Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Kế hoạch 215/KH-UBND 2022 khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo Lào Cai 2023

Số hiệu: 215/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai Người ký: Giàng Thị Dung
Ngày ban hành: 10/06/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÀO CAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 215/KH-UBND

Lào Cai, ngày 10 tháng 6 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ, ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NĂM 2023

Thực hiện Văn bản số 683/BKHCN-KHTC ngày 31/3/2021 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch khoa học, công nghệ (KH&CN), đổi mới sáng tạo và dự toán ngân sách năm 2023, UBND tỉnh Lào Cai ban hành kế hoạch khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và dự toán ngân sách KH&CN năm 2023 như sau:

A. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN KẾ HOẠCH KH&CN và ĐỔI MỚI SÁNG TẠO, DỰ TOÁN NGÂN SÁCH KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NĂM 2022

I. Đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch KH, CN và ĐMST 06 tháng đầu năm và ước thực hiện 06 tháng cuối năm 2022 (Chi tiết tại Phụ lục 1, Biểu TK1-5 kèm theo).

1. Lĩnh vực Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản phục vụ công tác quản lý Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng ở địa phương như: Quy định quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa; Quy định quản lý nhà nước về hoạt động đo lường trên địa bàn tỉnh; Quy chế phối hợp trong hoạt động Thông báo và hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại tỉnh Lào cai, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội ở địa phương, đúng luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ ở các cấp, các ngành.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện, kiểm tra việc thực thi các quy định của pháp luật về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các văn bản dưới luật đã tạo được sự chuyển biến tích cực về nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, qua đó sản phẩm hàng hóa của tỉnh được minh bạch về chất lượng, đảm bảo định lượng về đo lường, tạo được giá trị kinh tế khi tham gia vào thị trường nội địa và xuất khẩu; Hoạt động tuyên truyền phổ biến kiến thức về năng suất chất lượng bước đầu đã đạt được hiệu quả tích cực và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như ISO 9001, ISO 22000, HACCP trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tổ chức thực hiện công tác Giải thưởng Chất lượng Quốc gia hàng năm tại địa phương theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, tạo phong trào nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa của địa phương, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Hướng dẫn hàng trăm lượt tổ chức, cá nhân xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, công bố tiêu chuẩn áp dụng, công bố sản phẩm hàng hóa phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; tiếp cận các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào hoạt động của doanh nghiệp; Phổ biến hướng dẫn tổ chức, cá nhân thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về xăng dầu, mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy, đồ chơi trẻ em, thiết bị điện, điện tử; Đôn đốc, hướng dẫn hàng trăm lượt tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện đo thực hiện đăng ký kiểm định;

Thực hiện tốt việc duy trì, bảo quản và khai thác có hiệu quả thiết bị và chuẩn đo lường để kiểm định phương tiện đo phục vụ tốt yêu cầu công tác quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Hoạt động kiểm định phương tiện đo đã đáp ứng kịp thời yêu cầu công tác quản lý nhà nước cũng như nhu cầu kiểm định của khách hàng. Nhiều phương tiện đo trước đây tỉnh Lào Cai chưa kiểm định được như taximet, xi téc ô tô, máy điện tim, điện não, máy đo X-quang… nay đã kiểm định được, ngăn ngừa tình trạng gian lận thương mại về đo lường, góp phần vào sự phát triển kinh tế xã hội ở địa phương, đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Hoạt động Thông báo và hỏi đáp về hàng rào kỹ thuật trong thương mại đã cập nhật kịp thời các tin cảnh báo, các thông tin liên quan đến rào cản thương mại được đăng tải trên Cổng thông tin của Sở giúp các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu khai thác sử dụng khi cần thiết, góp phần thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Hướng dẫn và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ sản xuất các sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào điều hành quản lý sản xuất kinh doanh các sản phẩm hàng hóa chủ lực của doanh nghiệp được công bố áp dụng tiêu chuẩn và chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn. Góp phần nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm, hàng hoá chủ lực, tạo được vị thế cạnh tranh mới cho các sản phẩm, hàng hoá chủ lực của tỉnh. Tạo thế và lực mới cho sự phát triển bền vững cho các doanh nghiệp, phong trào năng suất, chất lượng trên địa bàn tỉnh.

Thực thi quản lý theo luật, chống hàng giả, chống gian lận thương mại, tăng cường công tác giám định, công tác trọng tài… và kế hoạch công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng trong những năm tới, đưa công tác tiêu chuẩn đo lường chất lượng của tỉnh hội nhập với cả nước, khu vực và thế giới.

2. Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ và sáng kiến

- Sở hữu trí tuệ: Chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, đôn đốc các tổ chức, cá nhân thủ tục cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý, cấp phép sử dụng địa danh bảo hộ nhãn hiệu, thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm; đề xuất danh mục sản phẩm hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu.

