ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 95/KH-UBND
|
Hà Tĩnh, ngày 11
tháng 3 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN KẾT LUẬN SỐ 120-KL/TU NGÀY 27/12/2023 CỦA
BAN THƯỜNG VỤ TỈNH ỦY VỀ KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC VÀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC
TRONG CÔNG TÁC CÁN BỘ
Thực hiện Kết luận số 120-KL/TU
ngày 27/12/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kiểm soát quyền lực và phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ (sau đây gọi tắt là Kết luận số
120-KL/TU); xét đề nghị của Sở Nội vụ tại Văn bản số 188/SNV-XDCQ&TCBC
ngày 29/01/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Tổ chức quán triệt,
thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kết luận số 120- KL/TU và các quy định, nghị
quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật Nhà nước, các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của
Trung ương nhất là của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu
cực trong công tác cán bộ, tạo chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của
lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động các cơ quan, đơn vị, địa
phương về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công
tác cán bộ. Chú trọng quán triệt làm rõ và nghiêm cấm các hành vi lợi dụng, lạm
dụng chức vụ, quyền hạn, các hành vi chạy chức, chạy quyền, các hành vi tiêu cực
trong công tác cán bộ.
2. Xác định rõ trách nhiệm
của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tổ
chức thực hiện Kết luận số 120-KL/TU đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, quản lý đồng
bộ, thống nhất của chính quyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác cán bộ.
3. Các cơ quan, đơn vị,
địa phương căn cứ Kết luận số 120-KL/TU và Kế hoạch UBND tỉnh xây dựng chương
trình, kế hoạch cụ thể, triển khai đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả, góp phần kiểm
soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
II. NHIỆM VỤ,
GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Xây dựng
kế hoạch, tổ chức nghiên cứu, triển khai, quán triệt các nội dung Kết luận số
120-KL/TU
- Chủ trì thực hiện: các cơ
quan, đơn vị, địa phương;
- Cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo: đề
nghị tổ chức Đảng và cấp ủy cùng cấp của các cơ quan, đơn vị, địa phương;
- Phương pháp triển khai: các cơ
quan, đơn vị, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai, nghiên
cứu, quán triệt các nội dung của Kết luận số 120- KL/TU phổ biến đến tận cán bộ,
công chức, viên chức và người lao động;
- Thời gian thực hiện: hoàn
thành trong Quý I/2024.
2. Tham mưu
hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát quyền lực và phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ bảo đảm thống nhất, đồng bộ, liên
thông phù hợp với thực tiễn
- Chủ trì: Sở Nội vụ;
- Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp,
các cơ quan, đơn vị, địa phương;
- Phương pháp triển khai:
+ Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp
các cơ quan, đơn vị, địa phương tham mưu UBND tỉnh triển khai luật và các văn bản
của Chính phủ, bộ, ngành về nội dung liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức
(sau khi được ban hành, sửa đổi, bổ sung); thường xuyên rà soát, kiến nghị các
cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật
liên quan đến kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong
công tác cán bộ; tham mưu các văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát quyền lực
và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ trình UBND tỉnh ban
hành theo thẩm quyền. Nghiên cứu tham mưu sửa đổi, điều chỉnh các quy định về
công tác cán bộ thuộc thẩm quyền theo hướng phân công, phân cấp, ủy quyền hợp
lý, đảm bảo tính chủ động cho cấp dưới trong bố trí, điều động, tiếp nhận cán bộ,
công chức, viên chức, cụ thể: sửa đổi, điều chỉnh, bổ sung Quyết định số
55/2021/QĐ-UBND ngày 31/12/2021 của UBND tỉnh ban hành Quy định quản lý tổ chức
bộ máy, biên chế, cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan hành chính, đơn vị
sự nghiệp công lập và người quản lý doanh nghiệp nhà nước, kiểm soát viên, người
đại diện phần vốn nhà nước thuộc UBND tỉnh.
+ Sở Tư pháp theo chức năng,
nhiệm vụ và quyền hạn, thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên
quan trước khi trình UBND tỉnh xem xét, ban hành theo thẩm quyền.
+ Các cơ quan, đơn vị, địa
phương có trách nhiệm rà soát, bổ sung, sửa đổi, ban hành hoặc kiến nghị cấp có
thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực và
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Tham gia góp ý có chất
lượng đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quy định về kiểm soát quyền lực
và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ khi được cơ quan chủ
trì soạn thảo đề nghị.
- Thời gian thực hiện: thường
xuyên, bắt đầu từ Quý I/2024.
