CHỈ THỊ
VỀ TĂNG CƯỜNG CÁC BIỆN
PHÁP THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGÂN SÁCH NHÀ
NƯỚC VÀ MUA SẮM TÀI SẢN CÔNG
Trong những
năm qua, các Sở, ban, ngành, đoàn thể, đơn vị thuộc khối Tỉnh và UBND các
huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là các Sở, ngành, địa phương) đã triển
khai, chỉ đạo và thực hiện tốt các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng
phí theo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và các Văn bản hướng dẫn. Các
cơ quan Nhà nước, đoàn thể chính trị các cấp, lực lượng vũ trang, cộng đồng
doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trên địa bàn Tỉnh đã hết sức quan tâm, tích
cực thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đã đạt được một số kết quả
nhất định. Từ đó, đã tiết kiệm được một phần nguồn lực của nhà nước và xã hội,
góp phần bổ sung phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc
phòng và thực hiện các chính sách an sinh xã hội trên địa bàn Tỉnh.
Tiếp tục quán
triệt và triển khai sâu rộng việc thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống
lãng phí năm 2013, Nghị định số 84/2014/NĐ-CP ngày 08/9/2014 của Chính phủ quy
định chi tiết một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Quyết
định số 365/QĐ-TTg ngày 17/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành
Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm
2015, UBND Tỉnh đã ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
năm 2015 kèm theo Quyết định số 740/QĐ-UBND ngày 22/4/2015 của UBND Tỉnh.
Thực hiện Chỉ
thị số 42-CT/TU ngày 05/6/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về việc tiếp tục lãnh
đạo, chỉ đạo thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân
sách và mua sắm tài sản công, Chủ tịch UBND Tỉnh yêu cầu các Sở, ngành, địa
phương tăng cường thực hiện các biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và mua sắm tài sản công, cụ thể như
sau:
1. Tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật và
nâng cao nhận thức về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có thực
hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước và mua
sắm tài sản công
a) Tăng cường
công tác phổ biến, tuyên truyền pháp luật và nâng cao nhận thức về thực hành
tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong
quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN) và mua sắm tài sản công phải được thực
hiện thường xuyên, liên tục bằng các hình thức phù hợp.
b) Các Sở,
ngành, địa phương chỉ đạo các đơn vị, địa phương trực thuộc căn cứ vào điều
kiện cụ thể tại đơn vị, địa phương mình xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai
thực hiện việc phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức về thực hành tiết kiệm,
chống lãng phí bao gồm: Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2013, Nghị
định số 84/2014/NĐ-CP ngày 08/9/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thực hành tiết kiệm,
chống lãng phí, Quyết định số 365/QĐ-TTg ngày 17/3/2015
của Thủ tướng Chính phủ về việc ban
hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
năm 2015, Quyết định số 740/QĐ-UBND ngày
22/4/2015 của UBND Tỉnh về việc ban hành Chương trình của UBND tỉnh Phú
Yên về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2015 và các Văn bản hướng dẫn liên quan bằng các hình thức phù hợp đến toàn
thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân trên địa bàn thuộc
phạm vi quản lý.
c) Các cơ
quan thông tin đại chúng thuộc địa phương quản lý chủ động phối hợp với cơ quan
nhà nước, đoàn thể chính trị liên quan tích cực tuyên truyền, phổ biến các quy
định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đến đông đảo nhân dân trên địa bàn
để người dân hiểu rõ và cùng với các cơ quan nhà nước thực hiện việc giám sát
về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
d) Các cơ
quan nhà nước, đoàn thể chính trị các cấp địa phương tuỳ thuộc điều kiện cụ
thể, tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng trung ương đóng
trên địa bàn đưa thông tin, bài vở liên quan nhằm nâng cao nhận thức về thực
hành tiết kiệm, chống lãng phí.
