ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
09/CT-UBND
|
Hà
Nội, ngày 01 tháng 6 năm 2020
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TRIỂN KHAI MỘT SỐ NHIỆM VỤ TÀI CHÍNH -
NGÂN SÁCH TRONG ĐIỀU KIỆN ẢNH HƯỞNG CỦA DỊCH BỆNH COVID-19
Thực hiện Chỉ thị số 11/CT-TTg
ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo
gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch
Covid19; Chỉ thị số 31-CT/TU ngày 03/4/2020 của Thành ủy Hà Nội về việc thực hiện
lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, tăng cường các biện
pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thủ đô; Thông báo Kết luận
số 2258-TB/TƯ ngày 14/4/2020 của Thường trực Thành ủy tại Hội nghị với Ban cán
sự đảng UBND Thành phố về tình hình phân bổ, thực hiện, giải ngân Kế hoạch đầu
tư công trung hạn 5 năm 2016-2020, định hướng xây dựng Kế hoạch giai đoạn
2021-2025; UBND Thành phố đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 7/4/2020 về tập
trung thực hiện quyết liệt một số giải pháp trong quản lý đầu tư, xây dựng để
nâng cao hiệu quả đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp, nhân dân, ổn định sản xuất
kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội do tác động của
dịch Covid-19.
Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh
hưởng rất lớn của dịch bệnh Covid-19, tăng trưởng quý I năm 2020 của cả nước chỉ
đạt 3,82%, Thành phố đạt 3,72%. Dự báo trong thời gian tới, nhiều doanh nghiệp
tiếp tục gặp khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành dự toán thu, chi ngân
sách được giao. Để đảm bảo cân đối ngân sách, ứng phó kịp thời với khả năng giảm
thu và đáp ứng các nhiệm vụ chi phòng chống dịch bệnh, an sinh xã hội... Thực hiện
ý kiến kết luận chỉ đạo của đồng chí Bí thư Thành ủy tại buổi làm việc với Ban
cán sự đảng UBND Thành phố về cân đối thu, chi ngân sách Thành phố năm 2020 tại
Thông báo số 2580-TB/TU ngày 05/5/2020 của Thành ủy Hà Nội, UBND Thành phố yêu
cầu Giám đốc các Sở, ban, ngành Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị
xã tập trung triển khai thực hiện một số nội dung sau:
1.
Về thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước
a. Cục Thuế Thành phố, Cục Hải quan Thành phố phối hợp
với các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện quyết
liệt, đồng bộ, hiệu quả chương trình, kế hoạch cải cách hành chính trong công
tác quản lý thu NSNN, phấn đấu thực hiện nhiệm vụ thu NSNN được Bộ Tài chính và
Thành phố giao ở mức cao nhất, phát huy hết dư địa các khoản thu, tăng cường
khai thác nguồn thu ngân sách, nhất là các khoản thu từ đất. Thực hiện tốt các
giải pháp tháo gỡ khó khăn, ưu đãi về thuế đế thúc đẩy sản xuất, kinh doanh:
gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; miễn - giảm thuế, hoàn thuế... theo
quy định của pháp luật và các chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh
doanh theo Nghị định của Chính phủ.
Mở rộng và chống
xói mòn cơ sở thuế, đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế; thường xuyên rà soát, đơn giản
hóa thủ tục hành chính, cải cách công tác quản lý thuế; tăng cường thanh - kiểm
tra, chống thất thu đối với các trường hợp có dấu hiệu vi phạm nhưng không tổ
chức kiểm tra định kỳ trong năm 2020 đối với các doanh nghiệp không có dấu hiệu
vi phạm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tập trung giải quyết khó khăn, duy
trì hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời vẫn có biện pháp phù hợp không để
doanh nghiệp lợi dụng chủ trương này vi phạm pháp luật; tăng cường kiểm tra sau
thông quan; thực hiện kiểm tra chuyên ngành, tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp,
hộ kinh doanh có doanh thu lớn; khai thác các nguồn thu khác để bù đắp hụt thu
ngân sách nhà nước (ví dụ như các khoản thu của các doanh nghiệp Trung ương
trên địa bàn, các khoản thu phí, lệ phí liên quan đến đất đai; thực hiện các Đề
án về chống thất thu thuế, tính tiền sử dụng đất, bãi đỗ xe...); áp dụng hóa
đơn điện tử, trước hết là tại các quận nội đô, các trung tâm thương mại lớn (phấn
đấu đến tháng 9/2020 thực hiện 100%); tạo điều kiện cho các hoạt động khai báo
điện tử.
