ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 57/2015/QĐ-UBND
|
Đà Lạt,
ngày 12 tháng 08 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN “MÁC MÁC ĐƠN
DƯƠNG”
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân
và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ số
50/2005/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 103/2006/NĐ-CP
ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN
ngày 14 tháng 02 năm 2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày
22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
Xét đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân
dân huyện Đơn Dương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế quản lý và sử dụng
nhãn hiệu chứng nhận Mác mác Đơn Dương”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban
hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Khoa học và
Công nghệ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đơn Dương; Thủ trưởng các cơ quan,
đơn vị và tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
-
Văn phòng Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ;
- TTTU, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH đơn vị tỉnh LĐ;
- Như Điều 3;
- Website Chính phủ;
- Trung tâm Công báo tỉnh,
- Website VP UBND tỉnh;
- Đài PT-TH và Báo Lâm Đồng;
- Lưu: VT, VX1.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Đoàn Văn Việt
|
QUY CHẾ
QUẢN
LÝ VÀ SỬ DỤNG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN “MÁC MÁC ĐƠN DƯƠNG”
(Ban hành theo Quyết định số 57/2015/QĐ-UBND, ngày 12 tháng 8 năm 2015 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)
Chương I
QUY
ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục
đích, ý nghĩa
Quy chế này nhằm tập hợp các tổ chức,
cá nhân trên địa bàn huyện Đơn Dương cùng xây dựng, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
“Mác mác Đơn Dương” thành nhãn hiệu có uy tín trong cộng đồng những người trồng,
kinh doanh sản phẩm mác mác tại địa phương.
Điều 2. Phạm
vi, đối tượng áp dụng
1. Nhãn hiệu chứng nhận “Mác mác Đơn
Dương” là nhãn hiệu được đăng ký độc quyền trong nước.
2. Quy chế này quy định về quản lý và
sử dụng nhãn hiệu chứng nhận với tên gọi “Mác mác Đơn Dương” cho sản phẩm quả
mác mác tươi được trồng, kinh doanh trên địa bàn huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.
3. Quy chế này áp dụng đối với cơ quan
quản lý nhãn hiệu chứng nhận và các tổ chức, cá nhân trồng, kinh doanh quả mác
mác tươi trên địa bàn huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Điều 3. Giải
thích từ ngữ
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây
được hiểu như sau:
1. Nhãn hiệu chứng nhận “Mác mác Đơn
Dương” được đề cập trong Quy chế này là nhãn hiệu chứng nhận áp dụng cho sản phẩm
quả mác mác tươi được trồng, kinh doanh trên địa bàn huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm
Đồng.
2. Giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu
chứng nhận “Mác mác Đơn Dương” là giấy chứng nhận do cơ quan quản lý nhãn hiệu
chứng nhận cấp cho các tổ chức, cá nhân trồng, kinh doanh sản phẩm quả mác mác
tươi trên địa bàn huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng khi đáp ứng các điều kiện theo
quy định tại Quy chế này.
3. Tổ chức, cá nhân trồng, kinh doanh
sản phẩm quả mác mác tươi nêu trong Quy chế này là các doanh nghiệp, các hợp
tác xã, tổ hợp tác và các hộ gia đình, cá nhân trồng, kinh doanh sản phẩm quả
mác mác tươi trên địa bàn huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Điều 4. Điều kiện được
cấp và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
1. Điều kiện để tổ chức, cá nhân trồng,
kinh doanh sản phẩm quả mác mác tươi trên địa bàn huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng
phải đáp ứng để được cấp giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Mác mác
Đơn Dương”:
a) Có hoạt động trồng, kinh doanh sản
phẩm quả mác mác thực sự trên địa bàn huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng và nằm
trong phạm vi vùng chứng nhận theo Bản đồ - phụ lục 2 của Quy chế này.
b) Đảm bảo quy định về chất lượng theo
Bản tiêu chí chất lượng sản phẩm mác mác mang nhãn hiệu chứng nhận “Mác mác Đơn
Dương” - phụ lục 3 của Quy chế này.
c) Tuân thủ các quy định trong suốt
quá trình từ trồng, thu hoạch đến lưu thông nhằm đảm bảo sản phẩm có đặc tính,
chất lượng quy định.
d) Cam kết tuân thủ nghiêm ngặt và đầy
đủ các nội dung trong Giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Mác mác Đơn
Dương” trong quá trình sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
2. Điều kiện để tổ chức hoặc cá nhân
trồng, kinh doanh sản phẩm quả mác mác trên địa bàn huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng
được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Mác mác Đơn Dương” là tổ chức hoặc cá nhân
đó được cơ quan quản lý nhãn hiệu cấp Giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu chứng
nhận “Mác mác Đơn Dương”.
