QUỐC HỘI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Luật số:
07/2022/QH15
|
Hà Nội, ngày 16
tháng 6 năm 2022
|
LUẬT
SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ
Căn cứ Hiến pháp nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11
đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số
36/2009/QH12 và Luật số 42/2019/QH14.
Điều 1. Sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ
1. Sửa đổi, bổ
sung một số khoản của Điều 4 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung các khoản 8, 9 và 10; bổ
sung các khoản 10a, 10b, 10c và 10d vào sau khoản 10; sửa đổi, bổ sung khoản 11 và bổ sung khoản 11a vào sau khoản 11
như sau:
“8. Tác phẩm
phái sinh là tác phẩm được sáng tạo trên cơ sở một hoặc nhiều tác phẩm đã
có thông qua việc dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, phóng tác, biên soạn,
chú giải, tuyển chọn, cải biên, chuyển thể nhạc và các chuyển thể khác.
9. Tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình
đã công bố là tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã được phát hành với sự đồng
ý của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan để phổ biến đến công
chúng bản sao dưới bất kỳ hình thức nào với số lượng hợp lý.
10. Sao chép là việc tạo ra bản sao của toàn
bộ hoặc một phần tác phẩm hoặc bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay
hình thức nào.
10a. Tiền bản quyền là khoản tiền trả cho việc
sáng tạo hoặc chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm, cuộc
biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, bao gồm cả tiền nhuận
bút, tiền thù lao.
10b. Biện pháp công nghệ bảo vệ quyền là biện
pháp sử dụng bất kỳ kỹ thuật, công nghệ, thiết bị hoặc linh kiện nào trong quá
trình hoạt động bình thường có chức năng chính nhằm bảo vệ quyền tác giả, quyền
liên quan đối với hành vi được thực hiện mà không được sự cho phép của chủ sở hữu
quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan.
10c. Biện pháp công nghệ hữu hiệu là biện
pháp công nghệ bảo vệ quyền mà chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan kiểm soát
việc sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát
sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa thông qua các ứng dụng kiểm
soát truy cập, quy trình bảo vệ hoặc cơ chế kiểm soát sao chép.
10d. Thông tin quản lý quyền là thông tin
xác định về tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát
sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa; về tác giả, người biểu diễn,
chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan và các điều kiện khai
thác, sử dụng; số hiệu, mã số thể hiện các thông tin nêu trên. Thông tin quản
lý quyền phải gắn liền với bản sao hoặc xuất hiện đồng thời với tác phẩm, cuộc
biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng khi tác phẩm, cuộc biểu
diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được truyền đến công chúng.
11. Phát sóng là việc truyền đến công chúng
bằng phương tiện vô tuyến âm thanh hoặc hình ảnh, âm thanh và hình ảnh, sự tái
hiện âm thanh hoặc hình ảnh, sự tái hiện âm thanh và hình ảnh của tác phẩm, cuộc
biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, bao gồm cả việc truyền
qua vệ tinh, truyền tín hiệu được mã hóa trong trường hợp phương tiện giải mã
được tổ chức phát sóng cung cấp tới công chúng hoặc được cung cấp với sự đồng ý
của tổ chức phát sóng.
11a. Truyền đạt đến công chúng là việc truyền
đến công chúng tác phẩm; âm thanh, hình ảnh của cuộc biểu diễn; âm thanh, hình ảnh
hoặc sự tái hiện của âm thanh, hình ảnh được định hình trong bản ghi âm, ghi
hình bằng bất kỳ phương tiện nào ngoài phát sóng.”;
b) Bổ sung khoản 12a vào sau
khoản 12 và sửa đổi, bổ sung khoản 13 như sau:
“12a. Sáng chế mật là sáng chế được cơ quan,
tổ chức có thẩm quyền xác định là bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về
bảo vệ bí mật nhà nước.
13. Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên
ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện
bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy
được trong quá trình khai thác công dụng
của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp.”;
c) Sửa đổi, bổ sung khoản 20 như sau:
“20. Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được bộ
phận công chúng có liên
quan biết đến rộng rãi trên lãnh thổ Việt Nam.”;
d) Sửa đổi, bổ sung khoản 22 và bổ sung khoản 22a vào sau khoản
22 như sau:
“22. Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ
nguồn gốc địa lý của sản phẩm từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc
gia cụ thể.
22a. Chỉ dẫn địa lý đồng âm là các chỉ dẫn địa lý có cách phát âm hoặc cách viết trùng nhau.”.
2. Sửa đổi, bổ
sung khoản 2 Điều 7 như sau:
“2. Việc thực
hiện quyền sở hữu trí tuệ không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích
công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và không được vi phạm quy định khác của pháp luật có liên quan. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền sở hữu trí tuệ liên quan đến Quốc kỳ,
Quốc huy, Quốc ca nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không được ngăn chặn,
cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.”.
3. Sửa đổi, bổ
sung khoản 2 và khoản 3 Điều 8 như sau:
“2. Khuyến khích, thúc đẩy hoạt
động đổi mới sáng tạo, khai thác tài sản trí tuệ thông qua hỗ trợ về tài chính,
ưu đãi về thuế, tín dụng và hỗ trợ, ưu đãi
đầu tư khác phù hợp với quy định của pháp luật nhằm góp phần phát triển kinh tế
- xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
3. Hỗ trợ tài chính cho việc tạo ra, nhận chuyển
giao, khai thác quyền sở hữu trí tuệ phục vụ lợi ích công cộng; khuyến khích tổ
chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tài trợ cho hoạt động đổi mới sáng tạo
và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.”.
4. Bổ sung Điều
12a vào trước Điều 13 trong Mục 1
Chương I Phần thứ hai như sau:
“Điều 12a. Tác giả, đồng tác giả
1. Tác giả là người trực tiếp sáng tạo
tác phẩm. Trường hợp có từ hai người trở lên cùng trực tiếp sáng tạo tác phẩm với chủ ý là sự
đóng góp của họ được kết hợp thành một tổng thể hoàn chỉnh thì những người đó
là các đồng tác giả.
2. Người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung
cấp tư liệu cho người khác sáng tạo tác phẩm không phải là
tác giả, đồng tác giả.
3. Việc thực hiện quyền nhân thân và
quyền tài sản đối với tác phẩm có đồng tác giả phải có sự thỏa thuận của các đồng
tác giả, trừ trường hợp tác phẩm có phần
riêng biệt có thể tách
ra sử dụng độc lập mà không làm phương hại đến phần của các đồng
tác giả khác hoặc luật khác có quy định khác.”.
5. Sửa đổi, bổ
sung các điều 19, 20 và 21 như sau:
“Điều 19. Quyền nhân thân
Quyền nhân thân bao gồm:
1. Đặt tên cho tác phẩm.
Tác giả có quyền chuyển quyền sử dụng
quyền đặt tên tác phẩm cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển giao quyền tài sản quy
định tại khoản 1 Điều 20 của Luật này;
2. Đứng tên thật hoặc bút danh trên
tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
3. Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố
tác phẩm;
4. Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm không cho người
khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén tác phẩm dưới bất kỳ hình
thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Điều 20. Quyền tài sản
1. Quyền tài sản bao gồm:
a) Làm tác phẩm phái sinh;
b) Biểu diễn tác phẩm trước công
chúng trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các bản ghi âm, ghi hình hoặc bất kỳ
phương tiện kỹ thuật nào tại địa điểm mà công chúng có thể tiếp cận được nhưng
công chúng không thể tự do lựa chọn thời gian và từng phần tác phẩm;
c) Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một
phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trừ trường hợp quy định
tại điểm a khoản 3 Điều này;
d) Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng
thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản gốc, bản
sao tác phẩm dưới dạng hữu hình, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều
này;
đ) Phát sóng, truyền đạt đến công chúng tác phẩm bằng
phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện
kỹ thuật nào khác, bao gồm cả việc cung cấp tác phẩm đến công chúng theo cách
mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn;
e) Cho thuê bản gốc hoặc bản
sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính, trừ trường hợp chương trình máy
tính đó không phải là đối tượng chính của việc cho thuê.
2. Các quyền quy định tại khoản 1 Điều này do tác
giả, chủ sở hữu quyền tác giả độc quyền thực hiện hoặc cho phép tổ chức, cá
nhân khác thực hiện theo quy định của Luật này.
Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một số
hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này và khoản 3
Điều 19 của Luật này phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả và trả
tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền tác
giả, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, các điều 25,
25a, 26, 32 và 33 của Luật này. Trường hợp làm tác phẩm
phái sinh mà ảnh hưởng đến quyền nhân thân quy định tại khoản 4
Điều 19 của Luật này còn phải được sự đồng ý bằng văn bản của tác giả.
3. Chủ sở hữu quyền tác giả
không có quyền ngăn cấm tổ chức, cá nhân khác thực hiện các
hành vi sau đây:
a) Sao chép
tác phẩm chỉ để thực hiện các quyền khác theo quy định của Luật này; sao chép tạm thời theo một quy trình công nghệ, trong quá trình hoạt động
của các thiết bị để truyền phát trong một mạng lưới giữa các bên thứ ba thông
qua trung gian hoặc sử dụng hợp pháp tác phẩm, không có mục đích kinh tế độc lập
và bản sao bị tự động xóa bỏ, không có khả năng phục hồi lại;
b) Phân phối lần tiếp theo, nhập khẩu để phân phối
đối với bản gốc, bản sao tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện hoặc cho phép thực hiện việc phân phối.
Điều 21. Quyền tác giả đối với
tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu
1. Quyền tác giả đối với tác
phẩm điện ảnh được quy định như sau:
a) Biên kịch, đạo diễn được hưởng quyền quy định tại
các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này;
b) Quay phim, dựng phim, sáng tác âm nhạc, thiết kế
mỹ thuật, thiết kế âm thanh, ánh sáng, kỹ xảo, diễn viên điện ảnh và những người
thực hiện các công việc khác có tính sáng tạo đối với tác phẩm điện ảnh được hưởng
quyền quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật này;
c) Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật
chất - kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh là chủ sở hữu các quyền quy định
tại khoản 3 Điều 19 và khoản 1 Điều 20 của Luật này, trừ trường
hợp có thỏa thuận khác bằng văn bản; có nghĩa vụ trả tiền bản quyền, các quyền
lợi vật chất khác (nếu có) theo hợp đồng với những người quy định tại điểm a và
điểm b khoản này;
d) Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật
chất - kỹ thuật để sản xuất tác phẩm điện ảnh có thể thỏa thuận với những người
quy định tại điểm a khoản này về việc đặt tên, sửa đổi tác phẩm;
đ) Trường hợp kịch bản, tác phẩm âm nhạc trong tác
phẩm điện ảnh được sử dụng độc lập thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của kịch
bản, tác phẩm âm nhạc được hưởng quyền tác giả một cách độc lập đối với kịch bản,
tác phẩm âm nhạc đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác bằng văn bản.
2. Quyền tác giả đối với tác phẩm sân khấu được quy
định như sau:
a) Tác giả kịch bản sân khấu được hưởng quyền quy định
tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này;
b) Tác giả tác phẩm văn học, tác giả tác phẩm
âm nhạc, đạo diễn sân khấu, chỉ huy âm nhạc, biên đạo múa, thiết kế sân khấu,
phục trang và những người thực hiện các công việc khác có tính sáng tạo đối với
tác phẩm sân khấu được hưởng quyền quy định tại khoản 2 Điều 19
của Luật này;
c) Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật
chất - kỹ thuật để xây dựng tác phẩm sân khấu là chủ sở hữu các quyền quy định
tại khoản 3 Điều 19 và khoản 1 Điều 20 của Luật này, trừ
trường hợp có thỏa thuận khác bằng văn bản; có nghĩa vụ trả tiền bản quyền, các
quyền lợi vật chất khác (nếu có) theo hợp đồng với những người quy định tại điểm
a và điểm b khoản này;
d) Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật
chất - kỹ thuật để xây dựng tác phẩm sân khấu có thể thỏa thuận với những người
quy định tại điểm a khoản này về việc đặt tên, sửa đổi tác phẩm;
đ) Trường hợp tác phẩm văn học, tác phẩm âm nhạc
trong tác phẩm sân khấu được sử dụng độc lập thì tác giả, chủ sở hữu quyền tác
giả của tác phẩm văn học, tác phẩm âm nhạc được hưởng quyền tác giả một cách độc
lập đối với tác phẩm văn học, tác phẩm âm nhạc đó, trừ trường hợp có thỏa thuận
khác bằng văn bản.”.
6. Sửa đổi, bổ
sung khoản 1 Điều 22 như sau:
“1.
Chương trình máy tính là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng lệnh, mã,
lược đồ hoặc dạng khác, khi gắn vào một phương tiện, thiết bị được vận hành bằng
ngôn ngữ lập trình máy tính thì có khả năng làm cho máy tính hoặc thiết bị thực
hiện được công việc hoặc đạt được kết quả cụ thể. Chương trình máy tính được bảo
hộ như tác phẩm văn học, dù được thể hiện dưới dạng mã nguồn hay mã máy.
Tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả đối với chương
trình máy tính có quyền thỏa thuận bằng văn bản với nhau về việc sửa chữa, nâng
cấp chương trình máy tính. Tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp bản sao
chương trình máy tính được làm một bản sao dự phòng để thay thế khi bản sao đó
bị xóa, bị hỏng hoặc không thể sử dụng nhưng không được chuyển giao cho tổ chức,
cá nhân khác.”.
7. Sửa đổi, bổ
sung Điều 25 và bổ sung Điều 25a vào sau Điều 25;
sửa đổi, bổ sung Điều 26 như sau:
“Điều 25.
