ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 02/CT-UBND
|
Bà Rịa-Vũng Tàu,
ngày 10 tháng 01 năm 2018
|
CHỈ THỊ
VỀ
TỔ CHỨC QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2018 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA
- VŨNG TÀU
Năm 2018 là năm thứ hai thời kỳ
ổn định ngân sách giai đoạn 2017-2020. Để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ ngân
sách năm 2018 đã được HĐND Tỉnh phê chuẩn, góp phần thực hiện thắng lợi mục
tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm và tạo đà phát triển cho
các năm tiếp theo, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, Ban, Ngành và Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tập trung thực hiện một
số nội dung công việc chủ yếu sau đây:
1. Về tổ chức quản lý và điều
hành thu ngân sách nhà nước:
Mặc dù tình hình thu ngân sách
năm 2017 có dấu hiệu khởi sắc so với những năm trước. Tuy nhiên, theo dự báo
giá dầu vẫn tiếp tục ở mức thấp và sản lượng khai thác dự kiến giảm nên sẽ tác
động mạnh đến khả năng thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh
trong năm 2018. Vì vậy, Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị:
a) Thủ trưởng các Sở, Ban,
Ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Đánh giá những khó khăn, tồn
tại để xác định nguyên nhân chủ quan, khách quan trong công tác thu ngân sách
năm 2017 nhằm xây dựng kế hoạch và giao nhiệm vụ thu cho từng bộ phận, từng cá
nhân để tổ chức thực hiện có hiệu quả ngay từ đầu năm, qua đó phấn đấu hoàn thành
vượt mức dự toán thu ngân sách năm 2018 đã được Trung ương và HĐND tỉnh giao.
- Chủ động phối hợp trong việc
thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
nhằm tạo điều kiện thuận lợi hoạt động của các doanh nghiệp thuộc các thành phần
kinh tế theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 06/2/2017 của Chính phủ; đồng
thời khuyến khích khởi nghiệp để tăng số lượng doanh nghiệp. Qua đó, thúc đẩy
tăng trưởng kinh tế cao và bền vững, tạo nguồn thu ngân sách ổn định và vững chắc.
- Đẩy mạnh cải cách thủ tục
hành chính, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đặc biệt là trong
lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước theo hướng cao nhất, kịp thời giải
đáp các vướng mắc, kiến nghị nhằm giảm thiểu tối đa thời gian, chi phí tuân thủ
cho người dân và doanh nghiệp theo đúng tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày
16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020.
- Tăng cường thực hiện có hiệu
quả chính sách ưu đãi về tiền đất, chính sách xã hội hóa trong lĩnh vực sự nghiệp
công của tỉnh và chính sách tiếp cận về vốn, tín dụng đầu tư phát triển của Nhà
nước nhằm khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh, tăng nguồn thu cho ngân
sách nhà nước.
- Tiếp tục triển khai thực hiện
tốt Luật NSNN số 83/2015/QH13 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Hạn chế tối đa
việc đề xuất ban hành các chính sách làm giảm thu ngân sách địa phương.
b) Giao Cục Thuế, Cục Hải quan
tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan:
- Xây dựng và tổ chức thực hiện
quyết liệt các giải pháp đôn đốc thu, nộp ngân sách theo quy định nhằm phấn đấu
hoàn thành dự toán thu NSNN và thu ngân sách địa phương (NSĐP).
- Rà soát, nắm chắc nguồn thu
trên địa bàn, nhất là tình hình thu nộp của các doanh nghiệp có số thu lớn, các
doanh nghiệp đóng trên địa bàn nhưng hạch toán phụ thuộc công ty mẹ có trụ sở
ngoài tỉnh. Chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch & Đầu tư tham mưu Ủy ban nhân
dân tỉnh giải pháp nhằm thu hút nguồn thu nộp tại tỉnh.
