện đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh hoặc tạm ứng ngân sách cấp trên và phải hoàn trả trong năm ngân sách.

2. Trong quá trình chấp hành ngân sách nhà nước, trường hợp dự kiến số thu không đạt dự toán được Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm một số khoản chi và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; Ủy ban nhân dân trình Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định điều chỉnh giảm một số khoản chi và báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất theo quy định tại điểm a khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều 52 Luật ngân sách nhà nước.

3. Việc điều chỉnh dự toán đã giao cho các đơn vị sử dụng ngân sách được thực hiện theo quy định tại Điều 53 Luật ngân sách nhà nước.

4. Trường hợp chi đầu tư các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi từ nhà tài trợ chưa được dự toán hoặc vượt so với dự toán được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, trình Chính phủ báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

5. Việc sử dụng quỹ dự trữ tài chính để đáp ứng các nhu cầu chi của ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 11 Luật ngân sách nhà nướcĐiều 8 của Nghị định này.

6. Kết thúc năm ngân sách, trường hợp có tăng thu và tiết kiệm chi ngân sách, Bộ Tài chính trình Chính phủ để báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, cơ quan tài chính địa phương trình Ủy ban nhân dân để báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định số bổ sung dự toán số tăng thu ngân sách; phân bổ, sử dụng tăng thu, số tiết kiệm chi ngân sách theo quy định khoản 2 Điều 59 Luật ngân sách nhà nước.

7. Việc thưởng vượt dự toán các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 59 Luật ngân sách nhà nước và bảo đảm các nguyên tắc sau:

a) Tổng thu ngân sách trung ương tăng so với dự toán Quốc hội quyết định;

b) Tỷ lệ thưởng không quá 30% của số tăng thu phần ngân sách trung ương được hưởng, nhưng không vượt quá số tăng thu so với mức thực hiện năm trước. Căn cứ xét thưởng cho từng địa phương là tổng các khoản thu phân chia trên địa bàn địa phương, không tính riêng từng khoản thu.

8. Căn cứ vào mức thưởng do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định sử dụng số thưởng vượt thu được hưởng để đầu tư xây dựng các chương trình, dự án kết cấu hạ tầng, thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, thưởng cho ngân sách cấp dưới.

Điều 37. Nguyên tắc, tiêu chí, điều kiện và thẩm quyền quyết định ứng trước dự toán năm sau

1. Nguyên tắc ứng trước dự toán năm sau:

a) Khi phân bổ dự toán năm sau, cơ quan có thẩm quyền giao dự toán phải bố trí đủ để thu hồi số vốn đã được ứng trước; trường hợp không bố trí hoặc bố trí không đủ để thu hồi hết số ngân sách đã ứng trước, thì cơ quan, đơn vị đó sẽ không được ứng tiếp dự toán năm sau;

b) Mức ứng trước dự toán ngân sách năm sau tối đa không vượt quá 20% dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản năm thực hiện của các dự án, công trình xây dựng cơ bản thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

2. Tiêu chí ứng trước dự toán năm sau:

a) Các dự án quan trọng quốc gia;

b) Các dự án, công trình xây dựng cơ bản cấp bách của trung ương và địa phương.

3. Điều kiện được ứng trước dự toán ngân sách năm sau:

a) Phải đảm bảo cân đối được quỹ ngân sách của từng cấp;

b) Dự án, công trình xây dựng cơ bản phải có đủ điều kiện thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công và xây dựng, thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cần đẩy nhanh tiến độ;

c) Không còn số dư ứng trước dự toán ngân sách;

d) Chủ đầu tư dự án, công trình xây dựng cơ bản được ứng trước dự toán năm sau phải có hồ sơ, báo cáo thuyết minh về sự cần thiết phải ứng trước dự toán.

4. Thẩm quyền quyết định ứng trước dự toán ngân sách năm sau:

a) Theo phân công của Chính phủ và trên cơ sở đề nghị của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì trình Chính phủ quyết định ứng trước dự toán ngân sách trung ương năm sau; định kỳ 6 tháng báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định ứng trước dự toán ngân sách năm sau của cấp mình; định kỳ 6 tháng báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân, báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất.

Điều 38. Quản lý, sử dụng ngân sách của các đơn vị sử dụng ngân sách

1. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan khác ở trung ương và địa phương hướng dẫn, kiểm tra, theo dõi việc thực hiện ngân sách thuộc ngành, lĩnh vực do cơ quan quản lý và của các đơn vị trực thuộc; định kỳ báo cáo tình hình thực hiện thu, chi ngân sách và các báo cáo tài chính khác theo quy định của pháp luật.

2. Thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng ngân sách theo dự toán được giao bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách; định kỳ, báo cáo đánh giá kết quả thực hiện dự toán ngân sách được giao cho cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp.

3. Người phụ trách công tác tài chính, kế toán tại đơn vị sử dụng ngân sách có nhiệm vụ thực hiện đúng chế độ quản lý tài chính - ngân sách, chế độ kế toán nhà nước, chế độ kiểm tra nội bộ và có trách nhiệm ngăn ngừa, phát hiện và kiến nghị thủ trưởng đơn vị, cơ quan tài chính cùng cấp xử lý đối với những trường hợp vi phạm.

4. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, tổ chức và người phụ trách công tác tài chính, kế toán tại đơn vị sử dụng ngân sách quy định tại khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong lĩnh vực tài chính - ngân sách và chịu trách nhiệm về những sai phạm thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.

Điều 39. Mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước

1. Các đơn vị sử dụng ngân sách và các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ thường xuyên phải mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước, chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước trong quá trình thanh toán, sử dụng kinh phí. Trường hợp đơn vị sử dụng ngân sách, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ thường xuyên được phép mở tài khoản tại ngân hàng để tập trung một số khoản thu thì phải quản lý và sử dụng theo đúng quy định của pháp luật.

2. Giao Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn về việc mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.

Điều 40. Mở tài khoản của Kho bạc Nhà nước tại ngân hàng

1. Kho bạc Nhà nước mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và ngân hàng thương mại để tập trung các khoản thu, thanh toán, chi trả các khoản chi của ngân sách nhà nước.

2. Ngân hàng nơi Kho bạc Nhà nước mở tài khoản có trách nhiệm đảm bảo thanh toán, điều hòa tiền mặt, ngoại tệ cho Kho bạc Nhà nước đầy đủ, kịp thời theo nhiệm vụ thu, chi của ngân sách nhà nước.

3. Tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại ngân hàng được ngân hàng trả lãi như đối với các đơn vị, tổ chức kinh tế; các khoản thanh toán của Kho bạc Nhà nước qua ngân hàng phải trả phí thanh toán cho ngân hàng theo quy định của pháp luật.

Điều 41. Báo cáo tình hình chấp hành ngân sách nhà nước

1. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện báo cáo về tình hình chấp hành ngân sách nhà nước theo quy định tại Điều 60 Luật ngân sách nhà nước.

2. Mẫu biểu và thời hạn báo cáo áp dụng đối với các báo cáo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và khoản 7 Điều 60 Luật ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

3. Mẫu biểu và thời hạn báo cáo áp dụng đối với các báo cáo quy định tại khoản 8 Điều 60 Luật ngân sách nhà nước thực hiện theo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc ban hành quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.

Chương V

KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN VÀ QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Điều 42. Khóa sổ kế toán và xử lý thu, chi ngân sách nhà nước cuối năm

1. Kết thúc năm ngân sách, các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan đến thu, chi ngân sách thực hiện khóa sổ kế toán và lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước theo các nội dung dự toán được giao và theo Mục lục ngân sách nhà nước. Giao Bộ Tài chính quy định hệ thống mục lục ngân sách nhà nước.

2. Việc khóa sổ kế toán phải bảo đảm thực hiện theo các yêu cầu sau:

a) Các khoản thu thuộc ngân sách các năm trước, nhưng nộp từ ngày 01 tháng 01 năm sau thì phải hạch toán và quyết toán vào thu ngân sách năm sau, trừ các khoản thu quy định tại khoản 4 Điều này;

b) Hết thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách, các khoản dự toán chi, bao gồm cả các khoản bổ sung trong năm, chưa thực hiện hoặc chưa chi hết phải hủy bỏ, trừ các trường hợp được chuyển nguồn sang năm sau để tiếp tục thực hiện theo quy định tại Điều 43 của Nghị định này;

c) Các khoản đã tạm ứng trong dự toán được thanh toán đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán; nếu hết thời gian chỉnh lý quyết toán mà vẫn chưa đủ thủ tục thanh toán thì xử lý như sau:

Trường hợp được chuyển nguồn sang năm sau theo quy định tại Điều 43 của Nghị định này, thì chuyển sang năm sau thực hiện;

Trường hợp không được chuyển sang năm sau, thì đơn vị nộp lại ngân sách nhà nước trước ngày 15 tháng 02 năm sau. Sau thời hạn này, đơn vị chưa nộp, Kho bạc Nhà nước thực hiện thu hồi số tạm ứng bằng cách trừ lĩnh vực chi tương ứng thuộc dự toán ngân sách năm sau của đơn vị, nếu dự toán năm sau không bố trí lĩnh vực chi đó hoặc có bố trí nhưng ít hơn số phải thu hồi, Kho bạc Nhà nước thông báo cho cơ quan tài chính cùng cấp để xử lý;

d) Các khoản tạm thu, tạm giữ thực hiện xử lý theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Trường hợp đến hết ngày 31 tháng 12 số dư trên tài khoản tạm thu, tạm giữ mà chưa được cấp có thẩm quyền quyết định xử lý, được chuyển sang năm sau để theo dõi và xử lý tiếp theo quy định của pháp luật;

đ) Đối với các loại vật tư, hàng hóa tồn kho tại các đơn vị dự toán đến cuối ngày 31 tháng 12 thực hiện kiểm kê theo quy định hiện hành và xử lý như sau: Giá trị đã mua hàng hóa, vật tư tồn kho được quyết toán vào chi ngân sách năm trước theo quy định. Trường hợp sử dụng tiếp cho năm sau, đơn vị tổ chức theo dõi chặt chẽ, sử dụng và có báo cáo riêng. Trường hợp không còn sử dụng tiếp cho năm sau, đơn vị thành lập hội đồng thanh lý bán, nộp tiền vào ngân sách nhà nước; đối với đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng theo quy định của pháp luật;

e) Số dư tài khoản tiền gửi các khoản ngân sách cấp của đơn vị dự toán mở tại Kho bạc Nhà nước đến cuối ngày 31 tháng 12 được tiếp tục thanh toán theo quy định trong thời gian chỉnh lý quyết toán. Đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán mà vẫn còn dư, thì phải nộp trả ngân sách nhà nước; trừ trường hợp được chuyển nguồn sang năm sau theo quy định tại Điều 43 của Nghị định này. Số dư trên tài khoản tiền gửi không thuộc ngân sách nhà nước cấp, được chuyển sang năm sau sử dụng theo quy định của pháp luật.

3. Thời gian chỉnh lý quyết toán ngân sách nhà nước kết thúc vào ngày 31 tháng 01 năm sau.

4. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức và các cấp ngân sách trong thời gian chỉnh lý quyết toán thực hiện các nội dung sau:

a) Hạch toán tiếp các khoản thu, chi ngân sách phát sinh từ ngày 31 tháng 12 trở về trước nhưng chứng từ đang luân chuyển;

b) Hạch toán chi ngân sách các khoản tạm ứng đã đủ điều kiện chi, các khoản thanh toán cho công việc, khối lượng đã được thực hiện từ ngày 31 tháng 12 trở về trước được giao trong dự toán ngân sách;

c) Điều chỉnh các sai sót trong quá trình hạch toán kế toán.

Điều 43. Chuyển nguồn ngân sách từ năm trước sang năm sau

1. Các khoản dự toán chưa thực hiện hoặc chưa chi hết, các khoản đã tạm ứng trong dự toán, số dư tài khoản tiền gửi đến hết thời gian chỉnh lý quyết toán chưa thực hiện được hoặc chưa sử dụng hết, được chuyển sang năm sau tiếp tục sử dụng gồm:

a) Chi đầu tư phát triển thực hiện chuyển sang năm sau theo quy định của Luật Đầu tư công. Trường hợp đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định về việc cho phép chuyển nguồn sang năm sau nữa, nhưng không quá thời hạn giải ngân của dự án nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn;

b) Chi mua sắm trang thiết bị đã đầy đủ hồ sơ, hợp đồng mua sắm trang thiết bị ký trước ngày 31 tháng 12 năm thực hiện dự toán; chi mua tăng, mua bù hàng dự trữ quốc gia;

c) Nguồn thực hiện chính sách tiền lương, phụ cấp, trợ cấp và các khoản tính theo tiền lương cơ sở, bảo trợ xã hội;

d) Kinh phí được giao tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập và các cơ quan nhà nước; các khoản viện trợ không hoàn lại đã xác định cụ thể nhiệm vụ chi;

đ) Các khoản dự toán được cấp có thẩm quyền bổ sung sau ngày 30 tháng 9 năm thực hiện dự toán, không bao gồm các khoản bổ sung do các đơn vị dự toán cấp trên điều chỉnh dự toán đã giao của các đơn vị dự toán trực thuộc;

e) Kinh phí nghiên cứu khoa học bố trí cho các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học được cấp có thẩm quyền quyết định đang trong thời gian thực hiện.

