THÔNG TƯ
CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN SỐ 02-NN/KNKL/TT
NGÀY 1 THÁNG 3 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 07/CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ
QUẢN LÝ GIỐNG CÂY TRỒNG
Căn cứ vào Điều 25 của Nghị định
số 07/CP ngày 5/2/1996 của Chính phủ về Quản lý giống cây trồng, Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể thi hành Nghị định này như sau:
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
1. Thuật ngữ về giống cây trồng
và nguồn gen nêu trong Nghị định được giải thích, cụ thể hoá thêm một số điểm
như sau:
a) Giống cây trồng thuộc phạm vi
điều chỉnh của Nghị định này bao gồm cả các thực liệu dùng để lai tạo, chọn lọc,
nhân và sử dụng trong sản xuất nông lâm nghiệp: hạt, củ, quả, rễ, thân, cành,
lá, cây con, mắt ghép, chồi, hoa, mô tế bào, bào tử và sợi nấm.
b) Giống gốc (hay còn gọi là giống
tác giả, trong lâm nghiệp gọi là cây mẹ) khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn công nhận mới được nhân tiếp làm giống cho sản xuất đại trà.
c) Giống nguyên chủng là giống
được nhân ra từ giống gốc hoặc tuyển chọn lại từ giống sản xuất theo quy trình
sản xuất giống nguyên chủng và đạt tiêu chuẩn chất lượng giống nguyên chủng.
Các tổ hợp ưu thế lai được sử dụng
trong sản xuất cũng được gọi là giống (giống lai). Hạt của giống lai không dùng
làm giống cho đời sau.
2. Đối tượng thực hiện Nghị định
07/CP của Chính phủ về quản lý giống cây trồng là các tổ chức, cá nhân trong nước
và nước ngoài hoạt động trong các lĩnh vực bảo tồn nguồn gen; nghiên cứu chọn tạo
giống; khảo nghiệm, công nhận giống mới; sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu
giống; quản lý nhà nước về giống, quản lý chất lượng và sử dụng giống cây trồng
trên lãnh thổ Việt Nam.
Chương 2:
QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN
GEN
1. Nguồn gen dùng để chọn tạo giống
mới và sử dụng trong sản xuất nông lâm nghiệp là tài sản quốc gia do Nhà nước
thống nhất quản lý. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Vụ Khoa học Công
nghệ và Chất lượng sản phẩm) quản lý nguồn gen trong phạm vi cả nước.
2. Tuỳ từng loại thực liệu về giống
cây nông lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Vụ Khoa học Công
nghệ và chất lượng sản phẩm) sẽ giao cho các cơ quan nghiên cứu khoa học hoặc Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
(gọi tắt là cấp tỉnh) bảo tồn (có văn bản riêng quy định danh mục thực liệu giống
cây và phân cấp quản lý).
3. Nguồn gen giống cây trồng
nông lâm nghiệp đưa vào Việt nam dưới mọi hình thức đều phải báo cáo với Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Vụ Khoa học Công nghệ và chất lượng sản phẩm)
về nguồn gốc, số lượng, chủng loại và nơi bảo quản. Khi được phép của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn mới được khai thác và sử dụng.
4. Việc bảo tồn, khai thác, sử dụng
và trao đổi nguồn gen thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn.
Chương 3:
TUYỂN CHỌN, KHẢO NGHIỆM,
XÉT DUYỆT VÀ CÔNG NHẬN GIỐNG
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn (Vụ Khoa học Công nghệ và Chất lượng sản phẩm) quản lý nhà nước về chọn
tạo, khảo nghiệm và sản xuất thử các loại cây giống. Hàng năm, Hội đồng khoa học
của Bộ tổ chức xét duyệt các loại giống cây trồng nông lâm nghiệp mới, các cây
giống, vườn giống và rừng giống hoặc rừng giống chuyển hoá để trình Bộ trưởng Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định công nhận.
2. Tất cả các loại giống cây trồng
mới chọn tạo hoặc mới nhập khẩu trước khi đưa ra sản xuất đều phải qua khảo
nghiệm hoặc sản xuất thử. Tổ chức, cá nhân có giống mới phải làm thủ tục xin khảo
nghiệm hoặc sản xuất thử và đăng ký với Vụ Khoa học Công nghệ và Chất lượng sản
phẩm. Vụ Khoa học Công nghệ và Chất lượng sản phẩm chỉ định đơn vị tiến hành khảo
nghiệm hoặc sản xuất thử. Kinh phí khảo nghiệm và sản xuất thử do tổ chức, cá
nhân gửi giống chịu trách nhiệm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn.