3. Xây dựng
kế hoạch và tổ chức thực hiện việc luân chuyển cán bộ thuộc thẩm quyền theo Quy
định số 65-QĐ/TW ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị, Quy định số 15-QĐ/TU ngày
22/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về luân chuyển cán bộ, Kết luận số
120-KL/TU; chuyển đổi vị trí công tác theo Luật Phòng, chống tham nhũng và các
văn bản hướng dẫn thi hành Luật
- Chủ trì thực hiện: các cơ
quan, đơn vị, địa phương;
- Cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo: đề
nghị tổ chức Đảng và cấp ủy cùng cấp của các cơ quan, đơn vị, địa phương;
- Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ,
Thanh tra tỉnh;
- Phương pháp triển khai: các
cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động phối hợp với Sở Nội vụ, Thanh tra tỉnh và
các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc luân chuyển
cán bộ theo thẩm quyền tại Quy định số 65- QĐ/TW ngày 28/4/2022 của Bộ Chính trị,
Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực và
phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ; Quy định số 15-QĐ/TU
ngày 22/9/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kết luận số 120-KL/TU; chuyển đổi vị
trí công tác theo Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi
hành Luật; các văn bản của UBND tỉnh: số 7886/UBND-NC2 ngày 24/11/2021 về việc
xây dựng kế hoạch điều động, luân chuyển công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh
đạo, quản lý và số 2527/UBND-NC2 ngày 19/5/2022 về thực hiện điều động, luân
chuyển công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
- Thời gian thực hiện: thường
xuyên.
4. Tăng cường
thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác
cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực
- Chủ trì thực hiện: các cơ
quan, đơn vị, địa phương.
- Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ,
Thanh tra tỉnh;
- Phương pháp thực hiện: các cơ
quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình chịu
trách nhiệm tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên
sau đây:
+ Rà soát đội ngũ cán bộ, công
chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của các cơ quan, đơn vị, địa phương
đáp ứng được các tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, uy tín, khả năng
làm việc, phù hợp về độ tuổi, tỷ lệ nữ, tỷ lệ trẻ, có tính đến kế thừa và chuyển
tiếp trong từng giai đoạn cụ thể;
+ Tập trung siết chặt kỷ luật,
kỷ cương, kiên quyết xóa bỏ tệ chạy chức, chạy quyền; ngăn chặn và đẩy lùi tình
trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, Đảng viên; đồng
thời chú trọng tạo lập môi trường làm việc dân chủ, cạnh tranh, bình đẳng, tạo
mọi điều kiện để phát huy trí tuệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, hoàn thiện cơ chế
bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung;
+ Đẩy mạnh công tác kiểm tra,
giám sát, thanh tra định kỳ, đột xuất theo chuyên đề, chuyên ngành của cấp trên
đối với cấp dưới, đặc biệt là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc
lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác cán bộ theo phân cấp quản lý. Coi trọng cảnh
báo, phòng ngừa và xử lý sai phạm; thực hiện sàng lọc, thay thế những cán bộ uy
tín thấp, không hoàn thành nhiệm vụ. Tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát
chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền; phòng,
chống tham nhũng, tiêu cực;
+ Xử lý kịp thời, nghiêm minh
những tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lợi dụng
quyền lực để thực hiện những hành vi sai trái trong công tác cán bộ hoặc tiếp
tay cho chạy chức, chạy quyền. Hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về
công tác cán bộ, đồng thời xử lý nghiêm theo quy định đối với những tổ chức, cá
nhân sai phạm, không có “vùng cấm”. Xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân
và người đứng đầu trong việc vi phạm chuyển đổi vị trí công tác theo quy định.
- Thời gian thực hiện: thường
xuyên.
III. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Giám đốc các sở, Thủ
trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã thực
hiện nghiêm Kết luận 120-KL/TU và Kế hoạch này; chấp hành nghiêm và thường
xuyên chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định, kết luận, nghị
quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật Nhà nước về kiểm soát quyền lực và phòng, chống
tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Định kỳ hằng năm báo cáo kết quả thực
hiện về Sở Nội vụ trước ngày 15/11 để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và các cơ
quan có thẩm quyền theo quy định.
2. Sở Nội vụ thường
xuyên theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc việc triển khai thực hiện của các cơ quan,
đơn vị, địa phương; đột xuất (nếu có yêu cầu) và định kỳ vào ngày 15/12 hàng
năm; chủ động tham mưu sơ kết, tổng kết việc thực hiện Kế hoạch này và Kết luận
số 120-KL/TU; tổng hợp báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh và cơ quan có thẩm quyền
các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện đồng bộ và có hiệu quả.
Trong quá trình tổ chức thực hiện,
nếu cần sửa đổi, bổ sung những nội dung thuộc Kế hoạch này, các cơ quan, đơn vị,
địa phương đề xuất, gửi Sở Nội vụ tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- TTr Tỉnh ủy; TTr HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Ban, UBKT, VP - Tỉnh ủy;
- Ủy ban MTTQ tỉnh;
- Các Ban HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- Các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh;
- Huyện ủy, thành ủy, thị ủy;
- UBND các huyện, TP, TX;
- Các doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh;
- Trung tâm CB-TH tỉnh;
- Lưu: VT, NC2.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Hồng Lĩnh
|