2. Tăng cường công tác quản lý chi ngân sách Nhà nước, đảm
bảo chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả; thực hành tiết kiệm trong quản lý, sử dụng
NSNN và mua sắm tài sản công
Các Sở, ngành
và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao, chỉ đạo, tổ chức thực hiện
tốt những nội dung sau:
a) Tập trung
đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư phát triển theo dự toán được
cấp có thẩm quyền giao, nhất là đối với nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước
(NSNN), vốn trái phiếu Chính phủ, vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia, vốn
ODA; thực hiện nghiêm quy định của Luật Đầu tư
công và các quy định về quản lý vốn đầu tư, xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn
NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 28/6/2013 của
Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ
bản từ nguồn NSNN, trái phiếu Chính phủ.
b) Thực hiện
tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, chi cho bộ máy quản lý Nhà nước,
đơn vị sự nghiệp công; cắt giảm tối đa và công khai các khoản chi khánh tiết,
hội nghị, hội thảo, lễ hội, động thổ, khởi công, khánh thành công trình và đi
công tác nước ngoài từ NSNN. Trong đó:
- Chủ động rà
soát, sắp xếp để cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện các nhiệm vụ chi chưa thực
sự cần thiết, cấp bách, các khoản chi mua sắm trang thiết bị để dành nguồn ưu
tiên thực hiện các nhiệm vụ cần thiết, cấp bách; tiết giảm tối đa chi phí điện,
nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu,...
- Mua sắm tài
sản công phục vụ hoạt động thường xuyên của cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp
công lập từ nguồn NSNN phải gắn với nhu cầu thực sự cần thiết, đảm bảo tiêu
chuẩn, định mức sử dụng tài sản theo quy định của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu
hiệu quả và tiết kiệm, thực hiện đúng trình tự và thủ tục theo quy định của pháp
luật. Việc mua sắm xe ô tô công phải thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ.
Tuỳ theo quy mô mua sắm, cơ quan, đơn vị thực hiện việc mua sắm phải tổ chức đấu
thầu hoặc chỉ định thầu theo đúng quy định. Ngoài ra, việc mua sắm tài sản công
phải căn cứ vào tình hình thực tế và thực hiện đúng chủ trương, quy định về
quản lý, điều hành NSNN từng năm, từng thời kỳ cụ thể.
c) Đối với
ngân sách năm 2015, phải đảm bảo thực hiện đầy đủ các quy định của Chính phủ,
Bộ Tài chính và của UBND Tỉnh tại các Văn bản: Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày
03/01/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành
thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước
năm 2015; Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 21/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc
tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách Nhà nước
năm 2015; Công văn số 5652/BTC-NSNN ngày 27/4/2015 của Bộ Tài chính về việc xác
định số chi thường xuyên 8 tháng cuối năm 2015 tạm giữ lại; Chương trình hành
động số 01/CTr-UBND ngày 19/01/2015 của UBND Tỉnh về thực hiện Nghị quyết
01/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ về một số giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều
hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà
nước năm 2015; Công văn số 1800/UBND-KT ngày 07/5/2015 của UBND Tỉnh về việc
triển khai thực hiện Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 21/4/2015 của Thủ tướng Chính
phủ về tăng cường chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách
Nhà nước năm 2015 và một số văn bản khác liên quan. Trong đó cần tập trung thực
hiện một số yêu cầu:
- Thực hiện
nghiêm quy định không mua xe ô tô công, trừ xe chuyên dùng theo quy định của
pháp luật, xe ô tô phục vụ công tác chung của cơ quan, đơn vị mới thành lập mà
không có xe để điều chuyển, xe ô tô bị hư hỏng do nguyên nhân bất khả kháng dẫn
đến không còn xe phục vụ công tác.
- Tạm giữ lại
tại Kho bạc Nhà nước 10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm 2015 của các
đơn vị sử dụng ngân sách, không bao gồm các khoản: chi tiền lương, phụ cấp theo
lương, chi cho con người theo chế độ; tiết kiệm chi 10% để tạo nguồn cải cách
tiền lương theo dự toán giao đầu năm; chi đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.