b. Sở Công thương tổ chức triển khai các giải pháp
thúc đẩy thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, tạo thuận lợi
thương mại gắn với chống gian lận thương mại.
c. Các Sở, ban, ngành thuộc Thành phố và UBND các quận,
huyện, thị xã chủ động tháo gỡ các vướng mắc về quản lý đất đai, quy hoạch, đầu
tư xây dựng và xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai hoặc báo cáo cấp có thẩm
quyền giải quyết nếu vượt thẩm quyền.
d. Cục Thuế Thành phố, Sở Tài chính, UBND các quận,
huyện, thị xã đánh giá tác động của việc thực hiện chính sách gia hạn thời hạn
nộp thuế và tiền thuê đất đến tiến độ thực hiện thu NSNN hàng tháng, hàng quý;
đánh giá khả năng thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trên địa bàn năm 2020 khi chịu ảnh
hưởng của dịch Covid-19, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ
và các yếu tố tác động khác; thực hiện các giải pháp khai thác, huy động các
nguồn thu trên địa bàn để bù đắp một phần giảm thu khi tăng trưởng kinh tế
không đạt kế hoạch.
2. Về chi ngân sách nhà nước
a. Về chi đầu tư XDCB
Các Sở, ban,
ngành, Ban quản lý dự án thuộc Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và các
chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công trung hạn
05 năm 2016-2020 và năm 2020, cụ thể:
- Xây dựng phương án triển khai kế hoạch đầu tư công
năm 2020 phù hợp với kịch bản thu ngân sách trên địa bàn Thành phố trong bối cảnh
tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, khó lường.
- Tập trung thi công các công trình, dự án chuyển tiếp
có khả năng hoàn thành, bàn giao trong năm phát huy hiệu quả đầu tư. Đối với
các nhóm dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên trong danh mục khởi công mới năm 2020 cần
đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục triển khai thực hiện và khởi công xây dựng
công trình.
- Phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, thị xã và
các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng, thiết kế,
dự toán, đấu thầu, tập trung triển khai thực hiện các dự án đảm bảo tiến độ, chất
lượng công trình.
- Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ tạm ứng, thanh toán
ngay khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn khối lượng thanh toán vào cuối
năm. Thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn các dự án ngay từ những tháng đầu năm,
đảm bảo giải ngân hết số vốn chuyển nguồn của năm 2019 và kế hoạch năm 2020.
UBND các quận,
huyện, thị xã rà soát, sắp xếp các dự án theo thứ tự ưu tiên và xây dựng phương
án điều chỉnh kế hoạch đầu tư công của địa phương đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn,
không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản; tăng cường phối hợp với các Sở, ngành
Thành phố trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách, các nhiệm vụ đột xuất do
Thành phố giao.
b. Về chi thường xuyên
Các sở, ban,
ngành, Đoàn thể trực thuộc Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, thực
hiện tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những công việc chưa thực sự cấp thiết
để dành nguồn lực cho công tác phòng chống dịch và thực hiện các chính sách an
sinh xã hội; thực hiện cắt giảm ít nhất thêm 5% dự toán chi thường xuyên
còn lại của 09 tháng cuối năm 2020 (ngoài số tiết kiệm 10% dành nguồn cải cách
tiền lương Thành phố giao đầu năm), trong đó:
- Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách các cấp;
thực hiện cắt giảm các khoản kinh phí đi học tập, trao đổi, công tác tại nước
ngoài; các khoản chi cho các hoạt động kỷ niệm ngày lễ, tổ chức các sự kiện văn
hóa, thể thao, lễ hội; hội nghị, hội thảo, tiếp khách; kinh phí tuyên truyền quảng
bá của Thành phố trên phương tiện truyền thông, giảm kế hoạch xúc tiến đầu tư,
thương mại, du lịch,...; rà soát, cắt giảm, giãn, hoãn các dự án cải tạo, chống
xuống cấp, kinh phí mua sắm... chưa thật sự cấp thiết, cấp bách để dành nguồn lực
cho công tác phòng, chống dịch và thực hiện chính sách an sinh xã hội.
- Đối với các khoản kinh phí đã xác định nhiệm vụ và
bố trí dự toán nhưng chưa có phương án phân bổ: Các Sở, ban, ngành được giao chủ
trì tham mưu các khoản kinh phí điều hành tập trung, chương trình mục tiêu của
Thành phố; UBND các quận, huyện, thị xã rà soát tình hình phân bổ kinh phí, dự
kiến khả năng thực hiện và phương án phân bổ trong thời gian tới; thực hiện cắt,
giảm, giãn, hoãn sang năm sau đối với kinh phí các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần
thiết, cấp bách.
