ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÒA BÌNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
07/2010/QĐ-UBND
|
Hòa
Bình, ngày 15 tháng 03 năm 2010
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ QUYỀN
SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÒA BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức hội đồng
nhân dân và ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban
Nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 100/2006/NĐ-CP ngày 21/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết
thi hành một số điều của Bộ Luật dân sự, Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả
và quyền liên quan;
Căn cứ Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết
và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu
trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 10/TTr-SKHCN
ngày 27/02/2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp
liên ngành trong lĩnh vực bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Hòa
Bình.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể
từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các
sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và
các tổ chức, cá nhân khác có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
|
TM.ỦY
BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Bùi Văn Tỉnh
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP LIÊN NGÀNH TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ QUYỀN SỞ HỮU TRÍ
TUỆ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÒA BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số:07 /2010/QĐ-UBND ngày 15/3/2010
của Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy chế
này quy định về cơ chế phối hợp giữa cơ quan chủ trì với các cơ quan phối hợp trên
địa bàn tỉnh Hòa Bình trong lĩnh vực bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ (sau đây viết
tắ là SHTT) bao gồm quyền sở hữu công nghiệp, quyền tác giả và quyền liên quan,
quyền đối với giống cây trồng.
2. Quy chế
này áp dụng cho các cơ quan chuyên môn có liên quan đến hoạt động sở hữu trí tuệ
trên địa bàn tỉnh.
Điều 2. Nguyên tắc phối hợp
1. Bảo đảm thống
nhất công tác quản lý nhà nước về SHTT và thực thi, bảo vệ quyền SHTT trên địa
bàn tỉnh Hòa Bình; tránh hình thức, chồng chéo, bỏ trống nhiệm vụ làm ảnh hưởng
đến hiệu quả công tác này;
2. Hoạt động
phối hợp giữa các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố trong lĩnh vực thực
thi, bảo vệ quyền SHTT dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ
quan đã được pháp luật quy định;
3. Đảm bảo
tính kỷ luật, kỷ cương trong các hoạt động phối hợp; đề cao trách nhiệm cá nhân
của Thủ trưởng cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và cán bộ, công chức tham gia
phối hợp liên ngành thực thi, bảo vệ quyền SHTT.
Điều 3. Nội dung phối hợp
1. Xây dựng
văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch về thực thi, bảo vệ quyền
SHTT;
2. Quản lý địa
bàn, kiểm tra, giám sát việc thực thi, bảo vệ quyền SHTT;
3. Điều tra,
ra quyết định chuyên môn làm căn cứ xử lý các vụ vi phạm trong thực thi, bảo vệ
quyền SHTT.
Điều 4. Cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp
1. Cơ quan chủ
trì giúp UBND tỉnh là Sở Khoa học và Công nghệ;
2. Cơ quan phối
hợp bao gồm: Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương, các cơ
quan có liên quan và UBND các huyện, thành phố.
Điều 5. Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan chủ trì
1. Xây dựng
và chủ trì triển khai tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, văn bản
pháp luật chung về kế hoạch phối hợp liên ngành trong việc bảo hộ quyền SHTT,
trong đó xác định nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị phối hợp;
2. Xây dựng
và chủ trì triển khai tổ chức thực hiện kế hoạch phối hợp liên ngành (dài hạn,
hàng năm, 06 tháng) về bảo vệ quyền SHTT trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được
phân công, trong đó xác định nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị phối hợp;
3. Chủ trì tổ
chức triển khai thực hiện chiến lược chương trình, chính sách, kế hoạch theo chức
năng, nhiệm vụ được phân công;
4. Cung cấp
thông tin, tài liệu cần thiết theo đề nghị của cơ quan phối hợp và các điều kiện
đảm bảo khác; duy trì mối liên hệ với các cơ quan phối hợp về việc thực hiện
nhiệm vụ được phân công;
5. Thường
xuyên đôn đốc, theo dõi, giám sát và định kỳ 06 tháng, hàng năm báo cáo các cơ
quan có thẩm quyền về tình hình thực hiện hoạt động phối hợp;
6. Yêu cầu cơ
quan phối hợp cử cán bộ có khả năng tham gia các hoạt động phối hợp; gửi các
quyết định về chương trình, kế hoạch hoạt động phối hợp để tổ chức thực hiện;
7. Chủ trì
thành lập Tổ công tác liên ngành với chức năng kiểm tra thường xuyên và đột xuất
đồng thời ra quyết định chuyên môn làm căn cứ xử lý trong trường hợp phát hiện
vi phạm trong thực thi, bảo vệ quyền SHTT.