Đã ký 05 hợp đồng thực hiện dự án: Xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm tinh dầu sả Bảo Yên, bò vàng Mường Khương, lợn đen bản địa Văn Bàn, hồng không hạt Bảo Hà và nhãn hiệu chứng nhận rau an toàn Bảo Thắng. Tổ chức có hiệu quả phiên họp Hội đồng Tư vấn KH&CN tỉnh nghiệm thu 05 dự án sở hữu trí tuệ và Thông báo kết quả họp gửi các đơn vị chủ trì thực hiện dự án hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu theo yêu cầu.

Cho phép sử dụng địa danh “Bảo Thắng” để bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Cá chép lai Bảo Thắng” tại Quyết định số 263/QĐ-UBND ngày 09/02/2022.

Đề xuất nhiệm vụ “Xây dựng, phát triển chỉ dẫn địa lý “Bắc Hà” cho sản phẩm Quế vỏ của huyện Bắc Hà và được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt tại Quyết định số 1984/QĐ-BKHCN ngày 27/7/2021 thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ cấp quốc gia thực hiện từ năm 2022.

- Hoạt động sáng kiến: Đã công nhận sáng kiến cấp tỉnh Đợt 2/2021 cho 45 sáng kiến cấp tỉnh của 81 tác giả. Đang chỉ đạo xây dựng dự thảo Quyết định Quy định hoạt động sáng kiến trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

3. Lĩnh vực an toàn bức xạ và hạt nhân

Công tác An toàn bức xạ hạt nhân được đảm bảo, quản lý tốt 49 cơ sở có sử dụng thiết bị, nguồn phóng xạ trên địa bàn tỉnh. Thẩm định hồ sơ và cấp 01 chứng chỉ nhân viên bức xạ cho người phụ trách an toàn của Bệnh xá 24, cấp 05 giấy phép tiến hành công việc bức xạ cho các đơn vị sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán y tế trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

4. Phát triển doanh nghiệp KH&CN, thị trường KH&CN

Theo dõi và quản lý việc cấp, điều chỉnh, thu hồi, gia hạn các loại giấy phép, giấy chứng nhận, giấy đăng ký hoạt động khoa học công nghệ của 11 tổ chức và 6 doanh nghiệp khoa học công nghệ.

5. Lĩnh vực thông tin và thống kê KH&CN

Ban hành một số kế hoạch và văn bản triển khai thực hiện về công tác thông tin tuyên truyền. Đã cấp 05 Giấy chứng nhận đăng ký kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ; Xử lý, cập nhật thông tin 23 nhiệm vụ khoa học và công nghệ vào cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN; Hướng dẫn và tổng hợp 18 phiếu thông tin về ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Biên tập và phát hành Bản tin số 1/2022.

6. Lĩnh vực Quản lý công nghệ và Thị trường công nghệ

Công tác thẩm định công nghệ các dự án đầu tư được quản lý chặt chẽ, giúp cho cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát được các vấn đề liên quan đến công nghệ và chuyển giao công nghệ, đảm bảo ngăn chặn nạn ô nhiễm môi trường, giúp cảnh báo cho doanh nghiệp những rủi ro liên quan đến dự án đầu tư để từ đó giúp doanh nghiệp có hướng đầu tư mới mang lại hiệu quả tốt hơn; Đã tham gia ý kiến vào hồ sơ về công nghệ và thiết bị cho 15 dự án; 10 hồ sơ thăm dò khoáng sản; 02 dự án báo cáo đánh giá tác động môi trường; 02 ý kiến vào hồ sơ thẩm định công nghệ dự án, 05 ý kiến đề xuất đầu tư dự án. Triển khai hoàn thành tốt công việc nhiệm vụ giao trong công tác hoạt động thẩm định công nghệ, cung cấp kịp thời các thông tin về cơ chế chính sách và các kết quả hoạt động thẩm định công nghệ và chuyển giao công nghệ đến các tổ chức, doanh nghiệp, thực hiện đánh giá trình độ và năng lực công nghệ sản xuất tại 10/10 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 100% kế hoạch đã đề ra.

7. Cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử trong lĩnh vực KH&CN

7.1. Công tác cải cách hành chính

Làm tốt việc cập nhật, rà soát, tiếp nhận, giải quyết TTHC trên cổng dịch vụ hành chính công. Tiếp nhận, giải quyết có hiệu quả, kịp thời, đúng thời hạn các thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Thực hiện cắt giảm 30% thời gian giải quyết theo đúng quy định.

7.2. Kết quả áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001 đối với cơ quan hành chính nhà nước theo Quyết định số 19/2014/QĐ -TTg ngày 05/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ

Ban hành và chỉ đạo các cơ quan có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch số 35/KH-UBND ngày 25/1/2022 về việc triển khai duy trì, áp dụng, cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCCN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước tỉnh Lào Cai năm 2022.

