BAN CHẤP HÀNH
TRUNG ƯƠNG
BAN NỘI CHÍNH
-------
|
ĐẢNG CỘNG SẢN
VIỆT NAM
---------------
|
Số: 06-HD/BNCTW
|
Hà Nội, ngày 16
tháng 04 năm 2015
|
HƯỚNG DẪN
TỔ CHỨC RÀ SOÁT CÁC CUỘC THANH TRA VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI
TẠI CÁC ĐỊA PHƯƠNG
Căn cứ Khoản 3, Mục IV, Chương trình số
100-CTr-BCĐTW ngày 07-01-2015 về công tác trọng tâm năm 2015 của Ban Chỉ đạo
Trung ương về phòng, chống tham nhũng “Chỉ đạo các ban thường vụ tỉnh ủy, thành
ủy giao cho ban nội chính các tỉnh ủy, thành ủy chủ trì, phối hợp với cơ quan
thanh tra và các cơ quan chức năng của tỉnh rà soát tổng thể các cuộc thanh tra
kinh tế - xã hội từ năm 2011 đến năm 2014 để xem xét, chuyển các vụ việc có dấu
hiệu tội phạm về tham nhũng đến cơ quan điều tra để xác minh, điều tra, xử lý
nghiêm theo quy định của pháp luật”. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống
tham nhũng “giao Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo
chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, tổng hợp, báo
cáo kết quả với Ban Chỉ đạo”, Ban Nội
chính Trung ương ban hành Hướng dẫn rà soát các cuộc thanh tra kinh tế - xã hội
để các địa phương thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Thông qua công tác rà soát các cuộc thanh tra về
kinh tế - xã hội từ năm 2011 đến năm 2014 để xem xét, đánh giá tình hình và kết
quả phát hiện, xử lý các vụ việc sai phạm có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng
theo quy định của pháp luật qua công tác thanh tra; những khó khăn, vướng mắc;
những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; những giải pháp nâng cao hiệu quả phát
hiện, xử lý các vụ việc sai phạm có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng qua hoạt động
thanh tra kinh tế - xã hội. Đồng thời qua đó, đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo
của cấp ủy, chính quyền đối với công tác thanh tra kinh tế - xã hội và việc thực
hiện các kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý sau thanh tra đối với vụ việc
có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng.
2. Xem xét để kiến nghị chuyển các vụ việc sai phạm
có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng đến cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo
quy định của pháp luật.
3. Công tác rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế -
xã hội cần được tiến hành tổng thể, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Trong quá
trình triển khai thực hiện rà soát phải hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến
hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương.
II. NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP RÀ SOÁT
1. Nghiên cứu kỹ hồ sơ, tài liệu của từng cuộc
thanh tra về kinh tế, xã hội tại địa phương, nhất là Báo cáo kết quả thanh tra
của Trưởng đoàn thanh tra và Kết luận thanh tra của người ra quyết định thanh
tra và ý kiến chỉ đạo, xử lý của người có thẩm quyền đối với kết luận thanh
tra, kết luận và kiến nghị của Thanh tra Chính phủ đối với các cuộc thanh tra về
kinh tế - xã hội được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và các bộ, ngành hướng dẫn thực
hiện đối với địa phương, từ đó để xác định:
1.1. Những sai phạm cụ thể về kinh tế và trách nhiệm
của cá nhân. Trong đó những sai phạm cụ thể của cá nhân có dấu hiệu tội phạm về
tham nhũng? Cá nhân, tổ chức có sai phạm và liên quan?
1.2. Kiến nghị xử lý của Đoàn thanh tra và Thanh
tra Chính phủ, kết luận của người ra quyết định thanh tra đối với sai phạm
trên, trong đó kiến nghị xử lý sai phạm có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng ra
sao?
1.3. Quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền đối
với kết luận thanh tra? Trong đó xử lý đối với sai phạm có dấu hiệu tội phạm về
tham nhũng ra sao?
1.4. Kết quả thực hiện các kiến nghị của Đoàn thanh
tra và Thanh tra Chính phủ, kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến
nghị và quyết định xử lý về thanh tra của cơ quan có thẩm quyền:
- Việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền:
việc ban hành các văn bản để thực hiện sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền đối với
các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý thanh tra về kinh tế - xã hội; việc
phân công theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị, kết luận và
quyết định xử lý đối với kết luận thanh tra.
