ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
03/CT-UBND
|
Khánh
Hòa, ngày 22 tháng 01 năm 2016
|
CHỈ THỊ
VỀ VIỆC TỔ CHỨC THỰC HIỆN DỰ TOÁN NGÂN SÁCH
NHÀ NƯỚC NĂM 2016
Triển khai nhiệm
vụ ngân sách nhà nước trong bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính, tiền tệ thế
giới và khu vực diễn biến phức tạp; tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn giảm,
giá dầu giảm sâu; tình hình biển Đông tiếp tục diễn biến nguy hiểm, khó lường...
đã tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta. Hoạt động của các doanh nghiệp
trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và
nhỏ do khả năng cạnh tranh thấp. Trong khi đó, yêu cầu chi đầu tư và thường
xuyên ngày càng lớn làm cho công tác điều hành ngân sách ngày càng khó khăn.
Song dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự giám sát chặt chẽ của Hội đồng nhân dân,
sự lãnh đạo và chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban nhân dân các cấp, đồng thời có sự
phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả của các ngành, các cấp và nỗ lực vươn lên của cộng
đồng doanh nghiệp đã làm cho nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2015 đạt được
những kết quả tích cực. Kết thúc năm 2015, thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa
bàn tỉnh đạt 13.567 tỷ đồng, bằng 91,4% so với dự toán Trung ương giao (DTTW),
bằng 90,2% so với dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định (DTĐP) và bằng
87,6% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó thu thuế xuất nhập khẩu 3.500 tỷ đồng,
bằng 50% so với DTTW và DTĐP, bằng 51,1% so với cùng kỳ năm 2014; thu nội địa
9.501 tỷ đồng, vượt 21% so với DTTW và DTĐP, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm
2014.
Năm 2016 là năm đầu thực hiện
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, đồng thời là năm có nhiều
sự kiện trọng đại của đất nước như Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII,
bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp. Bên cạnh những yếu tố
thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội nước ta dự báo năm 2016 sẽ có nhiều
khó khăn, thách thức. Tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục diễn biến
phức tạp; tốc độ phục hồi kinh tế chậm và tìm ẩn nhiều rủi ro. Cạnh tranh giữa
các nền kinh tế ngày càng gay gắt, diễn biến phức tạp của tranh chấp chủ quyền
biển, đảo trên biển Đông, cùng với biến động khó lường của thị trường tài
chính, tiền tệ, giá dầu thô,... có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển
kinh tế của đất nước. Việc hình thành cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 cùng với
việc ký kết và triển khai các hiệp định thương mại tự do mở ra nhiều cơ hội
phát triển, nhưng cũng tạo ra những khó khăn, thách thức rất lớn phải nỗ lực vượt
qua trong năm 2016. Xuất phát từ tình hình trên đòi hỏi các ngành, các cấp và cả
hệ thống chính trị phải tập trung quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ tài
chính - ngân sách năm 2016.
Căn cứ Nghị quyết số
28/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh khóa V, kỳ họp
thứ 11 về dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, chi ngân sách địa
phương; phương án phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2016; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu
cầu Thủ trưởng các sở, ban ngành thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố căn cứ hướng dẫn tại Thông tư số 206/2015/TT-BTC ngày 24
tháng 12 năm 2015 quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách năm 2016 và
trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương, đơn vị mình tiến hành xây dựng các
giải pháp cụ thể và tập trung triển khai ngay từ những tháng đầu năm nhiệm vụ
tài chính - ngân sách năm 2016, trong đó cần tập trung quyết liệt thực hiện một
số nhiệm vụ liên quan đến công tác thu - chi ngân sách như sau:
1. Về tổ
chức, quản lý thu ngân sách
a) Đối với ngành hải quan:
Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ
tục hải quan theo hướng đơn giản, minh bạch, công khai, thuận tiện và thống nhất,
phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về hải quan, tạo thuận lợi hơn nữa cho hoạt động
xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa, phương tiện vận tải; giảm chi phí, thời
gian của người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hải quan. Tiếp
tục đẩy mạnh cải cách và hiện đại hóa hải quan, đảm bảo vận hành thông suốt hệ
thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS. Tăng cường việc rà soát phân loại nợ thuế,
áp dụng các biện pháp quản lý thuế, cưỡng chế trong thu hồi nợ thuế và không để
phát sinh nợ thuế mới.