Các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả
1. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không
phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền nhưng phải thông tin
về tên tác giả và nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm bao gồm:
a) Tự sao chép một bản để nghiên
cứu khoa học, học tập của cá nhân và
không nhằm mục đích thương mại. Quy định này không áp dụng
trong trường hợp sao chép bằng thiết bị sao chép;
b) Sao chép hợp
lý một phần tác phẩm bằng thiết bị sao chép để nghiên cứu khoa học, học tập của
cá nhân và không nhằm mục đích thương mại;
c) Sử dụng hợp
lý tác phẩm để minh họa trong bài giảng, ấn phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm,
ghi hình, chương trình phát sóng nhằm mục đích giảng dạy. Việc sử dụng này có
thể bao gồm việc cung cấp trong mạng máy tính nội bộ với điều kiện phải có các
biện pháp kỹ thuật để bảo đảm chỉ người học và người dạy trong buổi học đó có
thể tiếp cận tác phẩm này;
d) Sử dụng tác
phẩm trong hoạt động công vụ của cơ quan nhà nước;
đ) Trích dẫn hợp
lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận, giới thiệu hoặc minh họa
trong tác phẩm của mình; để viết báo, sử dụng trong ấn phẩm định kỳ, trong
chương trình phát sóng, phim tài liệu;
e) Sử dụng tác
phẩm trong hoạt động thư viện không nhằm mục đích thương mại, bao gồm sao chép
tác phẩm lưu trữ trong thư viện để bảo quản, với điều kiện bản sao này phải được
đánh dấu là bản sao lưu trữ và giới hạn đối tượng tiếp cận theo quy định của
pháp luật về thư viện, lưu trữ; sao chép hợp lý một phần tác phẩm bằng thiết bị
sao chép cho người khác phục vụ nghiên cứu, học tập; sao chép hoặc truyền tác
phẩm được lưu giữ để sử dụng liên thông thư viện thông qua mạng máy tính, với
điều kiện số lượng người đọc tại cùng một thời điểm không vượt quá số lượng bản
sao của tác phẩm do các thư viện nói trên nắm giữ, trừ trường hợp được chủ sở hữu
quyền cho phép và không áp dụng trong trường hợp tác phẩm đã được cung cấp trên
thị trường dưới dạng kỹ thuật số;
g) Biểu diễn tác phẩm sân khấu, âm
nhạc, múa và các loại hình biểu diễn nghệ thuật khác trong các buổi
sinh hoạt văn hóa, hoạt động tuyên truyền cổ động không
nhằm mục đích thương mại;
h) Chụp ảnh, truyền hình tác phẩm mỹ thuật, kiến trúc,
nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng được trưng bày tại nơi công cộng nhằm giới thiệu
hình ảnh của tác phẩm đó, không nhằm mục đích thương mại;
i) Nhập khẩu bản sao tác phẩm của người
khác để sử dụng cá nhân, không nhằm mục đích thương mại;
k) Sao chép bằng cách đăng tải lại
trên báo, ấn phẩm định kỳ, phát sóng hoặc các hình thức truyền thông khác tới
công chúng bài giảng, bài phát biểu, bài nói khác được trình bày trước công
chúng trong phạm vi phù hợp với mục đích thông tin thời sự, trừ trường hợp tác
giả tuyên bố giữ bản quyền;
l) Chụp ảnh, ghi âm, ghi hình, phát
sóng sự kiện nhằm mục đích đưa tin thời sự, trong đó có sử dụng tác phẩm được
nghe thấy, nhìn thấy trong sự kiện đó;
m) Người khuyết
tật nhìn, người khuyết tật không có khả năng đọc chữ in và người khuyết tật
khác không có khả năng tiếp cận tác phẩm để đọc theo cách thông thường (sau đây
gọi là người khuyết tật), người nuôi dưỡng, chăm sóc cho người khuyết tật, tổ
chức đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ sử dụng tác phẩm theo quy định
tại Điều 25a của Luật này.
2. Việc sử dụng tác phẩm quy định tại
khoản 1 Điều này không được mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm
và không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ
sở hữu quyền tác giả.
3. Việc sao chép quy định tại khoản 1
Điều này không áp dụng đối với tác phẩm kiến trúc, tác phẩm mỹ thuật, chương
trình máy tính; việc làm tuyển tập, hợp tuyển các tác phẩm.
4. Chính phủ quy định chi tiết Điều
này.
Điều 25a. Các trường hợp ngoại
lệ không xâm phạm quyền tác giả dành cho người khuyết tật
1. Người khuyết tật, người nuôi dưỡng,
chăm sóc cho người khuyết tật được quyền sao chép, biểu diễn, truyền đạt tác phẩm
dưới định dạng bản sao dễ tiếp cận của tác phẩm khi có quyền tiếp cận hợp pháp
với bản gốc hoặc bản sao tác phẩm. Bản sao dưới định dạng dễ tiếp cận là
bản sao của tác phẩm được thể hiện bằng một phương thức hay định dạng khác dành
cho người khuyết tật; chỉ được sử dụng cho mục đích cá
nhân của người khuyết tật và có thể có những điều chỉnh kỹ thuật phù hợp, cần
thiết để người khuyết tật có thể tiếp cận tác phẩm.
2. Tổ chức đáp ứng điều kiện theo quy định của
Chính phủ có quyền sao chép, phân phối, biểu diễn, truyền đạt tác phẩm dưới định
dạng bản sao dễ tiếp cận của tác phẩm khi có quyền tiếp cận hợp pháp bản gốc hoặc
bản sao tác phẩm và hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.
3. Tổ chức đáp ứng điều kiện theo quy định của
Chính phủ có quyền phân phối hoặc truyền đạt bản sao dưới định dạng dễ tiếp cận
của tác phẩm tới tổ chức tương ứng theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên mà không cần sự cho phép của chủ sở
hữu quyền tác giả.
4. Tổ chức đáp ứng điều kiện theo quy định của
Chính phủ có quyền phân phối hoặc truyền đạt bản sao dưới định dạng dễ tiếp cận
của tác phẩm tới người khuyết tật ở nước ngoài theo quy định tại điều ước quốc
tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên mà không cần sự cho
phép của chủ sở hữu quyền tác giả với điều kiện trước khi phân phối hoặc truyền
đạt, tổ chức này không biết hoặc không có cơ sở để biết bản sao dưới định dạng
dễ tiếp cận này sẽ được sử dụng cho bất cứ đối tượng nào khác ngoài người khuyết
tật.
5. Người khuyết tật hoặc người nuôi dưỡng, chăm sóc
cho người khuyết tật hoặc tổ chức đáp ứng điều kiện theo quy định của Chính phủ
có quyền nhập khẩu bản sao dưới định dạng dễ tiếp cận của tác phẩm từ tổ chức
tương ứng theo quy định tại điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa
Việt Nam là thành viên vì lợi ích của người khuyết tật mà không cần sự cho phép
của chủ sở hữu quyền tác giả.
6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Điều 26. Giới hạn quyền tác giả
1. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không
phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền, phải thông tin về tên tác giả và
nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm bao gồm:
a) Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố, tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép định hình
trên bản ghi âm, ghi hình công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng có tài
trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép
nhưng phải trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử dụng. Mức
tiền bản quyền và phương thức thanh toán do các bên thỏa thuận; trường hợp
không đạt được thỏa thuận thì thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm đã công bố, tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép định hình
trên bản ghi âm, ghi hình công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng không
có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải
xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả kể từ khi sử
dụng theo quy định của Chính phủ;
b) Trường hợp tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác
giả cho phép định hình trên bản ghi âm, ghi hình công bố nhằm mục đích thương mại
thì tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình này trong
hoạt động kinh doanh, thương mại không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản
quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm đó theo thỏa
thuận kể từ khi sử dụng; trường hợp không đạt được thỏa thuận thì thực hiện
theo quy định của Chính phủ. Chính phủ quy định chi tiết các hoạt
động kinh doanh, thương mại quy định tại điểm này.
2. Việc sử dụng tác phẩm quy định tại
khoản 1 Điều này không được mâu thuẫn với việc khai thác bình thường tác phẩm
và không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ
sở hữu quyền tác giả.
3. Việc sử dụng tác phẩm trong các
trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này không áp dụng đối với tác phẩm điện ảnh.
4. Tổ chức, cá nhân Việt Nam hưởng ưu đãi dành cho
các nước đang phát triển đối với quyền dịch tác phẩm từ tiếng nước ngoài sang
tiếng Việt và quyền sao chép để giảng dạy, nghiên cứu không nhằm mục đích
thương mại theo quy định tại các điều ước quốc tế mà nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên thì thực hiện theo quy định
của Chính phủ.
5. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu khai thác, sử dụng
tác phẩm đã công bố của tổ chức, cá nhân Việt Nam nhưng không thể tìm được hoặc
không xác định được chủ sở hữu quyền tác giả thì thực hiện theo quy định của
Chính phủ.”.
8. Sửa đổi, bổ
sung Điều 28 như sau:
“Điều 28. Hành vi xâm phạm quyền
tác giả
1. Xâm phạm quyền nhân thân quy định tại Điều 19 của Luật này.
2. Xâm phạm quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này.
3. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ
nghĩa vụ quy định tại các điều 25, 25a và 26 của Luật này.
4. Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu biện pháp công nghệ
hữu hiệu do tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả thực hiện để bảo vệ quyền tác giả
đối với tác phẩm của mình nhằm thực hiện hành vi quy định tại Điều này và Điều 35 của Luật này.
5. Sản xuất, phân phối, nhập khẩu, chào bán, bán,
quảng bá, quảng cáo, tiếp thị, cho thuê hoặc tàng trữ nhằm mục đích thương mại
các thiết bị, sản phẩm hoặc linh kiện, giới thiệu hoặc cung cấp dịch vụ khi biết
hoặc có cơ sở để biết thiết bị, sản phẩm, linh kiện hoặc dịch vụ đó được sản xuất, sử dụng nhằm vô hiệu hóa biện pháp công nghệ hữu hiệu bảo vệ
quyền tác giả.
6. Cố ý xóa, gỡ bỏ hoặc thay đổi thông tin quản lý
quyền mà không được phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả khi biết hoặc có
cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện
thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp
luật.
7. Cố ý phân phối, nhập khẩu để phân phối, phát
sóng, truyền đạt hoặc cung cấp đến công chúng bản sao tác phẩm khi biết hoặc có
cơ sở để biết thông tin quản lý quyền đã bị xóa, gỡ bỏ, thay đổi mà không được
phép của chủ sở hữu quyền tác giả; khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện
hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu
hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định của pháp luật.
8. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy
định để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ
trung gian quy định tại khoản 3 Điều 198b của Luật này.”.
9. Sửa đổi, bổ
sung các điều 29, 30, 31, 32 và 33
như sau:
“Điều 29. Quyền của người biểu
diễn
1. Người biểu diễn có các quyền nhân thân và các
quyền tài sản đối với cuộc biểu diễn theo quy định của Luật này.
Trường hợp người biểu diễn không đồng thời là chủ sở
hữu quyền đối với cuộc biểu diễn thì người biểu diễn được hưởng các quyền nhân
thân quy định tại khoản 2 Điều này; chủ sở hữu quyền đối với cuộc biểu diễn được
hưởng các quyền tài sản quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Quyền nhân thân bao gồm:
a) Được giới thiệu tên khi biểu diễn, khi phát hành
bản ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn;
b) Bảo vệ sự toàn vẹn của hình tượng biểu diễn
không cho người khác xuyên tạc; không cho người khác sửa đổi, cắt xén dưới bất
kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.
3. Quyền tài sản bao gồm độc quyền thực hiện hoặc
cho phép tổ chức, cá nhân khác thực hiện các quyền sau đây:
a) Định hình cuộc biểu diễn trực tiếp của mình trên
bản ghi âm, ghi hình;
b) Sao chép trực tiếp hoặc
gián tiếp toàn bộ hoặc một phần cuộc biểu diễn của mình đã được định hình trên
bản ghi âm, ghi hình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trừ trường hợp
quy định tại điểm a khoản 5 Điều này;
c) Phát sóng, truyền đạt đến
công chúng cuộc biểu diễn chưa được định hình của mình theo cách mà công chúng
có thể tiếp cận được, trừ trường hợp cuộc biểu diễn đó nhằm mục đích phát sóng;
d) Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng
thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản gốc, bản
sao bản định hình cuộc biểu diễn của mình dưới dạng hữu hình, trừ
trường hợp quy định tại điểm b khoản 5 Điều này;
đ) Cho thuê thương mại tới công chúng bản gốc, bản
sao cuộc biểu diễn của mình đã được định hình trong bản ghi âm, ghi hình, kể cả
sau khi được phân phối bởi người biểu diễn hoặc với sự cho phép của người biểu
diễn;
e) Phát sóng, truyền đạt đến công chúng bản định
hình cuộc biểu diễn của mình, bao gồm cả cung cấp đến công chúng bản định hình
cuộc biểu diễn theo cách mà công chúng có thể tiếp cận được tại địa điểm và thời
gian do họ lựa chọn.
4. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một
số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 3 Điều này phải được sự cho phép của
chủ sở hữu quyền đối với cuộc biểu diễn và trả tiền bản quyền, các quyền lợi vật
chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền đối với cuộc biểu diễn theo quy định của
pháp luật hoặc theo thỏa thuận trong trường hợp pháp luật không quy định, trừ
trường hợp quy định tại khoản 5 Điều này, các điều 25, 25a, 26,
32 và 33 của Luật này.
5. Chủ sở hữu quyền đối với cuộc biểu
diễn không có quyền ngăn cấm tổ chức, cá nhân khác thực hiện các hành vi
sau đây:
a) Sao chép cuộc biểu diễn chỉ
để thực hiện các quyền khác theo quy định của Luật này; sao chép tạm thời theo
một quy trình công nghệ, trong quá trình hoạt động của các thiết bị để truyền
phát trong một mạng lưới giữa các bên thứ ba thông qua trung gian hoặc sử dụng
hợp pháp cuộc biểu diễn của mình đã được định hình trên bản ghi âm, ghi hình,
không có mục đích kinh tế độc lập và bản sao bị tự động xóa bỏ,
không có khả năng phục hồi lại;
b) Phân phối lần tiếp theo, nhập khẩu để phân phối
đối với bản gốc, bản sao bản định hình cuộc biểu diễn đã được chủ sở hữu quyền
thực hiện hoặc cho phép thực hiện việc phân phối.
Điều 30. Quyền của nhà sản xuất
bản ghi âm, ghi hình
1. Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có độc quyền
thực hiện hoặc cho phép tổ chức, cá nhân khác thực hiện các quyền sau đây:
a) Sao chép toàn bộ hoặc một phần bản ghi âm, ghi
hình của mình bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trừ trường
hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;
b) Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng
thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản gốc, bản
sao bản ghi âm, ghi hình của mình dưới dạng hữu hình, trừ trường
hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;
c) Cho thuê thương mại tới công chúng bản gốc, bản
sao bản ghi âm, ghi hình của mình, kể cả sau khi được phân phối bởi nhà sản xuất
hoặc với sự cho phép của nhà sản xuất;
d) Phát sóng, truyền đạt đến công chúng bản ghi âm,
ghi hình của mình, bao gồm cả cung cấp tới công chúng bản ghi âm, ghi hình theo
cách mà công chúng có thể tiếp cận tại địa điểm và thời gian do họ lựa chọn.
2. Tổ chức, cá nhân khi khai thác, sử dụng một, một
số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này phải được sự cho phép của
chủ sở hữu quyền đối với bản ghi âm, ghi hình và trả tiền bản quyền, các quyền
lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền đối với bản ghi âm, ghi hình
theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận trong trường hợp pháp luật
không quy định, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, các điều 25, 25a, 26, 32 và 33 của Luật này.
3. Chủ sở hữu quyền đối với bản ghi
âm, ghi hình không có quyền ngăn cấm tổ chức, cá nhân khác thực hiện các
hành vi sau đây:
a) Sao chép bản ghi âm, ghi
hình chỉ để thực hiện các quyền khác theo quy định của Luật này; sao chép tạm
thời theo một quy trình công nghệ, trong quá trình hoạt động của các thiết bị để
truyền phát trong một mạng lưới giữa các bên thứ ba thông qua trung gian hoặc sử
dụng hợp pháp bản ghi âm, ghi hình, không có mục đích kinh tế độc lập và bản
sao bị tự động xóa bỏ, không có khả năng phục hồi lại;
b) Phân phối lần tiếp theo, nhập khẩu để phân phối
đối với bản gốc, bản sao bản ghi âm, ghi hình đã được chủ sở hữu quyền thực hiện
hoặc cho phép thực hiện việc phân phối.
