HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 39/2017/NQ-HĐND
|
Thừa Thiên Huế, ngày 08 tháng 12
năm 2017
|
NGHỊ QUYẾT
QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ
THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN TÀI SẢN TRÍ TUỆ TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN
2017 - 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN
HUẾ
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 5
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6
năm 2015;
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22
tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005; Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009;
Xét Tờ trình số 8728/TTr-UBND ngày 28 tháng 11 năm 2017 của
Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thông qua một số chính sách hỗ trợ thực hiện chương
trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017 - 2020;Báo
cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo
luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Quy định một số chính
sách hỗ trợ thực hiện chương trình phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Thừa Thiên
Huế giai đoạn 2017 - 2020 với nội dung chủ yếu sau:
1. Đối tượng áp dụng
- Các tổ chức, cá nhân
trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế được cấp văn bằng bảo hộ sáng chế, giải pháp
hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu và giống cây trồng mới (trừ các doanh
nghiệp 100% vốn nước ngoài);
- Các cơ quan quản lý
nhà nước, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có các hoạt động liên quan đến
lĩnh vực sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế;
- Các nhiệm vụ của Chương trình phát
triển tài sản trí tuệ tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017 - 2020 được ưu tiên hỗ
trợ phát triển tài sản trí tuệ đối với các đặc sản của tỉnh Thừa Thiên Huế.
2. Phạm vi điều chỉnh
Các chính sách hỗ trợ thực hiện chương trình phát triển
tài sản trí tuệ tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2017 - 2020.
3. Các chính sách hỗ trợ
a) Hỗ trợ theo định mức để khuyến khích phát
triển tài sản trí tuệ, như sau:
- Tạo lập và đăng ký bảo
hộ sáng chế, giải pháp hữu ích của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn: Mức hỗ
trợ 30 triệu đồng/văn bằng bảo hộ được cấp.
- Tạo lập và đăng ký bảo
hộ kiểu dáng công nghiệp của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn: Mức hỗ trợ 10
triệu đồng/văn bằng bảo hộ được cấp.
- Tạo lập và đăng ký bảo
hộ nhãn hiệu thông thường của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn: Mức hỗ trợ 10
triệu đồng/ văn bằng bảo hộ được cấp.
- Tạo lập và đăng ký bảo
hộ giống cây trồng mới của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn: Mức hỗ trợ 15
triệu đồng/văn bằng bảo hộ được cấp.
- Tạo lập và đăng ký bảo
hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận của đặc sản địa phương ra nước
ngoài: Mức hỗ trợ 40 triệu đồng/văn bằng bảo hộ được cấp tại các nước ASEAN và
60 triệu đồng/văn bằng bảo hộ được cấp tại các nước khác.
- Hỗ trợ tham gia hội
chợ, triển lãm giới thiệu đặc sản, sản phẩm làng nghề trong nước không quá 15
triệu đồng/01 cơ sở cho một lượt tham gia; hỗ trợ không quá 30 triệu đồng/01 cơ
sở cho 01 lượt tham gia hội chợ, triển lãm giới thiệu đặc sản, sản phẩm làng
nghề ở nước ngoài (được cơ quan quản lý lựa chọn). Mỗi cơ sở được hỗ trợ không
quá 02 lượt/năm.
b) Hỗ trợ 50% kinh phí,
để thực hiện các dự án sau:
- Áp dụng sáng chế, giải
pháp hữu ích nhằm nâng cao năng suất, chất lượng các đặc sản trên địa bàn (kể
cả sáng chế của nước ngoài không bảo hộ tại Việt Nam): Tổng kinh phí hỗ trợ
không quá 500 triệu đồng/dự án.
- Áp dụng kết quả nghiên
cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, quy trình sản xuất, sáng kiến; áp dụng các
tiêu chuẩn tiên tiến trong trồng trọt, chăn nuôi; các tiêu chuẩn về vệ sinh an
toàn thực phẩm trong chế biến, bảo quản nông sản, đặc sản; áp dụng quy trình
truy xuất nguồn gốc của sản phẩm; xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương gắn
với phát triển thương hiệu các đặc sản Huế: Tổng kinh phí hỗ trợ không quá 200
triệu đồng/dự án.
c) Hỗ trợ 70% kinh phí,
để thực hiện các dự án:
- Tạo lập, đăng ký bảo
hộ và quảng bá nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các đặc sản, sản
phẩm làng nghề trên địa bàn: Tổng kinh phí hỗ trợ không quá 100 triệu đồng/dự
án.
- Quản lý và phát triển
nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các đặc sản địa phương, sản phẩm
làng nghề, sản phẩm đặc thù của địa phương đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn
hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận: Tổng kinh phí hỗ trợ không quá 350 triệu
đồng/dự án.
- Xây dựng, quản lý và
phát triển chỉ dẫn địa lý cho các đặc sản, sản phẩm làng nghề: Tổng kinh phí hỗ
trợ không quá 1 tỷ đồng/dự án.
d) Ngân sách nhà nước
bảo đảm 100% kinh phí, để thực hiện các nội dung sau:
- Nâng cao nhận thức về tạo lập, quản lý và phát triển tài sản trí
tuệ;
- Tăng cường hiệu quả
hoạt động quản lý và hợp tác về sở hữu trí tuệ nhằm thực hiện Chương trình.
Điều 2. Nguồn vốn và cơ chế hỗ trợ
1. Nguồn vốn hỗ trợ theo quy định tại Nghị quyết này
bao gồm ngân sách trung ương hỗ trợ (áp dụng đối với các dự án thuộc Chương
trình phát triển tài sản trí tuệ được trung ương phê duyệt); ngân sách địa
phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
2. Hàng năm, căn cứ khả năng cân đối ngân sách địa
phương, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét, bố trí vốn
trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của tỉnh để thực hiện.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực
hiện Nghị quyết.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội
đồng nhân dân tỉnh, Tổ đại biểu và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp
với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh giám sát việc thực
hiện Nghị quyết theo nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế
khóa VII, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 08 tháng 12 năm 2017 và có hiệu lực từ
ngày 20 tháng 12 năm 2017./.