b) Đối với ngành thuế:
- Thường xuyên theo dõi diễn
biến tình hình thu, nắm chắc các nguồn thu và số lượng người nộp thuế trên địa
bàn. Chú trọng công tác phân tích, đánh giá và dự báo nguồn thu, đặc biệt phân
tích cụ thể nguyên nhân tác động làm tăng giảm nguồn thu theo từng địa bàn, từng
lĩnh vực thu, từ đó tổng hợp báo cáo kịp thời kết quả thu và dự báo thu hàng
tháng, hàng quý sát đúng với thực tế phát sinh. Đồng thời xác định cụ thể các
nguồn thu còn tiềm năng, các lĩnh vực, loại thuế còn thất thu để kịp thời đề xuất
các giải pháp quản lý hiệu quả, kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các
ngành, các cấp và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố cùng phối hợp thực
hiện.
- Tiếp tục triển khai dịch vụ
nộp thuế qua mạng, hoàn thuế điện tử và phối hợp với các cơ quan có liên quan để
triển khai dịch vụ nộp thuế đất đai, lệ phí trước bạ, hộ cá nhân qua mạng.
- Tăng cường công tác tuyên
truyền, hỗ trợ đối với người nộp thuế, hướng dẫn người nộp thuế thực hiện kê
khai thuế đúng quy định; đổi mới các hình thức tuyên truyền, hỗ trợ, tư vấn
pháp luật về thuế để nâng cao sự hiểu biết và tính tuân thủ pháp luật thuế đối
với các đối tượng nộp thuế.
- Tăng cường công tác quản lý
thu, khai thác triệt để các nguồn thu không thường xuyên: Cơ sở kinh doanh lưu
động, vãng lai, xây dựng tư nhân, vận tải, kinh doanh mùa vụ, cho thuê nhà, cho
thuê tài sản, khai thác tài nguyên khoáng sản, dịch vụ du lịch lữ hành,...; thường
xuyên theo dõi, kiểm tra xác định mức doanh thu khoán (và doanh thu trên hóa
đơn) đối với cá nhân kinh doanh ở một số lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn trọng điểm
để đảm bảo việc quản lý thuế đúng chính sách, phù hợp, công bằng.
- Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra,
đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ kê khai thuế của các tổ chức, cá nhân nhằm đạt
mục tiêu tỷ lệ hồ sơ kê khai thuế đúng hạn 100% so với số cần kê khai nghĩa vụ
thuế theo chế độ quy định.
- Tổ chức thanh tra, kiểm tra
chuyên sâu theo từng ngành, lĩnh vực trọng điểm và các mặt hàng nhạy cảm, tập
trung vào các lĩnh vực còn thất thu; tăng cường phối hợp với các cơ quan có
liên quan để đôn đốc thực hiện kịp thời kết quả thanh tra, kiểm tra vào NSNN.
- Tăng cường công tác thu hồi
nợ thuế, chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế, phấn đấu
đến cuối năm 2016 số nợ thuế ở dưới mức 5% tổng thu ngân sách.
2. Tổ chức
điều hành dự toán chi ngân sách địa phương
a) Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố; các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách các cấp phải triệt để
tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách, chống lãng phí; thực hiện chi tiêu theo dự
toán đã được các cấp có thẩm quyền giao, đảm bảo đúng tiêu chuẩn, định mức chế
độ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành; đối với các nhiệm vụ chi phát
sinh ngoài dự toán cần chủ động rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi đã được
giao trong dự toán để tổ chức thực hiện; chủ động sử dụng nguồn dự phòng của cấp
mình và các nguồn lực hợp pháp khác của địa phương để xử lý các nhiệm vụ chi cấp
bách phát sinh, tránh sự trông chờ, ỷ lại từ ngân sách cấp trên; giảm tối đa
kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; hạn chế bố trí kinh phí đi
nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền; bảo đảm
nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội và điều chỉnh tiền lương,
không để xảy ra tình trạng nợ lương cán bộ, công chức, viên chức, các khoản chi
cho con người và các chính sách đảm bảo xã hội theo chế độ.
Ngoài 10% tiết kiệm chi thường
xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định, các sở, ban ngành thuộc tỉnh
và các địa phương thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên (không kể các
khoản chi tiền lương, có tính chất lương) được giữ lại ở ngân sách các cấp trước
khi giao dự toán để bố trí chi thực hiện cải cách tiền lương năm 2016.