3. Các giống công nhận riêng cho
một vùng sinh thái khi chuyển sang vùng khác phải qua sản xuất thử. Giống đang
dùng trong sản xuất đại trà khi xuất hiện những nhược điểm gây thiệt hại đến sản
xuất thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra quyết định đình chỉ sản xuất.
4. Với các giống chưa được công
nhận, muốn sản xuất một lượng giống nhất định phải được phép của Bộ Nông nghiệp
và phát triển nông thôn.
5. Tổ chức, cá nhân có giống cây
nông lâm nghiệp mới được đăng ký với Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường để giữ
bản quyền theo luật định.
Chương 4:
SẢN XUẤT, KINH DOANH, XUẤT
NHẬP KHẨU GIỐNG
1. Tổ chức, cá nhân sản xuất giống
để bán phải có giấy phép của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục khuyến nông và khuyến lâm) cấp giấy phép đối
với các tổ chức thuộc trung ương quản lý và các tổ chức, cá nhân người nước
ngoài hoặc liên doanh với người nước ngoài sản xuất giống tại Việt Nam. Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn cấp tỉnh cấp giấy phép cho các tổ chức, cá nhân
thuộc phạm vi cấp tỉnh quản lý.
2. Tổ chức, cá nhân sản xuất giống
phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
a. Có cán bộ chuyên môn am hiểu
về kỹ thuật sản xuất giống cây trồng.
b. Có đủ điều kiện sản xuất giống.
c. Chỉ được sản xuất các loại giống
đã được công nhận. Nếu sản xuất giống địa phương thì phải được cơ quan có thẩm
quyền ở địa phương (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cấp giấy phép.
d. Sản xuất đúng quy trình kỹ
thuật quy định cho mỗi cấp giống, mỗi loại giống.
3. Đối vơi cây công nghiệp và
cây ăn quả lâu năm chỉ được phép nhân những giống đã được công nhận (bằng vô
tính hay hữu tính do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cho từng
loại cây).
4. Giống để phục vụ trồng rừng bằng
vốn ngân sách phải sử dụng đúng loại giống theo quy định về cơ cấu và xuất xứ
giống.
5. Tổ chức, cá nhân muốn được cấp
giấy phép kinh doanh giống cây nông lâm nghiệp (Do Bộ kế hoạch và Đầu tư hoặc Uỷ
ban nhân dân cấp tỉnh cấp) phải qua thẩm định của ngành Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn thẩm định đối với tổ chức trực thuộc trung ương quản lý và các tổ chức,
cá nhân người nước ngoài hoặc liên doanh với nước ngoài tại Việt Nam.
Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn cấp tỉnh thẩm định đối với tổ chức, cá nhân thuộc cấp tỉnh quản lý.
6. Tổ chức, cá nhân kinh doanh
giống phải đảm bảo các điều kiện sau đây:
a. Có cán bộ chuyên ngành am hiểu
về giống.
b. Có kho bảo quản; có thiết bị
kiểm tra, xác định chất lượng giống.
7. Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn quản lý việc xuất nhập khẩu giống cây nông lâm nghiệp trong phạm vi cả
nước.
Xuất nhập khẩu giống cây nông
lâm nghiệp dưới mọi hình thức đều phải được phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn.
Cục khuyến nông và Khuyến lâm là
cơ quan quản lý xuất nhập khẩu giống cây nông lâm nghiệp chịu trách nhiệm theo
dõi, tổng hợp, đề xuất và làm thủ tục cho xuất nhập khẩu giống cây nông lâm
nghiệp trình Bộ ký.
Hồ sơ xin xuất nhập khẩu giống gồm:
- Đơn xin xuất nhập khẩu giống.
- Giấy phép kinh doanh xuất nhập
khẩu giống.
- Hợp đồng xuất nhập khẩu giống.
- Nếu là đơn vị thuộc cấp tỉnh
quản lý phải có đề nghị của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.
Đối với những đơn vị không cấp
giấy phép xuất nhập khẩu thì sau khi có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Bộ Thương mại sẽ cấp giấy phép xuất nhập khẩu.
Việc xuất nhập khẩu giống cây trồng
phải thực hiện đúng Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật.
8. Tổ chức, cá nhân được cấp giấy
phép sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu giống phải hoạt động đúng quy định của
giấy phép và hàng năm phải báo cáo cho đơn vị cấp giấy phép về tình hình sản xuất,
kinh doanh, xuất nhập khẩu giống cây nông lâm nghiệp.
9. Các loại giống cây nông lâm
nghiệp lưu thông trên thị trường phải qua kiểm tra chất lượng và phải kèm theo
phiếu chứng chỉ chất lượng giống; có nhãn hàng hoá và bao đóng gói đúng như quy
cách đã đăng ký với cơ quan có thẩm quyền.