2. Các khoản tăng thu, tiết kiệm chi được sử dụng theo quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật Ngân sách nhà nước được cấp có thẩm quyền quyết định cho phép sử dụng vào năm sau.

Điều 44. Yêu cầu, trình tự báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước

1. Việc lập quyết toán ngân sách nhà nước phải bảo đảm các yêu cầu quy định tại Điều 65 Luật ngân sách nhà nước.

2. Đối với đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả thực hiện nhiệm vụ được quyết toán theo số ngân sách nhà nước đã thực chi thực hiện nhiệm vụ.

3. Trình tự lập, xét duyệt, thẩm định quyết toán ngân sách của các đơn vị dự toán ngân sách:

a) Đơn vị sử dụng ngân sách lập báo cáo quyết toán ngân sách theo chế độ quy định và gửi đơn vị dự toán cấp trên trực tiếp. Trường hợp cơ quan cấp dưới nhận kinh phí ủy quyền của cơ quan cấp trên, thì báo cáo quyết toán phần kinh phí ủy quyền với cơ quan cấp trên đã ủy quyền;

b) Đơn vị dự toán cấp trên trực tiếp xét duyệt quyết toán ngân sách của đơn vị trực thuộc và thông báo kết quả xét duyệt gửi đơn vị được xét duyệt; tổng hợp, lập báo cáo quyết toán ngân sách thuộc phạm vi được giao quản lý, gửi đơn vị dự toán cấp trên trực tiếp;

c) Đơn vị dự toán cấp I xét duyệt quyết toán ngân sách của đơn vị trực thuộc và thông báo kết quả xét duyệt gửi đơn vị được xét duyệt; tổng hợp, lập báo cáo quyết toán ngân sách thuộc phạm vi được giao quản lý, gửi cơ quan tài chính cùng cấp;

d) Cơ quan tài chính thẩm định quyết toán ngân sách của các đơn vị dự toán cấp I thuộc cấp mình, thông báo thẩm định quyết toán ngân sách gửi đơn vị được thẩm định. Trường hợp đơn vị dự toán cấp I đồng thời là đơn vị sử dụng ngân sách, cơ quan tài chính xét duyệt quyết toán và thông báo kết quả xét duyệt quyết toán cho đơn vị được xét duyệt.

4. Trình tự lập, thẩm định quyết toán ngân sách đối với các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản, dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học và chương trình mục tiêu quốc gia:

a) Kết thúc năm ngân sách, chủ đầu tư các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản, dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học phải báo cáo quyết toán nguồn vốn sử dụng, quyết toán nguồn vốn ngân sách, tình hình sử dụng vốn, giá trị khối lượng, công việc hoàn thành đã được quyết toán trong năm, gửi cơ quan cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản, cơ quan cấp trên của chủ đầu tư và cơ quan tài chính cùng cấp. Khi chương trình, dự án xây dựng cơ bản, dự án quan trọng quốc gia hoàn thành phải lập báo cáo quyết toán toàn bộ nguồn vốn, quyết toán nguồn vốn ngân sách kèm theo báo cáo thuyết minh tình hình sử dụng vốn gửi cơ quan cấp phát vốn đầu tư xây dựng cơ bản và cơ quan có thẩm quyền xét duyệt báo cáo quyết toán các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản, dự án quan trọng quốc gia, chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học;

b) Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao dự toán chi chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện quyết toán phần dự toán ngân sách được giao theo quy định, đồng thời báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp để tổng hợp báo cáo cơ quan quản lý chương trình mục tiêu quốc gia;

c) Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, ngoài các quy định tại điểm a và điểm b khoản này, cơ quan trực tiếp quản lý chương trình, dự án còn phải lập báo cáo quyết toán trình Chính phủ xem xét để trình Quốc hội.

5. Trình tự quyết toán ngân sách cấp xã:

a) Ủy ban nhân dân cấp xã lập quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn được giao và quyết toán thu, chi ngân sách cấp xã gửi Ban kinh tế - xã hội của Hội đồng nhân dân cấp xã để thẩm tra, đồng thời gửi cơ quan tài chính cấp huyện;

b) Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã quyết toán ngân sách để cho ý kiến. Sau khi có ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã trình Hội đồng nhân dân cấp xã xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách;

c) Chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày báo cáo quyết toán ngân sách xã được phê chuẩn, Ủy ban nhân dân cấp xã gửi báo cáo quyết toán ngân sách xã cho Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ quan tài chính cấp huyện.

6. Trình tự quyết toán ngân sách huyện:

a) Cơ quan tài chính cấp huyện thẩm định quyết toán thu, chi ngân sách xã đã được Hội đồng nhân dân cấp xã phê chuẩn; thẩm định, xét duyệt quyết toán ngân sách các đơn vị dự toán cấp I thuộc cấp mình; tổng hợp, lập báo cáo quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn huyện được giao và quyết toán thu, chi ngân sách huyện trình Ủy ban nhân dân cấp huyện để gửi Ban kinh tế - xã hội của Hội đồng nhân dân cấp huyện để thẩm tra, đồng thời gửi Sở Tài chính;

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện quyết toán ngân sách để cho ý kiến. Sau khi có ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp huyện trình Hội đồng nhân dân cấp huyện xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách;

c) Chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày báo cáo quyết toán được phê chuẩn, Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi báo cáo quyết toán ngân sách huyện cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Tài chính.

7. Trình tự quyết toán ngân sách tỉnh:

a) Sở Tài chính thẩm định quyết toán ngân sách huyện đã được Hội đồng nhân dân cấp huyện phê chuẩn; thẩm định, xét duyệt quyết toán ngân sách các đơn vị dự toán cấp I thuộc cấp mình; tổng hợp, lập báo cáo quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh và quyết toán thu, chi ngân sách địa phương trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để gửi Ban kinh tế - ngân sách của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh để thẩm tra, đồng thời gửi Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết toán ngân sách để cho ý kiến. Sau khi có ý kiến của Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê chuẩn quyết toán ngân sách;

c) Chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày báo cáo quyết toán được phê chuẩn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi báo cáo quyết toán ngân sách cho Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước.

8. Trình tự quyết toán ngân sách nhà nước:

a) Các đơn vị dự toán cấp I thuộc ngân sách trung ương lập báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi quản lý gửi về Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước trước ngày 01 tháng 10 năm sau;

b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi Bộ Tài chính, Kiểm toán nhà nước báo cáo quyết toán ngân sách địa phương trước ngày 01 tháng 10 năm sau;

c) Bộ Tài chính thẩm định, xét duyệt báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách của các đơn vị dự toán cấp I thuộc ngân sách trung ương;

d) Căn cứ kết quả thẩm định, xét duyệt báo cáo quyết toán của các đơn vị dự toán cấp I thuộc ngân sách trung ương và quyết toán ngân sách địa phương đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê chuẩn, Bộ Tài chính tổng hợp, lập báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước trình Chính phủ và gửi Kiểm toán nhà nước chậm nhất là 14 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách;

đ) Trình tự, thủ tục thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội đối với quyết toán ngân sách nhà nước thực hiện theo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc ban hành quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước;

e) Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước chậm nhất là 18 tháng sau khi kết thúc năm ngân sách.

Điều 45. Mẫu biểu báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước

1. Mẫu biểu báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước Chính phủ trình Quốc hội thực hiện theo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc ban hành quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.

2. Giao Bộ Tài chính quy định chi tiết mẫu biểu báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước.

Chương VI

CÔNG KHAI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC, GIÁM SÁT CỦA CỘNG ĐỒNG VỀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Điều 46. Đối tượng và phạm vi thực hiện công khai ngân sách

1. Đối tượng phải thực hiện công khai ngân sách, gồm:

a) Các cấp ngân sách nhà nước;

b) Đơn vị dự toán ngân sách;

c) Tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ;

d) Chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

2. Đối tượng phải công khai thủ tục ngân sách nhà nước gồm: Cơ quan thu, cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước.

Điều 47. Nội dung công khai ngân sách nhà nước

1. Nội dung công khai ngân sách nhà nước và ngân sách trung ương:

a) Công khai số liệu, thuyết minh dự toán ngân sách nhà nước trình Quốc hội, dự toán ngân sách nhà nước được Quốc hội quyết định; quyết toán ngân sách nhà nước được Quốc hội phê chuẩn; gồm:

Cân đối thu, chi ngân sách nhà nước;

Thu ngân sách nhà nước theo lĩnh vực và theo từng loại thuế;

Chi ngân sách nhà nước, trong đó chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi trả nợ lãi, chi viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách;

Bội chi ngân sách nhà nước; tổng mức vay của ngân sách nhà nước, bao gồm vay bù đắp bội chi và vay để trả nợ gốc của ngân sách nhà nước;

Chi ngân sách trung ương theo từng lĩnh vực; tổng số và chi tiết theo từng lĩnh vực chi ngân sách trung ương cho từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương; chi ngân sách trung ương cho các chương trình mục tiêu quốc gia;

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa phương, số bổ sung cân đối ngân sách, bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

b) Công khai số liệu, thuyết minh tình hình thực hiện dự toán thu, chi ngân sách nhà nước, bao gồm cân đối thu, chi ngân sách nhà nước, thu ngân sách nhà nước theo từng lĩnh vực, chi ngân sách nhà nước chi tiết theo chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên.

2. Nội dung công khai ngân sách các cấp ở địa phương:

a) Công khai số liệu, thuyết minh dự toán ngân sách địa phương trình Hội đồng nhân dân, dự toán ngân sách địa phương được Hội đồng nhân dân quyết định; quyết toán ngân sách được Hội đồng nhân dân phê chuẩn; gồm:

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn theo từng lĩnh vực và theo từng loại thuế;

Cân đối thu, chi ngân sách địa phương;

Thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp;

Chi ngân sách địa phương, trong đó chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên; chi trả nợ lãi và chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính đối với ngân sách cấp tỉnh, dự phòng ngân sách;

Chi ngân sách cấp mình theo từng lĩnh vực; tổng số và chi tiết theo từng lĩnh vực chi ngân sách cấp mình cho từng cơ quan, đơn vị thuộc cấp mình; chi xây dựng cơ bản từ ngân sách cấp mình cho từng dự án, công trình; chi cho các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia;

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn từng địa phương cấp dưới, chi ngân sách cấp dưới, số bổ sung cân đối và bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp mình cho từng ngân sách cấp dưới;

Tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương cho từng cấp ngân sách cho các năm trong thời kỳ ổn định ngân sách;

b) Công khai số liệu, thuyết minh tình hình thực hiện dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, dự toán thu ngân sách địa phương, dự toán chi ngân sách địa phương.

3. Đối với số liệu chi tiết, báo cáo thuyết minh ngân sách của lĩnh vực quốc phòng, an ninh, dự trữ quốc gia thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 15 Luật ngân sách nhà nước.

4. Nội dung công khai thủ tục ngân sách nhà nước thực hiện theo điểm b khoản 2 Điều 15 Luật ngân sách nhà nước.

Điều 48. Nội dung công khai ngân sách đối với đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí, các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn ngân sách nhà nước

1. Đối với đơn vị dự toán ngân sách:

a) Dự toán thu, chi ngân sách đã được cấp có thẩm quyền giao, tình hình thực hiện dự toán ngân sách và quyết toán ngân sách đã được cấp có thẩm quyền duyệt;

b) Dự toán thu, chi ngân sách đã giao cho các đơn vị dự toán cấp dưới; công bố công khai quyết toán ngân sách đã duyệt hoặc thẩm định cho các đơn vị dự toán cấp dưới.

2. Các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ thực hiện công khai số liệu dự toán thu, chi ngân sách được cấp có thẩm quyền giao, tình hình thực hiện và quyết toán thu, chi tài chính, các khoản đóng góp của tổ chức và cá nhân; cơ sở xác định mức hỗ trợ và số tiền ngân sách nhà nước hỗ trợ cho đơn vị.

3. Công khai ngân sách đối với các chương trình, dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật có liên quan.

Điều 49. Thời điểm công khai ngân sách

1. Báo cáo dự toán ngân sách nhà nước phải được công khai chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày Chính phủ gửi đến các đại biểu Quốc hội, Ủy ban nhân dân gửi đại biểu Hội đồng nhân dân.

2. Báo cáo dự toán ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền quyết định, báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước đã được cấp có thẩm quyền phê chuẩn, phải được công khai chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày văn bản được ban hành.

3. Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước hằng quý, 06 tháng phải được công khai chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày kết thúc quý và 06 tháng.

4. Báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước hằng năm được công khai khi Chính phủ, Ủy ban nhân dân trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

5. Công khai dự toán các đơn vị dự toán ngân sách và các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày được cấp có thẩm quyền giao; công khai tình hình thực hiện ngân sách cả năm của các đơn vị dự toán ngân sách chậm nhất là 05 ngày làm việc, kể từ ngày đơn vị báo cáo đơn vị dự toán ngân sách cấp trên trực tiếp; công khai quyết toán ngân sách của các đơn vị dự toán ngân sách chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày được cấp có thẩm quyền phê duyệt, thẩm định.