Điều 31. Quyền của tổ chức
phát sóng
1. Tổ chức phát sóng có độc quyền thực hiện hoặc
cho phép tổ chức, cá nhân khác thực hiện các quyền sau đây:
a) Phát sóng, tái phát sóng chương trình phát sóng
của mình;
b) Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một
phần bản định hình chương trình phát sóng của mình bằng bất kỳ phương tiện hay
hình thức nào, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này;
c) Định hình chương trình phát sóng của mình;
d) Phân phối, nhập khẩu để phân phối đến công chúng
thông qua bán hoặc hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản định
hình chương trình phát sóng của mình dưới dạng hữu hình, trừ trường hợp quy định
tại điểm b khoản 3 Điều này.
2. Tổ chức, cá nhân khi khai
thác, sử dụng một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 Điều này
phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền đối với chương trình phát sóng và trả
tiền bản quyền, các quyền lợi vật chất khác (nếu có) cho chủ sở hữu quyền đối với
chương trình phát sóng theo quy định của pháp luật hoặc theo thỏa thuận trong
trường hợp pháp luật không quy định, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều
này, các điều 25, 25a, 26, 32 và 33 của Luật
này.
3. Chủ sở hữu quyền đối với
chương trình phát sóng không có quyền ngăn cấm tổ chức, cá nhân khác thực hiện
các hành vi sau đây:
a) Sao chép chương trình phát
sóng chỉ để thực hiện các quyền khác theo quy định của Luật này; sao chép tạm
thời theo một quy trình công nghệ, trong quá trình hoạt động của các thiết bị để
truyền phát trong một mạng lưới giữa các bên thứ ba thông qua trung gian hoặc sử
dụng hợp pháp chương trình phát sóng, không có mục đích kinh tế độc lập và bản
sao bị tự động xóa bỏ, không có khả năng phục hồi lại;
b) Phân phối lần tiếp theo,
nhập khẩu để phân phối đối với bản định hình chương trình phát sóng đã được chủ
sở hữu quyền thực hiện hoặc cho phép thực hiện việc phân phối.
Điều 32.
Các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền liên quan
1. Các trường hợp sử dụng cuộc
biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã công bố không phải
xin phép, không phải trả tiền bản quyền nhưng phải thông tin về cuộc biểu diễn,
bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng bao gồm:
a) Ghi âm, ghi hình trực tiếp
một phần cuộc biểu diễn để giảng dạy không nhằm mục đích thương mại hoặc để đưa
tin thời sự;
b) Tự sao chép hoặc hỗ trợ
người khuyết tật sao chép một phần cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương
trình phát sóng nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không
nhằm mục đích thương mại;
c) Sao
chép hợp lý một phần cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát
sóng để giảng dạy trực tiếp của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại, trừ
trường hợp cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng này đã
được công bố để giảng dạy;
d)
Trích dẫn hợp lý nhằm mục đích đưa tin thời sự;
đ) Tổ
chức phát sóng tự làm bản sao tạm thời để phát sóng khi được hưởng quyền phát
sóng.
2. Việc sử dụng cuộc biểu diễn,
bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng quy định tại khoản 1 Điều này
không được mâu thuẫn với việc khai thác bình thường cuộc biểu diễn, bản ghi âm,
ghi hình, chương trình phát sóng và không gây thiệt hại một cách bất hợp lý đến
lợi ích hợp pháp của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức
phát sóng.
3. Chính phủ quy định chi tiết
Điều này.
Điều 33.
Giới hạn quyền liên quan
1. Các trường hợp sử dụng bản
ghi âm, ghi hình đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền,
phải thông tin về bản ghi âm, ghi hình bao gồm:
a) Tổ chức, cá nhân sử dụng bản
ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng có tài trợ,
quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép nhưng phải
trả tiền bản quyền cho người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ
chức phát sóng kể từ khi sử dụng. Mức tiền bản quyền và phương thức thanh toán
do các bên thỏa thuận; trường hợp không đạt được thỏa thuận thì thực hiện theo
quy định của Chính phủ.
Tổ chức, cá nhân sử dụng bản
ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng không có tài
trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin
phép nhưng phải trả tiền bản quyền cho người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi
âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng theo quy định của Chính phủ;
b) Tổ chức, cá nhân sử dụng bản
ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại trong hoạt động kinh
doanh, thương mại không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền theo thỏa
thuận cho người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng
kể từ khi sử dụng; trường hợp không đạt được thỏa thuận
thì thực hiện theo quy định của Chính phủ. Chính phủ quy định chi
tiết các hoạt động kinh doanh, thương mại quy định tại điểm này.
2. Việc sử dụng bản ghi âm,
ghi hình quy định tại khoản 1 Điều này không được mâu thuẫn với việc khai thác
bình thường cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và không gây thiệt hại một cách bất hợp
lý đến lợi ích hợp pháp của người biểu diễn, nhà sản xuất
bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
3. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu
khai thác, sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố của tổ chức, cá nhân Việt
Nam nhưng không thể tìm được hoặc không xác định được chủ sở hữu quyền liên
quan thì thực hiện theo quy định của Chính phủ.”.
10. Sửa đổi, bổ
sung Điều 35 như sau:
“Điều
35. Hành vi xâm phạm quyền liên quan
1. Xâm phạm quyền của người
biểu diễn quy định tại Điều 29 của Luật này.
2. Xâm phạm quyền của nhà sản
xuất bản ghi âm, ghi hình quy định tại Điều 30 của Luật này.
3. Xâm phạm quyền của tổ chức
phát sóng quy định tại Điều 31 của Luật này.
4. Không thực hiện hoặc thực
hiện không đầy đủ nghĩa vụ quy định tại Điều 32 và Điều 33 của
Luật này.
5. Cố ý hủy bỏ hoặc làm vô hiệu
biện pháp công nghệ hữu hiệu do chủ sở hữu quyền liên quan thực hiện để bảo vệ
quyền của mình nhằm thực hiện hành vi quy định tại Điều này và Điều
28 của Luật này.
6. Sản xuất, phân phối, nhập
khẩu, chào bán, bán, quảng bá, quảng cáo, tiếp thị, cho thuê hoặc tàng trữ nhằm
mục đích thương mại các thiết bị, sản phẩm hoặc linh kiện, giới thiệu hoặc cung
cấp dịch vụ khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị, sản phẩm, linh kiện hoặc dịch
vụ đó được sản xuất, sử dụng nhằm vô hiệu hóa biện pháp công nghệ hữu hiệu bảo
vệ quyền liên quan.
7. Cố ý xóa, gỡ bỏ hoặc thay
đổi thông tin quản lý quyền mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan
khi biết hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả
năng, tạo điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền liên quan
theo quy định của pháp luật.
8. Cố ý phân phối, nhập khẩu
để phân phối, phát sóng, truyền đạt hoặc cung cấp đến công chúng cuộc biểu diễn,
bản sao cuộc biểu diễn đã được định hình hoặc bản ghi âm, ghi hình, chương
trình phát sóng khi biết hoặc có cơ sở để biết thông tin quản lý quyền đã bị
xóa, gỡ bỏ, thay đổi mà không được phép của chủ sở hữu quyền liên quan; khi biết
hoặc có cơ sở để biết việc thực hiện hành vi đó sẽ xúi giục, tạo khả năng, tạo
điều kiện thuận lợi hoặc che giấu hành vi xâm phạm quyền liên quan theo quy định
của pháp luật.
9. Sản xuất, lắp ráp, biến đổi,
phân phối, nhập khẩu, xuất khẩu, chào bán, bán hoặc cho thuê thiết bị, hệ thống
khi biết hoặc có cơ sở để biết thiết bị, hệ thống đó giải mã trái phép hoặc chủ
yếu để giúp cho việc giải mã trái phép tín hiệu vệ tinh mang chương trình được
mã hóa.
10. Cố ý thu hoặc tiếp tục
phân phối tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa khi tín hiệu đã được
giải mã mà không được phép của người phân phối hợp pháp.
11. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ quy định để được miễn trừ trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian quy định
tại khoản 3 Điều 198b của Luật này.”.
11. Sửa đổi, bổ
sung Điều 36 như sau:
“Điều 36. Chủ sở hữu quyền tác giả
Chủ sở hữu quyền
tác giả là tổ chức, cá nhân nắm giữ một, một số hoặc toàn bộ quyền quy định tại
khoản 3 Điều 19 và khoản 1 Điều 20 của Luật này.”.
12. Sửa đổi, bổ
sung các điều 41, 42, 43, 44 và bổ sung Điều 44a vào sau Điều 44
trong Chương III Phần thứ hai như sau:
“Điều 41. Chủ sở hữu quyền tác giả là người được chuyển giao
quyền
1. Tổ chức, cá nhân được chuyển
giao một, một số hoặc toàn bộ quyền quy định tại khoản 3 Điều
19 và khoản 1 Điều 20 của Luật này theo thỏa thuận trong hợp đồng là chủ sở
hữu quyền tác giả.
2. Tổ chức, cá
nhân đang quản lý hoặc nhận chuyển nhượng quyền đối với tác phẩm khuyết danh được
hưởng quyền của chủ sở hữu cho đến khi danh tính của tác giả, đồng tác giả được
xác định. Khi danh tính của tác giả, đồng tác giả được xác định thì chủ sở hữu
quyền tác giả đối với tác phẩm này, các quyền và nghĩa vụ liên quan đến quyền
tác giả của tổ chức, cá nhân đang quản lý hoặc nhận chuyển nhượng được xác định theo quy định của Luật này và quy định khác
của pháp luật có liên quan.
Điều 42.
Chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan là Nhà nước
1. Nhà nước là đại diện chủ sở
hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp sau đây:
a) Tác phẩm, cuộc biểu diễn,
bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được sáng tạo do cơ quan sử dụng
ngân sách nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu;
b) Tác phẩm, cuộc biểu diễn,
bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng được chủ sở hữu quyền tác giả, chủ
sở hữu quyền liên quan, đồng chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền
liên quan chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan cho Nhà nước;
c) Tác phẩm, cuộc biểu diễn,
bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng trong thời hạn bảo hộ mà chủ sở hữu
quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan, đồng chủ sở hữu quyền tác giả, đồng
chủ sở hữu quyền liên quan chết không có người thừa kế; người thừa kế từ chối
nhận di sản hoặc không được quyền hưởng di sản.
2. Nhà nước đại diện quản lý
quyền tác giả, quyền liên quan trong các trường hợp sau đây:
a) Tác phẩm, cuộc biểu diễn,
bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà không thể tìm được hoặc không
xác định được chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan, đồng chủ sở
hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền liên quan theo quy định của Luật này;
b) Tác phẩm khuyết danh cho đến
khi danh tính của tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở
hữu quyền tác giả được xác định, trừ trường hợp quy định tại khoản
2 Điều 41 của Luật này.
3. Cơ quan sử dụng ngân sách
nhà nước để đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu để sáng tạo tác phẩm, cuộc biểu
diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng là đại diện Nhà nước thực hiện
quyền của chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan trong trường hợp
quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.
Cơ quan quản lý nhà nước về
quyền tác giả, quyền liên quan là đại diện Nhà nước thực hiện quyền của chủ sở
hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan trong trường hợp quy định tại điểm
b, điểm c khoản 1 và khoản 2 Điều này.
4. Chính phủ quy định chi tiết
khoản 1 và khoản 2 Điều này; quy định biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản
quyền trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
Điều 43.
Tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng thuộc về
công chúng
1. Tác phẩm đã kết thúc thời
hạn bảo hộ theo quy định tại khoản 2 Điều 27 của Luật này
và cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã kết thúc thời
hạn bảo hộ theo quy định tại Điều 34 của Luật này thì thuộc
về công chúng.
2. Mọi tổ chức, cá nhân đều
có quyền sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình
phát sóng quy định tại khoản 1 Điều này nhưng phải tôn trọng các quyền nhân
thân của tác giả, người biểu diễn quy định tại Luật này và quy định khác của
pháp luật có liên quan.
3. Chính
phủ quy định chi tiết việc sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi
hình, chương trình phát sóng thuộc về công chúng.
Điều 44.
Chủ sở hữu quyền liên quan
1. Chủ sở hữu quyền liên quan
bao gồm:
a) Người biểu diễn sử dụng thời
gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật của mình để thực hiện cuộc
biểu diễn là chủ sở hữu quyền đối với cuộc biểu diễn đó, trừ trường hợp có thỏa
thuận khác với bên liên quan;
b) Nhà sản xuất bản ghi âm,
ghi hình sử dụng thời gian, đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật của
mình để sản xuất bản ghi âm, ghi hình là chủ sở hữu quyền đối với bản ghi âm,
ghi hình đó, trừ trường hợp có thỏa thuận khác với bên liên quan;
c) Tổ chức phát sóng là chủ sở
hữu quyền đối với chương trình phát sóng của mình, trừ trường hợp có thỏa thuận
khác với bên liên quan.
2. Chủ sở hữu quyền liên quan
là tổ chức giao nhiệm vụ cho tổ chức, cá nhân thuộc tổ chức của mình thực hiện
cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng là chủ sở hữu các
quyền tương ứng quy định tại khoản 3 Điều 29, khoản 1 Điều 30
và khoản 1 Điều 31 của Luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
3. Chủ sở hữu quyền liên quan
là tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng với tổ chức, cá nhân khác thực hiện cuộc
biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng là chủ sở hữu các quyền
tương ứng quy định tại khoản 3 Điều 29, khoản 1 Điều 30 và khoản
1 Điều 31 của Luật này, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
4. Tổ chức, cá nhân được thừa
kế quyền liên quan theo quy định của pháp luật về thừa kế là chủ sở hữu các quyền
tương ứng quy định tại khoản 3 Điều 29, khoản 1 Điều 30 và khoản
1 Điều 31 của Luật này.
5. Tổ chức, cá
nhân được chuyển giao một, một số hoặc toàn bộ các quyền theo thỏa thuận trong hợp đồng là chủ sở hữu một, một số hoặc toàn bộ các quyền tương
ứng quy định tại khoản 3 Điều 29, khoản 1 Điều 30 và khoản 1 Điều
31 của Luật này.
Điều
44a. Nguyên tắc xác định và phân chia tiền bản quyền
1. Các đồng chủ sở hữu quyền
tác giả, đồng chủ sở hữu quyền liên quan thỏa thuận về tỷ lệ phân chia tiền bản
quyền theo phần tham gia sáng tạo đối với toàn bộ tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản
ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, phần vốn góp và phù hợp với hình thức
khai thác, sử dụng.
2. Tỷ lệ phân chia tiền bản
quyền khi bản ghi âm, ghi hình được sử dụng theo quy định tại khoản
1 Điều 26 và khoản 1 Điều 33 của Luật này thực hiện theo thỏa thuận của chủ
sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan đối với bản
ghi âm, ghi hình đó; trường hợp không đạt được thỏa thuận thì thực hiện theo
quy định của Chính phủ.