Điều 6. Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan phối hợp
Theo yêu cầu
và nhiệm vụ cụ thể, các cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ có trách nhiệm
phối hợp hoạt động như sau:
1. Phân công
lãnh đạo phụ trách và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về sở hữu trí
tuệ;
2. Cử cán bộ,
chuyên viên của đơn vị mình tham gia giải quyết các công việc chung, đồng thời
làm đầu mối quan hệ phối hợp công tác với các đơn vị có liên quan;
3. Tham dự
các phiên họp về sở hữu trí tuệ do Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Khoa học và Công
nghệ triệu tập và chuẩn bị các tài liệu cần thiết theo yêu cầu;
4. Xây dựng kế
hoạch và phối hợp tổ chức công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản
lý, chuyên môn nghiệp vụ về quản lý sở hữu trí tuệ cho cán bộ của cơ quan mình;
5. Xây dựng kế
hoạch và tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành cung cấp thông tin hoặc
kết luận giám định về sở hữu trí tuệ để phục vụ cho việc xử lý các hành vi xâm
phạm quyền sở hữu trí tuệ;
6. Trao đổi,
cung cấp thông tin về bảo hộ, xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của
các ngành trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chế độ cung cấp thông tin theo định kỳ 6
tháng một lần hoặc đột xuất cho Sở Khoa học và Công nghệ về tình hình quản lý
hoạt động sở hữu trí tuệ, đặc biệt là công tác chống hàng giả, hàng nhái và xâm
phạm quyền sở hữu trí tuệ;
7. Sơ kết, tổng
kết rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về sở
hữu trí tuệ, đồng thời đề ra những giải pháp hữu hiệu để thực hiện có hiệu quả.
Điều 7. Kinh phí thực hiện các hoạt động phối hợp liên ngành
Nguồn kinh
phí thực hiện các hoạt động phối hợp liên ngành do Ngân sách nhà nước cấp trên
cơ sở dự toán đã được phê duyệt theo các quy định hiện hành; đồng thời huy động
từ sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân và hợp tác quốc tế.
Chương II
CƠ CHẾ PHỐI HỢP HOẠT ĐỘNG
LIÊN NGÀNH
Điều 8. Thành lập Tổ công tác liên ngành
1. Tổ công
tác liên ngành trong thực thi và bảo vệ quyền SHTT được thành lập ở cấp tỉnh do
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động;
2. Tổ trưởng
Tổ công tác liên ngành ở cấp tỉnh do Giám đốc hoặc Phó Giám đốc Sở Khoa học và
Công nghệ đảm nhiệm. Ở cấp huyện, theo yêu cầu thực tế có thể thành lập tổ công
tác liên ngành cấp huyện do Trưởng phòng Công thương hoặc Trưởng phòng Kinh tế
(đối với thành phố Hòa Bình) đảm nhiệm. Thành viên gồm đại diện các ban, ngành,
tổ chức chính trị - xã hội cùng cấp liên quan.
Điều 9. Chức năng, nhiệm vụ của Tổ công tác liên ngành
1. Tổ công
tác liên ngành có chức năng tham mưu, tư vấn cho cơ quan chủ trì, cơ quan phối
hợp và tham gia hướng dẫn, triển khai các kế hoạch phối hợp liên ngành trong thực
thi, bảo vệ quyền SHTT đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
2. Tổ công
tác liên ngành có nhiệm vụ:
a) Tham gia
xây dựng các văn bản, tài liệu hướng dẫn, kế hoạch dài hạn và hàng năm ở các cấp
để thực hiện chương trình phối hợp liên ngành;
b) Tham gia
hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và đánh giá việc triển khai thực hiện các chương
trình, kế hoạch thực thi, bảo vệ quyền SHTT theo chức năng, nhiệm vụ được phân
công;
c) Tham gia
chuẩn bị nội dung của các báo cáo định kỳ, báo cáo chuyên đề; đề xuất các
phương án xử lý những vấn đề thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cùng cấp, tổ
chức chính trị - xã hội ở địa phương;
d) Giúp cơ
quan chủ trì thực hiện kế hoạch kiểm tra liên ngành định kỳ và đột xuất việc thực
hiện các chương trình, kế hoạch thực thi, bảo vệ quyền SHTT thuộc chức năng nhiệm
vụ của cấp mình;
e) Đề xuất giải
pháp, biện pháp xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ quyền SHTT để cơ quan chủ
trì ra quyết định chuyên môn làm căn cứ xử lý.