Tổ chức 02 lớp tập huấn kiến thức về Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 đối với các cơ quan, đơn vị áp dụng ISO trên địa bàn tỉnh. Kiểm tra việc thực hiện chuyển đổi Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2008 sang Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001: 2015 tại các Sở, ngành, Chi cục trên địa bàn tỉnh; UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Kết quả: Các cơ quan, đơn vị áp dụng, duy trì và cải tiến tốt HTQLCL theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001: 2015 .

8. Hoạt động sự nghiệp khoa học và công nghệ

- Dịch vụ kiểm định: khai thác và thực hiện đo điện trở tiếp địa cho 24 đơn vị, cá nhân; Kiểm định 06 máy X-quang, đo đánh giá an toàn 14 phòng máy X- quang trên địa bàn tỉnh Lào Cai, Lai Châu. Ước tính đến hết năm 2022 sẽ thực hiện đo điện trở cho 150 công trình; Kiểm định 20 máy, đánh giá 35 phòng máy X- Quang tại tỉnh Lào Cai và Lai Châu.

- Dịch vụ đánh giá sự phù hợp hàng hóa phân bón: Tiếp nhận đăng ký kiểm tra phân bón nhập khẩu: 390 lô; thử nghiệm: 443 mẫu phân bón; cấp giấy chứng nhận hợp quy cho 381 lô phân bón. Ước tính đến hết năm 2022 sẽ tiếp nhận đăng ký kiểm tra phân bón nhập khẩu: 1.200 lô; thử nghiệm: 1.388 mẫu phân bón; cấp giấy chứng nhận hợp quy cho 1.150 lô phân bón; Đánh giá mở rộng và đánh giá giám sát sản phẩm cho: Chi nhánh phân bón hóa chất-Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam, Công ty cổ phần phân lân nung chảy Lào Cai và Công ty CP DAP số 2- Vinachem.

II. TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH VỀ KH&CN VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO

1. Tình hình thực hiện chính sách về KH&CN

- Bám sát các quy định mới tại Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập. Đã đổi mới theo hướng giao quyền tự chủ cho tổ chức KH&CN, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực KH&CN; ban hành quy định cụ thể nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước cho tổ chức KH&CN theo hiệu quả hoạt động và hiệu quả đóng góp của tổ chức KH&CN công lập.

- Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 23/2020/NQ-HĐND ngày 04/12/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành quy định chính sách khuyến khích ứng dụng tiến bộ KHCN trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Chính sách khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Lào Cai nhằm khuyến khích, hỗ trợ đẩy mạnh việc ứng dụng và nhân rộng các tiến bộ KH&CN vào đời sống sản xuất, nâng cao năng lực của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất kinh doanh thông qua ứng dụng kết quả nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới, tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả, làm cho KH&CN thực sự là động lực quan trọng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong việc xã hội hoá, thu hút sự tham gia đầu tư của toàn xã hội cho các hoạt động ứng dụng KH&CN góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai.

Quy định quản lý nhiệm vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh đã giúp cho công tác quản lý nhà nước về KH&CN được chặt chẽ và hiệu lực, hiệu quả quản lý cao hơn: Các kết quả nghiên cứu có giá trị thực tiễn và giá trị ứng dụng cao hơn; Nâng cao hiệu quả xét duyệt nhiệm vụ của Hội đồng tư vấn KH&CN tỉnh; năng lực quản lý của các cơ quan liên quan đến công tác quản lý nhiệm vụ KH&CN. Ngày 04/02/2021, đã ban hành Quyết định số 11/2021/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Lào Cai và ban hành kèm theo Quyết định số 45/2017/QĐ-UBND ngày 29/12/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai.

 (Chi tiết tại Phụ lục 1, biểu TK1 -6 kèm theo).

2. Tình hình triển khai Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Nhằm tăng cường sự chủ động của các cấp, các ngành và toàn xã hội trong việc thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Lào Cai đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp tạo sự bứt phá về cơ sở hạ tầng, cơ chế chính sách, chất lượng nguồn nhân lực, môi trường khởi nghiệp sáng tạo để chủ động tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN 4.0).

Để mọi tầng lớp xã hội có cơ hội tiếp cận, hiểu về bản chất CMCN 4.0, công tác thông tin tuyên truyền về CMCN 4.0 đóng vai trò rất quan trọng. Nhận thức được điều đó, các cấp, các ngành và địa phương, các cơ quan báo chí trong tỉnh đã chủ động, tích cực trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội về cuộc CMCN 4.0. Trong đó, Cổng Thông tin điện tử Sở Khoa học - Công nghệ đã xây dựng kênh chuyên đề “Cách mạng công nghiệp 4.0” nhằm cung cấp các thông tin về nội dung, ý nghĩa, tác động của cuộc cách mạng đối với đời sống xã hội; cập nhật các xu hướng phát triển công nghệ của cuộc CMCN 4.0 để phục vụ công tác tuyên truyền và định hướng đầu tư cho các doanh nghiệp trong tỉnh.