- Tăng cường công tác thanh
tra, kiểm tra thuế, xử lý nợ đọng thuế, đảm bảo thu đúng, thu đủ và kịp thời
các khoản thuế, phí, lệ phí và thu khác vào NSNN.
c) Giao Kho bạc Nhà nước tỉnh:
- Phối hợp với Sở Tài chính, Cục
Thuế tỉnh tổ chức hạch toán đầy đủ, chính xác và kịp thời các khoản thu vào
ngân sách nhà nước, nhất là việc hạch toán điều tiết các khoản thu phân chia,
phân cấp giữa các cấp ngân sách theo quy định, trọng tâm các khoản thu: Thu
vãng lai thuế GTGT, thuế TNDN; thu tiền thuê đất, tiền sử dụng đất trong và
ngoài khu công nghiệp; thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công và thu nhập
khác v.v...
- Phối hợp với các ngân hàng
thương mại tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình thực
hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước. Định kỳ thực hiện rà soát, phân loại
các khoản tạm thu, tạm giữ chờ xử lý nhằm kịp thời phối hợp với các đơn vị chủ
quản xử lý nộp ngân sách nhà nước theo quy định.
d) Giao Sở Tài chính:
- Tiếp tục rà soát, tham mưu Ủy
ban nhân dân tỉnh lập thủ tục bán đấu giá các cơ sở nhà, đất thuộc danh mục trụ
sở cơ quan nhà nước bán đấu giá đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt sau khi
Chính phủ ban hành quy định thay thế Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg. Đồng thời,
phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên & Môi trường và các cơ quan, đơn vị
liên quan đề xuất lập, điều chỉnh lại quy hoạch các cơ sở nhà, đất phù hợp với
mục đích bán đấu giá, góp phần đẩy nhanh tiến độ bán đấu giá.
e) Giao Sở Tài nguyên & Môi
trường:
- Tích cực tham mưu rà soát, lập
quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thuộc các lô đất công theo kế hoạch năm 2018,
các lô đất dọc 02 bên tuyến đường lớn mới hình thành và các lô đất trong khu vực
nhà nước đã hoàn thiện hạ tầng nhằm hình thành nguồn quỹ đất công có giá trị
kinh tế cao, phù hợp với mục tiêu khai thác bán đấu giá.
- Tăng cường phối hợp chặt chẽ
với các sở, ban, ngành, Quỹ Phát triển đất, Trung tâm phát triển quỹ đất và Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố trong việc đẩy nhanh tiến độ công tác giải
phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch nhằm tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ triển
khai bán đấu giá.
- Phối hợp chặt chẽ với Sở Tài
chính, Cục Thuế tỉnh rà soát toàn bộ hồ sơ, hợp đồng cho thuê đất thuộc các dự
án đầu tư trên địa bàn hiện còn tồn đọng, chuyển hồ sơ địa chính kịp thời đến
các cơ quan có liên quan theo quy định. Qua đó, góp phần huy động kịp thời đầy
đủ nguồn thu cho ngân sách tỉnh.
f) Giao Sở Kế hoạch & Đầu
tư:
Chủ trì phối hợp với Sở Tài
chính, các BQL Dự án chuyên ngành của tỉnh tiếp tục rà soát, tham mưu đề xuất
ban hành cơ chế thu, góp vốn đầu tư đối với các dự án, công trình hạ tầng kỹ
thuật phục vụ dân sinh (cầu, kè, bến cảng, hệ thống ngầm...) do Nhà nước đầu tư
từ ngân sách mà các doanh nghiệp được hưởng lợi trực tiếp từ dự án nhằm góp phần
huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, giảm gánh nặng cho ngân sách.
g) Giao Sở Xây dựng:
Chủ trì, phối hợp với Công ty
môi trường và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý
và có biện pháp thu tiền xử lý chất thải rắn đầy đủ đối với các đối tượng phải
thu tiền xử lý chất thải rắn theo đúng quy định, tránh thất thoát nguồn thu của
ngân sách nhà nước.
2. Về tổ chức quản lý và điều
hành chi ngân sách nhà nước:
a) Về tổ chức điều hành chi
ngân sách:
- Căn cứ Quyết định giao dự
toán năm 2018 của Ủy ban nhân dân các cấp, đơn vị dự toán cấp I thực hiện phân bổ
và giao dự toán thu, chi ngân sách cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc
theo đúng quy định tại Điều 13 - Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30 tháng 12
năm 2016 của Bộ Tài chính. Đồng thời, cơ quan tài chính các cấp có trách nhiệm
tổ chức ngay việc phân bổ dự toán kinh phí trên hệ thống TABMIS, đảm bảo có nguồn
để cơ quan Kho bạc, đơn vị dự toán và các chủ đầu tư các cấp thực hiện chi kịp
thời từ đầu năm.