Điều 10. Phối hợp kiểm tra liên ngành
1. Cơ quan chủ
trì có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác kiểm tra
liên ngành về thực thi, bảo vệ quyền SHTT. Kế hoạch kiểm tra phải xác định rõ nội
dung kiểm tra, thời gian, tiến độ thực hiện, phân công trách nhiệm của từng
thành viên;
2. Cơ quan phối
hợp có trách nhiệm cử thành viên tham gia Tổ công tác liên ngành. Trường hợp
cán bộ được phân công tham gia Tổ công tác liên ngành không thể tham gia kiểm
tra liên ngành thì cán bộ đó phải có trách nhiệm báo cáo Thủ trưởng cơ quan cử
người thay thế;
3. Tổ trưởng Tổ
công tác liên ngành sau kiểm tra có trách nhiệm báo cáo kết quả kiểm tra cho cơ
quan chủ trì và thông báo đến địa phương, đơn vị được kiểm tra để thực hiện những
kiến nghị của đoàn kiểm tra liên ngành;
4. Việc kiểm
tra các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu vi phạm quyền SHTT
được Tổ công tác liên ngành thực hiện theo các quy định hiện hành;
5. Các tổ chức,
cá nhân liên quan có trách nhiệm cung cấp tài liệu và trả lời những vấn đề cần
thiết cho hoạt động kiểm tra;
6. Tiến hành
các biện pháp kiểm tra kỹ thuật tại hiện trường, khi phát hiện có hành vi vi phạm
pháp luật về sở hữu trí tuệ phải lập biên bản và xử lý vi phạm theo quy định.
Trường hợp chưa đủ căn cứ để khẳng định là hành vi vi phạm thì phải tiến hành lấy
mẫu và gửi đến cơ quan có chức năng để giám định;
7. Thực hiện
quyền và nghĩa vụ khác theo qui định pháp luật.
Điều 11. Phối hợp trao đổi thông tin
1. Trường hợp
cần thông tin, tài liệu phục vụ công tác thực thi, bảo vệ quyền SHTT, các cơ quan
phối hợp có trách nhiệm trao đổi, cung cấp theo yêu cầu của cơ quan đề nghị. Nếu
từ chối cung cấp thông tin, cơ quan được yêu cầu phải trả lời bằng văn bản và
nêu rõ lý do từ chối;
2. Khi nhận
được các nguồn tin, tài liệu liên quan đến các vụ xâm phạm quyền SHTT, các cá
nhân, cơ quan, đơn vị phải kịp thời báo cáo cấp trên trực tiếp hoặc cơ quan quản
lý trực tiếp chỉ đạo giải quyết, đồng thời thông báo với các cơ quan liên quan
để phối hợp giải quyết.
Điều 12. Giải quyết khiếu nại, tố cáo
1. Tổ chức, cá
nhân có hoạt động sở hữu trí tuệ trên địa bàn phải chấp hành chế độ thanh tra,
kiểm tra định kỳ về hoạt động sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật. Trường
hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật tổ chức và cá nhân phải chịu kiểm tra bất thường;
2. Tổ chức,
cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ phải nghiêm chỉnh thực
hiện những yêu cầu trong kết luận kiểm tra;
3. Tổ chức,
cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo về sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật.
Các khiếu nại, tố cáo về những hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ phải
được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo đúng trình tự,
thủ tục qui định và kết luận bằng văn bản cho người khiếu nại, tố cáo theo đúng
qui định của pháp luật;
4. Sở Khoa học
và Công nghệ cùng các cấp, các ngành liên quan có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo
thực hiện việc kiểm tra; giải quyết các khiếu nại, tố cáo về sở hữu trí tuệ
theo thẩm quyền.
Điều 13. Chế độ báo cáo, sơ kết, tổng kết
1. Định kỳ 06
tháng và hàng năm, cơ quan chủ trì có trách nhiệm tổ chức sơ kết và tổng kết
đánh giá các nội dung hoạt động phối hợp liên ngành để báo cáo cho các cơ quan
có thẩm quyền;
2. Định kỳ 06
tháng và hàng năm, cơ quan phối hợp có trách nhiệm gửi báo cáo đến cơ quan chủ
trì kết quả thực hiện nhiệm vụ và các hoạt động phối hợp liên ngành để cơ quan
chủ trì tổng hợp, báo cáo cơ quan có thẩm quyền;
3. Trường hợp
quá kỳ báo cáo mà các cơ quan phối hợp không có báo cáo thì cơ quan chủ trì gửi
thông báo bằng văn bản cho Thủ trưởng các cơ quan phối hợp, Chủ tịch Ủy ban
nhân dân cùng cấp để có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 14. Trách nhiệm thi hành
1. Giám đốc
các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện,
thành phố, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế
này;
2. Sở Khoa học
và Công nghệ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và tổ chức thực hiện Quy chế
này.
Điều 15. Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Các tổ chức,
cá nhân có thành tích trong hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và thực
hiện tốt Quy chế này sẽ được khen thưởng theo quy định hiện hành;
2. Các tổ chức,
cá nhân có các hành vi vi phạm trong hoạt động quản lý nhà nước về sở hữu trí
tuệ và Quy chế này sẽ bị xử phạt theo các quy định pháp luật có liên quan.
Điều 16. Bổ sung, sửa đổi
Trong quá
trình tổ chức thực hiện, nếu có những vấn đề gì vướng mắc, phát sinh, các cơ
quan, đơn vị phản ảnh về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp báo cáo đề xuất với
Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp./.