Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 17/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả quyền liên quan

Số hiệu: 17/2023/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Trần Hồng Hà
Ngày ban hành: 26/04/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Các dạng hành vi xâm phạm quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình

Ngày 26/4/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó đề cập đến các dạng hành vi xâm phạm quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình.

Các dạng hành vi xâm phạm quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình

Theo đó, hành vi xâm phạm quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình có thể thuộc một trong các dạng sau đây:

- Xâm phạm quyền sao chép toàn bộ hoặc một phần bản ghi âm, ghi hình:

+ Nhân bản, sao chép, trích, ghép toàn bộ hoặc một phần bản ghỉ âm, ghi hình mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền đối với bản ghi âm, ghi hình theo quy định của pháp luật;

+ Trừ trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 30 và Điều 32 Luật Sở hữu trí tuệ.

- Xâm phạm quyền phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng bản gốc, bản sao bản ghỉ âm, ghi hình dưới dạng hữu hình:

+ Phân phối, nhập khẩu để phân phối bản gốc, bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới dạng hữu hình mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền đối với bản ghi âm, ghi hình theo quy định của pháp luật;

+ Trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 30 và Điều 32 Luật Sở hữu trí tuệ.

- Xâm phạm quyền cho thuê thương mại tới công chúng bản gốc, bản sao bản ghỉ âm, ghỉ hình:

+ Cho thuê thương mại bản gốc, bản sao bản ghi âm, ghi hình mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền đối với bản ghi âm, ghi hình theo quy định của pháp luật;

- Xâm phạm quyền phát sóng, truyền đạt đến công chúng bản ghi âm, ghi hình:

+ Phát sóng, truyền đạt đến công chúng bản ghi âm, ghi hình mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền bà với bản ghi âm, ghi hình theo quy định của pháp luật;

+ Trừ trường hợp quy định tại Điều 32 Luật Sở hữu trí tuệ.

- Các trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều 67 Nghị định 17/2023/NĐ-CP , bao gồm:

+ Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm pháp lý quy định tại Điều 32 và Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ;

+ Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu biện pháp công nghệ hữu hiệu do chủ sở hữu quyền liên quan thực hiện trên bản gốc, bản sao bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đề bảo vệ quyền của mình theo quy định của pháp luật;

Trừ trường hợp quy định tại Khoản 5 Điều 29, Khoản 3 Đầu 30, Khoản 3 Điều 31 và Điều 32 Luật Sở hữu trí tuệ.

+ Sản xuất, phân phối, nhập khẩu, chào bán, bán, quảng bá, g cáo, tiếp thị, cho thuê hoặc tàng trữ nhằm mục đích thương mại các thiết bị, sản phẩm hoặc linh kiện, giới thiệu hoặc cung cấp dịch vụ khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị, sản phẩm, lĩnh kiện hoặc dịch vụ đó được sản xuất, sử dụng hóa biện pháp công nghệ hữu hiệu bảo vệ quyền liên quan theo quy định của pháp luật.

+ Cố ý xóa, sỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền liên quan theo quy định của pháp luật.

+ Cố ý phân phối, nhập khẩu để phân phối, phát sóng, truyền đạt hoặc cung cấp đến công chúng cuộc biểu diễn, bản sao cuộc biểu diễn đã được định hình hoặc bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền đã bị xóa, gỡ bỏ, thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan;

Khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giầu hành vi xâm phạm quyền liên quan theo quy định của pháp luật.

+ Sản xuất, lắp ráp, biến dỗi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, chào bán, bán hoặc cho thuê thiết bị, hệ thống khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị, hệ thống đó giải mã trái phép hoặc chủ yếu để giúp cho việc giải mã trái phép tín hiệu vệ tỉnh mang chương trình được mã hóa theo quy định của pháp luật.

+ Cố ý thu hoặc tiếp tục phân phối tín hiệu vệ tỉnh mang chương trình được mã hóa khi tín hiệu đã được giải mã mà không được phép của người phân phối hợp pháp theo quy định của pháp luật.

+ Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý về ề quyền liên quan của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng quy định tại Khoản 3 Điều 198b Luật Sở hữu trí tuệ, các điều 113 và 114 Nghị định 17/2023/NĐ-CP và quy định pháp luật khác có liên quan.

Xem chi tiết tại Nghị định 17/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 26/4/2023.

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 17/2023/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 26 tháng 4 năm 2023

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ VỀ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19 tháng 6 năm 2009; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ ngày 14 tháng 6 năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 16 tháng 6 năm 2022;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 (sau đây gọi chung là Luật Sở hữu trí tuệ) về quyền tác giả, quyền liên quan.

2. Nghị định này không quy định biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền trong trường hợp Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan, Nhà nước đại diện quản lý quyền tác giả, quyền liên quan; trường hợp thuộc giới hạn quyền tác giả, giới hạn quyền liên quan thì thực hiện theo quy định tại Điều 35 của Nghị định này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với:

1. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.

2. Tổ chức, cá nhân khác có hoạt động liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan.

3. Cơ quan có thẩm quyền quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tác phẩm di cảo là tác phẩm được công bố lần đầu sau khi tác giả chết.

2. Tác phẩm khuyết danh là tác phẩm không có hoặc chưa có tên tác giả (tên khai sinh hoặc bút danh) trên tác phẩm khi công bố.

3. Định hình là sự biểu hiện bằng chữ viết, các ký tự khác, đường nét, hình khối, bố cục, màu sắc, âm thanh, hình ảnh hoặc sự tái hiện âm thanh, hình ảnh dưới dạng vật chất nhất định để từ đó có thể nhận biết, sao chép hoặc truyền đạt.

4. Bản gốc tác phẩm là bản được tồn tại dưới dạng vật chất mà trên đó việc sáng tạo tác phẩm được định hình lần đầu tiên.

5. Bản sao của tác phẩm là bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.

6. Bản ghi âm, ghi hình là bản định hình các âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn hoặc các âm thanh, hình ảnh khác hoặc việc định hình sự tái hiện lại các âm thanh, hình ảnh không phải dưới hình thức định hình gắn với tác phẩm điện ảnh hoặc tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự. Bản ghi âm, ghi hình có thể là bản ghi nhằm mục đích phổ biến tin tức trên dịch vụ phát thanh, truyền hình, không gian mạng; bản ghi chương trình biểu diễn nghệ thuật; bản ghi lại hoạt động của một hoặc nhiều người, mô tả các sự kiện, tình huống hoặc chương trình thực tế.

7. Bản sao của bản ghi âm, ghi hình là bản sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.

8. Công bố tác phẩm, cuộc biểu diễn đã định hình, bản ghi âm, ghi hình là việc phát hành với sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan bản sao tác phẩm, cuộc biểu diễn đã định hình, bản ghi âm, ghi hình dưới bất kỳ hình thức nào với số lượng hợp lý đủ để công chúng tiếp cận được tùy theo bản chất của tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình. Tác phẩm mỹ thuật, tác phẩm kiến trúc được coi là đã công bố nếu tác phẩm đó được đặt tại nơi công cộng với sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả cho công chúng tiếp cận và có thể sao chép.

Việc biểu diễn tác phẩm sân khấu, âm nhạc; trình chiếu tác phẩm điện ảnh; đọc trước công chúng tác phẩm văn học; phát sóng tác phẩm văn học, nghệ thuật; trưng bày tác phẩm mỹ thuật; xây dựng công trình từ tác phẩm kiến trúc chưa được coi là công bố tác phẩm.

9. Tác phẩm của tổ chức, cá nhân nước ngoài được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam là tác phẩm chưa được công bố ở bất kỳ nước nào khác trước khi công bố tại Việt Nam.

10. Tác phẩm của tổ chức, cá nhân nước ngoài được công bố đồng thời tại Việt Nam là tác phẩm được công bố tại Việt Nam trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở bất kỳ nước nào khác.

11. Tái phát sóng là việc truyền dẫn phát sóng lại sau thời gian phát sóng hoặc tiếp sóng chương trình cùng thời gian phát sóng của một tổ chức phát sóng.

12. Tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa là tín hiệu vệ tinh mang chương trình được truyền đi mà một trong hai đặc tính âm thanh, hình ảnh hoặc cả hai đặc tính này đã được biến đổi, thay đổi nhằm mục đích ngăn cản những người không có thiết bị giải mã tín hiệu vệ tinh hợp pháp thu trái phép chương trình được truyền trong tín hiệu đó.

13. Quyền lợi vật chất khác là các lợi ích mà tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan được hưởng ngoài tiền bản quyền như việc nhận giải thưởng, nhận sách biếu khi xuất bản, nhận vé mời xem chương trình biểu diễn, trình chiếu tác phẩm điện ảnh, trưng bày, triển lãm tác phẩm.

14. Yếu tố xâm phạm là yếu tố được tạo ra từ hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

15. Hành vi bị xem xét là hành vi bị nghi ngờ xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và bị đưa ra xem xét nhằm kết luận đó có phải là hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan hay không.

16. Đối tượng bị xem xét là đối tượng bị nghi ngờ xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và bị đưa ra xem xét nhằm kết luận đó có phải là đối tượng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan hay không.

Điều 4. Chính sách của Nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan

1. Hỗ trợ tài chính để mua bản quyền cho các cơ quan, tổ chức nhà nước có nhiệm vụ phổ biến tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có giá trị tư tưởng, khoa học, giáo dục và nghệ thuật phục vụ lợi ích công cộng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

2. Ưu tiên đầu tư cho đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức làm công tác quản lý và thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan từ trung ương đến địa phương.

3. Ưu tiên đầu tư, ứng dụng khoa học và công nghệ và chuyển đổi số trong hoạt động quản lý nhà nước về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan.

4. Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan. Tăng cường giáo dục kiến thức về quyền tác giả, quyền liên quan trong nhà trường và các cơ sở giáo dục khác phù hợp với từng cấp học, trình độ đào tạo.

5. Huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư, hỗ trợ tài chính cho các hoạt động khuyến khích sáng tạo, khai thác, chuyển giao, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nâng cao năng lực hệ thống bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

6. Ưu đãi cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp hoạt động thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; thúc đẩy thực hiện việc chuyển đổi định dạng dễ tiếp cận cho người khuyết tật theo quy định của pháp luật, tạo điều kiện để người khuyết tật tiếp cận tác phẩm.

Điều 5. Trách nhiệm và nội dung quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan.

2. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan, có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

a) Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành, chỉ đạo và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan;

b) Chủ trì, phối hợp thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Nhà nước và xã hội trong lĩnh vực bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan;

c) Quản lý, khai thác quyền tác giả đối với tác phẩm, quyền liên quan đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu hoặc đại diện quản lý; nhận chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan của các tổ chức, cá nhân cho Nhà nước theo quy định của pháp luật;

d) Chấp thuận việc sử dụng tác phẩm khuyết danh; tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã công bố của tổ chức, cá nhân Việt Nam trong trường hợp không thể tìm được hoặc không xác định được chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan;

đ) Hướng dẫn việc cung cấp, hợp tác, đặt hàng, sử dụng và đảm bảo quyền tác giả đối với tác phẩm, quyền liên quan đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng;

e) Chấp thuận việc dịch tác phẩm từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt và sao chép tác phẩm để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại theo quy định tại Phụ lục Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật;

g) Quản lý hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan và tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan;

h) Phê duyệt biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền do tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan xây dựng;

i) Cấp, cấp lại, cấp đổi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan;

k) Lập và quản lý Sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan; chứng thực bản quyền;

l) Xuất bản và phát hành Niên giám đăng ký về quyền tác giả, quyền liên quan;

m) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan quản lý, chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nhân lực về chuyên môn, nghiệp vụ về quyền tác giả, quyền liên quan; khen thưởng về quyền tác giả, quyền liên quan;

n) Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, tổ chức thực hiện hoạt động giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật, cơ chế, chính sách về quyền tác giả, quyền liên quan; hướng dẫn nghiệp vụ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về quyền tác giả, quyền liên quan;

o) Tổ chức hoạt động thống kê về quyền tác giả, quyền liên quan và các ngành công nghiệp văn hóa được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan;

p) Tổ chức hoạt động thông tin, truyền thông về quyền tác giả, quyền liên quan và các ngành công nghiệp văn hóa được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan;

q) Quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động giám định về quyền tác giả, quyền liên quan; cấp, cấp lại, thu hồi Thẻ giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan; Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan;

r) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan trong việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan;

s) Thực hiện hợp tác quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan; đàm phán, ký kết, gia nhập và tổ chức thực hiện các điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan; đề xuất xử lý các vấn đề tranh chấp giữa Việt Nam và các quốc gia khác về quyền tác giả, quyền liên quan;

t) Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chính phủ giao.

3. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong việc quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan.

4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) thực hiện quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan tại địa phương, có nhiệm vụ và quyền hạn sau:

a) Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại địa phương;

b) Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, tổ chức thực hiện hoạt động giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật, cơ chế, chính sách về quyền tác giả, quyền liên quan tại địa phương. Chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học, hướng dẫn nghiệp vụ, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về quyền tác giả, quyền liên quan tại địa phương;

c) Tổ chức các hoạt động bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan tại địa phương; thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân về quyền tác giả, quyền liên quan; tổ chức thực hiện phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại địa phương theo quy định tại Điều 4 của Nghị định này;

d) Hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức, cá nhân tiến hành các thủ tục về quyền tác giả, quyền liên quan tại địa phương;

đ) Thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các khiếu nại, tố cáo, vi phạm các quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại địa phương;

e) Các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

5. Cục Bản quyền tác giả là cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện chức năng quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan.

Chương II

QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Mục 1. QUYỀN TÁC GIẢ

Điều 6. Các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả

1. Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ:

a) Tác phẩm văn học, khoa học và tác phẩm khác thể hiện dưới dạng chữ viết bao gồm: Tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn; bút ký, ký sự, tùy bút, hồi ký; thơ, trường ca; kịch bản; công trình nghiên cứu văn hoá, văn học, nghệ thuật, khoa học và các bài viết khác;

b) Sách giáo khoa là tác phẩm được xuất bản, cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông; được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phê duyệt, cho phép sử dụng làm tài liệu dạy học chính thức trong các cơ sở giáo dục phổ thông;

c) Giáo trình là tài liệu giảng dạy, học tập, nghiên cứu chính có nội dung phù hợp với chương trình đào tạo, bồi dưỡng được người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp duyệt, lựa chọn hoặc được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật;

d) Tác phẩm thể hiện dưới dạng ký tự khác là tác phẩm thể hiện bằng chữ nổi cho người khiếm thị, ký hiệu tốc ký và các ký hiệu tương tự thay cho chữ viết mà cá nhân, tổ chức tiếp cận có thể hiểu và sao chép được bằng nhiều hình thức khác nhau.

2. Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác quy định tại điểm b khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm thể hiện bằng ngôn ngữ nói và phải được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định.

3. Tác phẩm báo chí quy định tại điểm c khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm có nội dung độc lập và cấu tạo hoàn chỉnh, bao gồm các thể loại: Phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác.

4. Tác phẩm âm nhạc quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn.

5. Tác phẩm sân khấu quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm thuộc loại hình nghệ thuật biểu diễn, bao gồm: Chèo, tuồng, cải lương, múa, múa rối, múa đương đại, ba lê, kịch nói, opera, kịch dân ca, kịch hình thể, nhạc kịch, xiếc, tấu hài, tạp kỹ và các loại hình nghệ thuật biểu diễn khác.

6. Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự quy định tại điểm e khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm có nội dung, được biểu hiện bằng hình ảnh động liên tiếp hoặc hình ảnh do các thiết bị kỹ thuật, công nghệ tạo ra; có hoặc không có âm thanh và các hiệu ứng khác theo nguyên tắc của ngôn ngữ điện ảnh. Hình ảnh tĩnh được lấy ra từ một tác phẩm điện ảnh là một phần của tác phẩm điện ảnh đó.

Tác phẩm điện ảnh không bao gồm bản ghi hình nhằm mục đích phổ biến tin tức trên dịch vụ phát thanh, truyền hình, không gian mạng; chương trình biểu diễn nghệ thuật, trò chơi điện tử; bản ghi hình về hoạt động của một hoặc nhiều người, mô tả các sự kiện, tình huống hoặc chương trình thực tế.

7. Tác phẩm mỹ thuật quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục bao gồm:

a) Hội họa: Tranh sơn mài, sơn dầu, lụa, bột màu, màu nước, giấy dó và các chất liệu khác;

b) Đồ họa: Tranh khắc gỗ, khắc kim loại, khắc cao su, khắc thạch cao, in độc bản, in đá, in lưới, tranh cổ động, thiết kế đồ họa và các chất liệu khác;

c) Điêu khắc: Tượng, tượng đài, phù điêu, đài, khối biểu tượng;

d) Nghệ thuật sắp đặt và các hình thức thể hiện nghệ thuật đương đại khác.

Tác phẩm hội họa, điêu khắc, nghệ thuật sắp đặt và các hình thức nghệ thuật đương đại khác tồn tại dưới dạng độc bản. Tác phẩm đồ họa có thể được thể hiện tới phiên bản thứ 50, được đánh số thứ tự có chữ ký của tác giả.

8. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm được thể hiện bởi đường nét, màu sắc, hình khối, bố cục với tính năng hữu ích, có thể gắn liền với một đồ vật hữu ích, được sản xuất thủ công hoặc công nghiệp bao gồm: Thiết kế đồ họa (hình thức thể hiện của biểu trưng, bộ nhận diện và bao bì sản phẩm; hình thức thể hiện của nhân vật); thiết kế thời trang; thiết kế mang tính mỹ thuật gắn liền với tạo dáng sản phẩm; thiết kế nội thất, trang trí nội thất, ngoại thất mang tính mỹ thuật. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được thể hiện dưới dạng tạo dáng sản phẩm mang tính mỹ thuật, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình trong lĩnh vực tương ứng và không bao gồm tạo dáng bên ngoài của sản phẩm bắt buộc phải có để thực hiện chức năng của sản phẩm.

9. Tác phẩm nhiếp ảnh quy định tại điểm h khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm thể hiện hình ảnh thế giới khách quan trên vật liệu bắt sáng hoặc trên phương tiện mà hình ảnh được tạo ra, hay có thể được tạo ra bằng các phương pháp hóa học, điện tử hoặc phương pháp kỹ thuật khác. Tác phẩm nhiếp ảnh có thể có chú thích hoặc không có chú thích.

10. Tác phẩm kiến trúc quy định tại điểm i khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm thuộc loại hình kiến trúc, bao gồm:

a) Bản vẽ thiết kế kiến trúc về công trình hoặc tổ hợp các công trình, nội thất, phong cảnh;

b) Công trình kiến trúc.

11. Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ quy định tại điểm k khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, các loại công trình khoa học và kiến trúc.

12. Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian quy định tại điểm 1 khoản 1 Điều 14 và khoản 1 Điều 23 của Luật Sở hữu trí tuệ, bao gồm:

a) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian quy định tại điểm a khoản 1 Điều 23 của Luật Sở hữu trí tuệ là các loại hình nghệ thuật ngôn từ;

b) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian quy định tại các điểm b và c khoản 1 Điều 23 của Luật Sở hữu trí tuệ là các loại hình nghệ thuật biểu diễn như chèo, tuồng, cải lương, múa rối, điệu hát, dân ca, làn điệu âm nhạc; điệu múa, dân vũ, vở diễn, trò chơi dân gian, lễ hội dân gian, hội làng, các hình thức nghi lễ dân gian khác.

Điều 7. Tác phẩm phái sinh

Tác phẩm phái sinh quy định tại khoản 2 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã có, bao gồm:

1. Tác phẩm dịch là tác phẩm được thể hiện bằng ngôn ngữ khác với ngôn ngữ của tác phẩm được dịch.

2. Tác phẩm phóng tác là tác phẩm mô phỏng theo nội dung của tác phẩm được phóng tác, có thể được chuyển từ thể loại này sang thể loại khác hoặc sửa đổi trong cùng một thể loại, bao gồm cả sửa đổi bố cục tác phẩm để làm cho tác phẩm phù hợp với điều kiện khác nhau của việc khai thác, sử dụng.

3. Tác phẩm biên soạn là tác phẩm được soạn ra từ một phần hoặc toàn bộ các tác phẩm đã có theo chủ đề nhất định và có thể có bình luận, đánh giá.

4. Tác phẩm chú giải là tác phẩm được sáng tạo từ việc làm rõ nghĩa và nội dung một số từ, câu hoặc sự kiện, điển tích, địa danh nêu tại tác phẩm được chú giải.

5. Tác phẩm tuyển chọn là tác phẩm được chọn lọc từ các tác phẩm đã có của một hoặc nhiều tác giả theo thời gian hoặc chủ đề nhất định, bao gồm cả tác phẩm tuyển tập, hợp tuyển.

6. Tác phẩm cải biên là tác phẩm được soạn lại, viết lại, chuyển soạn lại hoặc thay đổi hình thức diễn đạt khác với tác phẩm được dùng để cải biên theo mục đích, yêu cầu nhất định trong trường hợp cụ thể.

7. Tác phẩm chuyển thể là tác phẩm được chuyển từ loại hình này sang loại hình khác hoặc tác phẩm được thể hiện bằng thủ pháp nghệ thuật khác với tác phẩm được chuyển thể trong cùng một loại hình.

Điều 8. Đối tượng không thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả

1. Tin tức thời sự thuần túy đưa tin quy định tại khoản 1 Điều 15 của Luật Sở hữu trí tuệ là các thông tin báo chí ngắn hàng ngày, tin vặt, số liệu sự thật, chỉ mang tính chất đưa tin, không có tính sáng tạo.

2. Văn bản hành chính quy định tại khoản 2 Điều 15 của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm văn bản của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân.

3. Quy trình, hệ thống, phương pháp hoạt động, khái niệm, nguyên lý, số liệu quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật Sở hữu trí tuệ được hiểu như sau:

a) Quy trình là trình tự phải tuân theo để tiến hành công việc;

b) Hệ thống là tập hợp nhiều yếu tố, đơn vị cùng loại hoặc cùng chức năng, có quan hệ hoặc liên hệ với nhau chặt chẽ, làm thành một thể thống nhất;

c) Phương pháp là cách thức nghiên cứu, nhìn nhận các hiện tượng của tự nhiên và đời sống xã hội;

d) Khái niệm là ý nghĩ phản ánh ở dạng khái quát các sự vật và hiện tượng của hiện thực và những mối liên hệ giữa chúng;

đ) Nguyên lý là định luật cơ bản có tính chất tổng quát, chi phối một loạt hiện tượng, là những ý tưởng hoặc lý thuyết ban đầu quan trọng và được coi là xuất phát điểm cho việc xây dựng những lý thuyết khác.

Điều 9. Quyền tác giả đối với bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác

Trong trường hợp tác giả tự thực hiện việc định hình bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác dưới hình thức bản ghi âm, ghi hình, thì tác giả được hưởng quyền tác giả đối với bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác, đồng thời là chủ sở hữu quyền đối với bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 44 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Điều 10. Quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh

1. Những người quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 21 của Luật Sở hữu trí tuệ có quyền đứng tên trên tác phẩm điện ảnh, được nêu tên khi tác phẩm điện ảnh được công bố, sử dụng. Trường hợp bắt buộc do cách thức sử dụng tác phẩm điện ảnh thì có thể không nêu tên toàn bộ diễn viên điện ảnh và người thực hiện các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh quy định tại điểm b khoản 1 Điều 21 của Luật Sở hữu trí tuệ.

2. Trường hợp thỏa thuận về việc đặt tên, sửa đổi tác phẩm điện ảnh theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 21 của Luật Sở hữu trí tuệ, biên kịch, đạo diễn không được lợi dụng quyền nhân thân của mình ngăn cản việc đặt tên, sửa đổi tác phẩm phù hợp với các điều kiện về sáng tạo, khai thác, sử dụng tác phẩm điện ảnh.

Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với kịch bản, tác phẩm âm nhạc được sử dụng trong tác phẩm điện ảnh chỉ có thể cấm hành vi xuyên tạc kịch bản, tác phẩm âm nhạc hoặc sửa đổi, cắt xén kịch bản, tác phẩm âm nhạc gây phương hại đến danh dự, uy tín của họ.

3. Quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh quy định tại điểm e khoản 1 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc cho thuê để khai thác, sử dụng có thời hạn.

Điều 11. Quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc

1. Tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng các quyền nhân thân quy định tại Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ và các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ.

2. Tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng các quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ; chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ.

3. Tác giả và tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật để sáng tạo tác phẩm kiến trúc có thể thỏa thuận về việc sửa chữa tác phẩm kiến trúc.

Điều 12. Quyền tác giả đối với chương trình máy tính

1. Tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng các quyền nhân thân quy định tại Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ và các quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật sở hữu trí tuệ.

2. Tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng các quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ; chủ sở hữu quyền tác giả được hưởng các quyền quy định tại khoản 3 Điều 19 và Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ.

3. Tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp bản sao chương trình máy tính được sửa lỗi trên bản sao chương trình máy tính đó trong trường hợp cần thiết cho việc sử dụng.

4. Quyền cho thuê chương trình máy tính quy định tại điểm e khoản 1 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc cho thuê để khai thác, sử dụng có thời hạn.

5. Quyền cho thuê đối với chương trình máy tính không áp dụng trong trường hợp chương trình máy tính đó không phải là đối tượng chủ yếu để cho thuê quy định tại điểm e khoản 1 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ như chương trình máy tính gắn với việc vận hành bình thường các loại phương tiện giao thông hoặc các máy móc, thiết bị kỹ thuật khác.

Điều 13. Quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian

1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật Sở hữu trí tuệ được bảo hộ không phụ thuộc vào việc định hình.

2. Sử dụng tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc sưu tầm, nghiên cứu, biểu diễn, giới thiệu giá trị đích thực của tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian.

3. Dẫn chiếu xuất xứ loại hình tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc chỉ ra nguồn gốc, địa danh của cộng đồng cư dân nơi tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian được hình thành.

Điều 14. Quyền nhân thân

1. Quyền đặt tên cho tác phẩm quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ không áp dụng đối với tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Việc đặt tên cho tác phẩm không được vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan.

2. Quyền được nêu tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ áp dụng cả khi tác phẩm được sử dụng làm tác phẩm phái sinh. Khi công bố, sử dụng tác phẩm phái sinh phải nêu tên thật hoặc bút danh của tác giả của tác phẩm được dùng làm tác phẩm phái sinh.

3. Quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc phát hành bản sao tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào với số lượng hợp lý đủ để công chúng tiếp cận được tùy theo bản chất của tác phẩm, do tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc do cá nhân, tổ chức khác thực hiện với sự đồng ý của tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả.

Điều 15. Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng

Quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm quy định tại điểm b khoản 1 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ được hiểu như sau:

1. Đối với tác phẩm thể hiện bằng ngôn ngữ, tác phẩm thể hiện dưới dạng chữ viết quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ: Là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc thuyết trình, trình bày làm cho công chúng tiếp cận, cảm nhận được tác phẩm bằng thính giác nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm, bao gồm cả việc cảm nhận từ bên ngoài không gian nơi đang diễn ra việc thuyết trình, trình bày qua màn hình, loa hoặc thiết bị kỹ thuật tương tự.

2. Đối với tác phẩm âm nhạc quy định tại điểm d khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ: Là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc biểu diễn làm cho công chúng tiếp cận, cảm nhận được tác phẩm bằng thính giác hoặc trình bày tác phẩm trên sân khấu cho công chúng nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm, bao gồm cả việc cảm nhận từ bên ngoài không gian nơi đang diễn ra việc biểu diễn qua màn hình, loa hoặc thiết bị kỹ thuật tương tự.

3. Đối với tác phẩm điện ảnh quy định tại điểm e khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ: Là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc trình chiếu làm cho công chúng tiếp cận, cảm nhận được tác phẩm điện ảnh thông qua các phương tiện kỹ thuật nhưng công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm.

4. Đối với tác phẩm mỹ thuật, tác phẩm nhiếp ảnh quy định tại các điểm g và h khoản 1 Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ: Là quyền của chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc triển lãm, trưng bày, trình chiếu để công chúng xem bản gốc hoặc bản sao của tác phẩm.

Điều 16. Quyền của đồng tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả

1. Các đồng tác giả đồng thời là đồng chủ sở hữu quyền tác giả thỏa thuận về việc thực hiện quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm theo quy định tại khoản 3 Điều 12a của Luật Sở hữu trí tuệ.

2. Các đồng tác giả không đồng thời là đồng chủ sở hữu quyền tác giả thì các đồng tác giả thỏa thuận về việc thực hiện quyền nhân thân, các đồng chủ sở hữu quyền tác giả thỏa thuận về việc thực hiện quyền tài sản đối với tác phẩm theo quy định tại khoản 3 Điều 45 và khoản 3 Điều 47 của Luật Sở hữu trí tuệ.

3. Các đồng tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả không được phản đối việc cho phép khai thác, sử dụng tác phẩm theo cách thông thường và vì lợi ích chung.

4. Đồng chủ sở hữu quyền tác giả có thể tuyên bố bằng văn bản về việc từ bỏ quyền của mình đối với tác phẩm quy định tại khoản 3 Điều 19 và khoản 1 Điều 20 của Luật Sở hữu trí tuệ và thông báo cho các đồng chủ sở hữu quyền tác giả khác biết. Quyền của đồng chủ sở hữu quyền tác giả đã tuyên bố từ bỏ được tự động chuyển giao cho các đồng chủ sở hữu quyền tác giả khác.

Điều 17. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm di cảo

Thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm di cảo thực hiện theo quy định tại Điều 27 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Điều 18. Chủ sở hữu quyền tác giả

Chủ sở hữu quyền tác giả quy định tại Điều 36 của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm:

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam.

2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được sáng tạo và thể hiện dưới hình thức vật chất nhất định tại Việt Nam.

3. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam.

4. Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Mục 2. QUYỀN LIÊN QUAN

Điều 19. Quyền của người biểu diễn

1. Quyền sao chép trực tiếp cuộc biểu diễn đã được định hình trên bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 29 của Luật Sở hữu trí tuệ là quyền của chủ sở hữu quyền đối với cuộc biểu diễn độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc tạo ra các bản sao khác từ bản ghi âm, ghi hình đó.

2. Quyền sao chép gián tiếp cuộc biểu diễn đã được định hình trên bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 29 của Luật Sở hữu trí tuệ là quyền của chủ sở hữu quyền đối với cuộc biểu diễn độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc tạo ra các bản sao khác không từ bản ghi âm, ghi hình đó như việc sao chép từ chương trình phát sóng, mạng thông tin điện tử, mạng viễn thông, mạng Internet và các hình thức tương tự khác.

3. Quyền truyền đạt đến công chúng cuộc biểu diễn chưa được định hình theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 29 của Luật Sở hữu trí tuệ là quyền của chủ sở hữu quyền đối với cuộc biểu diễn độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện việc phổ biến cuộc biểu diễn chưa được định hình đến công chúng bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào ngoài phát sóng.

Điều 20. Sử dụng chương trình phát sóng

1. Chủ sở hữu quyền đối với chương trình phát sóng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 44 của Luật Sở hữu trí tuệ là tổ chức phát sóng đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để phát sóng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Khi sử dụng các tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình để sản xuất chương trình phát sóng, tổ chức phát sóng phải thực hiện nghĩa vụ với chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức, cá nhân sử dụng chương trình phát sóng của tổ chức phát sóng khác theo quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều 31 của Luật Sở hữu trí tuệ để tái phát sóng hoặc truyền qua cáp, trên mạng thông tin điện tử, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác thực hiện theo thỏa thuận và các quy định pháp luật liên quan. Việc sửa đổi, cắt xén, bổ sung chương trình phát sóng của tổ chức phát sóng khác để tái phát sóng hoặc truyền qua cáp, trên mạng thông tin điện tử, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác phải có sự thỏa thuận với chủ sở hữu quyền đối với chương trình phát sóng.

Mục 3. CHUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN, SỬ DỤNG TÁC PHẨM, CUỘC BIỂU DIỄN, BẢN GHI ÂM, GHI HÌNH, CHƯƠNG TRÌNH PHÁT SÓNG TRONG MỘT SỐ TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ

Điều 21. Chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan

Chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại Điều 47 của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm cho phép tổ chức, cá nhân độc quyền hoặc cùng sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại các khoản 1 và 3 Điều 19, khoản 1 Điều 20, khoản 3 Điều 29, khoản 1 Điều 30 và khoản 1 Điều 31 của Luật Sở hữu trí tuệ theo các điều kiện về thời gian, không gian, phạm vi sử dụng.

Điều 22. Sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan

1. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan quy định tại khoản 1 Điều 42 của Luật Sở hữu trí tuệ phải tôn trọng quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2, 4 Điều 19 và khoản 2 Điều 29 của Luật Sở hữu trí tuệ và thực hiện các nghĩa vụ đối với quyền tài sản như sau:

a) Phải xin phép sử dụng và trả tiền bản quyền đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 19, khoản 1 Điều 20, khoản 3 Điều 29, khoản 1 Điều 30, khoản 1 Điều 31 của Luật Sở hữu trí tuệ;

b) Không phải xin phép sử dụng nhưng phải trả tiền bản quyền đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 26 và khoản 1 Điều 33 của Luật Sở hữu trí tuệ;

c) Không phải xin phép sử dụng và không phải trả tiền bản quyền đối với trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 20, khoản 1 Điều 25, Điều 25a, khoản 5 Điều 29, khoản 3 Điều 30, khoản 3 Điều 31khoản 1 Điều 32 của Luật Sở hữu trí tuệ.

2. Tổ chức, cá nhân thực hiện các nghĩa vụ quy định tại khoản 1 Điều này với cơ quan sau đây:

a) Cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu để sáng tạo tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 42 của Luật Sở hữu trí tuệ;

b) Cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 42 của Luật Sở hữu trí tuệ.

3. Tổ chức, cá nhân xin phép sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan trong trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều này thực hiện như sau:

a) Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan quy định tại khoản 2 Điều này;

b) Thành phần hồ sơ:

Tờ khai đề nghị chấp thuận việc sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan (theo Mẫu số 01 của Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này);

Kế hoạch sử dụng;

Bản sao chứng từ nộp chi phí thực hiện chấp thuận việc sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan (trường hợp nộp chi phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản);

Văn bản ủy quyền (có công chứng, chứng thực hoặc hợp pháp hóa lãnh sự) trong trường hợp nộp hồ sơ thông qua ủy quyền.

c) Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan quy định tại khoản 2 Điều này gửi thông báo nộp tiền bản quyền kèm theo bản dự tính tiền bản quyền đến tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ;

d) Tổ chức, cá nhân nhận được thông báo phải nộp tiền bản quyền theo bản dự tính tiền bản quyền trong thời hạn 5 ngày làm việc (có bản sao chứng từ nộp tiền bản quyền);

đ) Sau khi nhận được tiền bản quyền, trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ quan quy định tại khoản 2 Điều này ban hành văn bản chấp thuận việc sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan;

e) Tổ chức, cá nhân được chấp thuận sử dụng chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng theo hồ sơ đã được chấp thuận;

g) Trường hợp từ chối hồ sơ đề nghị chấp thuận việc sử dụng:

Hồ sơ không đầy đủ theo quy định tại điểm b khoản này;

Hết thời hạn quy định tại điểm d khoản này mà tổ chức, cá nhân không nộp tiền bản quyền theo thông báo.

4. Cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm nhận chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan của tổ chức, cá nhân quy định tại các điểm b và c khoản 1 Điều 42 của Luật Sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật.

5. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khi phát hiện các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại khoản 1 Điều này có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 23. Sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà Nhà nước là đại diện quản lý quyền tác giả, quyền liên quan

1. Tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà Nhà nước là đại diện quản lý quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại khoản 2 Điều 42 của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm:

a) Tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không thể tìm được hoặc không xác định được chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan, đồng chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền liên quan: Là tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã công bố nhưng không có thông tin về tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc có thông tin về tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan là tổ chức, cá nhân Việt Nam nhưng không thể tìm được hoặc không liên hệ được;

b) Tác phẩm khuyết danh: Là tác phẩm không hoặc chưa có tên tác giả (tên khai sinh hoặc bút danh) trên tác phẩm khi công bố.

Tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan, đồng chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền liên quan quy định tại điểm a và điểm b khoản này sau đây gọi là “chủ thể quyền”.

2. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng quy định tại khoản 1 Điều này phải nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau khi đã nỗ lực tìm kiếm chủ thể quyền mà không thể tìm được hoặc không liên hệ được.

3. Hồ sơ đề nghị chấp thuận việc sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà Nhà nước là đại diện quản lý quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm:

a) Tờ khai đề nghị chấp thuận việc sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà Nhà nước là đại diện quản lý quyền tác giả, quyền liên quan (theo Mẫu số 02 của Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này);

b) Kế hoạch sử dụng;

c) Tài liệu chứng minh đã nỗ lực tìm kiếm theo quy định tại khoản 2 Điều này bao gồm:

Tài liệu chứng minh đã tìm kiếm thông tin về chủ thể quyền tại Niên giám đăng ký về quyền tác giả, quyền liên quan trên trang thông tin điện tử về quyền tác giả, quyền liên quan;

Văn bản về việc tìm kiếm chủ thể quyền gửi đến tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan trong cùng lĩnh vực với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có nhu cầu sử dụng và đã qua 30 ngày kể từ ngày gửi mà không nhận được trả lời hoặc được trả lời là không biết thông tin về chủ thể quyền.

Trường hợp không có tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan trong cùng lĩnh vực thì gửi văn bản đến ít nhất 02 tổ chức, cá nhân đã hoặc đang sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đó (nếu có);

Tài liệu chứng minh đã sử dụng thiết bị tìm kiếm thông tin chủ thể quyền trên mạng viễn thông và mạng Internet.

d) Bản sao chứng từ nộp chi phí thực hiện chấp thuận việc sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà Nhà nước là đại diện quản lý quyền tác giả, quyền liên quan (trường hợp nộp chi phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản);

đ) Văn bản ủy quyền (có công chứng, chứng thực hoặc hợp pháp hóa lãnh sự) trong trường hợp nộp hồ sơ thông qua ủy quyền.

4. Sau 20 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan quy định tại khoản 2 Điều này thực hiện như sau:

a) Đăng tải công khai nội dung đề nghị trên trang thông tin điện tử về quyền tác giả, quyền liên quan để tiếp tục thông báo tìm kiếm và nhận thông tin về chủ thể quyền;

b) Trường hợp chủ thể quyền hoặc người được ủy quyền (nếu có) phản đối nội dung đề nghị này thì phải gửi văn bản phản đối kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh là chủ thể quyền tới cơ quan quy định tại khoản 2 Điều này. Các tài liệu, chứng cứ chứng minh bao gồm:

Chứng cứ chứng minh chủ thể quyền theo quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 77 của Nghị định này;

Bản chính hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hoặc hợp pháp hóa lãnh sự đối với hợp đồng sáng tạo, chuyển nhượng, tặng cho, mua bán, góp vốn, chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan; văn bản về việc giao nhiệm vụ, thừa kế, kế thừa hoặc văn bản tương tự trong trường hợp chủ thể quyền là người được chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan, được thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật;

Văn bản ủy quyền (có công chứng, chứng thực hoặc hợp pháp hóa lãnh sự) trong trường hợp người phản đối là người được ủy quyền.

c) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày đăng tải theo quy định tại điểm a khoản này, chủ thể quyền hoặc người được ủy quyền (nếu có) không gửi văn bản phản đối thì được coi là đã từ bỏ cơ hội phản đối.

5. Hết thời hạn quy định tại điểm c khoản 4 Điều này, cơ quan quy định tại khoản 2 Điều này xem xét hồ sơ và thông báo kết quả theo các trường hợp sau:

a) Trường hợp nhận được văn bản phản đối và xác định được chủ thể quyền theo quy định về giả định quyền tác giả, quyền liên quan và quy định khác của pháp luật có liên quan, trong thời hạn 30 ngày, cơ quan quy định tại khoản 2 Điều này thông báo kết quả bằng văn bản cho chủ thể quyền và tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ để các bên trực tiếp thỏa thuận về việc sử dụng theo quy định của pháp luật;

b) Trường hợp không nhận được văn bản phản đối hoặc nhận được văn bản phản đối nhưng không xác định được chủ thể quyền theo quy định về giả định quyền tác giả, quyền liên quan và quy định khác của pháp luật có liên quan và không thuộc trường hợp từ chối hồ sơ theo quy định tại các điểm a và c khoản 7 Điều này, trong thời hạn 30 ngày, cơ quan quy định tại khoản 2 Điều này gửi thông báo nộp tiền bản quyền kèm theo bản dự tính tiền bản quyền đến tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ.

Tổ chức, cá nhân nhận được thông báo phải nộp tiền bản quyền theo bản dự tính tiền bản quyền trong thời hạn 5 ngày làm việc (có bản sao chứng từ nộp tiền bản quyền);

c) Sau khi nhận được tiền bản quyền theo điểm b khoản này, trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan quy định tại khoản 2 Điều này ban hành văn bản chấp thuận việc sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà Nhà nước là đại diện quản lý quyền tác giả, quyền liên quan đồng thời công khai kết quả trên trang thông tin điện tử về quyền tác giả, quyền liên quan.

Việc sử dụng được chấp thuận phải là sử dụng có thời hạn và có thể được xem xét gia hạn khi có văn bản đề nghị của tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ.

6. Tổ chức, cá nhân được chấp thuận hồ sơ phải nộp tiền bản quyền và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng theo hồ sơ đã được chấp thuận.

7. Trường hợp từ chối hồ sơ xin chấp thuận việc sử dụng:

a) Hồ sơ không đầy đủ theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Xác định được chủ thể quyền theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều này;

c) Chủ thể quyền trước khi không tìm được hoặc không liên hệ được đã tuyên bố không cho phép sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng của mình;

d) Hết thời hạn quy định tại điểm b khoản 5 Điều này mà tổ chức, cá nhân không nộp tiền bản quyền theo thông báo.

8. Trách nhiệm quản lý tiền bản quyền:

a) Cơ quan quy định tại khoản 2 Điều này có trách nhiệm thu tiền bản quyền theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều này và phải mở một tài khoản tiền bản quyền chung cho các chủ thể quyền không thể tìm thấy hoặc không liên hệ được;

b) Trường hợp tìm thấy và liên hệ được chủ thể quyền đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã được chấp thuận sử dụng theo quy định của pháp luật thì cơ quan quy định tại khoản 2 Điều này yêu cầu ngừng việc sử dụng và chuyển khoản tiền bản quyền thu được cho chủ thể quyền sau khi trừ chi phí quản lý, tìm kiếm theo quy định của pháp luật;

c) Sau thời hạn 5 năm kể từ khi đăng tải trên trang thông tin điện tử về quyền tác giả, quyền liên quan mà vẫn không thể tìm thấy hoặc không liên hệ được với chủ thể quyền, khoản tiền bản quyền đã thu được sử dụng vào các hoạt động khuyến khích sáng tạo, tuyên truyền và đẩy mạnh thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật sau khi trừ chi phí quản lý, tìm kiếm theo quy định của pháp luật.

9. Các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân khi phát hiện các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại Điều này có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 24. Sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng thuộc về công chúng

1. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng thuộc về công chúng quy định tại Điều 43 của Luật Sở hữu trí tuệ phải tôn trọng quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 và khoản 2 Điều 29 của Luật Sở hữu trí tuệ.

2. Các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan khi phát hiện các hành vi xâm phạm quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 và khoản 2 Điều 29 của Luật Sở hữu trí tuệ đối với các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã kết thúc thời hạn bảo hộ thì có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai; có quyền khiếu nại, tố cáo, yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ các quyền nhân thân đối với những tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng của hội viên đã kết thúc thời hạn bảo hộ.

Chương III

GIỚI HẠN, NGOẠI LỆ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Mục 1. NGOẠI LỆ KHÔNG XÂM PHẠM QUYỀN TÁC GIẢ, NGOẠI LỆ KHÔNG XÂM PHẠM QUYỀN LIÊN QUAN

Điều 25. Sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép

1. Sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại quy định tại các điểm b và e khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ là hành vi sao chép hợp lý không quá một bản một phần tác phẩm.

2. Thiết bị sao chép quy định tại các điểm a, b và e khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ là thiết bị có chức năng sao chép với toàn bộ hoặc một phần linh kiện liên quan được tự động hóa trên cơ sở có hoặc không có trả tiền dịch vụ bởi bất kỳ ai không thuộc về tổ chức sở hữu, chiếm hữu hoặc khai thác thương mại thiết bị đó.

3. Đối với tác phẩm được thể hiện dưới dạng chữ viết, hành vi sao chép hợp lý quy định tại khoản 1 Điều này là hành vi sao chép bằng cách photocopy, chụp ảnh hoặc hình thức tương tự khác tối đa không quá 10% tổng số trang hoặc tổng đơn vị lưu trữ (bytes), tổng số từ của ấn bản, độ dài nội dung của ấn bản đối với tác phẩm được cung cấp dưới dạng ấn bản điện tử không chia trang.

Hành vi sao chép hợp lý bằng thiết bị sao chép quy định tại khoản này phải là hành vi độc lập với từng tổ chức, cá nhân thực hiện và nếu có sự lặp lại thì đó là các trường hợp riêng lẻ không liên quan đến nhau trên cùng một tác phẩm.

4. Tổ chức, cá nhân sao chép tác phẩm được thể hiện dưới dạng chữ viết với tỷ lệ phần trăm nhiều hơn mức quy định tại khoản 3 Điều này phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả tiền bản quyền, quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Điều 26. Sử dụng hợp lý tác phẩm

1. Sử dụng hợp lý tác phẩm để minh họa trong bài giảng, cuộc biểu diễn chưa được định hình nhằm mục đích giảng dạy quy định tại điểm c khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Việc sử dụng tác phẩm để minh họa trong bài giảng, cuộc biểu diễn chưa được định hình phải bảo đảm chỉ sử dụng trong phạm vi buổi học của cơ sở giáo dục và chỉ người học, người dạy trong buổi học đó có thể tiếp cận tác phẩm.

Trường hợp sử dụng tác phẩm trong đề thi, đáp án kiểm tra kiến thức, kỹ năng trong hệ thống giáo dục quốc dân thì có thể sử dụng theo mức độ cần thiết;

b) Việc sử dụng tác phẩm không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

2. Sử dụng hợp lý tác phẩm để minh họa trong ấn phẩm, cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng nhằm mục đích giảng dạy quy định tại điểm c khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ phải trong phạm vi cơ sở giáo dục và áp dụng tương tự các điều kiện theo quy định tại Điều 28 của Nghị định này.

Điều 27. Sử dụng tác phẩm trong hoạt động công vụ của cơ quan nhà nước

Sử dụng tác phẩm trong hoạt động công vụ của cơ quan nhà nước quy định tại điểm d khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc cán bộ, công chức sao chép, chuyển thể, triển lãm hoặc trưng bày tác phẩm để thực hiện hoạt động công vụ của cơ quan nhà nước theo quy định của Luật Cán bộ, công chức.

Điều 28. Trích dẫn hợp lý tác phẩm

Trích dẫn hợp lý tác phẩm quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

1. Phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề được đề cập trong tác phẩm của mình.

2. Phần trích dẫn từ tác phẩm được sử dụng để trích dẫn không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm được sử dụng để trích dẫn; phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được sử dụng để trích dẫn.

3. Việc trích dẫn phải kèm theo chỉ dẫn về nguồn gốc tác phẩm và tên tác giả, nếu tên tác giả được nêu trên tác phẩm sử dụng để trích dẫn.

Điều 29. Sử dụng tác phẩm trong hoạt động thư viện không nhằm mục đích thương mại

1. Sao chép tác phẩm lưu trữ trong thư viện quy định tại điểm e khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc sao chép không quá ba bản để bảo quản, với điều kiện các bản sao này phải được đánh dấu là bản sao lưu trữ và giới hạn đối tượng tiếp cận theo quy định của pháp luật về thư viện, lưu trữ.

2. Sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép cho người khác phục vụ nghiên cứu, học tập quy định tại điểm e khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ thực hiện theo quy định tại Điều 25 của Nghị định này và phải bao gồm thông tin về quyền tác giả xuất hiện trên bản sao được sao chép theo quy định của pháp luật hoặc bao gồm chú thích rõ ràng về việc tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả nếu không có thông tin nào về quyền tác giả được tìm thấy trên bản sao được sao chép.

3. Sao chép hoặc truyền tác phẩm được lưu giữ để sử dụng liên thông thư viện thông qua mạng máy tính quy định tại điểm e khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ phải áp dụng các biện pháp để ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền tác giả và không được cung cấp cho công chúng bản sao tác phẩm dưới dạng kỹ thuật số bên ngoài khuôn viên của thư viện sử dụng hợp pháp bản sao đó.

4. Thiết bị sao chép đặt trong khuôn viên thư viện phải kèm theo thông báo về việc tạo bản sao phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quyền tác giả.

Điều 30. Ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật

1. Người khuyết tật quy định tại điểm m khoản 1 Điều 25, Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ và tại Điều này bao gồm:

a) Người khuyết tật nhìn;

b) Người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in và người khuyết tật khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường, được hiểu là: Người đang trong tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhận thức hoặc khả năng đọc mà không thể cải thiện được dẫn đến không thể đọc tác phẩm in như một người bình thường hoặc người khuyết tật đang trong tình trạng không thể cầm nắm, thao tác trên một cuốn sách hoặc tác phẩm in tương tự hay không thể di chuyển mắt để đọc ở mức độ bình thường.

2. Bản sao dưới định dạng dễ tiếp cận quy định tại Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ là bản sao tác phẩm được thể hiện bằng chữ nổi, ghi âm, chuyển đổi kỹ thuật số, hình ảnh thành lời nói, ngôn ngữ ký hiệu đi kèm hoặc bằng định dạng hay phương thức khác bảo đảm người khuyết tật tiếp cận tác phẩm thuận lợi.