Người buôn bán giống phải chịu
trách nhiệm về chất lượng giống đối với người sử dụng giống; phải bồi thường
thiệt hại cho người sử dụng giống, nếu thiệt hại đó do giống không đảm bảo chất
lượng gây ra.
10. Tổ chức, cá nhân kinh doanh
các loại giống còn trong thời gian được bảo hộ quyền tác giả, người kinh doanh
phải nộp lệ phí theo quy định hiện hành.
Chương 5:
KIỂM ĐỊNH, KIỂM NGHIỆM
VÀ CẤP CHỨNG CHỈ GIỐNG
1. Giống cây nông lâm nghiệp khi
đưa vào sản xuất, kinh doanh phải có chứng chỉ xác nhận là đã qua kiểm định đồng
ruộng và kiểm nghiệm chất lượng giống.
Giống nhập khẩu phải qua kiểm
nghiệm chất lượng. Chỉ những giống đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định mới
được cấp chứng chỉ.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn (Vụ Khoa học Công nghệ và chất lượng sản phẩm) thực hiện chức năng quản
lý Nhà nước về kiềm định, kiểm nghiệm và cấp chứng chỉ chất lượng giống trong
phạm vi cả nước. Chức năng quản lý Nhà nước này được phân cấp như sau:
a. Ở Trung ương: Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn (Vụ Khoa học Công nghệ và Chất lượng sản phẩm) có trách
nhiệm:
- Tổ chức mạng lưới kiểm định,
kiểm nghiệm ở trung ương và các vùng sinh thái nông lâm nghiệp chính.
- Trình Bộ ban hành các văn bản
hướng dẫn nội dung kiểm định, kiểm nghiệm và cấp chứng chỉ chất lượng giống.
- Tổ chức đào tạo, huấn luyện
cán bộ kiểm định, kiểm nghiệm trong phạm vi cả nước.
- Tổ chức thực hiện việc kiểm định,
kiểm nghiệm và cấp chứng chỉ chất lượng cho giống của các tổ chức trực thuộc
trung ương quản lý và tổ chức, cá nhân người nước ngoài hoặc liên doanh với nước
ngoài.
b. Ở cấp tỉnh: Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn có trách nhiệm:
- Tổ chức bộ phận kiểm định, kiểm
nghiệm giống cây nông lâm nghiệp trực thuộc sở.
- Tiến hành kiểm định, kiểm nghiệm
và cấp chứng chỉ chất lượng cho giống của các tổ chức và cá nhân do cấp tỉnh quản
lý.
- Ở những tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương có trạm kiểm định, kiểm nghiệm vùng thuộc Bộ đặt tại địa
phương hoặc các tỉnh lân cận được phép uỷ quyền cho trạm đó kiểm định, kiểm
nghiệm, nhưng việc cấp giấy chứng chỉ chất lượng phải do Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn ký.
3. Phí tổn kiểm định, kiểm nghiệm
và cấp chứng chỉ chất lượng giống do tổ chức, cá nhân có giống phải nộp trả
theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có sự thoả thuận của
Bộ Tài chính.
4. Tổ chức, cá nhân chịu trách
nhiệm kiểm định, kiểm nghiệm giống xác định sai chất lượng giống, gây thiệt hạn
cho người sử dụng hoặc người kinh doanh xuất nhập khẩu giống thì phải bồi thường
thiệt hại.
Chương 6:
GIỐNG DỰ PHÒNG THIÊN TAI
1. Hàng năm Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính xây dựng
kế hoạch giống dự phòng thiên tai trình Chính phủ duyệt.
Những giống dự phòng trong nông
nghiệp hiện nay gồm: giống lúa, ngô, đậu, lạc, rau đậu các loại; trong lâm nghiệp
là giống thông, bạch đàn.
Căn cứ vào kế hoạch được duyệt,
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho một số công ty giống cây nông
lâm nghiệp thu mua, bảo quản và luân chuyển theo quy định.
2. Ở cấp tỉnh được lập quỹ giống
dự phòng thiên tai cho địa phương.
Số lượng, chủng loại, kinh phí,
đơn vị thu mua và bảo quản do Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định.
Chương 7:
CHÍNH SÁCH VỀ GIỐNG CÂY
TRỒNG
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn xây dựng kế hoạch đầu tư ngân sách hàng năm trình Nhà nước duyệt để đầu
tư vào việc tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật đảm bảo hoạt động của các cơ quan
khoa học và doanh nghiệp Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ:
- Bảo tồn nguồn gen trong các
khâu: thu nhập, nhập nội, bảo quản, đánh giá, khai thác, sử dụng.
- Chọn tạo, phục tráng giống cây
nông lâm nghiệp.