3. Tiền bản quyền được xác định
theo khung và biểu mức căn cứ vào loại hình, hình thức, chất lượng, số lượng hoặc
tần suất khai thác, sử dụng; hài hòa lợi ích của người sáng tạo, tổ chức, cá
nhân khai thác, sử dụng và công chúng hưởng thụ, phù hợp với điều kiện kinh tế
- xã hội theo thời gian và địa điểm diễn ra hành vi khai thác, sử dụng đó.”.
13. Sửa đổi, bổ
sung khoản 1 và khoản 2 Điều 47 như sau:
“1. Chuyển quyền sử dụng quyền tác giả, quyền liên quan là việc
chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan cho phép tổ chức, cá nhân
khác sử dụng có thời hạn một, một số hoặc toàn bộ các quyền quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 19, khoản 1 Điều 20, khoản
3 Điều 29, khoản 1 Điều 30 và khoản 1 Điều 31 của Luật này.
2. Tác giả
không được chuyển quyền sử dụng quyền nhân thân quy định tại khoản
2 và khoản 4 Điều 19 của Luật này. Người biểu diễn không được chuyển quyền
sử dụng quyền nhân thân quy định tại khoản 2 Điều 29 của Luật
này.”.
14. Sửa đổi, bổ
sung Điều 49 và Điều 50 như sau:
“Điều 49. Đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan
1. Đăng ký quyền tác giả,
đăng ký quyền liên quan là việc tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu
quyền liên quan nộp hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các
thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên
quan.
2. Việc nộp hồ sơ để được cấp
Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan
không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả, quyền liên quan
theo quy định của Luật này.
3. Tổ chức, cá nhân đã được cấp
Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan
không có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả, quyền liên quan thuộc về mình khi
có tranh chấp, trừ trường hợp có chứng cứ ngược lại.
4. Tổ chức, cá nhân phải nộp
phí, lệ phí khi tiến hành các thủ tục đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên
quan về cấp, cấp lại, cấp đổi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền
tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.
5. Chính
phủ quy định chi tiết về điều kiện, trình tự và thủ tục cấp Giấy chứng nhận
đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.
Điều 50.
Hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan
1. Tác
giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan có thể trực tiếp hoặc
ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền
liên quan theo cách thức trực tiếp, qua dịch vụ bưu chính hoặc qua Cổng dịch
vụ công trực tuyến cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên
quan.
2. Hồ sơ đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên
quan bao gồm:
a) Tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền
liên quan.
Tờ khai phải được làm bằng tiếng Việt có đầy đủ thông tin về người nộp
hồ sơ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu quyền liên quan; thời
gian hoàn thành; tóm tắt nội dung tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi
hình hoặc chương trình phát sóng; tên tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, tác phẩm
được sử dụng làm tác phẩm phái sinh nếu tác phẩm đăng ký là tác phẩm phái sinh;
thời gian, địa điểm, hình thức công bố; thông tin về cấp lại, cấp đổi (nếu có),
cam đoan về trách nhiệm đối với các thông tin ghi trong tờ khai. Tờ khai do
chính tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan ký tên hoặc
điểm chỉ, trừ trường hợp không có khả năng về thể chất để ký tên hoặc điểm chỉ.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định
mẫu tờ khai đăng ký quyền tác giả, đăng ký quyền liên quan;
b) Hai bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả hoặc hai bản sao bản định
hình đối tượng đăng ký quyền liên quan;
c) Giấy ủy quyền, nếu người nộp hồ sơ đăng ký quyền
tác giả, đăng ký quyền liên quan là người được ủy quyền;
d) Tài liệu chứng minh là chủ sở hữu quyền do tự sáng tạo hoặc do giao
nhiệm vụ sáng tạo, giao kết hợp đồng sáng tạo, được thừa kế, được chuyển giao
quyền;
đ) Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
e) Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền
liên quan thuộc sở hữu chung.
3. Tài liệu quy
định tại các điểm c, d, đ và e khoản 2 Điều này phải được làm bằng tiếng Việt;
trường hợp làm bằng ngôn ngữ khác
thì phải được dịch ra tiếng Việt.”.
15. Sửa đổi, bổ
sung Điều 52 như sau:
“Điều 52.
Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền
liên quan
Trong thời hạn mười lăm ngày làm việc,
kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền
liên quan có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng
nhận đăng ký quyền liên quan cho người nộp hồ sơ. Trong trường hợp từ chối cấp
Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan
thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan phải thông báo bằng
văn bản và nêu rõ lý do cho người nộp hồ sơ.”.
16. Sửa đổi, bổ
sung Điều 55 như sau:
“Điều 55.
Cấp lại, cấp đổi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy
chứng nhận đăng ký quyền liên quan
1. Trong trường hợp Giấy chứng nhận
đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan bị mất, hư hỏng
thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều
51 của Luật này tiến hành cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy
chứng nhận đăng ký quyền liên quan trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày
nhận hồ sơ hợp lệ. Trường hợp đề nghị thay đổi chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở
hữu quyền liên quan; thông tin về tác phẩm, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả;
thông tin về đối tượng quyền liên quan, chủ sở hữu quyền liên quan thì cơ quan
nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 51 của Luật
này tiến hành cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền
tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan trong thời hạn mười hai ngày
làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
Trường hợp từ chối cấp lại, cấp đổi Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác
giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan thì cơ quan quản lý nhà nước về
quyền tác giả, quyền liên quan phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do cho
người nộp hồ sơ.
2. Trong trường
hợp người được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng
ký quyền liên quan không phải là tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu
quyền liên quan hoặc tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đã
đăng ký không thuộc đối tượng bảo hộ thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định
tại khoản 2 Điều 51 của Luật này hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng
nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.
3. Tổ chức,
cá nhân phát hiện việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận
đăng ký quyền liên quan trái với quy định của Luật này thì có quyền yêu cầu cơ
quan quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng
nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan.
4. Trong thời
hạn mười lăm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được một trong các văn bản sau đây,
cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận
đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan:
a) Bản án,
quyết định có hiệu lực của Tòa án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm
quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại Điều
200 của Luật này về việc hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác
giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan;
b) Văn bản của
tổ chức, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng
nhận đăng ký quyền liên quan đề nghị hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký
quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan đã được cấp.
5. Chính phủ
quy định chi tiết Điều này.”.
17. Sửa đổi, bổ
sung tên Chương VI trong Phần thứ hai như sau:
“Chương VI
TỔ CHỨC ĐẠI DIỆN TẬP THỂ, TƯ VẤN, DỊCH VỤ QUYỀN TÁC
GIẢ, QUYỀN LIÊN QUAN”.
18. Sửa đổi, bổ
sung Điều 56 như sau:
“Điều
56. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan
1. Tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan là
tổ chức tự nguyện, tự bảo đảm kinh phí hoạt động, không vì mục đích lợi nhuận
do các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan thỏa thuận
thành lập, hoạt động theo quy định của pháp luật để thực hiện ủy thác quyền tác
giả, quyền liên quan, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
về hoạt động đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan.
2. Tổ chức đại
diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan thực hiện các hoạt động sau đây
theo ủy quyền bằng văn bản của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu
quyền liên quan:
a) Thực hiện việc quản lý quyền
tác giả, quyền liên quan; đàm phán cấp phép, thu và phân chia tiền bản quyền,
các quyền lợi vật chất khác từ việc cho phép khai thác các quyền được ủy quyền;
b) Bảo vệ quyền, lợi ích hợp
pháp của thành viên; tổ chức hòa giải khi có tranh chấp.
3. Tổ chức đại
diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan có các quyền và nghĩa vụ sau đây:
a) Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý, điều
hành của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan với cơ quan
nhà nước có thẩm quyền; tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền
liên quan đã ủy quyền; tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng;
b) Xây dựng
danh mục tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan đã ủy
quyền; tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng
mà tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan đang quản lý; phạm
vi ủy quyền; hiệu lực hợp đồng ủy quyền; kế hoạch và kết quả hoạt động thu,
phân chia tiền bản quyền;
c) Xây dựng biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản quyền,
trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt. Bộ trưởng Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch phê duyệt biểu mức và phương thức thanh toán tiền bản
quyền căn cứ vào các nguyên tắc quy định tại khoản 3 Điều
44a của Luật này;
d) Thu, phân chia tiền bản quyền theo quy định tại điều lệ của
tổ chức và văn bản ủy quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu
quyền liên quan có thỏa thuận về mức hoặc tỷ lệ phần trăm, phương thức và thời
gian phân chia tiền bản quyền; theo nguyên tắc công khai, minh bạch theo quy định
của pháp luật.
Việc thu, phân chia tiền bản quyền từ các tổ chức tương ứng của nước
ngoài hoặc tổ chức quốc tế thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại
hối;
đ) Được giữ lại một khoản tiền trên tổng số tiền bản quyền thu được để
chi cho việc thực hiện nhiệm vụ của tổ chức trên cơ sở thỏa thuận của tác giả,
chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan đã ủy quyền. Mức tiền
giữ lại được điều chỉnh trên cơ sở thỏa thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác
giả, chủ sở hữu quyền liên quan đã ủy quyền và có thể được xác định bằng
tỷ lệ phần trăm trên tổng số tiền thu được;
e) Phân chia
tiền bản quyền thu được từ việc cấp phép khai thác, sử dụng cho tác
giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan sau khi trừ
chi phí quy định tại điểm đ khoản này;
g) Báo cáo hằng năm và đột xuất về hoạt động đại
diện tập thể cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền; chịu sự thanh tra, kiểm tra của
cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
h) Được thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển văn hóa, khuyến khích
sáng tạo và các hoạt động xã hội khác;
i) Hợp tác, ký kết các thỏa thuận đại diện có đi có lại với các tổ chức
tương ứng của tổ chức quốc tế và của các quốc gia trong việc bảo vệ quyền tác
giả, quyền liên quan;
k) Thiết lập cơ cấu tổ chức bộ máy của tổ chức
đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan, bảo đảm các tác giả, chủ sở hữu
quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan đã ủy quyền được quyền ứng cử, bầu cử
vào các chức danh lãnh đạo, quản lý, kiểm soát của tổ chức.
4. Trường hợp
tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng có liên quan đến quyền
và lợi ích của nhiều tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan được
ủy quyền quản lý, các tổ chức có thể thỏa thuận để một tổ chức thay mặt đàm
phán cấp phép sử dụng, thu và phân chia tiền bản quyền theo điều
lệ của tổ chức và văn bản ủy quyền.
5. Trường hợp tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền
liên quan sau năm năm tìm kiếm để phân chia tiền bản quyền thu được mà vẫn
không tìm thấy hoặc không liên lạc được với tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu
quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan, đồng chủ sở hữu quyền tác giả, đồng
chủ sở hữu quyền liên quan đã ủy quyền thì bàn giao khoản tiền này về cơ quan
nhà nước có thẩm quyền quản lý sau khi trừ chi phí quản lý, tìm kiếm theo quy định
của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Sau khi nhận
bàn giao, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp tục thông báo tìm kiếm trong thời
hạn năm năm. Kết thúc thời hạn này, nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn
không thể tìm thấy hoặc không liên lạc được với tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu
quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan, đồng chủ sở hữu quyền tác giả, đồng
chủ sở hữu quyền liên quan, người có quyền và nghĩa vụ liên quan theo quy định
của pháp luật thì khoản tiền này được sử dụng vào các hoạt động khuyến khích
sáng tạo, tuyên truyền và đẩy mạnh thực thi bảo hộ quyền tác giả, quyền liên
quan. Trong các thời hạn nêu trên, khi tìm thấy hoặc liên lạc được với tác giả,
đồng tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan, đồng chủ sở
hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền liên quan, người có quyền và nghĩa vụ
liên quan theo quy định của pháp luật thì khoản tiền này sau khi trừ chi phí quản
lý, tìm kiếm được chi trả cho những người nêu trên theo quy định của pháp luật.
6. Chính phủ
quy định chi tiết Điều này.”.
19. Sửa đổi, bổ
sung khoản 1 Điều 60 như sau:
“1. Sáng chế được
coi là có tính mới nếu không thuộc một trong các trường hợp
sau đây:
a) Bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp
đơn đăng ký sáng chế hoặc trước ngày ưu tiên trong trường hợp đơn đăng ký sáng
chế được hưởng quyền ưu tiên;
b) Bị bộc lộ trong đơn đăng ký sáng chế khác có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu
tiên sớm hơn nhưng được công bố vào hoặc sau ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên của
đơn đăng ký sáng chế đó.”.
20. Sửa đổi, bổ
sung khoản 1 Điều 72 như sau:
“1. Là dấu hiệu nhìn thấy được
dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các
yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc
dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa;”.
21. Sửa đổi, bổ
sung một số khoản của Điều 73 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản
1 như sau:
“1. Dấu hiệu trùng hoặc tương
tự đến mức gây nhầm lẫn với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca nước Cộng
hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và của các nước, quốc tế ca;”;
b) Bổ sung khoản 6 và khoản 7 vào sau
khoản 5 Điều 73 như sau:
“6. Dấu hiệu là
hình dạng vốn có của hàng hóa hoặc do đặc tính kỹ thuật của hàng hóa bắt buộc
phải có;
7. Dấu hiệu
chứa bản sao tác phẩm, trừ trường hợp được phép của chủ sở hữu tác phẩm đó.”.
22. Sửa đổi, bổ
sung một số điểm của khoản 2 Điều 74
như sau:
a) Sửa đổi, bổ
sung các điểm a, b và c như sau:
“a) Hình và hình hình học đơn
giản, chữ số, chữ cái, chữ thuộc ngôn ngữ không thông dụng, trừ trường hợp các
dấu hiệu này đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu
trước ngày nộp đơn;
b) Dấu hiệu, biểu tượng quy ước,
hình vẽ, tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào, hình dạng thông thường của hàng hóa hoặc một phần của hàng hóa, hình dạng
thông thường của bao bì hoặc vật chứa hàng hóa đã được sử dụng thường
xuyên và thừa nhận rộng rãi trước ngày nộp đơn;
c) Dấu hiệu chỉ thời gian, địa
điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành
phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hóa, dịch
vụ hoặc dấu hiệu làm gia tăng giá trị đáng kể
cho hàng hóa, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt
thông qua quá trình sử dụng trước ngày nộp đơn;”;
b) Sửa đổi, bổ
sung điểm đ và điểm e như sau:
“đ) Dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa
lý của hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã được sử dụng và thừa nhận
rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu trước ngày nộp đơn hoặc được đăng ký dưới
dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận quy định tại Luật này;
e) Dấu hiệu trùng hoặc tương
tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân khác được bảo hộ cho
hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc
ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể
cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội
chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, trừ trường hợp đăng ký nhãn hiệu đó bị chấm dứt
hiệu lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 95 hoặc bị hủy
bỏ hiệu lực theo quy định tại Điều 96 theo thủ tục quy định
tại điểm b khoản 3 Điều 117 của Luật này;”;
c) Sửa đổi, bổ
sung điểm h và điểm i như sau:
“h) Dấu hiệu trùng hoặc tương
tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của tổ chức, cá nhân khác đã được bảo hộ
cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng ký nhãn hiệu đó đã chấm dứt
hiệu lực chưa quá ba năm, trừ trường hợp đăng ký nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu
lực theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 95 theo thủ tục
quy định tại điểm b khoản 3 Điều 117 của Luật này;
i) Dấu hiệu trùng hoặc tương
tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nhãn hiệu nổi tiếng của người
khác trước ngày nộp đơn đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự với
hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ
không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng
phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy
tín của nhãn hiệu nổi tiếng;”;
d) Sửa đổi, bổ
sung điểm n và bổ sung điểm o, điểm p vào sau điểm
n như sau:
“n) Dấu hiệu trùng hoặc không
khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp của người khác đã hoặc đang được bảo
hộ trên cơ sở đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu
tiên sớm hơn so với ngày nộp đơn, ngày ưu tiên của đơn đăng ký nhãn hiệu;
o) Dấu hiệu trùng hoặc tương
tự đến mức gây nhầm lẫn với tên giống cây trồng đã hoặc đang được bảo hộ tại Việt
Nam nếu dấu hiệu đó đăng ký cho hàng hóa là giống cây trồng cùng loài hoặc thuộc
loài tương tự hoặc sản phẩm thu hoạch từ giống cây trồng;
p) Dấu hiệu trùng hoặc tương
tự đến mức gây nhầm lẫn với tên gọi, hình ảnh của nhân vật, hình tượng trong tác
phẩm thuộc phạm vi bảo hộ quyền tác giả của người khác đã được biết đến một
cách rộng rãi trước ngày nộp đơn, trừ trường hợp được phép của chủ sở hữu tác
phẩm đó.”.