- Khắc phục sai phạm về kinh tế;
- Xử lý cán bộ (về đảng, chính quyền và xử lý
khác);
- Đã chuyển cơ quan điều tra (vụ/ đối tượng), trong
đó:
+ Đã quyết định khởi tố (vụ/ bị can);
+ Chưa khởi tố (vụ/đối tượng);
+ Quyết định không khởi tố (vụ/đối tượng), lý do?
+ Chuyển lại cơ quan thanh tra (vụ/đối tượng), lý
do?
+ Quyết định chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều
tra khác điều tra theo thẩm quyền.
+ Việc xử lý của thanh tra khi cơ quan điều tra xử
lý các vụ việc mà cơ quan thanh tra đã chuyển cho cơ quan điều tra không đúng
thời hạn.
- Chưa chuyển cơ quan điều tra (vụ/ đối tượng), lý
do?
1.5. Các vụ việc sai phạm có dấu hiệu tội phạm về
tham nhũng và có dấu hiệu tội phạm khác mà Đoàn thanh tra không kiến nghị chuyển
cơ quan điều tra và kết luận thanh tra,
quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền cũng không yêu cầu chuyển cơ quan điều
tra, lý do? Qua rà soát lần này Đoàn rà soát có kiến nghị chuyển cơ quan điều
tra hay không chuyển, có kiến nghị thanh tra lại hay không thanh tra lại? Lý
do?
1.6. Các vụ việc sai phạm có dấu hiệu tội phạm về
tham nhũng và có dấu hiệu tội phạm khác mà Đoàn thanh tra kiến nghị chuyển cơ
quan điều tra, nhưng người ra kết luận thanh tra, cơ quan có thẩm quyền xử lý kết
quả thanh tra quyết định không chuyển, lý do? Qua rà soát lần này có kiến nghị
chuyển cơ quan điều tra hay không chuyển, lý do?
1.7. Các kiến nghị khác của Đoàn rà soát về tiếp tục
thực hiện các kiến nghị của Đoàn thanh tra, kết luận thanh tra và quyết định xử
lý của cơ quan có thẩm quyền.
2. Trên cơ sở rà soát như trên, tổng hợp báo cáo
các nội dung sau:
2.1. Tổng số các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội
từ năm 2011-2014. Tổng số sai phạm cụ thể về kinh tế, tham nhũng và các cá
nhân, tổ chức sai phạm được phát hiện qua các cuộc thanh tra này (kể cả những vụ
việc sai phạm có dấu hiệu tội phạm kinh tế, tham nhũng trước năm 2011 và sau
năm 2014 chưa xử lý dứt điểm).
2.2. Tổng hợp
các kiến nghị của các Đoàn thanh tra, kết luận thanh tra và quyết định xử lý của
cơ quan có thẩm quyền (theo điểm 1.2, 1.3 khoản 1, Phần II).
2.3. Kết quả thực hiện các kiến nghị của các Đoàn
thanh tra, kết luận thanh tra, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong xử lý
kết quả thanh tra (như điểm 1.4 khoản 1 Phần II).
2.4. Kiến nghị chuyển bao nhiêu vụ việc sai phạm có
dấu hiệu tội phạm về kinh tế, tham nhũng đến cơ quan điều tra (như điểm 1.5,
1.6 khoản 1 Phần II)?
2.5. Các kiến nghị khác về việc thực hiện các kiến
nghị của các Đoàn thanh tra, kết luận thanh tra và quyết định xử lý của cơ quan
có thẩm quyền mà các đối tượng thanh tra và các tổ chức, cá nhân có liên quan
chưa thực hiện (như điểm 1.7 khoản 1 Phần II)?
2.6. Khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, giải pháp
nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý các vụ việc sai phạm có dấu hiệu tham nhũng
qua công tác thanh tra về kinh tế - xã hội.
(có đề cương báo cáo kèm theo).
III. CÁC BƯỚC TIẾN
HÀNH.
1. Trên cơ sở nội dung rà soát của Hướng dẫn này,
Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy tham mưu Ban Thường vụ ban hành kế hoạch, thành
lập Đoàn rà soát, Tổ giúp việc để tiến hành rà soát.