3. Tổ chức đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ là tổ chức phi lợi nhuận, cơ quan nhà nước có hoạt động hoặc chức năng, nhiệm vụ cung cấp dịch vụ cho người khuyết tật trong các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, tiếp cận thông tin và đọc thích nghi theo phương pháp và cách thức phù hợp, bao gồm các tổ chức sau đây:

a) Quỹ trợ giúp người khuyết tật quy định tại Luật Người khuyết tật;

b) Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập quy định tại Luật Người khuyết tật;

c) Cơ sở chăm sóc người khuyết tật bao gồm cơ sở dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật, trung tâm hỗ trợ người khuyết tật sống độc lập và cơ sở chăm sóc người khuyết tật khác quy định tại Luật Người khuyết tật;

d) Tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật quy định tại Luật Người khuyết tật;

đ) Trường dành cho người khuyết tật quy định tại Luật Giáo dục;

e) Thư viện có phục vụ người khuyết tật quy định tại Luật Thư viện;

g) Các tổ chức khác đáp ứng điều kiện nêu trên và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

4. Chấp thuận các tổ chức theo quy định tại điểm g khoản 3 Điều này:

a) Tổ chức không thuộc các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 3 Điều này có nhu cầu sao chép, phân phối, biểu diễn, truyền đạt tác phẩm dưới định dạng bản sao dễ tiếp cận theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ thì nộp hồ sơ đến cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kèm theo các tài liệu liên quan.

Sau 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định chấp thuận hoặc từ chối chấp thuận cho tổ chức áp dụng ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật;

b) Hình thức thực hiện: Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

c) Thành phần hồ sơ bao gồm:

Tờ khai đề nghị chấp thuận áp dụng ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả cho người khuyết tật (theo Mẫu số 03 của Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này);

Kế hoạch sử dụng;

Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hoặc quyết định thành lập của tổ chức và tài liệu khác chứng minh đáp ứng điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều này;

d) Tổ chức được chấp thuận không được chuyển nhượng quyền đã được chấp thuận cho tổ chức, cá nhân khác.

5. Tổ chức quy định tại các khoản 3 và 4 Điều này phải thực hiện các nghĩa vụ sau:

a) Bảo đảm bản sao dưới định dạng dễ tiếp cận của tổ chức đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ;

b) Thông báo cho cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch danh mục bản sao tác phẩm dưới định dạng dễ tiếp cận của tổ chức và công khai danh mục này trên trang thông tin điện tử của tổ chức nếu tổ chức có trang thông tin điện tử;

c) Bảo đảm tôn trọng quyền riêng tư của người khuyết tật trên cơ sở bình đẳng với những người khác;

d) Báo cáo hằng năm cho cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thực hiện các hoạt động theo quy định tại Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ; chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

6. Tổ chức tương ứng theo quy định tại các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên quy định tại các khoản 3 và 5 Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ là các tổ chức được các quốc gia thành viên điều ước cho phép.

Điều 31. Sao chép hợp lý một phần cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng

Việc sao chép hợp lý một phần cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng để giảng dạy trực tiếp của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại quy định tại điểm c khoản 1 Điều 32 của Luật Sở hữu trí tuệ phải đáp ứng các điều kiện sau:

1. Việc sao chép phải bảo đảm chỉ sử dụng trong phạm vi buổi học của cơ sở giáo dục và chỉ người học, người dạy trong buổi học đó có thể tiếp cận đối với phần cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được sao chép.

Trường hợp sử dụng trong đề thi, đáp án kiểm tra kiến thức, kỹ năng trong hệ thống giáo dục quốc dân thì có thể sử dụng theo mức độ cần thiết.

2. Việc sao chép không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu quyền liên quan.

3. Quy định này không áp dụng trong trường hợp cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã được công bố để giảng dạy.

Điều 32. Trích dẫn hợp lý cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng

1. Trích dẫn hợp lý nhằm mục đích cung cấp thông tin theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 32 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc sử dụng các trích đoạn nhằm mục đích thuần túy đưa tin.

2. Việc trích dẫn hợp lý quy định tại khoản 1 Điều này phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề trong việc cung cấp thông tin;

b) Phần trích dẫn từ cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan của cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được sử dụng để trích dẫn; phù hợp với tính chất, đặc điểm của cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được sử dụng để trích dẫn.

Điều 33. Bản sao tạm thời

Bản sao tạm thời quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 32 của Luật Sở hữu trí tuệ là bản định hình có thời hạn, do tổ chức phát sóng thực hiện bằng các phương tiện, thiết bị của mình, nhằm phục vụ cho buổi phát sóng ngay sau đó của chính tổ chức phát sóng. Trong trường hợp đặc biệt thì bản sao đó được lưu trữ tại trung tâm lưu trữ chính thức.

Mục 2. GIỚI HẠN QUYỀN TÁC GIẢ, GIỚI HẠN QUYỀN LIÊN QUAN

Điều 34. Sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình trong trường hợp giới hạn quyền tác giả, giới hạn quyền liên quan

1. Sử dụng tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép định hình trên bản ghi âm, ghi hình công bố nhằm mục đích thương mại trong hoạt động kinh doanh, thương mại theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 26 của Luật Sở hữu trí tuệ; bản ghi âm, ghi hình đã được công bố nhằm mục đích thương mại trong hoạt động kinh doanh, thương mại theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 33 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để sử dụng tại nhà hàng, quán cà phê, khách sạn, cửa hàng, siêu thị; khu vui chơi, giải trí, trung tâm thương mại; câu lạc bộ thể dục, chăm sóc sức khỏe - thẩm mỹ; cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke; quán bar, vũ trường; trong hoạt động hàng không, giao thông công cộng và các hoạt động kinh doanh, thương mại có bản chất tương tự.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại khoản 1 Điều 26 và khoản 1 Điều 33 của Luật Sở hữu trí tuệ có nghĩa vụ liên lạc trực tiếp với chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình hoặc tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan về việc khai thác, sử dụng, cung cấp danh mục, thời lượng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã sử dụng và trả tiền bản quyền theo quy định của pháp luật.

Trường hợp không tìm thấy hoặc không liên lạc được với chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình thì tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình thực hiện nghĩa vụ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại khoản 6 Điều 23 của Nghị định này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp tục tìm kiếm, quản lý theo quy định tại khoản 8 Điều 23 của Nghị định này.

3. Tỷ lệ phân chia tiền bản quyền trong trường hợp bản ghi âm, ghi hình được sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 26 và khoản 1 Điều 33 của Luật Sở hữu trí tuệ thực hiện theo thoả thuận của chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình đó. Trường hợp không đạt được thỏa thuận thì thực hiện phân chia theo tỷ lệ như sau: Chủ sở hữu quyền tác giả hưởng 50%, người biểu diễn hưởng 25%, chủ sở hữu quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình hưởng 25% trên tổng số tiền bản quyền thu được.

Điều 35. Trả tiền bản quyền trong trường hợp giới hạn quyền tác giả, giới hạn quyền liên quan

1. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào quy định tại điểm a khoản 1 Điều 26điểm a khoản 1 Điều 33 của Luật Sở hữu trí tuệ không phải xin phép, nhưng phải trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình theo thỏa thuận kể từ khi sử dụng; trường hợp không đạt được thỏa thuận thì phải trả tiền bản quyền theo biểu mức quy định tại Phụ lục I của Nghị định này hoặc khởi kiện tại tòa án theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng không có tài trợ, quảng cáo và không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào quy định tại điểm a khoản 1 Điều 26điểm a khoản 1 Điều 33 của Luật Sở hữu trí tuệ không phải xin phép, nhưng phải trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình theo biểu mức quy định tại Phụ lục I của Nghị định này.

3. Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình theo quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này lấy một năm dương lịch làm thời gian quyết toán việc trả tiền bản quyền. Sau 90 ngày kể từ ngày hết năm tài chính mà tổ chức phát sóng không trả tiền bản quyền theo quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này thì phải dừng việc tiếp tục sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình.

Quy định tại khoản này không áp dụng trong trường hợp các bên có thỏa thuận khác.

4. Tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong hoạt động kinh doanh, thương mại quy định tại điểm b khoản 1 Điều 26, điểm b khoản 1 Điều 33 của Luật Sở hữu trí tuệkhoản 1 Điều 34 của Nghị định này không phải xin phép, nhưng phải trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình theo thỏa thuận kể từ khi sử dụng; trường hợp không đạt được thỏa thuận thì phải trả tiền bản quyền theo biểu mức quy định tại Phụ lục II của Nghị định này hoặc khởi kiện tại tòa án theo quy định của pháp luật. Trường hợp không trả tiền bản quyền trong thời hạn 90 ngày kể từ khi sử dụng thì phải dừng việc tiếp tục sử dụng.

Điều 36. Khai thác, sử dụng quyền dịch các tác phẩm từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam có nhu cầu dịch sang tiếng Việt tác phẩm đã được phân phối hoặc truyền đạt đến công chúng một cách hợp pháp để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại phải nộp hồ sơ bao gồm tờ khai đề nghị chấp thuận việc dịch tác phẩm từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại trực tiếp đến cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kèm theo các bằng chứng về việc tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trước đó đã xin phép chủ sở hữu quyền tác giả về việc dịch tác phẩm sang tiếng Việt nhưng yêu cầu của họ đã bị từ chối hoặc không thể đạt được thỏa thuận hoặc bằng mọi biện pháp không thể tìm thấy chủ sở hữu quyền tác giả và phải đáp ứng một trong các điều kiện sau:

a) Chủ sở hữu quyền tác giả đã không dịch hoặc không cho phép bất kỳ tổ chức, cá nhân nào dịch tác phẩm sang tiếng Việt để xuất bản trong vòng 3 năm sau lần xuất bản đầu tiên của tác phẩm;

b) Chủ sở hữu quyền tác giả đã xuất bản bản dịch tiếng Việt nhưng sau 3 năm kể từ lần xuất bản cuối cùng của bản dịch, không còn ấn bản nào trên thị trường.

2. Trình tự, hình thức thực hiện:

a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

b) Sau 20 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan quy định tại điểm a khoản này gửi thông báo cho chủ sở hữu quyền tác giả và đăng trên trang thông tin điện tử về quyền tác giả, quyền liên quan về việc tổ chức, cá nhân đề nghị chấp thuận việc dịch tác phẩm từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại;

c) Sau ít nhất 6 tháng kể từ ngày đăng thông báo theo điểm b khoản này, cơ quan quy định tại điểm a khoản này gửi thông báo nộp tiền bản quyền kèm theo bản dự tính tiền bản quyền đến tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ;

d) Tổ chức, cá nhân nhận được thông báo phải nộp tiền bản quyền theo bản dự tính tiền bản quyền trong thời hạn 5 ngày làm việc (có bản sao chứng từ nộp tiền bản quyền);

đ) Sau khi nhận được tiền bản quyền, trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ quan quy định tại điểm a khoản này ban hành văn bản chấp thuận việc dịch tác phẩm từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại;

e) Cơ quan quy định tại điểm a khoản này có trách nhiệm chuyển tiền bản quyền đã nhận cho chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối và quy định của pháp luật khác có liên quan. Trường hợp không tìm thấy chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện theo quy định tại khoản 8 Điều 23 của Nghị định này.

3. Thành phần hồ sơ bao gồm:

a) Tờ khai đề nghị chấp thuận việc dịch tác phẩm từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại (theo Mẫu số 04 của Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này);

b) Kế hoạch sử dụng;

c) Tài liệu chứng minh đã nỗ lực xin phép chủ sở hữu quyền tác giả về việc dịch tác phẩm sang tiếng Việt nhưng yêu cầu của họ đã bị từ chối hoặc không thể đạt được thỏa thuận hoặc đã nỗ lực tìm kiếm chủ sở hữu quyền tác giả;

d) Tài liệu chứng minh đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này;

đ) Bản sao chứng từ nộp chi phí thực hiện chấp thuận việc dịch tác phẩm từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại (trường hợp nộp chi phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản);

e) Văn bản ủy quyền (có công chứng, chứng thực hoặc hợp pháp hóa lãnh sự) trong trường hợp nộp hồ sơ thông qua ủy quyền.

4. Tổ chức, cá nhân được chấp thuận chỉ có quyền dịch và xuất bản bản dịch được chấp thuận và không được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân khác.

Cơ quan quy định tại điểm a khoản 2 Điều này không được cho phép bất kỳ tổ chức, cá nhân nào khác dịch sang tiếng Việt từ cùng một tác phẩm được chấp thuận việc dịch nêu trên trong trường hợp thời gian trong văn bản chấp thuận chưa hết hạn hoặc đã hết hạn trong thời gian chưa quá 6 tháng.

5. Trường hợp chủ sở hữu quyền tác giả đã xuất bản bản dịch tiếng Việt có nội dung giống với nội dung của tài liệu in là đối tượng của văn bản chấp thuận theo Điều này và đã phân phối tài liệu in với giá thích hợp tại Việt Nam, cơ quan quy định tại điểm a khoản 2 Điều này ra quyết định thu hồi văn bản chấp thuận đã ban hành. Các bản sao của tài liệu in đã được thực hiện hoặc xuất bản trước khi có quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có thể được phân phối cho đến hết.

6. Tổ chức, cá nhân được chấp thuận không được xuất khẩu các bản sao của tài liệu in của bản dịch hoặc xuất bản đã được chấp thuận bằng tiếng Việt, trừ những trường hợp sau:

a) Tổ chức, cá nhân nhận ở nước ngoài là công dân Việt Nam;

b) Tài liệu được in ra phục vụ cho mục đích giảng dạy hoặc nghiên cứu;

c) Việc phân phối tài liệu in không nhằm mục đích thương mại;

d) Quốc gia mà tài liệu in được phân phối cho phép Việt Nam phân phối hoặc phân phối tài liệu in đến hoặc trong quốc gia đó.

Điều 37. Khai thác, sử dụng quyền sao chép để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam có nhu cầu sao chép tác phẩm đã được phân phối hoặc truyền đạt đến công chúng một cách hợp pháp để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại phải nộp hồ sơ bao gồm tờ khai đề nghị chấp thuận việc sao chép tác phẩm để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại trực tiếp đến cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kèm theo các bằng chứng về việc tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trước đó đã xin phép chủ sở hữu quyền tác giả về việc sao chép tác phẩm, nhưng yêu cầu của họ đã bị từ chối hoặc không thể đạt được thỏa thuận và phải đáp ứng các điều kiện sau:

a) Chủ sở hữu quyền tác giả không phát hành tới công chúng ở Việt Nam trong thời hạn 5 năm kể từ khi xuất bản tác phẩm lần đầu tiên hoặc không phát hành tới công chúng ở Việt Nam trong thời hạn 3 năm đối với tác phẩm khoa học tự nhiên, khoa học vật lý, toán học, công nghệ hoặc không phát hành tới công chúng ở Việt Nam trong thời hạn 7 năm đối với tác phẩm tiểu thuyết, thơ, kịch, âm nhạc hoặc nghệ thuật;

b) Chủ sở hữu quyền tác giả đã phát hành bản sao nhưng sau thời hạn tại điểm a khoản này đã không còn ấn bản nào của tác phẩm trên thị trường.

2. Việc áp dụng quy định tại khoản 1 Điều này phải tuân thủ các điều kiện sau:

a) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ chứng minh đã yêu cầu và đã bị chủ sở hữu quyền tác giả từ chối cho phép sao chép và xuất bản tác phẩm đó hoặc tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ bằng mọi biện pháp không thể tìm thấy chủ sở hữu quyền tác giả;

b) Khi tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ không thể tìm thấy chủ sở hữu quyền tác giả, tổ chức, cá nhân đã gửi một bản sao yêu cầu của mình về sự ủy quyền qua đường bưu điện đến nhà xuất bản có tên trên tác phẩm không ít hơn 3 tháng trước khi nộp hồ sơ;

c) Tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ có đủ năng lực để sao chép và xuất bản một bản sao chính xác của tác phẩm và có đủ phương tiện kỹ thuật để trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả;

d) Tên tác giả và tên ấn bản cụ thể của tác phẩm được đề xuất sao chép được in trên tất cả các bản sao của bản sao chép;

đ) Tác giả chưa rút khỏi các bản lưu hành của tác phẩm.

3. Trình tự, hình thức thực hiện:

a) Tổ chức, cá nhân Việt Nam có nhu cầu sao chép tác phẩm đã được phân phối hoặc truyền đạt đến công chúng một cách hợp pháp để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

b) Sau 20 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan quy định tại điểm a khoản này gửi thông báo cho chủ sở hữu quyền tác giả và đăng trên trang thông tin điện tử về quyền tác giả, quyền liên quan về việc tổ chức, cá nhân đề nghị chấp thuận việc sao chép tác phẩm đã được phân phối hoặc truyền đạt đến công chúng một cách hợp pháp để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại;

c) Sau ít nhất 6 tháng đối với hồ sơ đề nghị chấp thuận việc sao chép tác phẩm khoa học tự nhiên, khoa học vật lý, toán học, công nghệ hoặc ít nhất 3 tháng đối với hồ sơ đề nghị chấp thuận việc sao chép tác phẩm khác kể từ ngày đăng thông báo theo điểm b khoản này, cơ quan quy định tại điểm a khoản này gửi thông báo nộp tiền bản quyền kèm theo bản dự tính tiền bản quyền đến tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ;

d) Tổ chức, cá nhân nhận được thông báo phải nộp tiền bản quyền theo bản dự tính tiền bản quyền trong thời hạn 5 ngày làm việc (có bản sao chứng từ nộp tiền bản quyền);

đ) Sau khi nhận được tiền bản quyền, trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ quan quy định tại điểm a khoản này ban hành văn bản chấp thuận việc sao chép tác phẩm để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại;

e) Cơ quan quy định tại điểm a khoản này có trách nhiệm chuyển tiền bản quyền đã nhận cho chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối và quy định của pháp luật khác có liên quan. Trường hợp không tìm thấy chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện theo quy định tại khoản 8 Điều 23 của Nghị định này.

4. Thành phần hồ sơ bao gồm:

a) Tờ khai đề nghị chấp thuận việc sao chép tác phẩm để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại (theo Mẫu số 05 của Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này);

b) Kế hoạch sử dụng;

c) Tài liệu chứng minh đã nỗ lực xin phép chủ sở hữu quyền tác giả về việc sao chép tác phẩm nhưng yêu cầu đã bị từ chối hoặc không thể đạt được thỏa thuận hoặc đã nỗ lực tìm kiếm chủ sở hữu quyền tác giả;

d) Tài liệu chứng minh đáp ứng điều kiện quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều này;

đ) Bản sao chứng từ nộp chi phí thực hiện chấp thuận việc sao chép tác phẩm để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại (trường hợp nộp chi phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản);

e) Văn bản ủy quyền (có công chứng, chứng thực hoặc hợp pháp hóa lãnh sự) trong trường hợp nộp hồ sơ thông qua ủy quyền.

5. Tổ chức, cá nhân được chấp thuận chỉ có quyền sao chép và xuất bản bản sao được chấp thuận và không được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân khác.

Chương IV

ĐĂNG KÝ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Điều 38. Nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan

1. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan là cá nhân, tổ chức Việt Nam, cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam, tổ chức nước ngoài có trụ sở, văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Việt Nam nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan trực tiếp hoặc thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam.

2. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan là cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, tổ chức nước ngoài không có trụ sở, văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Việt Nam nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan trực tiếp qua Cổng dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 hoặc thông qua ủy quyền cho tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam.

3. Đại diện hợp pháp quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Trường hợp cá nhân đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan: Người đại diện theo pháp luật hoặc theo ủy quyền của cá nhân, tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan theo ủy quyền của cá nhân;

b) Trường hợp tổ chức đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan: Người đại diện theo pháp luật của tổ chức hoặc người thuộc tổ chức được người đại diện theo pháp luật của tổ chức ủy quyền; tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan theo ủy quyền của tổ chức; người đứng đầu trụ sở, văn phòng đại diện hoặc đứng đầu chi nhánh tại Việt Nam nếu là tổ chức nước ngoài.

4. Điều kiện cấp, cấp lại và cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan:

a) Tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan, đồng chủ sở hữu quyền liên quan của cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 12a, Điều 13 và Điều 16 của Luật Sở hữu trí tuệ;

b) Tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng thuộc loại hình, đối tượng quy định tại Điều 14 và Điều 17 của Luật Sở hữu trí tuệ;

c) Thành phần hồ sơ đăng ký hợp lệ theo quy định tại các điều 39, 40 và 41 của Nghị định này.

5. Thủ tục cấp, cấp lại và cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan:

a) Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 8 Điều này, khoản 1 Điều 39, khoản 2 Điều 40 và khoản 2 Điều 41 của Nghị định này và nộp phí, lệ phí theo quy định của pháp luật;

b) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền rà soát, phân loại, xem xét tính hợp lệ của hồ sơ trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ;

c) Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo yêu cầu tổ chức, cá nhân sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

Tổ chức, cá nhân có thời hạn tối đa 01 tháng kể từ ngày nhận được thông báo để sửa đổi, bổ sung hồ sơ, trừ trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của pháp luật. Trường hợp tổ chức, cá nhân không sửa đổi, bổ sung hồ sơ hoặc đã sửa đổi, bổ sung mà hồ sơ vẫn chưa hợp lệ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân;

d) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền lưu giữ 01 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc 01 bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan; 01 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc 01 bản sao bản định hình đối tượng đăng ký quyền liên quan được đóng dấu, ghi số Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan gửi trả lại cho tổ chức, cá nhân được cấp như một tài liệu đính kèm không tách rời Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.

6. Trường hợp nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan thông qua ủy quyền thì thành phần hồ sơ phải bao gồm văn bản ủy quyền. Văn bản ủy quyền phải ghi cụ thể thông tin liên hệ của bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền; tên tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng; phạm vi ủy quyền; thời hạn ủy quyền.

Trường hợp bên ủy quyền là cá nhân thì văn bản ủy quyền phải được chứng thực theo quy định của pháp luật.

7. Tài liệu trong hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan phải được làm bằng tiếng Việt; trường hợp làm bằng ngôn ngữ khác thì phải được dịch ra tiếng Việt (có công chứng hoặc hợp pháp hóa lãnh sự); phải được đánh máy hoặc in bằng loại mực khó phai mờ, rõ ràng, sạch sẽ, không tẩy xóa, không sửa chữa; trường hợp phát hiện có sai sót không đáng kể thuộc về lỗi chính tả trong tài liệu đã nộp thì cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ có thể sửa chữa các lỗi đó, nhưng tại chỗ bị sửa chữa phải có chữ ký xác nhận (và đóng dấu, nếu có) của cá nhân, tổ chức nộp hồ sơ.

8. Hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan được nộp theo cách thức trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc qua Cổng dịch vụ công trực tuyến cho cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Điều 39. Cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan

1. Thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan quy định tại khoản 2 Điều 50 của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm:

a) Tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan (theo mẫu) do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ký tên hoặc điểm chỉ, trừ trường hợp không có khả năng về thể chất để ký tên hoặc điểm chỉ;

b) 02 bản sao tác phẩm (bao gồm cả bản điện tử) hoặc 02 bản sao bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng;

c) Văn bản ủy quyền nếu người nộp hồ sơ là người được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ủy quyền theo quy định tại khoản 6 Điều 38 của Nghị định này;

d) Tài liệu chứng minh là chủ sở hữu quyền:

Tài liệu chứng minh nhân thân đối với cá nhân: 01 bản sao Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu;

Tài liệu chứng minh tư cách pháp lý đối với tổ chức: 01 bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy phép thành lập hoặc Quyết định thành lập;

Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do giao nhiệm vụ sáng tạo là quyết định giao nhiệm vụ hoặc xác nhận giao nhiệm vụ cho cá nhân thuộc đơn vị, tổ chức đó;

Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do giao kết hợp đồng sáng tạo là hợp đồng, thể lệ, quy chế tổ chức cuộc thi;

Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do được thừa kế là văn bản xác định quyền thừa kế có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật;

Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do được chuyển giao quyền là hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, mua bán, góp vốn bằng văn bản có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật;

Trong trường hợp tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả phải có văn bản cam đoan về việc tự sáng tạo và sáng tạo theo quyết định hoặc xác nhận giao việc; hợp đồng; tham gia cuộc thi và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung cam đoan.

Tài liệu chứng minh chủ sở hữu quyền do giao nhiệm vụ sáng tạo, giao kết hợp đồng sáng tạo quy định tại khoản này phải là bản gốc hoặc bản sao có công chứng, chứng thực;

đ) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;

e) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung;

g) Trường hợp trong tác phẩm có sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác thì phải được sự đồng ý bằng văn bản của người đó theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan và trả hồ sơ, thông báo bằng văn bản trong các trường hợp sau:

a) Không đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 4 Điều 38 của Nghị định này;

b) Phát hiện tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có hình thức hoặc nội dung: Vi phạm các quy định của Hiến pháp, pháp luật; chống phá Đảng, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; trái với đạo đức, thuần phong, mỹ tục của dân tộc; mê tín dị đoan và các nội dung khác theo quy định của pháp luật;

c) Phát hiện tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đang có tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và chưa có quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan có thẩm quyền, Tòa án hoặc Trọng tài;

d) Hết thời hạn quy định tại điểm c khoản 5 Điều 38 của Nghị định này mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền không nhận được hồ sơ hợp lệ hoặc hồ sơ đã nộp lại vẫn không hợp lệ.

3. Trường hợp hồ sơ hợp lệ theo quy định, trong thời hạn 15 ngày làm việc, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.

Điều 40. Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan

1. Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan đã được cấp khi bản đã cấp bị mất hoặc rách nát, hư hỏng.

2. Thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan bao gồm:

a) Tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan (theo mẫu) do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ký tên hoặc điểm chỉ, trừ trường hợp không có khả năng về thể chất để ký tên hoặc điểm chỉ;

b) 02 bản sao của tác phẩm, bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng;

c) Văn bản ủy quyền nếu người nộp hồ sơ là người được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ủy quyền theo quy định tại khoản 6 Điều 38 của Nghị định này;

d) Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan bị rách nát, hư hỏng kèm bản sao tác phẩm, bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã được đóng dấu, ghi số Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.

3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ chối cấp lại và trả hồ sơ, thông báo bằng văn bản trong các trường hợp sau:

a) Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không hư hỏng tới mức phải tiến hành cấp lại;

b) Phát hiện nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng cấp lại có sự thay đổi so với nội dung đã được cấp;

c) Trường hợp theo quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều 39 của Nghị định này.

4. Trường hợp hồ sơ hợp lệ theo quy định, trong thời hạn 7 ngày làm việc, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.

Điều 41. Cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan

1. Cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan khi có thay đổi chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc thông tin về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan, tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.

2. Thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan bao gồm:

a) Tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan (theo mẫu) do chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ký tên hoặc điểm chỉ, trừ trường hợp không có khả năng về thể chất để ký tên hoặc điểm chỉ;

b) 02 bản sao của tác phẩm, bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng;

c) Văn bản ủy quyền nếu người nộp hồ sơ là người được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ủy quyền theo quy định tại khoản 6 Điều 38 của Nghị định này;

d) Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan kèm bản sao tác phẩm, bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã được đóng dấu, ghi số Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.

3. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ chối cấp đổi và trả hồ sơ, thông báo bằng văn bản trong các trường hợp sau:

a) Phát hiện nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng cấp đổi có sự thay đổi so với nội dung đã được cấp;

b) Trường hợp theo quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều 39 của Nghị định này.

4. Trường hợp hồ sơ hợp lệ theo quy định, trong thời hạn 12 ngày làm việc, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.

Điều 42. Hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan

1. Cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thẩm quyền hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan trong trường hợp quy định tại các khoản 2 và 3 Điều 55 của Luật Sở hữu trí tuệ.

2. Tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan đề nghị hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan thực hiện theo thủ tục như sau:

a) Tổ chức, cá nhân nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan và phí, lệ phí theo quy định của pháp luật;

b) Thành phần hồ sơ đề nghị hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan bao gồm:

Đơn đề nghị hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan (theo Mẫu số 06 của Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này);

Văn bản ủy quyền nếu người nộp hồ sơ là người được tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ủy quyền theo quy định tại khoản 6 Điều 38 của Nghị định này;

Chứng cứ (nếu có);

Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan đã được cấp kèm bản sao tác phẩm, bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã được đóng dấu, ghi số Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan;

c) Cơ quan nhà nước có thẩm quyền rà soát, xem xét tính hợp lệ của hồ sơ trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ;

d) Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông báo yêu cầu tổ chức, cá nhân sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

Tổ chức, cá nhân có thời hạn tối đa 01 tháng kể từ ngày nhận được thông báo để sửa đổi, bổ sung hồ sơ, trừ trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của pháp luật. Trường hợp tổ chức, cá nhân không sửa đổi, bổ sung hồ sơ hoặc đã sửa đổi, bổ sung mà hồ sơ vẫn chưa hợp lệ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền trả lại hồ sơ cho tổ chức, cá nhân;

đ) Trường hợp hồ sơ hợp lệ theo quy định, trong thời hạn 15 ngày làm việc, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan đã cấp.

Điều 43. Yêu cầu về tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng trong hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan

1. Tên tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng phải phù hợp với nội dung và loại hình tác phẩm, nội dung cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.

2. Tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có một phần hoặc toàn bộ nội dung được thể hiện bằng ngôn ngữ không phải tiếng Việt thì phải kèm theo bản mô tả bằng tiếng Việt.

3. Tác phẩm thể hiện dưới dạng tốc ký và các ký hiệu tương tự khác thì phải kèm theo bản mô tả bằng tiếng Việt có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

4. Tác phẩm điện ảnh phải bao gồm kịch bản văn học là sản phẩm sáng tạo của biên kịch dưới dạng văn bản thể hiện toàn bộ diễn biến của câu chuyện phim; kịch bản phân cảnh là sản phẩm sáng tạo của đạo diễn dưới dạng văn bản thể hiện kỹ thuật chuyên môn và phương pháp thực hiện các cảnh quay của bộ phim dựa trên kịch bản văn học.

5. Đối với tác phẩm mỹ thuật: Bản sao tác phẩm là ảnh chụp các góc độ thể hiện đúng bố cục, đường nét, màu sắc, hình khối của toàn bộ tác phẩm.

6. Tác phẩm mỹ thuật ứng dụng phải đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Bản sao tác phẩm phải được thể hiện rõ ràng trên khổ giấy A4 thể hiện đúng bố cục, đường nét, màu sắc, hình khối của toàn bộ tác phẩm;

b) Trường hợp tác phẩm có chứa các chữ, từ ngữ không phải là tiếng Việt thì phải ghi rõ cách phát âm (phiên âm ra tiếng Việt) và nếu các chữ, từ ngữ đó có nghĩa thì phải dịch ra tiếng Việt; có chứa chữ số không phải là chữ số Ả-rập hoặc chữ số La-mã thì phải dịch ra chữ số Ả-rập;

c) Tác phẩm có nội dung liên quan tới y khoa, giáo dục và các lĩnh vực chuyên ngành, đặc thù khác cần có văn bản, giấy tờ xác nhận, thẩm định, phê duyệt của cơ quan chức năng có thẩm quyền.

7. Tác phẩm kiến trúc phải bao gồm các bản vẽ kỹ thuật tổng thể thể hiện các chi tiết kiến trúc (gồm các mặt cắt bằng, mặt cắt đứng từ nhiều phía, các hình chiếu thẳng góc) và bản vẽ phối cảnh 3D. Tác phẩm phải được đánh số thứ tự lần lượt các trang.

8. Sách giáo khoa: Nội dung tác phẩm cần thể hiện đúng và đầy đủ nội dung của chương trình môn học hoặc hoạt động giáo dục, nêu đầy đủ các thành phần cơ bản sau: Phần, chương hoặc chủ đề, bài học.

9. Chương trình máy tính: Bản sao chương trình máy tính bao gồm đĩa CD có chứa chương trình máy tính đó (1 mặt đĩa CD dán giấy trắng ghi tên chương trình máy tính) và bản in trên khổ giấy A4 chứa toàn bộ giao diện và mã code của chương trình máy tính đó. Trường hợp bản in phần mã code chương trình máy tính nêu trên có từ 100 trang trở lên thì in 25 trang đầu, 25 trang giữa và 25 trang cuối của phần mã code.

10. Bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả được thay thế bằng ảnh chụp thể hiện không gian ba chiều đối với những tác phẩm có đặc thù riêng như tranh, tượng, tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng gắn với công trình kiến trúc; tác phẩm có kích thước quá lớn, cồng kềnh, tác phẩm độc bản.

Điều 44. Hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan

Các loại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan do Hãng Bảo hộ quyền tác giả Việt Nam, Cơ quan Bảo hộ quyền tác giả Việt Nam, Cục Bản quyền tác giả Văn học - Nghệ thuật, Cục Bản quyền tác giả cấp vẫn tiếp tục được duy trì hiệu lực.

Chương V

TỔ CHỨC ĐẠI DIỆN TẬP THỂ, TỔ CHỨC TƯ VẤN, DỊCH VỤ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Điều 45. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan

Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật Sở hữu trí tuệ thực hiện đúng phạm vi, chức năng hoạt động và hợp đồng ủy quyền giữa chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan và tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan về việc quản lý một quyền hoặc một nhóm quyền tài sản cụ thể.

Điều 46. Biểu mức tiền bản quyền

1. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan xây dựng biểu mức và phương thức thanh toán tiên bản quyền phù hợp với các hình thức sử dụng và theo các nguyên tắc quy định tại khoản 3 Điều 44a của Luật Sở hữu trí tuệ, làm cơ sở cho việc đàm phán, thanh toán tiền bản quyền trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 20, khoản 1 Điều 26, khoản 4 Điều 29, khoản 2 Điều 30, khoản 2 Điều 31 và khoản 1 Điều 33 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan nộp hồ sơ cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị phê duyệt biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền trước khi thực hiện.

2. Hồ sơ đề nghị phê duyệt biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền bao gồm:

a) Tờ khai đề nghị phê duyệt biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền (theo Mẫu số 07 của Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này);

b) Phương án xây dựng biểu mức tiền bản quyền bao gồm những nội dung sau:

Phân tích biểu mức tiền bản quyền đề xuất: Căn cứ tính (loại hình, hình thức, chất lượng, số lượng, cơ cấu, quy mô, tần suất khai thác, sử dụng và căn cứ khác); các yếu tố hình thành mức tiền bản quyền; điều kiện kinh tế - xã hội theo khu vực, thời gian và địa điểm diễn ra hành vi khai thác, sử dụng (có phân loại, đánh giá); phân tích tác động của biểu mức/mức tiền bản quyền đến các hoạt động sáng tạo, khai thác, sử dụng và thụ hưởng kết quả của hoạt động sáng tạo đó; việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước;

Những vấn đề chưa thống nhất với bên khai thác, sử dụng (nếu có);

Đề xuất biểu mức tiền bản quyền và phương thức thanh toán và các kiến nghị (nếu có).

3. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan có trách nhiệm thoả thuận về mức tiền bản quyền và phương thức thanh toán.

4. Chi phí xem xét, phê duyệt biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền do bên đề nghị phê duyệt chi trả theo quy định của pháp luật.

Điều 47. Phê duyệt biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền

1. Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xem xét và ban hành văn bản về việc chấp thuận trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ về đề nghị phê duyệt biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền do tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan trình theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Nghị định này.

2. Trong trường hợp xét thấy cần thiết, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành lập Hội đồng tư vấn về quyền tác giả, quyền liên quan để xem xét biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền quy định tại khoản 1 Điều này và ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng tư vấn về quyền tác giả, quyền liên quan.

3. Biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền sau khi được phê duyệt phải được áp dụng trong thời hạn ít nhất là 3 năm.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét điều chỉnh biểu mức tiền bản quyền trong trường hợp có những thay đổi về chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước liên quan đến cơ sở để xác định biểu mức. Tổ chức đề xuất xem xét điều chỉnh biểu mức tiền bản quyền bao gồm: Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Điều 48. Thu, phân chia tiền bản quyền

1. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan phải có cơ chế giám sát để bảo đảm các khoản tiền bản quyền thu từ việc cấp phép được lưu trữ trong tài khoản tách biệt với các tài sản, tài khoản, các khoản thu, chi khác của tổ chức, bao gồm cả trường hợp không thể phân chia tiền bản quyền thu được do không tìm thấy hoặc không liên lạc được với tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan, đồng chủ sở hữu quyền liên quan đã ủy quyền quy định tại khoản 5 Điều 56 Luật Sở hữu trí tuệ.

2. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan phân chia tiền bản quyền thu được theo quy định tại các điểm de khoản 3 Điều 56 Luật Sở hữu trí tuệ trên cơ sở thỏa thuận với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan đã ủy quyền theo kỳ hạn và không được để chậm quá 6 tháng kể từ ngày thu được tiền bản quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

3. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan được giữ lại một khoản tiền trên tổng số tiền bản quyền thu được để chi cho việc thực hiện nhiệm vụ của tổ chức theo quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 56 Luật Sở hữu trí tuệ.

Chi phí cho việc thực hiện nhiệm vụ của tổ chức là tổng các khoản chi cho các hoạt động do tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện theo ủy quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan, các chi phí quản lý khác nhưng không được vượt quá các chi phí hợp lý để quản lý quyền tác giả, quyền liên quan theo từng giai đoạn phát triển của tổ chức. Chi phí phải được ghi nhận trong các báo cáo quyết toán tài chính của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan sau khi có xác nhận của cơ quan kiểm toán độc lập.

4. Khoản tiền giữ lại phải trên cơ sở thỏa thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan đã ủy quyền, có thể được điều chỉnh phù hợp theo giai đoạn và phải đáp ứng điều kiện sau:

a) Không quá 40% tổng số tiền bản quyền thu được trong thời hạn 5 năm đầu tiên sau khi tổ chức thành lập;

b) Không quá 30% tổng số tiền bản quyền thu được trong thời hạn 5 năm tiếp theo;

c) Không quá 25% tổng số tiền bản quyền thu được đối với tổ chức đã thành lập từ 10 năm trở lên.

5. Trường hợp tổ chức thực hiện thu, phân chia tiền bản quyền theo ủy quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan mà không phải tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thì thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 57 của Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 55 của Nghị định này, đồng thời phải thực hiện các nghĩa vụ tương ứng của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại khoản 2 Điều này, các Điều 53 và 54 của Nghị định này.

Điều 49. Trường hợp không tìm thấy hoặc không liên lạc được với tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan đã ủy quyền

1. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan không tìm thấy hoặc không liên lạc được với tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan, đồng chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền liên quan đã ủy quyền theo quy định tại khoản 5 Điều 56 của Luật Sở hữu trí tuệ phải đăng tải công khai thông tin tìm kiếm liên quan trên trang thông tin điện tử của tổ chức mình.

Sau 6 tháng kể từ khi đăng tải thông tin, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan phải chuyển khoản tiền bản quyền thu được vào một tài khoản ngân hàng mở chung cho các tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan, đồng chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền liên quan đã ủy quyền mà không tìm thấy hoặc không liên lạc được.

Trường hợp tìm thấy hoặc liên lạc được với tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan, đồng chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền liên quan đã ủy quyền, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện phân chia khoản tiền bản quyền thu được theo thỏa thuận.

2. Sau 5 năm tìm kiếm để phân chia tiền bản quyền thu được mà vẫn không tìm thấy hoặc không liên lạc được với tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan, đồng chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền liên quan đã ủy quyền thì bàn giao khoản tiền này, các khoản lãi ngân hàng phát sinh và các tài liệu liên quan đến việc ủy quyền, thu tiền bản quyền về cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý sau khi trừ chi phí quản lý, tìm kiếm theo quy định của pháp luật.

3. Sau khi nhận bàn giao, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp tục đăng tải thông báo tìm kiếm trên trang thông tin điện tử về quyền tác giả, quyền liên quan trong thời hạn 5 năm và quản lý tiền bản quyền theo quy định tại khoản 8 Điều 23 của Nghị định này.

4. Trong thời hạn quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này, trường hợp có Bản án hay Quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án có thẩm quyền xác định tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan, đồng chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền liên quan đã mất tích, đã chết (đối với cá nhân) hoặc đã giải thể, phá sản (đối với tổ chức), khoản tiền bản quyền thu được, các khoản lãi ngân hàng phát sinh (nếu có) sau khi trừ chi phí quản lý, tìm kiếm được trả cho người thụ hưởng theo quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 50. Khai thác, sử dụng bản ghi âm, ghi hình do tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan cấp phép

1. Trường hợp tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình được sử dụng theo quy định tại khoản 1 Điều 26 và khoản 1 Điều 33 của Luật Sở hữu trí tuệ đã được chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan ủy quyền cho các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, các tổ chức này có thể thỏa thuận, thống nhất, ủy quyền đàm phán, thu tiền bản quyền theo quy định của pháp luật. Tỷ lệ phân chia tiền bản quyền thu được do các tổ chức này tự thỏa thuận; trường hợp không đạt được thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 34 của Nghị định này.

2. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan ủy quyền có trách nhiệm xây dựng danh mục hội viên, tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng của hội viên và chịu trách nhiệm khi ký hợp đồng ủy quyền cho tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan nhận ủy quyền đại diện đàm phán thỏa thuận, thu tiền bản quyền.

3. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan nhận ủy quyền có trách nhiệm đàm phán thỏa thuận thu tiền bản quyền theo danh mục hội viên, tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được quy định tại hợp đồng ủy quyền.

Điều 51. Cơ cấu tổ chức của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan

1. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan phải tổ chức Đại hội và Hội nghị thường niên.

2. Đại hội quyết định các nội dung sau:

a) Sửa tên tổ chức; sửa đổi, bổ sung điều lệ (nếu có);

b) Thay đổi nhân sự của các chức danh lãnh đạo, quản lý, kiểm soát của tổ chức;

c) Các nội dung khác theo quy định của pháp luật có liên quan và điều lệ của tổ chức.

3. Hội nghị thường niên bao gồm các nội dung sau:

a) Sửa đổi quy chế hoạt động của tổ chức, nếu nội dung quy chế chưa được điều chỉnh bởi điều lệ;

b) Báo cáo việc thực hiện nghĩa vụ của thành viên, phê duyệt tiền lương và các phúc lợi khác cho thành viên thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý, kiểm soát của tổ chức;

c) Báo cáo hoạt động, báo cáo tài chính của tổ chức;

d) Quyết định tỷ lệ phần trăm khoản tiền giữ lại theo quy định tại khoản 4 Điều 48 của Nghị định này;

đ) Thông qua Quy chế thu và phân chia tiền bản quyền;

e) Các nội dung khác theo quy định của pháp luật có liên quan và điều lệ của tổ chức.

4. Thành viên thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý, kiểm soát của tổ chức phải bao gồm hội viên ủy quyền.

Điều 52. Hội viên của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan

1. Hội viên của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm:

a) Hội viên ủy quyền là tổ chức, cá nhân sở hữu một, một số hoặc toàn bộ các quyền tài sản quy định tại khoản 1 Điều 20, khoản 3 Điều 29, khoản 1 Điều 30 hoặc khoản 1 Điều 31 của Luật Sở hữu trí tuệ có ủy quyền bằng văn bản cho tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan về việc quản lý quyền tài sản thuộc sở hữu của mình để thực hiện các hoạt động theo quy định tại khoản 2 Điều 56 Luật Sở hữu trí tuệ;

b) Các hội viên khác theo quy định của pháp luật.

2. Hội viên ủy quyền có quyền tham gia và biểu quyết trong Đại hội, Hội nghị thường niên hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác tham gia và biểu quyết theo quy định của pháp luật.

3. Phiếu biểu quyết tại Đại hội và Hội nghị thường niên của hội viên ủy quyền được tính theo tỷ lệ tác phẩm, cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã được định hình và tiền bản quyền thu được mà hội viên đó đã ủy quyền cho tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan.

Điều 53. Công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều hành của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan

1. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan phải công khai tại Hội nghị thường niên và đăng tải trên trang thông tin điện tử của tổ chức Báo cáo thường niên, Báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán, trong đó có doanh thu từ việc cấp phép, khoản phải trả, khoản đã trả, khoản đã thu nhưng không tìm thấy hoặc không liên lạc được với tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan, đồng chủ sở hữu quyền liên quan đã ủy quyền quy định tại khoản 5 Điều 56 Luật Sở hữu trí tuệ, khoản giữ lại, các khoản thuế, phí, lệ phí, khoản lãi phát sinh từ tiền bản quyền chưa phân chia (nếu có).

2. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thông tin công khai trên trang thông tin điện tử của tổ chức mình về các nội dung:

a) Tên tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan;

b) Đối với cá nhân: Ngày, tháng, năm sinh; năm chết (nếu có). Đối với tổ chức: Ngày, tháng, năm thành lập; năm giải thể (nếu có);

c) Tên tác phẩm, tên đối tượng quyền liên quan (cuộc biểu diễn; bản ghi âm, ghi hình; chương trình phát sóng);

d) Nội dung tác phẩm; nội dung cuộc biểu diễn; nội dung bản ghi âm, ghi hình; nội dung chương trình phát sóng;

đ) Phạm vi ủy quyền; hiệu lực hợp đồng ủy quyền;

e) Hoạt động cấp phép, thu và phân chia tiền bản quyền;

g) Hoạt động của các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan;

h) Các thông tin liên quan khác.

3. Khi thực hiện phân chia tiền bản quyền thu được cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan đã ủy quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 48 của Nghị định này, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan phải gửi kèm các thông tin sau:

a) Các khoản phải trả đối với mỗi tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được cấp phép sử dụng, trong đó nêu rõ các quyền được cấp phép và mục đích sử dụng;

b) Khoảng thời gian diễn ra việc sử dụng làm căn cứ để thu và phân chia tiền bản quyền.

Điều 54. Thực hiện chế độ báo cáo

1. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện chế độ báo cáo với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và cơ quan chủ quản về việc sửa đổi, bổ sung điều lệ, quy chế hoạt động; cơ chế quản lý tài chính; thay đổi nhân sự lãnh đạo; tham gia các tổ chức quốc tế; các hoạt động đối ngoại khác; biểu mức, phương thức thanh toán tiền bản quyền; chương trình kế hoạch dài hạn và hàng năm; tình hình hoạt động, ký hợp đồng ủy quyền, hợp đồng cấp phép sử dụng; tình hình hội viên ủy quyền, số lượng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được ủy quyền; hoạt động thu, mức thu, phương thức phân chia, cách thức thực hiện việc phân chia tiền bản quyền, quy chế thu và phân chia tiền bản quyền; báo cáo thường niên, báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán; các hoạt động liên quan khác.

Trường hợp sửa đổi, bổ sung điều lệ phải báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện.

2. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan xây dựng trang thông tin điện tử, kết nối với cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan.

3. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan có hệ thống cơ sở dữ liệu quyền tác giả, quyền liên quan của tổ chức mình, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan.

Điều 55. Tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan

1. Tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại khoản 1 Điều 57 của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm:

a) Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo pháp luật về doanh nghiệp;

b) Hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo pháp luật về hợp tác xã;

c) Đơn vị sự nghiệp;

d) Các tổ chức hành nghề luật sư được thành lập và hoạt động theo pháp luật về luật sư, trừ chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh giữa tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam và tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài.

2. Tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan được thành lập theo quy định tại khoản 1 Điều 57 của Luật Sở hữu trí tuệ khi người đứng đầu tổ chức và cá nhân hoạt động tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây:

a) Là công dân Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

b) Thường trú tại Việt Nam;

c) Có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật.

3. Ghi nhận tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan được thực hiện như sau:

a) Tổ chức có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 57 của Luật Sở hữu trí tuệ và khoản 2 Điều này được cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi nhận là tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan trong Sổ đăng ký quốc gia về tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan và công bố trên trang thông tin điện tử về quyền tác giả, quyền liên quan theo yêu cầu của tổ chức đó sau khi được xem xét chấp thuận yêu cầu ghi nhận.

Chi nhánh và các đơn vị phụ thuộc khác của các tổ chức có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 57 của Luật Sở hữu trí tuệ chỉ được kinh doanh hoạt động tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan dưới danh nghĩa của tổ chức mà mình phụ thuộc.

b) Cách thức thực hiện: Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

c) Hồ sơ yêu cầu ghi nhận tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan vào Sổ đăng ký quốc gia về tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan phải do tổ chức đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Sở hữu trí tuệ đứng tên, bao gồm:

Tờ khai yêu cầu ghi nhận tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan (theo Mẫu số 08 của Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này);

Danh sách cá nhân thuộc tổ chức trực tiếp thực hiện hoạt động tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan kèm theo bản sao Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân;

Sơ yếu lý lịch của người đứng đầu tổ chức có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

Bản sao có chứng thực bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật của người đứng đầu tổ chức và các cá nhân hoạt động tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan;

Bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký hoạt động của tổ chức.

d) Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành việc xem xét hồ sơ, ban hành văn bản trả lời tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan về việc ghi nhận hoặc từ chối ghi nhận tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan.

4. Xóa tên tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan được thực hiện như sau:

a) Cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xoá tên tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan trong Sổ đăng ký quốc gia về tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan và việc xóa tên được công bố trên trang thông tin điện tử về quyền tác giả, quyền liên quan trong các trường hợp sau đây:

Tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan từ bỏ, chấm dứt kinh doanh tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan;

Tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan không còn đáp ứng đầy đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 57 của Luật Sở hữu trí tuệ và khoản 2 Điều này;

b) Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xóa tên tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan nếu có đủ căn cứ khẳng định tổ chức không còn đủ điều kiện kinh doanh tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan;

c) Tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan phải làm thủ tục yêu cầu cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xóa tên trong Sổ đăng ký quốc gia về tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan trong các trường hợp quy định tại điểm a khoản này;

d) Cách thức thực hiện: Nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

đ) Hồ sơ yêu cầu xóa tên tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan gồm: Tờ khai yêu cầu xóa tên tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan trong đó có nêu rõ lý do xóa tên (theo Mẫu số 08 của Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này) hoặc kết quả giải quyết kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến yêu cầu xóa tên;

e) Thủ tục xử lý hồ sơ yêu cầu xóa tên tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan được cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, trình tự tương tự như thủ tục Ghi nhận tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan.

5. Trường hợp có thay đổi liên quan đến thông tin của tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan, tổ chức này phải gửi văn bản thông báo về nội dung thay đổi đến cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

6. Cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập danh sách các tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan và đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử về quyền tác giả, quyền liên quan của cơ quan này.

7. Tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện chế độ báo cáo, thông tin cho cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hằng năm hoặc đột xuất về các hoạt động tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan.

Chương VI

BẢO VỆ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Mục 1. TỰ BẢO VỆ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Điều 56. Quy định chung về bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan

1. Chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan trực tiếp hoặc có thể ủy quyền cho tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan hoặc tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật, để thực hiện và bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan của mình. Bên được ủy quyền có trách nhiệm thông tin công khai để các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng liên hệ thỏa thuận về việc khai thác, sử dụng.

2. Tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có nghĩa vụ liên hệ với chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc bên được ủy quyền để thỏa thuận về việc khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.

3. Tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan được giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc trọng tài.

Điều 57. Áp dụng các biện pháp dân sự, hành chính, hình sự để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan

Tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan của tổ chức, cá nhân khác thì tùy theo tính chất, mức độ xâm phạm có thể bị xử lý bằng biện pháp dân sự, hành chính hoặc hình sự theo quy định tại Phần thứ năm (Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ) của Luật Sở hữu trí tuệ và theo quy định sau đây:

1. Biện pháp dân sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm theo yêu cầu của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan hoặc của tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, kể cả khi hành vi đó đã hoặc đang bị xử lý bằng biện pháp hành chính hoặc biện pháp hình sự.

Thủ tục yêu cầu áp dụng biện pháp dân sự, thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp dân sự tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc trọng tài.

2. Biện pháp hành chính được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ, theo yêu cầu của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan, tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra, tổ chức, cá nhân phát hiện hành vi xâm phạm hoặc do cơ quan có thẩm quyền chủ động phát hiện.

Hình thức, mức phạt, thẩm quyền, thủ tục xử phạt hành vi xâm phạm và các biện pháp khắc phục hậu quả tuân theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan.

3. Biện pháp hình sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm trong trường hợp hành vi đó có đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Thẩm quyền, trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp hình sự tuân theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Điều 58. Thực hiện quyền tự bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan

1. Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan và tổ chức, cá nhân được ủy quyền theo quy định của pháp luật thực hiện quyền tự bảo vệ theo quy định tại Điều 198 của Luật Sở hữu trí tuệ và theo quy định chi tiết tại Điều này.

2. Các thông tin quản lý quyền và biện pháp công nghệ bảo vệ quyền quy định tại điểm a khoản 1 Điều 198 của Luật Sở hữu trí tuệ thực hiện theo quy định tại các điều 60 và 61 của Nghị định này.

3. Việc yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại điểm b khoản 1 Điều 198 của Luật Sở hữu trí tuệ do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc tổ chức, cá nhân được ủy quyền bằng cách thông báo bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm.

Văn bản thông báo phải có các thông tin sau:

a) Tên tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan và tổ chức, cá nhân được ủy quyền (nếu có);

b) Cơ sở phát sinh quyền tác giả, quyền liên quan, Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan (nếu có);

c) Phạm vi, thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan; hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan;

d) Yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm; thời hạn phải chấm dứt hành vi xâm phạm;

đ) Yêu cầu trả tiền bản quyền, bồi thường thiệt hại (nếu có).

4. Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại điểm c khoản 1 Điều 198 của Luật Sở hữu trí tuệ phải được thực hiện theo quy định tại các Điều 75, 76, 77, 78, 79 và 80 của Nghị định này.

Điều 59. Giả định về quyền tác giả, quyền liên quan

1. Bản định hình đầu tiên cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng quy định tại khoản 2 Điều 198a của Luật Sở hữu trí tuệ là bản được tồn tại dưới dạng vật chất mà trên đó định hình các âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng lần đầu tiên.

2. Cá nhân đứng tên là tác giả (tên thật hoặc bút danh) trên bản sao tác phẩm đã xuất bản hoặc trên bản gốc tác phẩm mỹ thuật theo cách thông thường được coi là tác giả cho đến khi có chứng cứ ngược lại.

3. Đối với tác phẩm đã được xuất bản, trường hợp tác giả không đứng tên theo quy định tại khoản 2 Điều này thì nhà xuất bản đứng tên trên bản sao tác phẩm được coi là chủ thể quyền.

4. Chủ thể quyền đối với tác phẩm quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này có quyền thực hiện các yêu cầu quy định tại Điều 198 của Luật Sở hữu trí tuệ. Quy định tại khoản này không ảnh hưởng đến thỏa thuận đã có giữa các bên có liên quan.

5. Trường hợp bản gốc, bản sao tác phẩm, bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng không còn tồn tại, chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại khoản 2 Điều 198a của Luật Sở hữu trí tuệ cũng được xác định trên bản gốc, bản sao tác phẩm, bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng khác có liên quan, trong đó có nêu tên tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng trong chừng mực hợp lý để khẳng định chủ thể quyền.

Điều 60. Thông tin quản lý quyền

1. Đưa thông tin quản lý quyền nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 198 của Luật Sở hữu trí tuệ là việc nêu trên bản gốc, bản sao tác phẩm, bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng các thông tin xác định về tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa; về tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan và các điều kiện khai thác, sử dụng; số hiệu, mã số thể hiện các thông tin nêu trên có hoặc không có biện pháp công nghệ bảo vệ quyền. Thông tin quản lý quyền không bao gồm thông tin liên quan đến người dùng bản sao về tên, tài khoản, địa chỉ hoặc thông tin liên hệ khác của người dùng.

Thông tin quản lý quyền phải gắn liền với bản sao hoặc xuất hiện đồng thời với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng khi tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được truyền đến công chúng.

2. Các trường hợp xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đối với thông tin quản lý quyền quy định tại các điều 28 và 35 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Điều 61. Biện pháp công nghệ bảo vệ quyền

1. Biện pháp công nghệ bảo vệ quyền quy định tại điểm a khoản 1 Điều 198 của Luật Sở hữu trí tuệ là biện pháp sử dụng bất kỳ phương tiện, kỹ thuật, công nghệ, thiết bị hoặc linh kiện nào trong quá trình hoạt động bình thường có chức năng chính nhằm đánh dấu, nhận biết, phân biệt, bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại các điều 19, 20, 29, 30 và 31 của Luật Sở hữu trí tuệ.

2. Biện pháp công nghệ hữu hiệu là biện pháp công nghệ bảo vệ quyền mà chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan kiểm soát việc sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa, thông qua:

a) Ứng dụng kiểm soát truy cập: Là ứng dụng sử dụng kỹ thuật, công nghệ, thiết bị hoặc linh kiện nhằm kiểm soát quyền truy cập vào bản sao được bảo vệ;

b) Quy trình bảo vệ: Là biện pháp sử dụng kỹ thuật, công nghệ, thiết bị hoặc linh kiện nhằm ngăn chặn hoặc hạn chế tối đa việc thực hiện bất kỳ hành vi nào cấu thành hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đối với bản sao được bảo vệ;

c) Cơ chế kiểm soát sao chép: Là biện pháp sử dụng kỹ thuật, công nghệ, thiết bị hoặc linh kiện nhằm kiểm soát việc sao chép từ bản sao được bảo vệ.

3. Tổ chức, cá nhân không được cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu biện pháp công nghệ hữu hiệu do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan thực hiện để bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan của mình quy định tại khoản 4 Điều 28, khoản 5 Điều 35 và khoản 1 Điều 198 của Luật Sở hữu trí tuệ để sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa trái quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và Nghị định này. Vô hiệu hóa biện pháp công nghệ hữu hiệu bao gồm cả việc né tránh, bỏ qua, loại bỏ, vượt qua, hủy kích hoạt hoặc làm suy giảm biện pháp công nghệ hữu hiệu để sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa.

4. Các trường hợp tiếp cận, sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa được phép theo quy định tại khoản 3 Điều 20, khoản 5 Điều 29, khoản 3 Điều 30, khoản 3 Điều 31 và các điều 25, 25a, 32 của Luật Sở hữu trí tuệ không áp dụng quy định tại khoản 3 Điều này.

Mục 2. TRANH CHẤP VỀ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN XÁC ĐỊNH HÀNH VI XÂM PHẠM QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Điều 62. Các tranh chấp về quyền tác giả

1. Tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân về quyền tác giả đối với tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, tác phẩm phái sinh.

2. Tranh chấp giữa các đồng tác giả về phân chia quyền đồng tác giả.

3. Tranh chấp giữa các đồng chủ sở hữu quyền tác giả đối với việc phân chia quyền của các đồng chủ sở hữu khi khai thác, sử dụng, chuyển nhượng một, một số hoặc toàn bộ các quyền tác giả.

4. Tranh chấp giữa cá nhân và tổ chức về chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm.

5. Tranh chấp giữa chủ sở hữu quyền tác giả với tác giả về tiền bản quyền trả cho tác giả sáng tạo tác phẩm trên cơ sở nhiệm vụ được giao hoặc hợp đồng sáng tạo.

6. Tranh chấp về thực hiện quyền nhân thân hoặc quyền tài sản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; đồng tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả.

7. Tranh chấp về quyền tác giả đối với chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu giữa người cung cấp tài chính và các điều kiện vật chất có tính chất quyết định cho việc xây dựng, phát triển chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu với người thiết kế, xây dựng chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

8. Tranh chấp về quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu giữa người đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu với người tham gia sáng tạo và người sản xuất ra tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu hoặc tranh chấp giữa họ với nhau về tiền bản quyền và các quyền lợi vật chất khác.

9. Tranh chấp giữa chủ sở hữu quyền tác giả với người sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền, vì lý do việc sử dụng mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm và gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

10. Tranh chấp giữa chủ sở hữu quyền tác giả với người sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền vì lý do người sử dụng không trả tiền bản quyền hoặc việc sử dụng mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm và gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả.

11. Tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền tác giả, hợp đồng chuyển quyền sử dụng quyền tác giả hoặc tranh chấp về hợp đồng tư vấn, dịch vụ quyền tác giả.

12. Tranh chấp phát sinh do hành vi xâm phạm quyền tác giả.

13. Tranh chấp về thừa kế, kế thừa quyền tài sản quy định tại Điều 20 và quyền nhân thân quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ.

14. Tranh chấp khác về quyền tác giả theo quy định của pháp luật.

Điều 63. Các tranh chấp về quyền liên quan

1. Tranh chấp về chủ sở hữu quyền đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.

2. Tranh chấp giữa người biểu diễn với người khai thác, sử dụng các quyền nhân thân và quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn.

3. Tranh chấp giữa nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình với người khai thác, sử dụng các quyền tài sản đối với bản ghi âm, ghi hình.

4. Tranh chấp giữa tổ chức phát sóng với người khai thác, sử dụng các quyền tài sản đối với chương trình phát sóng.

5. Tranh chấp giữa người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng với người sử dụng quyền liên quan không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền vì lý do việc sử dụng mâu thuẫn với việc khai thác bình thường cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.

6. Tranh chấp giữa tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng với người sử dụng quyền liên quan không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền vì lý do người sử dụng không trả tiền bản quyền hoặc việc sử dụng mâu thuẫn với việc khai thác bình thường cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.

7. Tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền liên quan, hợp đồng chuyển quyền sử dụng quyền liên quan hoặc tranh chấp về hợp đồng tư vấn, dịch vụ quyền liên quan.

8. Tranh chấp phát sinh do hành vi xâm phạm quyền liên quan.

9. Tranh chấp về thừa kế quyền liên quan.

10. Tranh chấp khác về quyền liên quan theo quy định của pháp luật.

Điều 64. Căn cứ xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

Căn cứ xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại các điều 28 và 35 của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm:

1. Đối tượng bị xem xét thuộc phạm vi các đối tượng đang được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan: Tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả quy định tại Điều 14 của Luật Sở hữu trí tuệ; các đối tượng được bảo hộ quyền liên quan quy định tại Điều 17 của Luật Sở hữu trí tuệ.

2. Có yếu tố xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong đối tượng bị xem xét.

3. Người thực hiện hành vi bị xem xét không phải là chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan, trừ trường hợp đồng tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền liên quan thực hiện hành vi xâm phạm với các đồng tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền liên quan còn lại và không phải là người được pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép theo quy định tại khoản 3 Điều 20, khoản 5 Điều 29, khoản 3 Điều 30, khoản 3 Điều 31 và các điều 25, 25a, 26, 32 và 33 của Luật Sở hữu trí tuệ.

4. Hành vi bị xem xét xảy ra tại Việt Nam. Hành vi bị xem xét cũng bị coi là xảy ra tại Việt Nam nếu hành vi đó xảy ra trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet mà người tiêu dùng hoặc người khai thác, sử dụng nội dung thông tin số tại Việt Nam.

Điều 65. Căn cứ xác định đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan

1. Việc xác định đối tượng được bảo hộ được thực hiện bằng cách xem xét các tài liệu, chứng cứ chứng minh căn cứ phát sinh quyền theo quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 6 của Luật Sở hữu trí tuệ và không thuộc các đối tượng không được bảo hộ quyền tác giả quy định tại Điều 15 của Luật Sở hữu trí tuệ.

2. Đối với quyền tác giả, quyền liên quan đã được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền, đối tượng được bảo hộ được xác định theo Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan và các tài liệu kèm theo Giấy chứng nhận đăng ký đó.

3. Đối với quyền tác giả, quyền liên quan không đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền thì các quyền này được xác định theo giả định về quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại Điều 198a của Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 59 của Nghị định này.

Điều 66. Xác định yếu tố xâm phạm quyền tác giả

1. Hành vi xâm phạm quyền tác giả có thể thuộc một trong các dạng sau đây:

a) Xâm phạm quyền đặt tên cho tác phẩm: Thay đổi tên tác phẩm mà không được phép của tác giả, đồng tác giả, trừ trường hợp tác phẩm dịch hoặc pháp luật có quy định khác;

b) Xâm phạm quyền đứng tên, nêu tên trên tác phẩm: Mạo danh tác giả, giả mạo tên, chữ ký tác giả, không nêu hoặc cố ý nêu sai tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ tác phẩm khi khai thác, sử dụng;

c) Xâm phạm quyền công bố tác phẩm: Công bố tác phẩm mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả; chiếm đoạt quyền tác giả;

d) Xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả: Xuyên tạc tác phẩm; sửa đổi, cắt xén tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả;

đ) Xâm phạm quyền làm tác phẩm phái sinh: Tác phẩm đã có được sử dụng làm tác phẩm phái sinh mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật;

e) Xâm phạm quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng: Biểu diễn, đọc, trưng bày, triển lãm, trình chiếu, trình diễn tác phẩm tại nơi công cộng hoặc nơi bán vé, thu tiền vào cửa mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Điều 25Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ;

g) Xâm phạm quyền sao chép tác phẩm: Nhân bản, tạo bản sao tác phẩm mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật; sao chép phần tác phẩm, trích đoạn, lắp ghép mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 20, các điều 2525a của Luật Sở hữu trí tuệ;

h) Xâm phạm quyền phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng: Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng bản gốc, bản sao hữu hình tác phẩm mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 20Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ;

i) Xâm phạm quyền phát sóng, truyền đạt đến công chúng: Phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm qua mạng viễn thông và mạng Internet mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Điều 25Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ;

k) Xâm phạm quyền cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính: Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật;

l) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm pháp lý quy định tại các điều 25, 25a26 của Luật Sở hữu trí tuệ;

m) Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu biện pháp công nghệ hữu hiệu do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện trên bản gốc, bản sao tác phẩm để bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm của mình theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 20, Điều 25Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ;

n) Sản xuất, phân phối, nhập khẩu, chào bán, bán, quảng bá, quảng cáo, tiếp thị, cho thuê hoặc tàng trữ nhằm mục đích thương mại các thiết bị, sản phẩm hoặc linh kiện, giới thiệu hoặc cung cấp dịch vụ khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị, sản phẩm, linh kiện hoặc dịch vụ đó được sản xuất, sử dụng nhằm vô hiệu hóa biện pháp công nghệ hữu hiệu bảo vệ quyền tác giả theo quy định của pháp luật;

o) Cố ý xóa, gỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật;

p) Cố ý phân phối, nhập khẩu để phân phối, phát sóng, truyền đạt hoặc cung cấp đến công chúng bản sao tác phẩm khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền đã bị xóa, gỡ bỏ, thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả; khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật;

q) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian đối với tác phẩm quy định tại khoản 3 Điều 198b của Luật Sở hữu trí tuệ, các điều 113 và 114 của Nghị định này và quy định pháp luật khác có liên quan.

2. Căn cứ xác định yếu tố xâm phạm quyền tác giả là phạm vi bảo hộ quyền tác giả được xác định theo hình thức thể hiện bản gốc tác phẩm; được xác định theo nhân vật, hình tượng, cách thể hiện tính cách nhân vật, hình tượng, tình tiết của tác phẩm gốc trong trường hợp xác định yếu tố xâm phạm đối với tác phẩm phái sinh.

Việc xác định yếu tố xâm phạm quyền tác giả phải xem xét tính nguyên gốc của sự sáng tạo tác phẩm và sự thể hiện, biểu hiện của ý tưởng mà không phải bản thân ý tưởng.

3. Để xác định một bản sao hoặc tác phẩm có phải là yếu tố xâm phạm quyền tác giả hay không, cần so sánh bản sao hoặc tác phẩm đó với bản gốc tác phẩm hoặc tác phẩm gốc, tính nguyên gốc của sự sáng tạo tác phẩm, sự thể hiện, biểu hiện của ý tưởng sáng tạo tác phẩm; thời điểm hoàn thành tác phẩm; sự tiếp cận, thời gian, thời điểm tiếp cận của tác giả đối với tác phẩm đã có.

Bản sao tác phẩm bị coi là yếu tố xâm phạm trong các trường hợp sau đây:

a) Bản sao là bản sao chép một phần hoặc toàn bộ tác phẩm đang được bảo hộ của người khác;

b) Tác phẩm (phần tác phẩm) là một phần hoặc toàn bộ tác phẩm đang được bảo hộ của người khác;

c) Tác phẩm, phần tác phẩm có nhân vật, hình tượng, cách thể hiện tính cách nhân vật, hình tượng, tình tiết của tác phẩm đang được bảo hộ của người khác.

4. Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được tạo ra từ hành vi xâm phạm quyền tác giả quy định tại khoản 1 Điều này bị coi là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền tác giả.

5. Sản phẩm được tạo ra từ hành vi xâm phạm quyền tác giả quy định tại điểm g khoản 1 Điều này bị coi là hàng hoá sao chép lậu theo quy định tại Điều 213 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Điều 67. Xác định yếu tố xâm phạm quyền liên quan

1. Hành vi xâm phạm quyền liên quan đối với cuộc biểu diễn có thể thuộc một trong các dạng sau đây:

a) Xâm phạm quyền được giới thiệu tên của người biểu diễn: Không giới thiệu tên hoặc cố ý nêu sai tên người biểu diễn khi biểu diễn, khi phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn, trừ trường hợp không thể giới thiệu đầy đủ tên của người biểu diễn vì lý do khách quan và tính chất, quy mô, thể loại biểu diễn;

b) Xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của hình tượng biểu diễn gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn: Xuyên tạc hình tượng biểu diễn; sửa đổi, cắt xén cuộc biểu diễn gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn;

c) Xâm phạm quyền định hình trực tiếp cuộc biểu diễn: Định hình trực tiếp cuộc biểu diễn mà không được sự cho phép của người biểu diễn theo quy định của pháp luật;

d) Xâm phạm quyền sao chép cuộc biểu diễn đã được định hình trên bản ghi âm, ghi hình: Nhân bản, sao chép, trích, ghép toàn bộ hoặc một phần bản định hình cuộc biểu diễn mà không được sự đồng ý của người biểu diễn theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 5 Điều 29Điều 32 của Luật Sở hữu trí tuệ;

đ) Xâm phạm quyền phát sóng, truyền đạt đến công chúng cuộc biểu diễn chưa được định hình: Phát sóng, truyền đạt đến công chúng cuộc biểu diễn chưa được định hình mà không được sự đồng ý của người biểu diễn theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp cuộc biểu diễn đó nhằm mục đích phát sóng và trừ trường hợp quy định tại Điều 32 của Luật Sở hữu trí tuệ;

e) Xâm phạm quyền phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng bản gốc, bản sao bản định hình cuộc biểu diễn dưới dạng hữu hình: Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng bản gốc, bản sao bản định hình cuộc biểu diễn dưới dạng hữu hình mà không được sự đồng ý của người biểu diễn theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 5 Điều 29 của Luật Sở hữu trí tuệ;

g) Xâm phạm quyền cho thuê thương mại tới công chúng bản gốc, bản sao cuộc biểu diễn đã được định hình trong bản ghi âm, ghi hình: Cho thuê thương mại tới công chúng bản gốc, bản sao cuộc biểu diễn đã được định hình trong bản ghi âm, ghi hình mà không được sự đồng ý của người biểu diễn theo quy định của pháp luật;

h) Xâm phạm quyền phát sóng, truyền đạt đến công chúng bản định hình cuộc biểu diễn: Phát sóng, truyền đạt đến công chúng bản định hình cuộc biểu diễn mà không được sự đồng ý của người biểu diễn theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Điều 32 của Luật Sở hữu trí tuệ;

i) Các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

2. Hành vi xâm phạm quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình có thể thuộc một trong các dạng sau đây:

a) Xâm phạm quyền sao chép toàn bộ hoặc một phần bản ghi âm, ghi hình: Nhân bản, sao chép, trích, ghép toàn bộ hoặc một phần bản ghi âm, ghi hình mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền đối với bản ghi âm, ghi hình theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 30Điều 32 của Luật Sở hữu trí tuệ;

b) Xâm phạm quyền phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng bản gốc, bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới dạng hữu hình: Phân phối, nhập khẩu để phân phối bản gốc, bản sao bản ghi âm, ghi hình dưới dạng hữu hình mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền đối với bản ghi âm, ghi hình theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 30Điều 32 của Luật Sở hữu trí tuệ;

c) Xâm phạm quyền cho thuê thương mại tới công chúng bản gốc, bản sao bản ghi âm, ghi hình: Cho thuê thương mại bản gốc, bản sao bản ghi âm, ghi hình mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền đối với bản ghi âm, ghi hình theo quy định của pháp luật;

d) Xâm phạm quyền phát sóng, truyền đạt đến công chúng bản ghi âm, ghi hình: Phát sóng, truyền đạt đến công chúng bản ghi âm, ghi hình mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền đối với bản ghi âm, ghi hình theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Điều 32 của Luật Sở hữu trí tuệ;

đ) Các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

3. Hành vi xâm phạm quyền liên quan đối với chương trình phát sóng có thể thuộc một trong các dạng sau đây:

a) Xâm phạm quyền phát sóng, tái phát sóng chương trình phát sóng: Phát sóng, tái phát sóng chương trình phát sóng mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền đối với chương trình phát sóng theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại Điều 32 của Luật Sở hữu trí tuệ;

b) Xâm phạm quyền sao chép bản định hình chương trình phát sóng: Thu, giải mã, nhân bản, sao chép, trích, ghép toàn bộ hoặc một phần bản định hình chương trình phát sóng mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền đối với chương trình phát sóng theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 31Điều 32 của Luật Sở hữu trí tuệ;

c) Xâm phạm quyền định hình chương trình phát sóng: Định hình chương trình phát sóng mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền đối với chương trình phát sóng theo quy định của pháp luật;

d) Xâm phạm quyền phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng bản định hình chương trình phát sóng dưới dạng hữu hình: Phân phối, nhập khẩu để phân phối bản định hình chương trình phát sóng dưới dạng hữu hình mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu quyền đối với chương trình phát sóng theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 31Điều 32 của Luật Sở hữu trí tuệ;

đ) Các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

4. Hành vi xâm phạm quyền liên quan còn có thể thuộc một trong các dạng sau đây:

a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm pháp lý quy định tại Điều 32 và Điều 33 của Luật Sở hữu trí tuệ;

b) Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu biện pháp công nghệ hữu hiệu do chủ sở hữu quyền liên quan thực hiện trên bản gốc, bản sao bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng để bảo vệ quyền của mình theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 29, khoản 3 Điều 30, khoản 3 Điều 31Điều 32 của Luật Sở hữu trí tuệ;

c) Sản xuất, phân phối, nhập khẩu, chào bán, bán, quảng bá, quảng cáo, tiếp thị, cho thuê hoặc tàng trữ nhằm mục đích thương mại các thiết bị, sản phẩm hoặc linh kiện, giới thiệu hoặc cung cấp dịch vụ khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị, sản phẩm, linh kiện hoặc dịch vụ đó được sản xuất, sử dụng nhằm vô hiệu hóa biện pháp công nghệ hữu hiệu bảo vệ quyền liên quan theo quy định của pháp luật;

d) Cố ý xóa, gỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý quyền mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền liên quan theo quy định của pháp luật;

đ) Cố ý phân phối, nhập khẩu để phân phối, phát sóng, truyền đạt hoặc cung cấp đến công chúng cuộc biểu diễn, bản sao cuộc biểu diễn đã được định hình hoặc bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền đã bị xóa, gỡ bỏ, thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan; khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền liên quan theo quy định của pháp luật;

e) Sản xuất, lắp ráp, biến đổi, phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, chào bán, bán hoặc cho thuê thiết bị, hệ thống khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị, hệ thống đó giải mã trái phép hoặc chủ yếu để giúp cho việc giải mã trái phép tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa theo quy định của pháp luật;

g) Cố ý thu hoặc tiếp tục phân phối tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa khi tín hiệu đã được giải mã mà không được phép của người phân phối hợp pháp theo quy định của pháp luật;

h) Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý về quyền liên quan của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng quy định tại khoản 3 Điều 198b của Luật Sở hữu trí tuệ, các điều 113 và 114 của Nghị định này và quy định pháp luật khác có liên quan.

5. Căn cứ xác định yếu tố xâm phạm quyền liên quan là phạm vi bảo hộ quyền liên quan đã được xác định theo hình thức thể hiện bản định hình đầu tiên cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.

6. Để xác định một bản sao hoặc bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có phải là yếu tố xâm phạm quyền liên quan hay không, cần so sánh bản sao hoặc cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đó với bản gốc bản định hình đầu tiên cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng; thời điểm hoàn thành và định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng; sự tiếp cận, thời gian, thời điểm tiếp cận của tác giả đối với bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã có.

Bản sao bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng bị coi là yếu tố xâm phạm trong các trường hợp sau đây:

a) Bản sao là bản sao chép một phần hoặc toàn bộ bản định hình đầu tiên cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đang được bảo hộ của người khác;

b) Tác phẩm (phần tác phẩm) là một phần hoặc toàn bộ bản định hình đầu tiên cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đang được bảo hộ của người khác.

7. Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được tạo ra từ hành vi xâm phạm quyền liên quan quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này bị coi là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền liên quan.

8. Sản phẩm được tạo ra từ hành vi xâm phạm quyền liên quan quy định tại điểm d khoản 1, điểm a khoản 2 và điểm b khoản 3 của Điều này bị coi là hàng hoá sao chép lậu theo quy định tại Điều 213 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Điều 68. Căn cứ xác định tính chất và mức độ xâm phạm

1. Tính chất xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 199 của Luật Sở hữu trí tuệ được xác định dựa trên các căn cứ sau đây:

a) Hoàn cảnh, động cơ xâm phạm: Xâm phạm do vô ý, xâm phạm có ý, xâm phạm do bị khống chế hoặc bị lệ thuộc, xâm phạm lần đầu, tái phạm;

b) Cách thức thực hiện hành vi xâm phạm: Xâm phạm riêng lẻ, xâm phạm có tổ chức, tự thực hiện hành vi xâm phạm, mua chuộc, lừa dối, cưỡng ép người khác thực hiện hành vi xâm phạm.

2. Mức độ xâm phạm quy định tại khoản 1 Điều 199 của Luật Sở hữu trí tuệ được xác định dựa trên các căn cứ sau đây:

a) Phạm vi lãnh thổ, thời gian, khối lượng, quy mô thực hiện hành vi xâm phạm;

b) Ảnh hưởng, hậu quả của hành vi xâm phạm.

Mục 3. XÁC ĐỊNH THIỆT HẠI DO XÂM PHẠM QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Điều 69. Nguyên tắc xác định thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

1. Thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại Điều 204 của Luật Sở hữu trí tuệ là sự tổn thất thực tế về vật chất và tinh thần do hành vi xâm phạm trực tiếp gây ra cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan.

2. Được coi là có tổn thất thực tế nếu có đủ các căn cứ sau đây:

a) Lợi ích vật chất hoặc tinh thần là có thực và thuộc về người bị thiệt hại: Lợi ích vật chất hoặc tinh thần là kết quả (sản phẩm) của quyền tác giả, quyền liên quan và người bị thiệt hại là người có quyền hưởng lợi ích vật chất hoặc tinh thần đó;

b) Người bị thiệt hại có khả năng đạt được lợi ích quy định tại điểm a khoản này: Người bị thiệt hại có thể đạt được (thu được) lợi ích vật chất hoặc tinh thần đó trong điều kiện nhất định nếu không có hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan xảy ra;

c) Có sự giảm sút hoặc mất lợi ích của người bị thiệt hại sau khi hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan xảy ra so với khả năng đạt được lợi ích đó khi không có hành vi xâm phạm và hành vi xâm phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra sự giảm sút, mất lợi ích đó: Trước khi xảy ra hành vi xâm phạm, người bị thiệt hại đã có lợi ích vật chất hoặc tinh thần và sau khi hành vi xâm phạm xảy ra người bị thiệt hại bị giảm sút hoặc mất lợi ích mà họ đạt được trước khi có hành vi xâm phạm; giữa hành vi xâm phạm và sự giảm sút, mất lợi ích đó phải có mối quan hệ nhân quả.

3. Mức độ thiệt hại được xác định phù hợp với yếu tố xâm phạm quyền đối với đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan.

Việc xác định mức độ thiệt hại dựa trên chứng cứ về thiệt hại do các bên cung cấp, kể cả kết quả giám định và bản kê khai thiệt hại, trong đó làm rõ các căn cứ để xác định và tính toán mức độ thiệt hại.

Điều 70. Thiệt hại về tinh thần

Thiệt hại về tinh thần là các tổn hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín, danh tiếng và những tổn hại khác về tinh thần gây ra cho tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan do quyền tác giả, quyền liên quan bị xâm phạm dẫn đến bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm, bị giảm sút hoặc mất đi sự tín nhiệm, uy tín, danh tiếng, lòng tin vì bị hiểu nhầm, thời gian chịu đựng tổn thất, mức độ đau thương, buồn phiền, mất mát về tình cảm và đến mức cá nhân, tổ chức vi phạm phải xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại về mặt tinh thần.

Điều 71. Thiệt hại về tài sản

1. Thiệt hại về tài sản được xác định theo mức độ giảm sút hoặc bị mất về giá trị tính được thành tiền của đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan được bảo hộ.

2. Giá trị tính được thành tiền của đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại khoản 1 Điều này được xác định theo một hoặc các căn cứ sau đây:

a) Giá chuyển nhượng quyền sở hữu hoặc giá chuyển giao quyền sử dụng đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan;

b) Giá trị góp vốn kinh doanh bằng quyền tác giả, quyền liên quan;

c) Giá trị quyền tác giả, quyền liên quan trong tổng số tài sản của doanh nghiệp;

d) Giá trị đầu tư cho việc nghiên cứu, sáng tạo và phát triển để tạo ra tác phẩm, đối tượng quyền liên quan, bao gồm các chi phí đầu tư, nghiên cứu, trang thiết bị kỹ thuật, cơ sở vật chất, chi phí tiếp thị, quảng cáo, lao động, thuế và các chi phí khác.

3. Việc xác định giá trị tính được thành tiền của đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại khoản 1 Điều này do doanh nghiệp thẩm định giá thực hiện theo quy định của pháp luật về thẩm định giá. Kết quả thẩm định giá của doanh nghiệp thẩm định giá được sử dụng làm một trong những cơ sở để tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc phê duyệt giá của tài sản thẩm định giá.

Điều 72. Giảm sút về thu nhập, lợi nhuận

1. Thu nhập, lợi nhuận quy định tại điểm a khoản 1 Điều 204 của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm:

a) Thu nhập, lợi nhuận thu được do trực tiếp, gián tiếp khai thác, sử dụng đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan;

b) Thu nhập, lợi nhuận thu được do cho thuê đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan là bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính;

c) Thu nhập, lợi nhuận thu được do chuyển giao quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan;

d) Thu nhập, lợi nhuận thu được do chuyển nhượng quyền sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan.

2. Mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận được xác định theo một hoặc các căn cứ sau đây:

a) Ảnh hưởng đến khai thác bình thường tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng: So sánh số lượng bản sao thực tế tiêu thụ hoặc cung ứng trước và sau khi xảy ra hành vi xâm phạm; so sánh tần suất khai thác, sử dụng, công chiếu, phát sóng, truyền đạt, truy cập tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng trước và sau khi xảy ra hành vi xâm phạm; so sánh số lượng khách hàng sử dụng, thuê bao trước và sau khi xảy ra hành vi xâm phạm;

b) So sánh giá bán thực tế trên thị trường của bản sao trước và sau khi xảy ra hành vi xâm phạm;

c) Gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền: So sánh trực tiếp doanh thu có được từ việc khai thác, sử dụng đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan trước và sau khi xảy ra hành vi xâm phạm, tương ứng với từng loại thu nhập quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 73. Tổn thất về cơ hội kinh doanh

1. Cơ hội kinh doanh quy định tại điểm a khoản 1 Điều 204 của Luật Sở hữu trí tuệ bao gồm:

a) Khả năng phát sinh lợi nhuận, gia tăng giá trị thương hiệu thông qua thực tế sử dụng, khai thác trực tiếp đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan trong kinh doanh; số lượng khách hàng sử dụng;

b) Khả năng phát sinh lợi nhuận, gia tăng giá trị thương hiệu thông qua quảng cáo, tiếp thị có sử dụng đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan;

c) Khả năng phát sinh lợi nhuận, gia tăng giá trị thương hiệu thông qua việc cho người khác thuê đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan là bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính, bản ghi âm, ghi hình;

d) Khả năng phát sinh lợi nhuận, gia tăng giá trị thương hiệu thông qua thực tế chuyển giao quyền sử dụng đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan, chuyển nhượng đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan cho người khác;

đ) Cơ hội kinh doanh khác bị mất do hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trực tiếp gây ra.

2. Tổn thất về cơ hội kinh doanh là thiệt hại về giá trị tính được thành tiền của khoản thu nhập đáng lẽ người bị thiệt hại có thể có được khi thực hiện các khả năng quy định tại khoản 1 Điều này nhưng thực tế không có được khoản thu nhập đó do hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan gây ra.

Điều 74. Chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại

Chi phí hợp lý để ngăn chặn, khắc phục thiệt hại quy định tại điểm a khoản 1 Điều 204 của Luật Sở hữu trí tuệ gồm chi phí cho việc tạm giữ, bảo quản, lưu kho, lưu bãi đối với hàng hóa xâm phạm, chi phí thực hiện các biện pháp khẩn cấp tạm thời, chi phí hợp lý để thuê luật sư, chi phí hợp lý để thuê dịch vụ giám định, ngăn chặn, khắc phục hành vi xâm phạm và chi phí cho việc thông báo, cải chính trên phương tiện thông tin đại chúng liên quan đến hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Mục 4. YÊU CẦU VÀ GIẢI QUYẾT YÊU CẦU XỬ LÝ HÀNH VI XÂM PHẠM QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Điều 75. Đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

1. Đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Ngày, tháng, năm làm đơn yêu cầu;

b) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm; họ tên người đại diện, nếu yêu cầu được thực hiện thông qua người đại diện;

c) Tên cơ quan nhận đơn yêu cầu;

d) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân bị nghi ngờ là tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi xâm phạm trong trường hợp yêu cầu tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ xâm phạm;

đ) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích liên quan (nếu có);

e) Tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);

g) Thông tin tóm tắt về quyền tác giả, quyền liên quan bị xâm phạm: Loại quyền, căn cứ phát sinh quyền, tóm tắt về đối tượng quyền;

h) Thông tin tóm tắt về hành vi xâm phạm: Ngày, tháng, năm và nơi xảy ra xâm phạm, mô tả vắn tắt về đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan bị xâm phạm, hành vi xâm phạm; địa chỉ trang web, đường link đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet và các thông tin khác (nếu có).

i) Nội dung yêu cầu áp dụng biện pháp xử lý hành vi xâm phạm;

k) Danh mục các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn;

l) Chữ ký của người làm đơn và đóng dấu (nếu có).

2. Đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan phải có các tài liệu, chứng cứ kèm theo quy định tại Điều 76 của Nghị định này nhằm chứng minh yêu cầu đó.

Điều 76. Tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

1. Người yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm phải gửi kèm theo đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan các tài liệu, chứng cứ sau đây để chứng minh yêu cầu của mình:

a) Chứng cứ chứng minh là chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan nếu người yêu cầu là tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan hoặc người được chuyển giao quyền, được thừa kế, kế thừa quyền tác giả, quyền liên quan;

b) Chứng cứ chứng minh hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đã xảy ra; chứng cứ nghi ngờ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đối với đơn đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan;

c) Các tài liệu, chứng cứ khác để chứng minh yêu cầu của mình.

2. Trong trường hợp yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm được thực hiện thông qua người đại diện theo ủy quyền thì phải kèm theo văn bản ủy quyền có công chứng hoặc chứng thực; nếu thông qua người đại diện theo pháp luật thì phải kèm theo giấy tờ chứng minh tư cách của người đại diện theo pháp luật.

Điều 77. Chứng cứ chứng minh chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan

1. Đối với quyền tác giả, quyền liên quan đã được đăng ký, chứng cứ chứng minh tư cách chủ thể quyền là một trong các loại tài liệu sau đây:

a) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan nộp kèm theo bản chính để đối chiếu, trừ trường hợp bản sao đã được chứng thực theo quy định;

b) Bản trích lục Sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả, quyền liên quan hoặc chứng thực bản quyền do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

2. Đối với quyền tác giả, quyền liên quan chưa được đăng ký, chứng cứ chứng minh tư cách chủ thể quyền là các tài liệu, hiện vật, thông tin về căn cứ phát sinh quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định tại các khoản 1 và 2 Điều 6 của Luật Sở hữu trí tuệ và bao gồm tài liệu cụ thể như sau:

a) Bản gốc hoặc bản sao tác phẩm, bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa có nêu tên chủ thể quyền theo quy định tại Điều 198a của Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 59 của Nghị định này;

b) Các tài liệu khác chứng minh việc tạo ra, công bố, biểu diễn, phân phối, phát sóng, truyền đạt các đối tượng nêu trên và các tài liệu, chứng cứ kèm theo (nếu có).

3. Trong trường hợp người yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm là người được chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan, được thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật thì ngoài tài liệu quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này, còn phải xuất trình bản gốc hoặc bản sao có công chứng, chứng thực hoặc hợp pháp hóa lãnh sự đối với hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, mua bán, góp vốn, hợp đồng chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan hoặc văn bản xác định quyền thừa kế, quyền kế thừa.

Điều 78. Chứng cứ chứng minh xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

1. Các tài liệu, hiện vật sau đây được coi là chứng cứ chứng minh xâm phạm:

a) Bản gốc hoặc bản sao hợp pháp tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng (đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan);

b) Tài liệu, hiện vật có liên quan, ảnh chụp, bản ghi âm, ghi hình đối tượng bị xem xét;

c) Bản giải trình, so sánh giữa đối tượng bị xem xét với đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan;

d) Biên bản, lời khai, vi bằng, tài liệu khác nhằm chứng minh xâm phạm.

2. Tài liệu, hiện vật quy định tại khoản 1 Điều này phải lập thành danh mục, có chữ ký xác nhận của người yêu cầu xử lý xâm phạm.

Điều 79. Trách nhiệm của người yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

Người yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan phải bảo đảm và chịu trách nhiệm về sự trung thực của các thông tin, tài liệu, chứng cứ mà mình cung cấp.

Điều 80. Nộp đơn và giải quyết đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

1. Đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được nộp cho cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quy định tại Điều 200 của Luật Sở hữu trí tuệ (sau đây gọi là cơ quan xử lý hành vi xâm phạm).

2. Khi nhận được đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm, nếu thấy yêu cầu xử lý thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan khác thì cơ quan nhận đơn hướng dẫn để người nộp đơn thực hiện việc nộp đơn tại cơ quan có thẩm quyền hoặc chuyển đơn cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đơn.

3. Trong trường hợp đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan chưa đủ tài liệu, chứng cứ, hiện vật cần thiết, thì cơ quan xử lý hành vi xâm phạm yêu cầu người nộp đơn bổ sung tài liệu, chứng cứ, hiện vật cần thiết và ấn định thời hạn hợp lý nhưng không quá 30 ngày để người yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm bổ sung tài liệu, chứng cứ, hiện vật cần thiết.

4. Trong các trường hợp sau đây, cơ quan xử lý hành vi xâm phạm từ chối yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm, có nêu rõ lý do từ chối:

a) Hết thời hạn ấn định quy định tại khoản 3 Điều này mà người yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm không đáp ứng yêu cầu của cơ quan xử lý hành vi xâm phạm về việc bổ sung tài liệu, chứng cứ, hiện vật cần thiết có liên quan;

b) Hết thời hiệu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định pháp luật;

c) Kết quả xác minh của cơ quan xử lý hành vi xâm phạm hoặc cơ quan công an cho thấy không có hành vi xâm phạm như mô tả trong đơn yêu cầu;

d) Có văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc không đủ căn cứ xử lý hành vi xâm phạm.

5. Trong trường hợp có tranh chấp, khiếu nại về chủ thể quyền, đối tượng được bảo hộ, phạm vi bảo hộ, thời hạn bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, cơ quan đã nhận đơn yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan hướng dẫn người nộp đơn tiến hành thủ tục yêu cầu giải quyết tranh chấp, khiếu nại tại cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày phát sinh tranh chấp.

Mục 5. XỬ LÝ XÂM PHẠM QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Điều 81. Xác định giá trị hàng hóa xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

1. Hàng hóa xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được quy định như sau:

a) Hàng hóa xâm phạm là bộ phận, chi tiết (sau đây gọi là phần) của sản phẩm có chứa yếu tố xâm phạm và có thể lưu hành như một sản phẩm độc lập;

b) Trường hợp không thể tách rời yếu tố xâm phạm thành một phần của sản phẩm có thể lưu hành độc lập theo quy định tại điểm a khoản này thì hàng hóa xâm phạm là toàn bộ sản phẩm chứa yếu tố xâm phạm.

2. Giá trị hàng hóa xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan do cơ quan xử lý hành vi xâm phạm xác định tại thời điểm xảy ra hành vi xâm phạm và dựa trên các căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau đây:

a) Giá niêm yết của hàng hóa xâm phạm;

b) Giá thực bán của hàng hóa xâm phạm;

c) Giá thành của hàng hóa xâm phạm, nếu chưa được lưu thông;

d) Giá nhập của hàng hóa xâm phạm.

3. Giá trị hàng hóa xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được tính theo phần (bộ phận, chi tiết) sản phẩm xâm phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này hoặc tính theo giá trị của toàn bộ sản phẩm xâm phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

4. Trường hợp việc áp dụng các căn cứ quy định tại khoản 2 Điều này không phù hợp hoặc giữa cơ quan xử lý hành vi xâm phạm và cơ quan tài chính cùng cấp không thống nhất về việc xác định giá trị hàng hóa xâm phạm thì việc định giá do Hội đồng định giá quyết định.

Việc thành lập, thành phần, nguyên tắc làm việc của Hội đồng định giá thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, pháp luật về tố tụng hình sự và pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Điều 82. Xử lý hàng hóa xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

1. Đối với hàng hóa sao chép lậu, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa đó thì cơ quan có thẩm quyền xử lý xâm phạm áp dụng một trong các biện pháp sau đây:

a) Phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại theo quy định tại Điều 83 của Nghị định này;

b) Tiêu hủy theo quy định tại Điều 84 của Nghị định này;

c) Tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan xử lý hành vi xâm phạm áp dụng biện pháp buộc loại bỏ yếu tố xâm phạm và biện pháp thích hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

2. Đối với hàng hóa xâm phạm mà không phải là hàng hóa sao chép lậu, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa đó, thì cơ quan xử lý hành vi xâm phạm áp dụng các biện pháp buộc chủ hàng, người vận chuyển, người tàng trữ hàng hóa loại bỏ yếu tố xâm phạm khỏi hàng hóa và áp dụng các biện pháp thích hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

3. Nguyên liệu, vật liệu, phương tiện có chức năng duy nhất nhằm tạo ra, khai thác thương mại hàng hóa sao chép lậu, hàng hóa xâm phạm hoặc thực tế chỉ được sử dụng duy nhất cho mục đích đó thì bị coi là nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa sao chép lậu, hàng hóa xâm phạm.

4. Tùy từng trường hợp cụ thể, cơ quan xử lý hành vi xâm phạm quyết định áp dụng biện pháp quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều này hoặc khi có yêu cầu của chủ thể quyền, buộc tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa xâm phạm triệu hồi hàng hóa xâm phạm đã được đưa vào kênh phân phối của tổ chức, cá nhân đó để áp dụng biện pháp quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều này hoặc biện pháp khác, nếu xét thấy thích hợp. Trong quá trình ra quyết định xử lý hành vi xâm phạm, cơ quan xử lý hành vi xâm phạm có thể xem xét đề nghị của các bên liên quan về việc xử lý hành vi xâm phạm.

Điều 83. Buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại

1. Việc buộc phân phối hoặc buộc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa sao chép lậu, hàng hóa xâm phạm phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

a) Hàng hóa có giá trị sử dụng, không gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, không phải văn hóa phẩm có nội dung độc hại;

b) Yếu tố xâm phạm đã được loại bỏ khỏi hàng hóa;

c) Việc phân phối, sử dụng không nhằm thu lợi nhuận và không ảnh hưởng một cách bất hợp lý tới việc khai thác bình thường quyền của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan, trong đó ưu tiên mục đích nhân đạo, từ thiện hoặc phục vụ lợi ích xã hội;

d) Người được phân phối, tiếp nhận để sử dụng không phải là khách hàng tiềm năng của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này cũng áp dụng đối với nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa sao chép lậu, hàng hóa xâm phạm.

Điều 84. Buộc tiêu hủy

Biện pháp buộc tiêu hủy hàng hóa sao chép lậu, hàng hóa xâm phạm, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa đó được áp dụng trong trường hợp không đáp ứng đủ các điều kiện để áp dụng biện pháp buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại quy định tại Điều 83 của Nghị định này.

Điều 85. Tịch thu

Biện pháp tịch thu hàng hóa sao chép lậu, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa đó thực hiện theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Mục 6. KIỂM SOÁT HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU LIÊN QUAN ĐẾN QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Điều 86. Quyền yêu cầu kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan

Chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan có quyền trực tiếp hoặc thông qua đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền nộp đơn đề nghị kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có dấu hiệu xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan hoặc đơn đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bị nghi ngờ xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Điều 87. Cơ quan hải quan có thẩm quyền tiếp nhận đơn

Cơ quan hải quan có thẩm quyền tiếp nhận đơn đề nghị kiểm tra, giám sát hoặc tạm dừng làm thủ tục hải quan theo quy định tại khoản 1 Điều 75 của Luật Hải quan.

Điều 88. Thủ tục xử lý đơn

1. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đơn đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và đủ các tài liệu quy định tại khoản 2 Điều 74 của Luật Hải quan hoặc trong thời hạn 02 giờ làm việc, kể từ thời điểm nhận được đơn đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan và đủ các tài liệu quy định tại khoản 3 Điều 74 của Luật Hải quan, cơ quan hải quan có trách nhiệm xem xét, ra thông báo chấp nhận đơn, nếu người nộp đơn đã thực hiện nghĩa vụ quy định tại các điểm a, b, c khoản 1 và khoản 2 Điều 217 của Luật Sở hữu trí tuệ. Trong trường hợp từ chối, cơ quan hải quan phải trả lời bằng văn bản cho người nộp đơn và nêu rõ lý do.

2. Trên cơ sở Tổng cục Hải quan thông báo chấp nhận đơn đề nghị kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, Cục hải quan tỉnh, thành phố, Cục Điều tra chống buôn lậu tra cứu dữ liệu trên hệ thống để tổ chức triển khai việc kiểm tra, giám sát trong phạm vi địa bàn quản lý.

3. Chi cục Hải quan có trách nhiệm kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan hoặc ra quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan trên cơ sở đơn đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan hoặc chủ động tạm dừng làm thủ tục hải quan theo quy định tại Điều 89 của Nghị định này.

Điều 89. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục chủ động tạm dừng làm thủ tục hải quan

1. Trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát và kiểm soát, nếu phát hiện căn cứ rõ ràng để nghi ngờ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là hàng hóa sao chép lậu, Chi cục Hải quan chủ động tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa đó.

2. Chi cục Hải quan phải ra quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan và thông báo ngay cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan nếu có thông tin liên hệ và cho người nhập khẩu hoặc người xuất khẩu về việc tạm dừng này.

3. Thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan là 10 ngày làm việc kể từ ngày Chi cục Hải quan ra quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan.

4. Trong thời gian tạm dừng làm thủ tục hải quan, Chi cục Hải quan quyết định tạm dừng có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:

a) Yêu cầu người nhập khẩu hoặc người xuất khẩu hoặc chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan (nếu có thông tin liên hệ) cung cấp tài liệu có liên quan đến hàng hóa (như catalog, kết luận giám định, tài liệu từ nước ngoài, kết quả xử lý các vụ việc tương tự);

b) Lấy mẫu hoặc cho phép tổ chức, cá nhân lấy mẫu để giám định hoặc giám định bổ sung, giám định lại tại tổ chức chuyên môn nghiệp vụ hải quan hoặc các tổ chức giám định khác theo quy định (nếu cần thiết);

c) Phối hợp, trao đổi với cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về chủ thể quyền, khả năng bảo hộ, phạm vi bảo hộ quyền, thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan (nếu cần thiết);

d) Báo cáo Cục Hải quan tỉnh, thành phố và Tổng cục Hải quan để chỉ đạo giải quyết kịp thời đối với những vụ việc phức tạp.