23. Sửa đổi, bổ sung đoạn mở đầu của Điều 75 như sau:
“Việc
xem xét, đánh giá một nhãn hiệu là nổi tiếng được lựa chọn từ một số hoặc tất cả
các tiêu chí sau đây:”.
24. Sửa
đổi, bổ sung Điều 79 như sau:
“Điều 79. Điều kiện chung
đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ
1. Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ
nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Sản phẩm mang chỉ dẫn địa
lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia
tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
b) Sản phẩm mang chỉ dẫn địa
lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu
vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó
quyết định.
2. Chỉ dẫn địa lý đồng âm đáp
ứng điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này được bảo hộ nếu chỉ dẫn địa lý đó
được sử dụng trên thực tế theo cách thức không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng
về nguồn gốc địa lý của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và bảo đảm nguyên tắc đối xử công bằng giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất sản
phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.”.
25. Sửa
đổi, bổ sung Điều 86 và bổ
sung Điều 86a vào sau Điều 86 như sau:
“Điều 86. Quyền đăng ký
sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí
1. Tổ chức, cá nhân sau đây
có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí:
a) Tác giả tạo ra sáng chế,
kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bằng công sức và chi phí của mình;
b) Tổ chức, cá nhân đầu tư
kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc,
tổ chức, cá nhân được giao quản lý nguồn gen cung cấp nguồn gen, tri thức truyền
thống về nguồn gen theo hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích, trừ trường
hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc trường hợp quy định tại Điều
86a của Luật này.
2. Trường hợp nhiều tổ chức,
cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp,
thiết kế bố trí thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng
ký đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.
3. Tổ chức, cá nhân có quyền
đăng ký quy định tại Điều này có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức,
cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo
quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký.
Điều
86a. Quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả
của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
1. Đối với sáng chế, kiểu
dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ
sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước, quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp,
thiết kế bố trí được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi
hoàn, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
2. Đối với sáng chế, kiểu
dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ
được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có một phần ngân sách nhà nước, phần
quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tương ứng với tỷ
lệ phần ngân sách nhà nước được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và
không bồi hoàn, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Quyền đăng ký sáng chế, kiểu
dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ
thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia được thực hiện như sau:
a) Trường hợp nhiệm vụ khoa học
và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước, quyền đăng ký sáng chế, kiểu
dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thuộc về Nhà nước;
b) Trường hợp nhiệm vụ khoa học
và công nghệ được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có một phần ngân sách
nhà nước, phần quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí
tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước thuộc về Nhà nước;
c) Đại diện chủ sở hữu nhà nước
thực hiện quyền đăng ký quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
4. Chính phủ quy định chi tiết
Điều này.”.
26. Sửa
đổi, bổ sung Điều 88 như sau:
“Điều 88. Quyền đăng ký chỉ
dẫn địa lý
1. Quyền đăng ký chỉ dẫn địa
lý của Việt Nam thuộc về Nhà nước. Nhà nước cho phép tổ chức, cá nhân sản xuất
sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tổ chức tập thể đại diện cho các tổ chức, cá nhân
đó hoặc cơ quan quản lý hành chính địa phương nơi có chỉ dẫn địa lý thực hiện
quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn
địa lý không trở thành chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó.
2. Tổ chức, cá nhân nước
ngoài là chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý theo pháp luật của nước xuất xứ
có quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý đó tại Việt Nam.”.
27. Bổ
sung Điều 89a vào sau Điều 89 như
sau:
“Điều
89a. Kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký ở nước ngoài
1. Sáng chế thuộc các lĩnh vực
kỹ thuật có tác động đến quốc phòng, an ninh, được tạo ra tại Việt Nam và thuộc
quyền đăng ký của cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam hoặc
của tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam chỉ được nộp đơn đăng ký
sáng chế ở nước ngoài nếu đã được nộp đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam để thực
hiện thủ tục kiểm soát an ninh.
2. Chính phủ quy định chi tiết
khoản 1 Điều này.”.
28. Sửa
đổi, bổ sung khoản 2 Điều 92 như
sau:
“2. Văn bằng bảo
hộ chỉ dẫn địa lý ghi nhận tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, chỉ dẫn địa lý được
bảo hộ, tính chất đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý, tính chất đặc thù về
điều kiện địa lý và khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý.”.
29. Bổ
sung khoản 8 và khoản 9 vào sau khoản 7 Điều 93 như sau:
“8. Đăng ký quốc tế nhãn hiệu theo Nghị định thư và Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu có chỉ định Việt Nam có hiệu lực
kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định
chấp nhận bảo hộ đối với nhãn hiệu trong đăng ký quốc tế đó hoặc kể từ ngày tiếp
theo ngày kết thúc thời hạn mười hai tháng tính từ ngày Văn phòng quốc tế ra
thông báo đăng ký quốc tế nhãn hiệu đó chỉ định Việt Nam, tính theo thời điểm
nào sớm hơn. Thời hạn hiệu lực của đăng ký quốc tế nhãn hiệu được tính theo quy
định của Nghị định thư và Thỏa ước Madrid.
9. Đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước La Hay về đăng
ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp có chỉ định Việt Nam có hiệu lực kể từ ngày cơ
quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định chấp nhận bảo hộ
đối với kiểu dáng công nghiệp trong đăng ký quốc tế đó hoặc kể từ ngày tiếp
theo ngày kết thúc thời hạn sáu tháng tính từ ngày Văn phòng quốc tế công bố
đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp đó, tính theo thời điểm nào sớm hơn. Thời
hạn hiệu lực của đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp được tính theo quy định
của Thỏa ước La Hay.”.
30. Sửa
đổi, bổ sung Điều 95 và Điều 96 như sau:
“Điều
95. Chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ
1. Văn bằng bảo hộ bị chấm dứt
toàn bộ hoặc một phần hiệu lực trong các trường hợp sau đây:
a) Chủ văn bằng bảo hộ không nộp phí, lệ phí để duy trì hiệu lực hoặc
gia hạn hiệu lực theo quy định;
b) Chủ văn bằng bảo hộ tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp;
c) Chủ văn bằng bảo hộ không còn tồn tại hoặc chủ Giấy chứng nhận đăng
ký nhãn hiệu không còn hoạt động kinh doanh mà không có người kế thừa hợp pháp;
d) Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép
sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực
mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt
đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực;
đ) Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu tập thể
không kiểm soát hoặc kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng
nhãn hiệu tập thể;
e) Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu chứng nhận
vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hoặc không kiểm soát, kiểm soát
không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;
g) Các điều kiện địa lý tạo nên danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản
phẩm mang chỉ dẫn địa lý bị thay đổi làm mất danh tiếng, chất lượng, đặc tính của
sản phẩm đó;
h) Việc sử dụng
nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hóa, dịch vụ bởi chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc người
được chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép
làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về bản chất, chất lượng hoặc nguồn gốc địa
lý của hàng hóa hoặc dịch vụ đó;
i) Nhãn hiệu được
bảo hộ trở thành tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ đăng ký cho chính nhãn hiệu đó;
k) Chỉ dẫn địa
lý của nước ngoài không còn được bảo hộ tại nước xuất xứ.
2. Trong trường
hợp chủ Bằng độc quyền sáng chế,
Bằng độc quyền giải pháp hữu ích không nộp
phí, lệ phí để duy trì hiệu lực trong thời hạn quy định
thì khi kết thúc thời hạn đó, hiệu lực văn bằng bảo hộ tự
động chấm dứt kể từ ngày bắt đầu năm hiệu lực đầu tiên mà phí, lệ phí để duy trì hiệu lực không được nộp.
Trong trường hợp
chủ văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, kiểu
dáng công nghiệp không nộp
phí, lệ phí để gia hạn hiệu
lực trong thời hạn quy định thì khi kết thúc thời hạn đó, hiệu lực văn bằng bảo
hộ tự động chấm dứt kể từ ngày bắt đầu kỳ hiệu
lực tiếp theo mà phí, lệ phí để gia hạn hiệu lực không được nộp.
Cơ quan quản
lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ghi nhận việc chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ
vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp và công bố trên Công báo sở hữu
công nghiệp.
3. Trong trường
hợp chủ văn bằng bảo hộ tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp quy định tại điểm
b khoản 1 Điều này thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp xem
xét, quyết định chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ.
4. Tổ chức, cá nhân có quyền
yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp chấm dứt hiệu lực
văn bằng bảo hộ đối với trường hợp quy định tại các điểm c, d, đ, e, g, h, i và
k khoản 1 Điều này với điều kiện phải nộp phí, lệ phí.
5. Căn cứ kết
quả xem xét đơn yêu cầu chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với các trường hợp
quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này, ý kiến của các bên liên quan, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu
công nghiệp thông báo từ chối chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ hoặc quyết định
chấm dứt toàn bộ hoặc một phần hiệu lực văn bằng bảo hộ.
6. Đối với
trường hợp quy định tại các điểm c, d, đ, e, g, h và i khoản 1 Điều này, hiệu lực
văn bằng bảo hộ bị chấm dứt kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu
công nghiệp ban hành quyết định chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ.
Đối với trường
hợp quy định tại điểm k khoản 1 Điều này, hiệu lực văn bằng bảo hộ bị chấm dứt
kể từ ngày chỉ dẫn địa lý không còn được bảo hộ tại nước xuất xứ.
Đối với trường
hợp cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ra quyết định chấm dứt
hiệu lực văn bằng bảo hộ theo quy định tại khoản 3 Điều này, hiệu lực văn bằng
bảo hộ bị chấm dứt kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công
nghiệp nhận được tuyên bố bằng văn bản của chủ văn bằng bảo hộ.
7. Quy định tại
các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều này cũng được áp dụng đối với việc chấm dứt
hiệu lực đăng ký quốc tế đối với nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp.
Điều 96. Hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ
1. Văn bằng
bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực trong các trường hợp sau đây:
a) Người nộp
đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu;
b) Đơn đăng ký sáng chế được
nộp trái với quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế quy định tại Điều 89a của Luật này;
c) Đơn đăng ký sáng chế đối với
sáng chế được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về
nguồn gen nhưng không bộc lộ hoặc bộc lộ không chính xác về nguồn gốc của nguồn
gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen có trong đơn đó.
2. Văn bằng
bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần hiệu lực nếu toàn bộ hoặc một phần văn bằng
bảo hộ đó không đáp ứng quy định của Luật này về quyền đăng ký, điều kiện bảo hộ,
sửa đổi, bổ sung đơn, bộc lộ sáng chế, nguyên tắc nộp đơn đầu tiên trong các
trường hợp sau đây:
a) Người nộp
đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được người có quyền đăng ký chuyển
nhượng quyền đăng ký đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí,
nhãn hiệu;
b) Đối tượng
sở hữu công nghiệp không đáp ứng các điều kiện bảo hộ quy định tại Điều 8 và Chương VII của Luật này;
c) Việc sửa đổi, bổ sung đơn
đăng ký sở hữu công nghiệp làm mở rộng phạm vi đối tượng đã bộc lộ hoặc nêu
trong đơn hoặc làm thay đổi bản chất của đối tượng yêu cầu đăng ký nêu trong
đơn;
d) Sáng chế không được bộc lộ
đầy đủ và rõ ràng đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực
kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế đó;
đ) Sáng chế được cấp văn bằng
bảo hộ vượt quá phạm vi bộc lộ trong bản mô tả ban đầu của đơn đăng ký sáng chế;
e) Sáng chế
không đáp ứng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên quy định tại Điều 90
của Luật này.
3. Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hoặc một
phần hiệu lực quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì toàn bộ hoặc một phần bị hủy bỏ của văn bằng bảo hộ đó không
phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm cấp
văn bằng.
4. Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về
quyền sở hữu công nghiệp hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ trong các trường hợp
quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này với điều kiện phải
nộp phí, lệ phí.
Thời hiệu thực
hiện quyền yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ là suốt thời hạn bảo hộ, trừ
trường hợp yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu vì lý do
quy định tại khoản 2 Điều này thì thời hiệu là năm năm kể từ ngày cấp văn bằng
bảo hộ hoặc từ ngày đăng ký quốc tế nhãn hiệu có hiệu lực tại Việt Nam.
5. Căn cứ kết
quả xem xét đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ và ý kiến của các bên
liên quan, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp quyết định hủy
bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ hoặc thông báo từ chối hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo
hộ.
6. Quy định
tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này cũng được áp dụng đối với việc hủy bỏ hiệu
lực đăng ký quốc tế đối với nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp.
7. Bộ trưởng
Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết khoản 1 và khoản 2 Điều này.”.
31. Sửa
đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 97 như sau:
“1. Chủ
văn bằng bảo hộ, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý theo
quy định tại Điều 88 của Luật này có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu
công nghiệp sửa đổi những thông tin sau đây trên văn bằng bảo hộ với điều kiện
phải nộp phí, lệ phí:
a) Thay đổi, sửa chữa thiếu
sót liên quan đến tên và quốc tịch của tác giả, tên và địa chỉ của chủ văn bằng
bảo hộ, tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý;
b) Sửa đổi bản mô tả tính chất,
chất lượng đặc thù, khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý; sửa đổi quy chế sử dụng
nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
2. Theo yêu cầu của chủ văn bằng
bảo hộ, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý, cơ quan quản
lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp có trách nhiệm sửa chữa thiếu sót trong
văn bằng bảo hộ do lỗi của cơ quan đó. Trong trường hợp này, chủ văn bằng bảo hộ,
tổ chức, cá nhân thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không phải nộp phí, lệ
phí.”.