- Khảo nghiệm, kiểm nghiệm giống.
- Quản lý chất lượng giống cây
trồng.
- Đào tạo cán bộ chuyên ngành
làm nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen, chọn tạo, khảo nghiệm, bảo quản, sản xuất, kinh
doanh giống cây trồng.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn cùng Bộ Tài chính trình Nhà nước ban hành một số chính sách về giống
cây trồng:
- Giảm thuế đến mức thấp nhất
cho các đơn vị sản xuất giống gốc, giống nguyên chủng, giống mới công nhận hoặc
mới nhập khẩu.
- Các cơ quan khoa học, nghiên cứu,
sản xuất, kinh doanh được vay vốn tín dụng ưu tiên.
- Giảm thuế đến mức thấp nhất
(0%) đối với tất cả các loại giống cây trồng nhập khẩu.
- Chính sách trợ giá cho việc bảo
tồn giống gốc nông nghiệp và cây mẹ (lâm nghiệp); xây dựng các vườn giống, rừng
giống.
3. Ở cấp tỉnh: Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn xây dựng các văn bản hướng dẫn cụ thể về thực hiện chính
sách giống cây trồng trong phạm vi tỉnh trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh duyệt.
4. Tổ chức, cá nhân chọn tạo ra
giống cây trồng mới hoặc nhập khẩu giống có lợi cho sản xuất sẽ được khen thưởng
theo quy định.
5. Nhà nước khuyến khích và bảo
hộ quyền lợi hợp pháp và bình đẳng của các tổ chức, cá nhân ở trong nước và
ngoài nước hoạt động nghiên cứu, chọn tạo, nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh giống
cây trồng trên lãnh thổ Việt Nam.
Chương 8:
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ GIỐNG
CÂY TRỒNG
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn giao cho các Cục, Vụ có chức năng thực hiện quản lý Nhà nước về giống
cây trồng. Chức năng quản lý Nhà nước này phân công như sau:
a. Vụ Khoa học công nghệ và chất
lượng sản phẩm:
- Soạn thảo trình Bộ hoặc liên Bộ
ban hành các văn bản pháp quy về quản lý nguồn gen; quy trình, quy phạm kỹ thuật
các loại giống; quy định về khảo nghiệm và sản xuất thử các loại cây trồng; quy
định về kiểm định, kiểm nghiệm và cấp chứng chỉ chất lượng giống cây trồng; quy
định thủ tục đăng ký, thẩm định, cấp bằng sáng chế và đề xuất khen thưởng đối với
tổ chức, cá nhân có thành tích về giống cây trồng mới.
- Kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất
việc bảo tồn, khai thác, sử dụng nguồn gen.
b. Cục khuyến nông và khuyến lâm
và Cục phát triển lâm nghiệp:
- Soạn thảo, trình Bộ ban hành
hoặc ban hành các văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện công
tác quản lý nhà nước về giống cây trồng.
- Quản lý việc xét cấp hoặc thu
hồi các giấy phép có liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu giống
cây trồng.
- Lập quy hoạch, kế hoạch, xây dựng
hệ thống giống cây trồng, kế hoạch đầu tư cho sản xuất giống.
- Xây dựng các dự án hợp tác quốc
tế trong lĩnh vực giống cây trồng.
- Kiểm tra, thanh tra hoặc phối
hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp tỉnh kiểm tra, thanh tra, xử
lý các hành vi vi phạm về quản lý giống cây trồng trong phạm vi cả nước.
- Giúp Bộ quản lý nhà nước về giống
dự phòng thiên tai.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giống cây trồng
trong phạm vi tỉnh theo các nội dung ghi trong Điều 31 của Nghị định 07/CP của
Chính phủ.
3. Các tổ chức và cá nhân có
hành vi vi phạm Nghị định này tuỳ theo mức độ sẽ bị xử phạt hành chính hoặc
trong trường hợp nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường
vật chất theo quy định của pháp luật.
4. Tổ chức và cá nhân sản xuất,
kinh doanh, xuất nhập khẩu giống cây trồng, chịu sự kiểm tra, giám sát của các
cơ quan có thẩm quyền ghi trong Thông tư này và trong Pháp lệnh chất lượng hàng
hoá và Nghị định quy định về kiểm tra, xử lý việc sản xuất, buôn bán hàng giả của
Chính phủ.
Chương 9:
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành
phần kinh tế hoạt động trong lĩnh vực giống cây trồng trên lãnh thổ Việt Nam đều
phải thực hiện Thông tư này.
Thông tư này có hiệu lực thi
hành kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.
Trong quá trình thực hiện, nếu
có vướng mắc, cần phản ảnh kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để
giải quyết.