III. ĐÁNH GIÁ KếT QUẢ HOẠT ĐỘNG KH, CN & ĐMST THÔNG QUA CÁC HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU ỨNG DỤNG

1. Tình hình thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, cấp bộ, cấp tỉnh và cấp cơ sở (Chi tiết tại Phụ lục 1, biểu TK1 -2; Phụ lục 2, biểu TK2-2 kèm theo).

1.1. Các đề tài, dự án cấp Bộ

Quản lý, theo dõi và nắm bắt tình hình thực hiện 04 dự án[1] thuộc Chương trình nông thôn, miền núi Trung ương ủy quyền cho địa phương quản lý.

Nổi bật là mô hình ứng dụng sản xuất Dâu tây phục vụ phát triển du lịch sinh thái tại huyện Bắc Hà. Góp phần thúc đẩy sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân vùng dự án mở ra hướng phát triển Du lịch trải nghiệm thông qua hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện.

1.2. Các đề tài, dự án cấp tỉnh

Chỉ đạo, triển khai thực hiện 41 đề tài/dự án nghiên cứu khoa học cấp tỉnh. Công tác quản lý nghiên cứu ứng dụng tiến bộ KH&CN trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tốt, các đề tài, dự án được triển khai đúng tiến độ được phê duyệt, nội dung các đề tài dự án gắn liền với định hướng phát triển của tỉnh. Tập trung chủ yếu vào: triển khai nghiên cứu xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao đối với các loại rau, hoa có giá trị kinh tế cao tại huyện Bát Xát, Bắc Hà, Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Nghiên cứu bảo tồn, phát triển vùng nguyên liệu và chế biến, xây dựng mô hình sản xuất, nhân giống đối với các loại cây dược liệu, bao gồm: Dâm dương hoắc (Epimedium grandiflorum) và cây Bạch quả (Ginkgo biloba); Sâm Ngọc Linh, Sacha inchi; Hoài Sơn; Khoai nưa và Ngưu bàng; cà gai leo; Sâm Bố chính; Thất diệp nhất chi hoa... theo hướng tiêu chuẩn GACP -WHO (thực hành tốt trồng trọt và thu hái dược liệu) từng bước chủ động nguồn giống phục vụ mục tiêu trồng 1200 ha theo quy hoạch phát triển cây dược liệu của tỉnh, góp phần thực hiện tốt Chương trình phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh. Nghiên cứu kỹ thuật gây trồng và nhân giống quế phục vụ phát triển trồng rừng kinh tế và các biện pháp tổng hợp phòng trừ sâu bệnh hại cây quế ở vườn ươm và rừng trồng tại tỉnh Lào Cai; Nghiên cứu xây dựng mô hình rừng trồng thâm canh Sồi phẳng cung cấp gỗ lớn, có giá trị cao ở Lào Cai. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi thương phẩm cá Vược trong ao và nuôi thương phẩm cá quế tại huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai; Xây dựng mô hình nuôi cá rô phi siêu thâm canh bằng công nghệ Biofloc tại tỉnh Lào Cai. Nghiên cứu phát triển du lịch cộng đồng Sa Pa. Nghiên cứu thực trạng và giải pháp hỗ trợ, chăm sóc, giáo dục cho trẻ tự kỷ trên địa bàn tỉnh Lào Cai …

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Những đề tài thuộc lĩnh vực văn hoá xã hội đã đánh giá thực trạng, tổng kết lý luận và thực tiễn để xây dựng những luận cứ khoa học phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, giúp các ngành chức năng đề xuất được nhiều giải pháp đổi mới, góp phần nâng cao hiệu lực công tác quản lý kinh tế - xã hội, nâng cao nhận thức của người dân… từ đó giúp cho tỉnh trong việc hoạch định chiến lược, định hướng và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn mới.

1.3. Thực hiện các dự án thuộc Chính sách khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Lào Cai:

Quản lý, theo dõi và nắm bắt tình hình thực hiện 05 dự án thuộc chính sách khuyến khích ứng dụng KHCN của tỉnh, trong đó tập trung khảo nghiệm, phát triển nhân rộng các giống cây trồng vật nuôi và giống thủy sản mới có giá trị kinh tế cao như: cá chạch sông; địa lan, dưa lưới, cải thảo, cà chua Dufo, … Kết quả của việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN trong nông nghiệp đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Qua đó bước đầu người dân vùng cao đã tiếp nhận và ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, đã tạo thêm ngành nghề sản xuất mới, góp phần tăng thu nhập kinh tế hộ gia đình; Đã thu hút được nguồn vốn đáng kể của các tổ chức và cá nhân vào hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN.