5. Kết thúc thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan:

a) Trường hợp cơ quan hải quan xác định hàng hoá bị tạm dừng là hàng hoá sao chép lậu và hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan hải quan, cơ quan hải quan thực hiện xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, hàng hóa xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của pháp luật. Trường hợp xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan không thuộc thẩm quyền xử lý của cơ quan hải quan, cơ quan hải quan bàn giao vụ việc để các cơ quan thực thi khác xử lý;

b) Trường hợp người nộp đơn khởi kiện dân sự, cơ quan hải quan thực hiện theo ý kiến của tòa án;

c) Trường hợp xác định hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan có dấu hiệu tội phạm theo quy định tại Bộ luật Hình sự, cơ quan hải quan chuyển giao cho cơ quan có thẩm quyền để tiến hành điều tra, khởi tố theo quy định của pháp luật;

d) Trường hợp cơ quan hải quan xác định hàng hóa bị tạm dừng không phải là hàng hoá sao chép lậu, cơ quan hải quan tiếp tục làm thủ tục hải quan cho lô hàng và thông báo cho các bên liên quan biết.

6. Trường hợp cơ quan hải quan chủ động tạm dừng làm thủ tục hải quan không đúng, gây thiệt hại cho chủ hàng, Chi cục hải quan phải bồi thường thiệt hại cho chủ hàng và thanh toán các chi phí phát sinh theo quy định.

Điều 90. Xử lý hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

1. Trong trường hợp phát hiện hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm hoặc theo đề nghị của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan hoặc để thực hiện thẩm quyền xử phạt hành chính, cơ quan hải quan ra quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan, thông báo cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan và chủ lô hàng về việc tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với lô hàng; trong đó nêu rõ tên, địa chỉ, số fax, điện thoại liên lạc của các bên; lý do và thời hạn tạm dừng làm thủ tục hải quan.

2. Cơ quan hải quan tiếp tục làm thủ tục hải quan cho lô hàng bị tạm dừng làm thủ tục hải quan theo quy định tại khoản 3 Điều 218 của Luật Sở hữu trí tuệ và trong các trường hợp sau đây:

a) Quyết định tạm dừng làm thủ tục hải quan bị đình chỉ hoặc thu hồi theo quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo;

b) Người nộp đơn đề nghị tạm dừng làm thủ tục hải quan rút đơn.

Điều 91. Thủ tục kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan

Thủ tục kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện theo quy định tại Nghị định này và các quy định có liên quan của pháp luật về hải quan.

Mục 7. GIÁM ĐỊNH VỀ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Điều 92. Giám định về quyền tác giả và quyền liên quan

1. Giám định về quyền tác giả và quyền liên quan là việc tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định.

2. Giám định về quyền tác giả và quyền liên quan bao gồm các nội dung sau đây:

a) Xác định căn cứ phát sinh quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định tại Điều 65 của Nghị định này;

b) Xác định đối tượng được xem xét có đáp ứng các điều kiện để bị coi là yếu tố xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan hay không theo quy định tại khoản 2 Điều 64, các điều 66 và 67 của Nghị định này;

c) Xác định có hay không sự trùng, tương đương, tương tự, gây nhầm lẫn, khó phân biệt hoặc sao chép giữa đối tượng được xem xét với đối tượng được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan;

d) Xác định giá trị quyền tác giả, quyền liên quan, xác định giá trị thiệt hại theo quy định của pháp luật về giá.

3. Nguyên tắc giám định về quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Điều 93. Giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan

1. Giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan là cá nhân có đủ trình độ kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến nội dung cần giám định, đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 3 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ và được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận và cấp Thẻ giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan (sau đây gọi là Thẻ giám định viên).

2. Giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan có các quyền sau đây:

a) Từ chối giám định trong trường hợp tài liệu liên quan không đủ hoặc không có giá trị để đưa ra kết luận giám định;

b) Từ chối nhận mẫu vật giám định trong trường hợp có nguy cơ gây hại sức khỏe hoặc mẫu vật quá cồng kềnh, không đủ cơ sở hạ tầng để lưu trữ;

c) Sử dụng kết quả thẩm định hoặc kết luận chuyên môn, ý kiến chuyên gia phục vụ việc giám định;

d) Giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan hoạt động độc lập có quyền đề nghị tổ chức, cá nhân cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định để thực hiện việc giám định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

3. Giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan có các nghĩa vụ sau đây:

a) Thực hiện việc giám định theo nguyên tắc quy định tại khoản 4 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ;

b) Lập hồ sơ giám định; giải thích kết luận giám định khi có yêu cầu;

c) Bảo quản, lưu trữ các tài liệu, mẫu vật liên quan đến vụ việc giám định theo quy định của pháp luật;

d) Độc lập đưa ra kết luận giám định và chịu trách nhiệm về kết luận giám định của mình; nếu cố ý đưa ra kết luận giám định sai, gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức có liên quan thì phải bồi thường thiệt hại;

đ) Từ chối giám định trong trường hợp giám định viên có quyền, lợi ích liên quan đến đối tượng giám định, vụ việc cần giám định hoặc có lý do khác ảnh hưởng đến tính khách quan của kết luận giám định hoặc trong trường hợp pháp luật khác có quy định bắt buộc phải từ chối giám định;

e) Giữ bí mật các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định và phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp tiết lộ bí mật thông tin gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân có liên quan;

g) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc lợi dụng tư cách giám định và hoạt động giám định để trục lợi hoặc cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật;

h) Tuân theo các quy định về trình tự, thủ tục giám định;

i) Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo tình hình hoạt động giám định theo định kỳ 6 tháng và hàng năm bằng văn bản gửi về cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

k) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 94. Hình thức hoạt động giám định của giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan

1. Giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan hoạt động trong một tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan dưới danh nghĩa của tổ chức đó hoặc hoạt động độc lập.

2. Hình thức hoạt động của giám định viên được ghi nhận tại Quyết định cấp, cấp lại Thẻ giám định viên và Danh sách giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại khoản 6 Điều 98 của Nghị định này.

3. Trường hợp giám định viên hoạt động dưới danh nghĩa của tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan thì thông tin về giám định viên phải được ghi nhận tại Quyết định cấp, cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan và Danh sách giám định viên thuộc tổ chức quy định tại khoản 6 Điều 99 của Nghị định này.

Điều 95. Tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan

1. Tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan là tổ chức đáp ứng điều kiện quy định tại các khoản 22a Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ, quy định của pháp luật có liên quan và được cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan (sau đây gọi là Giấy chứng nhận tổ chức giám định).

2. Tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan có các quyền sau đây:

a) Thuê giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện giám định theo các vụ việc;

b) Đề nghị tổ chức, cá nhân cung cấp các thông tin, tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định để thực hiện việc giám định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

c) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan có các nghĩa vụ sau đây:

a) Hoạt động theo đúng lĩnh vực giám định ghi trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động và Giấy chứng nhận tổ chức giám định;

b) Thực hiện việc giám định theo nguyên tắc quy định tại khoản 4 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ;

c) Bảo quản, lưu trữ các tài liệu, hồ sơ liên quan đến vụ việc giám định;

d) Giữ bí mật các thông tin, tài liệu theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định và phải bồi thường thiệt hại trong trường hợp tiết lộ bí mật thông tin gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân có liên quan;

đ) Từ chối tiếp nhận và thực hiện giám định trong trường hợp pháp luật khác có quy định bắt buộc phải từ chối giám định;

e) Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo tình hình hoạt động giám định theo định kỳ 6 tháng và hàng năm bằng văn bản gửi về cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

g) Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 96. Thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Thẻ giám định viên, Giấy chứng nhận tổ chức giám định

Cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có thẩm quyền cấp, cấp lại, thu hồi Thẻ giám định viên; cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định.

Điều 97. Kiểm tra nghiệp vụ giám định quyền tác giả, quyền liên quan

1. Cá nhân yêu cầu cấp Thẻ giám định viên mà chưa có bản kết quả đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ giám định quy định tại Điều 98 của Nghị định này nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký kiểm tra nghiệp vụ giám định qua đường bưu điện hoặc tại trụ sở cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hồ sơ đề nghị kiểm tra nghiệp vụ giám định bao gồm:

a) Tờ khai đăng ký kiểm tra nghiệp vụ giám định quyền tác giả, quyền liên quan (theo Mẫu số 09 của Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này);

b) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao từ sổ gốc bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học;

c) Giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi công tác về quá trình thực tế hoạt động chuyên môn liên quan đến chuyên ngành giám định từ 5 năm liên tục trở lên hoặc từ 15 năm liên tục trở lên đối với đối tượng yêu cầu miễn kiểm tra nghiệp vụ giám định quy định tại khoản 5 Điều này;

d) 02 ảnh màu cỡ 3 x 4 cm;

đ) Văn bản yêu cầu được miễn kiểm tra nghiệp vụ giám định đối với đối tượng được miễn kiểm tra nghiệp vụ giám định quy định tại khoản 5 Điều này.

2. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm thông báo về việc chấp nhận hồ sơ, tiến hành thành lập hội đồng kiểm tra nghiệp vụ giám định. Trường hợp từ chối chấp nhận hồ sơ thì phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do.

3. Hội đồng kiểm tra nghiệp vụ giám định

a) Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định thành lập Hội đồng Kiểm tra nghiệp vụ giám định (sau đây gọi là Hội đồng Kiểm tra) trên cơ sở đề nghị của cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

b) Hội đồng Kiểm tra có chủ tịch và các thành viên. Số lượng thành viên Hội đồng Kiểm tra phải là số lẻ và có từ 5 thành viên trở lên. Chủ tịch Hội đồng Kiểm tra là Thủ trưởng cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; thành viên của Hội đồng Kiểm tra bao gồm những người có kinh nghiệm và uy tín về chuyên môn trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan.

4. Nội dung kiểm tra nghiệp vụ giám định

Nội dung kiểm tra nghiệp vụ giám định bao gồm kiến thức pháp luật và kiến thức chuyên ngành giám định quyền tác giả, quyền liên quan.

5. Đối tượng được miễn kiểm tra nghiệp vụ giám định

Người đã có ít nhất 15 năm liên tục làm công tác soạn thảo và hướng dẫn thi hành văn bản quy phạm pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; thanh tra, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về quyền tác giả, quyền liên quan tại cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được miễn kiểm tra nghiệp vụ giám định.

6. Thông báo kết quả kiểm tra nghiệp vụ giám định

Kết quả kiểm tra nghiệp vụ giám định được thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày thực hiện kiểm tra nghiệp vụ giám định, cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành văn bản xác nhận kết quả cho người đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ giám định.

Điều 98. Thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi Thẻ giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan

1. Cá nhân đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ yêu cầu cấp Thẻ giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan nộp 01 bộ hồ sơ yêu cầu cấp Thẻ giám định viên trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ khai yêu cầu cấp Thẻ giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan (theo Mẫu số 10 của Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này);

b) Bản chính hoặc bản sao chứng thực Kết quả đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ giám định hoặc văn bản của Hội đồng kiểm tra chấp nhận được miễn kiểm tra nghiệp vụ giám định;

c) 02 ảnh màu cỡ 3 x 4 cm.

2. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định cấp Thẻ giám định viên. Trường hợp từ chối cấp Thẻ giám định viên thì phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do. Mẫu Thẻ giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại Mẫu số 11 của Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Hiệu lực của Thẻ giám định viên: Thẻ giám định viên có hiệu lực kể từ ngày cấp.

4. Cấp lại Thẻ giám định viên:

a) Chỉ cấp lại Thẻ giám định viên trong trường hợp Thẻ giám định viên bị mất, hư hỏng hoặc có sự thay đổi về thông tin đã được ghi nhận trong Thẻ giám định viên;

b) Giám định viên có yêu cầu cấp lại Thẻ giám định viên nộp Tờ khai yêu cầu cấp lại Thẻ giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan (theo Mẫu số 10 của Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này) và các tài liệu quy định tại các điểm a và c khoản 1 Điều này qua đường bưu điện hoặc tại trụ sở cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Trường hợp bị hư hỏng phải nộp lại Thẻ giám định viên bị hư hỏng;

c) Thời hạn cấp lại là 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ yêu cầu cấp lại Thẻ giám định viên.

5. Thu hồi Thẻ giám định viên đối với một trong các trường hợp sau đây:

a) Người được cấp Thẻ giám định viên không còn đáp ứng các quy định tại Điều 93 của Nghị định này;

b) Người được cấp Thẻ giám định viên có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động giám định bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị thu hồi Thẻ giám định viên theo quy định của pháp luật;

c) Có chứng cứ khẳng định Thẻ giám định viên được cấp trái với quy định của pháp luật.

6. Cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập Danh sách giám định viên theo Quyết định cấp, cấp lại, thu hồi Thẻ giám định viên và công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan này.

Điều 99. Thủ tục cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan

1. Tổ chức đáp ứng điều kiện quy định tại các khoản 22a Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ, quy định của pháp luật có liên quan yêu cầu cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định nộp 01 bộ hồ sơ yêu cầu cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Hồ sơ bao gồm:

a) Tờ khai yêu cầu cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan (theo Mẫu số 12 của Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này);

b) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao từ sổ gốc giấy đăng ký hoạt động hoặc quyết định thành lập do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;

c) Bản sao có chứng thực hoặc bản sao từ sổ gốc quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc giữa tổ chức và giám định viên làm việc cho tổ chức.

2. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận tổ chức giám định thì phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do. Mẫu Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại Mẫu số 13 của Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Hiệu lực của Giấy chứng nhận tổ chức giám định: Giấy chứng nhận tổ chức giám định có hiệu lực kể từ ngày cấp.

4. Cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định

a) Chỉ cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định trong trường hợp Giấy chứng nhận tổ chức giám định bị mất, hư hỏng hoặc có sự thay đổi về thông tin đã được ghi nhận trong Giấy chứng nhận tổ chức giám định;

b) Tổ chức giám định có yêu cầu cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định nộp hồ sơ qua đường bưu điện hoặc tại trụ sở cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Vãn hóa, Thể thao và Du lịch. Hồ sơ gồm:

Tờ khai yêu cầu cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan (theo Mẫu số 12 của Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này);

Bản sao có chứng thực hoặc bản sao từ sổ gốc quyết định tuyển dụng hoặc hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc giữa tổ chức và giám định viên làm việc cho tổ chức (trong trường hợp có sự thay đổi so với nội dung ghi trong Giấy chứng nhận tổ chức giám định đã được cấp).

Trường hợp bị hư hỏng phải nộp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định bị hư hỏng. Trường hợp có sự thay đổi về thông tin phải có giấy tờ hợp pháp chứng minh sự thay đổi đó và nộp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định;

c) Thời hạn cấp lại là 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ yêu cầu cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định.

5. Thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định đối với một trong các trường hợp sau đây:

a) Tổ chức giám định không còn đáp ứng các quy định tại Điều 95 của Nghị định này;

b) Tổ chức giám định có hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động giám định bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định theo quy định của pháp luật;

c) Có chứng cứ khẳng định Giấy chứng nhận tổ chức giám định được cấp trái với quy định của pháp luật;

d) Tổ chức giám định chấm dứt hoạt động giám định.

6. Cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập, cập nhật Danh sách tổ chức giám định theo Quyết định cấp, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận tổ chức giám định và công bố trên trang thông tin điện tử của cơ quan này.

Điều 100. Yêu cầu giám định quyền tác giả, quyền liên quan

1. Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu giám định quyền tác giả, quyền liên quan bao gồm:

a) Chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan;

b) Tổ chức, cá nhân bị yêu cầu xử lý về hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan hoặc bị khiếu nại, tố cáo về quyền tác giả, quyền liên quan;

c) Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến vụ tranh chấp, xâm phạm, khiếu nại, tố cáo về quyền tác giả, quyền liên quan.

2. Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu giám định quy định tại khoản 1 Điều này có quyền tự mình hoặc ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác yêu cầu tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan, người giám định quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện giám định.

3. Tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định quyền tác giả, quyền liên quan có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu tổ chức giám định, giám định viên trả lời kết luận giám định đúng nội dung và thời hạn yêu cầu;

b) Yêu cầu tổ chức giám định, giám định viên giải thích kết luận giám định;

c) Yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại theo quy định tại Điều 106 của Nghị định này;

d) Thỏa thuận chi phí yêu cầu giám định.

4. Tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định quyền tác giả, quyền liên quan có các nghĩa vụ sau đây:

a) Cung cấp đầy đủ và trung thực các tài liệu, chứng cứ, thông tin liên quan đến đối tượng giám định theo yêu cầu của tổ chức giám định, giám định viên;

b) Trình bày rõ ràng, cụ thể những vấn đề thuộc nội dung cần yêu cầu giám định;

c) Thanh toán chi phí giám định theo thỏa thuận; tạm ứng chi phí giám định khi có yêu cầu của tổ chức giám định, giám định viên;

d) Nhận lại đối tượng giám định khi có yêu cầu của tổ chức giám định, giám định viên.

Điều 101. Tiếp nhận yêu cầu giám định quyền tác giả, quyền liên quan

1. Tổ chức, cá nhân có yêu cầu giám định quyền tác giả, quyền liên quan nộp 01 bộ hồ sơ yêu cầu giám định đến giám định viên hoạt động độc lập hoặc tổ chức giám định. Hồ sơ bao gồm:

a) Văn bản yêu cầu giám định trong đó có những nội dung chủ yếu sau đây:

Tên và địa chỉ của cá nhân hoặc tổ chức yêu cầu giám định;

Số Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân hoặc số quyết định thành lập hoặc số giấy chứng nhận đăng ký hoạt động, ngày cấp, nơi cấp của cá nhân hoặc tổ chức yêu cầu giám định;

Số điện thoại, địa chỉ thư điện tử của cá nhân hoặc tổ chức yêu cầu giám định;

Tư cách yêu cầu giám định (tác giả; chủ sở hữu quyền tác giả; chủ sở hữu quyền liên quan; người có quyền, lợi ích liên quan; tư cách khác);

Căn cứ yêu cầu giám định;

Đối tượng, nội dung yêu cầu giám định;

Các nội dung liên quan khác.

b) Các tài liệu kèm theo:

Các mẫu cần giám định;

Các tài liệu chứng minh về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan, tác phẩm, các đối tượng quyền liên quan;

Các tài liệu liên quan khác.

2. Giám định viên hoạt động độc lập hoặc tổ chức giám định tiếp nhận hồ sơ yêu cầu giám định, tiến hành dự toán chi phí thực hiện giám định, thỏa thuận và thực hiện ký kết hợp đồng giám định với tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định, trừ trường hợp từ chối thực hiện giám định quy định tại khoản 3 Điều này.

3. Giám định viên hoạt động độc lập hoặc tổ chức giám định từ chối thực hiện giám định đối với một trong các trường hợp sau:

a) Không thuộc nội dung giám định quy định tại khoản 2 Điều 92 của Nghị định này;

b) Các quy định tại điểm a khoản 2 và điểm đ khoản 3 Điều 93 của Nghị định này.

Điều 102. Hợp đồng dịch vụ giám định quyền tác giả, quyền liên quan

1. Yêu cầu giám định phải lập thành hợp đồng dịch vụ giám định giữa người yêu cầu giám định với tổ chức giám định hoặc với giám định viên.

2. Hợp đồng giám định gồm những nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định; tên, địa chỉ giám định viên hoạt động độc lập hoặc tổ chức giám định;

b) Đối tượng, nội dung yêu cầu giám định;

c) Địa điểm, thời gian thực hiện việc giám định;

d) Chi phí thực hiện giám định và phương thức thanh toán;

đ) Quyền và nghĩa vụ của các bên;

e) Nghiệm thu và thanh lý hợp đồng;

g) Trách nhiệm bồi thường thiệt hại; phương thức giải quyết tranh chấp;

h) Các điều kiện khác theo thỏa thuận (nếu có).

Điều 103. Giao, nhận, trả lại đối tượng giám định quyền tác giả, quyền liên quan

Trong trường hợp việc yêu cầu giám định có kèm theo đối tượng giám định thì việc giao, nhận, trả lại đối tượng giám định phải lập thành biên bản và có các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Thời gian, địa điểm giao, nhận, trả lại đối tượng giám định.

2. Tên, địa chỉ của bên giao và bên nhận đối tượng giám định hoặc của người đại diện.

3. Tên đối tượng giám định; tài liệu hoặc đồ vật có liên quan.

4. Tình trạng và cách thức bảo quản đối tượng giám định khi giao, nhận, trả lại.

5. Chữ ký của bên giao và bên nhận đối tượng giám định.

Điều 104. Lấy mẫu giám định quyền tác giả, quyền liên quan

1. Tổ chức giám định, giám định viên có thể tự mình tiến hành lấy mẫu giám định (các hiện vật cụ thể là yếu tố xâm phạm và đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ) hoặc yêu cầu tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định cung cấp mẫu giám định. Việc lấy mẫu giám định phải lập biên bản với sự chứng kiến và có chữ ký xác nhận của các bên liên quan.

2. Việc giao, nhận, trả lại mẫu giám định thực hiện theo quy định tại Điều 103 của Nghị định này.

Điều 105. Thực hiện giám định quyền tác giả, quyền liên quan

1. Việc giám định quyền tác giả, quyền liên quan có thể do một hoặc một số giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện. Giám định cá nhân là giám định do một giám định viên thực hiện. Giám định tập thể là giám định do hai giám định viên trở lên thực hiện.

2. Trong trường hợp giám định cá nhân thì giám định viên thực hiện toàn bộ việc giám định và chịu trách nhiệm về kết luận giám định của mình. Trong trường hợp giám định tập thể về vấn đề thuộc cùng lĩnh vực chuyên môn thì các giám định viên cùng thực hiện việc giám định, ký tên vào văn bản kết luận giám định chung và cùng chịu trách nhiệm về kết luận giám định; nếu có ý kiến khác nhau thì mỗi giám định viên ghi riêng ý kiến kết luận của mình vào văn bản kết luận giám định chung và chịu trách nhiệm về ý kiến đó. Trong trường hợp giám định tập thể về vấn đề thuộc các lĩnh vực chuyên môn khác nhau thì mỗi giám định viên thực hiện phần việc của mình và chịu trách nhiệm về kết luận giám định của mình.

Điều 106. Giám định bổ sung, giám định lại

1. Giám định bổ sung được thực hiện trong trường hợp kết luận giám định chưa đầy đủ, rõ ràng về các nội dung cần giám định hoặc có phát sinh tình tiết mới cần làm rõ. Yêu cầu giám định bổ sung và việc thực hiện giám định bổ sung phải thực hiện theo các quy định đối với giám định lần đầu.

2. Giám định lại được thực hiện trong trường hợp người yêu cầu giám định không đồng ý với kết quả giám định hoặc có mâu thuẫn giữa các kết luận giám định về cùng một vấn đề cần giám định. Việc giám định lại có thể do tổ chức giám định, giám định viên đã giám định trước đó hoặc do tổ chức giám định, giám định viên khác thực hiện theo yêu cầu của người yêu cầu giám định.

3. Trong trường hợp có sự khác nhau giữa các kết luận giám định hoặc giữa kết luận giám định với ý kiến chuyên môn của cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về cùng một vấn đề cần giám định thì người yêu cầu giám định có thể tiếp tục yêu cầu tổ chức giám định, giám định viên khác thực hiện việc giám định lại.

Điều 107. Hội đồng tư vấn giám định quyền tác giả, quyền liên quan

1. Khi thực hiện giám định quyền tác giả, quyền liên quan, giám định viên hoạt động độc lập và tổ chức giám định có thể thành lập Hội đồng tư vấn giám định quyền tác giả, quyền liên quan.

2. Giám định viên hoạt động độc lập, tổ chức giám định lựa chọn thành viên của Hội đồng liên quan đến chuyên ngành giám định và ra quyết định thành lập Hội đồng tư vấn giám định quyền tác giả, quyền liên quan.

Hội đồng tư vấn giám định quyền tác giả, quyền liên quan có chủ tịch và các thành viên. Số lượng thành viên Hội đồng tư vấn giám định quyền tác giả, quyền liên quan phải là số lẻ và có từ 03 thành viên trở lên.

3. Hội đồng tư vấn giám định quyền tác giả, quyền liên quan hoạt động theo nguyên tắc dân chủ, biểu quyết công khai ý kiến về chuyên môn. Các thành viên của Hội đồng tư vấn giám định quyền tác giả, quyền liên quan thảo luận tập thể về chuyên môn, ý kiến của các thành viên phải được ghi trong biên bản cuộc họp của Hội đồng tư vấn giám định quyền tác giả, quyền liên quan.

4. Toàn bộ quá trình tư vấn giám định của Hội đồng tư vấn giám định quyền tác giả, quyền liên quan được lập thành biên bản làm việc do chủ tịch và các thành viên Hội đồng cùng ký. Biên bản làm việc của Hội đồng tư vấn giám định quyền tác giả, quyền liên quan phải được ghi nhận kịp thời, đầy đủ, trung thực và được lưu trong hồ sơ giám định.

Điều 108. Kết luận giám định quyền tác giả, quyền liên quan

1. Kết luận giám định quy định tại khoản 5 Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ phải được thể hiện bằng văn bản.

2. Văn bản kết luận giám định phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Tên, địa chỉ của tổ chức giám định, giám định viên;

b) Tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định;

c) Đối tượng, nội dung, phạm vi giám định;

d) Phương pháp thực hiện giám định;

đ) Kết luận giám định;

e) Thời gian, địa điểm thực hiện, hoàn thành giám định.

3. Theo thời gian thỏa thuận tại hợp đồng giám định, giám định viên hoạt động độc lập, tổ chức giám định phải có văn bản kết luận giám định gửi cho tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định. Giám định viên hoạt động độc lập, người đại diện theo pháp luật của tổ chức giám định phải ký tên, đóng dấu vào bản kết luận giám định và chịu trách nhiệm về kết luận giám định.

4. Trường hợp cần thiết phải có thêm thời gian để thực hiện giám định, giám định viên hoạt động độc lập, tổ chức giám định phải thông báo kịp thời bằng văn bản đến tổ chức, cá nhân yêu cầu giám định.

Điều 109. Chi phí thực hiện giám định quyền tác giả, quyền liên quan

1. Chi phí thực hiện giám định quyền tác giả, quyền liên quan theo yêu cầu dịch vụ do các bên thoả thuận và bao gồm một phần hoặc toàn bộ các chi phí sau:

a) Chi phí thí nghiệm;

b) Chi phí máy móc, thiết bị phục vụ cho giám định;

c) Chi phí nghiên cứu hồ sơ tài liệu;

d) Chi phí cho các buổi thảo luận, nhận xét, đánh giá;

đ) Chi phí quản lý và các chi phí cần thiết khác.

2. Việc thu, quản lý và sử dụng chi phí thực hiện giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Mục 8. DOANH NGHIỆP CUNG CẤP DỊCH VỤ TRUNG GIAN

Điều 110. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian

1. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian quy định tại Điều 198b Luật Sở hữu trí tuệ là các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước cung cấp một, một số hoặc toàn bộ các dịch vụ sau:

a) Dịch vụ “chỉ truyền dẫn” là dịch vụ truyền dẫn trên mạng viễn thông và mạng Internet nội dung thông tin số do người sử dụng dịch vụ cung cấp hoặc dịch vụ cung cấp khả năng truy nhập vào mạng viễn thông và mạng Internet;

b) Dịch vụ “lưu trữ đệm” là dịch vụ truyền dẫn trên mạng viễn thông và mạng Internet nội dung thông tin số do người sử dụng dịch vụ cung cấp mà có hoạt động lưu trữ tự động, trung chuyển và tạm thời nội dung thông tin số đó. Hoạt động lưu trữ tự động, trung chuyển và tạm thời này được thực hiện với mục đích duy nhất là làm cho việc chuyển tiếp nội dung thông tin số đó một cách hiệu quả hơn đến người sử dụng dịch vụ khác theo yêu cầu của họ;

c) Dịch vụ “lưu trữ nội dung thông tin số theo yêu cầu” là dịch vụ cho người sử dụng lưu trữ nội dung thông tin số do người sử dụng cung cấp theo yêu cầu của họ.

2. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian bao gồm:

a) Doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ truy nhập Internet, dịch vụ kết nối Internet;

b) Doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ kênh thuê riêng trong trường hợp kênh thuê riêng không được sử dụng để cung cấp các dịch vụ theo quy định tại các điểm c và d khoản này;

c) Doanh nghiệp cho thuê chỗ đặt máy chủ, cho thuê máy chủ dùng riêng trong trường hợp máy chủ không được sử dụng để cung cấp dịch vụ theo quy định tại điểm d khoản này;

d) Doanh nghiệp cho thuê chỗ lưu trữ nội dung thông tin số theo yêu cầu;

đ) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến;

e) Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tìm kiếm nội dung thông tin số;

g) Doanh nghiệp khác cung cấp một, một số hoặc toàn bộ các dịch vụ có chức năng tương tự quy định tại khoản 1 Điều 198b của Luật Sở hữu trí tuệ và khoản 1 Điều này.

Điều 111. Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet

1. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian quy định tại điểm c khoản 1 Điều 110 của Nghị định này phải xây dựng công cụ tiếp nhận yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Công cụ tiếp nhận yêu cầu là một trong các công cụ sau:

a) Chương trình máy tính để tiếp nhận yêu cầu;

b) Trang thông tin điện tử để tiếp nhận yêu cầu;

c) Các hòm thư điện tử để tiếp nhận yêu cầu;

d) Cổng điện tử tiếp nhận yêu cầu;

đ) Công cụ tiếp nhận yêu cầu khác có chức năng tương tự.

Xác nhận gửi thành công yêu cầu qua công cụ tiếp nhận được coi là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian đã nhận được yêu cầu.

2. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thông báo đầu mối liên lạc về vấn đề quyền tác giả, quyền liên quan tới cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và công khai trên trang thông tin điện tử của mình. Đầu mối liên lạc bao gồm ít nhất các thông tin sau: địa chỉ thư điện tử, số điện thoại liên hệ.

3. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian cảnh báo cho người sử dụng dịch vụ về trách nhiệm pháp lý của họ nếu họ thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng khi nhận được yêu cầu bằng văn bản từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để phục vụ xác minh, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.

4. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian quy định tại điểm c khoản 1 Điều 110 của Nghị định này thực hiện gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số khi biết nội dung thông tin số đó xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định tại các Điều 113 và 114 của Nghị định này.

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian khi triển khai quy định tại các điểm a và b khoản 1 Điều 114 của Nghị định này có trách nhiệm công bố quy trình nội bộ xử lý yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan hoặc yêu cầu phản đối việc tạm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số trên hệ thống dịch vụ của mình.

5. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian phải chấp hành công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan.

6. Trường hợp doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian khai thác, sử dụng nội dung thông tin số được bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan do người sử dụng dịch vụ của mình đăng tải trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet vì mục đích thương mại thì phải thực hiện nghĩa vụ xin phép và trả tiền bản quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 20, khoản 4 Điều 29, khoản 2 Điều 30 hoặc khoản 2 Điều 31 của Luật Sở hữu trí tuệ.

Điều 112. Trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan

1. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý theo quy định tại khoản 3 Điều 198b của Luật Sở hữu trí tuệ và các điều 113 và 114 của Nghị định này phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan của người sử dụng dịch vụ gây ra.

Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trực tiếp thực hiện hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại các điều 28 và 35 của Luật Sở hữu trí tuệ thì phải chịu các trách nhiệm pháp lý tương ứng theo quy định của pháp luật.

Điều 113. Quy trình gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian khi nhận được yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

1. Để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 198b của Luật Sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian quy định tại điểm c khoản 1 Điều 110 của Nghị định này phải gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan không chậm hơn 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại Điều 200 của Luật Sở hữu trí tuệ hoặc cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đồng thời thông báo cho bên có nội dung thông tin số bị gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập và phải báo cáo kết quả thực hiện cho cơ quan đã gửi yêu cầu và cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chậm nhất là 24 giờ sau khi xử lý yêu cầu.

Việc thông báo, báo cáo quy định tại khoản này được thực hiện bằng hình thức gửi văn bản, gửi thư điện tử hoặc hình thức tương tự khác.

2. Trường hợp bên có nội dung thông tin số bị gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian phản đối yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập có thể thực hiện trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo, khởi kiện theo quy định pháp luật đối với quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định tại khoản 1 Điều này là bằng chứng chứng minh doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian biết nội dung thông tin số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

Điều 114. Quy trình gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian khi nhận được yêu cầu của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan

Để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 198b của Luật Sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian quy định tại điểm c khoản 1 Điều 110 của Nghị định này phải thực hiện theo quy định sau:

1. Khi nhận được yêu cầu từ chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan (sau đây gọi là “bên yêu cầu”) kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh quy định tại khoản 4 Điều này thông qua công cụ tiếp nhận yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại khoản 1 Điều 111 của Nghị định này:

a) Trong vòng 72 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian tạm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số được yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn và phải thông báo cho bên yêu cầu và bên có nội dung thông tin số bị yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn (sau đây gọi là “bên bị yêu cầu”) về việc đã tạm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số đó kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh do bên yêu cầu cung cấp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 4 Điều này;

b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tạm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số và thông báo theo quy định tại điểm a khoản này, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số đó nếu không nhận được thông báo yêu cầu phản đối việc tạm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh do bên bị yêu cầu cung cấp quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 4 Điều này; trường hợp doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian nhận được thông báo yêu cầu phản đối việc tạm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh do bên bị yêu cầu cung cấp quy định tại các điểm a, b, c, đ và e khoản 4 Điều này, trong vòng 72 giờ, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian khôi phục lại nội dung thông tin số đã bị gỡ bỏ hoặc ngăn chặn đồng thời chuyển tiếp cho bên yêu cầu văn bản yêu cầu phản đối kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh do bên bị yêu cầu cung cấp;

c) Kể từ khi chuyển tiếp tài liệu, chứng cứ cho bên yêu cầu theo quy định tại điểm b khoản này mà bên yêu cầu hoặc bên bị yêu cầu không tiến hành khởi kiện dân sự hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm hoặc Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền không quyết định thụ lý đơn theo quy định của pháp luật thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian duy trì khôi phục nội dung thông tin số đã bị gỡ bỏ hoặc ngăn chặn.

Trường hợp Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thụ lý đơn của bên yêu cầu hoặc bên bị yêu cầu thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thực hiện theo quyết định của Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

2. Đối với nội dung thông tin số được phát trực tiếp theo thời gian thực, trường hợp chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan chủ động cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh quy định tại các điểm a, b, c và e khoản 4 Điều này tới doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trước khi phát trực tiếp tối thiểu 24 giờ nhằm ngăn chặn, phòng ngừa hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet thì doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian thực hiện như sau:

a) Ngay lập tức tạm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số khi nhận được yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số được yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn và phải thông báo cho bên yêu cầu và bên bị yêu cầu về việc đã tạm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số đó kèm theo tài liệu, chứng cứ chứng minh do bên yêu cầu đã cung cấp;

b) Tiếp tục thực hiện theo quy định tại các điểm b và c khoản 1 Điều này.

3. Việc thông báo, gửi, chuyển tiếp tài liệu chứng cứ, chứng minh của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, bên yêu cầu và bên bị yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện bằng hình thức gửi thư điện tử hoặc hình thức tương tự khác.

4. Tài liệu, chứng cứ chứng minh quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm:

a) Thông tin của bên yêu cầu hoặc bên bị yêu cầu: Tên; địa chỉ hiện tại; địa chỉ thư điện tử; số điện thoại liên hệ; số giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu đối với cá nhân; số đăng ký doanh nghiệp, quyết định thành lập hoặc giấy phép thành lập đối với tổ chức;

b) Chứng cứ chứng minh chủ thể quyền theo quy định tại Điều 77 của Nghị định này và cam kết chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của hồ sơ;

c) Văn bản được ký số của bên yêu cầu hoặc bên bị yêu cầu cam kết chịu mọi trách nhiệm pháp lý với yêu cầu gỡ bỏ, ngăn chặn hoặc phản đối của mình, kể cả trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho các bên liên quan nếu có thiệt hại xảy ra;

d) Chứng cứ chứng minh xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định tại Điều 78 của Nghị định này và thiệt hại xảy ra;

đ) Bên yêu cầu phải cung cấp thông tin về vị trí, đường link dẫn đến nội dung thông tin số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và mô tả nội dung xâm phạm. Bên bị yêu cầu phải cung cấp thông tin về vị trí, đường link dẫn đến nội dung thông tin số đang bị tạm gỡ bỏ hoặc ngăn chặn;

e) Văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật trong trường hợp bên yêu cầu hoặc bên bị yêu cầu là bên được ủy quyền.

5. Yêu cầu gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc truy nhập tới nội dung thông tin số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều này là bằng chứng chứng minh doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian biết nội dung thông tin số xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan.

6. Bất cứ bên nào có hành vi cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh sai sự thật xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của bên liên quan khác thì phải chịu trách nhiệm pháp lý tương ứng theo quy định của pháp luật.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 115. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 4 năm 2023.

2. Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan và phần Bảo vệ quyền trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan tại Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, Nghị định số 119/2010/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Điều 116. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (2).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
 
 
 
 
Trần Hồng Hà

PHỤ LỤC I

BIỂU MỨC TIỀN BẢN QUYỀN KHI PHÁT SÓNG TÁC PHẨM, BẢN GHI ÂM, GHI HÌNH TRONG TRƯỜNG HỢP GIỚI HẠN QUYỀN TÁC GIẢ, GIỚI HẠN QUYỀN LIÊN QUAN
(Kèm theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ)

I. Tổ chức phát sóng và chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình không đạt được thỏa thuận về việc trả tiền bản quyền theo quy định tại Điều 36 của Nghị định này thì áp dụng như sau:

1. Đối với lĩnh vực phát thanh: Số tiền bản quyền chi trả theo năm cho chủ sở hữu quyền tác giả và chủ sở hữu quyền liên quan tính bằng cách nhân tổng thời gian (tính theo phút) phát sóng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình của tổ chức phát sóng trong năm hiện tại với tỷ lệ phần trăm của mức lương cơ sở quy định như sau:

Kênh phát thanh

Tỷ lệ phần trăm (đối với chủ sở hữu quyền tác giả)

Tỷ lệ phần trăm (đối với chủ sở hữu quyền liên quan)

VOV

0,1

0,1

Tại đô thị loại đặc biệt

0,09

0,09

Tại đô thị loại I

0,08

0,08

Tại đô thị loại II

0,07

0,07

Tại đô thị loại III

0,05

0,05

Tại đô thị loại IV

0,03

0,03

Tại đô thị loại V

0,01

0,01

Các kênh của Đài Tiếng nói Việt Nam tại khu vực thì áp dụng tỷ lệ theo phân loại đô thị của địa phương đó.

Trường hợp phát lại chương trình phát thanh thì áp dụng 15% mức tiền bản quyền của lần phát thanh đầu tiên.

2. Đối với lĩnh vực truyền hình: Số tiền bản quyền chi trả theo năm cho chủ sở hữu quyền tác giả và chủ sở hữu quyền liên quan tính bằng cách nhân tổng thời gian (tính theo phút) phát sóng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình của tổ chức phát sóng trong năm hiện tại với tỷ lệ phần trăm của mức lương cơ sở quy định như sau:

Kênh chương trình truyền hình

Tỷ lệ phần trăm (đối với chủ sở hữu quyền tác giả)

Tỷ lệ phần trăm (đối với chủ sở hữu quyền liên quan)

Trung ương

Thiết yếu

VTV1, VTC1

1,2

1,2

Kênh thiết yếu quốc gia khác

0,6

0,6

Không thiết yếu

Các kênh của VTV

1,56

1,56

Địa phương

Thiết yếu

Kênh thiết yếu tại đô thị loại đặc biệt

1

1

Kênh thiết yếu tại đô thị loại I

0,8

0,8

Kênh thiết yếu tại đô thị loại II

0,7

0,7

Kênh thiết yếu tại đô thị loại III

0,5

0,5

Kênh thiết yếu tại đô thị loại IV

0,3

0,3

Không thiết yếu

Kênh không thiết yếu tại đô thị loại đặc biệt

1,3

1,3

Kênh không thiết yếu tại đô thị loại I

1,04

1,04

Kênh không thiết yếu tại đô thị loại II

0,91

0,91

Kênh không thiết yếu tại đô thị loại III

0,65

0,65

Kênh không thiết yếu tại đô thị loại IV

0,39

0,39

Các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam tại khu vực thì áp dụng tỷ lệ theo phân loại đô thị của địa phương đó.

Trường hợp phát lại chương trình truyền hình sau thời gian phát sóng lần đầu thì áp dụng 20% mức tiền bản quyền của lần phát sóng đầu tiên.

Trường hợp truyền dẫn cùng thời gian, truyền dẫn phát sóng lại hoặc tiếp sóng chương trình truyền hình thông qua tất cả loại hình kênh chương trình truyền hình và các hình thức phát sóng truyền hình tương tự khác, bao gồm cả truyền qua cáp, trên mạng thông tin điện tử, mạng viễn thông, mạng Internet thì áp dụng 15% mức tiền bản quyền của lần phát sóng đầu tiên.

Trường hợp phát, truyền các kênh chương trình mới qua cáp, trên mạng thông tin điện tử, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật tương tự nào khác thì mức tiền bản quyền tính theo mức tiền bản quyền đối với kênh không thiết yếu quy định tại bảng thuộc khoản này; trường hợp tái phát, tái truyền thì áp dụng 15% mức tiền bản quyền của lần phát, truyền đầu tiên.

II. Trường hợp phát sóng không có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào theo quy định tại khoản 2 Điều 35 Nghị định này thì số tiền bản quyền chi trả bằng 30% số tiền bản quyền tính theo quy định tại mục I của Phụ lục này.

III. Trường hợp phát sóng các chương trình đặc biệt dành cho thiếu nhi, đồng bào dân tộc thiểu số hoặc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, chương trình đặc biệt phục vụ kỷ niệm các ngày lễ lớn của Việt Nam thì số tiền bản quyền chi trả bằng 30% số tiền bản quyền tính theo quy định tại mục I của Phụ lục này.

PHỤ LỤC II

BIỂU MỨC TIỀN BẢN QUYỀN KHI SỬ DỤNG TÁC PHẨM, BẢN GHI ÂM, GHI HÌNH TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH, THƯƠNG MẠI TRONG TRƯỜNG HỢP GIỚI HẠN QUYỀN TÁC GIẢ, GIỚI HẠN QUYỀN LIÊN QUAN
(Kèm theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ)

Số tiền bản quyền chi trả (tính theo năm) = Mức lương cơ sở x Hệ số điều chỉnh

Đơn vị tính: Mức lương cơ sở/tháng

TT

Hoạt động kinh doanh, thương mại

Hệ số điều chỉnh tính theo sức chứa hoặc diện tích/địa điểm theo năm sử dụng

1

Quán cà phê - giải khát (tính theo tổng diện tích/năm)

Đến 15 m2

Từ trên 15 m2 đến 50 m2

Trên 50 m2

Hệ số điều chỉnh là 0,35/15 m2/năm

Cứ mỗi m2 tăng thêm thì hệ số điều chỉnh là 0,04/m2/năm

Cứ mỗi m2 tăng thêm thì hệ số điều chỉnh là 0,02/m2/năm (Số tiền bản quyền tối đa trong một năm là: 8 x Mức lương cơ sở)

2

Nhà hàng, phòng hội thảo, hội nghị (tính theo tổng diện tích/năm)

Đến 50 m2

Từ trên 50 m2 đến 100 m2

Trên 100 m2

Hệ số điều chỉnh là 2,0/50 m2/năm

Cứ mỗi m2 tăng thêm thì hệ số điều chỉnh là 0,05/m2/năm

Cứ mỗi m2 tăng thêm thì hệ số điều chỉnh là 0,03/m2/năm (Số tiền bản quyền tối đa trong một năm là: 8 x Mức lương cơ sở)

3

Cửa hàng, showroom (tính theo tổng diện tích/năm)

Đến 50 m2

Từ trên 50 m2 đến 100 m2

Trên 100 m2

Hệ số điều chỉnh là 0,35/50 m2/năm

Cứ mỗi m2 tăng thêm thì hệ số điều chỉnh là 0,008/m2/năm

Cứ mỗi m2 tăng thêm thì hệ số điều chỉnh là 0,006/m2/năm (Số tiền bản quyền tối đa trong một năm là: 5 x Mức lương cơ sở)

4

Câu lạc bộ thể dục, chăm sóc sức khỏe - thẩm mỹ (tính theo tổng diện tích/năm)

Đến 50 m2

Từ trên 50 m2 đến 100 m2

Trên 100 m2

Hệ số điều chỉnh là 0,5/50 m2/năm

Cứ mỗi m2 tăng thêm thì hệ số điều chỉnh là 0,011/m2/năm

Cứ mỗi m2 tăng thêm thì hệ số điều chỉnh là 0,009/m2/năm (Số tiền bản quyền tối đa trong một năm là: 10 x Mức lương cơ sở)

5

Cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke phòng, karaoke box (tính theo số phòng hoặc box/năm, tùy thuộc vào diện tích phòng)

Số phòng

Đến 20 m2

Trên 20 m2 đến 30 m2

Trên 30 m2

Từ 1 đến 4 phòng

Hệ số điều chỉnh là 1,5/phòng/năm

Hệ số điều chỉnh là 1,6/phòng/năm

Hệ số điều chỉnh là 1,7/phòng/năm

Từ phòng thứ 5 đến phòng thứ 10

Hệ số điều chỉnh là 1,2/phòng/năm

Hệ số điều chỉnh là 1,28/phòng/năm

Hệ số điều chỉnh là 1,36/phòng/năm

Từ phòng thứ 11 trở đi

Hệ số điều chỉnh là 1,05/phòng/năm

Hệ số điều chỉnh là 1,12/phòng/năm

Hệ số điều chỉnh là 1,19/phòng/năm

Karaoke box: hệ số điều chỉnh là 0,85/box/năm (không tùy thuộc vào diện tích)

6

Quán bar, bistro, club, vũ trường (tính theo tổng diện tích/năm)

Đến 50 m2

Từ trên 50 m2 đến 200 m2

Trên 200 m2

Hệ số điều chỉnh là 2,35 - 4,0/50 m2/năm

Cứ mỗi m2 tăng thêm thì hệ số điều chỉnh là 0,06/m2/năm

Cứ mỗi m2 tăng thêm thì hệ số điều chỉnh là 0,05/m2/năm (Số tiền bản quyền tối đa trong một năm là: 27 x Mức lương cơ sở)

7

Khách sạn, cơ sở lưu trú du lịch (tính theo loại khách sạn/năm)

4 - 5 sao (hoặc tương đương)

1 - 3 sao (hoặc tương đương)

Các dịch vụ khác (nhà hàng, bar, karaoke, hồ bơi, phòng tập thể dục, massage, spa, lobby, bãi xe, khu mua sắm, vui chơi...) thuộc khuôn viên thì áp dụng tương ứng các mục 1, 2, 3, 4, 5 và 6 của Phụ lục này

0,03/phòng/năm

0,02/phòng/năm

8

Khu vui chơi, giải trí (tính theo tổng diện tích/năm)

Đến 200 m2

Từ trên 200 m2 đến 500 m2

Trên 500 m2

Các dịch vụ thuộc khuôn viên thì áp dụng tương ứng các mục 1, 2, 3, 4, 5 và 6 của Phụ lục này

Hệ số điều chỉnh là 0,7/200 m2/năm

Cứ mỗi m2 tăng thêm thì hệ số điều chỉnh là 0,003/m2/năm

Cứ mỗi m2 tăng thêm thì hệ số điều chỉnh là 0,001/m2/năm (Số tiền bản quyền tối đa trong một năm là: 12 x Mức lương cơ sở)

9

Trung tâm thương mại, Cao ốc văn phòng (tính theo tổng diện tích/năm)

Đến 200 m2

Từ trên 200 m2 đến 500 m2

Trên 500 m2

Các dịch vụ thuộc khuôn viên thì áp dụng tương ứng các mục 1, 2, 3, 4, 5 và 6 của Phụ lục này

Hệ số điều chỉnh là 1,5 cho 200 m2

Cứ mỗi 100 m2 tăng thêm thì hệ số điều chỉnh là 0,3/100m2/năm

Cứ mỗi 100 m2 tăng thêm thì hệ số điều chỉnh là 0,2/100 m2/năm (Số tiền bản quyền tối đa trong một năm là: 50 x Mức lương cơ sở)

10

Siêu thị (tính theo tổng diện tích/năm)

Đến 500 m2

Từ trên 500 m2 đến 1000 m2

Trên 1000 m2

Hệ số điều chỉnh là 1,25 cho 500 m2

Cứ mỗi 100 m2 tăng thêm thì hệ số điều chỉnh là 0,3/100 m2/năm

Cứ mỗi 100 m2 tăng thêm thì hệ số điều chỉnh là 0,2/100 m2/năm (Số tiền bản quyền tối đa trong một năm là: 10 x Mức lương cơ sở)

11

Hoạt động hàng không, giao thông công cộng (tính theo lượt khách trung bình/năm)

Hàng không - Chuyến bay quốc tế

0,0031 - 0,004/100 lượt khách/năm

Hàng không - Chuyến bay nội địa

0,0019 - 0,0025/100 lượt khách/năm

Đường sắt hoặc phương tiện vận tải khác như: ôtô, tàu thủy, tàu cánh ngầm, tàu điện...

0,0016 - 0,0021/100 lượt khách/năm

Ghi chú:

- Đối với các hoạt động kinh doanh, thương mại quy định tại các mục số 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và 10 của Phụ lục này áp dụng quy định phân loại đô thị như sau:

√ Thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh: áp dụng theo khung giá;

√ Đô thị loại I: áp dụng 80% khung giá;

√ Đô thị loại II: áp dụng 60% khung giá;

√ Đô thị loại III: áp dụng 40% khung giá;

√ Đô thị loại IV: áp dụng 20% khung giá;

√ Đô thị loại V: áp dụng 10% khung giá.

- Biểu mức tiền bản quyền trên đây áp dụng cho chủ sở hữu quyền tác giả và áp dụng tương tự cho chủ sở hữu quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình được sử dụng.