- UBND các quận, huyện, thị xã báo cáo UBND Thành phố
về kết quả cắt giảm dự toán chi thường xuyên ngân sách năm 2020 trước ngày
15/6/2020, đồng thời gửi Sở Tài chính để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố.
Các Sở, ban,
ngành, UBND các cấp và đơn vị sử dụng ngân sách tập trung thực hiện các nhiệm vụ
và dự toán ngân sách được giao; đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân một số lĩnh
vực, nhiệm vụ tiến độ giải ngân 4 tháng đầu năm còn chậm như: chi phát thanh
truyền hình, chi sự nghiệp khoa học công nghệ, sự nghiệp kinh tế...
3. Thực hiện các giải pháp điều hành, cân đối ngân sách do tác
động của dịch bệnh Covid-19
a. Sở Tài chính
- Phối hợp với Cục Thuế Thành phố đánh giá tác động của
dịch bệnh Covid-19 và khả năng thực hiện nhiệm vụ thu NSNN trên địa bàn, thu
ngân sách địa phương và thu ngân sách cấp Thành phố để tham mưu UBND Thành phố
phương án điều hành, cân đối ngân sách kịp thời, đúng quy định.
- Thực hiện rà soát, tổng hợp trình UBND Thành phố
phương án cắt giảm các khoản chi thường xuyên chưa cần thiết để bảo bảo nguồn lực
cho công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, các nhiệm vụ thường xuyên cấp thiết,
các chính sách an sinh xã hội và đảm bảo nguồn cho chi đầu tư phát triển theo
khả năng ngân sách, phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế.
- Rà soát các nguồn lực của các cấp ngân sách (dự
phòng ngân sách, kết dư ngân sách, nguồn cải cách tiền lương chưa sử dụng, Quỹ
Dự trữ Tài chính Thành phố, ...) để đảm bảo nguồn lực thực hiện các chính sách
hỗ trợ người dân gặp khó khăn theo Nghị quyết của Chính phủ và đảm bảo cân đối
ngân sách trong điều kiện giảm thu do tác động của dịch bệnh Covid-19.
- Tham mưu UBND Thành phố sử dụng dự phòng ngân sách
Thành phố cho các nhiệm vụ chi thường xuyên theo đúng quy định của Luật NSNN.
- Tham mưu UBND Thành phố thành lập Tổ công tác đặc trách để chỉ đạo
rà soát, đánh giá nguồn thu, cơ chế chi, nội dung chi ngân sách năm 2020, từ đó
xây dựng phương án kèm theo các giải pháp thực hiện cân đối thu chi ngân sách
trên địa bàn Thành phố, hoàn thành trong tháng 6/2020.
b. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên
đánh giá, kiểm tra, đôn đốc tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020;
tham mưu UBND Thành phố điều chỉnh kế hoạch vốn từ các dự án chậm giải ngân,
không có khả năng thực hiện hết kế hoạch vốn được giao sang cho các dự án giải
ngân tốt và có nhu cầu bổ sung vốn; phấn đấu giải ngân hết số vốn còn lại của kế
hoạch đầu tư công năm 2019 và vốn của kế hoạch đầu tư công năm 2020.
- Rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên và xây dựng phương
án cắt giảm kế hoạch đầu tư công năm 2020 phù hợp với khả năng cân đối ngân
sách trong trường hợp nguồn thu ngân sách giảm sâu và không đủ nguồn bù đắp.
- Tham mưu UBND Thành phố sử dụng dự phòng ngân sách
Thành phố cho các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển theo đúng quy định của Luật
NSNN, Luật Đầu tư công.
c. Kho bạc Nhà nước Hà Nội
- Thực hiện kiểm soát chi đảm bảo đúng chế độ, chính
sách; phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư giải quyết các vấn đề vướng mắc phát
sinh, giải ngân kịp thời các dự án khi đủ điều kiện; đôn đốc các đơn vị sử dụng
ngân sách, các chủ đầu tư để thu hồi các khoản tạm ứng quá thời hạn quy định.
- Thực hiện chế độ báo cáo tồn quỹ ngân sách hàng
ngày cho cơ quan tài chính các cấp để phục vụ công tác điều hành ngân sách các
cấp theo đúng quy định tại Khoản 5 Điều 22 Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày
30/12/2016 của Bộ Tài chính.