IV. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Hoạt động KH&CN Lào Cai đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình hành động, định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ, Đề án số 06- ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng Giáo dục toàn diện - Nguồn nhân lực - Khoa học công nghệ tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025, Kế hoạch số 331/KH-UBND ngày 23/8/2021 về thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai năm 2021 - Lĩnh vực Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch số 33/KH-UBND ngày 25/1/2022 về thực hiện Đề án số 06-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai năm 2022 - Lĩnh vực Khoa học và Công nghệ. Các kết quả nghiên cứu khoa học đã mang lại hiệu quả thiết thực góp phần vào việc xây dựng phát triển kinh tế xã hội địa phương.

Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được xác định đúng trọng tâm, trọng điểm; tập trung chủ yếu vào khai thác các lĩnh vực mũi nhọn và thế mạnh của địa phương (lĩnh vực nông, lâm nghiệp). Đã đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất và đời sống, thông qua việc triển khai các mô hình khảo nghiệm các giống cây, con mới; áp dụng các công nghệ mới trong bảo quản và chế biến các sản phẩm nông, lâm sản; kết quả các nhiệm vụ KH&CN đã được ứng dụng thiết thực vào đời sống, nhất là việc áp dụng các giống cây trồng, vật nuôi và chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống và thay đổi tập quán canh tác theo hướng tích cực đã góp phần tạo sự tăng trưởng sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Khoa học xã hội và nhân văn tập trung nghiên cứu bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể nhằm lưu giữ, bảo tồn và phát triển; phục vụ thiết thực trong việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Công tác quản lý về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) được triển khai tích cực, đạt hiệu quả cao; quản lý an toàn bức xạ có nhiều chuyển biến tích cực theo hướng bảo vệ sức khỏe người dân; hoạt động quản lý công nghệ được chú trọng theo hướng ngăn chặn kịp thời những công nghệ yếu kém; công tác kiểm định, kiểm nghiệm hàng hóa, chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy đã có nhiều chuyển biến tích cực; công tác thanh tra, kiểm tra về KH&CN được thực hiện theo đúng luật định.

Việc tăng cường tiềm lực KH&CN đã góp phần nâng cao được năng lực của tỉnh trong lĩnh vực kiểm định, kiểm nghiệm và chứng nhận sản phẩm phù hợp... Trong thời gian qua bước đầu đã phát huy được hiệu quả, thu được nguồn kinh phí từ hoạt động dịch vụ KH&CN. Chuyển đổi phương thức hoạt động của tổ chức KHCN công lập sang cơ chế tự chủ tự chịu trách nhiệm được 1 đơn vị.

Hoạt động dịch vụ KH&CN trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đối với hoạt động kiểm định và kiểm nghiệm đã được các bộ ngành công nhận, chỉ định hoạt động trên các lĩnh vực và mở rộng công nhận khả năng kiểm định, kiểm nghiệm, chứng nhận sản phẩm phù hợp.

* Những hạn chế, tồn tại:

Bên cạnh những kết quả đã đạt được như trên, vẫn còn một số khó khăn, tồn tại cần tiếp tục khắc phục để KH&CN thực sự trở thành động lực phát triển đất nước nói chung và phát triển của tỉnh Lào Cai nói riêng, bao gồm:

Ngân sách chi cho KH&CN còn hạn chế, nhất là kinh phí hỗ trợ việc ứng dụng và nhân rộng kết quả nghiên cứu. Đề xuất đặt hàng nghiên cứu gắn với địa chỉ ứng dụng thực tiễn chưa nhiều, chưa đáp ứng tiêu chí của nhiệm vụ KH&CN. Chưa tạo lập và phát triển được thị trường khoa học và công nghệ. Các mô hình ứng dụng chuyển giao công nghệ nhỏ, chưa tạo ra động lực mạnh mẽ để phát triển sản xuất hàng hoá.

Việc nghiên cứu, ứng dụng KH&CN mới chỉ tập trung nhiều vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, tuy nhiên trình độ tiếp thu KH&CN của người dân không đồng đều; Năng lực và nhận thức của một bộ phận sản xuất, kinh doanh nông lâm sản còn hạn chế, cùng với việc chi phí đầu vào tư liệu sản xuất cao, dẫn đến việc áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ vào sản xuất còn gặp nhiều khó khăn.

Chưa thành lập quỹ phát triển KH&CN của tỉnh, các doanh nghiệp chưa chú trọng thành lập quỹ phát triển KH&CN. Trình độ công nghệ sản xuất nhìn chung còn thấp; Hoạt động đầu tư đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp còn chậm. Doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động trong lĩnh vực KH&CN còn rất ít.

Thị trường KH&CN chậm phát triển, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, cải tiến, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn, như thiếu thông tin về thị trường công nghệ, vốn, thiếu các tổ chức trung gian để tư vấn về công nghệ, giám định và đánh giá công nghệ, đàm phán và xây dựng hợp đồng chuyển giao công nghệ, môi giới mua bán công nghệ.

Các sản phẩm đã được Bộ, tỉnh hỗ trợ bảo hộ nhưng tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác và phát triển hiệu quả giá trị của tài sản trí tuệ còn hạn chế. Số lượng văn bằng sáng chế của tỉnh được bảo hộ trong và ngoài nước chưa có.