- Thành phần Đoàn rà soát: đồng chí Phó Bí thư Thường
trực tỉnh ủy, thành ủy hoặc đồng chí Trưởng Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy làm
Trưởng đoàn; thành viên gồm các ngành: Ban Nội chính, Ủy ban kiểm tra, Công an, Kiểm sát, Tòa án, Thanh tra...
- Ban Nội chính Tỉnh ủy, Thành ủy thành lập Tổ giúp
việc cho Đoàn rà soát và làm tổ trưởng tổ giúp việc.
2. Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy yêu cầu Ban cán
sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố
lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tiến
hành tự rà soát, báo cáo kết quả tự rà soát cho Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy
(qua Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy).
3. Đoàn rà soát nghiên cứu báo cáo, hồ sơ, tài liệu
và tiến hành làm việc với Thanh tra, các cơ quan đơn vị liên quan để tiến hành
rà soát theo các nội dung Phần II.
4. Tổng hợp, báo cáo kết quả rà soát (Ban Nội chính
tỉnh ủy, thành ủy chủ trì) thông qua Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy và báo cáo
Ban Nội chính Trung ương.
Thời điểm lấy số liệu báo cáo: từ ngày
01-01-2011 đến ngày 31-12-2014 (kể cả các kết luận thanh tra về kinh tế -
xã hội trước năm 2011 mà chưa xử lý dứt điểm các kiến nghị, quyết định xử lý
sai phạm về tham nhũng, kinh tế và sau năm 2014 mà có các vụ việc sai phạm có dấu
hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế).
Báo cáo gửi về Ban Nội chính Trung ương trước
ngày 15-6-2015.
6. Đối với các tỉnh, thành phố có Đoàn kiểm tra,
giám sát, đôn đốc của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đến làm
việc theo Kế hoạch số 107-KH/BCĐTW ngày 31-3-2015 của Ban Chỉ đạo, đề nghị Tỉnh
ủy, Thành ủy báo cáo cụ thể kết quả rà soát của địa phương để Đoàn công tác kiểm
tra và kết luận.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó
khăn, vướng mắc Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy kịp thời báo cáo với Ban Nội chính Trung ương (qua Vụ Theo dõi xử
lý các vụ án - Đ/c Nguyễn Văn Yên, Vụ trưởng - ĐT: 0918.362.089) để phối hợp xử
lý.
Nơi nhận:
- Đ/c Tổng Bí thư - TBCĐ (để b/c),
- Văn phòng Tổng Bí thư,
- Văn phòng Trung ương,
- Các thành viên BCĐ Trung ương về PCTN,
- Ban Cán sự đảng Thanh tra Chính phủ,
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các Ban Nội chính tỉnh ủy, thành ủy,
- Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc TW,
- BNCTW: Đ/c Phan Đình Trạc - PTBTT, các đ/c PTB, các vụ, đơn vị,
- Lưu: VT, Vụ 1(2), MH.
|
K/T
TRƯỞNG BAN
PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC
Phan Đình Trạc
|
ĐỀ CƯƠNG BÁO CÁO
KẾT QUẢ RÀ SOÁT TỔNG
THỂ CÁC CUỘC THANH TRA VỀ KINH TẾ - XÃ HỘI TẠI ĐỊA PHƯƠNG
THỜI GIAN LẤY SỐ LIỆU BÁO CÁO: TỪ NGÀY 01-01-2011 ĐẾN NGÀY 31-12-2014
(Kèm theo Hướng dẫn số 06-HD/BNCTW ngày 16/4/2015 của Ban Nội chính Trung
ương)
I. Công tác tổ chức triển khai thực hiện Hướng dẫn
rà soát
1. Khái quát tình hình, đặc điểm có liên quan của
ngành thanh tra trong việc tổ chức thực hiện các kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý đối với các kết luận thanh tra
về kinh tế - xã hội tại địa phương; thực hiện kết luận và kiến nghị của Thanh
tra Chính phủ đối với các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội được Thủ tướng
Chính phủ chỉ đạo và các bộ ngành hướng dẫn thực hiện đối với địa phương về việc
xử lý sau thanh tra.
2. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện
Hướng dẫn rà soát các kết luận thanh tra kinh tế - xã hội của thanh tra tỉnh, thanh
tra sở, ngành, thanh tra huyện; thực hiện kết luận.
3. Phương pháp triển khai nhiệm vụ rà soát của các
tỉnh ủy, thành ủy theo Hướng dẫn số 06-HD/BNCTW ngày 16/4/2015 của Ban Nội
chính Trung ương.