32. Bổ
sung điểm đ1 vào sau điểm đ khoản 1 Điều 100 như sau:
“đ1) Tài liệu thuyết minh về
nguồn gốc của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen trong đơn đăng
ký sáng chế, đối với sáng chế được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri
thức truyền thống về nguồn gen;”.
33. Sửa
đổi, bổ sung Điều 103 như
sau:
“Điều
103. Yêu cầu đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
1. Tài liệu xác định kiểu
dáng công nghiệp cần bảo hộ trong đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp gồm bộ ảnh
chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp và bản mô tả kiểu dáng công nghiệp được thể
hiện trong bộ ảnh chụp, bản vẽ.
2. Bộ ảnh chụp, bản vẽ kiểu
dáng công nghiệp phải thể hiện đầy đủ các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công
nghiệp yêu cầu bảo hộ đến mức căn cứ vào đó, người có hiểu biết trung bình về
lĩnh vực tương ứng có thể xác định được kiểu dáng công nghiệp đó.
3. Bản mô tả kiểu dáng công
nghiệp được thể hiện trong bộ ảnh chụp, bản vẽ phải liệt kê thứ tự các ảnh chụp,
bản vẽ trong bộ ảnh chụp, bản vẽ và các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công
nghiệp.”.
34. Sửa
đổi, bổ sung khoản 2 Điều 105 như
sau:
“2. Mẫu nhãn hiệu phải được
mô tả để làm rõ các yếu tố cấu thành của nhãn hiệu và ý nghĩa tổng thể của nhãn
hiệu (nếu có); nếu nhãn hiệu có từ, ngữ thuộc ngôn ngữ tượng hình thì từ, ngữ
đó phải được phiên âm; nếu nhãn hiệu có từ, ngữ bằng ngôn ngữ khác tiếng Việt
thì phải được dịch ra tiếng Việt; nếu nhãn hiệu là âm thanh thì mẫu nhãn hiệu
phải là tệp âm thanh và bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh đó.”.
35. Bổ
sung điểm e vào sau điểm đ khoản 1 Điều 106 như sau:
“e) Đối với chỉ dẫn địa lý đồng
âm, tài liệu thuyết minh về điều kiện sử dụng và cách thức trình bày chỉ dẫn địa
lý để bảo đảm khả năng phân biệt giữa các chỉ dẫn địa lý.”.
36. Bổ
sung khoản 3 vào sau khoản 2 Điều 108 như sau:
“3. Đơn đăng
ký đối với sáng chế mật được thực hiện theo quy định của Chính phủ.”.
37. Sửa
đổi, bổ sung điểm đ và bổ
sung điểm e vào sau điểm đ khoản 2 Điều 109 như sau:
“đ) Người nộp đơn không nộp đủ
phí, lệ phí theo quy định;
e) Đơn đăng ký sáng chế được
nộp trái với quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế quy định tại Điều 89a của Luật này.”.
38. Sửa
đổi, bổ sung tên Điều và một số khoản của Điều 110 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung tên Điều
như sau:
“Điều 110.
Công khai đơn đăng ký nhãn hiệu, công bố đơn đăng ký sở hữu công nghiệp”;
b) Bổ sung khoản 1a vào trước
khoản 1 như sau:
“1a. Đơn đăng ký nhãn hiệu
chưa được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp chấp nhận hợp lệ
được công khai ngay sau khi được tiếp nhận.”;
c) Sửa đổi, bổ sung khoản 3 như sau:
“3. Đơn
đăng ký kiểu dáng công nghiệp, đơn đăng ký nhãn hiệu, đơn đăng ký chỉ dẫn địa
lý được công bố trong thời hạn hai tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận là đơn hợp
lệ. Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có thể được công bố vào thời điểm muộn
hơn theo yêu cầu của người nộp đơn tại thời điểm nộp đơn nhưng không quá bảy
tháng kể từ ngày nộp đơn.”.
39. Sửa
đổi, bổ sung Điều 112 và bổ
sung Điều 112a vào sau Điều 112 như sau:
“Điều 112. Ý kiến của người
thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ
Kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu
công nghiệp được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết
định cấp văn bằng bảo hộ, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với
cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp về việc cấp hoặc không cấp
văn bằng bảo hộ đối với đơn đó. Ý kiến phải được lập thành văn bản kèm theo tài
liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh.
Văn bản nêu ý
kiến của người thứ ba được coi là một nguồn thông tin tham khảo cho quá trình xử
lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp.
Điều
112a. Phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp
1. Trước ngày ra quyết định cấp
văn bằng bảo hộ, trong các thời hạn sau đây, bất kỳ người thứ ba nào cũng có
quyền phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ:
a) Chín tháng kể từ ngày đơn
đăng ký sáng chế được công bố;
b) Bốn tháng kể từ ngày đơn
đăng ký kiểu dáng công nghiệp được công bố;
c) Năm tháng kể từ ngày đơn
đăng ký nhãn hiệu được công bố;
d) Ba tháng kể từ ngày đơn
đăng ký chỉ dẫn địa lý được công bố.
2. Ý kiến phản đối quy định tại
khoản 1 Điều này phải được lập thành văn bản kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn
nguồn thông tin để chứng minh và phải nộp phí, lệ phí.
3. Cơ quan
quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp có trách nhiệm xử lý ý kiến phản đối
quy định tại khoản 2 Điều này theo trình tự, thủ tục do Bộ trưởng Bộ Khoa học
và Công nghệ quy định.”.
40. Bổ
sung khoản 3 và khoản 4 vào sau khoản 2 Điều 114 như sau:
“3. Cơ quan quản lý nhà nước
về quyền sở hữu công nghiệp có thể sử dụng kết quả thẩm định nội dung đơn đăng
ký sáng chế trùng với sáng chế được yêu cầu bảo hộ do cơ quan sáng chế nước
ngoài thực hiện trong quá trình đánh giá khả năng bảo hộ.
4. Bộ trưởng
Bộ Khoa học và Công nghệ quy định chi tiết việc sử dụng kết quả thẩm định nội
dung đơn đăng ký sáng chế quy định tại khoản 3 Điều này.”.
41. Sửa
đổi, bổ sung khoản 2 Điều 116 như
sau:
“2. Từ thời
điểm người nộp đơn tuyên bố rút đơn, mọi thủ tục tiếp theo liên quan đến đơn đó
bị chấm dứt.”.
42. Sửa
đổi, bổ sung một số khoản của Điều 117 như sau:
a) Sửa
đổi, bổ sung khoản 1 và bổ sung
khoản 1a vào sau khoản 1 như
sau:
“1. Đơn đăng ký sáng chế, kiểu
dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ
trong các trường hợp sau đây:
a) Có cơ sở để khẳng định rằng
đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ;
b) Có cơ sở để khẳng định rằng
người nộp đơn không có quyền đăng ký đối tượng sở hữu công nghiệp hoặc đăng ký
nhãn hiệu với dụng ý xấu;
c) Đơn đáp ứng các điều kiện
để được cấp văn bằng bảo hộ nhưng không phải là đơn có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp
đơn sớm nhất thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2
Điều 90 của Luật này;
d) Đơn thuộc trường hợp quy định
tại khoản 3 Điều 90 của Luật này mà không được sự thống nhất
của tất cả những người nộp đơn;
đ) Việc sửa đổi, bổ sung đơn
làm mở rộng phạm vi đối tượng đã bộc lộ hoặc nêu trong đơn hoặc làm thay đổi bản
chất của đối tượng yêu cầu đăng ký nêu trong đơn.
1a. Ngoài các trường hợp quy
định tại khoản 1 Điều này, đơn đăng ký sáng chế bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ
trong các trường hợp sau đây:
a) Sáng chế được yêu cầu bảo
hộ vượt quá phạm vi bộc lộ trong bản mô tả ban đầu của đơn đăng ký sáng chế;
b) Sáng chế không được bộc lộ
đầy đủ và rõ ràng trong bản mô tả sáng chế đến mức căn cứ vào đó người có hiểu
biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế
đó;
c) Đối với sáng chế được trực
tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen, đơn
đăng ký sáng chế không bộc lộ hoặc bộc lộ không chính xác về nguồn gốc của nguồn
gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen;
d) Đơn đăng ký sáng chế được
nộp trái với quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế quy định tại Điều 89a của Luật này.”;
b) Sửa
đổi, bổ sung khoản 3 như
sau:
“3. Đơn đăng ký sở hữu công
nghiệp thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 1a và 2 Điều này thì cơ quan
quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện các thủ tục sau đây:
a) Thông báo kết quả thẩm định
nội dung, trong đó nêu rõ dự định từ chối cấp văn bằng bảo hộ, lý do và ấn định
thời hạn để người nộp đơn có ý kiến phản đối dự định từ chối;
b) Tạm dừng quy trình thẩm định
đơn trong trường hợp người nộp đơn nộp đề nghị tạm dừng thẩm định đơn và yêu cầu
chấm dứt hiệu lực hoặc hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu theo
trường hợp loại trừ được quy định tại điểm e và điểm h khoản 2
Điều 74 của Luật này. Căn cứ kết quả giải quyết yêu cầu chấm dứt hiệu lực
hoặc hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, cơ quan quản lý nhà nước
về quyền sở hữu công nghiệp tiếp tục quy trình thẩm định đơn;
c) Tạm dừng quy trình thẩm định
đơn trong trường hợp nhận được bản sao thông báo thụ lý vụ án của Tòa án có thẩm
quyền về việc người thứ ba khởi kiện liên quan đến quyền đăng ký đối tượng sở hữu
công nghiệp hoặc nhãn hiệu được đăng ký với dụng ý xấu. Căn cứ kết quả giải quyết
của Tòa án, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp tiếp tục quy
trình thẩm định đơn;
d) Quyết định từ chối cấp văn
bằng bảo hộ nếu người nộp đơn không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối
không xác đáng về dự định từ chối quy định tại điểm a khoản này.”.
43. Sửa
đổi, bổ sung Điều 118 như
sau:
“Điều 118. Cấp
văn bằng bảo hộ, đăng bạ
1. Đơn đăng ký sở hữu công
nghiệp không thuộc trường hợp từ chối cấp văn bằng bảo hộ quy định tại các khoản 1, 1a và 2, điểm d khoản 3 Điều 117 của
Luật này hoặc người nộp đơn có ý kiến xác đáng phản đối về dự
định từ chối quy định tại điểm a khoản 3 Điều 117 của Luật này thì cơ quan quản
lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thực hiện các công việc sau đây:
a) Thông báo kết quả thẩm định
nội dung, trong đó nêu rõ dự định cấp văn bằng bảo hộ đối với toàn bộ hoặc phần
đáp ứng điều kiện bảo hộ và ấn định thời hạn để người nộp đơn nộp phí, lệ phí
hoặc có ý kiến phản đối về kết quả thẩm định nội dung;
b) Quyết định cấp văn bằng bảo
hộ và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp nếu người nộp đơn
nộp phí, lệ phí.
2. Trong trường hợp có ý kiến
phản đối về kết quả thẩm định nội dung, đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tương ứng
được thẩm định lại về những vấn đề bị phản đối.”.
44. Bổ
sung Điều 119a vào sau Điều 119 trong Mục 3 Chương VIII
như sau:
“Điều 119a. Khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến
các thủ tục về sở hữu công nghiệp
1. Người nộp đơn và tổ chức,
cá nhân có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định hoặc thông báo
liên quan đến việc xử lý đơn đăng ký xác lập quyền, duy trì, gia hạn, sửa đổi,
chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp, đăng ký hợp đồng
chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp do cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu
công nghiệp ban hành có quyền khiếu nại với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở
hữu công nghiệp hoặc khởi kiện tại Tòa án theo quy định của Luật này và quy định
khác của pháp luật có liên quan.
2. Tổ chức, cá nhân Việt Nam,
cá nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài có cơ sở
sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nộp đơn khiếu nại trực tiếp hoặc thông qua đại
diện hợp pháp tại Việt Nam. Cá nhân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam, tổ
chức, cá nhân nước ngoài không có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam nộp
đơn khiếu nại thông qua đại diện hợp pháp tại Việt Nam.
3. Nội dung khiếu nại phải được
thể hiện bằng đơn khiếu nại, trong đó phải nêu rõ họ và tên, địa chỉ của người
khiếu nại; số, ngày ký, nội dung quyết định hoặc thông báo bị khiếu nại; nội
dung khiếu nại, lập luận, dẫn chứng chứng minh cho khiếu nại; đề nghị cụ thể về
việc sửa chữa hoặc hủy bỏ quyết định hoặc thông báo liên quan. Đơn khiếu nại được
nộp dưới hình thức văn bản giấy hoặc dạng điện tử theo hệ thống
nộp đơn trực tuyến.
4. Trong trường hợp khiếu nại
liên quan đến quyền đăng ký hoặc các nội dung khác cần thẩm định lại, người khiếu
nại phải nộp phí thẩm định lại.
5. Thời hạn giải quyết khiếu
nại được áp dụng theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trong trường hợp cơ
quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thẩm định lại đối với các trường
hợp quy định tại khoản 4 Điều này hoặc người khiếu nại sửa đổi, bổ sung hồ sơ
khiếu nại, thời gian thẩm định lại, thời gian sửa đổi, bổ sung hồ sơ khiếu nại
không tính vào thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu
nại.
Thời hạn thẩm định lại được
áp dụng theo quy định tại khoản 3 Điều 119 của Luật này.
6. Việc khiếu nại và giải quyết
khiếu nại không quy định tại Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật
về khiếu nại.”.
45. Sửa
đổi, bổ sung một số khoản của Điều 121 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:
“1. Chủ sở
hữu sáng chế, thiết kế bố trí là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp
văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp tương ứng.
Chủ sở hữu kiểu dáng công
nghiệp là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ kiểu
dáng công nghiệp hoặc có kiểu dáng công nghiệp đã đăng ký quốc tế được cơ quan
có thẩm quyền công nhận.
Chủ sở hữu nhãn hiệu là tổ chức,
cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hoặc có nhãn
hiệu đã đăng ký quốc tế được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc có nhãn hiệu
nổi tiếng.”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 4 như sau:
“4. Chủ sở
hữu chỉ dẫn địa lý của Việt Nam là Nhà nước.
Nhà nước trao quyền sử dụng
chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa
lý tại địa phương tương ứng và đưa sản phẩm đó ra thị trường. Nhà nước trực tiếp
thực hiện quyền quản lý chỉ dẫn địa lý hoặc trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý
cho tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền
sử dụng chỉ dẫn địa lý.
Chính phủ quy định chi tiết
việc thực hiện quyền quản lý chỉ dẫn địa lý.”.
46. Sửa
đổi, bổ sung khoản 2 Điều 123 như
sau:
“2. Tổ chức, cá nhân được
trao quyền sử dụng, tổ chức được trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý theo quy định
tại khoản 4 Điều 121 của Luật này hoặc theo pháp luật của
nước xuất xứ của chỉ dẫn địa lý có quyền ngăn cấm người khác sử dụng chỉ dẫn địa
lý đó theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.”.
47. Sửa
đổi, bổ sung điểm b khoản 5 Điều 124 như sau:
“b) Bán, chào bán, quảng cáo
để bán, trưng bày để bán, tàng trữ để bán, vận chuyển hàng hóa
mang nhãn hiệu được bảo hộ;”.