Hạn chế việc ứng trước dự toán
năm sau (trừ trường hợp đặc biệt, thiên tai, bão lũ, dịch bệnh, nhiệm vụ cấp
thiết về quốc phòng, an ninh, các nhiệm vụ quan trọng cấp bách), việc ứng trước
dự toán phải căn cứ Khoản 13, Mục IV Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23 tháng 6
năm 2003 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm
2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thực hành Luật Ngân sách nhà
nước.
b) Sở Tài chính; Phòng Tài
chính - Kế hoạch các huyện, thị xã, thành phố và Ban Tài chính xã, phường, thị
trấn chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp tổ chức, điều hành ngân
sách theo dự toán đã được Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định. Định kỳ đánh
giá, dự báo tình hình thu, chi ngân sách, kịp thời đề xuất những biện pháp, giải
pháp điều hành ngân sách có hiệu quả; nâng cao chất lượng tham mưu từ khâu thẩm
tra, thẩm định phân bổ dự toán đến việc sử dụng và quyết toán ngân sách nhà nước
của các cơ quan, đơn vị; chỉ tham mưu bổ sung ngoài dự toán các nhiệm vụ thực sự
cấp bách, cấp thiết, không thể trì hoãn và có nguồn cân đối đảm bảo. Căn cứ khả
năng nguồn thu và nhiệm vụ chi theo dự toán đã giao, hàng quý xây dựng phương
án điều hành ngân sách gửi Kho bạc Nhà nước cùng cấp. Thông báo rút dự toán
hàng tháng cho ngân sách cấp dưới phù hợp với khả năng cân đối và nhiệm vụ chi
thực tế của các địa phương; đôn đốc các cơ quan, đơn vị hoàn trả các khoản tạm ứng,
ứng trước dự toán đúng thời gian quy định. Hạn chế chi chuyển nguồn, chỉ xem
xét xử lý chuyển nguồn đối với những nhiệm vụ chi có trong dự toán và thực sự cần
thiết chi trong năm sau. Rà soát lại các nhiệm vụ chi ngân sách để tránh sự
trùng lắp không hiệu quả.
c) Sở Kế hoạch và Đầu tư phải
thường xuyên kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, công trình của các
cấp trên địa bàn tỉnh, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, công trình
nhằm đảm bảo sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngân sách. Đối với những dự án, công
trình thực hiện không đúng tiến độ phải báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định điều
chỉnh để chuyển vốn cho những dự án có tiến độ triển khai nhanh, có khả năng
hoàn thành trong năm 2016 nhưng chưa được bố trí vốn. Phối hợp với Sở Tài chính
và Kho bạc Nhà nước để bố trí vốn thu hồi các khoản tạm ứng, ứng trước dự toán.
d) Kho bạc Nhà nước các cấp phải
tăng cường công tác kiểm soát chi ngân sách, đảm bảo mọi khoản chi phải đúng chế
độ, tiêu chuẩn, định mức chi tiêu do cấp có thẩm quyền ban hành. Thực hiện đầy
đủ nguyên tắc kiểm soát, thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản, tạo điều kiện
thuận lợi cho các chủ đầu tư và nhà thầu được tạm ứng, thanh toán khối lượng
hoàn thành đúng với quy định. Đôn đốc các chủ đầu tư và nhà thầu khẩn trương
thanh toán khối lượng đã được tạm ứng, nhằm hạn chế chi chuyển nguồn tạm ứng vốn
đầu tư sang năm sau. Trên cơ sở khối lượng thực hiện của dự án, công trình, Kho
bạc Nhà nước tỉnh chịu trách nhiệm trong việc giải ngân, thanh toán vốn cho các
chủ đầu tư. Chủ động lập kế hoạch nguồn vốn, kế hoạch chi trả, thanh toán đảm bảo
đầy đủ, kịp thời yêu cầu nhiệm vụ chi theo phương án điều hành ngân sách hàng
quý của cơ quan tài chính cùng cấp; ưu tiên nguồn vốn chi cho các khoản thanh
toán cá nhân (lương, phụ cấp, trợ cấp xã hội,...) và các khoản chi cho công tác
an sinh xã hội. Đối với những khoản chi có tính chất thời vụ hoặc chỉ phát sinh
vào một số thời điểm như đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, sửa chữa lớn và các
khoản có tính chất không thường xuyên khác thực hiện thanh toán theo tiến độ,
khối lượng công việc căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách.
Nhận được Chỉ thị này, yêu cầu
các Giám đốc sở; Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan
chịu trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc; thường xuyên báo cáo kết
quả và những khó khăn, vướng mắc về Sở Tài chính và Ủy ban nhân dân tỉnh để xem
xét giải quyết kịp thời./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Đào Công Thiên
|