- Ngân sách
các cấp thực hiện quản lý chi chặt chẽ, trước mắt điều hành sử dụng trong phạm
vi 50% nguồn dự phòng ngân sách đã bố trí
trong dự toán của từng cấp để xử lý các nhiệm
vụ cấp bách phát sinh, như: Phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch
bệnh, quốc phòng, an ninh...; 50% nguồn dự phòng ngân sách còn lại tạm giữ lại để
chủ động xử lý khi nguồn thu NSNN giảm lớn.
- Không bổ sung
các đề án, chương trình, ban hành các chính sách mới, hoặc nâng định mức làm
tăng chi ngân sách Nhà nước khi chưa có nguồn
bảo đảm.
- Kiên quyết
dừng triển khai và thu hồi để bổ sung dự phòng ngân sách địa phương các cấp đối
với kinh phí thường xuyên đã giao trong dự toán đầu năm của các Sở, ngành và
địa phương nhưng đến ngày 30/6/2015 chưa phân bổ, hoặc đã phân bổ nhưng chưa
triển khai thực hiện, chưa phê duyệt dự toán, chưa tổ chức đấu thầu, trừ một số
trường hợp theo quy định của pháp luật và trường hợp đặc biệt do Chủ tịch UBND
Tỉnh quyết định.
- Không ứng
trước dự toán ngân sách Nhà nước năm sau; trường hợp đặc biệt (thiên tai, bão
lũ, dịch bệnh, nhiệm vụ cấp thiết về quốc
phòng, an ninh, nhiệm vụ quan trọng, cấp bách...), trình Chủ tịch UBND Tỉnh báo
cáo Thường trực HĐND Tỉnh quyết định.
- Rà soát,
quản lý chặt chẽ để giảm mạnh các khoản chi chuyển nguồn, chỉ thực hiện chuyển
nguồn đối với một số khoản chi còn nhiệm vụ và thật sự cần thiết theo đúng quy
định của pháp luật.
Việc sử dụng
các nguồn kinh phí tạm giữ lại nêu trên (gồm:
10% dự toán chi thường xuyên 8 tháng cuối năm của các đơn vị sử dụng ngân sách,
50% dự phòng ngân sách các cấp) thực hiện
khi có văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Bộ Tài chính.
3. Tổ chức thực hiện
a) Giám đốc
các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp Tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện,
thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và những quy định tại
Chỉ thị này, khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện và kiểm tra việc thực hiện ở cấp dưới, các đơn vị
trực thuộc để bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử
dụng NSNN và mua sắm tài sản công. Đồng thời, kiểm điểm trách nhiệm, xử lý
nghiêm, kịp thời theo quy định của pháp luật liên quan đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền
quản lý có hành vi vi phạm. Các Sở, ngành, địa phương báo cáo kết quả thực hành
tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng NSNN và mua sắm tài sản công,
tổng hợp chung vào báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của cơ
quan, đơn vị, địa phương theo quy định tại Nghị định số 84/2014/NĐ-CP của Chính
phủ và Thông tư số 188/2014/TT-BTC ngày 10/12/2014 của Bộ Tài chính để báo cáo
UBND Tỉnh, đồng thời gửi Sở Tài chính để tổng hợp chung toàn Tỉnh; báo cáo định
kỳ hàng năm gửi trước ngày 31/01 năm sau, các báo cáo đột xuất thực hiện theo
thời gian yêu cầu cụ thể.
b) Sở Tài
chính chủ trì, phối hợp với Thanh tra Tỉnh theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình
hình và kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị này, tổng hợp báo cáo kết quả thực
hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng NSNN và mua sắm tài sản
công trên địa bàn để tổng hợp chung vào báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm,
chống lãng phí định kỳ hàng năm theo quy định tại Nghị định số 84/2014/NĐ-CP
của Chính phủ và Thông tư số 188/2014/TT-BTC ngày 10/12/2014 của Bộ Tài chính.
c) Trong quá
trình tổ chức thực hiện Chỉ thị này, giao Sở Tài chính hướng dẫn xử lý các
vướng mắc phát sinh theo thẩm quyền, trường hợp vượt thẩm quyền, đề xuất báo
cáo UBND Tỉnh theo quy định./.