6. Công khai thủ tục ngân sách nhà nước chậm nhất 05 ngày làm việc, kể từ ngày cấp có thẩm quyền ban hành quy định.

Điều 50. Công khai kết quả thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước

1. Nội dung công khai:

a) Công khai kết quả những nội dung đã được thực hiện theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước;

b) Công khai những nội dung còn chưa thực hiện theo các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước và giải trình, thuyết minh lý do chưa thực hiện.

2. Công khai kết quả thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày văn bản được ban hành.

Điều 51. Hình thức, chỉ tiêu và mẫu biểu công khai ngân sách

1. Việc công khai ngân sách nhà nước được thực hiện bằng một hoặc một số hình thức: công bố tại kỳ họp, niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát hành ấn phẩm; thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; đưa lên cổng thông tin điện tử; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đối với tổ chức, cơ quan, đơn vị có cổng thông tin điện tử thì phải thực hiện công khai ngân sách qua Cổng thông tin điện tử của tổ chức, cơ quan, đơn vị mình.

2. Bộ Tài chính quy định cụ thể về chỉ tiêu, mẫu biểu và hình thức công khai ngân sách đối với các đối tượng thực hiện công khai ngân sách.

Điều 52. Giám sát ngân sách của cộng đồng

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp chủ trì, phối hợp với các thành viên của Mặt trận tổ chức việc giám sát ngân sách nhà nước của cộng đồng.

2. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trực tiếp hoặc thông qua các thành viên của Mặt trận có trách nhiệm tiếp nhận thông tin, đề nghị giám sát; chủ trì xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện giám sát ngân sách nhà nước theo kế hoạch và quy định của pháp luật.

3. Nội dung giám sát thực hiện theo quy định tại điểm a, b và điểm c khoản 1 Điều 16 Luật ngân sách nhà nước.

4. Hình thức giám sát:

a) Nghiên cứu, xem xét văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lĩnh vực ngân sách nhà nước liên quan đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân;

b) Tổ chức đoàn giám sát;

c) Tham gia giám sát với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền;

đ) Thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân được thành lập ở cấp xã, Ban giám sát đầu tư cộng đồng.

5. Cơ quan, đơn vị, tổ chức được giám sát và các cơ quan có liên quan có trách nhiệm:

a) Cung cấp thông tin, tài liệu theo nội dung giám sát cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp;

b) Xem xét giải quyết, giải trình và trả lời kịp thời kiến nghị của nhân dân kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền về nhưng vấn đề không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình;

c) Thực hiện công khai nội dung giải quyết, giải trình kiến nghị của nhân dân, kiến nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp về hoạt động giám sát.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 53. Điều khoản chuyển tiếp

1. Đối với quyết toán ngân sách các năm 2015, 2016, áp dụng theo các quy định của Luật ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 và Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước.

2. Thời kỳ ổn định ngân sách 2011 - 2015 được kéo dài đến hết năm 2016. Thời kỳ ổn định ngân sách tiếp theo được tính từ năm 2017 đến năm 2020.

3. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có mức dư nợ huy động đến ngày 31 tháng 12 năm 2016 vượt mức giới hạn dư nợ vay theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, thì trong dự toán ngân sách năm 2017 và các năm tiếp theo phải dành nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp, giảm kế hoạch chi đầu tư công trung hạn để bố trí tăng chi trả nợ gốc, bảo đảm mức dư nợ vay không vượt quá mức dư nợ vay của địa phương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước.

Điều 54. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2017 và áp dụng từ năm ngân sách 2017.

2. Bãi bỏ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân sách nhà nước.

Điều 55. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị định này.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KTTH (3).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

THE GOVERNMENT
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

No. 163/2016/ND-CP

Hanoi, December 21, 2016

 

DECREE

ON GUIDELINES FOR THE LAW ON STATE BUDGET

Pursuant to the Law on Government organization dated June 19, 2015;

Pursuant to the Law on State budget dated June 25, 2015;

At the request of the Minister of Finance;

The Government promulgates a Decree on guidelines for the Law on State budget.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Scope:

a) This Decree provides guidelines for the Law on State budget in terms of making estimates; collecting revenues; controlling budget expenditures; state budget management according to achievement of objectives; budget statement; rules, conditions, and competence to recover advances, expenditures carried over to the next year’s budget, using budget reserve; using financial reserve fund; publishing of state budget, supervision of state budget by the public and other contents as prescribed in the Law on State budget;

b) 5-year financial plans, 3-year state budget-finance plans; management and use of budget for some fields related to national defense and security, diplomacy; some special budget-finance policies applied to some provinces and central-affiliated cities; state fund management; regulation on consideration and decision of estimate and allocation of local government budgets, and approving local government budgets as prescribed by the Government.

2. Regulated entities:

a) Regulatory agencies, political organizations, and socio-political organizations;

b) Socio-political-professional organizations, social organizations, socio-professional organizations supported by the state budget under tasks given by the State;

c) Public service agencies;

d) Other organizations or individuals relevant to state budget.

1. Taxes paid by organizations and individuals as prescribed in laws on taxation.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Collected charges for services provided by central regulatory agencies; if the fixed operating expenditures are determined, the charges may be deducted.

4. Collected charges for services provided by central public service agencies and state-owned enterprises after being deducted to cover expenditures as prescribed by law.

5. Amounts payable to State budget from economic activities of the State, including:

a) Profits distributed to home country and other revenues from petroleum exploration and extraction;

b) Recovery of investment by the State in business entities;

c) Revenues from distributed dividends and profits of joint-stock companies, multi-member limited liability companies that have state capital;

d) Revenues from post-tax profit that remains after making contributions to various funds of state-owned enterprises;

dd) Positive difference between revenue and expenditure of the State bank of Vietnam;

e) Recovery of loans of State (including principal and interest), other than foreign loans of the Government.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

7. Revenues from selling state-owned property, including revenues from transfer of land use right, change of purpose of land use under the management of the State.

8. Land levies; land rents, water surface rents; sea-area use levies; rents and proceeds from the sale of state-owned houses.

9. Revenues from property under the State ownership; revenues from issuance of mining right or issuance of the right to exploit water resources.

10. Fines for administrative violations and other fines, confiscations as prescribed by law.

11. Voluntary contribution of domestic and foreign organizations and individuals.

12. Grant aid provided by governments of other countries, overseas organizations and individuals for Vietnam’s State, Vietnam’s government and local governments of Vietnam.

13. Revenues from financial reserve fund as prescribed in Article 11 of the Law on State budget.

14. Other revenues prescribed by law.

Article 3. State budget expenditures

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Capital expenditure on projects of the fields mentioned in Clause 3 of this Article;

b) Investment in and support of capital for enterprises providing public services and products ordered by the State; business organizations and central and local financial institutions; investment of state capital in enterprises prescribed by law;

c) Other capital expenditures prescribed by law.

2. Expenditure on national reserve.

3. Recurrent expenditures in the following fields:

a) Defense;

b) Social safety, security, and order;

c) Education and vocational training;

d) Science and technology;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e) Culture and information;

g) Radio, television, and the press;

h) Sports;

i) Environmental protection;

k) Economic activities;

l) Operation of regulatory agencies, the Communist Party of Vietnam and socio-political organizations, including: Committee of Vietnamese Fatherland Front, Confederation of Labor of Vietnam, Communist Youth Union of Ho Chi Minh City, Vietnam Veterans Association, Vietnam Women's Union, Vietnam Farmers' Union; support for operation of socio-political-professional organizations, social organizations, socio-professional organizations as prescribed by law;

m) Expenditures on social security, including expenditures on support for implementation of social policies as prescribed by law;

n) Other recurrent expenditures prescribed by law.

4. Payment of interests, charges and other expenses associated with the loans taken by the Government or government of provinces.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. Grant of loans prescribed by law.

7. Provision of additional funding for financial reserve fund.

8. Expenditures carried over to next year’s budget.

9. Provision of additional funding for budget balancing, provision of dedicated additional funding for inferior budgets from the superior budget.

Article 4. State budget deficit

1. The State budget deficit includes deficit of the central government budget and deficit of provincial budgets:

a) Central government budget deficit is the positive difference between total central government budget expenditure and total central government budget revenue in a budget year;

b) Provincial budget deficit is total deficit of budget of each central-affiliated city or province, which is the positive difference between total budget expenditure and total budget revenue of every province in a budget year.

2. Central government budget deficit shall be covered by the following sources:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Foreign loans granted by Official Development Assistance, concessional loans granted by governments of other countries, financial institutions of other countries and international organizations; issuance of Government bonds to international market, not including on-lend loans.

3. Local government budget deficit shall be covered by the following sources:

a) Domestic loans from issuance of municipal bonds and other domestic loans prescribed by law;

b) On-lend loans from the Government.

4. Loans to cover budget deficit prescribed in Clause 2 and Clause 3 of this Article do not include borrowing amounts to repay principal.

5. Provincial budget deficit of each province is permitted only when it meets all the regulations and conditions as follows:

a) Only provincial budget deficit because of investment in projects under midterm public investment plans decided by the People’s Council of the province is permitted as prescribed in Point a Clause 5 Article 7 of the Law on State budget;

b) Annual provincial budget deficit shall not exceed the annual budget deficit decided by the National Assembly for such province as prescribed in Point c Clause 5 Article 7 of the Law on State budget;

c) Within 90 days from the end of the budget year preceding the year in which the estimates are made, no overdue outstanding debt arising from the loans payable in the budget year preceding the year in which the estimates are made. In exceptional circumstances, the Ministry of Finance shall request the Government to:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Loan balance of local government budget, inclusive of loans to cover budget deficit according to the estimate shall not exceed the loan balance prescribed in Clause 6 hereof.

6. Loan balance of local government budgets:

a) Loan balance of budgets of Hanoi and Ho Chi Minh City must not exceed 60% of the local government budget revenue they may retain;

b) In the administrative divisions permitted to retain an amount of revenue higher than Recurrent expenditure of the local government budgets, loan balance must not exceed 30% of the amount retained;

c) In the administrative divisions permitted to retain an amount of revenue not exceeding recurrent expenditure of the local government budgets, loan balance must not exceed 20% of the amount retained;

d) The revenue higher than or exceeding recurrent expenditure of the local government budgets prescribed in Point b and Point c of this Clause shall be determined according to the revenue and expenditure estimates of the local government budgets decided by the National Assembly of the year in which budget estimates are made, and the revenue of the local government budgets to be retained shall be determined in accordance with Clause 1 and Clause 2 Article 15 of this Decree, not including residual revenues of local government budget.

7. Assign the Ministry of Finance to provide guidelines for loans and repayment of local governments.

Article 5. Payment of principal of loans

1. Sources of repayment of loans’ principal include:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Budget surplus of central government budget and local government budgets;

Central government budget surplus is the positive difference between total central government budget revenue and total central government budget expenditure in a budget year. Provincial budget surplus is total deficit of budget of each central-affiliated city or province, which is the positive difference between total budget revenue and total budget expenditure of every province in a budget year;

c) Surplus of central government budget and provincial government budgets prescribed in Clause 1 Article 72 of the Law on State budget;

d) Revenue increase and expenditure decrease compared with the estimates in the process of enactment of state budget prescribed in Clause 2 Article 59 of the Law on State budget.

2. Mature principal debts must be repaid sufficiently and on schedule according to the signed commitment and contract.

3. Principal payment must be managed and recorded via State Treasury.

Article 6. State budget system and relation between various levels of state budget

1. State budget consists of central government budget and local government budgets.

2. A local government budget consists of budgets of local authorities at various levels, in which:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Budgets of districts, district-level towns, provincial-affiliated cities, cities affiliated to central-affiliated cities (hereinafter referred to as district budgets) include district budget and budgets of communes, wards, and commune-level towns;

c) Budgets of communes, wards, and commune-level towns (hereinafter referred to as commune budgets).

3. Rules for management of sources of revenue, obligatory expenditures, and relation between various levels of state budget shall be consistent with Article 9 of the Law on State budget.

Article 7. State budget reserve

1. In expenditure estimate of central government budget and expenditure estimate of local government budgets, the reserve of 2% - 4% of total budget expenditure at each level shall be built up.

2. State budget reserve is used for expenditures prescribed in Clause 2 Article 10 of the Law on State budget.

3. The power to decide the use of central government budget reserve:

a) With regard to expenditures of greater than VND 3 billion associated with a specific objective, the Ministry of Planning and Investment shall take charge and cooperate with the Ministry of Finance and relevant agencies in requesting the Prime Minister to decide capital expenditures and expenditures under management of the Ministry of Planning and Investment. The Ministry of Finance shall take charge and cooperate with relevant agencies in requesting the Prime Minister to decide remaining expenditures.

The Minister of Finance shall decide expenditures not exceeding VND 3 billion associated with a specific objective and send quarterly reports to the Prime Minister;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Quarterly, the Ministry of Finance shall send a report on using central government budget reserve to the Government as prescribed in Point a and Point b of this Clause; the Government shall report it to the Standing Committee of National Assembly or the National Assembly at the nearest meeting.