PHỤ LỤC III

MẪU VĂN BẢN TRONG LĨNH VỰC QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN
(Kèm theo Nghị định số 17/2023/NĐ-CP ngày 26 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ)

Mẫu số 01

Tờ khai đề nghị chấp thuận việc sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan

Mẫu số 02

Tờ khai đề nghị chấp thuận việc sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà Nhà nước là đại diện quản lý quyền tác giả, quyền liên quan

Mẫu số 03

Tờ khai đề nghị chấp thuận áp dụng ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả cho người khuyết tật

Mẫu số 04

Tờ khai đề nghị chấp thuận việc dịch tác phẩm từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại

Mẫu số 05

Tờ khai đề nghị chấp thuận việc sao chép tác phẩm để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại

Mẫu số 06

Đơn đề nghị hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan

Mẫu số 07

Tờ khai đề nghị phê duyệt biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền

Mẫu số 08

Tờ khai yêu cầu ghi nhận, xóa tên tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan

Mẫu số 09

Tờ khai đăng ký kiểm tra nghiệp vụ giám định quyền tác giả, quyền liên quan

Mẫu số 10

Tờ khai yêu cầu cấp, cấp lại thẻ giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan

Mẫu số 11

Mẫu thẻ giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan

Mẫu số 12

Tờ khai yêu cầu cấp, cấp lại Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan

Mẫu số 13

Mẫu Giấy chứng nhận tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan

Mẫu số 01

TỜ KHAI*

ĐỀ NGHỊ CHẤP THUẬN VIỆC SỬ DỤNG TÁC PHẨM, CUỘC BIỂU DIỄN, BẢN GHI ÂM, GHI HÌNH, CHƯƠNG TRÌNH PHÁT SÓNG MÀ NHÀ NƯỚC LÀ ĐẠI DIỆN CHỦ SỞ HỮU QUYỀN TÁC GIẢ, CHỦ SỞ HỮU QUYỀN LIÊN QUAN

Kính gửi: …………………………………..

 TỔ CHỨC, CÁ NHÂN NỘP HỒ SƠ

Tên đầy đủ:                                                /Tên Tiếng Anh, viết tắt (nếu có):

Người đại diện theo pháp luật:

Số CCCD/ĐKKD:                                           Ngày cấp:                       Nơi cấp:

Địa chỉ:

Điện thoại:                                      Fax:                                       E-mail:

 TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐƯỢC ỦY QUYỀN (trường hợp nộp hồ sơ thông qua ủy quyền)

Tên đầy đủ:                                                         /Tên Tiếng Anh, viết tắt (nếu có):

Người đại diện theo pháp luật:

Số CCCD/ĐKKD:                                          Ngày cấp:                           Nơi cấp:

Địa chỉ:

Điện thoại:                                                     Fax:                                   E-mail:

 NỘI DUNG ĐỀ NGHỊ

Đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận việc sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.

 TÁC PHẨM/CUỘC BIỂU DIỄN/BẢN GHI ÂM, GHI HÌNH/CHƯƠNG TRÌNH PHÁT SÓNG ĐỀ NGHỊ SỬ DỤNG

Tên tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng:

Loại hình tác phẩm:

Thông tin về tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả/chủ sở hữu quyền liên quan:

Thông tin/nơi tiếp cận tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng:

Số GCN đăng ký quyền tác giả/GCN đăng ký quyền liên quan (nếu có):

CHI PHÍ

Loại chi phí

Số tiền

□ Chi phí thực hiện chấp thuận việc sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan

Tổng số chi phí nộp theo hồ sơ là:

Số chứng từ (trường hợp nộp qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền):

CÁC TÀI LIỆU CÓ TRONG HỒ SƠ

KIỂM TRA DANH MỤC TÀI LIỆU

(Dành cho cán bộ nhận hồ sơ)

□ Tờ khai theo mẫu

□ Kế hoạch sử dụng

□ Bản sao chứng từ nộp chi phí (trường hợp nộp qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền)

□ Văn bản ủy quyền (có công chứng, chứng thực hoặc hợp pháp hóa lãnh sự) trong trường hợp nộp hồ sơ thông qua ủy quyền

Cán bộ nhận hồ sơ
(Ký và ghi rõ họ tên)

 CAM KẾT CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN NỘP HỒ SƠ/ĐƯỢC ỦY QUYỀN NỘP HỒ SƠ

Tôi cam đoan mọi thông tin trong tờ khai trên đây là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 

Khai tại: …………… ngày ... tháng ... năm ...
Chữ ký, họ tên người nộp hồ sơ/được ủy quyền nộp hồ sơ
(Ghi rõ chức vụ và đóng dấu, nếu có)



____________________

* Chú thích: Trong Tờ khai này, tổ chức, cá nhân đánh dấu “x” vào ô vuông □ nếu các thông tin ghi sau các ô vuông là phù hợp.

Mẫu số 02

TỜ KHAI*

ĐỀ NGHỊ CHẤP THUẬN VIỆC SỬ DỤNG TÁC PHẨM, CUỘC BIỂU DIỄN, BẢN GHI ÂM, GHI HÌNH, CHƯƠNG TRÌNH PHÁT SÓNG MÀ NHÀ NƯỚC LÀ ĐẠI DIỆN QUẢN LÝ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Kinh gửi: Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

 TỔ CHỨC, CÁ NHÂN NỘP HỒ SƠ

Tên đầy đủ:                                                /Tên Tiếng Anh, viết tắt (nếu có):

Người đại diện theo pháp luật:

Số CCCD/ĐKKD:                                           Ngày cấp:                       Nơi cấp:

Địa chỉ:

Điện thoại:                                      Fax:                                       E-mail:

 TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐƯỢC ỦY QUYỀN (trường hợp nộp hồ sơ thông qua ủy quyền)

Tên đầy đủ:                                                         /Tên Tiếng Anh, viết tắt (nếu có):

Người đại diện theo pháp luật:

Số CCCD/ĐKKD:                                          Ngày cấp:                           Nơi cấp:

Địa chỉ:

Điện thoại:                                                     Fax:                                   E-mail:

 NỘI DUNG ĐỀ NGHỊ

Đề nghị Cục Bản quyền tác giả chấp thuận việc sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà Nhà nước là đại diện quản lý quyền tác giả, quyền liên quan.

 TÁC PHẨM/CUỘC BIỂU DIỄN/BẢN GHI ÂM, GHI HÌNH/CHƯƠNG TRÌNH PHÁT SÓNG ĐỀ NGHỊ SỬ DỤNG

Tên tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng:

Loại hình tác phẩm:

Thông tin về tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả/chủ sở hữu quyền liên quan:

Thông tin/nơi tiếp cận tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng:

Số GCN đăng ký quyền tác giả/GCN đăng ký quyền liên quan (nếu có):

 CHI PHÍ

Loại chi phí

Số tiền

□ Chi phí thực hiện chấp thuận việc sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà Nhà nước là đại diện chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan

Tổng số chi phí nộp theo hồ sơ là:

Số chứng từ (trường hợp nộp qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Bản quyền tác giả):

CÁC TÀI LIỆU CÓ TRONG HỒ SƠ

KIỂM TRA DANH MỤC TÀI LIỆU

(Dành cho cán bộ nhận hồ sơ)

□ Tờ khai theo mẫu

□ Kế hoạch sử dụng

□ Tài liệu chứng minh đã nỗ lực tìm kiếm chủ thể quyền tại Niên giám đăng ký về quyền tác giả, quyền liên quan

□ Tài liệu chứng minh đã nỗ lực tìm kiếm chủ thể quyền qua tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan

□ Tài liệu chứng minh đã nỗ lực tìm kiếm chủ thể quyền qua tổ chức, cá nhân đã hoặc đang sử dụng

□ Tài liệu chứng minh đã nỗ lực tìm kiếm chủ thể quyền trên mạng

□ Bản sao chứng từ nộp chi phí (trường hợp nộp qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Bản quyền tác giả)

□ Văn bản ủy quyền (có công chứng, chứng thực hoặc hợp pháp hóa lãnh sự) trong trường hợp nộp hồ sơ thông qua ủy quyền











Cán bộ nhận hồ sơ
(Ký và ghi rõ họ tên)

 CAM KẾT CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN NỘP HỒ SƠ/ĐƯỢC ỦY QUYỀN NỘP HỒ SƠ

Tôi cam đoan mọi thông tin trong tờ khai trên đây là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 

Khai tại: …………… ngày ... tháng ... năm ...
Chữ ký, họ tên người nộp hồ sơ/được ủy quyền nộp hồ sơ
(Ghi rõ chức vụ và đóng dấu, nếu có)

____________________

* Chú thích: Trong Tờ khai này, tổ chức, cá nhân đánh dấu "x" vào ô vuông □ nếu các thông tin ghi sau các ô vuông là phù hợp.

Mẫu số 03

TỜ KHAI*

ĐỀ NGHỊ CHẤP THUẬN ÁP DỤNG NGOẠI LỆ KHÔNG XÂM PHẠM QUYỀN TÁC GIẢ DÀNH CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT

Kính gửi: Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

TỔ CHỨC NỘP HỒ SƠ

Tên đầy đủ:                                                /Tên Tiếng Anh, viết tắt (nếu có):

Người đại diện theo pháp luật:

Số ĐKKD/ĐKHĐ/QĐTL:                                           Ngày cấp:                       Nơi cấp:

Địa chỉ:

Điện thoại:                                      Fax:                                       E-mail:

NỘI DUNG ĐỀ NGHỊ

Đề nghị chấp thuận cho tổ chức áp dụng ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật theo quy định tại Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ đối với các quyền:

□ Tạo bản sao dưới định dạng dễ tiếp cận, sao chép tác phẩm dưới định dạng bản sao dễ tiếp cận theo khoản 2 Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ

□ Biểu diễn tác phẩm dưới định dạng bản sao dễ tiếp cận theo khoản 2 Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ

□ Phân phối tác phẩm dưới định dạng bản sao dễ tiếp cận theo khoản 2 Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ

□ Phân phối tác phẩm dưới định dạng bản sao dễ tiếp cận theo khoản 3 Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ

□ Phân phối tác phẩm dưới định dạng bản sao dễ tiếp cận theo khoản 4 Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ

□ Truyền đạt tác phẩm dưới định dạng bản sao dễ tiếp cận theo khoản 2 Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ

□ Truyền đạt tác phẩm dưới định dạng bản sao dễ tiếp cận theo khoản 3 Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ

□ Truyền đạt tác phẩm dưới định dạng bản sao dễ tiếp cận theo khoản 4 Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ

□ Nhập khẩu tác phẩm dưới định dạng bản sao dễ tiếp cận theo khoản 5 Điều 25a của Luật Sở hữu trí tuệ

□ Khác (trình bày trong Kế hoạch sử dụng)

CÁC TÀI LIỆU CÓ TRONG HỒ SƠ

KIỂM TRA DANH MỤC TÀI LIỆU

(Dành cho cán bộ nhận hồ sơ)

□ Tờ khai theo mẫu

□ Kế hoạch sử dụng

□ Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận ĐKKD/giấy chứng nhận đăng ký hoạt động/quyết định thành lập

□ Tài liệu khác chứng minh đáp ứng điều kiện theo quy định của tổ chức



Cán bộ nhận hồ sơ
(Ký và ghi rõ họ tên)

CAM KẾT CỦA TỔ CHỨC NỘP HỒ SƠ

Tôi cam đoan mọi thông tin trong tờ khai trên đây là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm thuộc pháp luật.

 

Khai tại: …………… ngày ... tháng ... năm ...
Chữ ký, họ tên người nộp hồ sơ
(Ghi rõ chức vụ và đóng dấu, nếu có)

____________________

* Chú thích: Trong Tờ khai này, tổ chức, cá nhân đánh dấu "x" vào ô vuông □ nếu các thông tin ghi sau các ô vuông là phù hợp.

Mẫu số 04

TỜ KHAI*

ĐỀ NGHỊ CHẤP THUẬN VIỆC DỊCH TÁC PHẨM TỪ TIẾNG NƯỚC NGOÀI SANG TIẾNG VIỆT ĐỂ GIẢNG DẠY, NGHIÊN CỨU KHÔNG NHẰM MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI

Kính gửi: Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

TỔ CHỨC, CÁ NHÂN NỘP HỒ SƠ

Tên đầy đủ:                                                /Tên Tiếng Anh, viết tắt (nếu có):

Người đại diện theo pháp luật:

Số CCCD/ĐKKD:                                           Ngày cấp:                       Nơi cấp:

Địa chỉ:

Điện thoại:                                      Fax:                                       E-mail:

 TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐƯỢC ỦY QUYỀN (trường hợp nộp hồ sơ thông qua ủy quyền)

Tên đầy đủ:                                                         /Tên Tiếng Anh, viết tắt (nếu có):

Người đại diện theo pháp luật:

Số CCCD/ĐKKD:                                          Ngày cấp:                           Nơi cấp:

Địa chỉ:

Điện thoại:                                                     Fax:                                   E-mail:

 NỘI DUNG ĐỀ NGHỊ

Đề nghị Cục Bản quyền tác giả chấp thuận việc dịch tác phẩm từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại.

 TÁC PHẨM ĐỀ NGHỊ DỊCH

Tên tác phẩm:

Loại hình tác phẩm:

Thông tin về tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả:

Họ và tên:                                                                 Quốc tịch:

Địa chỉ:

Số điện thoại:                                                            Email:

Thông tin/nơi tiếp cận tác phẩm:

Thông tin khác về tác phẩm (nếu có):

CHI PHÍ

Loại chi phí

Số tiền

□ Chi phí thực hiện chấp thuận việc dịch tác phẩm từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại

Tổng số chi phí nộp theo hồ sơ là:

Số chứng từ (trường hợp nộp qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản):

CÁC TÀI LIỆU CÓ TRONG HỒ SƠ

KIỂM TRA DANH MỤC TÀI LIỆU

(Dành cho cán bộ nhận hồ sơ)

□ Tờ khai theo mẫu

□ Kế hoạch sử dụng

□ Tài liệu chứng minh đã nỗ lực xin phép/tìm kiếm chủ sở hữu quyền tác giả

□ Tài liệu chứng minh đáp ứng điều kiện khác theo quy định

□ Bản sao chứng từ nộp chi phí (trường hợp nộp qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Bản quyền tác giả)

□ Văn bản ủy quyền (có công chứng, chứng thực hoặc hợp pháp hóa lãnh sự) trong trường hợp nộp hồ sơ thông qua ủy quyền






Cán bộ nhận hồ sơ
(Ký và ghi rõ họ tên)

 CAM KẾT CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN NỘP HỒ SƠ/ĐƯỢC ỦY QUYỀN NỘP HỒ SƠ

Tôi cam đoan mọi thông tin trong tờ khai trên đây là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 

Khai tại: …………… ngày ... tháng ... năm ...
Chữ ký, họ tên người nộp hồ sơ/được ủy quyền nộp hồ sơ
(Ghi rõ chức vụ và đóng dấu, nếu có)

____________________

* Chú thích: Trong Tờ khai này, tổ chức, cá nhân đánh dấu "x" vào ô vuông □ nếu các thông tin ghi sau các ô vuông là phù hợp.

Mẫu số 05

TỜ KHAI*

ĐỀ NGHỊ CHẤP THUẬN VIỆC SAO CHÉP TÁC PHẨM ĐỂ GIẢNG DẠY, NGHIÊN CỨU KHÔNG NHẰM MỤC ĐÍCH THƯƠNG MẠI

Kính gửi: Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

TỔ CHỨC, CÁ NHÂN NỘP HỒ SƠ

Tên đầy đủ:                                                /Tên Tiếng Anh, viết tắt (nếu có):

Người đại diện theo pháp luật:

Số CCCD/ĐKKD:                                           Ngày cấp:                       Nơi cấp:

Địa chỉ:

Điện thoại:                                      Fax:                                       E-mail:

 TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐƯỢC ỦY QUYỀN (trường hợp nộp hồ sơ thông qua ủy quyền)

Tên đầy đủ:                                                         /Tên Tiếng Anh, viết tắt (nếu có):

Người đại diện theo pháp luật:

Số CCCD/ĐKKD:                                          Ngày cấp:                           Nơi cấp:

Địa chỉ:

Điện thoại:                                                     Fax:                                   E-mail:

 NỘI DUNG ĐỀ NGHỊ

Đề nghị Cục Bản quyền tác giả chấp thuận việc sao chép tác phẩm để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại

 TÁC PHẨM ĐỀ NGHỊ SAO CHÉP

Tên tác phẩm:

Loại hình tác phẩm:

Thông tin về tác giả/chủ sở hữu quyền tác giả:

Họ và tên:                                                                 Quốc tịch:

Địa chỉ:

Số điện thoại:                                                            Email:

Thông tin/nơi tiếp cận tác phẩm:

Thông tin khác về tác phẩm (nếu có):

CHI PHÍ

Loại chi phí

Số tiền

□ Chi phí thực hiện chấp thuận việc sao chép tác phẩm để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích thương mại

Tổng số chi phí nộp theo hồ sơ là:

Số chứng từ (trường hợp nộp qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản):

CÁC TÀI LIỆU CÓ TRONG HỒ SƠ

KIỂM TRA DANH MỤC TÀI LIỆU

(Dành cho cán bộ nhận hồ sơ)

□ Tờ khai theo mẫu

□ Kế hoạch sử dụng

□ Tài liệu chứng minh đã nỗ lực xin phép/tìm kiếm chủ sở hữu quyền tác giả

□ Tài liệu chứng minh đáp ứng điều kiện khác theo quy định

□ Bản sao chứng từ nộp chi phí (trường hợp nộp qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của Cục Bản quyền tác giả)

□ Văn bản ủy quyền (có công chứng, chứng thực hoặc hợp pháp hóa lãnh sự) trong trường hợp nộp hồ sơ thông qua ủy quyền






Cán bộ nhận hồ sơ
(Ký và ghi rõ họ tên)

 CAM KẾT CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN NỘP HỒ SƠ/ĐƯỢC ỦY QUYỀN NỘP HỒ SƠ

Tôi cam đoan mọi thông tin trong tờ khai trên đây là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 

Khai tại: …………… ngày ... tháng ... năm ...
Chữ ký, họ tên người nộp hồ sơ/được ủy quyền nộp hồ sơ
(Ghi rõ chức vụ và đóng dấu, nếu có)

____________________

* Chú thích: Trong Tờ khai này, tổ chức, cá nhân đánh dấu "x" vào ô vuông □ nếu các thông tin ghi sau các ô vuông là phù hợp.

Mẫu số 06

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

ĐƠN ĐỀ NGHỊ HỦY BỎ HIỆU LỰC GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ QUYỀN TÁC GIẢ/ GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ QUYỀN LIÊN QUAN

Kính gửi: Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

I. TỔ CHỨC, CÁ NHÂN ĐÃ ĐƯỢC CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Cá nhân

Họ và tên: ……………………………………………….. Quốc tịch ......................................

Sinh ngày: …………………………………….. tháng ……………….. năm ...........................

Số Giấy chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân/Hộ chiếu: ..................................

Ngày cấp: …………………………………………. tại: .......................................................

Địa chỉ: .......................................................................................................................

Số điện thoại: .............................................................................................................

Email: .........................................................................................................................

Tổ chức

Tên tổ chức: ...............................................................................................................

Số đăng ký doanh nghiệp, quyết định, giấy phép thành lập:

...................................................................................................................................

Ngày cấp: …………………………………………….. tại: ...................................................

Địa chỉ: .......................................................................................................................

Số điện thoại: .............................................................................................................

Email: .........................................................................................................................

II. ĐẠI DIỆN CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

Họ và tên/Tên tổ chức: ................................................................................................

Sinh ngày: …………………………….. tháng ……………………… năm..............................

Số Giấy chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân/Hộ chiếu (hoặc số đăng ký doanh nghiệp, quyết định thành lập nếu là tổ chức): ...........................................................................................................

Ngày cấp: …………………………………………. tại: .......................................................

Địa chỉ: .......................................................................................................................

Số điện thoại: …………………………………….. Email (nếu có) .......................................

III. THÔNG TIN GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ QUYỀN TÁC GIẢ, GIẤY CHỨNG NHẬN ĐĂNG KÝ QUYỀN LIÊN QUAN ĐỀ NGHỊ HỦY BỎ HIỆU LỰC

1. Số Giấy chứng nhận:                                                 Ngày cấp:

2. Lý do, nội dung, căn cứ đề nghị hủy bỏ hiệu lực:

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

Tôi cam đoan mọi thông tin trong tờ khai trên đây là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 

Khai tại: …………… ngày ... tháng ... năm ...
Chữ ký, họ tên người nộp hồ sơ/được ủy quyền nộp hồ sơ
(Ghi rõ chức vụ và đóng dấu, nếu có)

Mẫu số 07

TỜ KHAI

ĐỀ NGHỊ PHÊ DUYỆT BIỂU MỨC VÀ PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN TIỀN BẢN QUYỀN

Kính gửi: Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

THÔNG TIN TỔ CHỨC ĐỀ NGHỊ PHÊ DUYỆT BIỂU MỨC VÀ PHƯƠNG THỨC THANH TOÁN TIỀN BẢN QUYỀN

Tên tổ chức:

Quyết định thành lập/Giấy đăng ký hoạt động số:               Cấp ngày             Nơi cấp:

Địa chỉ:

Điện thoại:                                          Fax:                               Email:

NỘI DUNG ĐỀ NGHỊ

□ Phê duyệt biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền đối với:

 

CÁC TÀI LIỆU CÓ TRONG HỒ SƠ

HỒ SƠ GỒM CÁC TÀI LIỆU

(Dành cho cán bộ nhận hồ sơ)

□ Tờ khai theo mẫu

□ Bản sao (có chứng thực) Quyết định thành lập/Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức

□ Biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền đề xuất phê duyệt

□ Phương án xây dựng biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền đề xuất phê duyệt

□ Tài liệu khác: ………………………………………………………







Cán bộ nhận hồ sơ
(Ký và ghi rõ họ tên)

CAM KẾT CỦA TỔ CHỨC NỘP HỒ SƠ

Tôi cam đoan mọi thông tin trong tờ khai trên đây là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm thuộc pháp luật.

 

Làm tại: …………… ngày ... tháng ... năm ...
Người khai
(Ký, ghi rõ họ tên, chức vụ và đóng dấu)

Mẫu số 08

TỜ KHAI*

YÊU CẦU GHI NHẬN/XÓA TÊN TỔ CHỨC TƯ VẤN, DỊCH VỤ QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Kính gửi: Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

TỔ CHỨC NỘP HỒ SƠ

Tên đầy đủ:                                                /Tên Tiếng Anh, viết tắt (nếu có):

Người đại diện theo pháp luật:

Số ĐKKD:                                           Ngày cấp:                       Nơi cấp:

Địa chỉ:

Điện thoại:                                      Fax:                                       E-mail:

 NỘI DUNG YÊU CẦU

□ Ghi nhận Tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan

□ Xóa tên Tổ chức tư vấn, dịch vụ quyền tác giả, quyền liên quan

 

CÁC TÀI LIỆU CÓ TRONG HỒ SƠ

KIỂM TRA DANH MỤC TÀI LIỆU

(Dành cho cán bộ nhận hồ sơ)

□ Tờ khai theo mẫu

□ Danh sách cá nhân thuộc tổ chức kèm theo bản sao CMND/CCCD

□ Sơ yếu lý lịch của người đứng đầu tổ chức có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

□ Bản sao có chứng thực bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành luật của người đứng đầu tổ chức và các cá nhân thuộc tổ chức

□ Bản sao giấy chứng nhận ĐKKĐ/giấy chứng nhận đăng ký hoạt động







Cán bộ nhận hồ sơ
(Ký và ghi rõ họ tên)

CAM KẾT CỦA TỔ CHỨC NỘP HỒ SƠ

Tôi cam đoan mọi thông tin trong tờ khai trên đây là trung thực, đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 

Khai tại: …………… ngày ... tháng ... năm ...
Chữ ký, họ tên người nộp tờ khai
(Ghi rõ chức vụ và đóng dấu, nếu có)

____________________

* Chú thích: Trong Tờ khai này, tổ chức, cá nhân đánh dấu "x" vào ô vuông □ nếu các thông tin ghi sau các ô vuông là phù hợp.

Mẫu số 09

TỜ KHAI

ĐĂNG KÝ DỰ KIỂM TRA
NGHIỆP VỤ GIÁM ĐỊNH QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Kính gửi: Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Ảnh
(3 x 4 cm)

THÔNG TIN NGƯỜI ĐĂNG KÝ KIỂM TRA

Họ và tên:

Ngày sinh:

Số CMND/CCCD:

Địa chỉ:

Điện thoại:

Nơi sinh:

Cấp ngày:

Email:

NỘI DUNG ĐĂNG KÝ KIỂM TRA

NỘI DUNG ĐƯỢC MIỄN KIỂM TRA

□ Kiến thức pháp luật, giám định quyền tác giả, quyền liên quan

□ Kiến thức chuyên ngành quyền tác giả

□ Kiến thức chuyên ngành quyền liên quan

CÁC TÀI LIỆU CÓ TRONG HỒ SƠ ĐĂNG KÝ KIỂM TRA

HỒ SƠ GỒM CÁC TÀI LIỆU

(Dành cho cán bộ nhận hồ sơ)

□ Tờ khai

□ Bản sao (có chứng thực) bằng tốt nghiệp đại học hoặc sau đại học

□ Giấy xác nhận quá trình công tác

□ 02 ảnh màu cỡ 3 x 4 cm

□ Văn bản yêu cầu được miễn kiểm tra nghiệp vụ giám định



Cán bộ nhận hồ sơ
(Ký và ghi rõ họ tên)

CAM KẾT CỦA NGƯỜI ĐĂNG KÝ

Tôi xin cam đoan các thông tin, tài liệu trong hồ sơ là đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 

Làm tại: …………… ngày ... tháng ... năm ...
Người đăng ký
(Ký và ghi rõ họ tên)

Mẫu số 10

TỜ KHAI

YÊU CẦU CẤP/CẤP LẠI
THẺ GIÁM ĐỊNH VIÊN QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Kính gửi: Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Ảnh

(3 x 4 cm)

THÔNG TIN NGƯỜI YÊU CẦU CẤP/CẤP LẠI THẺ GIÁM ĐỊNH VIÊN QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Họ và tên:

Ngày sinh:

Số CMND/CCCD:

Địa chỉ:

Điện thoại:

Nơi sinh:

Cấp ngày:

Email:

NỘI DUNG YÊU CẦU

□ Yêu cầu cấp Thẻ lần đầu

□ Yêu cầu cấp lại Thẻ                                   Số Thẻ đã cấp:

Lý do cấp lại: □ Thẻ bị mất    □ Thẻ bị hư hỏng    □ Thay đổi thông tin trong Thẻ giám định viên

CHUYÊN NGÀNH GIÁM ĐỊNH

□ Quyền tác giả

□ Quyền liên quan

HÌNH THỨC HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH

□ Hoạt động độc lập

□ Hoạt động trong tổ chức giám định

CÁC TÀI LIỆU CÓ TRONG HỒ SƠ

HỒ SƠ GỒM CÁC TÀI LIỆU

(Dành cho cán bộ nhận hồ sơ)

□ Tờ khai theo mẫu

□ Bản sao kết quả đạt yêu cầu kiểm tra nghiệp vụ giám định quyền tác giả, quyền liên quan

□ Bản sao Giấy chứng minh thư nhân dân/Thẻ căn cước công dân

□ 02 ảnh màu cỡ 3 x 4 cm

□ Thẻ đã cấp (nếu yêu cầu cấp lại, trừ trường hợp bị mất)

□ Văn bản chấp nhận được miễn kiểm tra nghiệp vụ giám định

□ Văn bản yêu cầu cấp lại





Cán bộ nhận hồ sơ
(Ký và ghi rõ họ tên)

 CAM KẾT CỦA NGƯỜI YÊU CẦU

Tôi xin cam đoan các thông tin, tài liệu trong hồ sơ là đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 

Làm tại: …………… ngày ... tháng ... năm ...
Người yêu cầu
(Ký và ghi rõ họ tên)

Mẫu số 11

MẪU THẺ GIÁM ĐỊNH VIÊN QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

(Thẻ giám định quyền tác giả, quyền liên quan có kích thước 12 cm x 18 cm)

Mẫu số 12

TỜ KHAI

YÊU CẦU CẤP/CẤP LẠI GIẤY CHỨNG NHẬN TỔ CHỨC GIÁM ĐỊNH QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Kính gửi: Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

THÔNG TIN TỔ CHỨC YÊU CẦU CẤP/CẤP LẠI GIẤY CHỨNG NHẬN TỔ CHỨC GIÁM ĐỊNH QUYỀN TÁC GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN

Tên tổ chức:

Quyết định thành lập/Giấy đăng ký hoạt động số:                cấp ngày               tại

Địa chỉ:

Điện thoại:                                  Fax:                                  Email:

NỘI DUNG YÊU CẦU

□ Cấp Giấy chứng nhận lần đầu

□ Cấp lại Giấy chứng nhận                       Số Giấy chứng nhận đã cấp:

Lý do cấp lại: □ Giấy chứng nhận bị mất

                      □ Giấy chứng nhận bị hư hỏng       □ Thay đổi thông tin trong Giấy chứng nhận

DANH SÁCH GIÁM ĐỊNH VIÊN THUỘC TỔ CHỨC

STT

Họ và tên

Số Thẻ giám định viên

Chuyên ngành

CÁC TÀI LIỆU CÓ TRONG HỒ SƠ

HỒ SƠ GỒM CÁC TÀI LIỆU

(Dành cho cán bộ nhận hồ sơ)

□ Tờ khai theo mẫu

□ Bản sao (có chứng thực) Quyết định thành lập/Giấy đăng ký hoạt động

□ Bản sao (có chứng thực) quyết định tuyển dụng, hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc

□ Giấy chứng nhận tổ chức giám định đã cấp (nếu yêu cầu cấp lại, trừ trường hợp bị mất)

□ Văn bản xin cấp lại







Cán bộ nhận hồ sơ
(Ký và ghi rõ họ tên)

CAM KẾT CỦA NGƯỜI KHAI

Tôi xin cam đoan các thông tin, tài liệu trong hồ sơ là đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

 

Làm tại: …………… ngày ... tháng ... năm ...
Người khai
(Ký, ghi rõ họ tên, chức vụ và đóng dấu)

Mẫu số 13

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
CỤC BẢN QUYỀN TÁC GIẢ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:     /GCNTCGĐ-BQTG

Hà Nội, ngày   tháng   năm

GIẤY CHỨNG NHẬN

Tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan

CỤC TRƯỞNG CỤC BẢN QUYỀN TÁC GIẢ

Căn cứ khoản 2 và khoản 2a Điều 201 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, được sửa đổi, bổ sung các năm 2009, 2019 và 2022;

Căn cứ Điều ... Nghị định số... ngày... tháng... năm ... của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan;

Căn cứ Quyết định số ... ngày ... tháng ... năm ... của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục Bản quyền tác giả.

CHỨNG NHẬN

Tổ chức:

Tên giao dịch:

QĐTL/ĐKHĐ số:                               cấp ngày:                           Tại:

Địa chỉ:

Là Tổ chức giám định quyền tác giả, quyền liên quan

Họ và tên người đại diện theo pháp luật của tổ chức:

Danh sách giám định viên quyền tác giả, quyền liên quan:

STT

Họ và tên

Số Thẻ giám định viên

Chuyên ngành

CỤC TRƯỞNG

THE GOVERNMENT OF VIETNAM
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
----------------

No. 17/2023/ND-CP

Hanoi, April 26, 2023

 

DECREE

ELABORATING THE LAW ON INTELLECTUAL PROPERTY REGARDING COPYRIGHTS AND RELATED RIGHTS

Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015; the Law on amendment to the Law on Government Organization and the Law on Local Government Organization dated November 22, 2019;

Pursuant to the Law on Intellectual Property dated November 26, 2005; the Law on amendments to the Law on Intellectual Property dated June 19, 2009; the Law on amendments to the Law on Insurance Business, the Law on Intellectual Property dated June 14, 2019, and the Law on amendments to the Law on Intellectual Property dated June 16, 2022;

At request of the Minister of Culture, Sports and Tourism;

The Government promotes Decree elaborating the Law on Intellectual Property regarding copyrights and related rights.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. This Decree elaborates the Law on Intellectual Property; the Law on amendments to the Law on Intellectual Property dated 2009; the Law on amendments to the Law on Insurance Business, the Law on Intellectual Property dated 2019, and the Law on amendments to the Law on Intellectual Property dated 2022 (hereinafter referred to as “the Law on Intellectual Property”) regarding copyrights and related rights.

2. This Decree does not prescribe royalty rates and payment methods for cases where the Government represents the ownership of copyrights and related rights, the Government represents the right to management of copyrights and related rights; cases that falls under limited copyrights or limited related rights shall comply with Article 35 of this Decree.

Article 2. Regulated entities

This Decree applies to:

1. Authors, holders of copyrights, performers, holders of related rights according to the Law on Intellectual Property.

2. Other organizations and individuals whose operations are relevant to copyrights and related rights.

3. Competent authorities in copyrights and related rights.

Article 3. Definitions

In this Decree, terms below are construed as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. “anonymous work” means a work which has an unknown or undisclosed author (real name or pseudonym) when the work is published.

3. “fixation” means the expression of a work in form of handwriting, other symbols, lines, blocks, composition, color, audio, images, or the recreation of audio, images in a definite tangible form from which the work is recognized, duplicated, or communicated.

4. “original work” means the first tangible copy upon which creation of the work takes place for the first time.

5. “copy” means a direct or indirect imitation of the entirety or part of a work on any medium or format.

6. “audio recording, video recording” mean fixation of audio, images of a performance or other audio, images or fixation of recreation of audio, images other than fixation accompanying a work of motion picture or a work created in similar fashion. Audio recordings and video recordings can be recordings that are used in news outlets on radio, television, internet services; art performance recordings; recording of activities of one or many people, description of events, situations, or reality television.

7. “copy of audio recording, video recording” means an indirect or direct copy of the entirety or part of audio recording, video recording on any medium or format.

8. “publication of fixed work, performance, audio recording, video recording” means publication, with consent of holders of copyrights and holders of related rights, of copies of works, fixed performances, video recordings, audio recordings on any medium in a reasonable quantity for public access depending on the nature of the works, performances, audio recordings, video recordings Works of art and works of architecture are considered to have been published if they are placed in public areas with the consent of holders of copyrights to public access and duplication.

Performance of dramatic works, works of music; screening of motion picture; public recital of works of works of literature; broadcasting of works of literature, works of art; display of works of art; or building of constructions from works of architecture is not considered to be publication.

9. “work of foreign organizations, individuals first published in Vietnam” means a work which has not been published in any other country prior to being published in Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



11. “rebroadcast” means to broadcast again after the broadcast has ended or broadcast programs simultaneously received from another broadcasting organization.

12. “encrypted program-carrying satellite signals” means a satellite signal carrying a transmitted program which has its audio, image, or audio and image modified and altered in order to prevent people who do not possess legal decrypting devices from illegally receive the program carried by the signal.

13. “other tangible benefits” mean benefits which authors, holders of copyrights, and holders of related rights are eligible to receive such as receiving awards, receiving gift books post-publication, receiving tickets to performance shows or screening of motion pictures, product exhibition, galleries.

14. “infringing element” means an element created by the infringement of copyrights, related rights.

15. “examined act” means an act suspected of infringing copyrights and/or related rights and being reviewed in order to determine whether the act infringes copyrights and related rights.

16. “examined subject” means a subject suspected for infringing copyrights and/or related rights and being reviewed in order to determine whether the work infringes copyrights and related rights.

Article 4. Government's policies pertaining to copyrights and related rights

1. Provide financial support to allow state agencies and organizations tasked with disseminating works, performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs with ideology, scientific, educational, and artistic value serving public goods and socio-economic development to purchase copyrights.

2. Prioritize investment in training and improving public officials, public employees managing and providing copyright, related right protection from central to local governments.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Promote communication to raise awareness and compliance with the law pertaining to copyrights and related rights. Promote education about copyrights and related rights in schools and other education institutions depending on level of education and training.

5. Mobilize social resources, invest, and provide financial support in order to encourage creativity, exploitation, transfer, and development of culture industries, improve copyright and related right protection system, and satisfy socio-economic development and international integration requirements.

6. Prioritize copyright and related right protection for organizations, individuals, and enterprises promoting culture industry development; promoting conversion of works to a more accessible format for persons with disability as per the law and enabling persons with disability to access the works.

Article 5. State management responsibilities and details pertaining to copyrights and related rights

1. The Government shall perform joint state management pertaining to copyrights and related rights.

2. The Ministry of Culture, Sports and Tourism is responsible to the Government for performing state management pertaining to copyrights and related rights and shall:

a) develop and promulgate within their competence or request competent authority to promulgate, coordinate and organize implementation of regulations, policies, legislative documents, strategies, planning, plans, programs, schemes pertaining to copyright and related right protection, development of culture industries having copyright and related right protected;

b) take charge and cooperate in implementing measures protecting legal rights and benefits of organizations, individuals, Government, and society in the field of copyright and related right protection;

c) manage and utilize copyrights of works and related rights of performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs whose ownership or management is represented by the Government; receive transfer of copyrights and related rights from organizations and individuals to the Government as per the law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) provide guidelines on providing cooperating, placing orders, using, and securing copyrights of works and related rights of performances, audio recordings, video recordings, and broadcasting programs;

e) approve translating works from foreign languages to Vietnamese and duplicating the works for lecture, study purposes and non-commercial purposes in accordance with Appendix of the Berne Convention for the Protection of Literary and Artistic Works;

g) manage operation of organizations acting as collective representatives of copyright or related rights and counseling organizations, service providers regarding copyright, related rights;

h) approve royalty rate and payment method developed by organizations acting as collective representatives of copyright or related rights;

i) issue, re-issue, revise, and annul Certificate of registered copyrights, Certificate of registered related rights;

k) produce and manage the National register of copyrights and related rights; authenticate copyrights;

l) publish and promulgate the Registration catalog on copyrights and related rights;

m) take charge and cooperate with relevant ministries in managing and coordinating scientific research, training, advanced training, professional personnel development pertaining to copyrights and related rights; granting commendations regarding copyrights and related rights;

n) direct, guide, encourage, and organize education, communication activities to disseminate knowledge, laws, regulations, and policies regarding copyrights and related rights; provide professional training and advanced training regarding copyrights and related rights;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



p) organize communication and media activities regarding copyrights, related rights, and culture industries benefiting from copyright, related right protection;

q) manage and organize assessment of copyrights and related rights; issue, re-issue, and revoke assessor’s cards for copyrights and related rights, certification for assessing body of copyrights and related rights;

r) take charge and cooperate with competent authorities in examining, inspecting, resolving complains, accusations, and taking actions against violations relating to copyrights and related rights;

s) implement international cooperation regarding copyrights and related rights; negotiate, sign, join, and organize implementation of international treaties regarding copyrights and related rights; propose resolution to conflicts between Vietnam and other countries regarding copyrights and related rights;

t) implement other tasks assigned by the Government.

3. Ministries, ministerial agencies, and Governmental agencies, within their functions and powers, are responsible for cooperating with Ministry of Culture, Sports and Tourism in performing state management pertaining to copyrights and related rights.

4. People’s Committees of provinces and central-affiliated cities (hereinafter referred to as “provincial People’s Committees”) shall perform state management pertaining to copyrights and related rights in local government and:

a) develop, promulgate within competence and organize implementation of regulations, policies, legislative documents, strategies, planning, plans, programs, and schemes regarding copyright and related right protection in provinces;

b) direct, guide, encourage, and organize education activities, dissemination, and popularization of knowledge, laws, regulations, and policies regarding copyrights and related rights in provinces. Coordinate scientific research operation, provide professional guidance, organize training, advanced training, and professional training pertaining to copyrights and related rights in provinces;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) guide and assist organizations, individuals in processing procedures regarding copyrights and related rights in provinces;

dd) examining, inspecting, and resolving complaints, accusations, and violations of the law regarding copyrights and related rights in provinces;

e) conduct other tasks and powers as per the law.

5. The Copyright Office of Vietnam affiliated to the Ministry of Culture, Sports and Tourism is responsible for assisting the Minister of Culture, Sports and Tourism in performing state management pertaining to copyrights and related rights.

Chapter II

COPYRIGHTS AND RELATED RIGHTS

Section 1. COPYRIGHT

Article 6. Types of works eligible for copyright protection

1. Works of literature, scientific works, textbooks, course books, and other works expressed in form of handwriting or other symbols specified under Point a Clause 1 Article 14 of the Law on Intellectual Property:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Textbooks are published works that specify requirements of full-time education program, are approved and allowed by the Minister of Education and Training to be used as official teaching materials in full-time education institutions;

c) Course books are official teaching, studying, research materials which have contents appropriate to training programs and are approved, selected by heads of higher education institutions, vocational education and training facilities or approved by competent state authorities as per the law;

d) Works expressed in other symbols are works displayed in form of tactile letters for visually impaired, shorthand symbols, and symbols representing handwritings that can be understood and reproduced by individuals and organizations by different methods.

2. Lectures, speeches, and other talks specified under Point b Clause 1 Article 14 of the Law on Intellectual Property are works expressed by spoken language and must be fixed in a definite tangible medium.

3. Journalism works specified under Point c Clause 1 Article 14 of the Law on Intellectual Property mean works which have independent contents and complete structure, include: Report, newsflash, narration, interview, reflection, investigation, commentary, leading article, treatise, journalistic prose, and other forms of journalism which are then published or broadcasted on printed newspaper, talking newspaper, photo newspaper, online newspaper, or other media.

4. Musical works specified under Point d Clause 1 Article 14 of the Law on Intellectual Property are works that are expressed in form of notes in a musical arrangement or other music symbols regardless whether they are performed or not.

5. Theatrical works specified under Point dd Clause 1 Article 14 of the Law on Intellectual Property are works that fall under performance arts and include: “Chèo”, “tuồng”, “cải lương”, dance, puppetry, contemporary dance, ballet, play, opera, folk play, physical theater, musical theater, circus, comedy, variety shows, and other performance arts.

6. Motion pictures and works created in similar methods specified under Point e Clause 1 Article 14 of the Law on Intellectual Property are works which have contents expressed by a series of still images in succession or images created by technical, technological equipment; with or without audio and other effects according to film language principles. Still images extracted from a motion picture are parts of that motion picture.

Motion pictures do not include video recordings serving news propagation on radio broadcasting services, television services, the internet; performance art programs, video games; video recordings of activities of one or many people, events, situations, or reality shows.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Paintings: Paintings of lacquer, oil paint, powder, water color, dó paper, and other materials;

b) Graphics: Wood engravings, metal engravings, rubber engravings, plaster engravings, unique prints, rock prints, propaganda paintings, graphic design, and other materials;

c) Sculpture: Statues, monuments, relief, memorials, symbolic blocks;

d) Installation arts and other forms of contemporary art.

Works of art, sculpture, installation art, and other forms of contemporary art exist as unique copies. Works of graphic art can be depicted to the 50th iteration which must be numbered and signed by the authors.

8. Works of applied art specified under Point g Clause 1 Article 14 of the Law on Intellectual Property are works expressed by lines, color, shapes, and compositions with useful functions, potentially associated with a useful item, and manufactured manually or industrially and include: Graphic design (presentation of product logos, identity, and packaging; presentation of characters); fashion design; aesthetic design associated with forming products; aesthetic interior design, interior and exterior decoration. Works of applied art are expressed by aesthetic shaping of products, cannot be easily created by persons with average understanding in respective field, and do not require aesthetic exterior in order to function.

9. Works of photography specified under Clause 1 Article 14 of the Law on Intellectual Property are works depicting images of an objective world on light-sensitive materials or media on which images are created or works depicting images of an objective world created chemically, electronically, or by other technical measures. Works of photography may or may not be accompanied by notes.

10. Works of architecture specified under Point i Clause 1 Article 14 of the Law on Intellectual Property are works in the field of architecture, including:

a) Architectural design drawing of constructions or a combination of constructions, interior, scenery;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



11. Flow charts, graphs, maps, drawings specified under Point k Clause 1 Article 14 of the Law on Intellectual Property include flow charts, graphs, maps, drawings relating to topography, scientific and architectural constructions.

12. Works of folk literature and art specified under Point 1 Clause 1 Article 14 and Clause 1 Article 23 of the Law on Intellectual Property include:

a) Works of folk literature and art specified under Point a Clause 1 Article 23 of the Law on Intellectual Property are arts of words;

b) Works of folk literature and art specified under Point b and Point c Clause 1 Article 23 of the Law on Intellectual Property are performance arts such as “chèo”, “tuồng”, “cải lương”, puppetry, singing rhythm, folk songs, melodies; dance, folk dance, play, folk games, folk festivals, village festivals, other forms of folk ceremonies.

Article 7. Derivative works

Derivative works specified under Clause 2 Article 14 of the Law on Intellectual Property are works created on the basis of one or many existing works, including:

1. Works of translation mean works depicted in languages other than original languages of the works being translated.

2. A derived work is a work that imitates the contents of another work, possibly changes the genre or contains other changes in the same genre, including changing the composition of the original work to better fit different use conditions.

3. A compiled work is a work compiled from a part or the entirety of existing works in a definite theme and may include commentary, assessment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. A selected work is a work selected from existing works of one or many authors in a definite period or theme, including anthology.

6. A modified work is a work that is re-compiled, re-written, re-arranged, or having its expression changed relative to the original work for a specific purpose or requirement.

7. An adapted work means a work that is adapted from one medium to another or one art style to another relative to the work based on which the adapted work is created.

Article 8. Works not eligible for copyright protection

1. Purely reporting news specified under Clause 1 Article 15 of the Law on Intellectual Property are short, daily information, short news, factual figures which are informative but not creative in nature.

2. Legislative documents specified under Clause 2 Article 15 of the Law on Intellectual Property include documents of Governmental agencies, political organizations, socio-political organizations, socio-profession-political organizations, social organizations, socio-profession organizations, and people’s armed forces.

3. Procedures, systems, methods of operation, concepts, principles, and figures specified under Clause 3 Article 15 of the Law on Intellectual Property are construed as follows:

a) Procedures are sequences of actions which must be complied with in order to carry out tasks;

b) A system is a combination of factors, units of the same types or functions that are closely connected or correlated and create a unified form;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Concepts are thoughts reflecting overview of real things and phenomena and how they are connected;

dd) Principles are basic, general rules that govern a series of phenomenon; important initial thoughts or theories and starting points for further development of other theories.

Article 9. Copyrights of lectures, speeches, and other talks

If authors fix lectures, speeches, or other talks in form of audio recordings or video recordings, they shall hold copyrights of the lectures, speeches, and other talks and simultaneously act as right holders of the audio recordings and video recordings in accordance with Point b Clause 1 Article 44 of the Law on Intellectual Property.

Article 10. Copyrights of motion pictures

1. Individuals mentioned under Point a and Point b Clause 1 Article 21 of the Law on Intellectual Property shall have the right to have their names attached to the motion pictures and be named when the motion pictures are published or used. It is permissible to not include name of everyone in the cast and persons carrying out creative works specified under Point b Clause 1 Article 21 of the Law on Intellectual Property in a motion picture due to the use of said motion picture.

2. In case of agreement on naming and/or editing of motion pictures according to Point d Clause 1 Article 21 of the Law on Intellectual Property, screenwriters and directors are not allowed to take advantage of their moral rights to prevent the naming and editing of motion pictures which are compliant with creative and use requirements of the motion pictures.

Authors and copyright holders of scripts in musical works and musical works which are used in motion pictures are only allowed to prohibit distortion of their scripts in musical works and musical works or revision, editing of their scripts in musical works and musical works which harm their reputation or credibility.

3. The right to lease original or copy of motion pictures mentioned under Point e Clause 1 Article 20 of the Law on Intellectual Property is the right of copyright holders to exclusively lease or authorize other individuals to lease for a limited amount of time.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Authors who are copyright holders shall benefit from moral rights under Article 19 of the Law on Intellectual Property and economic rights under Article 20 of the Law on Intellectual Property.

2. Authors who are not copyright holders shall benefit from moral rights under Clauses 1, 2, and 4 Article 19 of the Law on Intellectual Property; copyright holders shall benefit from rights under Clause 3 Article 19 and Article 20 of the Law on Intellectual Property.

3. Authors and organizations, individuals investing finance and technical infrastructures in creation of architectural works can negotiate about repair of architectural works.

Article 12. Copyrights of computer programs

1. Authors who are copyright holders shall benefit from moral rights under Article 19 of the Law on Intellectual Property and economic rights under Article 20 of the Law on Intellectual Property.

2. Authors who are not copyright holders shall benefit from moral rights under Clauses 1, 2, and 4 Article 19 of the Law on Intellectual Property; copyright holders shall benefit from rights under Clause 3 Article 19 and Article 20 of the Law on Intellectual Property.

3. Organizations and individuals that have the right to legally use copies of computer programs are allowed to fix errors of the computer program copies when necessary.

4. The right to lease computer programs under Point e Clause 1 Article 20 of the Law on Intellectual Property is the right of copyright holders to exclusively lease or allow other individuals to lease the computer programs for a limited amount of time.

5. The right to lease computer programs does not apply if the computer programs are not the main subject matter of the lease in accordance with Point e Clause 1 Article 20 of the Law on Intellectual Property such as computer programs associated with normal operation of traffic vehicles or other technical machinery, equipment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Works of folk literature and art specified under Points a, b, and c Clause 1 Article 23 of the Law on Intellectual Property shall be protected by copyrights regardless of their fixation.

2. The use of works of folk literature and art specified under Clause 2 Article 23 of the Law on Intellectual Property means collecting, studying, performing, and introducing values of works of folk literature and art.

3. Citing origins of works of folk literature and art specified under Clause 2 Article 23 of the Law on Intellectual Property means specifying origins, locations of community where the works of folk literature and art are created.

Article 14. Moral rights

1. The right to name their works specified under Clause 1 Article 19 of the Law on Intellectual Property does not apply to works translated from one language to another. The naming of the works must not violate regulations under Clause 2 Article 7 of the Law on Intellectual Property and other relevant law provisions.