Một số đơn vị sự nghiệp KH&CN còn gặp nhiều khó khăn vì chưa có nguồn thu, cụ thể như: Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN chưa có nguồn thu từ dịch vụ khoa học công nghệ; công tác ứng dụng chuyển giao chưa nhiều và chuyên sâu. Chưa có nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ và tìm kiếm khai thác hợp đồng triển khai các nhiệm vụ KH&CN.

Hoạt động của các tổ chức KH&CN trên địa bàn tỉnh trong những năm qua phần lớn đều không mang nhiều tính chất nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ như các Viện nghiên cứu, các trường Đại học mà chủ yếu là tư vấn, hỗ trợ, xây dựng các mô hình trình diễn... trong đó, đối tượng phục vụ chủ yếu là nông dân nông thôn. Vì vậy, lợi nhuận thu được từ hoạt động tư vấn, hỗ trợ là rất thấp. Khả năng tự cân đối, tự trang trải kinh phí hoạt động hết sức khó khăn.

* Nguyên nhân hạn chế, tồn tại:

Là tỉnh miền núi, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao (66,2%) nên khả năng tiếp nhận KHCN hạn chế. Nguồn lực đầu tư cho hoạt động KHCN còn ít. Trên địa bàn tỉnh chưa có tập đoàn, doanh nghiệp có quy mô lớn làm “đầu tàu” cho hoạt động KHCN.

Nhiều ngành, địa phương chưa chủ động trong việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN ở mỗi ngành, địa phương. Việc gắn nhiệm vụ KH&CN vào thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội hàng năm của các sở, ban, ngành, địa phương hạn chế, chưa thực sự coi đây là một nhiệm vụ của ngành, địa phương.

Chính sách khuyến khích huy động nguồn nhân lực từ các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học trong, ngoài tỉnh tham gia đầu tư nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào phát triển sản xuất chưa đủ mạnh.

Mặc dù đội ngũ cán bộ có trình độ đại học, trên đại học của tỉnh ngày càng tăng; nhưng số người có trình độ chuyên môn làm công tác nghiên cứu triển khai, ứng dụng KH&CN chưa nhiều, đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ còn thiếu chuyên gia đầu ngành, mất cân đối giữa các lĩnh vực. Năng lực tiếp thu khoa học kỹ thuật mới để ứng dụng vào sản xuất của nhân dân còn nhiều hạn chế.

Còn nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng công nghệ lạc hậu, quy mô còn nhỏ lẻ, kém sức cạnh tranh nên chưa đủ để tự nghiên cứu đổi mới công nghệ.

B. KẾ HOẠCH VÀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH KH&CN NĂM 2023

I. CÁC NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ CẤP TỈNH VÀ CẤP CƠ SỞ (Chi tiết ở Phụ lục 2, biểu TK2 -2 kèm theo)

1. Các đề tài dự án cấp Bộ (thuộc Chương trình Nông thôn miền núi)

- Chỉ đạo ngành chức năng tiếp tục triển khai thực hiện tốt và có hiệu quả các nhiệm vụ do Trung ương ủy quyền địa phương quản lý về Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, gồm 01 dự án[2] thuộc chương trình Nông thôn miền núi trung ương ủy quyền địa phương quản lý chuyển tiếp sang năm 2023 và dự kiến 01 dự án dự kiến mở mới trong năm 2023 (chưa có Quyết định danh mục).

2. Các đề tài/dự án cấp tỉnh

Tiếp tục quản lý việc thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH&CN chuyển tiếp sang năm 2023 và các đề tài, dự án phê duyệt mới trong năm 2023. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ cụ thể đối với hoạt động nghiên cứu khoa học trong Đề án số 06-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh ủy Lào Cai về đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng Giáo dục toàn diện - Nguồn nhân lực - Khoa học công nghệ tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020-2025. Định hướng nghiên cứu tập trung đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN để phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

- Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: Trọng tâm nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN đặc biệt công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào sản xuất đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thân thiện môi trường, liên kết sản xuất gắn với chế biến, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị đáp ứng nhu cầu thị trường.

- Lĩnh vực văn hóa xã hội: Nghiên cứu các vấn đề về lịch sử, truyền thống, văn hóa các dân tộc; bảo tồn và phát huy các loại hình văn hóa phi vật thể; Nghiên cứu các giải pháp phát triển du lịch bền vững, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch; luận cứ khoa học cho xây dựng chính sách và giải pháp nâng cao hiệu quả tổ chức, quản lý và phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh...

- Lĩnh vực y tế: Ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ trong chăm sóc, chẩn đoán, khám, điều trị bệnh và các giải pháp trong điều trị dự phòng các bệnh truyền nhiễm, nguy hiểm, các bệnh mới phát sinh.