II. Kết quả rà soát
1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính
quyền
1.1. Việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền;
việc ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị
có liên quan thực hiện kết luận, kiến nghị được nêu trong kết luận thanh tra về
kinh tế - xã hội (số lượng văn bản/số vụ việc).
1.2. Việc phân công theo dõi, đôn đốc, kiểm tra; số
lần đôn đốc, kiểm tra và kết quả.
2. Kết quả thanh tra về kinh tế - xã hội, xử
lý các kết luận, kiến nghị, quyết định của cấp có thẩm quyền.
2.1. Tổng số các cuộc thanh tra về kinh tế - xã
hội từng năm (từ năm 2011 - 2014) do Thanh tra tỉnh (thành phố), Thanh tra
huyện (quận), Thanh tra Sở thực hiện và kiến nghị của Thanh tra Chính phủ đối với
các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và các
bộ ngành hướng dẫn thực hiện đối với địa phương về việc xử lý sau thanh tra (kể
cả các cuộc thanh tra trước năm 2011 chưa xử lý dứt điểm các kiến nghị xử lý
sai phạm về kinh tế, tham nhũng và sau năm 2014 nhưng có các vụ việc sai phạm
có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng, kinh tế).
2.2. Tổng số sai phạm về kinh tế, sai phạm của tổ
chức, cá nhân được phát hiện qua các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội đã được
các cơ quan, đơn vị phát hiện và xử lý theo thẩm quyền.
- Tổng số sai phạm về kinh tế (sai phạm về tiền, về
đất đai, sai phạm khác);
- Tổng số các tổ chức, cá nhân có sai phạm; kết quả
xử lý (hình thức xử lý về đảng, chính quyền, kinh tế...).
2.3. Tổng số các kiến nghị của các Đoàn thanh tra đối với các sai phạm đã
được phát hiện nói trên:
- Số kiến nghị xử lý hành chính;
- Số kiến nghị chuyển Cơ quan điều tra (báo cáo rõ
nội dung từng vụ việc và kiến nghị của Đoàn thanh tra);
- Số kiến nghị khác;
- Số kiến nghị đã thực hiện;
- Số kiến nghị chưa thực hiện (nêu rõ từng kiến nghị
chưa thực hiện, lý do chưa thực hiện?).
2.4. Tổng số các kết luận về thanh tra của cơ
quan, người có thẩm quyền (gọi chung là kết
luận thanh tra) đối với các sai phạm đã
được Đoàn thanh tra phát hiện và kiến nghị:
- Số sai phạm, kiến nghị xử lý của kết luận thanh
tra đã được chỉ đạo và thực hiện;
- Số sai phạm, kiến nghị không được chấp nhận, chưa
được kết luận (nêu rõ nội dung từng vụ việc và kiến nghị của Đoàn thanh tra
không được chấp nhận, chưa được kết luận, lý do chưa được kết luận?);
- Số kết luận đã thực
hiện;
- Số kết luận chưa thực hiện (nêu rõ nội dung từng
vụ việc và kết luận chưa thực hiện, lý do chưa thực hiện?).
2.5. Tổng số quyết định xử lý của cơ quan và người
có thẩm quyền đối với các đề nghị, kiến
nghị, yêu cầu xử lý trong các kết luận thanh tra, trong đó:
- Số quyết định xử lý hành chính;
- Số quyết định chuyển Cơ
quan điều tra;
- Số quyết định xử lý khác;
- Các đề nghị, kiến nghị, yêu cầu xử lý trong các kết
luận thanh tra không được chấp nhận, chưa được cơ quan và người có thẩm quyền
ra quyết định xử lý (báo cáo rõ nội dung từng vụ việc và các đề nghị, kiến nghị,
yêu cầu xử lý trong các kết luận thanh tra không được chấp nhận, chưa được ra
quyết định xử lý, lý do chưa ra quyết định xử lý?);
- Số quyết định đã thực hiện;
- Số quyết định chưa thực hiện (nêu rõ nội dung từng
vụ việc và quyết định chưa thực hiện, lý do chưa thực hiện?).