4. During the enactment of budget, when an objective associated with expenditures of central government budget reserve prescribed in Clause 2 of this Article arises, Ministries, central and local authorities shall make budget estimates and detailed presentation and send them to the Ministry of Finance, the Ministry of Planning and Investment for consideration within their competence, or request the Prime Minister to consider providing additional funding for Ministries, central and local authorities.

5. The power to decide the use of budget reserve at localities shall be consistent with Point b Clause 3 of Article 10 of the Law on State budget.

Article 8. Financial reserve funds

1. Financial reserve fund is a fund of the State established in central government and provincial government.

2. A financial reserve fund is established from the following sources:

a) Annual budget expenditure estimate;

b) Budget surplus prescribed in Clause 1 Article 72 of the Law on State budget;

c) Revenue increase prescribed in Clause 2 Article 59 of the Law on State budget;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Other financial sources as prescribed by law.

3. The balance of the financial reserve fund at each level must not exceed 25% the annual budget expenditure estimate that the same level, not including expenditures from dedicated additional funding from superior budget.

4. Financial reserve funds are used in the following cases:

a) Advance funding to cover necessary expenditures according to the budget expenditure estimate before aggregating enough revenue. Such amount must be returned within the budget year;

b) In case state budget revenues or loans taken to cover budget deficit fail to reach the estimate decided by the National Assembly or the People’s Council, budget reserve is used up but still not sufficient for disaster recovery, response to widespread and serious epidemics, performance of tasks related to national defense and security, and other urgent tasks that are unplanned, the financial reserve fund may be used. However, the amount used in the year must not exceed 70% of the opening balance of the fund.

5. The power to use financial reserve funds:

a) With regard to central financial reserve fund, the Minister of Finance shall decide advances of financial reserve funds to cover expenditures prescribed in Point a Clause 4 of this Article; the Prime Minister shall decide to use financial reserve funds for the cases prescribed in Point b Clause 4 of this Article;

b) With regard to provincial financial reserve funds, People's Committees of provinces shall decide to use them in the cases prescribed in Clause 4 of this Article.

6. The Minister of Finance shall be the account holder of central financial reserve funds. Presidents of People’s Committees of provinces or Director of Service of Finance, in case of authorization, shall be the account holders of provincial financial reserve funds.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

8. The financial reserve fund shall be deposited at the State Treasury and the State Treasury shall pay interests according to interest rates prescribed in law on state fund management.

9. The provincial budget may be advanced from central financial reserve fund, the district budget and commune budget may be advanced from provincial financial reserve fund and refund advances within the budget year.

Article 9. Operating costs of Communist Party of Vietnam and socio-political organizations

1. Operating costs of Communist Party of Vietnam and socio-political organizations, including: Committee of Vietnamese Fatherland Front, Confederation of Labor of Vietnam, Communist Youth Union of Ho Chi Minh City, Vietnam Veterans Association, Vietnam Women's Union, Vietnam Farmers' Union shall be covered by State budget according to the rule that the State budget covers the difference between the expenditure estimate determined according to policies and standards prescribed by competent authorities in terms of revenue sources according to charters of these organizations.

2. The making of budget estimates, enactment of estimates, and statement of budget prescribed in Clause 1 of this Article shall be carried out in accordance with the Law on State budget, this Decree and relevant law provisions.

3. Assign the Ministry of Finance to provide guidelines for management and use of State budget applicable to Communist Party of Vietnam.

Article 10. Operating costs of socio-political-professional organizations, social organizations, socio-professional organizations

1. Socio-political-professional organizations, social organizations, and socio-professional organizations shall cover their own operating costs. If socio-political-professional organizations, social organizations, socio-professional organizations are assigned to perform certain objectives by competent authorities, their relevant operating costs shall be covered by the State budget.

2. Supportive budget for socio-political-professional organizations, social organizations, and socio-professional organizations is included in the budget estimate of each budget level which is submitted to the National Assembly or People’s Council for decision.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. The Government shall provide guidelines for support of government budget to organizations prescribed in Clause 1 of this Article.

Article 11. State budget management according to achievement of objectives

1. State budget management according to achievement of objectives means the making, allocation, enactment, and statement of government budget according to determination of budget associated with objectives, services to be completed with quantity, number, and quality, technical standards as prescribed.

2. Entities subject to state budget management according to achievement of objectives are budget-using units must satisfy the following conditions:

a) Determine quantity, number, quality, completion time;

b) There are bases to make and allocate budget estimates according to technical-economic limits, limits on budget expenditures or value of objectives, services, equivalent products provided in similar conditions (including taxes, fees and charges payable as prescribed by law);

c) There are criteria and mechanism for supervision and assessment of performance;

d) There is a written agreement between the authority that assigns objectives and the authority that receives objectives in terms of management of budget according to achievement of objectives.

3. Scope of application is objectives, services, and products that it is unable to determine requirements for quantity, number, quality, technical standards of objectives, services, and products that are completed and the need of budget according to the technical-economic limits, criteria, expenditure limits decided by competent authorities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Enhance power together with intensify personal responsibility and take legal self-responsibility imposed on the head of the service provider;

b) Simplify procedures for state budget management in the stage of expenditure control or statement of State budget;

c) Quantity, number, quality, technical standards, provision time, expenditure estimate of objectives, services, and products must equal to or higher than the method of state budget management according to input factors;

d) Assign the Ministry of Finance to provide guidelines for state budget management according to achievement of objectives.

Article 12. Off-budget financial fund

1. Off-budget financial fund is a fund established as prescribed in Clause 19 Article 4 of the Law on State budget.

2. State budget does not cover operating costs of off-budget financial funds.

3. According to state budget’s capacity, an off-budget financial fund only has its charter capital supported by state budget only when the conditions are satisfied:

a) It is established and operating in accordance with law;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Its sources of revenue and obligatory expenditures do not coincide with those of state budget.

4. Off-budget financial funds and fund management agencies must comply with the Law on State budget and regulations of this Decree in terms of making, enactment, statement, and auditing of state budget regarding the amounts supported by state budget.

5. Annually, fund management agencies under management of the central government shall send reports on implementation of the current financial plan, the next-year financial plan and statement of receipts and expenditures to the Ministry of Finance for consolidating and sending them to the Government; the Government shall report those reports in conjunction with estimate reports and statements of State budget thereafter; fund management agencies under management of the local governments shall send reports on implementation of the current financial plan, the next-year financial plan and statement of receipts and expenditures to the Service of Finance for consolidating and sending them to the People’s Committee; the People’s Committee shall report those reports in conjunction with estimate reports and statements of local government budget.

6. Fund management agencies of off-budget financial funds at the central government shall take charge and cooperate with the Ministry of Finance in providing reports for the Government; the Government shall give explanation to the National Assembly upon request thereafter; fund management agencies of off-budget financial funds at the local government shall take charge and cooperate with the Service of Finance in providing reports for the People’s Committee of province; ; the People’s Committee of province shall give explanation to the People’s Council upon request thereafter.

Chapter II

BUDGET MANAGEMENT DECENTRALIZATION AND RELATION BETWEEN VARIOUS LEVELS OF STATE BUDGET

Article 13. Sources of revenue of central government budget

1. The following revenues are wholly retained by central government budget:

a) VAT on imported goods;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Special excise tax on imported goods, including special excise tax on imported goods continuously sold in domestic market by the import business entity;

d) Environmental protection tax on imported goods;

dd) Severance tax, corporate income tax, value-added tax, profits distributed to home country, charges, water surface rents, taxes, charges and other revenues from petroleum exploration and extraction;

e) Grant aid provided by the government of other countries, international organizations, other overseas organizations and individuals for Vietnam’s government;

g) Collected charges for services provided by central regulatory agencies, if the competent authority permits the fixed operating costs, collected charges may be deducted. Collected charges for services provided by central public service agencies and state-owned enterprises under management of central regulatory agencies may be partly or wholly retained to cover expenses as prescribed by law;

h) Fees collected by regulatory agencies, except for license fees prescribed in Point g and registration fees prescribed in Point h Clause 1 Article 15 of this Decree;

i) Fines for administrative violations and other fines, confiscations collected by central regulatory agencies;

k) Revenues from selling state-owned property, including revenues from transfer of land use rights associated with property on land, change of purpose of land use under the management of regulatory agencies, political organizations, socio-political organizations, public service providers, single-member limited liability companies whose owner is the State or enterprises whose stakes are partly held by central government before their equitization, restructuring and other organizations under management of central government,

l) Revenues from property under the State ownership under the management of central organizations and units, excluding costs as prescribed by law;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

n) Revenues from charges for granting mineral extraction right, granting right to exploit water resources which central government budget may retain as prescribed by law;

o) Charges for use of sea areas within competence of central government;

p) Positive difference between revenue and expenditure of the State bank of Vietnam;

q) Revenues from central financial reserve fund;

r) Revenues from surplus of central government budget;

s) Revenues carried over from last year’s budget of central government budget;

t) Other revenues prescribed by law.

2. Revenues distributed between central government budget and local government budgets (%):

a) Value-added tax, including value-added tax of sub-contractor arising from services for exploration and extraction of oil and gas; excluding value-added tax prescribed in Point a and Point dd Clause 1 of this Article;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Personal income tax;

d) Special excise tax, except for that mentioned in Point c Clause 1 of this Article;

dd) Environmental protection tax, except for that mentioned in Point d Clause 1 of this Article. With regard to environment protection tax on domestically produced oil and gas, the revenues shall be determined according to the production sold on the market by the central enterprise and density of total domestic oil production and total imported production. The Ministry of Finance is assigned to provide guidance on this regulation.

Article 14. Obligatory expenditures of central government budget

1. Capital expenditure:

a) Investment in capital construction for programs and projects of other Ministries, ministerial agencies, Governmental agencies, and other central regulatory agencies of the fields prescribed in Clause 3 of this Article;

b) Investment in and support of capital for enterprises providing public services and products ordered by the State; business organizations and financial institutions under management of central regulatory agencies; investment of state capital in enterprises prescribed by law;

c) Other capital expenditures prescribed by law.

2. Expenditure on national reserve.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Defense;

b) Social security, order and safety;

c) Education and vocational training;

d) Science and technology;

dd) Healthcare, population, and families;

e) Culture and information;

g) Radio, television, and the press;

h) Sports;

i) Environmental protection;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

l) Operation of regulatory agencies, Communist Party of Vietnam; the Central Committee of Vietnamese Fatherland Front, Vietnam General Confederation of Labor, Central Committee of Communist Youth Union of Ho Chi Minh City, Central Committee of Communist Youth Union of Ho Chi Minh City, Central Committee of Vietnam Veterans Association, Central Committee of Vietnam Women's Union, Central Committee of Vietnam Farmers' Union;

m) Support for operation of socio-political-professional organizations, social organizations, socio-professional organizations in the central government as prescribed by law;

n) Expenditures on social security, including expenditures on support for implementation of social policies as prescribed by law;

o) Other recurrent expenditures prescribed by law.

4. Payment of interests, charges and other expenses associated with the loans taken by the Government.

5. Provision of aid.

6. Grant of loans prescribed by law.

7. Provision of additional funding for central financial reserve fund.

8. Expenditures of central government budget carried over to next year’s budget.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 15. Sources of revenue of local government budgets

1. The following revenues are wholly retained by local government budgets:

a) Resource royalty, except for that on petroleum exploration and extraction;

b) Levies on agricultural land;

c) Levies on non-agricultural land;

d) Land levies;

dd) Land rents, water surfaces rents, except for those on petroleum exploration and extraction;

e) Revenue from lease and sale of state-owned housing;

g) License fees;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

i) Revenues from lottery, including electronic lottery;

k) Recovery of investment by local government budgets in business organizations (including principal and interests); revenues from distributed dividends and profits of joint-stock companies, multi-member limited liability companies that have state capital and ownership of which is represented by the People’s Committee of the province and central-affiliated city (hereinafter referred to as province); revenues from post-tax profit that remains after making contributions to various funds of state-owned enterprises whose ownership is represented by the People’s Committee of the province;

l) Revenues from selling state-owned property, including revenues from transfer of land use rights associated with property on land, change of purpose of land use under the management of regulatory agencies, political organizations, socio-political organizations, public service providers, single-member limited liability companies whose owner is the State or enterprises whose stakes are partly held by local government budget before their equitization, restructuring and other organizations under management of local government;

m) Grant aid provided by international organizations, other organizations, overseas individuals to local governments;

n) Collected charges for services provided by local regulatory agencies, if the competent authority permits the fixed operating costs, collected charges may be deducted. Collected charges for services provided by local public service agencies and state-owned enterprises under management of local regulatory agencies may be partly or wholly retained to cover expenses as prescribed by law;

o) Fees collected by local regulatory agencies;

p) Fines for administrative violations and other fines, confiscations collected by local regulatory agencies;

q) Revenues from property under the State ownership under the management of local organizations and units, excluding costs as prescribed by law;

r) Revenues from charges for granting mineral extraction right, granting right to exploit water resources which local government budget may retain as prescribed by law;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

t) Revenue from public land and other public benefits;

u) Contributions by other organizations and individuals as prescribed by law.

v) Revenues from local financial reserve funds;

x) Surplus of local government budgets;

y) Other revenues prescribed by law.