- Thực hiện chế độ báo cáo Thành ủy, UBND Thành phố về
tiến độ thu, chi ngân sách Thành phố 02 tuần/lần (vào đầu tháng và giữa tháng),
đồng thời gửi Sở Tài chính để phối hợp.
d. UBND các quận, huyện, thị xã
- Chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị, các xã, phường, thị
trấn tăng cường phối hợp với cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế nói chung
và công tác thu hồi nợ thuế nói riêng; phối hợp khai thác tăng thu các khoản
thu về đất, phấn đấu thực hiện nhiệm vụ thu NSNN được giao ở mức cao nhất.
- Rà soát, đánh giá cụ thể mức độ ảnh hưởng bởi dịch
bệnh Covid-19 và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 của Chính phủ đến thu NSNN trên địa
bàn, tới thu ngân sách địa phương (chi tiết từng khu vực, từng sắc thuế). Đánh
giá tác động khi thực hiện chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuế đất
theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ đến thu ngân sách
địa phương theo từng tháng, từng quý. Theo dõi thường xuyên tồn quỹ ngân sách;
đảm bảo nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, các chính sách, chế
độ liên quan đến con người, các chính sách an sinh xã hội và các nhiệm vụ quan
trọng, cấp bách của các đơn vị theo dự toán được giao; đồng thời chú trọng chi
cho đầu tư để tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
- Rà soát các nguồn lực của ngân sách địa phương (dự
phòng ngân sách, tăng thu, kết dư ngân sách, ...) và xây dựng kịch bản điều
hành, phương án cân đối ngân sách và các giải pháp điều hành thu, chi ngân sách
theo diễn biến tình hình dịch bệnh và tăng trưởng kinh tế.
4. Triển khai các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp
bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19
a. Cục Thuế Thành phố triển khai việc gia hạn thời hạn
nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và
tiền thuê đất theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ; hướng
dẫn các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh xác định số thuế,
tiền thuê đất được gia hạn thời hạn nộp và thực hiện thủ tục đề nghị gia hạn; kịp
thời đôn đốc tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn sau khi hết thời gian gia
hạn theo quy định, hạn chế tối đa việc phát sinh nợ thuế, nợ tiền thuê đất.
b. Bảo hiểm xã hội Thành phố triển khai thực hiện tạm
dừng đóng bảo hiểm xã hội đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh
Covid-19 theo Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ và hướng
dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại Công văn số
860/BHXH-BT ngày 17/3/2020 về việc tạm
dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch
Covid-19.
c. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp
UBND các quận, huyện, thị xã hướng dẫn, triển khai công tác hỗ trợ người dân, các
đối tượng chính sách gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố
Hà Nội theo đúng quy định.
5. Các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường
kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về ngân sách nhà nước, tăng cường
quản lý thu, chi ngân sách. Thực
hiện công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, đảm bảo chi ngân
sách nhà nước theo dự toán, tiết kiệm, hiệu quả, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định
mức chi và quy định pháp luật. Kịp thời tham mưu UBND Thành phố có biện pháp xử
lý nghiêm minh, theo đúng quy định đối với các sai phạm về quản lý ngân sách và
tài sản công đã được cơ quan kiểm toán, thanh tra phát hiện, kiến nghị.
6. Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thuộc Thành phố và Chủ tịch
UBND các quận, huyện, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và các chỉ đạo
tại Chỉ thị này khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện; làm tốt công tác hướng dẫn, tuyên truyền, vận động
cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; tuyệt đối tránh cơ chế “xin - cho”, gây khó
khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; chủ động phối hợp với các Bộ, cơ
quan liên quan để xử lý các vướng mắc phát sinh; định kỳ hàng tháng báo cáo
tình hình thực hiện, đề xuất giải pháp, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính
cùng với báo cáo kết quả thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội trước ngày 20
hàng tháng để tổng hợp, báo cáo UBND Thành phố. Tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra,
giám sát trong thu, chi, điều hành ngân sách các cấp theo quy định; kiểm điểm
trách nhiệm, xử lý nghiêm, kịp thời theo quy định của pháp luật liên quan đối với
các trường hợp tổ chức, cá nhân thuộc thẩm quyền quản lý có hành vi vi phạm./.
Nơi nhận:
- Đ/c Bí thư Thành ủy;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND Thành phố;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các PCT UBND Thành phố;
- Các Sở, ban, ngành, hội, đoàn thể TP;
- UBND các quận, huyện, thị xã;
- Báo Hà Nội mới, Báo Kinh tế & Đô thị;
- Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội;
- Cổng Thông tin điện tử Hà Nội;
- VPUB: CVP, các PCVP; các Phòng CM;
- Lưu: VT, KT.
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Đức Chung
|