2.6. Kết quả xử lý cụ thể theo quyết định xử lý của cơ quan và người có thẩm quyền.
a, Xử lý về hành
chính
- Tổng số quyết định xử lý
hành chính đã thực hiện, trong đó:
+ Đã xử lý kỷ luật cán bộ (số vụ việc; số tập thể,
cá nhân; hình thức xử lý về đảng, chính quyền và xử lý khác);
+ Kiểm điểm rút kinh nghiệm (số tập thể, cá nhân);
- Số quyết định xử lý hành
chính chưa thực hiện (báo cáo rõ nội dung từng vụ việc và quyết định xử lý hành
chính chưa thực hiện, lý do chưa thực hiện?).
b, Xử lý về kinh tế
- Tổng số tiền, đất đai,
tài sản kiến nghị thu hồi, trong đó:
+ Thu hồi tiền;
+ Thu hồi đất;
+ Thu hồi tài sản khác.
- Số đã thu hồi (tiền, đất,
tài sản khác);
- Số chưa thu hồi (báo cáo
rõ lý do chưa thu hồi của từng vụ việc);
- Xử lý khác về kinh tế (giảm
từ quyết toán; loại khỏi giá trị thanh toán,...).
c, Xử lý về hình sự
- Tổng số vụ việc, đối tượng
có dấu hiệu tội phạm tham nhũng và tội phạm khác chuyển sang cơ quan điều tra (báo cáo rõ nội dung, sai phạm từng vụ việc, đối tượng
liên quan có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng), trong đó:
- Đã khởi tố (vụ/ bị can);
- Không khởi tố (vụ/ đối tượng);
- Chuyển cơ quan điều tra
khác để điều tra theo thẩm quyền;
- Tổng số vụ việc chưa chuyển
cơ quan điều tra (vụ/ đối tượng), lý do chưa chuyển?
(Lưu ý báo cáo rõ lý do không khởi tố, chưa chuyển
cơ quan điều tra).
d, Xử lý khác (nếu có)
3. Báo cáo các sai phạm
do Đoàn rà soát phát hiện và kiến nghị:
- Tổng số các sai phạm về
kinh tế, tham nhũng; sai phạm của tổ chức, cá nhân do Đoàn rà soát phát hiện,
trong đó nêu cụ thể những sai phạm của cá nhân có dấu hiệu tội phạm về tham
nhũng và tội phạm khác; sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan;
- Tổng số các vụ việc, đối
tượng sai phạm có dấu hiệu tội phạm về tham nhũng mà Đoàn rà soát phát hiện và
kiến nghị chuyển cơ quan điều tra hoặc không kiến nghị
chuyển cơ quan điều tra, lý do;
- Các kiến nghị khác của
Đoàn rà soát.
(Nêu rõ từng kiến nghị, nội dung từng vụ việc, đối
tượng...)
Báo cáo nội dung các kiến nghị và kết luận, quyết
định xử lý khác nhau giữa Đoàn thanh tra, người có thẩm
quyền kết luận, quyết định xử lý (nêu căn cứ và nguyên nhân), trong đó phân tích rõ:
a) Trưởng Đoàn thanh tra kiến
nghị đề xuất không được người ra quyết định xử lý.
b) Kiến nghị của kết luận thanh tra không được người có thẩm quyền
yêu cầu xử lý.
c) Phát hiện sai phạm khác
của các cơ quan chức năng.
4. Lưu ý: Đối với các tỉnh ủy, thành ủy có kết luận và kiến nghị của Thanh tra
Chính phủ đối với các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo và các Bộ, ngành hướng dẫn địa
phương xử lý sau thanh tra thì báo cáo thành mục
riêng kèm phụ lục thống kê số liệu để chứng
minh.
III. Nhận xét, đánh giá
công tác thanh tra và xử lý về thanh tra đối với
các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội
1. Mặt được.
2. Hạn chế, vướng mắc,
nguyên nhân.
IV. Kiến nghị, đề xuất
Thông qua công tác rà soát các cuộc thanh tra về
kinh tế - xã hội, kiến nghị, đề xuất những giải pháp nâng cao hiệu quả phát hiện,
xử lý các vụ việc sai phạm có dấu hiệu tham nhũng như:
- Về cơ chế
chính sách;
- Về quản lý, điều hành;
- Về Tổ chức thực hiện;
- Về theo dõi, đôn đốc, kiểm
tra;
- Kiến nghị chuyển bao
nhiêu vụ (đối tượng có dấu hiệu của tội phạm tham nhũng và tội phạm khác đến cơ
quan điều tra);
v.v...