Điều 5. Biểu trưng và
danh mục sản phẩm đăng ký của nhãn hiệu chứng nhận
Biểu trưng và danh mục sản phẩm đăng
ký nhãn hiệu chứng nhận “Mác mác Đơn Dương” được thể hiện tại phụ lục 1 kèm
theo Quy chế này.
Điều 6. Bản đồ vùng
trồng, kinh doanh sản phẩm mác mác mang nhãn hiệu chứng nhận
Vùng trồng, kinh doanh sản phẩm mác
mác mang nhãn hiệu chứng nhận “Mác mác Đơn Dương” được xác định tại phụ lục 2
kèm theo Quy chế này.
Chương II
CÁC
ĐẶC TÍNH CỦA SẢN PHẨM MÁC MÁC MANG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN “MÁC MÁC ĐƠN DƯƠNG”
Điều 7. Sản phẩm mang
nhãn hiệu chứng nhận
Sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận
“Mác mác Đơn Dương” là trái mác mác tươi được trồng tại huyện Đơn Dương, tỉnh
Lâm Đồng; đáp ứng các tiêu chí về chất lượng và bản đồ vùng chứng nhận quy định
tại phụ lục 2 và phụ lục 3 kèm theo Quy chế này.
Điều 8. Các đặc tính
chất lượng
Các đặc trưng về chất lượng của sản phẩm
trái mác mác mang nhãn hiệu chứng nhận “Mác mác Đơn Dương” được xác định tại phụ
lục 3 kèm theo Quy chế này.
Điều 9. Phương pháp
đánh giá các đặc tính chất lượng
1. Phương pháp lấy mẫu: Mẫu sản phẩm để
đánh giá chất lượng phải được lấy ngẫu nhiên của lô hàng mang nhãn hiệu do cơ
quan quản lý nhãn hiệu thực hiện cùng với tổ chức/cá nhân sử dụng nhãn hiệu chứng
nhận.
2. Phương pháp đánh giá đặc tính chất
lượng: Các chỉ tiêu chất lượng của sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận phải được
đánh giá theo phương pháp quy định trong Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) hiện hành;
trường hợp phương pháp thử không có trong Tiêu chuẩn Việt Nam, phương pháp đánh
giá chất lượng sẽ do cấp có thẩm quyền quy định.
Chương III
CHỨC
NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN
Điều 10. Cơ quan quản
lý nhãn hiệu chứng nhận “Mác mác Đơn Dương”
Ủy ban nhân dân huyện Đơn Dương là cơ
quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Mác mác Đơn Dương” có chức năng và nhiệm vụ
sau:
1. Đăng ký xác lập quyền sở hữu đối với
nhãn hiệu chứng nhận “Mác mác Đơn Dương” tại Cục Sở hữu trí tuệ.
2. Phát triển nhãn hiệu chứng nhận
“Mác mác Đơn Dương”.
3. Quản lý, kiểm soát việc sử dụng và
cấp giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Mác mác Đơn Dương” theo các
quy định tại Quy chế này.
4. Phát hiện, xử lý, thu hồi Giấy chứng
nhận sử dụng nhãn hiệu chứng nhận khi đối tượng tham gia vi phạm quy chế hoặc đề
xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm quy định về sử dụng
nhãn hiệu chứng nhận “Mác mác Đơn Dương”.
Chương IV
QUẢN
LÝ VIỆC SỬ DỤNG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN
Điều 11. Thủ tục cấp
Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
1. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu cấp và
sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Mác mác Đơn Dương” phải gửi 01 bộ hồ sơ, gồm: Đơn
đề nghị cấp Giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Mác mác Đơn Dương” và
Bản cam kết sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Mác mác Đơn Dương” thể hiện tại phụ lục
4 và phụ lục 5 kèm theo Quy chế này và các hồ sơ khác (nếu có) đến bộ phận tiếp
nhận hồ sơ của Ủy ban nhân dân huyện Đơn Dương để được xem xét giải quyết theo
quy định; cán bộ tiếp nhận hồ sơ phải viết giấy biên nhận, hẹn ngày kiểm tra và
ngày trả kết quả.
2. Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ
ngày nhận đơn đề nghị của các tổ chức, cá nhân, Ủy ban nhân dân huyện Đơn Dương
tiến hành kiểm tra thực tế hoạt động trồng, sản xuất và kinh doanh của tổ chức,
cá nhân yêu cầu và đánh giá chất lượng thông qua việc lấy mẫu.
3. Trong thời hạn 12 ngày làm việc kể
từ ngày đến kiểm tra cơ sở và lấy mẫu, Ủy ban nhân dân huyện Đơn Dương ra quyết
định cấp hoặc không cấp Giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Mác mác
Đơn Dương”. Trong trường hợp từ chối, phải nêu rõ lý do bằng văn bản.
Điều 12. Giấy chứng
nhận sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
1. Giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu
chứng nhận “Mác mác Đơn Dương” có các nội dung sau:
- Tên và địa chỉ tổ chức, cá nhân được
cấp giấy chứng nhận;
- Điện thoại, Fax, Email, Website (nếu
có);
- Danh mục các loại sản phẩm được cấp
giấy chứng nhận;
- Mẫu nhãn hiệu chứng nhận “Mác mác Đơn
Dương”;
- Quyền lợi và nghĩa vụ của tổ chức,
cá nhân được cấp giấy chứng nhận;
- Họ tên, chữ ký của đại diện và dấu của
Ủy ban nhân dân huyện Đơn Dương.
2. Giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu
chứng nhận “Mác mác Đơn Dương” được làm thành 01 bản chính giao cho đơn vị sử dụng.
Đơn vị cấp phát mở sổ theo dõi cấp và thu hồi Giấy chứng nhận. Trong trường hợp
có yêu cầu cấp thêm các bản sao của Giấy chứng nhận thì cơ quan quản lý sẽ cấp
(tối đa không quá 10 bản) nhưng trên bản sao phải có chữ “BẢN SAO” để phân biệt.
3. Giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu
chứng nhận “Mác mác Đơn Dương” có thời hạn 03 năm.
4. Cấp lại giấy chứng nhận sử dụng
nhãn hiệu chứng nhận “Mác mác Đơn Dương”.
a) Đối với trường hợp hết thời hạn quy
định mà trong quá trình sử dụng không vi phạm quy chế thì chỉ cần có đơn xin cấp
lại và nộp các khoản phí theo quy định thì Ủy ban nhân dân huyện Đơn Dương sẽ cấp
lại và thủ tục cấp lại giống như lần đầu.
b) Đối với trường hợp đã được cấp Giấy
chứng nhận mà trong quá trình sử dụng có vi phạm đến mức phải thu hồi, thì phải
sau thời gian 01 năm kể từ ngày thu hồi mới được xét cấp và thủ tục đề nghị cấp
lại giống như lần đầu.
c) Đối với trường hợp bị mất hoặc hư hỏng
phải có đơn xin cấp lại và nộp các khoản phí theo quy định thì cơ quan quản lý
nhãn hiệu chứng nhận sẽ cấp lại. Trong vòng 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận
đơn xin cấp lại của các tổ chức, cá nhân, Ủy ban nhân dân huyện Đơn Dương ra
Quyết định cấp lại Giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Mác mác Đơn
Dương”.
Điều 13. Sử dụng nhãn
hiệu chứng nhận
1. Tổ chức, cá nhân có thể sử dụng
nhãn hiệu chứng nhận trên bao bì sản phẩm, phương tiện kinh doanh, thư từ giao
dịch, phương tiện quảng cáo.
2. Phải sử dụng đúng và chính xác dấu
hiệu của nhãn hiệu chứng nhận gồm cả tên nhãn hiệu và hình ảnh logo.
3. Chỉ sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
cho các loại sản phẩm được cơ quan quản lý cấp Giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu
chứng nhận “Mác mác Đơn Dương”.
4. Nhãn hiệu chứng nhận được sử dụng
kèm với nhãn hiệu riêng của tổ chức, cá nhân, nhưng không được sử dụng nhãn hiệu
chứng nhận “Mác mác Đơn Dương” làm nhãn hiệu chính cho sản phẩm của mình.