2. The right to have their real names or pseudonyms attached to their works under Clause 2 Article 19 of the Law on Intellectual Property applies even when their works are used for derivative works. When authors' works are published or used for derivative works, real names or pseudonyms of the authors must be specified.

3. The right to publish their works or permit other persons to publish their works specified under Clause 3 Article 19 of the Law on Intellectual Property is the issuing of copies of the works in any format in a reasonable quantity for public access depending on the nature of the works by authors or copyright holders or other individuals, organizations with consent of the authors or copyright holders.

Article 15. Public performance right

The right to perform publicly either directly or indirectly via audio recordings, video recordings, or any technological devices in areas accessible to the public where the public cannot freely choose the time or part of the works specified under Point b Clause 1 Article 20 of the Law on Intellectual Property is construed as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. With respect to musical works specified under Point d Clause 1 Article 14 of the Law on Intellectual Property: Copyright holders have the right to exclusively enable or permit other persons to enable the public to audibly perceive the works or perceive the works performed live on stage while the public cannot freely choose time or part of the works. Perception of the works can be done from within the presentation locations, via screens, monitors, speakers, or similar technological devices.

3. With respect to motion pictures specified under Point e Clause 1 Article 14 of the Law on Intellectual Property: Copyright holders have the right to exclusively enable or permit other persons to enable the public to access, perceive motion pictures via technological devices while the public cannot freely choose time or part of the works.

4. With respect to works of fine arts and works of photography specified under Points g and h Clause 1 Article 14 of the Law on Intellectual Property: Copyright holders have the right to implement or permit other persons to implement exhibitions, display, projection of the works to allow the general public to perceive original works or copies of the works.

Article 16. Joint authorship and joint copyright ownership

1. Co-authors who also are co-owners of copyrights shall negotiate about the exercising of moral rights and economic rights of the works in accordance with Clause 3 Article 12a of the Law on Intellectual Property.

2. Co-authors who are not co-owners of copyrights of the works shall negotiate about the exercising of moral rights while co-owners of copyrights of the works shall negotiate about the exercising of economic rights of the works in accordance with Clause 3 Article 45 and Clause 3 Article 47 of the Law on Intellectual Property.

3. Co-authors and co-owners of copyrights are not allowed to reject the use of their works in a regular manner and for common interests.

4. Co-owners of copyrights of the works have the right to waive the rights specified under Clause 3 Article 19 and Clause 1 Article 20 of the Law on Intellectual Property in writing and notify other co-owners of copyrights. Rights of co-owners of copyrights who have waived their rights shall be automatically transferred to other co-owners.

Article 17. Copyright term of post-humous works

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 18. Copyright holders

Copyright holders specified under Article 36 of the Law on Intellectual Property include:

1. Vietnamese organizations and individuals.

2. Foreign organizations and individuals whose works are created and expressed in a definite tangible medium in Vietnam.

3. Foreign organizations and individuals whose works are first published in Vietnam.

4. Foreign organizations and individuals whose works are protected in Vietnam in accordance with International treaties to which Vietnam is a signatory.

Section 2. MORAL RIGHTS

Article 19. Rights of performers

1. The right to directly reproduce performances fixed on audio recordings, video recordings in accordance with Point b Clause 3 Article 29 of the Law on Intellectual Property is the right of right holders to exclusively produce or permit other persons to produce other copies from the audio recordings and video recordings.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The right to communicate unfixed performances to the public specified under Point c Clause 3 Article 29 of the Law on Intellectual Property is the right of right holders to exclusively communicate or permit other persons to communicate unfixed performances to the public by any other technological measures other than broadcasting.

Article 20. Use of broadcasting program

1. Right holders of broadcasting programs specified under Point c Clause 1 Article 44 of the Law on Intellectual Property are broadcasting organizations that invest finance and their technical facilities in broadcasting, unless otherwise agreed.

2. If works, audio recordings, video recordings are used for the purpose of producing broadcasting programs, broadcasting organizations must fulfill obligations towards copyright holders and related right holders as per the law.

3. Organizations and individuals using broadcasting programs of other broadcasting organizations according to Point a and Point b Clause 1 Article 31 of the Law on Intellectual Property to re-broadcast or transmit via cables, electronic information network, telecommunication network, the internet, or any other technological means shall comply with agreements and relevant law provisions. The revision, editing, and addition to broadcasting programs of other broadcasting organizations for the purpose of re-broadcasting or transmitting via cables, electronic information network, telecommunication network, the internet, or any other technological means require agreement with right holders of the broadcasting programs.

Section 3. LICENSING OF COPYRIGHT AND RELATED RIGHTS, USE OF WORKS, PERFORMANCES, AUDIO RECORDINGS, VIDEO RECORDINGS, BROADCASTING PROGRAMS IN SPECIFIC SITUATIONS

Article 21. Licensing of copyright and related rights

Licensing of copyright and related rights specified under Article 47 of the Law on Intellectual Property include permitting organizations and individuals to exclusively or jointly use one or some or all of the rights specified under Clause 1 and Clause 3 Article 19, Clause 1 Article 20, Clause 3 Article 29, Clause 1 Article 30, and Clause 1 Article 31 of the Law on Intellectual Property depending on time, location, and scope of use.

Article 22. Use of works, performances, audio recordings, video recordings, and broadcasting programs where the Government represents copyright ownership and related right ownership

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Use permission and royalties are required for cases under Clause 3 Article 19, Clause 1 Article 20, Clause 3 Article 29, Clause 1 Article 30, and Clause 1 Article 31 of the Law on Intellectual Property;

b) Use permission is not required but royalties are required for cases under Clause 1 Article 26 and Clause 1 Article 33 of the Law on Intellectual Property;

c) Use permission and royalties are not required for cases under Clause 3 Article 20, Clause 1 Article 25, Article 25a, Clause 5 Article 29, Clause 3 Article 30, Clause 3 Article 31, and Clause 1 Article 32 of the Law on Intellectual Property.

2. Organizations and individuals shall fulfill obligations under Clause 1 of this Article towards:

a) Agencies using state budget to place order, assign tasks, and bid for creation of works, performances, audio recordings, video recordings, and broadcasting programs for cases under Point a Clause 1 Article 42 of the Law on Intellectual Property;

b) State authorities governing copyright and related rights of Ministry of Culture, Sports and Tourism for cases under Point b and Point c Clause 1 Article 42 of the Law on Intellectual Property.

3. Organizations and individuals shall apply for use permission of works, performances, audio recordings, video recordings, and broadcasting programs where the Government represents copyright ownership and related right ownership for cases under Point a Clause 1 of this Article as follows:

a) Submit application in person or via post service to agencies under Clause 2 of this Article;

b) Composition of application:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Use plans;

Copies of document proof of payment for approval for the use of works, performances, audio recordings, video recordings, and broadcasting programs where the Government represents copyright ownership and related right ownership (if payment is made via post service or directly to account);

Power of attorney (notarized, certified, or consular legalized) if the application is submitted via authorization.

c) Within 30 days from the date on which adequate application is received,, agencies under Clause 2 of this Article shall send notice on royalty payment and royalty estimates to the applicants;

d) The applicants, upon receiving the notice, must pay royalties in accordance with royalty estimates within 5 working days (including proof of royalty payment);

dd) Within 5 working days from the date on which royalties are received, agencies under Clause 2 of this Article shall promulgate documents approving the use of works, performances, audio recordings, video recordings, and broadcasting programs where the Government represents copyright ownership and related right ownership;

e) Applicants, upon having the use permission approved, shall remain under inspection and examination of competent authorities regarding the use of works, performances, audio recordings, video recordings, and broadcasting programs in accordance with the approved applications;

g) Application shall be rejected when:

The application is inadequate in accordance with Point b of this Clause;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. State authorities governing copyrights and related rights of the Ministry of Culture, Sports and Tourism shall be responsible for receiving copyrights and related rights licensed by organizations and individuals under Point b and Point c Clause 1 Article 42 of the Law on Intellectual Property as per the law.

5. State authorities, organizations, and individuals upon discovering infringement of copyrights or related rights under Clause 1 of this Article have the right to request competent authorities to take actions as per the law.

Article 23. Use of works, performances, audio recordings, video recordings, and broadcasting programs where the Government represents the right to management of copyright, related right

1. Works, performances, audio recordings, video recordings, and broadcasting programs where the Government represents the right to management of copyright sand related rights specified under Clause 2 Article 42 of the Law on Intellectual Property include:

a) Works, performances, audio recordings, video recordings, and broadcasting programs where copyright holders, related right holders, copyright co-owners, related right co-owners cannot be identified: Mean works, performances, audio recordings, video recordings, and broadcasting programs which have been published without any information on authors, performers, copyright holders, related right holders or with information on authors, performers, copyright holders, related right holders which are Vietnamese organizations and individuals which cannot be reached;

b) Anonymous works: Mean works which have unknown or undisclosed authors (real name or pseudonym) when the works are published.

Authors, performers, copyright holders, related right holders, copyright co-owners, related right co-owners specified under Point a and Point b of this Clause shall be hereinafter referred to as “right holders”.

2. Organizations and individuals wishing to use works, performances, audio recordings, video recordings, or broadcasting programs under Clause 1 of this Article shall apply to state authorities governing copyrights and related rights of Ministry of Culture, Sports and Tourism in person or via post service after failing to search for or contact the right holders.

3. Application for approval for use of works, performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs where the Government represents the right to management of copyright and related rights consists of:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Use plans;

c) Documents proving search effort mentioned under Clause 2 of this Article include:

Documents proving search effort for right holders in the Registration catalog on copyrights and related rights on websites of copyrights and related rights;

Documents on the search for right holders sent to organizations acting as collective representatives of copyright or related rights in the same field as the works, performances, audio recordings, video recordings, and broadcasting programs in question which are not replied or are replied without information on right holders after 30 days from the date of submission.

If organizations acting as collective representatives of copyright or related rights in the same field are absent, the documents must be sent to at least 2 organizations and individuals who have used or are using the works, performances, audio recordings, video recordings, and broadcasting programs in question (if any);

Documents proving the use of electronic devices for the purpose of looking up information on right holders on telecommunication network and the internet.

d) Copies of document proof of payment for approval for the use of works, performances, audio recordings, video recordings, and broadcasting programs where the Government represents the right to management of copyright and related right (if payment is made via post service or directly to account);

dd) Power of attorney (notarized, certified, or consular legalized) if the application is submitted via authorization.

4. Within 20 days from the date on which adequate application is received, authorities under Clause 2 of this Article shall:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) If right holders or authorized persons (if any) object to the request, they shall submit documents on objection and documents proving their position as right holders to authorities under Clause 2 of this Article. Document proof includes:

Documents under Clause 1 and Claus 2 Article 77 of this document;

Original copies or notarized, certified, or consular legalized copies of contracts for creative works, licensing, gifting, trading, capital contribution, transfer of use right of copyright and related rights; documents on task assignment, inheritance or similar documents in case right holders receive transferred copyright and related rights or inherit copyright and related rights as per the law.

Letter of attorney (notarized, certified, or consular legalized) in case persons making the objection is the authorized persons.

c) If right holders or authorized persons (if any) within 30 days from the date of upload under Point a of this Clause, they are considered to have waived the chance to object.

5. At the end of the time limit under Point c Clause 4 of this Article, authorities under Clause 2 of this Article shall review the application and notify the results as follows:

a) If documents on objection are received and right holders have been identified in accordance with assumption of copyright and related rights and other relevant law provisions, authorities under Clause 2 of this Article shall send notice on the results within 30 days to right holders and applicants to allow the parties to negotiate about the use in a law-compliant manner;

b) If documents on objection are not received or right holders cannot be identified in accordance with assumption of copyright and related rights and other relevant law provisions and the application is not rejected in accordance with Point a and Point c Clause 7 of this Article, authorities under Clause 2 of this Article shall send notice on royalty payment and royalty estimates within 30 days to the applicants.

The applicants, upon receiving the notice, must pay royalties in accordance with the royalty estimates within 5 working days (including proof of royalty payment);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The approved use shall be available a definite amount of time and considered for extension if the applicants submit applications.

6. Applicants having their applications approved must pay royalties and stay under examination and inspection of competent authorities regarding the use of works, performances, audio recordings, video recordings, and broadcasting programs in accordance with their approved applications.

7. Application for approval for use is rejected when:

a) The application is inadequate in accordance with Clause 3 of this Article;

b) The right holders have been identified in accordance with Point b Clause 4 of this Article;

c) The right holders prohibited the use of their works, performances, audio recordings, video recordings, or broadcasting programs prior to being unable to be found or contacted;

d) The applicants fail to pay royalties before the deadline under Point b of this Clause.

8. Responsibilities for managing royalties:

a) Authorities under Clause 2 of this Article are responsible for collecting royalties in accordance with Point b Clause 5 of this Article and opening a royalty account for all right holders who cannot be found or contacted.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) If right holders cannot be found or contacted within 5 years from the date on which the request is uploaded on websites on copyright and related rights, royalties shall be used to encourage creative works, publicize and promote copyright, related right protection as per the law after subtracting costs for administration and search as per the law.

9. State authorities, organizations, and individuals upon discovering infringement of copyrights or related rights under this Article have the right to request competent authorities to take actions as per the law.

Article 24. Use of works, performances, audio recordings, video recordings, and broadcasting programs in the public domain

1. Organizations and individuals using works, performances, audio recordings, video recordings, and broadcasting programs in the public domain as specified under Article 43 of the Law on Intellectual Property must respect moral rights under Clauses 1, 2, and 4 Article 19 and Clause 2 Article 29 of the Law on Intellectual Property.

2. Regulatory authorities, organizations and individuals holding related rights and obligations, upon discovering infringement of moral rights under Clauses 1, 2, and 4 Article 19 and Clause 2 Article 29 of the Law on Intellectual Property of works, performances, audio recordings, video recordings, or broadcasting programs whose copyright term has ended have the right to request persons committing the infringement to cease the infringement, publish public apology and rectification, file complaints or request complete authorities to take actions as per the law.

3. Political organizations, socio-political organizations, professional-social political organizations, social organizations, professional-social organizations, organizations acting as collective representatives of copyright and related rights have the right to request competent authorities to protect moral rights of works, performances, audio recordings, video recordings, or broadcasting programs of their members that have ended protection term.

Chapter III

LIMITS AND EXCEPTIONS OF COPYRIGHTS, RELATED RIGHTS

Section 1. COPYRIGHT EXCEPTIONS, RELATED RIGHT EXCEPTIONS

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Reasonable partial reproduction of works by copying devices for individual scientific research, studying purposes and not for commercial purposes according to Points b and e Clause 1 Article 25 of the Law on Intellectual Property means to reasonably reproduce no more than one copy containing a part of the works.

2. Copying devices mentioned under Points a, b, and e Clause 1 Article 25 of the Law on Intellectual Property mean devices that can perform copying function and have all or part of relevant components automated with or without payments made by persons not affiliated to organizations possessing, owning, or using the devices for commercial purposes.

3. With respect to works expressed in form of handwriting, reasonable reproduction under Clause 1 of this Article means to reproduce in form of photocopy, photography, or other means no more than 10% of total page count, storage unit (bytes), word count of publication, or general length of publication in case of works provided in form of unpaginated electronic publications.

Reasonable reproduction using copying devices stated under this Clause must be separate between organizations and individuals. If any repetition occurs within the same works, it must be unrelated occurrence.

4. Organizations and individuals reproducing works expressed in form of handwriting more than what is allowed under Clause 3 of this Article must acquire permission from copyright holders, pay royalties, and offer other tangible benefits (if any) to copyright holders.

Article 26. Reasonable use of works

1. Reasonable use of works as illustrations in lectures, unfixed performances for lecture purposes specified under Point c Clause 1 Article 25 of the Law on Intellectual Property must satisfy requirements below:

a) The use of works as illustrations in lectures, unfixed performances must ensure that the works are used only within the class of education institutions and accessed only by learners and lecturers in the class.

If the works are used in knowledge or skill tests and exams in formal education system, the works can be used to a necessary degree;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Reasonable use of works as illustrations in works, fixed performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs for the purpose of lecturing specified under Point c Clause 1 Article 25 of the Law on Intellectual Property must be contained within education institutions and satisfy other requirements under Article 28 hereof.

Article 27. Use of works in public affairs of regulatory authorities

The use of works in public affairs of regulatory authorities mentioned under Point d Clause 1 Article 25 of the Law on Intellectual Property means the situation where public officials and officials reproduce, adapt, exhibit, or display works for the purpose of performing public affairs of regulatory authorities in accordance with the Law on Officials and Public Officials.

Article 28. Reasonable citation of works

Reasonable citation of works as specified under Point dd Clause 1 Article 25 of the Law on Intellectual Property must satisfy all requirements below:

1. The cited sections only serve to introduce, comment on, or explain issues mentioned in the works.

2. The cited sections must not unreasonably damage legal benefits of authors and copyright holders of the cited works; fit the nature and characteristics of the type of cited works.

3. Citation must include direction to origin of the source materials and name of authors if the authors are named on the works that are being cited.

Article 29. Use of works in libraries for non-commercial purposes

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Reasonably reproducing part of works by copying devices for research and study purposes as specified under Point e Clause 1 Article 25 of the Law on Intellectual Property shall conform to Article 25 hereof and must include information copyrights on the works from which copies are reproduced as per the law or detail notes about copyright protection of the works if no other information on copyrights is found on the works from which copies are reproduced.

3. Reproducing or transmitting archived works for use between libraries via computer network as specified under Point e Clause 1 Article 25 of the Law on Intellectual Property must be protected by measures for preventing infringement of copyrights and measures for preventing the works in digital form from being accessed by the public outside of the libraries that legally use the copies.

4. Copying devices located in libraries must be accompanied by notice requiring compliance with copyright laws when producing copies.

Article 30. Copyright exceptions applied to persons with disabilities

1. Persons with disabilities specified under Point m Clause 1 Article 25 and Article 25a of the Law on Intellectual Property and this Article include:

a) Persons having visual impairment;

b) Persons with disabilities that render him/her unable to read printed materials or otherwise read the works in a conventional manner are construed as: Persons suffering from reduction or loss of awareness or the ability to read which cannot be improved thereby causing them to be unable to read printed works like a regular person or persons with disabilities who are unable to hold or use books or similar printed works or move their eyes to read at a regular level.

2. Accessible copies mentioned under Article 25a of the Law on Intellectual Property mean copies of works expressed in form of raised dots, audio recording, digital transformation, text-to-speech, sign language, or other format or methods that allow persons with disabilities to access the works conveniently.

3. Organizations satisfying requirements under Clauses 2, 3, 4, and 5 Article 25a of the Law on Intellectual Property are non-profit organizations, regulatory authorities whose operation or functions and tasks involve providing services for persons with disabilities in the field of education, training, information access, and reading in appropriate format and methods, including:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Integrative education development support centers specified under the Law on Persons with Disabilities;

c) Care centers for persons with disabilities include service centers for persons with disabilities, center for independent living of persons with disabilities, and other care centers for persons with disabilities specified under the Law on Persons with Disabilities;

d) Organizations of persons with disabilities, organizations for persons with disabilities specified under the Law on Persons with Disabilities;

dd) Schools for persons with disabilities according to the Law on Education;

e) Libraries serving persons with disabilities according to the Law on Library;

g) Other organizations meeting requirements above and acquiring approval of regulatory authorities.

4. Organizations under Point g Clause 3 of this Article shall apply for approval as follows:

a) Organizations other than those mentioned under Points a, b, c, dd, and e Clause 3 of this Article that wish to reproduce, distribute, perform, or communicate works in a form of accessible copies according to Clauses 2, 3, 4, and 5 of Article 25a of the Law on Intellectual Property shall submit application to state authorities governing copyrights and related rights affiliated to the Ministry of Culture, Sports and Tourism together with relevant documents.

Within 30 days from the date on which adequate application is received, state authorities governing copyrights and related rights affiliated to the Ministry of Culture, Sports and Tourism shall promulgate decisions allowing or not allowing the applicants to apply copyright exceptions applied to persons with disabilities;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Applications consist of:

Form No. 3 under Appendix III attached hereto;

Use plans;

Certified true copies of business registration certificate or certificate of operation registration or decision on establishment of the applicants and other document proof meeting requirements under Clause 3 of this Article;

d) Applicants that have acquired approval are not allowed to transfer the approved rights to other organizations or individuals.

5. Organizations mentioned under Clause 3 and Clause 4 of this Article must:

a) ensure that their accessible copies satisfy requirements under Clause 1 Article 25a of the Law on Intellectual Property;

b) send list of copies of works in accessible format to state authorities governing copyrights and related rights affiliated to the Ministry of Culture, Sports and Tourism and publish this list on their websites if they have their own websites;

c) respect right to privacy of persons with disabilities similar to right to privacy of other people;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Counterparts under international agreements to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory specified under Clause 3 and Clause 5 Article 25a of the Law on Intellectual Property refer to organizations permitted by other member states of the agreements.

Article 31. Reasonable reproduction of a part of performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs

Reasonable reproduction of a part of performances, audio recordings, video recordings, or broadcasting programs for direct teaching by individuals and for non-commercial purposes specified under Point c Clause 1 Article 32 of the Law on Intellectual Property must satisfy requirements below:

1. The reproduced part of performances, audio recordings, video recordings, and broadcasting programs must only serve the teaching periods in education institutions and only be accessed by learners, teachers in said teaching periods.

If the works are used in knowledge or skill tests and exams in formal education system, the works can be reproduced to a necessary degree.

2. The reproduction must not unreasonably damage legal benefits of related right holders.

3. This regulation does not apply to published performances, audio recordings, audio recordings, broadcasting programs used in teaching.

Article 32. Reasonable citation of performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs

1. Reasonable citation for the purpose of news production under Point d Clause 32 of the Law on Intellectual Property refers to the use of excerpts purely for reporting news.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The citation serves only to introduce, comment on, or elaborate on issues in news production;

b) Cited sections of performances, audio recordings, video recordings, and broadcasting programs must not unreasonably damage legal benefits of performers, related right holders of the performances, audio recordings, video recordings, and broadcasting programs that are being cited; suit the nature and characteristics of performances, audio recordings, video recordings, and broadcasting programs that are being cited.

Article 33. Temporary copies

Temporary copies specified under Point dd Clause 1 Article 32 of the Law on Intellectual Property mean a limited-term fixed copies implemented by broadcasting organizations via their equipment and devices to serve next their broadcast sessions. In special cases, these copies shall be stored in official archive centers.

Section 2. LIMITATIONS OF COPYRIGHTS AND RELATED RIGHTS

Article 34. Use of works, audio recordings, video recordings in case of limited copyrights, related rights

1. Using works that have been permitted by copyright holders to be fixed on audio recordings, video recordings published for commercial use in business and commercial operations as specified under Point b Clause 1 Article 26 of the Law on Intellectual Property; audio recordings and video recordings published for commercial use in business and commercial operations as specified under Point b Clause 1 Article 33 of the Law on Intellectual Property means the situation where organizations and individuals using works, audio recordings, video recordings published for commercial use in restaurants, cafes, hotels, stores, supermarkets, playgrounds, recreation areas, shopping malls, sports clubs, health care - beauty centers, karaoke venues, bars, discotheques, during operation of aviation sector, public transportation, similar business and commercial operations.

2. Organizations and individuals using works, audio recordings, and video recordings under Clause 1 Article 26 and Clause 1 Article 33 of the Law on Intellectual Property are required to directly communicate with copyright holders, performers, and related right holders of audio recordings, video recordings or organizations acting as collective representatives of copyright or related rights regarding the use, list containing name and duration of works, audio recordings, and video recordings used, and pay royalties as per the law.

If copyright holders, performers, or related right holders of audio recordings or video recordings cannot be found or reached, organizations and individuals using the works, audio recordings, and video recordings shall fulfill obligations to competent authorities according to Clause 6 Article 23 hereof while competent authorities continue to search and manage according to Clause 8 Article 23 hereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 35. Royalty payment in case of limited copyrights, related rights

1. Organizations and individuals using works, audio recordings, video recordings published for commercial purposes in broadcasting with sponsorships, advertisements, or any form of charges as specified under Point a Clause 1 Article 26 and Point a Clause 1 Article 33 of the Law on Intellectual Property are not required to acquire permission but are required to pay royalties for copyright holders, performers, related right holders for audio recordings, video recordings as per agreement from the date of use; if agreement cannot be reached, royalties must be paid in accordance with Appendix I hereof or lawsuits must be filed at court as per the law.

2. Organizations and individuals using works, audio recordings, video recordings published for commercial purposes in broadcasting without sponsorships, advertisements, and any form of charges specified under Point a Clause 1 Article 26 and Point a Clause 1 Article 33 of the Law on Intellectual Property are not required to acquire permission but are required to pay royalties for copyright holders, performers, and related right holders for audio recordings and video recordings in accordance with Appendix I hereof.

3. Broadcasting organizations using works, audio recordings, and video recordings in according with Clause 1 and Clause 2 of this Article shall pay royalties on the basis of one calendar year. If broadcasting organizations fail to pay royalties within 90 days from the end of a financial year in accordance with Clause 1 and Clause 2 of this Article, the organizations must stop using the works, audio recordings, and video recordings.

This Clause does not apply in case the parties have other agreements.

4. Organizations and individuals using audio recordings and video recordings published for commercial purposes in their business and commercial operations according to Point b Clause 1 Article 26, Point b Clause 1 Article 33 of the Law on Intellectual Property and Clause 1 Article 34 hereof are not required to acquire permission but are required to pay royalties for copyright holders, performers, related right holders for the audio recordings and video recordings as per agreement; if no agreement is reached, royalties must be paid in accordance with Appendix II hereof or lawsuits must be filed at court as per the law Failure to pay royalties within 90 days from the date of use requires immediate suspension of use.

Article 36. Use of the right to translate works in foreign languages to Vietnamese for teaching and research of non-commercial nature

1. Vietnamese organizations and individuals that wish to translate works that have been distributed or expressed to the public legally for teaching and research of non-commercial nature shall submit application for approval of translation from foreign language to Vietnamese for teaching and research of non-commercial nature to state authorities governing copyright and related right affiliated to the Ministry of Culture, Sports and Tourism in person together with proof indicating that the applicants have previously requested copyright holders to grant them permission to translate the works into Vietnamese and have been rejected or failed to reach an agreement or have failed to find copyright holders as long as any of the requirements below are met:

a) Copyright holders have not translated or allowed any organization, individual to translate their works into Vietnamese within 3 years from the initial publication of the works;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Procedures for application:

a) Applicants shall submit application to state authorities governing copyright and related rights affiliated to the Ministry of Culture, Sports and Tourism in person or via post service;

b) Within 20 days from the date on which adequate application is received, authorities under Point a of this Clause shall send notice on the applicant’s application for approval of translating works from foreign languages to Vietnamese for teaching and research of non-commercial nature to copyright holders and websites on copyright and related rights;

c) Within at least 6 months from the date on which notice is uploaded in accordance with Point b of this Clause, authorities under Point a of this Clause shall send notice on royalty payment and royalty estimates to the applicants;

d) The applicants, upon receiving the notice, must pay royalties in accordance with royalty estimates within 5 working days (including proof of royalty payment);

dd) Upon receiving royalty payment, authorities under Point a of this Clause shall promulgate documents approving the translation of works from foreign languages to Vietnamese for teaching, research of non-commercial nature within 5 working days;

e) Authorities under Point a of this Clause are responsible for transferring royalty payment to copyright holders in accordance with regulations on foreign exchange management and other relevant law provisions. If copyright holders cannot be found, comply with Clause 8 Article 23 hereof.

3. Application consists of:

a) Form No. 4 under Appendix III attached hereto;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Documents proving failed effort to request permission from copyright holders to translate their works to Vietnamese or failed effort to search for copyright holders;

d) Documents proving fulfillment of conditions under Point a or Point b Clause 1 of this Article;

dd) Copies of payment orders for fees for approval of translating works from foreign languages to Vietnamese for teaching and research of non-commercial nature (if fees are paid via post service or directly to accounts);

e) Power of attorney (notarized, certified, or consular legalized) if the application is submitted via authorization.

4. Organizations and individuals that have acquired approval are only allowed to translate and publish translation of approved works and are not allowed to transfer the right to translate to other organizations and individuals.

Authorities under Point a Clause 2 of this Article must not allow any other organizations and individuals to translate works approved for translation to Vietnamese if documents granting approval have not expired or have expired for less than 6 months.

5. If copyright holders have published Vietnamese translation of their works which are similar to printed materials that are the subject of approval documents under this Article and have distributed printed materials at a reasonable price in Vietnam, authorities under Point a Clause 2 of this Article shall issue decision revoking the approval documents. Remaining copies of printed materials implemented or published before decisions on revocation of competent authorities are promulgated are allowed to be distributed.

6. Organizations and individuals that have acquired approval are not allowed export copies of materials or publications approved for Vietnamese translations, except for cases where:

a) The recipients in foreign countries are Vietnamese nationals;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) The distribution of the printed materials is not of commercial nature;

d) Countries in which the printed materials is distributed allow distribution of printed materials from Vietnam or from within the countries.

Article 37. Use of the right to reproduce in teaching and research of non-commercial nature

1. Vietnamese organizations and individuals wishing to reproduce works that have been distributed or expressed to the public legitimately for teaching and research of non-commercial nature must submit application for works reproduction for teaching and research of non-commercial nature to authorities governing copyright and related rights affiliated to the Ministry of Culture, Sports and Tourism together with proof indicating that the applicants have previously requested copyright holders to grant them permission to reproduce the works have been rejected or failed to reach an agreement as long as any of the requirements below are met:

a) Copyright holders have not distributed their works to the general public in Vietnam within 5 years from the first publication or 3 years from the first publication in case of works in the field of natural sciences, physics, mathematics, technology or 7 years from the first publication in case of novels, poems, stage plays, musical works, artistic works;

b) Copyright holders have distributed copies and there are no more copies available on the market past the time limits under Point a of this Clause.

2. The application of Clause 1 of this Article must comply with requirements below:

a) The applicants have requested permission to reproduce and publish the works from copyright holders and have been rejected or have failed to find copyright holders by all means necessary;

b) If the applicants fail to find copyright holders, the applicants have then submitted a copy of their request for authorization to publishers that are named on the works via post at least 3 months prior to the application;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Name of the authors and specific name of publication of the works are printed on all copies of the works;

dd) The authors have not withdrawn from existing copies of the works.

3. Procedures for application:

a) Vietnamese organizations and individuals that wish to reproduce works that have been distributed or expressed to the general public legitimately for teaching and research of non-commercial nature shall submit application to state authorities governing copyrights and related rights affiliated to the Ministry of Culture, Sports and Tourism in person or via post service;

b) Within 20 days from the date on which adequate application is received, authorities under Point a of this Clause shall send notice on applicant's application for approval of reproducing works that have been distributed or expressed to the public legitimately for teaching and research of non-commercial nature to copyright holders and websites on copyright and related rights;

c) Authorities under Point a of this Clause shall send notice on royalty payment and royalty estimates to the applicants after at least 6 months for works in the field of natural sciences, physics, mathematics, technology or 3 months for other works from the date on which the notice is sent in accordance with Point b of this Clause;

d) The applicants, upon receiving the notice, must pay royalties in accordance with royalty estimates within 5 working days (including proof of royalty payment);

dd) Upon receiving royalty payment, authorities under Point a of this Clause shall promulgate documents approving the reproduction of works for teaching, research of non-commercial nature within 5 working days;

e) Authorities under Point a of this Clause are responsible for transferring royalty payment to copyright holders in accordance with regulations on foreign exchange management and other relevant law provisions. If copyright holders cannot be found, comply with Clause 8 Article 23 hereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Form No. 5 under Appendix III attached hereto;

b) Use plans;

c) Documents proving failed effort to request permission from copyright holders to reproduce their works or failed effort to search for copyright holders;

d) Documents proving fulfillment of conditions under Point a and Point b Clause 1 of this Article;

dd) Copies of payment orders for fees for approval of reproducing works for teaching and research of non-commercial nature (if fees are paid via post service or directly to accounts);

e) Power of attorney (notarized, certified, or consular legalized) if the application is submitted via authorization.

5. Organizations and individuals that have acquired approval are only allowed to reproduce and publish copies of approved works and are not allowed to transfer the right to reproduce to other organizations and individuals.

Chapter IV

COPYRIGHT AND RELATED RIGHT REGISTRATION

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Authors, copyright holders, related right holders that are Vietnamese individuals and organizations, foreign individuals residing in Vietnam, foreign organizations placing head offices, representative offices, or branches in Vietnam shall submit application for registration of copyright and related rights in person or via legal representatives in Vietnam.

2. Authors, copyright holders, related right holders that are foreign individuals not residing in Vietnam on a regular basis or foreign organizations without head offices, representative offices, or branches in Vietnam shall submit application for registration of copyright and related rights on level 4 online public service portal or by authorizing counseling organizations and service providers regarding copyright and related rights in Vietnam.

3. Legal representatives under Clause 1 of this Article include:

a) In case of individual applicant: Authorized legal representatives, counseling organizations, service providers regarding copyright and related rights;

b) In case of organization applicant: Legal representatives of the applicants or individuals affiliated to organizations authorized by legal representatives of the applicants; counseling organizations, service providers regarding copyright and related rights authorized by the applicants; heads of head offices, representative offices, or branches in Vietnam in case of foreign applicant organizations.

4. Eligibility for issuance, re-issuance, and revision of Certificate of registered copyright or a Certificate of registered related rights:

a) Authors, co-authors, copyright holders, copyright co-owners of works, performers, related right holders, related right co-owners of performances, audio recordings, video recordings satisfy requirements under Article 12a, Article 13, and Article 16 of the Law on Intellectual Property;

b) Works, performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs fall under formats or categories specified under Article 14 and Article 17 of the Law on Intellectual Property;

c) Composition of application conforms to Article 39, Article 40, and Article 41 hereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Applicants shall submit application in accordance with Clauses 1, 2, 3, and 8 of this Article, Clause 1 Article 39, Clause 2 Article 40, and Clause 2 Article 41 hereof and pay fees, charges as per the law;

b) Competent authorities shall review, classify, and consider legitimacy of the application within 1 month from the date on which they receive the application;

c) In case of inadequate application, competent authorities shall request the applicants to make adjustments to the application.

The applicants must adjust their application within 1 month from the date on which they receive notice requesting adjustment to their application except for force majeure or other objective hindrance as per the law. If the applicants fail to make adequate adjustment or any adjustment at all, competent authorities shall return their application;

d) Competent authorities shall keep 1 copy of the works of which copyright is registered or 1 fixed copy of the subject of which related rights are registered; return 1 copy of the works of which copyright is registered or 1 fixed copy of the subject of which related rights are registered that have been sealed and specified with number of certificate of registered copyright, certificate of registered related right to the applicants as an inseparable component of the certificate of registered copyright, certificate of registered related right.

6. If application is submitted via authorization, the application must contain power of attorney. The power of attorney must include specific contact information of the authorizing party, the authorized party; name of works, performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs, scope of authorization, and duration of authorization.

If authorizing party are individuals, the power of attorney must be certified as per the law.

7. Documents in application for registration of copyright, related rights must be presented in Vietnamese; or translated from other languages to Vietnamese (certified or consular legalized); typed out or printed using permanent, clear, clean ink, not erased or edited. If any insignificant typographical error is found in the submitted documents, the applicants are allowed to correct the error as long as they append their countersignature (and seal, if any) to the correction.

8. Application for registration of copyright and related right shall be submitted to state authorities governing copyright and related rights affiliated to the Ministry of Culture, Sports and Tourism in person or via post service or via online public service portal.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Application for issuance of Certificate of registered copyright, Certificate of registered related rights under Clause 2 Article 50 of the Law on Intellectual Property consists of:

a) Application for registration of copyright, related rights (using specified form) attached with signature or fingerprints of authors, copyright holders, related right holders unless they are physically incapable of appending their signatures and fingerprints;

b) 2 copies of the works (including electronic copies) or 2 fixed copies of performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs;

c) Power of attorney if the applicants are authorized by authors, copyright holders, related right holders in accordance with Clause 6 Article 38 hereof;

d) Proof of copyright ownership:

Identification documents for individuals: 1 copy of Identity Card or Citizen ID Card or Passport;

Legal status documents for organizations: 1 copy of business registration certificate or business establishment license or decision on establishment;

Documents proving right ownership due to assignment of creative works mean documents assigning tasks or confirmation of tasks assigned to affiliated individuals;

Documents proving right ownership due to creative contracts mean contracts, regulations, rules of competition;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Documents proving right ownership due to transfer of rights mean contracts for transfer, gift, trading, capital contribution in writing and notarized, certified as per the law;

If authors are not right holders, the authors must present commitment on creative freedom and creativity under decisions on confirmation of assignment; contracts; competition participation, and be responsible for the commitment.

Documents proving right ownership due to assignment of creative tasks, creative contracts under this Clause must be the original copy or notarized, certified true copies;

dd) Written consent of co-authors, if there are multiple authors;

e) Written consent of co-owners if copyright, related rights are under joint ownership;

g) If the works contain images of other individuals, written consent produced by these individuals is required as per the law.

2. Competent authorities shall reject the application for issuance of Certificate of registered copyright, Certificate of registered related right, return the application, and notify the applicants in writing when:

a) Requirements under Clause 4 Article 38 hereof are not met;

b) The works, performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs are found to have format or contents that: Violate the Constitution, regulations and law; plot against the Communist Party or the Government of the Socialist Republic of Vietnam; contradict fine traditions, customs, morals of the people; engage in superstition and details of other nature as per the law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Competent authorities do not receive adequate application or adequate adjusted application after the time limit under Point c Clause 5 Article 38 hereof.

3. In case of adequate application, competent authorities are responsible for issuing Certificate of registered copyright, Certificate of registered related right within 15 working days.

Article 40. Re-issuance of Certificate of registered copyright, Certificate of registered related rights

1. Certificate of registered copyright, Certificate of registered related right shall be re-issued if the previous copy is lost or damaged.

2. Application for re-issuance of Certificate of registered copyright, Certificate of registered related right consists of:

a) Application for registration of copyright, related rights (using specified form) attached with signature or fingerprints of authors, copyright holders, related right holders unless they are physically incapable of appending their signatures and fingerprints;

b) 2 copies of works, fixed copies of performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs;

c) Power of attorney if the applicants are authorized by authors, copyright holders, related right holders in accordance with Clause 6 Article 38 hereof;

d) Original copies of Certificate of registered copyright, Certificate of registered related right that have been damaged together with copies of works, fixed copies of performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs that bear the seal and number of Certificate of registered copyright, Certificate of registered related right.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Certificate of registered copyright, Certificate of registered related right is not damaged enough to warrant re-issuance of the certificates;

b) The works, performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs for which Certificate of registered copyright, Certificate of registered related right have been changed.

c) Cases under Points b, c, and d Clause 2 Article 39 hereof occur.

4. In case of adequate application, competent authorities are responsible for re-issuing Certificate of registered copyright, Certificate of registered related right within 7 working days.

Article 41. Revision of Certificate of registered copyright, Certificate of registered related rights

1. Certificate of registered copyright and Certificate of registered related rights shall be revised due to changes to copyright holders, related right holders, or changes to information on authors, copyright holders, related right holders, works, performances, audio recordings, video recordings, or broadcasting programs.

2. Application for revision of Certificate of registered copyright, Certificate of registered related right consists of:

a) Application for registration of copyright, related rights (using specified form) attached with signature or fingerprints of authors, copyright holders, related right holders unless they are physically incapable of appending their signatures and fingerprints;

b) 2 copies of works, fixed copies of performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Original copies of Certificate of registered copyright, Certificate of registered related right together with copies of works, fixed copies of performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs that bear the seal and number of Certificate of registered copyright, Certificate of registered related right.

3. Competent authorities shall reject revision request, return the application, and notify the applicants in writing when:

a) The works, performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs for which Certificate of registered copyright, Certificate of registered related right have been changed;

b) Cases under Points b, c, and d Clause 2 Article 39 hereof occur.

4. In case of adequate application, competent authorities are responsible for issuing revised Certificate of registered copyright, Certificate of registered related right within 12 working days.

Article 42. Annulment of Certificate of registered copyright, Certificate of registered related rights

1. State authorities governing copyright and related rights affiliated to the Ministry of Culture, Sports and Tourism are allowed to annul Certificate of registered copyright, Certificate of registered related right for cases under Clause 2 and Clause 3 Article 55 of the Law on Intellectual Property.

2. Organizations and individuals holding Certificate of registered copyright, Certificate of registered related right shall apply for annulment of Certificate of registered copyright, Certificate of registered related right as follows:

a) The applicants shall submit application for annulment of Certificate of registered copyright, Certificate of registered related right and pay fees as per the law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Form No. 6 under Appendix III attached hereto;

Power of attorney if the applicants are authorized by authors, copyright holders, related right holders in accordance with Clause 6 Article 38 hereof;

Proof (if any);

Original copies of Certificate of registered copyright, Certificate of registered related right together with copies of works, fixed copies of performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs that bear the seal and number of Certificate of registered copyright, Certificate of registered related right;

c) Competent authorities shall review, classify, and consider legitimacy of the application within 1 month from the date on which they receive the application;

d) In case of inadequate application, competent authorities shall request the applicants to make adjustments to the application.

The applicants must adjust their application within 1 month from the date on which they receive notice requesting adjustment to their application except for force majeure or other objective hindrance as per the law. If the applicants fail to make adequate adjustment or any adjustment at all, competent authorities shall return their application;

dd) In case of adequate application, competent authorities are responsible for issuing revised Certificate of registered copyright, Certificate of registered related right within 15 working days.

Article 43. Requirements of works, performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs in application for registration of copyright and related rights

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Works, performances, audio recordings, video recordings, and broadcasting programs which are entirely or partially expressed in languages other than Vietnamese must be accompanied by transcriptions in Vietnamese.

3. Works expressed in shorthand or other similar format must be accompanied by transcriptions in Vietnamese which are verified by competent authorities as per the law.

4. Woks of motion pictures must include screenplays which are written creative works of screenwriters which depict the entire development of the plot; shooting scripts which are written creative works of directors which depict professional techniques and methods of shooting a motion picture based on the screenplays.

5. With respect to works of fine arts: Copies of the works mean photos taken from any angle that accurately depict the composition, contours, color, and shapes of the works.

6. Works of applied art must meet requirements below:

a) Copies of the works must be depicted on A4 paper with accurate composition, contours, color, and shapes;

b) If the works contain letters or words that are not Vietnamese, these letters and words must be accompanied by Vietnamese pronunciation and translated to Vietnamese (if possible). If the works contain numbers other than Arabic or Roman numbers, the numbers must be translated to Arabic numbers;

c) Works containing information relating to medical, education, or other field require confirmation and assessment documents issued by competent authorities.

7. Works of architecture must include technical drawings depicting architectural components (including floor plan, elevation from different angles, first-angle projection) and 3D visualization. The works must be paginated in order.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



9. Computer programs: Copies of computer programs include CDs containing the computer programs (with a piece of paper containing the name of the computer program stick to one side of the CD) and photocopies on A4 paper containing the entire interface and code of the computer programs. If printed copies of code of computer programs are at least 100 pages in length, applicants are only required to print the first 25 pages, the middle 25 pages, and the last 25 pages.

10. Copies of works for copyright registration are replaced by photos depicting distinctive works such as paintings, statues, monuments, relief, murals; works that are large in size, clunky, or unique prints in three dimensions.

Article 44. Effective period of Certificate of registered copyright, Certificate of registered related rights

All types of Certificate of registered copyright and Certificate of registered related rights issued by the Copyright Protection Firm of Vietnam, the Copyright Protection Agency of Vietnam, Literature – Art Copyright Office or the Copyright Office of Vietnam still remain valid.

Chapter V

ORGANIZATIONS ACTING AS COLLECTIVE REPRESENTATIVES, AND COUNSELING ORGANIZATIONS, SERVICE PROVIDERS REGARDING COPYRIGHT, RELATED RIGHTS

Article 45. Organizations acting as collective representatives of copyright and related rights

Organizations acting as collective representatives of copyright, related rights in accordance with Clause 1 Article 56 of the Law on Intellectual Property shall adhere to their scope of operation, functions, and authorizing contracts between copyright holders, related right holders, and organizations acting as collective representatives of copyright, related rights pertaining to management of one or several specific property rights.

Article 46. Royalty rate

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Organizations acting collective representatives of copyright and related rights shall submit application for approval of royalty rate and payment methods to the Minister of Culture, Sports and Tourism prior to implementation.

2. Application for approval of royalty rate and payment methods consists of:

a) Form No. 7 under Appendix III attached hereto;

b) Solutions for developing royalty rate include:

Analysis of the proposed royalties: Properties (format, type, quality, quantity, structure, scale, use frequency, and other basis); factors constituting royalties; local socio-economic conditions; time and location of use (accompanied by classification and assessment); analysis of impact of royalty rate/amount on creating, using, and benefiting from results of creative works; and fulfillment of obligations with the state budget;

Issues that have not been settled with users (if any);

Proposed royalty rate and payment methods, other recommendations (if any).

3. Organizations and individuals using works, performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs, and organizations acting as collective representatives of copyright and related rights are responsible for reaching an agreement on royalty amount and payment methods.

4. Costs for reviewing and approving royalty rate, payment methods shall be incurred by the applicants as per the law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The Minister of Culture, Sports and Tourism shall review and promulgate documents on approval within 90 days from the date on which they receive adequate application for approval of royalty rate and payment method sent by organizations acting as collective representatives of copyright, related rights in accordance with Clause 1 Article 46 hereof.

2. If necessary, the Minister of Culture, Sports and Tourism shall establish Advisory council for copyright and related rights to review royalty rate and payment methods under Clause 1 of this Article and promulgate Regulations on operation of the Advisory council for copyright and related rights.

3. Royalty rate and payment methods upon being approved must be applied for at least 3 years.

The Minister of Culture, Sports and Tourism shall consider revision to royalty rate in case of changes to consumer price index and national economic growth relevant to the basis for determining royalty rate. Organizations requesting revision to royalty rate include: Organizations acting as collective representatives of copyright, related rights, Vietnam Chamber of Commerce and Industry; state authorities governing copyright, related rights affiliated to the Ministry of Culture, Sports and Tourism.

Article 48. Collection and distribution of royalties

1. Organizations acting as collective representatives of copyright, related rights must develop supervising regulations to ensure that collected royalties are contained in accounts separate from other assets, accounts, revenues, and expenditure of the organizations, even when royalties cannot be distributed due to failure to find or contact authorizing authors, co-authors, copyright holders, copyright co-owners, related right holder, related right co-owners in accordance with Clause 5 Article 56 of the Law on Intellectual Property.

2. Organizations acting as collective representatives of copyright, related rights shall distribute royalties in accordance with Point d and e Clause 3 Article 56 of the Law on Intellectual Property on the basis of agreement with authorizing authors, copyright holders, related right holders within a specific period of time but not exceeding 6 months from the date on which they receive the royalties unless otherwise agreed.

3. Organizations acting as collective representatives of copyright, related rights are allowed to retain a part of royalties collected to cover their task implementation in accordance with Point dd Clause 3 Article 56 of the Law on Intellectual Property.

Costs for task implementation mean the sum of expenditure on activities conducted by organizations acting as collective representatives of copyright, related rights as authorized by authors, copyright holders, related right holders and other administrative expense without exceeding reasonable costs for managing copyright and related rights in each development phase of the organizations. Costs must be recorded in financial statements of organizations acting as collective representatives of copyright, related rights after receiving confirmation of independent auditing companies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Not exceed 40% of total royalties collected for the first 5 years following the establishment of the organizations;

b) Not exceed 30% of total royalties collected for the next 5 years;

c) Not exceed 25% of total royalties collected if the organizations have been established for at least 10 years.

5. If organizations that collect and distribute royalties as authorized by authors, copyright holders, related holders are not organizations acting as collective representatives of copyright and related rights, the organizations must comply with Point c Clause 2 Article 57 of the Law on Intellectual Property and Article 55 hereof while fulfilling obligations of organizations acting as collective representatives of copyright, related rights under Clause 2 of this Article, Article 53 and Article 54 hereof.

Article 49. Failure to find or contact authorizing authors, copyright holders, related right holders

1. If organizations acting as collective representatives of copyright, related rights fail to find or contact authorizing authors, co-authors, copyright holders, related right holders, copyright co-owners, and related right co-owners in accordance with Clause 5 Article 56 of the Law on Intellectual Property, the organizations must publicly upload search information their websites.

After 6 months from the date of upload, the organizations acting as collective representatives of copyright, related rights must transfer the royalties to a general bank account for all authorizing authors, co-authors, copyright holders, related right holders, copyright co-owners, related right co-owners but cannot be found or contacted.

If authorizing authors, co-authors, copyright holders, related right holders, copyright co-owners, related right co-owners are found, organizations acting as collective representatives of copyright and related rights shall distribute royalties as per agreement.

2. If authorizing authors, co-authors, copyright holders, related right holders, copyright co-owners, related right co-owners are not found within 5 years for the purpose of royalty distribution, the royalties, interest thereof, and documents relating to authorization and collection of royalty shall be transferred to competent authorities after incurring all administrative and search expenses as per the law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. If legitimate and effective Judgments or Decisions of competent Courts are issued determining that authors, co-authors, copyright holders, related right holders, copyright co-owners, related right co-owners have deceased or missing (in case of individuals) or dissolved or gone bankrupt (in case of organizations) within the time limits under Clause 2 and Clause 3 of this Article, royalties and interests thereof (if any) minus administrative and search expenses shall be sent to beneficiaries as per relevant law provisions.

Article 50. Use of audio recordings, video recordings licensed by organizations acting as collective representatives of copyright, related rights

1. If works, audio recordings, video recordings used in accordance with Clause 1 Article 26 and Clause 1 Article 33 of the Law on Intellectual Property have been authorized to organizations acting as collective representatives of copyright, related rights by copyright holders, performers, and related right holders, these organizations are allowed to negotiate, unify, and authorize negotiation, collection of royalties as per the law. Royalty distribution percentage shall be agreed upon by these organizations. If an agreement cannot be reached, comply with Clause 3 Article 34 hereof.

2. Authorizing organizations acting as collective representatives of copyright and related rights are responsible for developing list of members, works, audio recordings, video recordings, broadcasting programs of their members and accountable when signing contracts authorizing organizations acting as collective representative of copyright and related rights to negotiate and collect royalties.