- Đơn vị dự toán các cấp ngân
sách tiếp tục thực hiện nghiêm quy định về tiết kiệm 10% số chi thường xuyên
(trừ tiền lương và các khoán có tính chất lương) ngay từ khâu giao dự toán để tạo
nguồn chi thực hiện cải cách tiền lương theo chỉ tiêu được giao. Đồng thời chủ
động bố trí các nhiệm vụ chi gắn với sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế, phấn
đấu tăng các khoản thu theo quy định để đảm bảo dành nguồn tự cân đối thực hiện
điều chỉnh mức lương cơ sở đến mức 1,3 triệu đồng/tháng từ ngày 01/01/2018 đến
ngày 30/6/2018 và mức 1,39 triệu đồng từ ngày 01/7/2018.
- Các ngành, các chủ đầu tư và Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động tổ chức điều hành chi ngân sách
trong phạm vi dự toán được giao. Không đề nghị bổ sung các đề án, chương trình,
dự án hoặc đề xuất ban hành các chế độ, chính sách chi mới hoặc nâng định mức
chi làm tăng chi ngân sách khi chưa có nguồn bảo đảm.
- Ngân sách tỉnh chỉ hỗ trợ cho
các đơn vị lực lượng vũ trang của Trung ương đóng trên địa bàn khi kết hợp thực
hiện một số nhiệm vụ của địa phương theo yêu cầu bằng văn bản của Ủy ban nhân
dân tỉnh và có ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh.
- Tiếp tục triển khai thực hiện
có hiệu quả cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số
16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ; cơ chế chuyển đổi loại hình hoạt động
của các đơn vị sự nghiệp công sang loại hình Công ty cổ phần theo Quyết định số
22/2015/QĐ-TTg ngày 22/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, góp phần nâng
cao chất lượng hoạt động của các lĩnh vực sự nghiệp, đảm bảo tăng tính tự chủ về
tài chính của đơn vị sự nghiệp, tinh giản bộ máy, biên chế, thực hiện cải cách
tiền lương, từng bước tính đúng, tính đủ chi phí vào giá dịch vụ công, giảm
gánh nặng chi về ngân sách.
- Thực hiện quản lý tài sản
công (đất đai, trụ sở, nhà cửa, vật kiến trúc ...) theo đúng quy định của Luật
Quản lý tài sản công. Giao Sở Tài chính sớm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban
hành quyết định phân cấp thẩm quyền quyết định trong việc quản lý, sử dụng tài
sản công thuộc phạm vi quản lý.
b) Về tổ chức quản lý chi ngân
sách:
b.1) Đối với chi đầu tư phát
triển:
- Chủ đầu tư các dự án, công
trình xây dựng cơ bản (XDCB) thực hiện nghiêm các quy định sau đây:
+ Khẩn trương thực hiện thủ tục
thanh toán vốn bố trí cho các dự án, công trình đã hoàn thành phê duyệt quyết
toán, thu hồi tạm ứng các dự án được ứng trước dự toán vốn đầu tư XDCB từ những
năm trước trong phạm vi dự toán được giao năm 2018.
+ Cần ưu tiên thanh toán vốn
cho nhu cầu chi bồi thường, giải phóng mặt bằng, sau đó mới thanh toán tạm ứng
hợp đồng và thanh toán khối lượng hoàn thành, tránh để thiếu nguồn chi bồi thường,
giải phóng mặt bằng, gây áp lực về mặt xã hội cho cơ quan nhà nước và khó khăn
trong điều hành ngân sách.
- Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố có trách nhiệm phân bổ, giao dự toán chi đầu tư đảm bảo không thấp
hơn mức Ủy ban nhân dân tỉnh giao và phải chủ động cân đối vốn đầu tư được phân
cấp để ưu tiên phân bổ cho nhu cầu bồi thường giải phóng mặt bằng. Đối với số vốn
đầu tư được bố trí từ nguồn dự kiến tăng thu, chỉ được thực hiện khi đã xác định
rõ khả năng tăng thu ngân sách. Đối với vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách tỉnh
phải phân bổ, sử dụng đúng mục tiêu, nhiệm vụ đã xác định, không được sử dụng
cho các mục tiêu, nhiệm vụ khác.
b.2) Đối với chi thường xuyên:
- Hàng tháng Ủy ban nhân dân
các huyện, thành phố chỉ được rút dự toán bổ sung cân đối từ ngân sách tỉnh tối
đa không vượt quá mức bình quân một tháng; riêng các tháng trong quý 1/2018,
căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ mức rút dự toán có thể cao hơn mức bình quân một
tháng, song tổng mức rút dự toán cả quý 1/2018 không được vượt quá 30% dự toán
năm 2018.
- Các đơn vị là chủ chương
trình mục tiêu Quốc gia, chương trình, đề án của tỉnh cần tiếp tục tổ chức rà
soát, sắp xếp lại các chương trình, đề án đã thực hiện trong năm 2017 và sẽ thực
hiện trong năm 2018 theo tinh thần Chỉ thị số 27/CT- UBND ngày 03/11/2017 của Ủy
ban nhân dân tỉnh.
- Đơn vị dự toán các cấp chấp
hành nghiêm dự toán được giao, khẩn trương hoàn thành công tác phân bổ dự toán
cũng như triển khai thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà thầu theo quy định (đối
với kinh phí mua sắm tài sản, hàng hóa, sửa chữa và các nội dung phải thực hiện
lựa chọn nhà thầu) trước ngày 30/6/2018 nhằm tránh trường hợp kinh phí bị cắt
giảm theo quy định của Chính phủ. Ủy ban nhân dân tỉnh không giải quyết các đề
nghị bổ sung dự toán trong năm, trừ các nhiệm vụ cấp bách chưa được bố trí dự
toán từ đầu năm như: Chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, các khoản
chi đột xuất khác được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định; số bổ sung được thực hiện
theo quý.
- Đối với chi đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ, công chức, viên chức: Các cơ quan, đơn vị thực hiện theo quy định tại
Nghị định số 101/2017/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ, công chức, viên chức; Thông báo số 02- TB/HĐĐH ngày 01/11/2017 của Hội
đồng điều hành 351 về công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát triển toàn diện nguồn
nhân lực tỉnh năm 2017.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ
trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
việc áp dụng cơ chế giảm giá khi thực hiện phương thức đặt hàng cung ứng sản phẩm,
dịch vụ công ích trên địa bàn tỉnh.
- Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố có trách nhiệm bố trí kinh phí để tổ chức triển khai chi trả kịp thời
các chính sách, chế độ khi Trung ương và địa phương ban hành cho người thụ hưởng.
Định kỳ 6 tháng tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để bổ sung hoặc tạm ứng
kinh phí (nếu thiếu nguồn).
- Thủ trưởng các sở, ban,
ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiếp tục thực hiện chế độ
công khai dự toán, quyết toán đối với các khoản thu, chi ngân sách theo quy định
hiện hành; đồng thời tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo tinh
thần Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư, Luật Thực hành tiết kiệm
chống lãng phí.
3. Tổ chức thực hiện:
- Giao Sở Tài chính chủ trì, phối
hợp với Cục Thuế, Cục Hải quan, KBNN tỉnh và Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, kiểm
tra, giám sát kết quả thực hiện Chỉ thị này, định kỳ báo cáo UBND tỉnh tại cuộc
họp thường kỳ về kinh tế - xã hội và tại cuộc họp giao ban ngành tài chính tỉnh.
- Giám đốc các sở, ban, ngành
và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm triển khai thực
hiện Chỉ thị này đến các cơ quan, đơn vị trực thuộc đảm bảo công tác quản lý,
điều hành ngân sách nhà nước năm 2018 đạt kết quả tốt. Định kỳ trước ngày 20 của
tháng cuối quý có trách nhiệm báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân tỉnh đồng gửi
Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo.
Chỉ thị này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày ký./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thành Long
|