2. Revenues distributed between central government budget and local government budgets (%) are specified in Clause 2 Article 13 of this Decree.

3. Provision of additional funding for budget balancing, provision of dedicated additional funding by central government budget.

4. Revenues carried over from last year’s budgets local governments.

Article 16. Obligatory expenditures of local government budget

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Investment in capital construction for projects/programs under the management of local governments of the fields mentioned in Clause 2 of this Article;

b) Investment in and support of capital for enterprises providing public services and products ordered by the State; business organizations and local financial institutions; investment of state capital in enterprises prescribed by law;

c) Other capital expenditures prescribed by law.

2. Recurrent expenditures of local organizations and units are classified into the following fields:

a) Education and vocational training;

b) Science and technology;

c) Social safety, security, and order under the management of local governments;

d) Healthcare, population, and families;

dd) Culture and information;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

g) Sports;

h) Environmental protection;

i) Economic activities: Agriculture, forestry, irrigation, aquaculture; transportation; resources; planning; commerce and tourism; urban reconstruction activities; other economic activities;

k) Operation of regulatory agencies, Communist Party of Vietnam; the Central Committee of Vietnamese Fatherland Front, Communist Youth Union of Ho Chi Minh City, Vietnam Veterans Association, Vietnam Women's Union, Vietnam Farmers' Union in local governments;

l) Support for operation of socio-political-professional organizations, social organizations, socio-professional organizations in the local government as prescribed by law;

m) Expenditures on social security, including expenditures on support for implementation of social policies as prescribed by law;

n) Other recurrent expenditures prescribed by law.

3. Payment of interests, charges and other expenses associated with the loans taken by government of provinces.

4. Provision of additional funding for local financial reserve funds.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. Provision of additional funding for budget balancing, provision of dedicated additional funding for inferior budgets.

Article 17. Rules for classifying sources of revenues and obligatory expenditures between various levels of local government budgets

1. In consideration of the sources of revenue and obligatory expenditures of local government budget prescribed in Article 15 and Article 16 of this Decree, the People’s Council of the province shall decide specific distribution of sources of revenue and obligatory expenditures between various levels of local government budgets as follows:

a) The distribution must suit the socio-economic and national defense of objectives with regard to each field, economic, geographical characteristics, population, and managerial capacity of each area;

b) Budgets of communes are funded from levies on non-agricultural land; license tax paid by business households and individuals; levies on agriculture land paid by households; registration fees on land and housing; levies on non-agricultural land; license tax paid by household businesses and individuals; levies on agriculture land paid by households; registration fees on land and housing;

c) Expenditures on science research and technology are not obligations of budgets of districts and communes. Expenditures on technology application and transfers are obligations of budgets of districts and communes;

d) Obligatory expenditures of budgets of towns and cities of province must include investment in public schools, lighting electricity, water supply and drainage, urban transport, urban hygiene, and other public facilities.

2. Depending on the ratio of revenues distributed by the National Assembly or the Prime Minister revenues wholly retained by local government budgets, the People’s Council of the province shall decide the ratio of revenues distributed between various levels of local government budgets. Regarding revenues distributed between central government budget and local government budgets, the ratio of revenues distributed between various levels of local government budgets shall not exceed the ratio decided by the National Assembly or the Prime Minister in each province.

3. The Ministry of Finance is assigned to provide guidelines for budget management and other financial activities of communes, wards, and district-level towns.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Ratio of distribution of revenues between central government budget and local government budgets is determined to ensure that the revenue sources of local government budget is balanced with obligatory expenditures. If a province that may wholly retain revenues distributed between central government budget and local government budgets, but obligatory expenditures as prescribed are greater than the retained local budget revenues, the central government budget shall provide additional funding in proportion to the deficit between revenue sources and obligatory expenditures.

2. Ratio of distribution of revenues between various levels of local government budgets is determined to ensure that the revenue sources is balanced with obligatory expenditures. According to the actual condition of a province, the People’s Council of province shall both classify distributed revenues and provide additional funding for budgets of districts, district-level towns, provincial-affiliated cities, and cities affiliated to central-affiliated cities.

3. Ratio of distribution of revenues and additional funding are determined in consideration of calculation of revenue sources and obligatory expenditures of each level of budget according to criteria for population, natural conditions, socio-economic conditions of each areas, especially remote areas, areas having military bases, areas of ethnic minorities, disadvantaged areas and extremely disadvantaged areas; areas with large-scale paddy production; areas of protection forests, specialized forests; key economic areas;

4. Ratio of distribution of revenues generally applies to all revenues distributed between central government budget and local government budgets. Revenues distributed between various levels of local government budgets shall be decided by the People’s Council of province.

Article 19. Additional funding from superior budget

1. The Government shall request the National Assembly to decide additional funding from central government budget to each province’s budget. The People’s Committee shall request the People's Council at the same administrative level to decide additional funding from provincial budget to inferior budget.

2. Additional funding for balancing budget is provided for inferior budget to enable inferior government to assure achievement of socio-economic, national defense and security objectives. In years of the stability period, in consideration of the capacity of the superior budget, the competent authority may decide increase in additional funding for balancing budget from the superior budget to inferior budgets compared to the first year of the stability period.

3. Dedicated additional funding is provided to enable an inferior budget to:

a) Implement new policies established by superior agencies that is included in the budget estimate of the beginning year of the budget stability period; specific additional funding is determined according to expenditures and capacity of balancing of relevant budget levels;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Recover from expansive epidemics and disasters beyond the capacity of the inferior budget although budget reserve and financial reserve fund are used as prescribed;

d) Execute some major and particularly important programs/projects that have tremendous impact of local socio-economic development. The level of support varies according to each program/project. The total level of supportive capital for annual investment in development from central government budget to local government budgets mentioned in this must not exceed 30% of total expenditure on investment in fundamental construction of the central government budget.

Article 20. The Ministry of Finance’s power to promulgate policies, standards, and limits on budget expenditures nationwide

1. Promulgate budget expenditures regarding policies, standards, and limits decided by the Government or the Prime Minister without specific amounts.

2. Promulgate the policies, standards, limits on budget expenditures on various fields and sectors after reaching a consensus with corresponding Ministries; if a consensus is not achieved, the Ministry of Finance shall request the Prime Minister to consider and offer opinions as prescribed in Clause 3 Article 26 of the Law on State budget.

3. Promulgate policies, standards, limits on budget expenditures as assigned by the Government or the Prime Minister.

Article 21. People’s Councils of provinces’ power to promulgate policies, standards, and limits on budget expenditures nationwide

1. According to rules, criteria, and limits on budget appropriation in local government promulgated by the Standing Committee of National Assembly, local government budget capacity and actual condition of a province, the People’s Council of province shall decide rules, criteria, and limits on budget appropriation in local government as the basis for making of local budget estimates.

2. Decide policies, standards, and limits on budget expenditures according to framework regulations of the Government.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Within 10 working days, from the date on which a decision is promulgated by the People’s Council of province, the People's Committee of province shall send its regulations on budget expenditures to the Ministry of Finance and relevant Ministries and agencies for consolidation and supervision.

Chapter III

MAKING OF STATE BUDGET ESTIMATES

Article 22. Time for providing instructions on making, aggregating, deciding, and giving state budget estimates

1. Before May 15, the Prime Minister shall promulgate regulations on making socio-economic development plans and state budget estimates of the next year.

2. Before June 1, the Ministry of Planning and Investment shall:

a) Promulgate Circular(s) on guidelines for formulation on socio-economic development plan, development investment plan of the next year;

b) Communicate checked estimate of expenditure on development investment of State budget in the next year to each of Ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, other agencies of central government and provinces;

c) Communicate checked estimate of expenditure on development investment of State budget of the next year on execution of national target programs, target programs to each of Ministries, and agencies in charge of national target programs or target programs.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Promulgate Circular(s) on guidelines for making of state budget estimates of the next year;

b) Communicate checked estimate of state budget with the whole revenue and each revenue, expenditure on national reserve, recurrent expenditure for the next year to each of Ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, and other agencies of central government;

c) Communicate checked estimate of particular recurrent expenditures according to each field in the next year on execution of national target programs, target programs to each of Ministries, and agencies in charge of national target programs or target programs;

d) Communicate checked estimate of total State budget revenue in administrative divisions, total State budget expenditures and some important expenditures to each of provinces and central-affiliated cities (hereinafter referred to as provinces).

4. Before June 15:

a) Ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, and other agencies of central government shall provide guidelines for budget estimates in the next year within their scope of management; communicate checked estimate of state budget revenue and expenditure in the next year to each of their affiliated entities;

b) People’s Committees of provinces shall provide guidelines for budget estimates in the next year in provinces in conformity with requirements, contents, and time of making state budget estimates of provinces; communicate checked estimate of budget revenue and expenditure in the next year to each of their affiliated entities and People’s Committees of districts; People’s Committees of districts shall communicate estimate of budget revenue and expenditure in the next year to each of their affiliated entities and People’s Committees of communes.

5. Before July 20:

a) Ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, and other agencies of central government shall make estimates of budget expenditure and revenue, allocation of budget estimates in the next year within specific amounts in sorted fields and specific budget-using units, and send them to the Ministry of Finance, the Ministry of Planning and Investment, agencies in charge of the national target programs or target program (with regard to expenditure on the national target program or target program);

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. Before August 15, Ministries, agencies in charge of national target programs or target programs shall take charge of making estimates of budget expenditure and allocation of budget estimates in the next year of the national target program or target program and send them to the Ministry of Finance and the Ministry of Planning and Investment.

7. Before August 31, the Ministry of Planning and Investment shall send a plan for allocation of capital expenditures of central government budget in the next year to the Ministry of Finance for consolidation.

8. The Ministry of Finance shall take charge, consolidate, and make estimates of budget expenditure and revenue and allocation of budget estimates in the next year which are reported to the Government; the Government shall submit them to the Standing Committee of National Assembly for opinions before September 20 as prescribed in Clause 2 Article 44 of the Law on State budget.

9. According to opinions of agencies the National Assembly, the Ministry of Finance shall complete the report on assessment of enactment of current year’s state budget, state budget estimates, and allocation of central government budget in the next year and send them to the Government; the Government shall forward them to National Assembly deputies within 20 days before the opening date of year-end meeting of the National Assembly.

10. Before November 20, after the National Assembly decides state budget estimates and allocation of central government budget, the Prime Minister shall give estimates of budget revenue and expenditure in the next year to each of the Ministries, ministerial agencies, Governmental agencies, other central regulatory agencies, and provincial governments.

11. Before December 10, the People’s Councils of provinces shall decide their budget estimates and allocation of provincial budget of the next year. The People’s Councils at inferior levels shall decide their local government budget estimates and budget allocation of the next year within 10 days from the day on which the People’s Council at the superior level decides the estimate and budget allocation.

12. Within 05 working days from the day on which the People’s Council decides budget estimate, the People’s Committee at the same level shall give the budget estimate of revenue and expenditure in the next year to each of its affiliated agencies and units; send a report to the People’s Committee and finance authority that the superior level. The People’s Committees of provinces shall send reports on budget estimates decided by the People’s Councils of provinces to the Ministry of Finance.

13. Before December 31, Ministries, ministerial agencies, Governmental agencies, other central regulatory agencies, and the People’s Committees must finish giving budget estimates to their affiliated agencies, units and the People’s Committees at inferior levels, except for the cases prescribed in Article 27 of this Decree.

Article 23. Making state budget estimates at budget estimate unit and organizations funded by budget

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Budget-using units which are assigned to manage budget according to achievement of objectives shall make a separate budget for each of objectives, services and specific products. The budget estimates for each of objectives, services and specific products shall be made according to requirements for specific results, technical standards, completion time for each of objectives, services and specific products; technical-economic limits, limits on budget expenditures according to applicable regulations or value of objectives, services, equivalent products provided in similar conditions.

3. The superior agencies (other than budget estimate units level I) shall consider and consolidate estimates of their inferior units and send them to budget estimate units level I.

4. Organizations funded by State budget shall make estimates of budget revenue and expenditure within their assigned objectives and send them to finance authorities and planning and investment authorities at the same administrative level.

5. Budget estimate units level I shall consider estimates made by their inferior units, consolidate and make estimates of budget revenue and expenditure within their scope of management and send them to finance authorities and planning and investment authorities at the same administrative level.

6. The estimates of budget revenue and expenditure must satisfy requirements for making of state budget estimates prescribed in Article 42 of the Law on State budget.

Article 24. Making state budget estimates at collecting authorities

1. Each Department of Taxation shall:

a) Make estimates of state budget revenues in provinces and refundable value-added tax within their management, and send them to General Department of Taxation, the People's Committee of province, the Service of Finance, and the Service of Planning and Investment;

b) Instruct affiliated tax authorities to make estimates of state budget revenues in the province and send them to the People’s Committee, the finance authority and the planning and investment authority in conformity with requirements, contents, and time of making local budget estimates.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Other agencies assigned to collect state budget revenues from fees and charges shall make estimates of revenues from those fees and charges, and send them to a tax authority and finance authority at the same administrative level.