3. Organizations acting as collective representatives of copyright and related rights are responsible for negotiating royalties in accordance with the list of members, works, performances, audio recordings, video recordings, and broadcasting programs under authorizing contracts.

Article 51. Composition of organizations acting as collective representatives of copyright and related rights

1. Organizations acting as collective representative of copyright and related rights must hold meetings and annual conferences.

2. Meetings shall cover:

a) Change to name of organizations; amendments to their charters (if any);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Other information in accordance with relevant law provisions and charters of the organizations.

3. Annual conferences shall cover:

a) Revision to operating regulations of the organizations if the regulations are not revised by charters;

b) Reports on fulfillment of obligations of members, approval of salaries and other benefits of members holding leading, managerial, and control positions of the organizations;

c) Reports on operation and financial statement of the organizations;

d) Decision on percentage of royalties retained in accordance with Clause 4 Article 48 hereof;

dd) Approval of Regulations on royalty collection and distribution;

e) Other information in accordance with relevant law provisions and charters of the organizations.

4. Members holding leading, managerial, control positions of organizations must include authorizing members.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Members of organizations acting as collective representatives of copyright and related rights include:

a) Authorizing members that are organizations or individuals owning one or many property rights mentioned under Clause 1 Article 20, Clause 3 Article 29, Clause 1 Article 30, or Clause 1 Article 31 of the Law on Intellectual Property that authorize organizations acting as collective representative of copyright and related rights in writing to manage their property rights for the purpose of conducting activities according to Clause 2 Article 56 of the Law on Intellectual Property;

b) Other members as per the law.

2. Authorizing members have the right to participate and cast votes in meetings and annual conferences, or authorize other organizations and individuals to participate and cast votes as per the law.

3. Votes in meetings and annual conferences of authorizing members shall be counted depending on percentage of works, fixed performances, audio recordings, video recordings, fixed broadcasting programs, and royalties authorized to organizations acting as collective representatives of copyright and related rights by the members.

Article 53. Transparency and openness in management, administration of organizations acting as collective representatives of copyright and related rights

1. Organizations acting as collective representatives of copyright and related rights must disclose annual reports and audited annual financial statements, which contain revenues generated by licensing, amounts payable, amounts paid, amounts collected but not paid due to failure to find or contact authorizing authors, co-authors, copyright holders, copyright co-owners, related right holders, related right co-owners in accordance with Clause 5 Article 56 of the Law on Intellectual Property, amounts retained, tax amounts, fees, charges, and interests of undistributed royalties (if any) at annual conferences and on their website.

2. Organizations acting as collective representatives of copyright and related rights shall disclose the following information on their websites:

a) Name of authors, copyright holders, related right holders;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Name of works, name of subjects of related rights (performances, audio recordings, video recordings; broadcasting programs);

d) Contents of the works, performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs;

dd) Scope of authorization; effect of authorizing contracts;

e) Licensing, collecting, and distributing of royalties;

g) Operation of organizations acting as collective representative of copyright, related rights;

h) Other relevant information.

3. When distributing royalties to authorizing authors, copyright holders, related right holders in accordance with Clause 2 Article 48 hereof, organizations acting as collective representatives of copyright and related rights must also include:

a) Amounts payable for each work, performance, audio recording, video recording, broadcasting program licensed for use, rights for licensing, and purpose of use;

b) Duration of use serving as the basis for collecting and distributing royalties.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Organizations acting as collective representatives of copyright and related rights shall submit reports on amendments to charters, operating regulations; financial management regulations; changes to managerial positions; participation to international organizations; other diplomatic activities; royalty rate and payment methods; long-term and annual plans and programs; operation situations, signing of contracts for authorizing, licensing use right; situation of authorizing members, quantity of works, performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs to be authorized; royalties and collection, amount collected, distribution method, distribution implementation, collection and distribution regulations thereof; annual reports, audited annual financial statements; other relevant activities to the Ministry of Culture, Sports and Tourism, Ministry of Home Affairs, Ministry of Finance, and presiding authorities.

Amendments to the charters must be reported to competent authorities for approval prior to implementation.

2. Organizations acting as collective representatives of copyright, related rights shall develop their website to connect to state authorities governing copyright and related rights affiliated to the Ministry of Culture, Sports and Tourism and other organizations acting as collective representatives of copyright, related rights.

3. Organizations acting as collective representatives of copyright, related rights must have database on their copyright and related rights which is connected to national database on copyright and related rights.

Article 55. Counseling organizations and service providers regarding copyright, related rights

1. Counseling organizations and service providers regarding copyright, related rights under Clause 1 Article 57 of the Law on Intellectual Property include:

a) Enterprises established and operating in accordance with enterprise laws;

b) Cooperatives and cooperative unions established and operating in accordance with cooperative laws;

c) Public service providers;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Counseling organizations and service providers regarding copyright, related rights shall be established in accordance with Clause 1 Article 57 of the Law on Intellectual Property if heads of the organizations and persons providing counsel, services regarding copyright and related rights:

a) are Vietnamese nationals, have full legal capacity;

b) reside in Vietnam;

c) have undergraduate law degree.

3. Acknowledgement of counseling organizations and service providers regarding copyright, related rights:

a) Organizations satisfying conditions under Clause 1 Article 57 of the Law on Intellectual Property and Clause 2 of this Article acknowledged by state authorities governing copyright and related rights affiliated to the Ministry of Culture, Sports and Tourism as counseling organizations and service providers regarding copyright and related rights in the National register of copyright, related right counsel and services and publicized on websites on copyright and related rights at request of the organizations if their application is approved.

Branches and other affiliated entities of organizations satisfying conditions under Clause 1 Article 57 of the Law on Intellectual Property are only allowed to provide counsel and services regarding copyright and related rights using name of organizations to which they are affiliated.

b) Application shall be submitted in person or via post services to state authorities governing copyrights and related rights affiliated to the Ministry of Culture, Sports and Tourism.

a) Application for acknowledgement of counseling organizations, service providers regarding copyright and related rights in the National register of copyright, related right counsel and services must be filed under the name of organizations satisfying conditions under Clause 1 Article 57 of the Law on Intellectual Property and consist of:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



List of affiliated individuals providing counsel and services regarding copyright, related rights and copies of ID Cards or Citizen ID Cards;

Personal information sheets of heads of organizations verified by regulatory authorities;

Certified true copies of undergraduate law degrees of heads of organization and individuals providing counsel and services regarding copyright, related rights;

Copies of business registration certificate or certificate of operation registration of the organizations.

d) Within 30 days from the date on which adequate application is received, state authorities governing copyright and related rights affiliated to the Ministry of Culture, Sports and Tourism shall review the application and respond to the applicants whether their application is approved or rejected.

4. Removal of counseling organizations and service providers regarding copyright, related rights from National register of copyright, related right counsel and services:

a) State authorities governing copyright and related rights affiliated to the Ministry of Culture, Sports and Tourism shall remove counseling organizations and service providers regarding copyright, related rights from the National register of copyright, related right counsel and services and the removal shall be published on websites on copyright and related rights when:

Organizations providing counsel and services regarding copyright and related rights cease to provide counsel or services regarding copyright and related rights;

Organizations providing counsel and services regarding copyright and related rights fail to continue to satisfy conditions under Clause 1 Article 57 of the Law on Intellectual Property and Clause 2 of this Article;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Counseling organizations and service providers regarding copyright and related rights must application requesting state authorities governing copyright and related rights affiliated to the Ministry of Culture, Sports and Tourism to remove their name from the National register of copyright, related right counsel and services for cases under Point a of this Clause;

d) Application shall be submitted in person or via post services to state authorities governing copyrights and related rights affiliated to the Ministry of Culture, Sports and Tourism;

dd) Application for removal of counseling organizations and service providers regarding copyright and related rights from the National register consists of: Form No. 8 under Appendix III attached hereto or settlement results of complaints, denunciations, or decisions of competent authorities relating to the application for removal;

e) The application for removal of counseling organizations and service providers regarding copyright and related rights shall be processed by regulatory authorities affiliated to the Ministry of Culture, Sports and Tourism within 30 days from the date on which they receive the application in the same manner as the application for acknowledgement of counseling organizations and service providers regarding copyright and related rights.

5. In case of any change to information of counseling organizations and service providers regarding copyright and related rights, these organizations must submit written notice regarding the changes to state authorities governing copyright and related rights affiliated to the Ministry of Culture, Sports and Tourism.

6. State authorities governing copyright and related rights affiliated to the Ministry of Culture, Sports and Tourism shall produce list of counseling organizations and service providers regarding copyright and related rights and upload this list on their websites on copyright and related rights.

7. Counseling organizations and service providers regarding copyright and related rights shall report and communicate with state authorities governing copyright and related rights affiliated to the Ministry of Culture, Sports and Tourism on an annual or irregular basis regarding copyright, related right counseling and services.

Chapter VI

COPYRIGHT PROTECTION, RELATED RIGHT PROTECTION

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 56. General provisions regarding copyright, related right protection

1. Copyright holders and related right holders shall exercise and protect their copyright, related rights in person or by authorizing organizations acting as collective representatives of copyright, related rights or other organizations and individuals as per the law. The authorized party is responsible for disclosing their information to enable other organizations, individuals to contact them in order to negotiate about use.

2. Organizations and individuals using works, performances, audio recordings, video recordings, and broadcasting programs are responsible for contacting copyright holders, related right holders, or the authorized party in order to negotiate about the use of said works, performances, audio recordings, video recordings, and broadcasting programs in accordance with copyright, related right laws.

3. Disputes regarding copyright, related rights shall be settled in accordance with civil proceeding or arbitration laws.

Article 57. Adoption of civil, administrative, criminal measures in protecting copyright, related rights

Organizations and individuals infringing copyright, related rights of other organizations and individuals, depending on the nature and severity of the infringement, shall be met with civil, administrative, or criminal measures specified in accordance with Part Five (Protection of Intellectual Property) of the Law on Intellectual Property and regulations below:

1. Civil measures shall be taken against infringement at request of copyright holders, related right holders or organizations, individuals suffering from damage as a result of the infringement even when the infringement was or is being met with administrative or criminal measures.

Procedures for requesting adoption of civil measures, entitlement, procedures for adopting civil measures shall comply with civil proceeding or arbitration laws.

2. Administrative measures shall be taken against infringement that falls under any of the cases mentioned under Article 211 of the Law on Intellectual Property at request of copyright holders, related right holders, organizations and individuals suffering from damage caused by the infringement, organizations and individuals discovering the infringement, or competent authorities discovering the infringement.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Criminal measures shall be taken against infringement if the infringement constitutes criminal actions as per the Criminal Code.

Entitlement and procedures for adopting criminal measures shall conform to criminal proceeding laws.

Article 58. Exercising of the right to self-protection of copyright, related rights

1. Authors, copyright holders, performances, related right holders, and authorized organizations, individuals shall exercise the right to self-protection in accordance with Article 198 of the Law on Intellectual Property and this Article.

2. Information on management of right management and technology solutions for right protection under Point a Clause 1 Article 198 of the Law on Intellectual Property shall conform to Article 60 and Article 61 hereof.

3. Written notice requesting termination of infringement of copyright, related rights under Point b Clause 1 Article 198 of the Law on Intellectual Property shall be sent to organizations, individuals committing the infringement by authors, copyright holders, performers, related right holders, or authorized organizations, individuals.

The written notice must include:

a) Name of authors, copyright holders, performers, related right holders, and authorized organizations, individuals (if any);

b) The basis of copyright and related rights, Certificate of registered copyright, Certificate of registered related rights (if any);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Request for immediate termination of infringement; time limit for termination of infringement;

dd) Request for royalty payment, damages (if any).

4. Requesting competent authorities to take actions against infringement of copyright, related rights specified under Point c Clause 1 Article 198 of the Law on Intellectual Property shall conform to Articles 75 through 80 hereof.

Article 59. Assumption of copyright and related rights

1. The first fixed copies of performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs under Clause 2 Article 198a of the Law on Intellectual Property means the tangible copies where audio, images of performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs are fixed for the first time.

2. Individuals whose names (or pseudonyms) are listed as author on copies of published works or on original copies of fine arts in a conventional manner are considered the authors of said works until otherwise specified by evidence.

3. If the authors are not named on published works in accordance with Clause 2 of this Article, publishers that are named on copies of the works are considered holders of rights to works.

4. Holders of rights to works mentioned under Clause 2 and Clause 3 of this Article have the right to make request stated under Article 198 of the Law on Intellectual Property. This Clause does not affect existing agreements between relevant parties.

5. If original copies or copies of works, fixed copies of performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs no longer exist, copyright holders and related right holders under Clause 2 Article 198a of the Law on Intellectual Property must also be credited on original copies or copies of other related works, fixed copies of other related performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs, including name of authors, performers, producers of audio recordings, video recordings, broadcasting organizations to a certain extend to clarify ownership.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Using right management information to prevent infringement of copyright and related rights as stated under Point a Clause 1 Article 198 of the Law on Intellectual Property means to include identifiers of works, performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs, encrypted program-carrying satellite signals, authors, performers, copyright holders, related right holders, use conditions in original copies and copies of works, fixed copies of performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs; code and numbers indicating information above may or may not be protected by technological measures. Right management information does not include information relating to people using the copies such as name, account, address, or other contact information.

Right management information must be associated with copies or established simultaneously with works, performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs when the works, performances, audio recordings, video recordings, and broadcasting programs are communicated to the public.

2. Cases of infringement of copyright and related right relating to right management information are specified under Article 28 and Article 35 of the Law on Intellectual Property.

Article 61. Technological measures for right protection

1. Technological measures for right protection mentioned under Point a Clause 1 Article 198 of the Law on Intellectual Property mean the use of any instrument, technique, technology, or component during regular operation in order to mark, distinguish, recognize, and protect copyright, related rights in accordance with Articles 19, 20, 29, 30, and 31 of the Law on Intellectual Property.

2. Effective technological measures mean technological measures for right protection that allow copyright holders, related right holders to control the use of works, performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs, encrypted program-carrying satellite signals via:

a) Applications that control access: Means applications that employ techniques, technology, equipment, or components to control access to protected copies;

b) Protection procedures: Means solutions that employ techniques, technology, equipment, or components to prevent or minimize any action that constitutes infringement of copyright, related rights against protected copies;

c) Copy control mechanism: Means solutions that employ techniques, technology, equipment, or components to control reproduction from protected copies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Clause 3 of this Article does not apply to cases of legitimate access and use of works, performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs in accordance with Clause 3 Article 20, Clause 5 Article 29, Clause 3 Article 30, Clause 3 Article 31, Article 25, Article 25a, and Article 32 of the Law on Intellectual Property.

Section 2. DISPUTES ABOUT COPYRIGHT, RELATED RIGHTS, AND DETERMINING OF INFRINGEMENT OF COPYRIGHT, RELATED RIGHTS

Article 62. Disputes about copyright

1. Disputes between individuals about copyright of works of literature, art, science, derivative works.

2. Disputes between co-authors about separation of joint authorship.

3. Disputes between copyright co-owners about separation of rights of co-owners in use and transfer of one or some or all copyright.

4. Disputes between individuals and organizations about copyright of works.

5. Disputes between copyright holders and authors about royalties paid to creative authors on the basis of creative tasks or creative works.

6. Disputes about exercising of moral rights or property rights of authors, copyright holders, co-authors, copyright co-owners.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



8. Disputes between individuals making financial and facility-technical investment in production of works of motion picture, theater and individuals engaging in creative work, individuals producing works of motion picture, theater about copyright of works of motion picture, theater or royalties and other tangible benefits.

9. Disputes between copyright holders and individuals using published works that do not require permission and royalty payment about the use conflicting with conventional use of works and causing unreasonable damage to legitimate benefits of authors, copyright holders.

10. Disputes between copyright holders and individuals using published works that do not require permission but do require royalty payment about failure to pay royalties or the use conflicting with conventional use of works and causing unreasonable damage to legitimate benefits of authors, copyright holders.

11. Disputes about contracts for transfer of copyright, contracts for licensing of use right of copyright or disputes about contracts for counsel, services regarding copyright.

12. Disputes that arise as a result of copyright infringement.

13. Disputes about inheritance of property rights under Article 20 and moral rights under Clause 3 Article 19 of the Law on Intellectual Property.

14. Other disputes about copyright as per the law.

Article 63. Disputes about related rights

1. Disputes about right holders of performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Disputes between producers of audio recordings, video recordings and individuals using property rights of audio recordings, video recordings.

4. Disputes between broadcasting organizations and individuals using property rights of broadcasting programs.

5. Disputes about the use conflicting with conventional use of performances, audio recordings, video recordings and causing unreasonable damage to legitimate benefits of performers, producers of audio recordings, video recordings, or broadcasting organizations between performers, producers of audio recordings, video recordings, broadcasting organizations and individuals using related rights that are not required to acquire permission and pay royalties.

6. Disputes about failure to pay royalties or the use conflicting with conventional use of performances, audio recordings, video recordings and causing unreasonable damage to legitimate benefits of performers, producers of audio recordings, video recordings, or broadcasting organizations between performers, producers of audio recordings, video recordings, broadcasting organizations and individuals using related rights that are not required to acquire permission but are required to pay royalties.

7. Disputes about contracts for licensing of related rights, contracts for transfer of use rights of related rights or disputes about contracts for counsel, services regarding related rights.

8. Disputes that arise as a result of related right infringement.

9. Disputes about inheritance of related rights.

10. Other disputes about related rights as per the law.

Article 64. Basis for determining infringement of copyright, related rights

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Examined subjects fall within the scope of subjects under copyright, related right protection: Works having copyright protected according to Article 14 of the Law on Intellectual Property; subjects having related right protected according to Article 17 of the Law on Intellectual Property.

2. There are elements infringing copyright, related rights in examined subjects.

3. Persons committing the examined act are not copyright holders or related right holders except for cases where co-authors, copyright co-owners, related right co-owners commit infringement against remaining co-authors, copyright co-owners, related right co-owners and are not individuals permitted by the law or competent authorities in accordance with Clause 3 Article 20, Clause 5 Article 29, Clause 3 Article 30, Clause 3 Article 31, Article 25, Article 25a, Article 26, Article 32, and Article 33 of the Law on Intellectual Property.

4. The examined act occurs in Vietnam. The examined act is also considered to occur in Vietnam if it occurs on telecommunication network or the internet whose users are located in Vietnam.

Article 65. Basis for determining subjects under copyright, related right protection

1. Whether a subject is under protection or not shall be determined by reviewing documents and proof in accordance with Clause 1 and Clause 2 Article 6 of the Law on Intellectual Property and identifying whether the subject falls under copyright projection according to Article 15 of the Law on Intellectual Property.

2. With respect to copyright and related rights registered to competent authorities, subject of protection shall be determined by Certificate of registered copyright, Certificate of registered related rights and attachments of these certificates.

3. With respect to copyright and related rights not registered to competent authorities, these rights shall be determined depending on assumption of copyright and related rights under Article 198a of the Law on Intellectual Property and Article 59 hereof.

Article 66. Determining copyright infringing elements

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Infringing the right to name works: Changing name of works without permission of authors or co-authors, unless otherwise specified by the law;

b) Infringing the right to be named on the works or credited: Impersonating authors, imitating name or signatures of authors, failing to accurately specify name of authors and origin of works during use;

c) Infringing the right to publish works: Publishing works without permission of copyright holders, copyright co-owners; appropriating copyright;

d) Infringing the right to protect integrity of works thereby harming reputation or credibility of authors: Distorting works; editing, or otherwise altering works thereby harming reputation or credibility of authors;

dd) Infringing the right to produce derivative works: Using existing works to create derivative works without permission of copyright holders, copyright co-owners as per the law.

e) Infringing the right to deliver public performance of the works: Performing, reading, displaying, exhibiting, screening, showing works in public places or charging entrance fees without permission of copyright holders, copyright co-owners as per the law, except for cases under Article 25 and Article 25a of the Law on Intellectual Property;

g) Infringing the right to reproduce works: Duplicating, creating copies of works without permission of copyright holders, copyright co-owners as per the law; reproducing a part of works, excerpting, editing without permission of copyright holders, copyright co-owners as per the law, except for cases under Point a Clause 3 Article 20, Article 25, and Article 25a of the Law on Intellectual Property;

h) Infringing the right to distribute, import for public distribution: Distributing, importing in order to distribute tangible original copies and tangible copies of works to the public without permission of copyright holders, copyright co-owners as per the law, except for cases under Point b Clause 3 Article 20 and Article 25 a of the Law on Intellectual Property;

i) Infringing the right to broadcast, communicate to the public: Broadcasting, communicating works to the public via telecommunication network or the internet without permission of copyright holders, copyright co-owners as per the law, except for cases under Article 25 and Article 25a of the Law on Intellectual Property;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



l) Failing to adequately fulfill legal liabilities specified under Article 25, Article 25a, and Article 26 of the Law on Intellectual Property;

m) Intentionally removing or deactivating effective technological measures implemented by authors, copyright holders on original copies, copies of work to protect copyright of their works as per the law, except for cases under Clause 3 Article 20, Article 25, and Article 25a of the Law on Intellectual Property;

n) Producing, distributing, importing, offering, selling, advertising, marketing, leasing, or storing equipment, products, or components of commercial nature, introducing or providing services with full knowledge or grounds suggesting that the equipment, products, components, or services are produced, used to deactivate effective technological measures protecting copyright as per the law;

o) Intentionally removing, deleting, or otherwise altering right management information without permission of authors, copyright holders with full knowledge or grounds suggesting that such action will incite, enable, facilitate, or conceal copyright infringement as per the law;

p) Intentionally distributing, importing to distribute, broadcasting, communicate, or provide copies of works to the public with full knowledge or grounds suggesting that right management information has been removed, deleted, or otherwise altered without permission of copyright holders; with full knowledge or grounds suggesting that such action will incite, enable, facilitate, or conceal copyright infringement as per the law;

q) Failing to adequately comply with the law in order to be exempt from legal liability regarding copyright of intermediary service providers regarding works under Clause 3 Article 198b of the Law on Intellectual Property, Article 113, Article 114 hereof, and other relevant law provisions.

2. The basis for determining elements infringing copyright is the scope of copyright protection identified by medium of original copies; characters, symbols, characterization, symbols, facts of original works in case of derivative works.

Determining of copyright infringing elements must take into account the originality of work creation and expression of ideas that is not the ideas themselves.

3. In order to determine whether a copy or a work is an infringing element or not, it is necessary to compare the copy or the work with the original copy of the work or the original work, originality of work creation, expression of creative ideas in the work; date of completion of the work; access and time thereof of the author to existing work.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The copy is a partial or total reproduction of a work of other people that is being protected;

b) The work (or part thereof) is a part or the entirety of a work of other people that is being protected;

c) The work (or part thereof) contains characters, symbols, characterization, symbols, facts of a work of other people that is being protected.

4. Products, goods, services created as a result of copyright infringement under Clause 1 of this Article are considered products, goods, services that infringe copyright.

5. Products created as a result of copyright infringement under Point g Clause 1 of this Article are considered pirated goods in accordance with Article 213 of the Law on Intellectual Property.

Article 67. Determining related right infringing elements

1. Infringement of related rights of performances can be:

a) Infringing the right to be introduced of performers: Failing to introduce or intentionally and incorrectly introducing name of performers when delivering performances, publishing audio recordings, video recordings, broadcasting performances, except for cases where full name of performers cannot be introduced due to objective reasons, nature, scale, form of performance;

b) Infringing the right to protect imagery of the performance thereby harming reputation and credibility of performers: Distorting performance imagery; editing or otherwise altering performances thereby harming reputation and credibility of performers;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Infringing the right to reproduce performances fixed on audio recordings, video recordings: Duplicating, reproducing, excerpting, cutting a part or the entirety of fixed copies of performances without permission of performers as per the law, except for cases under Point a Clause 5 Article 29 and Article 32 of the Law on Intellectual Property;

dd) Infringing the right to broadcast, communicate unfixed performances to the public: Broadcasting, communicating unfixed performances to the public without permission of performers as per the law, except for cases where the performances are broadcasted and cases under Article 32 of the Law on Intellectual Property;

e) Infringing the right to distribute, import to distribute tangible original copies, copies of fixed performances to the public: Distributing, importing to distribute tangible original copies, copies of fixed performances to the public without permission of performers as per the law, except for cases under Point b Clause 5 Article 29 of the Law on Intellectual Property;

g) Infringing the right to lease original copies, copies of performances fixed in audio recordings, video recordings to the public for commercial purposes: Leasing original copies, copies of performances fixed in audio recordings, video recordings to the public for commercial purposes without permission of performers as per the law;

h) Infringing the right to broadcast, communicate fixed performances to the public: Broadcasting, communicating fixed performances to the public without permission of performers as per the law, except for cases under Article 32 of the Law on Intellectual Property;

i) Cases under Clause 4 of this Article.

2. Infringement of related rights of audio recordings, video recordings can be:

a) Infringing the right to reproduce audio recordings, video recordings partially or entirely: Duplicating, reproducing, excerpting, editing a part or the entirety of audio recordings, video recordings without permission of right holders as per the law, except for cases under Point a Clause 3 Article 30 and Article 32 of the Law on Intellectual Property;

b) Infringing the right to distribute, import to distribute tangible original copies, copies of audio recordings, video recordings to the public: Distributing, importing to distribute tangible original copies, copies of audio recordings, video recordings without permission of right holders for audio recordings, video recordings as per the law, except for cases under Point b Clause 3 Article 30 and Article 32 of the Law on Intellectual Property;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Infringing the right to broadcast, communicate audio recordings, video recordings to the public: Broadcasting, communicating audio recordings, video recordings to the public without permission of right holders as per the law, except for cases under Article 32 of the Law on Intellectual Property;

dd) Cases under Clause 4 of this Article.

3. Infringement of related rights of broadcasting programs can be:

a) Infringing the right to broadcast, re-broadcast broadcasting programs: Broadcasting, re-broadcasting programs without permission of right holders for broadcasting programs as per the law, except for cases under Article 32 of the Law on Intellectual Property;

b) Infringing the right to reproduce fixed broadcasting programs: Receiving, decrypting, duplicating, reproducing, copying a part or the entirety of fixed broadcasting programs without permission of right holders for broadcasting programs as per the law, except for cases under Point a Clause 3 Article 31 and Article 32 of the Law on Intellectual Property;

c) Infringing the right to fix broadcasting programs: Fixing broadcasting programs without permission of right holders for broadcasting programs as per the law;

d) Infringing the right to distribute, import to distribute fixed broadcasting programs in tangible form to the public: Distributing, importing to distribute fixed broadcasting programs in tangible form to the public without permission of right holders for broadcasting programs as per the law, except for cases under Point b Clause 3 Article 31 and Article 32 of the Law on Intellectual Property;

dd) Cases under Clause 4 of this Article.

4. Infringement of related rights can also be:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Intentionally eliminating or deactivating effective technological measures implemented by related right holders for original copies, copies of fixed performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs to protect their rights as per the law, except for cases under Clause 5 Article 29, Clause 3 Article 30, Clause 3 Article 31, and Article 32 of the Law on Intellectual Property;

c) Producing, distributing, importing, offering, selling, advertising, marketing, leasing, or storing equipment, products, or components of commercial nature, introducing or providing services with full knowledge or grounds suggesting that the equipment, products, components, or services are produced, used to deactivate effective technological measures protecting related rights as per the law;

d) Intentionally removing, deleting, or otherwise altering right management information without permission of related right holders with full knowledge or grounds suggesting that such action will incite, enable, facilitate, or conceal related right infringement as per the law;

dd) Intentionally distributing, importing to distribute, broadcasting, communicating, or otherwise providing performances, copies of fixed performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs to the public with full knowledge or grounds suggesting that right management information has been deleted, removed, or otherwise altered without permission of related right holders; with full knowledge or grounds suggesting that such action will incite, enable, facilitate, or conceal related right infringement as per the law;

e) Producing, assembling, altering, distributing, importing, exporting, offering, selling, or leasing equipment or system with grounds suggesting that these equipment or system illegally decrypt or assist illegal decryption of encrypted program-carrying satellite signals as per the law;

g) Intentionally receiving or continuing to distribute encrypted program-carrying satellite signals that have been decrypted without permission of legitimate distributors as per the law;

h) Failing to adequately implement regulations in order to be exempt from legal liability regarding related rights of intermediary service providers of performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs under Clause 3 Article 198b of the Law on Intellectual Property, Article 113 and Article 114 hereof and other relevant law provisions.

5. The basis for determining related right infringing elements is the scope of related right protection identified by medium of the first fixed copies of performances, audio recordings, video recordings, and broadcasting programs.

6. In order to determine whether a copy or a fixed performance, audio recording, video recording, broadcasting program is an infringing element of related rights, it is necessary to compare the copy or performance, audio recording, video recording, broadcasting program with original copy of the fixed performance, audio recording, video recording, broadcasting program; date of completion and fixing of the performance, audio recording, video recording; access and time thereof of author to the existing fixed performance, audio recording, video recording, broadcasting program.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The copy duplicates a part or the entirety of the first fixed copy of performance, audio recording, video recording, broadcasting program of other people that is under protection;

b) The work (or part thereof) is a part or the entirety of the first fixed copy of the performance, audio recording, video recording, broadcasting program of other people that are under protection.

7. Products, goods, services created as a result of infringement of related rights under Clauses 1 through 4 of this Article are considered to have violated related rights.

8. Products created as a result of infringement of related rights under Point d Clause 1, Point a Clause 2 and Point b Clause 3 of this Article are considered pirated goods according to Article 213 of the Law on Intellectual Property.

Article 68. The basis for determining infringement nature and severity

1. The infringement nature mentioned under Clause 1 Article 199 of the Law on Intellectual Property is determined on the basis of:

a) Context, motive of infringement: Innocent infringement, deliberate infringement, infringement due to suppression or dependency, first-time infringement, repeated infringement;

b) Method of infringement: Separate infringement, organized infringement, infringement of one’s own volition, via bribery, deception, or coercion.

2. The infringement severity mentioned under Clause 1 Article 199 of the Law on Intellectual Property is determined on the basis of:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Effect and consequences of the infringement.

Section 3. DETERMINING DAMAGED CAUSED BY INFRINGEMENT OF COPYRIGHT, RELATED RIGHTS

Article 69. Rules for determining damage caused by infringement of copyright, related rights

1. Damage caused by infringement of copyright, related rights under Article 204 of the Law on Intellectual Property means actual physical and mental damage caused by the infringement to copyright holders, related right holders.

2. Actual damage is deemed to exist if:

a) Physical or mental benefits are real and belong to the infringed persons: Physical and/or mental benefits are results (products) of copyright, related rights which the infringed persons are entitled to gain; and

b) The infringed persons are capable of gaining benefits under Point a of this Clause: The infringed persons would gain (receive) the physical or mental benefits under certain conditions if copyright, related right infringement did not occur; and

c) The infringed persons gain less benefits following copyright, related right infringement or none at all compared to what they would have gained without the infringement as a direct result of the copyright, related right infringement: Prior to the infringement, the infringed persons have gained physical or mental benefits, after the infringement, the infringed persons gain less benefits or none at all compared to what they previously received prior to the infringement and there must be a causation relationship between the infringement and the loss, reduction of benefits gained.

3. The level of damage shall be determined depending on the infringing elements of copyright, related rights.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 70. Mental damage

Mental damage means damage to reputation, dignity, credibility, and other mental damage done to authors, performers, copyright holders, related right holders as a result of copyright, related rights being infringed which leads to damaged reputation, dignity, reduced or lost credibility, reputation, trust due to misunderstanding, duration of suffering, level of grief, sorrow, emotional loss to the point where infringing organizations, individuals are required to make public apology, remediate, and provide compensation for mental damage.

Article 71. Property damage

1. Property damage is determined by the level of reduction or loss in monetary value of a subject under copyright, related right protection.

2. Monetary value of a subject of copyright, related rights under Clause 1 of this Article shall be determined by any of the following basis:

a) Ownership licensing costs or use right transfer costs for copyright, related rights;

b) Value of capital contribution in form of copyright, related rights;

c) Value of copyright, related rights within total assets of enterprises;

d) Investment in study, creation, and development in order to create works, subjects of copyright, related rights, including costs for investment, study, provision of technical equipment, facilities, marketing, advertising, labor, tax, and other costs.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 72. Reduction of income, profits

1. Income, profits under Point a Clause 1 Article 204 of the Law on Intellectual Property include:

a) Income, profits gained directly or indirectly by using subjects of copyright, related rights;

b) Income, profits gained by leasing subjects of copyright, related rights that are original copies, copies of works of motion pictures, computer programs;

c) Income, profits gained by transfer of use right of copyright, related rights;

d) Income, profits gained by licensing of copyright ownership, related right ownership.

2. Reduction of income, profits shall be determined by any of the following basis:

a) Regular use of works, performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs is affected: Compare the quantity of actual copies sold or provided before and after the infringement occurs; frequency of use, screening, broadcast, transmission, access to works, performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs before and after the infringement occurs; number of users, subscribers before and after the infringement occurs;

b) Compare sale price on the market of copies before and after the infringement occurs;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 73. Loss of business opportunity

1. Business opportunity mentioned under Point a Clause 1 Article 204 of the Law on Intellectual Property includes:

a) Potential profits, increase in brand value via direct use of subjects of copyright, related rights in business; increase in number of users;

b) Potential profits, increase in brand value via advertisement and marketing that involves the use of subjects of copyright, related rights;

c) Potential profits, increase in brand value via leasing of subjects of copyright, related rights in form of original copies or copies of works of motion pictures, computer programs, audio recordings, video recordings;

d) Potential profits, increase in brand value via licensing of use right of copyright, related rights, transfer of subjects of copyright, related rights to other people;

dd) Other business opportunities lost as a direct result of copyright, related right infringement.

2. Loss of business opportunity means damage to monetary value of income that the infringed persons would gain otherwise via actions under Clause 1 of this Article if the infringement did not occur.

Article 74. Reasonable costs for preventing, remediating damage

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Section 4. REQUEST AND SETTLEMENT OF REQUEST FOR ACTIONS AGAINST COPYRIGHT, RELATED RIGHT INFRINGEMENT

Article 75. Request for actions against copyright, related right infringement

1. Written request for actions against copyright, related right infringement must contain:

a) Date of request;

b) Name, address of organization, individual requesting actions against the infringement; full name of representative if the request is made via the representative;

c) Name of agency receiving the request;

d) Name, address of infringing organization(s), individual(s); name, address of suspected infringing organization(s), individual(s) when requesting suspension of customs procedures in case of suspected infringing imports, exports;

dd) Name, address of organization(s), individual(s) with relevant rights and benefits (if any);

e) Name, address of witness (if any);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



h) Summary of the infringement: Date and location of infringement, brief description of subject of copyright, related rights being infringed, the infringement; web address, link if copyright, related right infringement takes place on telecommunication network, the internet, and other information (if any).

i) Detailed request for actions against infringement;

k) List of documents and proof attached to the request;

l) Signature and seal of filing individual (if any).

2. The request for actions against copyright, related right infringement must be accompanied by documents and proof under Article 76 hereof.

Article 76. Documents and proof attached to written request for actions against copyright, related right infringement

1. Individuals requesting actions against infringement must attach documents, proof below to their written request:

a) Proof of copyright, related right ownership if requesting individual is the author, performer, copyright holder, related right holder, person receiving licensed, inheriting copyright, related rights;

b) Proof of occurrence of copyright, related right infringement; proof suggesting that imports, exports infringe copyright, related rights;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. If the request is made via authorized representative, notarized or certified power of attorney is required; if the request is made via legal representative, document proving legal representative status is required.

Article 77. Proof of copyright, related right holders

1. Regarding copyright, related rights that have been registered, the proof can be:

a) Copies of Certificate of registered copyright, Certificate of registered related rights either accompanied by the original copies for comparison or certified;

b) Excerpts of National register of copyright, related rights or proof of copyright certification issued by competent authorities.

2. Regarding copyright, related rights that have not been registered, the proof shall be documents, exhibits, information on the basis of copyright, related rights in accordance with Clause 1 and Clause 2 Article 6 of the Law on Intellectual Property and documents below:

a) Original copies or copies of works, fixed performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs, encrypted program-carrying satellite signals carrying name of right holders in accordance with Article 198a of the Law on Intellectual Property and Article 59 hereof;

b) Other documents proving the creation, publication, performance, distribution, broadcasting, transmission of subjects mentioned above and attached documents, proof (if any).

3. In case requesting individual previously received or inherited the copyright, related rights as per the law, they are also required to present original copies or certified, notarized, consular legalized copies of contracts for licensing, gift, trading, capital contribution, transfer of use right of copyright, related rights, or documents verifying inheritance in addition to documents under Clause 1 and Clause 2 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Documents, exhibits below are considered proof of infringement:

a) Original copies or legitimate copies of works, performances, audio recordings, video recordings, broadcasting programs (subjects of copyright, related rights);

b) Related documents, exhibits, photos, audio recordings, video recordings of the examined subjects;

c) Written presentation, comparison between the examined subjects and subjects of copyright, related rights;

d) Transcriptions, testimonies, bailiff’s reports, other documents proving the infringement.

2. Documents, exhibits under Clause 1 of this Article must be compiled into lists which must be signed by requesting individual.

Article 79. Responsibilities of individuals requesting actions against copyright, related right infringement

Individuals requesting actions against copyright, related right infringement must guarantee and be responsible for accuracy of information, documents, proof that they provide.

Article 80. Submission and settlement of request for actions against copyright, related right infringement

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Upon receiving the request for actions against infringement, if the request is within the power of other authorities, the receiving authorities shall guide the applicants to submit to competent authorities or transfer the request to competent authorities within 10 days from the date on which they receive the request.

3. If the request lacks essential documents, evidence, or exhibits, sanctioning authorities shall request the applicants to submit additional documents, evidence, and exhibits within a reasonable time limit no more than 30 days.

4. Sanctioning authorities shall reject the request and state reason for rejection when:

a) The time limit under Clause 3 of this Article expires before the applicants submit additional documents, evidence, exhibits at request of sanctioning authorities;

b) Prescriptive period of copyright, related right infringement expires as per the law;

c) Verification results issued by sanctioning authorities or police authorities show no infringement as described in the request;

d) Competent authorities issue documents on insufficient grounds for taking actions against the infringement.

5. In case of disputes or complaints regarding right holders, subjects under protection, scope of protection, copyright, related right protection term, authorities that have received the request shall guide applicants to adopt procedures for dispute, complaint settlement at competent authorities within 10 days from the date on which disputes or complaints arise.

Section 5. ACTIONS AGAINST COPYRIGHT, RELATED RIGHT INFRINGEMENT

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Regarding goods infringing copyright, related rights:

a) Infringing goods mean components, details (hereinafter referred to as “parts”) of products that contain infringing elements and can be sold as an independent product;

b) If infringing elements cannot be separated into a part of product that be sold independently in accordance with Point a of this Clause, infringing goods shall be the entire product that contains infringing elements.

2. Value of goods infringing copyright, related rights shall be determined by sanctioning authorities at the time of infringement and based on grounds listed below in order of priority:

a) Listed price of infringing goods;

b) Sold price of infringing goods;

c) Final cost of infringing goods if the goods are not sold yet;

d) Import cost of infringing goods.

3. Value of goods infringing copyright, related rights shall be calculated depending on infringing parts of the products according to Point a Clause 1 of this Article or depending on value of the entire infringing products according to Point b Clause 1 of this Article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



The establishment, composition, and working principles of the Evaluating council shall conform to civil proceeding, criminal proceeding, and administrative penalty laws.

Article 82. Handling of goods infringing copyright, related rights

1. Regarding pirated goods and ingredients, materials, instruments primarily used for the production thereof, sanctioning authorities shall:

a) Distribute or introduce into use for non-commercial purposes in accordance with Article 83 hereof; or

b) Dispose in accordance with Article 84 hereof; or

c) Mandate elimination of infringing elements and adopt appropriate measures under Clause 4 of this Article on a case-by-case basis.

2. If infringing goods are not pirated goods or ingredients, materials, instruments primarily used for the production thereof, sanctioning authorities shall request individuals owning, transporting, and storing these goods to eliminate infringing elements and adopt appropriate measures under Clause 4 of this Article.

3. Ingredients, materials, or instruments whose only function is to create or facilitate the use of pirated goods or infringing goods, or only practical use is to create or facilitate the use of pirated goods or infringing goods shall be considered ingredients, materials, and instruments primarily used for the production of pirated goods, infringing goods.

4. Sanctioning authorities shall adopt solutions under Point a and Point b Clause 1 of this Article or, when requested by right holders, request organizations and individuals that produce infringing goods to recall all infringing goods introduced to the offenders’ distribution channels in order to adopt solutions under Point a and Point b Clause 1 of this Article or other solutions if necessary on a case-by-case basis. Sanctioning authorities are allow to take request of relevant parties into account during promulgation of decisions on actions against infringement.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Mandating distribution or introduction into use for non-commercial purposes of pirated goods, infringing goods must meet conditions below:

a) The goods have use value, do not harm humans, domestic animals, plants, and the environment, and are not cultural products containing harmful contents; and

b) Infringing elements in the goods have been eliminated; and

c) The distribution and use are not for profit and must not unreasonably affect normal exercising of rights of copyright holders, related right holders, prioritizing humanitarian purpose, charity, or social interests;

d) Individuals who receive the goods are not potential customers of copyright holders, related right holders.

2. Clause 1 of this Article also applies to ingredients, materials, instruments primarily used for the production or sale of pirated goods, infringing goods.

Article 84. Mandated disposal

Mandated disposal of pirated goods, infringing goods or ingredients, materials, instruments primarily used for the production thereof shall be applied if conditions for mandated distribution or introduction into use for non-commercial purposes under Article 83 hereof are not met.

Article 85. Confiscation

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Section 6. CONTROL OF IMPORTS, EXPORTS RELATING TO COPYRIGHT, RELATED RIGHTS

Article 86. The right to request control of exports, imports relating to copyright, related rights

Copyright holders and related right holders have the right to submit request for inspection and supervision of exports, imports showing signs of copyright, related right infringement or request for suspension of customs procedures of exports, imports suspected of copyright, related right infringement.

Article 87. Competent customs authority to receive written request

Competent customs authority that receive written request for inspection, supervision, or suspension of customs procedures shall conform to Clause 1 Article 75 of the Law on Customs.

Article 88. Request processing

1. Within 20 days from the date on which the request for inspection, supervision of exports, imports and adequate documents under Clause 2 Article 74 of the Law on Customs are received or within 2 working hours from the date on which the request for suspension of customs procedures and adequate documents under Clause 3 Article 74 of the Law on Customs are received, customs authority are responsible for reviewing, issuing notice on request reception if the applicants have fulfilled obligations under Points a, b, and c Clause 1 and Clause 2 Article 271 of the Law on Intellectual Property. In case of rejection, customs authority must respond to the applicants in writing and state reason.

2. On the basis of notice issued by the General Department of Customs approving the request for inspection, supervision of imports and exports, Customs Departments of provinces and cities and Anti-smuggling and Investigation Department shall look up system data in order to implement inspection and supervision within their jurisdiction.

3. Customs Sub-departments are responsible for conducting inspection, supervision in order to detect goods showing signs of copyright, related right infringement or issuing decisions on suspension of customs procedures on the basis of request for suspension of customs procedures or suspending customs procedures in accordance with Article 89 hereof.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. During customs inspection, supervision, and control, if there are clear grounds to suspect that imports or exports are pirated goods, Customs Sub-departments shall suspend customs procedures of said goods.

2. Customs Sub-departments must issue decisions on suspension of customs procedures and notify copyright holders, related right holders if possible and importers, exporters about the suspension.

3. Duration of customs procedure suspension shall be 10 working days from the date on which Customs Sub-departments issue decisions on suspension of customs procedure.

4. During the suspension of customs procedures, Customs Sub-departments that issue decision on suspension of customs procedures are responsible for:

a) requesting importers or exporters or copyright holders or related right holders (if possible) to provide documents relevant to the goods (such as catalogs, assessment conclusions, foreign documents, similar case studies);

b) sampling or allowing organizations, individuals to sample to conduct assessment, additional assessment, re-assessment at professional customs organizations or other assessment bodies as per the law (if necessary);

c) cooperating and communicating with state authorities governing copyright, related rights affiliated with the Ministry of Culture, Sports and Tourism regarding right holders, protection capability, scope of protection, and entitlement to take actions against copyright, related right infringement (if necessary);

d) reporting to Customs Sub-departments of provinces and cities and General Department of Customs in order to promptly deal with complicated cases.

5. At the end of suspension duration of customs procedures:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) If applicants initiate a civil proceeding, customs authority shall comply with remarks of the court;

c) If copyright, related right infringement contains signs of criminal intentions according to the Criminal Code, customs authority shall transfer the cases to competent authorities for investigation and prosecution as per the law;

d) If customs authority deem suspended goods to be not pirated goods, customs authority shall proceed with customs procedures of the shipment and notify relevant parties.

6. If customs authority incorrectly suspends customs procedures thereby causing damage to goods owners, Customs Sub-departments must pay damages and other costs to the goods owners as per the law.

Article 90. Handling of goods showing signs if copyright, related right infringement

1. Customs authority shall issue decisions on suspension of customs procedures, notify copyright holders, related right holders and goods owners about suspension of customs procedures in case of goods showing sign of infringement or at request of copyright holders, related right holders or for the purpose of imposing administrative penalties. The notice must include name, address, fax, phone number of the parties, reason and duration of suspension.

2. Customs authority shall proceed with customs procedures of shipments that were previously suspended in accordance with Clause 3 Article 218 of the Law on Intellectual Property and cases below:

a) The Decision on suspension of customs procedures is suspended or revoked in accordance with decisions on resolution of complaints, accusations;

b) Individuals requesting suspension of customs procedures withdraw their request.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Procedures for control of imports, exports relating to copyright, related rights shall conform to this Decree and other relevant customs laws.

Section 7. ASSESSMENT REGARDING COPYRIGHT, RELATED RIGHTS

Article 92. Assessment regarding copyright and related rights

1. Assessment regarding copyright and related rights means when competent organizations and individuals utilize their knowledge and professional operations in order to assess and conclude issues relating to copyright, related rights at request of requesting organizations, individuals.

2. Assessment regarding copyright and related rights includes:

a) Determining of grounds for copyright, related rights in accordance with Article 65 hereof;

b) Determining of whether examined subjects qualify as infringing elements of copyright, related rights in accordance with Clause 2 Article 64, Article 66, and Article 67 hereof;

c) Determining of whether overlap, similarity, equivalence, confusion, difficulty in distinguishing, or reproduction occurs between examined subjects and subjects under copyright, related right protection;

d) Determining of value of copyright, related rights, damages in accordance with price laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 93. Copyright, related right assessor

1. Copyright, related right assessors are individuals who have sufficient knowledge and professional skills in assessing, concluding issues relating to assessment contents, satisfy conditions under Clause 3 Article 201 of the Law on Intellectual Property, and are acknowledged by competent authorities and issued with copyright, related right assessor's card (hereinafter referred to as “assessor’s card”).

2. Copyright, related right assessors have the right to:

a) Refuse to conduct assessment in case of insufficient relevant documents or insufficient value;

b) Refuse to receive assessment samples due to potential health harm or clunkiness of the samples and/or insufficient storage infrastructures;

c) Use appraisal results or professional conclusion, expertise remarks to serve the assessment;

d) request organizations and individuals to provide information, documents relating to subject of assessment in order to conduct assessment in case of independent copyright, related right assessors unless otherwise regulated by the laws;

dd) exercise other rights as per the law.

3. Copyright, related right assessors have the obligation to:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) produce assessment dossiers; provide explanation for assessment conclusion when requested;

c) preserve and store documents, samples relevant to the case as per the law;

d) independently produce assessment results and be responsible for their assessment results; compensate for damage done to relevant individuals, organizations as a result of incorrect assessment results produced by the assessors;

dd) refuse to conduct assessment if the assessors have rights and benefits relevant to subjects of assessment, assessment cases or other reasons affect fairness of assessment results or other regulations require the assessors to reject;

e) maintain confidentiality of information and documents at request of applicants and compensate for damage done to relevant individuals, organizations as a result of disclosing information;

g) assume legal responsibilities for taking advantage of assessment expertise and assessment operation for personal gain or intentionally producing incorrect assessment results;

h) comply with regulations on assessment procedures;

i) communicate and submit reports on 6-monthly and yearly assessment operation to state authorities governing copyright and related rights affiliated with the Ministry of Culture, Sports and Tourism;

k) perform other obligations as per the law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Copyright, related right assessors operate within copyright, related right assessing bodies in the name of the assessing bodies or as independent assessors.

2. Methods of operation of assessors are recorded under Decisions on issuance, re-issuance of assessor’s card and the list of copyright, related right assessors under Clause 6 Article 98 hereof.

3. If assessors operate under the name of copyright, related right assessing bodies, information on assessors must be recorded under Decision on issuance, re-issuance of Certificate of copyright, related right assessing bodies and the list of assessors affiliated with assessing bodies under Clause 6 Article 99 hereof.

Article 95. Copyright, related right assessing bodies

1. Copyright, related right assessing bodies are organizations fulfilling regulations under Clause 2 and Clause 2a Article 201 of the Law on Intellectual Property, relevant law provisions and being issued with the Certificate of copyright, related right assessing bodies (hereinafter referred to as “Certificate of assessing bodies”).

2. Copyright, related right assessing bodies have the right to:

a) hire copyright, related right assessors to conduct ad hoc assessment;

b) request organizations and individuals to provide information and documents relating to assessment subject for the purpose of the assessment, unless otherwise prescribed by law;

c) exercise other rights as per the law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) operate within the field of assessment specified under Certificate of business registration or Certificate of operation registration and Certificate of assessing bodies;

b) conduct assessment following rules under Clause 4 Article 201 of the Law on Intellectual Property;

c) preserve and store documents relating to the case;

d) maintain confidentiality of information and documents at request of applicants and compensate for damage done to relevant individuals, organizations as a result of disclosing information;

dd) refuse to receive the case and conduct assessment if other regulations and law require the assessing bodies to refuse to conduct assessment;

e) communicate and submit reports on 6-monthly and yearly assessment operation to state authorities governing copyright and related rights affiliated with the Ministry of Culture, Sports and Tourism;

g) perform other obligations as per the law.