5. Tổ chức, cá nhân không được tự ý
chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận dưới bất kỳ hình thức nào, kể cả
trường hợp tự cho phép sử dụng giữa các đơn vị thành viên thuộc Tổng Công ty,
Công ty mẹ với Công ty con và ngược lại.
6. Mọi thông tin cần thiết và liên
quan đến nhãn hiệu chứng nhận phải phổ biến và cung cấp đầy đủ cho các thành
viên sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
7. Nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng,
hình thức sử dụng có hoặc không có nhãn hiệu chứng nhận nhưng làm sai lệch nhận
thức hoặc gây ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của nhãn hiệu chứng nhận; mọi
hình thức đưa thông tin sai về nhãn hiệu chứng nhận hoặc lạm dụng nhãn hiệu chứng
nhận gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.
Điều 14. Quản lý việc
sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
1. Ủy ban nhân dân huyện Đơn Dương tổ
chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất việc sử dụng nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân
được cấp Giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu chứng nhận để duy trì và đảm bảo những
tiêu chuẩn và đặc tính riêng của sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Mác mác
Đơn Dương”.
2. Ủy ban nhân dân huyện Đơn Dương có
quyền ra Quyết định đình chỉ việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận đối với tổ chức,
cá nhân trong các trường hợp sau:
- Tổ chức, cá nhân không còn đáp ứng
điều kiện được cấp nhãn hiệu chứng nhận quy định tại Điều 4, Quy chế này.
- Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về
sử dụng nhãn hiệu chứng nhận tại Điều 13, Quy chế này.
- Tổ chức, cá nhân không thực hiện
thanh toán đầy đủ những chi phí cho việc chứng nhận, bảo vệ nhãn hiệu chứng nhận
quy định tại Điều 16, Quy chế này.
3. Ủy ban nhân dân huyện Đơn Dương có
quyền và nghĩa vụ đề nghị các cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý
theo quy định của pháp luật khi phát hiện có hành vi xâm phạm quyền sở hữu đối
với nhãn hiệu chứng nhận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức,
cá nhân được cấp Giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Mác mác Đơn
Dương”.
Điều 15. Kiểm soát chất
lượng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận
1. Định kỳ hàng năm Ủy ban nhân dân
huyện Đơn Dương cùng tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu lấy mẫu sản phẩm mang
nhãn hiệu chứng nhận để đánh giá chất lượng. Chi phí đánh giá chất lượng do tổ
chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu đóng góp theo quy định.
2. Trong trường hợp có dấu hiệu nghi
ngờ về chất lượng của sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận, Ủy ban nhân dân huyện
Đơn Dương có quyền đột xuất yêu cầu tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu lấy mẫu
để kiểm tra, đánh giá chất lượng của sản phẩm.
3. Việc kiểm tra, đánh giá chất lượng
sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận đối với mỗi tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu
không được vượt quá 02 lần trong một năm.
Điều 16. Chi phí cho
việc chứng nhận, bảo vệ nhãn hiệu chứng nhận
1. Tổ chức, cá nhân tham gia nhãn hiệu
chứng nhận “Mác mác Đơn Dương” phải nộp phí cấp Giấy chứng nhận, chi phí duy
trì thường niên cho Ủy ban nhân dân huyện Đơn Dương theo quy định của cơ quan
có thẩm quyền.
2. Tổ chức, cá nhân tham gia nhãn hiệu
chứng nhận “Mác mác Đơn Dương” phải chịu chi phí cho việc đánh giá chất lượng mẫu
để được cấp Giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu chứng nhận và kiểm tra chất lượng
định kỳ hay đột xuất trong quá trình sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
3. Phí cấp giấy chứng nhận và chi phí
duy trì nhãn hiệu thường niên thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về
phí và lệ phí.
Chương V
QUYỀN
LỢI VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THAM GIA NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN
Điều 17. Quyền lợi
khi tham gia nhãn hiệu chứng nhận
1. Các tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn
hiệu chứng nhận đều bình đẳng về quyền, lợi ích cũng như nghĩa vụ liên quan đến
nhãn hiệu chứng nhận.
2. Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng
nhận sử dụng nhãn hiệu chứng nhận có quyền:
a) Gắn nhãn hiệu chứng nhận trên bao
bì, phương tiện kinh doanh, thư từ giao dịch, phương tiện quảng cáo cho loại sản
phẩm đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu do mình sản xuất, kinh
doanh;
b) Có quyền khai thác, sử dụng và hưởng
các lợi ích kinh tế phát sinh từ nhãn hiệu chứng nhận.
c) Được nhà nước bảo hộ quyền sử dụng
hợp pháp nhãn hiệu chứng nhận “Mác mác Đơn Dương”.
3. Khi không còn nhu cầu sử dụng nhãn
hiệu, tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
“Mác mác Đơn Dương” có trách nhiệm thông báo đến cơ quan quản lý để thực hiện
các thủ tục thu hồi giấy chứng nhận.
Điều 18. Trách nhiệm
khi tham gia nhãn hiệu chứng nhận
1. Thực hiện đầy đủ các nội dung của
điều 13, 16, 17 Quy chế này.
2. Tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các
quy định liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận nhằm duy trì, bảo vệ,
nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với
nhãn hiệu chứng nhận “Mác mác Đơn Dương”.
3. Duy trì và bảo đảm chất lượng sản
phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Mác mác Đơn Dương”.
Chương VI
XỬ
LÝ VI PHẠM
Điều 19. Các hành vi vi
phạm
Các hành vi được xem là vi phạm quyền
sở hữu và quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận theo Quy chế này bao gồm:
1. Hành vi sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
của các tổ chức, cá nhân được cấp Giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
theo Quy chế này nhưng không thực hiện đầy đủ các yêu cầu quy định tại Điều 4,
13, 17 của Quy chế;
2. Hành vi sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
sản phẩm mác mác chưa được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận của các tổ chức
cá nhân trên địa bàn huyện Đơn Dương;
3. Hành vi sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
của tất cả các tổ chức, cá nhân khác khi chưa được Ủy ban nhân dân huyện Đơn
Dương cho phép.
Điều 20. Hình thức xử
lý vi phạm
Tùy theo mức độ, các hành vi vi phạm
quyền sở hữu và quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận có thể bị xử lý như sau:
1. Tạm đình chỉ hoặc tước quyền sử dụng
nhãn hiệu chứng nhận đối với tổ chức, cá nhân có hành vi quy định tại điểm 1,
Điều 19 của Quy chế này.
2. Yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xử
lý theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm quy định tại điểm 2,
3 Điều 19 của Quy chế này
Chương VII
TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
Điều 21. Trách nhiệm
phát hiện và xử lý vi phạm
1. Các tổ chức, cá nhân khi phát hiện
hành vi xâm phạm quyền sở hữu đối với nhãn hiệu chứng nhận “Mác mác Đơn Dương”
đều có quyền yêu cầu Ủy ban nhân dân huyện Đơn Dương làm rõ, xử lý hành vi xâm
phạm.
2. Các tổ chức, cá nhân khi sử dụng
nhãn hiệu chứng nhận phải tuân thủ đầy đủ các quy định tại Quy chế này. Trường
hợp vi phạm, tùy theo mức độ mà bị xử lý theo Quy chế và các quy định khác của pháp
luật có liên quan.
3. Ủy ban nhân dân huyện Đơn Dương có
trách nhiệm theo dõi và xử lý các trường hợp sai phạm hoặc kiến nghị các cơ
quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Điều 22. Cơ chế giải
quyết tranh chấp về nhãn hiệu chứng nhận
1. Đối với các tranh chấp xảy ra trong
nội bộ giữa các thành viên được cấp sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Mác mác Đơn
Dương” thì Ủy ban nhân dân huyện Đơn Dương chịu trách nhiệm chủ trì giải quyết.
2. Đối với các tranh chấp về nhãn hiệu
chứng nhận với bên ngoài (của thành viên được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
hoặc Ủy ban nhân dân huyện Đơn Dương với các cá nhân, tổ chức bên ngoài) thì Ủy
ban nhân dân huyện Đơn Dương đại diện đứng ra giải quyết theo quy định của pháp
luật.
3. Đối với các tranh chấp giữa Ủy ban
nhân dân huyện Đơn Dương với các tổ chức, cá nhân sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
sẽ do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lâm Đồng giải quyết lần đầu và Ủy ban nhân
dân tỉnh Lâm Đồng giải quyết lần cuối.