Article 25. Making estimates of local government budgets

1. Each Service of Finance shall take charge and cooperate with the Service of Planning and Investment in considering estimates of state budget revenue and expenditure in the province made by collecting authorities regarding budget estimate units level I within their scope of management and estimates of state budget revenue and expenditure of district; and making estimates of state budget revenues in the province, estimates of state budget revenues of local government budget and send a report to the People’s Committee of province. The People’s Committee of province shall forward it to the Standing board of People’s Council of province for consideration.

2. After receiving opinions of the Standing board of People’s Council of province, the People’s Committee of province shall send estimates of local government budget to the Ministry of Finance, the Ministry of Planning and Investment, agencies in charge of national target programs, target programs (regard to expenditure on national target program, target program).

Article 26. Making of state budget estimate and plan for allocation of central government budget

1. The Ministry of Finance shall take charge and cooperate with the Ministry of Planning and Investment and Ministries, relevant agencies in consolidating and making estimates of budget revenue and expenditure and a plan for allocation of central government budget, and send documents prescribed in Clause 1 Article 47 of the Law on State budget to the Government.

2. According to assignment of the Government or authorization of the Prime Minister, the Minister of Finance shall, on behalf of the Government, report and account for making of estimates of budget revenue and expenditure and the plan for allocation of central government budget to the National Assembly and the National Assembly agencies as prescribed by law.

Article 27. Remaking state budget estimate

1. The remaking of state budget estimates or plan for allocation of central government budget; estimates of local government budget or plan for allocation of local government budgets shall be consistent with Article 48 of the Law on State budget.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Time for remaking of local government budget estimates:

a) With regard to state budget estimates or central government budget allocation which is/are ratified by the National Assembly or assigned by the Prime Minister, the People's Committee of province shall request People’s Council at the same administrative level to decide estimates of local government budget and provincial budget allocation before December 10. In a case where the People’s Council of province requests the People's Committee of province to remake local budget estimates or provincial budget allocation plan, it shall be submitted to the People’s Council of province within a certain time decided by the People’s Council of province but not later than December 20 of the previous year;

b) With regard to the making of estimates of a local government budget or a plan for budget allocation prescribed in Clause 2 of this Article, the People’s Committee shall submit them to the People’s Council for decision within 15 days from the date on which the Prime Minister assigns estimates to local government budget;

c) The People’s Committee of province shall decide the specific time for making of budget estimates in districts and communes, provided that the People’s Councils at inferior levels shall decide their local government budget estimates and budget allocation within 10 days from the day on which the People’s Council at the superior level decides the estimate and budget allocation.

Article 28. Responsibilities of agencies in making state budget estimates and plans for allocation of budget estimates

1. Each People’s Committee shall:

a) Instruct and direct affiliated entities, inferior government to make estimates of budget revenue and expenditure within its scope of management; cooperate and tax authorities and customs authorities in the province to make estimates of budget revenue and refundable value-added tax as prescribed;

b) Make estimates of budget revenue in the province, estimates of local budget revenue and expenditure; send reports to the Standing board of People’s Council before send them superior State administrative agencies;

c) According to estimates of budget revenue and expenditure assigned by a superior authority, request People’s Council at the same administrative level to decide its estimates of local government budget and budget allocation plan, then send reports on estimates of local government budget and budget allocation plan which are decided by the People’s Council to the superior State administrative agency, finance authority, and planning and investment authority.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Make plan for adjusting local budget estimate and plan for allocation of its estimates of budget revenue and expenditure, submit them to People’s Council at the same administrative level for decision at the request of superior state administrative agencies if the Resolution of People’s Council at the same administrative level is not consistent with estimates of budget revenue and expenditure assigned by the superior authority;

e) Request an inferior People’s Council to adjust its budget estimates in exceptional circumstances.

2. Each finance authority shall:

a) Take charge and cooperate with planning and investment authorities to discuss about annual budget estimates of agencies at the same administrative level. In the beginning year of the budget stability period, the finance authority shall take charge and cooperate with planning and investment authorities, tax authorities and relevant agencies to discuss with inferior People’s Committees to determine estimates of budget revenue and expenditure, ratio of revenue distribution between superior budgets and inferior ones, additional funding for balancing budget from superior budgets to inferior ones. In the next years of the budget stability period, the superior finance authority shall discuss with the People’s Committees at inferior levels at their request.

During the discussion about budget estimates and budget allocation plans, if there are revenues and/or expenditures that are not conformable with law, not consistent with the policies and standards, not reasonable or frugal, not suitable for the budget capacity and socio-economic development orientation, finance authorities shall request adjustment. If there are contrary opinions between finance authorities, other agencies and units at the same level, and the People’s Committees at inferior levels, each local finance authority shall submit a report to the People’s Committee at the same level for decision; the Ministry of Finance shall submit a report to the Prime Minister for decision.

b) Take charge and cooperate with planning and investment authorities and relevant agencies at the same administrative level in consolidating and making state budget estimates and budget allocation plan according to each field of its budget level. In capital expenditures and recurrent expenditures, each finance authority shall consolidate and make estimates of specific expenditures on education, vocational training, science and technology in the province and nationwide;

c) Take charge and cooperate with planning and investment authorities and relevant agencies at the same administrative level in consolidating and making state budget estimates and budget allocation plan of its budget level;

d) Cooperate with planning and investment authorities at the same administrative level in making of budget estimates of capital expenditures of its budget level;

dd) The Ministry of Finance shall assess national target programs or target program in terms of recurrent expenditures made by agencies in charge of the national target program or target program and consolidate estimates and the plan for allocation of expenditures on the national target program or target program sent by the Ministry of Planning and Investment and submit them to the Government;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

g) The Ministry of Finance shall inspect Resolution on budget estimates of People’s Councils of provinces and request adjustments to budget estimates in exceptional circumstances. Each of local finance authorities shall inspect the Resolution on budget estimates of inferior People’s Council so as to request People’s Committee at the same administrative level or inferior People’s Council to adjust the budget estimates in exceptional circumstances.

3. Planning and investment authorities:

a) The Ministry of Planning and Investment shall submit a national socio-economic development plan to the Government and essential balance of national economy, in which balance of finance, currency, investment capital shall be based to make budget estimates;

b) Each planning and investment authority shall cooperate with finance authority at the same administrative level in consolidating and making its budget estimates; take charge and cooperate with finance authority at the same administrative level in making estimates of capital expenditures and plan for allocation of capital expenditures; and send them to finance authority at the same administrative level to consolidating and making state budget estimates and budget allocation plan;

c) The Ministry of Planning and Investment shall assess national target programs or target program in terms of capital expenditures made by agencies in charge of the national target program or target program and consolidate estimates; consolidate and send estimates and plan for allocation of expenditures on the national target program or target program to the Ministry of Finance.

4. Central and local regulatory agencies:

a) Ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, and other agencies of central government shall cooperate with the Ministry of Finance in formulating policies, standards, expenditure limits in their assigned fields;

b) Each of central and local regulatory agencies shall make estimates of budget revenue and expenditure within their scope of management and send them to a finance authority and planning and investment authority at the same administrative level; make estimates of budget expenditure on national target programs or target program and send them to the finance authority, planning and investment authority, and the agency in charge of the national target programs or target programs; cooperate with the finance authority at the same administrative level in making and allocating budget estimates according to the fields of its budget level;

c) Each of agency in charge of the national target programs or target programs shall take charge and cooperate with the finance authority and planning and investment authority in making estimates and plan for allocation of expenditures on national target programs or target program to units and localities, and send them to the finance authority and planning and investment authority at the same administrative level for including in the budget estimates and plan for allocation of budget estimates which are submitted to competent authority for decision. If there are contrary opinions between the agency in charge of the national target program or target program and the Ministry of Finance or the Ministry of Planning and Investment, the agency in charge of the national target program or target program shall request the Prime Minister to consider.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. According to the Resolution of the National Assembly on budget estimates, the Prime Minister shall giving estimates of budget revenue and expenditure to each of Ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, and other agencies of central government by each field; estimates of revenue and expenditure, total loan to cover deficit and repay debt principal of each locality, ratio of revenue distribution between central government budget and local government budget and additional funding for budget balancing, dedicated additional funding from central government budget to each local government budget before November 20 of the previous year.

2. According to the decision of the Prime Minister on giving budget estimates, the People's Committee of province shall request People’s Council at the same administrative level to decide estimates of local budget and plan for allocation of provincial budget estimates from provincial budget to inferior budget to and ratio of revenue distribution between local government budgets before December 10 of the previous year; send a report on local budget estimates and allocation of provincial budget estimates decided by the People’s Council of province to the Ministry of Finance and the Ministry of Planning and Investment.

3. According to the Resolution of the People’s Council of province, the People's Committee of province shall give estimates of budget revenue and expenditure to each provincial-affiliated entity; estimates of budget revenue and expenditure, and ratio of revenue distribution between local government budgets; additional funding from provincial budget to budgets of districts, district-level towns, provincial-affiliated cities, cities affiliated to central-affiliated cities.

4. After receiving the decision on giving budget estimates from the superior People’s Committee, the People’s Committee shall request the People’s Council at the same administrative level to decide its local government budget estimates and budget allocation plan, provided that budget estimates of communes are decided before December 31 of previous year. After People’s Council decides the budget estimates, the People’s Committee at the same administrative level shall send reports to the superior People’s Committee and finance authority.

Article 30. Forms of making of state budget estimates

The Ministry of Finance shall provide guidelines for system of forms of making and consolidating state budget estimates, plan for allocation of central government budget; local government budget estimates, plan for allocation of local government budget.

Chapter IV

ENACTMENT OF STATE BUDGET

Article 31. Allocating and giving state budget estimates of budget estimate units

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Estimates given to budget-using units shall be specific in sorted fields, obligatory expenditures. If there are obligatory expenditures for managing the budget according to achievement of objectives, estimates must be specific in each of objectives, services, or products

3. The superior regulatory agency that authorizes an inferior regulatory agency to make obligatory expenditures on its behalf must give a budget estimate to such inferior agency. The agency that receives the funding must submit a statement of the use of such funding to the authorizing agency.

4. Finance authorities of the same level shall inspect the budget estimates given by budget estimate units level I to their budget-using units within 10 working days from the day on which budget allocation report made by the budget estimate unit is received. If the allocation is found incorrect in terms of total amount, fields, objectives, or policies, the budget estimate unit level I shall be requested to make correction.

5. The Ministry of Finance shall provide guidance on forms of giving estimates to agencies, organizations and units.

Article 32. Organizing collection of state budget revenues

1. Organizing management and collection of taxes, fees, charges, and other receivables paid to State Treasuries. The amounts collected via a third party must be transferred in full and on schedule to State Treasuries as prescribed by the Ministry of Finance.

2. Grant aid in cash must be collected promptly to State budget, if an international agreement or granting agreement specifies direct disbursement to a program/ project, such grant aid shall be included sufficiently in State budget as prescribed by the Ministry of Finance.

3. State Treasuries may open accounts at the State bank of Vietnam and commercial banks to concentrate state budget revenues as prescribed in Article 40 hereof; transfer them to the state budget, regulate and distribute the revenues among various levels of state budget as prescribed.

4. The Ministry of Finance shall provide guidelines for collecting and accounting of amounts receivable and grant aid to State Treasuries.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. State budget’s loans shall be managed and accounted on accounts of each budget level. If an international agreement or granting agreement specifies that external borrowings shall be directly disbursed to a program/ project, such external borrowing shall be included sufficiently in State budget as prescribed by the Ministry of Finance.

2. The Ministry of Finance shall provide guidance on management and accounting of State budget’s loans.

Article 34. Organizing state budget expenditure

1. Finance authorities, State Treasuries shall inspect, control and make payment sufficiently, promptly on schedule of obligatory expenditures within the given budget estimate. Heads of finance agencies, State Treasuries may refuse expenditures unsatisfactory with requirements prescribed in Clause 2 Article 12 of the Law on State budget, and take responsibility for their own decisions as prescribed by law and promptly inform relevant agencies, organizations and units. If an agency, organization or unit receiving the refusal disagrees with the decision of the finance authority or State Treasury, it may send a report to the agency that gives estimate directly and superior finance agency or State Treasury for consideration.

2. Finance authorities are entitled to suspend budgets, other than expenditures on wage, allowances, social subsidies, scholarships, and other urgent expenditures as prescribed by the Ministry of Finance, of agencies, organizations and units at the same level that fail to adhere to regulations on accounting, statement, or other financial statement, and take responsibility for their decision. The finance authority shall notify managing agency of the agency, organization, or unit subject to the suspension of the decision on suspension of budget.

3. Capital and fund shall be advanced as prescribed in Clause 2 and Clause 3 Article 56 of the Law on State budget and the amount of advanced capital shall be recovered immediately when the conditions for expenditures are satisfied as prescribed.

4. Obligatory expenditures which are made recurrently must be divided equally during a year; obligatory expenditures on capital expenditure, procurement, major repair and other non-recurrent expenditures shall be covered by certain sources on schedule and within the given budget estimate.

5. State budget’s expenditures shall be made in the form of direct payments from State Treasuries to person receiving wages, allowances, subsidies and providers of goods and services. With regard to expenditures unsatisfactory with conditions for direct payments from State Treasuries, the budget-using unit shall make advances of funding to pay these expenditures according to the given budget estimate, and then make payments with State Treasuries as prescribed by the Ministry of Finance.