Article 96. Entitlement to issue, re-issue, and revoke assessor’s card, certificate of assessing bodies

State authorities governing copyright and related rights affiliated with the Ministry of Culture, Sports and Tourism are entitled to issue, re-issue, and revoke assessor’s card, certificate of assessing bodies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Individuals who apply for assessor’s card without written qualification of assessment examination under Article 98 hereof shall submit application for assessment examination to state authorities governing copyright and related rights affiliated with the Ministry of Culture, Sports and Tourism in person or via post service. Application for assessment examination consists of:

a) Form No. 9 under Appendix III attached hereto;

b) Certified true copies or copies extracted from master registers of undergraduate or graduate degrees;

c) Written confirmation issued by employers regarding a minimum period of professional operation relating to the field of assessment of 5 consecutive years or 15 consecutive years of individuals applying for exemption from assessment examination under Clause 5 of this Article;

d) 2 colored head shots in 3 x 4 cm format;

dd) Written request for exemption from assessment examination for individuals exempt from attending assessment examination under Clause 5 of this Article.

2. Within 20 days from the date on which adequate application is received, state authorities governing copyright and related rights affiliated with the Ministry of Culture, Sports and Tourism are responsible for notifying receipt of application and establishing assessment examination council. In case of rejection, the regulatory authorities must respond in writing and state reasons.

3. Assessment examination council

a) The Minister of Culture, Sports and Tourism shall issue decision on establishment of assessment examination councils (hereinafter referred to as “examination councils”) at request of state authorities governing copyright and related rights affiliated with the Ministry of Culture, Sports and Tourism.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Contents of assessment examination

Contents of assessment examination include knowledge of the law and knowledge of fields in copyright, related right assessment.

5. Eligibility for exemption from assessment examination

Individuals who compile and provide guidance on implementation of legislative documents on copyright, related rights; conduct inspection, settle disputes, complaints regarding copyright, related rights at state authorities governing copyright and related rights affiliated with the Ministry of Culture, Sports and Tourism for at least 15 consecutive years shall be exempt from assessment examination.

6. Notifying of assessment examination results

Assessment examination results shall be notified on website of state authorities governing copyright and related rights affiliated with the Ministry of Culture, Sports and Tourism. Within 30 days from the date on which assessment examination is conducted, state authorities governing copyright and related rights affiliated with the Ministry of Culture, Sports and Tourism shall issue written confirmation of examination results to individuals passing the examination.

Article 98. Procedures for issuance, re-issuance, and revocation of copyright, related right assessor’s card

1. Individuals satisfying conditions under Clause 3 Article 201 of the Law on Intellectual Property and applying for copyright, related right assessor's card shall submit application for issuance of assessor's card in person or via post service to state authorities governing copyright and related rights affiliated with the Ministry of Culture, Sports and Tourism. The application consists of:

a) Form No. 10 under Appendix III attached hereto;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) 2 colored head shots in 3 x 4 cm format.

2. Within 20 days from the date on which adequate application is received, state authorities governing copyright and related rights affiliated with the Ministry of Culture, Sports and Tourism shall issue decision on issuance of assessor’s card. In case of rejection, the regulatory authorities must respond in writing and state reasons. Samples of copyright, related right asset assessor’s card are under Form No. 11 of Appendix III attached hereto.

3. Effect of assessor’s card starts from the date of issue.

4. Re-issuance of assessor’s card:

a) Assessor’s card shall only be re-issued when previous assessor’s card is lost or damaged or in case of changes to information on assessor’s card;

b) Assessors who wish to apply for re-issuance of assessor’s card shall submit Form No. 10 under Appendix III attached hereto and documents under Point a and Point c Clause 1 of this Article to state authorities governing copyright and related rights affiliated with the Ministry of Culture, Sports and Tourism in person or via post service. If old assessor’s card is damaged, the damaged card is also required;

c) Within 20 days from the date on which application for re-issuance of assessor’s card is received, assessor's card shall be re-issued.

5. Assessor’s card shall be revoked when:

a) Individuals who were previously issued with assessor's card no longer satisfy conditions under Article 93 hereof;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) There are grounds confirming that assessor’s card has been issued in an illegitimate manner.

6. State authorities governing copyright and related rights affiliated with the Ministry of Culture, Sports and Tourism shall produce list of assessors according to the Decision on issuance, re-issuance, revocation of assessor’s card and publish on their websites.

Article 99. Procedures for issuance, re-issuance, revocation of certificate of copyright, related right assessing bodies

1. Organizations satisfying conditions under Clause 2 and Clause 2a Article 201 of the Law on Intellectual Property, relevant law provisions shall submit application for issuance of certificate of assessing bodies to state authorities governing copyright and related rights affiliated with the Ministry of Culture, Sports and Tourism in person or via post service. The application consists of:

a) Form No. 12 under Appendix III attached hereto;

b) Certified true copies or copies extracted from master registers of certificate of operation registration or decision on establishment issued by competent authorities;

c) Certified true copies or copies extracted from master registers of decision on recruitment or employment contracts or working contracts between the applicants and affiliated assessors.

2. Within 20 days from the date on which adequate application is received, state authorities governing copyright and related rights affiliated with the Ministry of Culture, Sports and Tourism shall issue decision on issuance of certificate of assessing bodies. In case of rejection, state authorities shall respond in writing and state reasons. Samples of certificate of copyright, related right assessing bodies are specified under Form No. 13 of Appendix III attached hereto.

3. Effect of certificate of assessing bodies starts from the date of issue.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Certificate of assessing bodies shall only be re-issued if the previous certificate is lost or damaged or in case of changes to information on the previous certificate;

b) Assessing bodies shall submit application for re-issuance of certificate of assessing bodies to state authorities governing copyright and related rights affiliated with the Ministry of Culture, Sports and Tourism in person or via post service. The application consists of:

Form No. 12 under Appendix III attached hereto;

Certified true copies or copies extracted from master registers of decision on recruitment or employment contracts or working contracts between the applicants and affiliated assessors (in case of changes to information on certificate of assessing bodies).

In case of damaged certificate of assessing bodies, the applicants must submit the damaged certificate. In case of changes to information, legitimate documents proving the changes and previous certificate must be submitted together with the application;

c) Within 20 days from the date on which adequate application is received, certificate of assessing bodies shall be reissued.

5. Certificate of assessing bodies shall be revoked when:

a) Assessing bodies no longer satisfy conditions under Article 95 hereof;

b) Assessing bodies violate the law on assessment operation at which point competent authorities request revocation of certificate of assessing bodies as per the law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Assessing bodies cease to conduct assessment operation.

6. State authorities governing copyright and related rights affiliated with the Ministry of Culture, Sports and Tourism shall produce and update list of assessing bodies according to decisions on issuance, re-issuance, revocation of certificate of assessing bodies and publish on their websites.

Article 100. Request for copyright, related right assessment

1. Organizations and individuals that have the right to request copyright, related right assessment include:

a) Copyright, related right holders;

b) Organizations, individuals requested to be met with actions for infringement of copyright, related rights or complaints, denunciations regarding copyright, related rights;

c) Other organizations, individuals related to the disputes, infringement, complaints, denunciations regarding copyright, related rights.

2. Organizations and individuals having the right to request assessment under Clause 1 of this Article have the right to request copyright, related right assessing bodies or assessors to conduct assessment by themselves or by authorizing other organizations, individuals to do so.

3. Organizations and individuals requesting for copyright, related right assessment have the right to:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) request assessing bodies, assessors to provide explanation for conclusion results;

c) request additional assessment or re-assessment in accordance with Article 106 hereof;

d) negotiate about costs for requesting assessment.

4. Organizations and individuals requesting for copyright, related right assessment have the obligation to:

a) adequately and truthfully provide documents, evidence, information relating to assessment subjects at request of assessing bodies, assessors;

b) clearly and specifically present issues that need to be assessed;

c) incur assessment costs as per agreement; incur advance assessment costs at request of assessing bodies, assessors;

d) receive assessment subjects at request of assessing bodies, assessors.

Article 101. Receipt of request for copyright, related right assessment

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Written request for assessment which contains basic information below:

Name and address of individuals, organizations requesting assessment;

Number of ID Card or Citizen ID Card or decision on establishment or certificate of operation registration, date of issue, place of issue of individuals or organizations applying for assessment;

Phone number, email address of individuals or organizations applying for assessment;

Position of applicants (authors; copyright holders; related right holders; individuals having related rights and benefits; others);

Grounds for requesting assessment;

Subjects and contents requested for assessment;

Other relevant details.

b) Attachments:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Documents proving authorship, copyright ownership, related right ownership, works, subjects of related rights;

Other relevant documents.

2. Independent assessors or assessing bodies shall receive application for assessment, estimate assessment costs, negotiate and sign assessment agreements with the applicants, except for cases where the application is rejected in accordance with Clause 3 of this Article.

3. Independent assessors or assessing bodies shall reject the application when:

a) The assessment details are not specified under Clause 2 Article 92 hereof;

b) Cases under Point a Clause 2 and Point dd Clause 3 Article 93 hereof.

Article 102. Copyright, related right assessment service agreement

1. Application for assessment must be compiled into assessment service agreements between the applicants and assessing bodies or assessors.

2. Assessment agreement consists of:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Subjects and contents requested for assessment;

c) Location and time of assessment;

d) Assessment costs and payment methods thereof;

dd) Rights and obligations of the parties;

e) Contract take-over and finalization;

g) Responsibilities for incurring damages; solutions for settling disputes;

h) Other conditions as per agreement (if any).

Article 103. Handover, receipt, and return of subjects of copyright, related right assessment

If application for assessment includes subjects of assessment, the handover, receipt, and return of subjects of assessment must be logged in form of written records which contain basic information below:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Name and address of parties handing over and receiving subjects of assessment or representatives.

3. Name of subjects of assessment; relevant documents or items.

4. Conditions and methods of preservation of assessment subjects upon handover, receipt, return.

5. Signatures of parties handing over and receiving subjects of assessment.

Article 104. Sampling for copyright, related right assessment

1. Assessing bodies and assessors shall collect assessment samples by themselves (specific exhibits that are infringing elements and subjects of copyright, related right protection) or by requesting applicants to provide samples. Sampling process must be logged in form of written records which must be witnessed and countersigned by relevant parties.

2. The handover, receipt, and return of assessment samples shall conform to Article 103 hereof.

Article 105. Conducting copyright, related right assessment

1. Copyright, related right assessment shall be conducted by one or multiple copyright, related right assessors. Individual assessment means assessment conducted by one assessor. Group assessment means assessment conducted by at least two assessors.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 106. Additional assessment and re-assessment

1. Additional assessment shall be conducted when assessment conclusion is inadequate or unclear regarding issues to be assessed or more details need to be clarified. Application for additional assessment and conducting of additional assessment shall conform to regulations applicable to first-time assessment.

2. Re-assessment shall conducted when applicants disagree with assessment results or assessment conclusions conflict with one another regarding the same issues. Re-assessment can be conducted by assessing bodies, assessors that conducted the previous assessment or other assessing bodies, assessors ate request of the applicants.

3. In case of difference between assessment conclusions or between assessment conclusions and remarks of state authorities governing copyrights and related rights of Ministry of Culture, Sports and Tourism regarding the same issues, the applicants have the right to request other assessing bodies, assessors to conduct re-assessment.

Article 107. Advisory council for copyright, related right assessment

1. During assessment of copyright and related rights, independent assessors and assessing bodies are allowed to establish advisory council for copyright, related right assessment.

2. Independent assessors and assessing bodies shall select members of the advisory council depending on the assessment specialty and issue decisions on establishment of advisory council for copyright, related right assessment.

Advisory council for copyright, related right assessment consists of chairpersons and members. There must be an odd number of advisory council members with a minimum of 3 members.

3. Advisory council for copyright, related right assessment shall operate in a manner that respects democracy and open ballot system for field-specific matters. Members of advisory council for copyright, related right assessment shall hold collective discussion regarding field-specific matters and have their remarks recorded in meeting minutes of advisory council for copyright, related right assessment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 108. Conclusion of copyright, related right assessment

1. Assessment conclusion under Clause 5 Article 201 of the Law on Intellectual Property must be presented in written form.

2. Written assessment conclusion must contain:

a) Name and address of assessing bodies, assessors;

b) Name and address of applicants;

c) Subjects, details, and scope of assessment;

d) Assessment methods;

dd) Assessment conclusion;

e) Time and location of assessment.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. If more time for assessment is required, independent assessors and assessing bodies shall inform applicants in writing.

Article 109. Costs for copyright, related right assessment

1. Costs for assessing copyright, related rights depends on service requirements agreed upon by the parties and include costs below in part or in whole:

a) Experiment costs;

b) Machinery and equipment costs;

c) Document study costs;

d) Discussion, commentary, evaluation costs;

dd) Management costs and other necessary costs.

2. Collection, management, and use of assessment costs shall conform to regulations and law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 110. Intermediary service providers

1. Intermediary service providers under Article 198b of the Law on Intellectual Property mean domestic and foreign enterprises that provide any of the services below:

a) “Mere conduit” service means a service that transmits digital information provided by service users via telecommunication network and the internet or a service providing access to telecommunication network and the internet;

b) “Caching” service means a service that transmits digital information provided by service users via telecommunication network and the internet that involves automatic, intermediate, and temporary storage of the digital information. The automatic, intermediate, and temporary storage is implemented for the sole purpose of allowing allocation of the digital information to other users at their request to be more effective;

c) “Hosting” service means a service that allows users to store digital information provided by users at their request.

2. Intermediary service providers include:

a) Telecommunication enterprises providing internet access service, internet connection service;

b) Telecommunication enterprises providing line leasing service in case leased lines are not used to provide services in accordance with Point c and Point d of this Clause;

c) Enterprises leasing server collocation, leasing dedicated server in case servers are not used to provide services in accordance with Point d of this Clause;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Enterprises providing online social network services;

e) Enterprises providing digital information search services;

g) Other enterprises providing one, several, or all services similar to those under Clause 1 Article 198b of the Law on Intellectual Property and Clause 1 of this Article.

Article 111. Responsibilities of intermediary service providers in protecting copyright, related rights on telecommunication network and the internet

1. Intermediary service providers under Point c Clause 1 Article 110 hereof must develop tools to receive request for removal or disabling of access to digital information infringing copyright, related rights. Tools that receive request can be:

a) Computer programs that receive request;

b) Website that receive request;

c) Email addresses that receive request;

d) Web portals that receive request;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Confirmation of successful request submission via receiving tools means that intermediary service providers have received the request.

2. Intermediary service providers shall notify state authorities governing copyrights and related rights of Ministry of Culture, Sports and Tourism about their contact points for matters regarding copyright and related rights and publish on their websites. Contact points must include: email address, phone number.

3. Intermediary service providers must warn service users about their legal liabilities if they infringe copyright, related rights, authenticate information when users register digital accounts; maintain security of information, accounts of users; provide user information at written request of competent authorities for the purpose of verifying, taking actions against violations of copyright, related right laws.

4. Intermediary service providers under Point c Clause 1 Article 110 hereof shall remove or disable access to digital information when they know that the digital information infringes copyright, related rights in accordance with Article 113 and Article 114 hereof.

Intermediary service providers that implement Point a and Point b Clause 1 Article 114 hereof are responsible for publishing internal procedures for processing request for removal or disabling of access to digital information infringing copyright, related rights or request for rejection of request for temporary removal or disabling of access to digital information on their service.

5. Intermediary service providers must comply with inspection and investigation of competent authorities in accordance with copyright, related right laws.

6. If intermediary service providers use information under copyright, related right protection uploaded by their users onto telecommunication network and the internet for commercial purposes, the intermediary service providers must apply for permission and pay royalties in accordance with Clause 2 Article 20, Clause 4 Article 29, Clause 2 Article 30, or Clause 2 Article 31 of the Law on Intellectual Property.

Article 112. Legal liabilities of intermediary service providers regarding copyright, related right infringement

1. Intermediary service providers which do not adequately adopt regulations in order to be exempt from legal liabilities in accordance with Clause 3 Article 198b of the Law on Intellectual Property and Article 113, Article 114 hereof must be jointly responsible for incurring damages caused by copyright, related right infringement caused by people using their services.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 113. Procedures for removing or disabling access to digital information of intermediary service providers at request of competent authorities

1. In order to be exempt from legal liabilities in accordance with Point c Clause 3 Article 198b of the Law on Intellectual Property, intermediary service providers under Point c Clause 1 Article 110 hereof must remove or disable access to digital information infringing copyright, related rights within 24 hours from the moment in which they receive written request of competent authorities entitled to sanction copyright, related right infringement in accordance with Article 200 of the Law on Intellectual Property or state authorities governing copyrights and related rights of Ministry of Culture, Sports and Tourism, notify parties owning digital information that is removed or disabled from being accessed, and submit reports on implementation results to requesting authorities and state authorities governing copyrights and related rights of Ministry of Culture, Sports and Tourism within 24 hours after processing the request.

Notice and reports under this Clause shall be implemented in written form or email or similar forms.

2. If parties owning digital information that is removed or disabled from being accessed or intermediary service providers reject request for removal or disabling of access, they shall adopt procedures for filing complaints, denouncing, filing lawsuits as per the law regarding decisions of competent authorities.

3. Request for removal or disabling of access to digital information infringing copyright, related rights under Clause 1 of this Article serves as proof of intermediary service providers’ knowledge regarding copyright, related right infringement of the digital information.

Article 114. Procedures for removal or disabling of access to digital information of intermediary service providers at request of copyright holders, related right holders

In order to be exempt from legal liabilities in accordance with Point c Clause 3 Article 198b of the Law on Intellectual Property, intermediary service providers under Point c Clause 1 Article 110 hereof must comply with regulations below:

1. Upon receiving request from copyright holders, related right holders (hereinafter referred to as “requesting party”) together with documents and proof in accordance with Clause 4 of this Article via receiving tools under Clause 1 Article 111 hereof:

a) Within 72 hours from the moment in which the request is received, intermediary service providers shall remove or disable access to digital information requested to be removed or disabled from being accessed and notify requesting parties and the parties owning the digital information in question (hereinafter referred to as “requested parties”) regarding temporary removal or disabling of access to the digital information together with documents and proof requested by the requesting parties under Points a, b, c, d, dd, and e Clause 4 of this Article;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) If the requesting party and/or the requested party does not file civil lawsuit or request competent authority to take actions against infringement or if the court or competent authority does not accept the lawsuit as per the law after documents and request are forwarded to the requesting party in accordance with Point b of this Clause, intermediary service providers shall restore the digital information which has been removed or disabled.

If the court or competent authority accepts lawsuit of the requesting party or the requested party, intermediary service providers shall conform to decisions of the court or competent authority as per the law.

2. In case of digital information that is broadcasted live in real time, if copyright holders, related right holders pro-actively provide documents and proof according to Points a, b, c, and e Clause 4 of this Article for intermediary service providers at least 24 hours prior to broadcasting live in order to prevent copyright, related right infringement on telecommunication network and the internet, the intermediary service providers shall:

a) temporarily remove or disable access to the digital information upon receiving request for removal or disabling of access to digital information, inform the requesting party, requested party about the temporary removal or disabling of digital information and attach documents, proof provided by the requesting party;

b) comply with Points b and c under Clause 1 of this Article.

3. The notifying, sending, forwarding of documents and proof by intermediary service providers, the requesting party, and the requested party under Clause 1 of this Article shall be implemented via email or other similar means.

4. Documents and proof under Clause 1 of this Article consist of:

a) Information of the requesting party or the requested party: Name; current address; email address; phone number; ID Card, Citizen ID Card, or passport number in case of individuals; enterprise registration, establishment decision, or establishment license number in case of organizations;

b) Proof of right ownership in accordance with Article 77 hereof and commitment to legitimacy of the documents;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Proof of copyright, related right infringement in accordance with Article 78 hereof and damage done;

dd) For the requesting party, information on location and link to the digital information that infringes copyright, related rights, and description of infringement. For the requested party, information on location and link to the digital information that is being removed or disabled;

e) Power of attorney as per the law if the requesting party or the requested party is the authorized party.

5. Request for removal or disabling of access to digital information that infringes copyright, related rights under Clauses 1, 2, and 4 of this Article serves as proof of intermediary service providers’ knowledge regarding copyright, related right infringement of the digital information.

6. Any party that provide incorrect documents, proof thereby infringing legitimate rights and benefits of other relevant parties shall be met with corresponding legal liabilities as per the law.

Chapter VII

IMPLEMENTATION

Article 115. Entry into force

1. This Decree comes into force from April 26, 2023.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 116. Responsibilities for implementation

Ministers, heads of ministerial agencies, heads of Governmental agencies, Chairpersons of provincial People’s Committees, agencies, organizations, and individuals with relevant rights and obligations are responsible for the implementation of this Decree.

 

 

ON BEHALF OF. THE GOVERNMENT
PP. PRIME MINISTER
DEPUTY PRIME MINISTER




Tran Hong Ha

 

APPENDIX I

ROYALTY RATES FOR BROADCASTING WORKS, AUDIO RECORDINGS, VIDEO RECORDINGS UNDER LIMITED COPYRIGHT AND RELATED RIGHTS
(Attached to Decree No. 17/2023/ND-CP dated April 26, 2023 of the Government)

I. If broadcasting organizations and copyright holders, performers, related right holders in regard to audio recordings, video recordings fail to reach an agreement on royalty payment in accordance with Article 36 hereof:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Broadcasting channel

Percentage (for copyright holder)

Percentage (for related right holders)

VOV

0,1

0,1

In special urban areas

0,09

0,09

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



0,08

0,08

In class II urban areas

0,07

0,07

In class III urban areas

0,05

0,05

In class IV urban areas

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



0,03

In class V urban areas

0,01

0,01

Local channels of Voice of Vietnam shall apply percentage corresponding to urban area classification.

Royalties of re-broadcasted programs shall equal 15% of royalties of the first broadcast.

2. In the field of television broadcasting: Royalties to be paid annually to copyright holders and related right holders shall be calculated by multiplying total duration (in minutes) in which the works, audio recordings, video recordings are broadcasted by broadcasting organizations in the current year by a percentage of statutory pay rate as follows:

Television channel

Percentage (for copyright holder)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Central

Essential

VTV1, VTC1

1,2

1,2

Other essential national channels

0,6

0,6

Non-essential

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1,56

1,56

Local

Essential

Essential channels in special urban areas

1

1

Essential channels in class I urban areas

0,8

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Essential channels in class II urban areas

0,7

0,7

Essential channels in class III urban areas

0,5

0,5

Essential channels in class IV urban areas

0,3

0,3

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Non-essential channels in special urban areas

1,3

1,3

Non-essential channels in class I urban areas

1,04

1,04

Non-essential channels in class II urban areas

0,91

0,91

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



0,65

0,65

Non-essential channels in class IV urban areas

0,39

0,39

Local channels of Voice of Vietnam shall apply percentage corresponding to urban area classification.

Royalties of re-broadcasted programs shall equal 20% of royalties of the first broadcast

Royalties of broadcasting programs that are transmitted simultaneously, rebroadcasted, or repeated through all other similar channels and broadcasting medium, including cables, information network, telecommunication network, the internet shall equal 15% of royalties of the first broadcast.

If new program channels are transmitted, broadcasted via cables, information network, telecommunication network, the internet, or any other similar technical means, their royalties shall be calculated in the same manner as non-essential channels under the schedule above; if the programs are rebroadcasted or repeated, their royalties shall equal 15% of royalties of the first broadcast.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



III. Royalties of special programs dedicated to children or ethnic minorities or broadcasted to remote areas, rural areas, severely disadvantaged areas, or special programs serving major national holidays of Vietnam shall equal 30% of royalties calculated in accordance with Section I of this Appendix.

 

APPENDIX II

ROYALTY RATES FOR WORKS, AUDIO RECORDINGS, VIDEO RECORDINGS IN BUSINESS, COMMERCIAL OPERATIONS UNDER LIMITED COPYRIGHT, RELATED RIGHTS
(Attached to Decree No. 17/2023/ND-CP dated April 26, 2023 of the Government)

Royalty rates (in year) = Statutory pay rate x Adjustment coefficient

Unit: Statutory pay rate/month

No.

Business, commercial operations

Adjustment coefficient by occupancy or area/location and year of use

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Café - drinking establishment (total area/year)

Up to 15 m2

From exceeding 15 m2 to 50 m2

Exceeding 50 m2

Adjustment coefficient of 0,35/15 m2/year

Adjustment coefficient of 0,04/m2/year for every additional m2

Adjustment coefficient of 0,02/m2/year for every additional m2 (Maximum royalties per year: 8 x Statutory pay rate)

2

Restaurant, seminar room, conference room (total area/year)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



From exceeding 50 m2 to 100 m2

Exceeding 100 m2

Adjustment coefficient of 2,0/50 m2/year

Adjustment coefficient of 0,05/m2/year for every additional m2

Adjustment coefficient of 0,03/m2/year for every additional m2 (Maximum royalties per year: 8 x Statutory pay rate)

3

Store, showroom (total area/year)

Up to 50 m2

From exceeding 50 m2 to 100 m2

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Adjustment coefficient of 0,35/50 m2/year

Adjustment coefficient of 0,008/m2/year for every additional m2

Adjustment coefficient of 0,006/m2/year for every additional m2 (Maximum royalties per year: 5 x Statutory pay rate)

4

Sports, healthcare - beauty club (total area/year)

Up to 50 m2

From exceeding 50 m2 to 100 m2

Exceeding 100 m2

Adjustment coefficient of 0,5/50 m2/year

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Adjustment coefficient of 0,009/m2/year for every additional m2 (Maximum royalties per year: 10 x Statutory pay rate)

5

Karaoke establishment with karaoke room, karaoke box (number of room or box/year, depending on room area)

Number of room

Up to 20 m2

From exceeding 20 m2 to 30 m2

Exceeding 30 m2

From 1 to 4 rooms

Adjustment coefficient of 1,5/room/year

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Adjustment coefficient of 1,7/room/year

From 5 to 10 rooms

Adjustment coefficient of 1,2/room/year

Adjustment coefficient of 1,28/room/year

Adjustment coefficient of 1,36/room/year

From 11 rooms

Adjustment coefficient of 1,05/room/year

Adjustment coefficient of 1,12/room/year

Adjustment coefficient of 1,19/room/year

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6

Bar, bistro, club, discotheque (total area/year)

Up to 50 m2

From exceeding 50 m2 to 200 m2

Exceeding 200 m2

Adjustment coefficient of 2,35 - 4,0/50 m2/year

Adjustment coefficient of 0,06/m2/year for every additional m2

Adjustment coefficient of 0,05/m2/year for every additional m2 (Maximum royalties per year: 27 x Statutory pay rate)

7

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4 - 5 stars (or equivalent)

1 - 3 stars (or equivalent)

Other services (restaurant, bar, karaoke, swimming pool, sports training, massage, spa, lobby, parking lot, shopping mall, playground, etc.) in the premise shall comply with sections 1, 2, 3, 4, 5, and 6 of this Appendix

0,03/room/year

0,02/room/year

8

Play area (total area/year)

Up to 200 m2

From exceeding 200 m2 to 500 m2

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Other services in the premise shall comply with sections 1, 2, 3, 4, 5, and 6 of this Appendix

Adjustment coefficient of 0,7/200 m2/year

Adjustment coefficient of 0,003/m2/year for every additional m2

Adjustment coefficient of 0,001/m2/year for every additional m2 (Maximum royalties per year: 12 x Statutory pay rate)

9

Shopping mall, Office building (total area/year)

Up to 200 m2

From exceeding 200 m2 to 500 m2

Exceeding 500 m2

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Adjustment coefficient of 1,5/200 m2

Adjustment coefficient of 0,3/100 m2/year for every additional 100 m2

Adjustment coefficient of 0,2/100 m2/year for every additional 100 m2 (Maximum royalties per year: 50 x Statutory pay rate)

10

Supermarket (total area/year)

Up to 500 m2

From exceeding 500 m2 to 1000 m2

Exceeding 1000 m2

Adjustment coefficient of 1,25/500 m2

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Adjustment coefficient of 0,2/100 m2/year for every additional 100 m2 (Maximum royalties per year: 10 x Statutory pay rate)

11

Aviation activities and public transport (average number of passenger/year)

Aviation - International flight

0,0031 - 0,004/100 passengers/year

Aviation - Domestic flight

0,0019 - 0,0025/100 passengers/year

Railway or other means of transport such as: motor vehicle, vessel, hydrofoil, electric train, etc.

0,0016 - 0,0021/100 passengers/year

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



- In regard to business and commercial operations under sections 1 through 10 of this Appendix, urban area classification shall be applied as follows:

√ Hanoi City and Ho Chi Minh City: apply the royalty rate;

√ Class I urban area: apply 80% of the royalty rate;

√ Class II urban area: apply 60% of the royalty rate;

√ Class II urban area: apply 40% of the royalty rate;

√ Class IV urban area: apply 20% of the royalty rate;

√ Class V urban area: apply 10% of the royalty rate.

- Royalty rate above applies to copyright holders and similarly to related right holders in regard to audio recordings and video recordings.

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



FORMS RELATING TO COPYRIGHT, RELATED RIGHTS
(Attached to Decree No. 17/2023/ND-CP dated April 26, 2023 of the Government)

Form No. 01

Application for approval for use of works, performance, audio recording, video recording, broadcasting program where the Government represents copyright ownership and related right ownership

Form No. 02

Application for approval for use of works, performance, audio recording, video recording, broadcasting program where the Government represents the right to management of copyrights and related rights

Form No. 03

Application for approval for copyright exceptions applied to persons with disabilities

Form No. 04

Application for approval for translation from foreign language to Vietnamese for teaching and research of non-commercial nature

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Application for approval for reproduction of the works for teaching and research of non-commercial nature

Form No. 06

Application for annulment of Certificate of registered copyright, Certificate of registered related rights

Form No. 07

Application for approval for royalty rate and payment method

Form No. 08

Application for acknowledgement, removal of counseling organization, service provider regarding copyright and related rights

Form No. 09

Application for examination of copyright, related right assessment

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Application for issuance, re-issuance of copyright, related right assessor’s card

Form No. 11

Sample copyright, related right assessor's card

Form No. 12

Application for issuance, re-issuance of certificate of copyright, related right assessing body

Form No. 13

Sample certificate of copyright, related right assessing body

 

Form No. 01

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



FOR APPROVAL FOR USE OF WORKS, PERFORMANCE, AUDIO RECORDING, VIDEO RECORDING, BROADCASTING PROGRAM WHERE THE GOVERNMENT REPRESENTS COPYRIGHT OWNERSHIP AND RELATED RIGHT OWNERSHIP

To: ……………………………………………

 APPLICANT

Full name: /Name in English, abbreviation (if any):

Legal representative:

Citizen ID Card/Business Registration No. issued on: (date) in: (location)

Address:

Phone: Fax: E-mail:

 AUTHORIZED ORGANIZATION/INDIVIDUAL (if application is submitted via authorization)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Legal representative:

Citizen ID Card/Business Registration No. issued on: (date) in: (location)

Address:

Phone: Fax: E-mail:

 DETAILS

Hereby request competent authority to approve the use of works, performance, audio recording, video recording, broadcasting program where the government represents copyright ownership and related right ownership.

 WORK/PERFORMANCE/AUDIO RECORDING/VIDEO RECORDING/BROADCASTING PROGRAM OF WHICH USE RIGHT IS REQUESTED

Name of work, performance, audio recording, video recording, broadcasting program:

Form of the work:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Information/access to the work, performance, audio recording, video recording, broadcasting program:

Certificated of registered copyright/Certificate of registered related rights (if any):

COSTS

Type of costs

Amount

□ Costs for approving the use of works, performance, audio recording, video recording, broadcasting program where the government represents copyright ownership and related right ownership

 

Total amount attached to the application:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Payment order number (when making payments via post service or directly to accounts of competent authority):

APPLICATION CONTENTS

CONTENT INSPECTION

 (For public official receiving the application)

 

□ The application

□ Use plan

□ Copies of payment order (when making payments via post service or directly to accounts of competent authority)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

Public official receiving the application
(Signature and full name)

 

 

 COMMITMENT OF APPLICANT/AUTHORIZED APPLICANT

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

Filed in ………….…………… (Location and date)
Signature and full name of applicant/authorized applicant
(Including position and seal, if any)



____________________

* Note: Organizations and individuals shall tick an “x” in boxes □ if the information following the boxes is appropriate.

 

Form No. 02

APPLICATION*

FOR APPROVAL FOR USE OF WORKS, PERFORMANCE, AUDIO RECORDING, VIDEO RECORDING, BROADCASTING PROGRAM WHERE THE GOVERNMENT REPRESENTS THE RIGHT TO MANAGEMENT OF COPYRIGHTS AND RELATED RIGHTS

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 APPLICANT

Full name: /Name in English, abbreviation (if any):

Legal representative:

Citizen ID Card/Business Registration No. issued on: (date) in: (location)

Address:

Phone: Fax: E-mail:

 AUTHORIZED ORGANIZATION/INDIVIDUAL (if application is submitted via authorization)

Full name: /Name in English, abbreviation (if any):

Legal representative:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Address:

Phone: Fax: E-mail:

 DETAILS

Hereby request the Copyright Protection Agency of Vietnam to approve the use of works, performance, audio recording, video recording, broadcasting program where the government represents the right to management of copyrights and related rights.

 WORK/PERFORMANCE/AUDIO RECORDING/VIDEO RECORDING/BROADCASTING PROGRAM OF WHICH USE RIGHT IS REQUESTED

Name of work, performance, audio recording, video recording, broadcasting program:

Form of the work:

Information on author/copyright holder/related right holder:

Information/access to the work, performance, audio recording, video recording, broadcasting program:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 COSTS

Type of costs

Amount

□ Costs for approving the use of works, performance, audio recording, video recording, broadcasting program where the government represents copyright ownership and related right ownership

 

Total amount attached to the application:

 

Payment order number (when making payments via post service or directly to account of Copyright Protection Agency of Vietnam):

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



CONTENT INSPECTION

 (For public official receiving the application)

 

□ The application

□ Use plan

□ Documents proving effort to search for right holder in the Registration catalog on copyrights and related rights

□ Documents proving effort to search for right holder via organizations acting as collective representatives of copyright and related rights

□ Documents proving effort to search for right holders via current or previous users

□ Documents proving effort to search for right holder on the internet

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



□ Power of attorney (notarized, certified, or consular legalized) if the application is submitted via authorization











...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

 

 

 COMMITMENT OF APPLICANT/AUTHORIZED APPLICANT

We hereby guarantee the accuracy and adequacy of the information above and assume full legal responsibilities.

 

Filed in ………….…………… (Location and date)
Signature and full name of applicant/authorized applicant
(Including position and seal, if any)

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



____________________

* Note: Organizations and individuals shall tick an “x” in boxes □ if the information following the boxes is appropriate.

 

Form No. 03

APPLICATION*

FOR APPROVAL FOR COPYRIGHT EXCEPTIONS APPLIED TO PERSONS WITH DISABILITIES

To: Copyright Protection Agency of Vietnam, the Ministry of Culture, Sports and Tourism.

APPLICANT

Full name: /Name in English, abbreviation (if any):

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Business registration/Operation registration/Establishment decision No. issued on: (date) in: (location)

Address:

Phone: Fax: E-mail:

DETAILS

Hereby request for approval for applying copyright exceptions applied to persons with disabilities in accordance with Article 25a of the Law on Intellectual Property in regard to:

□ The right to create copies in accessible format, reproduce works in form of accessible copies in accordance with Clause 2 Article 25a of the Law on Intellectual Property

□ The right to perform works in form of accessible copies in accordance with Clause 2 Article 25a of the Law on Intellectual Property

□ The right to distribute works in form of accessible copies in accordance with Clause 2 Article 25a of the Law on Intellectual Property

□ The right to distribute works in form of accessible copies in accordance with Clause 3 Article 25a of the Law on Intellectual Property

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



□ The right to communicate works in form of accessible copies in accordance with Clause 2 Article 25a of the Law on Intellectual Property

□ The right to communicate works in form of accessible copies in accordance with Clause 3 Article 25a of the Law on Intellectual Property

□ The right to communicate works in form of accessible copies in accordance with Clause 4 Article 25a of the Law on Intellectual Property

□ The right to import works in form of accessible copies in accordance with Clause 5 Article 25a of the Law on Intellectual Property

□ Other rights (present in Use plan)

 

APPLICATION CONTENTS

CONTENT INSPECTION

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

□ The application

□ Use plan

□ Certified true copies of Certificate of Business Registration/Certificate of Operation Registration/Establishment Decision

□ Other documents of the applicant proving their eligibility

 



...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Public official receiving the application
(Signature and full name)

 

 

 

 

COMMITMENT OF APPLICANT

We hereby guarantee the accuracy and adequacy of the information above and assume full legal responsibilities.

 

Filed in ………….…………… (Location and date)
Signature and full name of filing individual
(Including position and seal, if any)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

____________________

* Note: Organizations and individuals shall tick an “x” in boxes □ if the information following the boxes is appropriate.

 

Form No. 04

APPLICATION*

FOR APPROVAL FOR TRANSLATION FROM FOREIGN LANGUAGE TO VIETNAMESE FOR TEACHING AND RESEARCH OF NON-COMMERCIAL NATURE

To: Copyright Protection Agency of Vietnam, the Ministry of Culture, Sports and Tourism.

APPLICANT

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Legal representative:

Citizen ID Card/Business Registration No. issued on: (date) in: (location)

Address:

Phone: Fax: E-mail:

 AUTHORIZED ORGANIZATION/INDIVIDUAL (if application is submitted via authorization)

Full name: /Name in English, abbreviation (if any):

Legal representative:

Citizen ID Card/Business Registration No. issued on: (date) in: (location)

Address:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 DETAILS

We hereby request the Copyright Protection Agency of Vietnam to approve the translation from foreign language to Vietnamese for teaching and research of non-commercial nature.

 WORKS OF WHICH TRANSLATION PERMISSION IS REQUESTED

Name of works:

Form of the work:

Information on author/copyright holder:

Full name: Nationality:

Address:

Phone number: Email:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Other information on the works (if any):

COSTS

Type of costs

Amount

□ Costs for approving translation from foreign language to Vietnamese for teaching and research of non-commercial nature

 

Total amount attached to the application:

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



APPLICATION CONTENTS

CONTENT INSPECTION

 (For public official receiving the application)

 

□ The application

□ Use plan

□ Documents proving effort to acquire permission/search for copyright holder

□ Other documents of the applicant proving their eligibility

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



□ Power of attorney (notarized, certified, or consular legalized) if the application is submitted via authorization






Public official receiving the application
(Signature and full name)

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 COMMITMENT OF APPLICANT/AUTHORIZED APPLICANT

We hereby guarantee the accuracy and adequacy of the information above and assume full legal responsibilities.

 

Filed in ………….…………… (Location and date)
Signature and full name of applicant/authorized applicant
(Including position and seal, if any)

 

 

____________________

* Note: Organizations and individuals shall tick an “x” in boxes □ if the information following the boxes is appropriate.

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



APPLICATION*

FOR APPROVAL FOR REPRODUCTION OF THE WORKS FOR TEACHING AND RESEARCH OF NON-COMMERCIAL NATURE

To: Copyright Protection Agency of Vietnam, the Ministry of Culture, Sports and Tourism.

APPLICANT

Full name: /Name in English, abbreviation (if any):

Legal representative:

Citizen ID Card/Business Registration No. issued on: (date) in: (location)

Address:

Phone: Fax: E-mail:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Full name: /Name in English, abbreviation (if any):

Legal representative:

Citizen ID Card/Business Registration No. issued on: (date) in: (location)

Address:

Phone: Fax: E-mail:

 DETAILS

We hereby request the Copyright Protection Agency of Vietnam to approve the reproduction of the works for teaching, research of non-commercial nature

 WORKS OF WHICH REPRODUCTION IS REQUESTED

Name of works:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Information on author/copyright holder:

Full name: Nationality:

Address:

Phone number: Email:

Information/access to the works:

Other information on the works (if any):

COSTS

Type of costs

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



□ Costs for approving the reproduction of works for teaching, research of non-commercial nature

 

Total amount attached to the application:

 

Payment order number (when making payments via post service or directly to account):

APPLICATION CONTENTS

CONTENT INSPECTION

 (For public official receiving the application)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



□ The application

□ Use plan

□ Documents proving effort to acquire permission/search for copyright holder

□ Other documents of the applicant proving their eligibility

□ Copies of payment orders (when making payments via post service or directly to account of Copyright Protection Agency of Vietnam)

□ Power of attorney (notarized, certified, or consular legalized) if the application is submitted via authorization



...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.






Public official receiving the application
(Signature and full name)

 

 

 COMMITMENT OF APPLICANT/AUTHORIZED APPLICANT

We hereby guarantee the accuracy and adequacy of the information above and assume full legal responsibilities.

 

Filed in ………….…………… (Location and date)
Signature and full name of applicant/authorized applicant
(Including position and seal, if any)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

____________________

* Note: Organizations and individuals shall tick an “x” in boxes □ if the information following the boxes is appropriate.

 

Form No. 06

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

APPLICATION FOR ANNULMENT OF CERTIFICATE OF REGISTERED COPYRIGHT/CERTIFICATE OF REGISTERED RELATED RIGHTS

To: Copyright Protection Agency of Vietnam, the Ministry of Culture, Sports and Tourism.

I. ORGANIZATION, INDIVIDUAL ISSUED WITH CERTIFICATE OF REGISTERED COPYRIGHT, CERTIFICATE OF REGISTERED RELATED RIGHTS

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Full name: ……………………………………………….. Nationality .....................................

Date of birth: ……………………………………..……………….. ........................................

ID Card/Citizen ID Card/Passport number: ....................................................................

Issued on: …………………………………………. (date) in: ...............................................  (location)

Address: .....................................................................................................................

Phone number: ............................................................................................................

Email: .........................................................................................................................

Organization

Name of organization: .................................................................................................

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



...................................................................................................................................

Issued on: …………………………………………. (date) in: ...............................................  (location)

Address: .....................................................................................................................

Phone number: ............................................................................................................

Email: .........................................................................................................................

II. REPRESENTATIVE OF APPLICANT

Full name/Name of organization: ..................................................................................

Date of birth: ……………………………………..………………...........................................

ID Card/Citizen ID Card/Passport number (or enterprise registration, establishment decision in case of organization):        

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Address: .....................................................................................................................

Phone number: …………………………………… Email (if any) .........................................

III. INFORMATION ON CERTIFICATE OF REGISTERED COPYRIGHT, CERTIFICATE OF REGISTERED RELATED RIGHTS REQUESTED TO BE ANNULLED

1. Certificate number:                                                    Date of issue:

2. Reason, basis for requesting annulment:

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

...................................................................................................................................

We hereby guarantee the accuracy and adequacy of the information above and assume full legal responsibilities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

Filed in ………….…………… (Location and date)
Signature and full name of applicant/authorized applicant
(Including position and seal, if any)

 

Form No. 07

APPLICATION

FOR APPROVAL FOR ROYALTY RATE AND PAYMENT METHOD

To: Minister of Culture, Sports and Tourism

INFORMATION ON APPLICANT FOR APPROVAL FOR ROYALTY RATE AND PAYMENT METHOD

Name of organization:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Address:

Phone: Fax: Email:

DETAILS

□ Approving royalty rate and payment method for:

 

APPLICATION CONTENTS

CONTENTS

 (For public official receiving the application)

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



□ (Certified) copies of Decision on establishment/Operation registration of the organization

□ Royalty rate and payment method for which approval is requested

□ Methods for developing royalty rate and payment method for which approval is requested

□ Other documents: …………………………………………………







...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

COMMITMENT OF APPLICANT

We hereby guarantee the accuracy and adequacy of the information above and assume full legal responsibilities.

 

Filed in: ………………………… (location and date)
Filing individual
(Signature, full name, position, and seal)

 

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



APPLICATION*

FOR ACKNOWLEDGEMENT/REMOVAL OF COUNSELING ORGANIZATION, SERVICE PROVIDER REGARDING COPYRIGHT AND RELATED RIGHTS

To: Copyright Protection Agency of Vietnam, the Ministry of Culture, Sports and Tourism.

APPLICANT

Full name: /Name in English, abbreviation (if any):

Legal representative:

Citizen ID Card/Business Registration No. issued on: (date) in: (location)

Address:

Phone: Fax: E-mail:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



□ Acknowledging Counseling organization, service provider regarding copyright and related rights

□ Removing Counseling organization, service provider regarding copyright and related rights

 

APPLICATION CONTENTS

CONTENT INSPECTION

 (For public official receiving the application)

 

□ The application

□ List of affiliated individual and copies of their ID Card/Citizen ID Card

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



□ Certified true copies of undergraduate degrees in law major of heads of the organization and affiliated individuals

□ Copies of certificate of business registration/certificate of operation registration







Public official receiving the application
(Signature and full name)

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



COMMITMENT OF APPLICANT

We hereby guarantee the accuracy and adequacy of the information above and assume full legal responsibilities.

 

Filed in ………….…………… (Location and date)
Signature and full name of filing individual
(Including position and seal, if any)

 

 

____________________

* Note: Organizations and individuals shall tick an “x” in boxes □ if the information following the boxes is appropriate.

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



APPLICATION

FOR EXAMINATION OF
COPYRIGHT AND RELATED RIGHT ASSESSMENT

To: Copyright Protection Agency of Vietnam, the Ministry of Culture, Sports and Tourism.

Photo
(3 x 4 cm)

 

 

 

INFORMATION OF APPLICANT

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Date of birth:

ID Card/Citizen ID Card No.

Address:

Telephone:

 

Place of birth:

Issued on: (date)

 

Email:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



DETAILS TO BE EXAMINED

DETAILS EXEMPT FROM EXAMINATION

□ Knowledge regarding the law, copyright assessment, related right assessment

□ Knowledge specializing in copyright

□ Knowledge specializing in related rights

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



ATTACHMENTS OF THE APPLICATION

CONTENTS

 (For public official receiving the application)

□ Application

□ (Certified) copies of undergraduate or graduate degree

□ Confirmation of working process

□ 2 colored head shots in 3 x 4 cm format

□ Request for exemption from assessment examination

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Public official receiving the application
(Signature and full name)

 

 

 

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



We hereby guarantee the accuracy of information and attachments of the application and assume full legal responsibilities.

 

Filed in: ………………………… (location and date)
Applicant
(Signature and full name)

 

 

 

Form No. 10

APPLICATION

FOR ISSUANCE/RE-ISSUANCE
OF COPYRIGHT, RELATED RIGHT ASSESSOR'S CARD

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Photo

 (3 x 4 cm)

 

 

 

INFORMATION OF APPLICANT

Full name:

Date of birth:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Address:

Telephone:

 

Place of birth:

Issued on: (date)

 

Email:

APPLICATION DETAILS

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



□ Application for re-issuance Number of issued card:

Reason for re-issuance: □ Lost card □ Damaged card □ Change to information of assessor’s card

FIELD OF ASSESSMENT

□ Copyright

□ Related rights

FORM OF ASSESSMENT

□ Independent assessment

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



APPLICATION CONTENTS

CONTENTS

 (For public official receiving the application)

□ The application

□ Copies of written qualification of copyright, related right assessment examination

□ Copies of ID Card/Citizen ID Card

□ 2 colored head shots in 3 x 4 cm format

□ Previously issued card (if applying for re-issuance, except when previous card is lost)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



□ Written request for re-issuance





Public official receiving the application
(Signature and full name)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

 

 

 

 COMMITMENT OF APPLICANT

We hereby guarantee the accuracy of information and attachments of the application and assume full legal responsibilities.

 

Filed in: ………………………… (location and date)
Applicant
(Signature and full name)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

Form No. 11

SAMPLE COPYRIGHT, RELATED RIGHT ASSESSOR'S CARD

 (Dimension of copyright, related right assessor’s card is 12 cm x 18 cm)

 

Form No. 12

APPLICATION

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



To: Copyright Protection Agency of Vietnam, the Ministry of Culture, Sports and Tourism

INFORMATION OF APPLICANT FOR ISSUANCE/RE-ISSUANCE OF CERTIFICATE OF COPYRIGHT, RELATED RIGHT ASSESSING BODY

Name of organization:

Establishment decision/Operation registration No. issued on (date) in (location)

Address:

Phone: Fax: Email:

APPLICATION DETAILS

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



□ Application for re-issuance of Number of issued certificate:

Reason for re-issuance: □ Lost certificate

 □ Damaged certificate □ Change to information of the certificate

 

LIST OF AFFILIATED ASSESSOR

No.

Full name

Assessor's card No.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

 

 

 

 

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



APPLICATION CONTENTS

CONTENTS

 (For public official receiving the application)

□ The application

□ (Certified) copies of Decision on establishment/Operation registration of the organization

□ (Certified) copies of decision on recruitment, employment contract, working contract

□ Previously issued certificate of assessing body (if applying for re-issuance, except when previous certificate is lost)

□ Written request for re-issuance

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.







Public official receiving the application
(Signature and full name)

 

 

 

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



COMMITMENT OF APPLICANT

We hereby guarantee the accuracy of information and attachments of the application and assume full legal responsibilities.

 

Filed in: ………………………… (location and date)
Filing individual
(Signature, full name, position, and seal)

 

 

 

Form No. 13

THE MINISTRY OF CULTURE, SPORTS AND TOURISM
COPYRIGHT PROTECTION AGENCY OF VIETNAM
-------

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



No. /GCNTCGD-BQTG

 (Location and date)

 

CERTIFICATE

Copyright, related right assessing body

DIRECTOR OF COPYRIGHT PROTECTION AGENCY OF VIETNAM

Pursuant to Clause 2 and Clause 2a Article 201 of the Law on Intellectual Property of 2005 amended in 2009, 2019, and 2022;

Pursuant to Article … of Decree No. …… dated ……… of the Government elaborating the Law on Intellectual Property regarding copyright and related rights;

Pursuant to Decision No. … dated ……… of the Minister of Culture, Sports and Tourism on functions, tasks, powers, and organizational structures of the Copyright Protection Agency of Vietnam.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Organization:

Business name:

Establishment decision/Operation registration No. issued on: (date) in: (location)

Address:

As copyright, related right assessing body

Full name of legal representative of the organization:

List of copyright, related right assessors:

No.

Full name

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Specialty

 

 

 

 

 

 

 

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



 

 

 

 

 

DIRECTOR

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 17/2023/NĐ-CP ngày 26/04/2023 hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


113.643

DMCA.com Protection Status
IP: 18.119.117.122
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!