48. Sửa
đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 125 như sau:
“b) Lưu thông, nhập khẩu,
khai thác công dụng của sản phẩm do chủ sở hữu, người được chuyển giao quyền sử
dụng, kể cả chuyển giao quyền sử dụng theo quyết định bắt buộc, người có quyền
sử dụng trước đối tượng sở hữu công nghiệp theo quy định của Luật này đưa ra thị
trường, kể cả thị trường nước ngoài;”.
49. Sửa
đổi, bổ sung Điều 128 như
sau:
“Điều 128. Nghĩa vụ bảo hộ
dữ liệu thử nghiệm
1. Trong trường hợp pháp luật
có quy định người nộp đơn xin cấp phép lưu hành dược phẩm, nông hóa phẩm phải
cung cấp kết quả thử nghiệm hoặc bất kỳ dữ liệu nào khác là bí mật kinh doanh
thu được do đầu tư công sức đáng kể và người nộp đơn có yêu cầu giữ bí mật các
thông tin đó thì cơ quan có thẩm quyền cấp phép có nghĩa vụ thực hiện các biện
pháp cần thiết để các dữ liệu đó không bị sử dụng nhằm mục đích thương mại
không lành mạnh và không bị bộc lộ, trừ trường hợp việc bộc lộ là cần thiết nhằm
bảo vệ công chúng.
2. Đối với dược phẩm, kể từ
khi dữ liệu bí mật trong đơn xin cấp phép được nộp cho cơ quan có thẩm quyền
quy định tại khoản 1 Điều này đến hết thời hạn năm năm tính từ ngày người nộp
đơn được cấp phép, cơ quan đó không được cấp phép cho bất kỳ người nào nộp đơn
muộn hơn nếu trong đơn sử dụng dữ liệu bí mật nêu trên mà không được sự đồng ý
của người nộp dữ liệu đó, trừ trường hợp quy định tại điểm d
khoản 3 Điều 125 của Luật này.
3. Trường hợp cơ quan có thẩm
quyền cấp phép lưu hành dược phẩm cho phép người nộp đơn sau dựa vào việc một
dược phẩm đã được cấp phép lưu hành hoặc dữ liệu chứng minh tính an toàn, hiệu
quả của một dược phẩm đã được cấp phép lưu hành để xin cấp phép lưu hành cho một
dược phẩm khác thì cơ quan có thẩm quyền cấp phép phải công bố trên Cổng thông
tin điện tử hoặc Trang thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền đó về thông
tin của đơn nộp sau trong thời hạn năm tháng trước khi dược phẩm trong đơn nộp
sau được cấp phép lưu hành, trừ trường hợp việc cấp phép lưu hành cần được thực
hiện sớm hơn theo quy định của luật khác có liên quan.
4. Đối với nông hóa phẩm, kể
từ khi dữ liệu bí mật trong đơn xin cấp phép được nộp cho cơ quan có thẩm quyền
quy định tại khoản 1 Điều này đến hết thời hạn mười năm tính từ ngày người nộp
đơn được cấp phép, cơ quan đó không được cấp phép cho người nộp đơn muộn hơn nếu
trong đơn sử dụng dữ liệu bí mật nêu trên hoặc dựa vào việc người nộp dữ liệu
bí mật nêu trên được cấp phép lưu hành mà không được sự đồng ý của người nộp dữ
liệu đó, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 3 Điều 125 của
Luật này hoặc việc cấp phép là cần thiết để bảo đảm quốc phòng, an ninh,
dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng nhu cầu cấp thiết khác của xã hội.”.
50. Sửa
đổi, bổ sung điểm d khoản 1 Điều 130 như sau:
“d) Chiếm hữu, sử dụng tên miền
trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, tên thương mại được bảo hộ của
người khác hoặc chỉ dẫn địa lý mà mình không có quyền sử dụng với dụng ý xấu, lợi
dụng uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý tương ứng
nhằm thu lợi bất chính.”.
51. Bổ
sung Điều 131a vào sau Điều 131 trong Mục 1 Chương IX Phần
thứ ba như sau:
“Điều 131a. Đền bù cho chủ
sở hữu sáng chế vì sự chậm trễ trong việc cấp phép lưu hành dược phẩm
“1. Khi thực hiện thủ tục duy
trì hiệu lực Bằng độc quyền sáng chế, chủ Bằng độc quyền sáng chế không phải nộp
phí sử dụng văn bằng bảo hộ cho khoảng thời gian mà thủ tục đăng ký lưu hành lần
đầu của dược phẩm được sản xuất theo Bằng độc quyền sáng chế đó tại Việt Nam bị
chậm.
2. Thủ tục đăng ký lưu hành
dược phẩm bị xem là chậm nếu kết thúc thời hạn hai năm, kể từ ngày nhận đủ hồ
sơ đăng ký lưu hành mà cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành dược phẩm không
có văn bản phản hồi lần đầu đối với hồ sơ. Khoảng thời gian bị chậm được tính từ
ngày đầu tiên sau khi kết thúc hai năm kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền cấp
phép lưu hành dược phẩm nhận đủ hồ sơ đến khi có văn bản phản hồi lần đầu.
3. Thời gian chậm do lỗi của
người nộp đơn hoặc do nguyên nhân nằm ngoài kiểm soát của cơ quan nhà nước có
thẩm quyền không tính vào các khoảng thời gian quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Trường hợp chủ Bằng độc
quyền sáng chế đã nộp phí sử dụng văn bằng bảo hộ cho khoảng thời gian bị xem
là chậm, số phí đã nộp sẽ được trừ vào kỳ duy trì hiệu lực tiếp theo hoặc hoàn
trả.
5. Để không phải
nộp phí sử dụng văn bằng bảo hộ theo quy định tại khoản 1
Điều này, trong thời hạn mười hai tháng
kể từ ngày dược phẩm được cấp phép lưu hành, chủ Bằng độc
quyền sáng chế phải nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp
văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành dược phẩm xác nhận về việc
thủ tục đăng ký lưu hành dược phẩm đó bị chậm.
6. Chính phủ
quy định chi tiết Điều này.”.
52. Bổ
sung Điều 133a vào sau Điều 133 như sau:
“Điều
133a. Quyền của Nhà nước đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố
trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
1. Đại diện chủ sở hữu nhà nước
thông báo công khai trong thời hạn chín mươi ngày để giao quyền đăng ký sáng chế,
kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công
nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu trong các trường
hợp sau đây:
a) Tổ chức chủ trì nhiệm vụ
khoa học và công nghệ không thực hiện nghĩa vụ thông báo theo quy định tại khoản 1 Điều 136a của Luật này;
b) Tổ chức chủ trì nhiệm vụ khoa
học và công nghệ có văn bản báo cáo đại diện chủ sở hữu nhà nước về việc không
có nhu cầu đăng ký;
c) Tổ chức chủ trì nhiệm vụ
khoa học và công nghệ không nộp đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp,
thiết kế bố trí trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 136a của
Luật này.
2. Trường hợp không giao được
quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu theo quy định tại khoản 1 Điều
này, đại diện chủ sở hữu nhà nước công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử
hoặc Trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ
về nội dung sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm
vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
3. Cơ
quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng sáng chế, kiểu
dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ
sử dụng ngân sách nhà nước mà không cần sự đồng ý của người nắm độc quyền sử dụng
trong các trường hợp sau đây:
a) Người nắm độc quyền sử dụng
không thực hiện trong một thời gian hợp lý các biện pháp hiệu quả để sử dụng
sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học
và công nghệ mà Nhà nước hỗ trợ trên 30% tổng số vốn;
b) Việc sử dụng nhằm mục đích
công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh,
bảo đảm dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết khác của xã
hội.
4. Việc trả khoản tiền đền bù
cho người nắm độc quyền sử dụng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tổ
chức, cá nhân khác sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí
theo quy định tại khoản 3 Điều này được thực hiện như sau:
a) Đối với sáng chế, kiểu
dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ
sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước, tổ chức, cá nhân được phép sử dụng không phải
trả tiền đền bù;
b) Đối với sáng chế, kiểu
dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ
được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có một phần ngân sách nhà nước, tổ
chức, cá nhân được phép sử dụng không phải trả tiền đền bù cho phần quyền sử dụng
tương ứng với phần ngân sách nhà nước đầu tư nhưng phải trả tiền đền bù đối với
phần quyền sử dụng tương ứng với phần vốn đầu tư còn lại. Khoản tiền đền bù trả
cho người nắm độc quyền sử dụng được xác định theo quy định tại điểm
d khoản 1 Điều 146 của Luật này.
5. Chính phủ quy định chi tiết
Điều này.”.
53. Sửa
đổi, bổ sung Điều 135 như
sau:
“Điều 135. Nghĩa vụ trả
thù lao cho tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí
1. Trừ trường hợp quy định tại
khoản 2 Điều này, chủ sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí
có nghĩa vụ trả thù lao cho tác giả theo thỏa thuận; trường hợp không có thỏa
thuận thì mức thù lao trả cho tác giả quy định như sau:
a) 10% lợi nhuận trước thuế
mà chủ sở hữu thu được do sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố
trí;
b) 15% tổng số tiền mà chủ sở
hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng
sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí trước khi nộp thuế theo quy định.
2. Đối với sáng chế, kiểu
dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ
sử dụng ngân sách nhà nước, chủ sở hữu trả thù lao cho tác giả theo quy định
sau đây:
a) Tối thiểu 10% và tối đa
15% lợi nhuận trước thuế mà chủ sở hữu thu được do sử dụng sáng chế, kiểu dáng
công nghiệp, thiết kế bố trí;
b) Tối thiểu 15% và tối đa
20% tổng số tiền mà chủ sở hữu nhận được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển
giao quyền sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí trước khi nộp
thuế theo quy định.
3. Trong trường hợp sáng chế,
kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí có đồng tác giả, mức thù lao quy định tại
khoản 1 và khoản 2 Điều này là mức dành cho các đồng tác giả. Các đồng tác giả
tự thỏa thuận việc phân chia số tiền thù lao do chủ sở hữu chi trả.
4. Nghĩa vụ trả thù lao cho
tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tồn tại trong suốt thời
hạn bảo hộ của sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí.”.
54. Bổ
sung Điều 136a vào sau Điều 136 như sau:
“Điều 136a. Nghĩa vụ của tổ
chức chủ trì đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả
của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
1. Thông
báo cho đại diện chủ sở hữu nhà nước trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày
sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học
và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được tạo ra.
2. Nộp đơn đăng ký xác lập
quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của
nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước tại Việt Nam trong thời
hạn sáu tháng, kể từ ngày gửi thông báo cho đại diện chủ sở hữu nhà nước.
3. Trả thù lao cho tác giả
sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí theo quy định tại Điều 135 của Luật này.
4. Đối với nhiệm vụ khoa học
và công nghệ mà Nhà nước hỗ trợ đến 30% tổng số vốn, phần lợi nhuận sau thuế
thu được từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng quyền, góp vốn
bằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tương ứng với tỷ lệ góp vốn
của Nhà nước sau khi đã trả thù lao cho tác giả được sử dụng
theo quy chế quản lý tài chính của tổ chức chủ trì.
5. Đối với nhiệm vụ khoa học
và công nghệ mà Nhà nước hỗ trợ trên 30% tổng số vốn, việc phân chia lợi nhuận
sau thuế thu được từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng quyền,
góp vốn bằng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của
nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước sau khi đã trả thù
lao cho tác giả được thực hiện theo quy định sau đây:
a) Thanh toán cho người môi
giới (nếu có) theo hợp đồng môi giới nhưng không quá 10%;
b) Trường hợp nhiệm vụ khoa học
và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước thì tối thiểu 50% phần lợi nhuận
còn lại được dùng để đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ; số lợi nhuận
còn lại được sử dụng theo quy chế quản lý tài chính của tổ chức chủ trì;
c) Trường hợp nhiệm vụ khoa học
và công nghệ được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn thì phần lợi nhuận còn lại được
chia cho các bên tương ứng với tỷ lệ vốn đã đóng góp vào nhiệm vụ khoa học và
công nghệ đó. Phần lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ góp vốn của Nhà nước được tổ
chức chủ trì sử dụng theo quy định tại điểm b khoản này.
6. Tổ chức chủ trì được cấp
văn bằng bảo hộ cho sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được đăng
ký theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 86a của Luật này
có nghĩa vụ thực hiện các quyền sở hữu công nghiệp theo quy định, thực hiện các
biện pháp bảo vệ, nộp báo cáo hằng năm cho cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và
công nghệ về việc thực hiện quyền, biện pháp bảo vệ và việc phân chia lợi nhuận.
7. Chính phủ quy định chi tiết
Điều này.”.
55. Bổ
sung khoản 6 vào sau khoản 5 Điều 139 như sau:
“6. Quyền
đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ
khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước chỉ được chuyển nhượng cho tổ
chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, cá nhân là công dân Việt Nam và
thường trú tại Việt Nam. Tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sở hữu phải
thực hiện các nghĩa vụ tương ứng của tổ chức chủ trì theo quy định của Luật
này.”.
56. Bổ
sung điểm đ vào sau điểm d khoản 1 Điều 145 như sau:
“đ) Việc sử dụng
sáng chế nhằm đáp ứng nhu cầu về dược phẩm để phòng bệnh,
chữa bệnh của quốc gia khác có đủ điều kiện nhập khẩu theo điều ước quốc tế mà nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.”.
57. Sửa
đổi, bổ sung một số điểm của khoản 1 Điều 146 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm b như sau:
“b) Quyền sử dụng
được chuyển giao chỉ được giới hạn trong phạm vi và thời hạn đủ để đáp ứng mục
tiêu chuyển giao, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản 1
Điều 145 của Luật này. Đối với sáng chế trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn
thì việc chuyển giao quyền sử dụng chỉ nhằm mục đích công cộng, phi thương mại
hoặc nhằm xử lý hành vi hạn chế cạnh tranh theo quy định của pháp luật về cạnh
tranh;”;
b) Sửa đổi, bổ sung điểm d và bổ sung điểm đ vào sau điểm d
như sau:
“d) Người được chuyển giao quyền sử dụng phải trả cho người nắm
độc quyền sử dụng sáng chế khoản tiền đền bù theo thỏa thuận, trường hợp không
đạt được thỏa thuận thì thực hiện theo quy định của Chính phủ, trừ trường hợp
quyền sử dụng sáng chế được chuyển giao theo quyết định bắt buộc để nhập khẩu
dược phẩm theo cơ chế của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt
Nam là thành viên và khoản tiền đền bù cho việc sử dụng sáng chế được chuyển
giao theo quyết định bắt buộc đã được trả tại nước xuất khẩu;
đ) Quyền sử dụng
được chuyển giao chủ yếu để cung cấp cho thị trường trong
nước, trừ trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 Điều
145 của Luật này.”.
58. Sửa
đổi, bổ sung khoản 1 Điều 147 như
sau:
“1. Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành quyết định chuyển giao quyền
sử dụng sáng chế trên cơ sở xem xét yêu cầu được chuyển giao quyền sử dụng đối
với trường hợp quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều 145 của Luật này.