With regard to expenditures funded by external borrowings of the Government, grant aid specified in granting agreement which stipulates direct disbursement through corporate banking to programs and projects, those expenditures shall be controlled in accordance with instructions of the Ministry of Finance and included in State budget regularly as prescribed in Clause 2 Article 32 and Clause 1 Article 33 of this Decree.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) An investor shall, according to the estimate of facilities or work items decided by the competent authority and the given budget estimate, finished quantity value and conditions for budget expenditures, submit an application for payment or application for advance to the State Treasury if the conditions are satisfied as prescribed respectively in Clause 2 Article 12 or Clause 2 Article 56 of the Law on State budget;

b) The State Treasury shall inspect the estimate balance and legitimacy of documents submitted by the investor and conditions prescribed in Clause 2 Article 12 or applications for advances as prescribed in Clause 2 Article 56 of the Law on State budget, and then disburse and record budget expenditures as prescribed.

7. Expenditures on management according to achievement of objectives:

a) According to the given budget estimate, contract, schedule, quantity, and quality of the achievement of objectives, services, products, the head of budget-using unit shall make a decision on expenditure and take responsibility for his/her decision, and submit an application for payment or advance to the State Treasury where the payment or advance is made as prescribed;

b) The State Treasury shall inspect the estimate balance and the legitimacy of the application, disburse and record the expenditure or advance as prescribed.

8. Recurrent expenditures:

a) According to the conditions for budget expenditure and progress of work, the head of budget-using unit shall make decision on expenditure, and submit an application for payment or advance to the State Treasury where the payment or advance is made as prescribed;

b) The State Treasury shall inspect the estimate balance and legitimacy of application and conditions prescribed in Clause 2 Article 12, and then disburse and record budget expenditure or advance as prescribed.

9. Additional funding provided from superior budgets to inferior ones shall be made at State Treasuries.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Expenditures on authorization shall be paid by the authorized entity as prescribed in Clauses 6, 7, and 8 of this Article;

b) The State Treasury and the authorizing entity shall do accounting and make a separate report on expenditures on authorization.

11. Expenditures on payment of interests, charges and other expenses associated with State budget’s loans shall be consistent with Article 35 of this Decree.

12. The Ministry of Finance shall provide guidelines for procedures, accounting, and control of recurrent expenditures, capital expenditures, expenditures on debt repayment, enterprise subsidies and obligatory expenditures with particular characteristics of State budget, provision of additional funding from superior budgets to inferior ones.

Article 35. Management, accounting, and repayment of State budget’s loans

1. Outstanding interests, charges, and other expenses associated with State budget’s loans shall be paid according to their occurrence and within the given budget estimate.

2. Principal of due loans shall be paid on due date as specified in the commitment, concluded contract and within the given budget estimate decided by the competent authority as prescribed in Clause 1 Article 5 of this Decree.

3. Accounting of expenditures on debt repayment:

a) Expenditures on payment of interests, charges, and expenses associated with loans shall be included in State budget’s expenditure;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) The Ministry of Finance shall provide guidelines for accounting of principal repayment; payment of interests, charges and other expenses associated with State budget’s loans.

Article 36. Organizing state budget management

1. Finance authorities have the responsibility to maintain sources for making expenditures according to budge estimates. Temporary deficit in government budgets:

a) In case of temporary deficit in central government budget: The Ministry of Finance shall provide an advance funding from the central financial reserve fund and other legitimate financial sources, including issuance of State Treasury bills and such advance funding must be returned within the budget year. If the financial reserve fund and other sources cannot cover the deficit, the Ministry of Finance shall provide advance funding from the State Bank of Vietnam under a decision of the Prime Minister as prescribed in Clause 1 Article 58 of the Law on State budget;

b) In case of temporary deficit in a provincial budget: The People’s Committee of province shall provide an advance funding from provincial financial reserve fund and other legitimate financial sources and such advance funding must be returned within the budget year. If the financial reserve fund and other sources cannot cover the deficit, the People’s Committee of province shall send a report to the Ministry of Finance to provide advance funding from central financial reserve fund or central government budget advance, and such funding must be returned within the budget year;

c) In case of temporary deficit in a district budget: The People’s Committee of province shall, according to a request of the People’s Committee of district, provide an advance funding from provincial financial reserve fund and other legitimate financial sources and such advance funding must be returned within the budget year;

d) In case of temporary deficit in a commune budget: The People’s Committee of district shall, according to a request of the People’s Committee of commune, provide an advance funding from district financial reserve fund and such advance funding must be returned within the budget year. If the district budget cannot cover the deficit, the People’s Committee of district shall request the People's Committee of province to provide advance funding from provincial financial reserve fund or central government budget advance, and such funding must be returned within the budget year.

2. During the enactment of state budget, if the revenue is expected to be lower than the estimated revenue decided by the National Assembly or People's Council, the Government shall request Standing Committee of the National Assembly to decide adjustments to some expenditures, and then submit a report to the National Assembly at the nearest meeting; the People’s Committee shall request Standing Committee of the People’s Council at the same level to decide adjustments to local government budget estimate and submit a report to the People’s Council at the nearest meeting as prescribed in Point a Clause 2 and Point a Clause 3 Article 52 of the Law on State budget.

3. The budget estimates given to budget-using units shall be adjusted as prescribed in Article 53 of the Law on State budget.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Financial reserve funds are used to cover State budget’s expenditures in accordance with Point c Clause 2 Article 11 of the Law on State budget and Article 8 of this Decree.

6. At the end of the budget year, in case of revenue increase and expenditure decrease, the Ministry of Finance shall send a report to the Government, then the Government shall forward it to the Standing Committee of National Assembly, local finance authority shall send a report to the People’s Committee, the People’s Committee shall forward it to the Standing board of People’s Council at the same administrative level to decide the amount of additional estimate and revenue increase; allocate and use revenue increase and expenditure decrease as prescribed in Clause 2 Article 59 of the Law on State budget.

7. Bonus for excess revenues distributed between central government budget and local government budgets shall be given as prescribed in Point a Clause 4 Article 59 of the Law on State budget and the following rules must be satisfied:

a) Total revenue of central government budget is greater than the estimate decided by the National Assembly;

b) Bonus rate does not exceed 30% of revenue increase which central government budget may retain. Nevertheless, the bonus must not exceed the last year’s revenue increase. Bonus given to each locality shall be given according to total revenues distributed in the locality, not each revenue separately.

8. According to the level of bonus decided by Standing Committee of the National Assembly, the People’s Committee of the province shall request the People’s Council at the same level to use the bonus to make investment in infrastructure projects, performance of important tasks, and giving bonus to inferior budgets.

Article 37. Rules, criteria, conditions and power to decide advance funding from next year’s budget

1. Rules for advancing next year’s funding:

a) When allocating the next year’s budget estimate, the advance funding must be recovered in full. Otherwise, next year’s advance funding is not permitted;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Criteria for advance funding from next year’s budget:

a) Projects of national importance;

b) Urgent projects and facilities of capital construction of central and local governments.

3. Conditions for advancing next year’s funding:

a) Ensure the balance of budget funding of each level;

b) Projects and facilities of capital construction must satisfy conditions as prescribed by law on public investment and construction of the plan for midterm investment of state budget that is approved and accelerate progress;

c) There is no balance of advance funding;

d) An investor of a project or facility of capital construction eligible for advance funding from next year’s budget must provide documents on necessity of advance funding.

4. Power to decide advance funding from next year’s budget:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The People’s Committees of provinces and district shall decide its advance funding from next year’s budget; submit biannual reports to Standing Committee of the People’s Council and to the People’s Council at the nearest meeting.

Article 38. Management and use of budget by budget-using units

1. Ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, other agencies of central and local government shall provide guidelines, inspect, and monitor the enactment of budget within the fields under their management and the enactment of budget of affiliated entities; submit periodic reports on receipts and expenditures and other financial statement as prescribed by law.

2. Heads of budget-using units are responsible for management and use of their budgets according to given estimates, ensure efficiency, frugality, adherence to policies, standards, and limits on budget expenditures; send periodic reports on enactment of the given budget estimate to their superior authorities.

3. The person in charge of finance – accounting of the budget-using unit has the responsibility to adhere to regulations on budget – finance management, state accounting, internal inspection, prevent, discover violations and request the head of the unit or a finance authority at the same level to take punitive actions.

4. Heads of agencies, units, organizations and persons in charge of finance and/or accounting at budget-using units prescribed in Clauses 1, 2, and 3 of this Article shall adhere to their duties and entitlements to state budget – finance and take responsibility for misconducts within their competence.

Article 39. Opening accounts at State Treasuries

1. Budget-using units and organizations funded by state budget regularly must open accounts at State Treasuries and be subject to the inspection and control of finance authorities and State Treasuries during the payment and funding use progress. If a budget-using unit or an organization funded by state budget regularly is permitted to open an account at a bank for the purpose of concentrating revenues, they must be managed and used as prescribed by law.

2. Assign the Ministry of Finance to provide guidelines for opening accounts at State Treasuries.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. State Treasury shall open accounts at the State Bank of Vietnam and commercial banks for the purpose of concentrating revenues and expenditures of state budget.

2. A bank at which the State Treasury opens its account shall ensure the payment, regulate cash and foreign currencies adequately and promptly according to obligatory revenues and expenditures of state budget.

3. The bank shall pay interests on deposits of the State Treasury at the bank similarly to business entities; payments of State Treasury made through the State Treasury shall incur charges as prescribed by law.

Article 41. Report on enactment of state budget

1. Agencies, organizations and units shall submit reports on enactment of state budget as prescribed in Article 60 of the Law on State budget.

2. Forms and deadlines for reports prescribed in Clauses 1, 2, 3, 4, 5, 6, and 7 Article 60 of the Law on State budget shall be prescribed by the Ministry of Finance.

3. Forms and deadlines for reports prescribed in Clause 8 Article 60 of the Law on State budget shall be prescribed in a resolution of the Standing Committee of National Assembly on promulgation of regulations on making, assessment, and submission of state budget estimates, plan for allocation of central government budget to National Assembly for decision and ratification of statement of state budget.

Chapter V

ACCOUNTING, AUDIT, AND STATEMENT OF STATE BUDGET

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. At the end of the budget year, agencies, organizations, and units related to budget revenue and expenditure shall close accounting books and make state budget statement according to the given budget estimates and State budget entries. The Ministry of Finance is assigned to stipulate the system of State budget entries.

2. The accounting books shall be closed meeting the following requirements:

a) Revenues of budgets of previous years which are paid from January 1 of the next year shall be recorded in the next year’s revenues, other than revenues prescribed in Clause 4 hereof;

b) When the deadline for adjusting state budget statement expires, estimated expenditures, including additional expenditures in the year that are not enacted or completely enacted, except for the expenditures which are permitted to be carried over to the next year shall be enacted as prescribed in Article 43 of this Decree;

c) Advances in the budget estimate shall be paid until the deadline for adjusting state budget statement; if the conditions for payment are not satisfies when the deadline for adjusting state budget statement expires, the procedures below shall be followed:

The advances, if being permitted as prescribed in Article 43 of this Decree, shall be carried over to the next year;

The advances, if not being permitted as prescribed in Article 43 of this Decree, shall be paid to state budget before February 15 of the next year. If the unit fails to pay to state budget, the State Treasury shall recover the advances by deducting expenditures in sorted fields in next year’s budget estimates, if the next year’s budget estimate fails to provide such expenditures or provide but less than the amounts recoverable, the State Treasury shall notify the finance agency at the same level;

d) Temporarily collected/withheld accounts shall be settled as prescribed by competent authorities. Until the end of December 31, if the balances of temporarily collected/withheld accounts are not settled by the competent authorities, they shall be carried over to the next year for monitoring and settlement as prescribed by law;

dd) Until the end of December, materials and goods in stock at budget estimate units shall be subject to stocktaking as prescribed in according to applicable regulations and processed as follows: The value of materials and goods in stock shall be recorded in the previous year’s budget expenditures. If they are kept using for the next year, they shall be monitored closely with separate reports. If they are not kept using for the next year, a council shall be established to sell those materials and goods and make payments to state budget; those of public service providers shall be used as prescribed;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The deadline for adjusting state budget statement is January 31 of the next year.

4. During the period of adjusting statements, agencies, units, organizations and budget levels shall follow the regulations below:

a) Do accounting of revenues and expenditures arising from December 31 or earlier whose documents are circulated;

b) Do accounting of advances which satisfy conditions for spending, payments for works and quantity made from December 31 or earlier given in the budget estimates;

c) Adjust nonconformities during the accounting.

Article 43. Expenditures carried over to next year’s budget

1. The estimated expenditures that are not enacted or completely enacted, advances in estimates or balance of deposit accounts that are not enacted or completely used, upon expiry of deadline for adjusting statements, shall be carried over to the next year include:

a) Capital expenditure carried over to the next year’s budget according to the Law on Public Investment. In exceptional circumstances, the Prime Minister shall decide the permission for carrying expenditure over to the year succeeding the next year, provided not exceeding expiry of disbursement of the project in the plan for midterm public investment;

b) Expenditures on equipment purchase that have adequate documents and purchase contracts signed before December 31 of the enactment year; expenditures on additional or covering purchase of national reserves goods;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Autonomous budgets of public service agencies and regulatory agencies; grant aid specified in obligatory expenditures;

dd) Estimates added by competent authorities after September 30 of the enactment year, excluding additional amounts provided for inferior budget estimate units by superior budget estimate units upon the adjustment of statement;

e) Funding for scientific research which is provided for subjects scientific research projects decided by competent authorities during the enactment period.