Điều 23. Khen thưởng
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành
tích trong quá trình quản lý, sử dụng và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Mác
mác Đơn Dương” được khen thưởng theo quy định hiện hành.
Điều 24. Điều khoản
thi hành
Trong quá trình thực hiện Quy chế, nếu
có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Ủy
ban nhân dân huyện Đơn Dương để tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung và điều
chỉnh cho phù hợp./.
PHỤ
LỤC 1
BIỂU TRƯNG (LOGO) NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN “MÁC MÁC ĐƠN DƯƠNG”
VÀ DANH MỤC SẢN PHẨM ĐĂNG KÝ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 57/2015/QĐ-UBND ngày 12 tháng 8 năm 2015 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng)
Nhóm 31: Trái mác mác (chanh
dây) tươi.
PHỤ
LỤC 2
BẢN ĐỒ VÙNG CHỨNG NHẬN NHÃN HIỆU “MÁC MÁC ĐƠN DƯƠNG”
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 57/2015/QĐ-UBND ngày 12 tháng 8 năm 2015 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Lâm Đồng)
PHỤ LỤC
3
BẢNG
CHỈ TIÊU CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM MÁC MÁC MANG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN “MÁC MÁC ĐƠN
DƯƠNG”
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 57/2015/QĐ-UBND ngày 12 tháng 8 năm 2015 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Lâm Đồng)
I. XUẤT XỨ MÁC MÁC
Mác mác được trồng tại địa bàn huyện
Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng và trái mác mác mang nhãn hiệu chứng nhận “Mác mác Đơn
Dương” phải xác định cụ thể các thông tin sau:
- Doanh nghiệp/đơn vị/chủ hộ
- Địa chỉ
- Địa điểm sản xuất
- Giống mác mác
- Nguồn gốc giống sản xuất
- Ngày thu hoạch
II. TIÊU CHÍ CHẤT LƯỢNG QUẢ MÁC MÁC
1. Màu sắc: Màu đặc trưng của quả
mác mác
2. Mùi: Mùi đặc trưng của quả
mác mác, không có mùi lạ
3. Hình thái quả: Quả mác mác
đỏ tía thường là tối gần như đen, trái có dạng hình tròn hay có hình bầu dục
như quả trứng, dài khoảng 05 cm, nặng khoảng 30-45g
4. Chất lượng sản phẩm quả mác mác:
- Hàm lượng carbohydrat tổng số không
nhỏ hơn 11%
- Hàm lượng đường tổng không nhỏ hơn
6%
- Hàm lượng acid toàn phần của dịch quả
(quy về acid citric) không nhỏ hơn 28%
5. Các chỉ tiêu vi sinh, hàm lượng kim
loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật: theo quy định của Bộ
Y tế.
III. CÁC PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH CÁC TIÊU
CHÍ CHẤT LƯỢNG:
1. Xác định xuất xứ mác mác:
Căn cứ vào có phiếu ghi chép các thông
tin trong quá trình canh tác.
2. Xác định tiêu chí chất lượng:
2.1. Xác định màu sắc,
mùi:
Việc xác định màu sắc, mùi của trái mác
mác chủ yếu bằng khứu giác, thường các trái đạt các tiêu chí về đặc điểm thì
màu sắc và mùi, tương đối chuẩn.
2.2. Phương pháp xác
định hình thái quả:
- Đo chiều dài bằng thước thẳng độ
chính xác đến milimét: đo từ gốc cho đến ngọn trái.
- Cân trái đạt chất lượng để xác định
trọng lượng trái độ chính xác đến gam.
2.3. Xác định các
tiêu chí chất lượng:
Gởi mẫu trái mác mác đến các Phòng kiểm
nghiệm đã được chứng nhận VILAS hoặc các phòng kiểm nghiệm trong hệ thống đã được
VILAS thừa nhận lẫn nhau các chỉ tiêu quy định để phân tích kết quả các chỉ
tiêu chất lượng theo quy định.
PHỤ
LỤC 4
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
ĐƠN ĐỀ NGHỊ
CẤP GIẤY CHỨNG
NHẬN SỬ DỤNG NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN “MÁC MÁC ĐƠN DƯƠNG”
Kính gửi: UBND HUYỆN
ĐƠN DƯƠNG
Tên (đơn vị, cá nhân) đề nghị:
………………………………………………………………..