- Giáo dục và đào tạo: Nghiên cứu các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của tỉnh; giải pháp quản lý, sử dụng hợp lý và phát huy vai trò của đội ngũ tri thức đội ngũ cán bộ khoa học của tỉnh.

- Lĩnh vực công nghiệp, xây dựng: Nghiên cứu các giải pháp, ứng dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng trong khâu sản xuất, tiêu thụ năng lượng; Ứng dụng công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng, vật liệu thân thiện môi trường phục vụ xây dựng dân dụng từ các nguyên liệu sẵn có của địa phương; tận dụng các chất thải trong sản xuất công nghiệp làm vật liệu xây dựng.

- Lĩnh vực công nghệ thông tin - truyền thông: Nghiên cứu ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động của các cơ quan nhà nước trong quản lý kinh tế - xã hội, quản lý cơ sở dữ liệu điều hành phục vụ nhân dân và doanh nghiệp; Ứng dụng công nghệ thông tin trong các ngành dịch vụ quan trọng như du lịch, giao dịch và thương mại;

- Lĩnh vực bảo vệ môi trường: Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ nhằm khắc phục suy thoái và ứng phó sự cố môi trường; nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải, khí thải trong các Khu công nghiệp và chất thải, nước thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh.

3. Quản lý việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước

Tiếp tục quản lý, đôn đốc việc duy trì, áp dụng và cải tiến HTQLCL theo tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2015 đối với 193 cơ quan, đơn vị hành chính (gồm: 32 sở, ngành, chi cục; 09 UBND huyện, thành phố, thị xã; 152 UBND xã, phường, thị trấn) trên địa bàn tỉnh.

Ban hành Kế hoạch triển khai xây dựng, áp dụng, duy trì và cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn TCVN ISO vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước tỉnh Lào Cai năm 2023. Trong đó các nhiệm vụ trọng tâm: Tổ chức 02 lớp tập huấn cho cán bộ, công chức của các sở, ngành, các huyện, thị, thành phố, xã, phường, thị trấn đang áp dụng HTQLCL theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9001:2015; Tổ chức kiểm tra hoạt động duy trì, cải tiến Hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9001:2015 qua hồ sơ báo cáo và kiểm tra tại trụ sở cơ quan tại 100% cơ quan, đơn vị nhà nước tỉnh; Thuê phần mềm ISO điện tử cho các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh.

4. Tiếp tục triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lào Cai (Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 của Thủ tướng Chính Phủ về việc phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc).

5. Tiếp tục tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn 2021 đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh (Theo Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ).

6. Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

II. CÁC HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ (Chi tiết tại Phụ lục 2, Biểu TK2-5 kèm theo)

- Triển khai thực hiện có hiệu quả các hoạt động: Tiêu chuẩn đo lường chất lượng; Sở hữu trí tuệ; Thống kê khoa học và công nghệ; An toàn bức xạ và hạt nhân; Đào tạo và tập huấn; Quản lý công nghệ, Thông tin tuyên truyền; Thanh tra khoa học và công nghệ; hợp tác phát triển KHCN; Hoạt động thông tin khoa học và công nghệ; Hoạt động quản lý khoa học; Nhiệm vụ hình thành và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ; Nhiệm vụ phát triển tổ chức đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ.

- Cập nhật dữ liệu cảnh báo phóng xạ môi trường lên trung tâm điều hành của đô thị thông minh theo kế hoạch đô thị thông minh của tỉnh.

- Chi hoạt động KHCN các huyện và các ban ngành của tỉnh.

- Chi các đơn vị sự nghiệp.

III. DỰ KIẾN TỔNG KINH PHÍ CHI CHO KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ NĂM 2023

Tổng kinh phí cho các hoạt động KH&CN: 63.569,9 triệu đồng (Chi tiết tại Phụ lục 2, Biểu TK2-5 kèm theo). Trong đó:

- Sự nghiệp khoa học và công nghệ: 60.569,9 triệu đồng;

- Kinh phí Trung ương hỗ trợ cho tỉnh thực hiện nhiệm vụ thuộc chương trình NTMN ủy quyền địa phương quản lý: 3.000,0 triệu đồng.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Cơ chế chính sách

Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ để tăng cường công tác quản lý nhà nước và thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh.

2. Tài chính

- Tăng cường đầu tư kinh phí cho khoa học và công nghệ;

- Đối với nguồn kinh phí thu được thông qua các hoạt động dịch vụ khoa học và công nghệ: Có cơ chế đầu tư kinh phí trở lại cho các đơn vị ngành khoa học để các đơn vị có điều kiện củng cố cơ sở vật chất trang thiết bị, mở rộng quy mô, phát triển nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác khoa học công nghệ tỉnh;

- Tranh thủ nguồn tài chính hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua các Chương trình (Nông thôn miền núi, quỹ gen, hỗ trợ đổi mới công nghệ, hỗ trợ tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN...);

- Huy động tối đa mọi nguồn lực tài chính từ các tổ chức và cá nhân tự đầu tư kinh phí cho việc nhân rộng các kết quả nghiên cứu đã thành công vào sản xuất tại doanh nghiệp và hộ gia đình.

- Đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ; nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ; hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới và nâng cao trình độ công nghệ, thúc đẩy, kích cầu thị trường khoa học và công nghệ. Hỗ trợ phát triển hàng hóa, thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ; chú trọng hợp tác về lĩnh vực khoa học và công nghệ với một số tổ chức trong nước và ngoài nước.

- Tăng cường liên kết với các cơ quan KH&CN của Trung ương và các tỉnh khác, đồng thời mở rộng hợp tác về KH&CN.

3. Tuyên truyền

Tăng cường tuyên truyền quảng bá rộng rãi bằng các hình thức phong phú, phù hợp với người dân và doanh nghiệp của địa phương về các thành tựu khoa học và công nghệ để mọi tổ chức và cá nhân trên có cơ hội triển khai ứng dụng.

4. Phát triển nguồn lực

Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ thuộc hệ thống ngành Khoa học; phát triển mạnh nguồn nhân lực khoa học và công nghệ của tỉnh, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao, chuyên gia công nghệ giỏi và đội ngũ công nhân lành nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao đủ về số lượng và có chất lượng, đủ sức tiếp thu, thích ứng, cải tiến và ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học vào sản xuất và đời sống.

5. Giải pháp khác

- Thực hiện nghiên cứu và chuyển giao khoa học và công nghệ theo cơ chế đặt hàng. Lựa chọn các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các nhà khoa học có đủ năng lực để hợp đồng nghiên cứu, đầu tư nghiên cứu; kết quả sau khi nghiên cứu phải được chuyển giao cho các đơn vị, cá nhân có đủ điều kiện để triển khai thực hiện và nhân rộng mô hình.

- Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyển chọn các tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ KH&CN.

- Tăng cường sự hợp tác của các nhà khoa học ở Trung ương và địa phương; hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Khoa học và Công nghệ

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch này. Hướng dẫn UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của Kế hoạch; phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và các ngành có liên quan xây dựng cơ chế, chính sách trình UBND tỉnh quyết định.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, sở, ban, ngành liên quan sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện Kế hoạch, báo cáo Bộ KH&CN và UBND tỉnh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Cân đối, bố trí các nguồn vốn đầu tư, thẩm định các dự án theo kế hoạch trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

3. Sở Tài chính

Căn cứ khả năng ngân sách hàng năm, tham mưu phân bổ ngân sách nhà nước cho nhiệm vụ khoa học công nghệ của tỉnh.

4. Các sở, ban, ngành của tỉnh có liên quan

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động đề xuất và đặt hàng nghiên cứu các đề tài, dự án khoa học công nghệ cụ thể phù hợp với lĩnh vực của ngành và đơn vị.

5. UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Tổ chức triển khai tốt nhiệm vụ của kế hoạch tại địa phương; xây dựng kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ cấp huyện;

- Chủ động phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trong quá trình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tại địa phương;

- Rà soát danh mục các sản phẩm, làng nghề cần được bảo hộ theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ, đề xuất Sở Khoa học và Công nghệ trình UBND tỉnh hỗ trợ bảo vệ quyền sở hữu đối với làng nghề, sản phẩm theo quy định;

- Chỉ đạo các xã xây dựng Nông thôn mới (xã xây dựng thư viện điện tử khoa học và công nghệ) cử cán bộ tham gia khóa đào tạo về tin học cơ bản, kỹ năng vận hành, khai thác, sử dụng thư viện điện tử và các dịch vụ trên Internet.

Trên đây là Kế hoạch khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và dự toán ngân sách KH&CN năm 2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Khoa học và Công nghệ;
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- UBMTTQ và các tổ chức CT-XH tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND các huyện, tx, tp;
- Lãnh đạo Văn phòng;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, TH3, VX2.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Giàng Thị Dung

 

 



[1] “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ phát triển đàn dê thịt tại tỉnh Lào Cai” ; “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất đương quy Nhật Bản (Angelica acutiloba (Sieb.et.Zucc) Kitagawa), xuyên khung (Ligus ticum wallichii Franch.) và cát s âm (Millettia speciosa Champ.) tại tỉnh Lào Cai”; Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất và chế biến một số cây dược liệu đặc hữu (Đẳng sâm Việt Nam, Đan sâm và Bạch chỉ) tại tỉnh Lào Cai; Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất Dâu Tây phục vụ phát triển du lịch sinh thái tại huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai.

[2] “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất và chế biến cây dược liệu (Mộc hương - Saussurea lappa C.B Clarke và Độc hoạt - Angelica pubescens Maxim.) tại tỉnh Lào Cai”.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 215/KH-UBND ngày 10/06/2022 về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và dự toán ngân sách năm 2023 do tỉnh Lào Cai ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.043

DMCA.com Protection Status
IP: 18.226.226.241
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!