2. The usable revenue increases and expenditure decreases prescribed in Clause 2 Article 59 of this Law may be carried over to next year's budget if permitted by a competent authority.

Article 44. Requirements and procedures applied to state budget statement

1. The making of state budget statement must meet requirements prescribed in Article 65 of the Law on State budget.

2. With regard to a budget-using unit that enact state budget management according to achievement of objectives, the actual expenditure for the purpose of achievement of objectives shall be accounted for in the budget.

3. Procedures for making, examination, and assessment of budget statement of a budget estimate unit:

a) The budget-using unit shall make a budget statement as prescribed and submit it to its superior budget estimate unit. In a case where the inferior agency receives authorized funding from a superior agency, it must submit a statement of the use of such funding to the authorizing agency;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) The budget estimate unit level I shall consider the budget statement of the inferior budget estimate unit and provide it with results; then submit a consolidated budget statement under its scope of management to the finance authority at the same level;

d) The finance authority shall assess the budget statement submitted by inferior budget estimate units level I and provide assessed units with results. If the budget estimate unit level is also a budget-using unit, the finance authority shall consider the statement and provide the assessed unit with results.

4. Procedures for making and assessment of budget statement applied to capital construction projects/programs, projects of national importance, scientific research programs/projects/subjects and national target programs:

a) At the end of the budget year: investors of capital construction projects/programs, projects of national importance, scientific research programs/projects/subjects and national target programs shall make statements of the capital sources, state budget capital, use of capital, amount of works completed and paid for in the year; send it to the provider of capital construction, supervisory agency of the investor, and the finance authority at the same level. When the capital construction program/project or project of national importance is finished: make a statement of capital sources and state capital enclosed with explanation of use of capital; send it to the provider of capital construction and the agency competent to examine the budget statement of capital construction projects/programs, projects of national importance, scientific research programs/projects/subjects as prescribed;

b) Agencies, organizations, and units provided with expenditure estimate of national target programs shall make a statement of the given budget estimate as prescribed, and submit it the superior agency for prepare a consolidate report for the agency in charge of management of the national target programs;

c) With regard to national target programs and projects of national importance the investment contents of which are decided by the National Assembly, the budget statement must be submitted to the Government for consideration and submission to the National Assembly apart from the regulations in Point a and Point b of this Clause.

5. Procedures for statement of commune budgets:

a) The People’s Committee of commune shall make a statement of state budget revenue in the given administrative division and statement of revenues and expenditures of commune budgets and send them to the socio-economic board of People's Council of commune for assessment and the finance authority of district;

b) The People’s Committee of commune shall submit the budget statement to the Standing board of People’s Council of commune for consultation. Upon receipt of consultation of the Standing board of People’s Council of commune, the People’s Committee of commune shall submit the budget statement to the People’s Council of communes for ratification;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. Procedures for statement of district budgets:

a) The finance authority of district shall assess the statement of receipts and expenditures of the commune budget ratified by People’s Council of commune; assess and examine the budget statements of inferior budget estimate units level I; submit a consolidate statement of state budget revenues in the district and statement of receipts and expenditures of the district budget to the People’s Committee of district, then send them to the socio-economic board of the People’s Council of district for assessment and to the Service of Finance;

b) The People’s Committee of district shall submit the budget statement to the Standing board of People’s Council of district for consultation. Upon receipt of consultation of the Standing board of People’s Council of district, the People’s Committee of district shall submit the budget statement to the People’s Council of district for ratification;

c) Within 05 working days, from the date on which the budget statement of district is ratified, the People’s Committee of district shall send it to People’s Committee of province and the Service of Finance.

7. Procedures for statement of provincial budget:

a) The Service of Finance shall assess the statement of the district budget ratified by People’s Council of district; assess and examine the budget statements of inferior budget estimate units level I; submit a consolidate statement of state budget revenues in the province and statement of revenues and expenditures of the province budget to the People’s Committee of province, then send them to the socio-economic board of the People’s Council of province for assessment and to the Ministry of Finance, State Audit Office;

b) The People’s Committee of province shall submit the budget statement to the Standing board of People’s Council of province for consultation. Upon receipt of consultation of the Standing board of People’s Council of province, the People’s Committee of province shall submit the budget statement to the People’s Council of province for ratification;

c) Within 05 working days, from the date on which the budget statement of province is ratified, the People’s Committee of province shall send it to the Ministry of Finance and State Audit Office.

8. Procedures for statement of state budget:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The People’s Committee of each province shall submit its provincial budget statement to the Ministry of Finance and State Audit Office of Vietnam before October 01 of the next year;

c) The Ministry of Finance shall assess and examine statement of revenues and expenditures of budget estimate units level I of the central government budget;

d) Based on the result of verification of budget statements of budget estimate units level I of central government budget, and local government budget statements ratified by the People’s Councils of provinces, the Ministry of Finance shall make a statement of central government budget, submit it to government and State Audit Office of Vietnam within 14 months after the end of the budget year;

dd) Procedures for assessment of agencies of the National Assembly related to state budget statement shall be prescribed in a resolution of the Standing Committee of National Assembly on promulgation of regulations on making, assessment, and submission of state budget estimates, plan for allocation of central government budget to National Assembly for decision and ratification of statement of state budget;

e) The National Assembly shall consider approving the statement of central government budget within 18 months form the end of the budget year.

Article 45. Forms of state budget statement

1. Forms of state budget statement of agencies of the Government which are submitted to the National Assembly shall be prescribed in a resolution of the Standing Committee of National Assembly on promulgation of regulations on making, assessment, and submission of state budget estimates, plan for allocation of central government budget to National Assembly for decision and ratification of statement of state budget.

2. The Ministry of Finance is assigned to provide guidelines for forms of state budget statements.

Chapter VI

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 46. Entities and scope of publishing of state budget

1. Entities required to publish budget include:

a) State budget levels,

b) Budget estimate units;

c) Organizations funded by state budget;

d) Capital construction programs/projects funded by state budget.

2. Collecting authorities, finance authorities, and State Treasuries shall publish state budget procedures.

Article 47. State budget contents to be published

1. Contents of state budget and central government budget to be published:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Balance of revenues and expenditures of state budget;

State budget revenues in sorted fields and according to types of taxes;

State budget expenditures, including development investment expenditures, recurrent expenditures, expenditure on loan interests and aid, additional contribution to financial reserve funds, and budget reserve;

State budget deficit; total loan of state budget, including loans for covering state budget deficit and loans for repayment of principal of state budget;

Central government budget expenditures according to specific fields; total amount and specific amounts in sorted fields for each of Ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, other agencies of central government; central government budget expenditures on national target programs;

State budget revenues in administrative divisions, local government budget expenditures, additional funding for balancing budget, provision of dedicated additional funding from central government budget to budgets of each province and central-affiliated city; ratio of distribution of revenues between central government budgets and budgets of each province and central-affiliated city;

b) Publish data and description of enactment of estimates of budget revenue and expenditure, including balance of revenues and expenditures, state budget revenues in sorted fields, state budget expenditures by development investment expenditures and recurrent expenditures.

2. Contents of local government budgets to be published:

a) data and description of state budget estimates submitted to the People’s Council; state budget estimates decided by the People’s Council; state budget statements ratified by the People’s Council, including:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Balance of revenues and expenditures of local government budgets;

Local budget revenues permitted to retain;

Local budget expenditures, including development investment expenditures, recurrent expenditures, expenditure on loan interests and aid, additional contribution to provincial budgets, and budget reserve;

Budget expenditures according in sorted fields; total amount and specific amounts in sorted fields for each of inferior agencies and units, capital construction expenditures in their budgets for each of projects and works; expenditures on national target programs;

State budget revenues in administrative divisions of each inferior local governments, expenditures provided for inferior budgets, additional funding for budget balancing and provision of dedicated additional funding to inferior budgets;

Ratio of distribution of revenues between levels of local government budgets to each of budget levels in the budget stability period;

b) Publish data and description of enactment of budget revenue estimates in the administrative divisions, local budget revenue estimates, local budget expenditure estimates.

3. Data and description of budgets in the fields of national defense and security and national reserve shall be consistent with Point a Clause 1 Article 15 of the Law on State budget.

4. Contents of publishing state budget procedures shall be consistent with Point b Clause 2 Article 15 of the Law on State budget.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Regarding budget estimate units:

a) Estimates of budget revenue and expenditure given by competent authorities, enactment of budget estimates and budget statement approved by competent authorities;

b) Estimates of budget revenue and expenditure provided for inferior budget estimate units; publishing of budget statements of inferior budget estimate units that are approved or assessed.

2. Organizations funded by state budget shall publish data of estimates of budget revenue and expenditure given by competent authority, enactment and statement of revenues and expenditures, contribution of organizations and individuals; basis for determining funded subsidy levels and amounts.

3. Publish budget related to capital construction programs/projects funded by state budget as prescribed in the Law on public investment and relevant law provisions.

Article 49. Deadline for publishing budget

1. Every state budget estimate must be published within 05 working days from the day on which it is sent by the government to members of the National Assembly or by the People’s Committee to the People’s Council.

2. Reports on state budget estimates approved by competent authorities, state budget statements approved by competent authorities must be published within 30 days from the day on which they are issued.

3. Quarterly and biannual reports on state budget enactment must be published within 15 days from the ending day of the quarter or half-year period.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Publish estimates of budget estimate units and organizations funded by state budget within 15 days, from the date on which the competent authority give such estimates; publish the budget enactment of the year of budget estimate units within 5 working days from the date on which they send reports to their superior budget estimate units; publish budget statement of budget estimate unit within 15 days, from the date on which it is approved or assessed by competent authority.

6. Publish government budget procedures within 5 working days from the date on which the competent authority promulgates relevant regulations.

Article 50. Publish result of processing proposals of State Audit Office

1. Contents to be published:

a) Contents completed according to the proposals of State Audit Office;

b) Contents uncompleted according to the proposals of State Audit Office and explanation thereof.

2. Publish result of processing proposals of State Audit Office within 30 days from the date on which a document is promulgated.

Article 51. Manners, criteria and forms of publishing budget

1. State budget shall be published in one or some of the following manners: announcement at meetings; posting at offices; issued in publications; written notifications to relevant organizations and individuals; posting on websites; announcement through the media. Any organization having a website shall publish the budget on its website.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 52. Supervision of state budget by the public

1. Vietnamese Fatherland Front shall take charge and cooperate with members in organizing supervision of state budget by the public.

2. Vietnamese Fatherland Front, directly or authorize members to, receive information and requests for supervision; take charge of formulating plan and implementation of the supervision of state budget in accordance with the plan and regulations of law.

3. The supervision contents shall be consistent with Points a, b, and c Clause 1 Article 16 of the Law on State budget.

4. Supervision manners:

a) Study and examine documents of competent authorities in respect of state budget in connection with legitimate rights and interests of the people;

b) Organize supervision delegations;

c) Cooperate with competent authorities in supervision;

dd) Supervise through operation of people's inspection boards established at commune level, investment supervision board of the community.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Provide information and documents according to supervision contents to Vietnamese Fatherland Front at various levels;

b) Provide explanation and process requests of the people sent to Vietnamese Fatherland Front at various levels and send reports on issues beyond their competence to competent authorities;

c) Publish result and explanation for requests of the people, proposals of Vietnamese Fatherland Front at various levels in terms of supervisory activities.

Chapter VII

IMPLEMENTATION

Article 53. Transitional clause

1. Budget statements of 2015 and 2016 shall apply regulations on the Law on State budget No. 01/2002/QH11 and the Government's Decree No. 60/2003/ND-CP dated June 6, 2003 on guidelines for the Law on State budget.

2. The budget stability period of 2011 and 2015 shall last until the end of 2016. The following budget stability period shall begin from 2017 to 2020.

3. Any province having mobilized debit balance, until December 31, 2016, exceed the loan balance limit prescribed in the Law on State budget, in the budget estimates of 2017and following years, the source of local budget revenues which may retain according to decentralization, decrease planned expenditures on midterm public investment to increase expenditures on principal payment and ensure that the loan balance does not exceed the loan balance prescribed in the Law on State budget.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. This Decree comes into force from January 1, 2017 and applies from budget year 2017.

2. The Government's Decree No. 60/2003/NĐ-CP dated June 6, 2003 on guidelines for the Law on State budget shall be annulled.

Article 55. Implementation

1. The Minister of Finance shall provide guidelines for implementation of this Decree.

2. Ministers, Heads of ministerial-level agencies, Governmental agencies, other agencies of central government and the Presidents of the People’s Committees of provinces and central-affiliated cities shall implement this Decree./.

 

 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PRIME MINISTER




Nguyen Xuan Phuc

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 hướng dẫn Luật ngân sách nhà nước

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


541.251

DMCA.com Protection Status
IP: 18.119.122.206
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!