Địa chỉ:……………………………………………………………………………………………
Điện thoại:…………………………………….Fax:…………………………………………….
Email:……………………………………………………………………………………………..
Quyết định thành lập hoặc giấy phép
kinh doanh (nếu có):………………………………..
…………………………………………………………………………………………………….
Sau khi nghiên cứu các quy định về quản
lý, sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Mác mác Đơn Dương”, liên hệ với điều kiện cụ
thể của đơn vị, chúng tôi đăng ký được cấp Giấy chứng nhận sử dụng nhãn hiệu chứng
nhận “Mác mác Đơn Dương”:
Loại sản phẩm mác mác đề nghị cấp:…………………………………………………………
Diện tích trồng hoặc quy mô kinh doanh
của đơn vị:………………………………………..
……………………………………………………………………………………………………..
Địa điểm trồng, kinh doanh của đơn vị:
………………………………………………………
……………………………………………………………………………………………………..
Hồ sơ kèm theo:
- Bản cam kết về việc sử dụng nhãn hiệu
chứng nhận “Mác mác Đơn Dương”.
Chúng tôi cam đoan những thông tin
đăng ký trên là đúng sự thật; đồng thời cam kết thực hiện nghiêm, đầy đủ các
yêu cầu của Nhà nước quy định về quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Mác
mác Đơn Dương”.
|
Đơn Dương,
ngày…tháng.... năm….
ĐẠI
DIỆN ĐƠN VỊ
(ký tên, đóng dấu)
|
PHỤ
LỤC 5
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
BẢN CAM KẾT
VỀ VIỆC SỬ DỤNG
NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN “MÁC MÁC ĐƠN DƯƠNG”
Kính gửi: UBND HUYỆN
ĐƠN DƯƠNG
Tên (đơn vị, cá nhân):…………………………………………………………………………
Địa chỉ:………………………………………………………………………………………….
Điện thoại:………………………………………Fax:…………………………………………
Email:……………………………………………………………………………………………
Quyết định thành lập hoặc giấy phép
kinh doanh (nếu có):………………………………
Nếu được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu
chứng nhận “Mác mác Đơn Dương”, chúng tôi cam kết tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ
các quy định liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận nhằm duy trì, bảo
vệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với
nhãn hiệu chứng nhận “Mác mác Đơn Dương”:
1. Sử dụng đúng và chính xác nhãn hiệu
chứng nhận gồm cả tên nhãn hiệu và hình ảnh logo.
2. Chỉ sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
cho các loại sản phẩm đã được cơ quan quản lý cấp giấy chứng nhận sử dụng nhãn
hiệu chứng nhận “Mác mác Đơn Dương”.
3. Nhãn hiệu chứng nhận được sử dụng
kèm với nhãn hiệu chính thức của đơn vị, nhưng không sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
“Mác mác Đơn Dương” làm nhãn hiệu chính cho sản phẩm của mình.
4. Không được tự ý chuyển nhượng nhãn hiệu
chứng nhận dưới bất kỳ hình thức nào.
5. Phổ biến và cung cấp đầy đủ cho các
thành viên thông tin cần thiết có liên quan đến nhãn hiệu chứng nhận sử dụng
nhãn hiệu chứng nhận.
6. Chấp hành chế độ kiểm tra định kỳ
hoặc đột xuất của Cơ quan quản lý nhãn hiệu chứng nhận việc sử dụng nhãn hiệu của
đơn vị.
7. Đóng các khoản phí, lệ phí theo quy
định.
8. Thực hiện đầy đủ các nội dung của
Quy định này và các quy định tại quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận
“Mác mác Đơn Dương”.
9. Tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các
quy định liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận nhằm duy trì, bảo vệ,
nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với nhãn
hiệu chứng nhận “Mác mác Đơn Dương”.
10. Duy trì và bảo đảm chất lượng hàng
hóa mang nhãn hiệu chứng nhận “Mác mác Đơn Dương”.
Nếu vi phạm những điều đã cam kết
trên, chúng tôi xin chịu mọi hình thức xử lý của cơ quan quản lý nhà nước.
|
Đơn Dương,
ngày tháng năm
Người cam kết
(ký tên, đóng dấu)
|