Bộ, cơ quan
ngang Bộ ban hành quyết định chuyển giao quyền sử dụng
sáng chế thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình trong trường
hợp quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 145 của Luật
này trên cơ sở tham khảo ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ.”.
59. Sửa
đổi, bổ sung khoản 1 Điều 153 như
sau:
“1. Đại diện
sở hữu công nghiệp có trách nhiệm sau đây:
a) Thông báo
các khoản, mức phí, lệ phí liên quan đến thủ tục xác lập và bảo vệ quyền sở hữu
công nghiệp cho khách hàng;
b) Giữ bí mật
thông tin, tài liệu được giao liên quan đến vụ việc mà mình đại diện;
c) Thông tin
trung thực và đầy đủ các thông báo, yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
xác lập và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp; giao kịp thời văn bằng bảo hộ và
các quyết định khác cho bên được đại diện;
d) Thực hiện
kịp thời các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác lập và bảo vệ quyền
sở hữu công nghiệp đối với bên được đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của bên được đại diện;
đ) Thông báo
cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác lập và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp
các thay đổi về tên, địa chỉ và thông tin khác của bên được đại diện khi cần
thiết.”.
60. Sửa
đổi, bổ sung Điều 154 như
sau:
“Điều 154. Điều kiện kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công
nghiệp
1. Doanh nghiệp,
hợp tác xã, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ được
thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật có ít nhất một cá nhân có Chứng
chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, được
kinh doanh dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp với danh nghĩa tổ chức dịch vụ đại
diện sở hữu công nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Tổ chức hành
nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam không được kinh doanh dịch vụ đại
diện sở hữu công nghiệp.”.
61. Sửa
đổi, bổ sung khoản 2 và bổ sung khoản 2a vào sau khoản 2 Điều
155 như sau:
“2. Cá nhân đáp
ứng các điều kiện sau đây thì được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở
hữu công nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2a Điều này:
a) Là công dân Việt Nam, có năng lực
hành vi dân sự đầy đủ;
b) Thường trú tại Việt Nam;
c) Có bằng cử nhân hoặc văn bằng
trình độ tương đương đối với trường hợp hành nghề trong lĩnh vực nhãn hiệu, chỉ
dẫn địa lý, tên thương mại, chống cạnh tranh không lành mạnh, bí mật kinh
doanh; có bằng cử nhân hoặc văn bằng trình độ tương đương chuyên ngành khoa học
tự nhiên hoặc khoa học kỹ thuật đối với trường hợp hành nghề trong lĩnh vực
sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí;
d) Đã trực tiếp làm công tác pháp
luật về sở hữu công nghiệp từ năm năm trở lên hoặc đã trực tiếp làm công tác thẩm
định các loại đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tại cơ quan quốc gia hoặc quốc tế
về sở hữu công nghiệp từ năm năm trở lên hoặc đã tốt nghiệp khóa đào tạo pháp
luật về sở hữu công nghiệp được cơ quan có thẩm quyền công nhận;
đ) Không phải là công chức, viên
chức, người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác lập
và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp;
e) Đã đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra
về nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp do cơ quan có thẩm quyền tổ chức.
2a. Công dân Việt Nam là luật sư
được phép hành nghề theo quy định của Luật Luật
sư, thường trú tại Việt Nam thì được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện
sở hữu công nghiệp trong lĩnh vực nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, chống
cạnh tranh không lành mạnh, bí mật kinh doanh nếu đã tốt nghiệp khóa đào tạo
pháp luật về sở hữu công nghiệp được cơ quan có thẩm quyền công nhận.”.
62. Sửa
đổi, bổ sung khoản 2 Điều 156 như
sau:
“2. Trường hợp đại
diện sở hữu công nghiệp không còn đáp ứng các điều kiện kinh doanh, hành nghề
quy định tại Điều 154 và Điều 155 của
Luật này, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu
công nghiệp thu hồi Chứng chỉ hành nghề đại diện sở hữu công nghiệp, xóa tên đại
diện sở hữu công nghiệp trong Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp và công
bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.”.
63. Sửa
đổi, bổ sung khoản 2 Điều 157 như
sau:
“2. Tổ chức, cá
nhân quy định tại khoản 1 Điều này bao gồm tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài
là công dân quốc gia thành viên Hiệp hội quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới
hoặc quốc gia có ký kết với nước
Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam thỏa thuận về bảo hộ giống cây trồng; cá
nhân nước ngoài thường trú tại Việt Nam hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống
cây trồng tại Việt Nam; tổ chức nước ngoài có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống
cây trồng tại Việt Nam; tổ chức, cá nhân thường trú hoặc
có cơ sở sản xuất, kinh
doanh giống cây trồng trên lãnh thổ của quốc
gia thành viên Hiệp hội quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới.”.
64. Sửa đổi,
bổ sung Điều 158 như sau:
“Điều 158.
Điều kiện chung đối với giống cây trồng được bảo hộ
Giống cây trồng
được bảo hộ là giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển, có
tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và có tên phù hợp.”.
65. Sửa
đổi, bổ sung một số điểm, khoản của Điều 163 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 1 như sau:
“1. Tổ chức, cá nhân đăng ký
quyền đối với giống cây trồng phải đề xuất một tên phù hợp cho giống cây trồng
với cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng, tên đó phải
trùng với tên đã đăng ký bảo hộ ở bất kỳ quốc gia thành viên nào của Hiệp hội
quốc tế về bảo hộ giống cây trồng mới và quốc gia có ký kết thỏa thuận với nước
Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về bảo hộ giống cây trồng.”;
b) Sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 3 như sau:
“a) Chỉ bao gồm các chữ số,
trừ trường hợp chữ số liên quan đến đặc tính hoặc sự hình thành giống đó hoặc
bao gồm cả tên loài của giống cây trồng đó;”;
c) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 3 như sau:
“c) Dễ gây hiểu nhầm về các đặc
trưng, đặc tính, giá trị của giống đó;”;
d) Bổ sung khoản 6 vào sau khoản 5 như sau:
“6. Trường hợp
tên giống cây trồng đăng ký bảo hộ không phù hợp với các yêu cầu quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều
này, cơ quan quản lý nhà nước về
quyền đối với giống cây trồng từ chối tên đó và yêu cầu người đăng
ký đề xuất tên khác trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày ban
hành thông báo. Cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng ghi
nhận tên chính thức của giống cây trồng từ thời điểm cấp Bằng bảo hộ giống cây
trồng.”.
66. Sửa
đổi, bổ sung Điều 164 và Điều 165 như sau:
“Điều 164.
Đăng ký quyền đối với giống cây trồng
1. Để được bảo
hộ quyền đối với giống cây trồng, tổ chức, cá nhân phải thực hiện việc nộp đơn
đăng ký bảo hộ cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền đối với giống cây trồng.
2. Tổ chức, cá
nhân có quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng (sau đây gọi là người đăng ký) bao
gồm:
a) Tác giả trực
tiếp chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng bằng công sức và chi
phí của mình;
b) Tổ chức, cá
nhân đầu tư cho tác giả chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển giống cây trồng
dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc trường hợp quy định tại khoản 3 và khoản
4 Điều này;
c) Tổ chức, cá
nhân được chuyển giao, thừa kế, kế thừa quyền đăng ký bảo hộ giống cây trồng.
3. Đối với giống
cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển là kết quả của nhiệm vụ
khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước, quyền đăng ký giống
cây trồng được giao cho tổ chức chủ trì nhiệm vụ đó một cách tự động và không bồi
hoàn.
4. Đối với giống
cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển là kết quả của nhiệm vụ
khoa học và công nghệ được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có một phần
ngân sách nhà nước, phần quyền đăng ký đối với giống cây trồng tương ứng với tỷ
lệ phần ngân sách nhà nước được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và
không bồi hoàn.
Điều 165. Đại
diện quyền đối với giống cây trồng
1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài thường trú tại
Việt Nam hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng tại Việt Nam nộp đơn đăng ký quyền đối với giống cây trồng trực tiếp hoặc qua tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng; các tổ chức,
cá nhân khác theo quy định tại Điều 157 của Luật này nộp
đơn qua tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng.
2. Tổ chức đáp ứng
các điều kiện sau đây được kinh doanh dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây
trồng với danh nghĩa tổ chức dịch vụ đại diện quyền:
a) Là doanh
nghiệp, hợp tác xã, tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức dịch vụ khoa học và công
nghệ Việt Nam được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật, trừ tổ
chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam;
b) Có ít nhất một
cá nhân có Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng.
3. Dịch vụ đại
diện quyền đối với giống cây trồng bao gồm: đại diện
cho tổ chức, cá nhân trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác lập và bảo vệ quyền
đối với giống cây trồng; tư vấn về thủ tục xác lập và bảo vệ quyền đối với giống
cây trồng; các dịch vụ khác liên quan đến thủ tục
xác lập và bảo vệ quyền đối với giống cây trồng.
4. Đại diện
quyền đối với giống cây trồng có trách nhiệm sau đây:
a) Thông
báo các khoản, mức phí, lệ phí liên quan đến thủ tục xác lập và bảo vệ quyền đối
với giống cây trồng cho khách hàng;
b) Giữ bí mật
thông tin, tài liệu được giao liên quan đến vụ việc mà mình đại diện;
c) Thông
tin trung thực và đầy đủ các thông báo, yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm
quyền xác lập và bảo vệ quyền đối với giống cây trồng; giao kịp thời Bằng bảo hộ
giống cây trồng và các quyết định khác cho bên được đại diện;
d) Thực hiện
kịp thời các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác lập và bảo vệ quyền
đối với giống cây trồng đối với bên được đại diện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của bên được đại diện;
đ) Thông
báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác lập và bảo vệ quyền đối với giống
cây trồng các thay đổi về tên, địa chỉ và thông tin khác của bên được đại diện; thông
tin thay đổi về tên, địa chỉ, người đại diện của bên đại diện;
e) Tổ chức dịch vụ đại diện
quyền đối với giống cây trồng phải chịu trách nhiệm dân sự đối với người thực
hiện hoạt động đại diện quyền đối với giống cây trồng nhân danh tổ chức.
5. Cá nhân được
phép hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng nếu đáp ứng các
điều kiện sau đây:
a) Có Chứng chỉ
hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng;
b) Hoạt động
trong một tổ chức dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng.
6. Cá nhân được
cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng nếu đáp ứng
các điều kiện sau đây:
a) Là công dân
Việt Nam, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
b) Thường trú tại
Việt Nam;
c) Có bằng cử
nhân hoặc văn bằng trình độ tương đương;
d) Đã trực tiếp
làm công tác pháp luật về quyền đối với giống cây trồng từ năm năm trở lên hoặc
đã trực tiếp làm công tác thẩm định đơn đăng ký quyền đối với giống cây trồng tại
cơ quan quốc gia hoặc quốc tế về quyền đối với giống cây trồng từ năm năm trở
lên hoặc đã tốt nghiệp khóa đào tạo pháp luật về quyền đối với giống cây trồng
được cơ quan có thẩm quyền công nhận;
đ) Không phải
là công chức, viên chức, người lao động đang làm việc tại cơ quan nhà nước có
thẩm quyền xác lập và bảo vệ quyền đối với giống cây trồng;
e) Đã đạt yêu cầu
tại kỳ kiểm tra về nghiệp vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng do cơ quan
có thẩm quyền tổ chức.
7. Chính phủ quy định chi tiết chương trình đào tạo pháp luật về quyền
đối với giống cây trồng, việc kiểm tra nghiệp vụ đại diện quyền đối với giống
cây trồng, cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây trồng.”.
67. Bổ
sung khoản 6 vào sau khoản 5 Điều 170 như sau:
“6. Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục đình chỉ, phục hồi,
hủy bỏ hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng.”.
68. Sửa
đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 171 như sau:
“a) Đơn đăng ký
bảo hộ giống cây trồng do người không có quyền đăng ký thực hiện việc đăng
ký;”.
69. Bổ
sung khoản 3 vào sau khoản 2 Điều 172 như sau:
“3. Chính phủ quy định chi tiết về trình tự, thủ tục sửa đổi, cấp lại Bằng
bảo hộ giống cây trồng.”.
70. Sửa
đổi, bổ sung điểm d khoản 3 Điều 176 như sau:
“d) Thông báo chấp nhận đơn nếu
đơn này hợp lệ hoặc người đăng ký khắc phục thiếu sót đạt yêu cầu hoặc có ý kiến
xác đáng phản đối thông báo quy định tại điểm b khoản này, trong
đó yêu cầu người đăng ký gửi mẫu giống đến cơ sở khảo nghiệm để tiến
hành khảo nghiệm kỹ thuật trong thời hạn ba mươi ngày trước
thời vụ gieo trồng đầu tiên kể từ ngày ban hành thông báo chấp nhận đơn đăng ký
bảo hộ giống cây trồng đó, trừ trường hợp giống cây trồng
do người đăng ký tự
khảo nghiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 178 của Luật này.”.
71. Sửa
đổi, bổ sung khoản 2 Điều 180 như
sau:
“2. Từ thời điểm người đăng ký rút đơn đăng
ký bảo hộ, mọi thủ tục tiếp theo liên quan đến đơn đó bị chấm dứt.”.
72. Sửa
đổi, bổ sung Điều 183 như
sau:
“Điều 183. Cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng
Trong trường hợp
đơn đăng ký bảo hộ không bị từ chối theo quy định tại Điều 182
của Luật này và người đăng ký nộp lệ phí thì cơ quan quản lý nhà nước về
quyền đối với giống cây trồng quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng và ghi
nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về giống cây trồng được bảo hộ.
Người đăng ký quyền đối với
giống cây trồng theo quy định tại Điều 164 của Luật này và
được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng là chủ sở hữu
quyền đối với giống cây trồng.”.
73. Sửa
đổi, bổ sung khoản 2 Điều 189 như
sau:
“2. Trong trường
hợp người đăng ký biết giống cây trồng đăng ký bảo hộ đã được người khác thực
hiện các hành vi quy định tại Điều 186 và Điều 187 của Luật này thì từ thời điểm đơn được
công bố chấp nhận hợp lệ, người đăng ký bảo hộ giống cây trồng có quyền thông
báo bằng văn bản cho người sử dụng về việc đã nộp đơn đăng ký bảo hộ giống cây
trồng, trong đó ghi rõ ngày nộp đơn và ngày đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng
được chấp nhận hợp lệ để người đó chấm dứt việc sử dụng giống cây trồng hoặc tiếp
tục sử dụng.”.
74. Sửa
đổi, bổ sung Điều 191 và bổ
sung Điều 191a, 191b vào sau Điều 191 trong Mục 2 Chương
XIV Phần thứ tư như sau:
“Điều 191.
Nghĩa vụ của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng
1. Trừ trường hợp
quy định tại khoản 2 Điều này, chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng có nghĩa vụ trả
thù lao cho tác giả giống cây trồng theo thỏa thuận; trường hợp không có thỏa thuận thì mức thù lao trả cho tác giả quy định
như sau:
a) 10% lợi nhuận trước thuế mà chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng thu
được do sử dụng giống cây trồng được bảo hộ để sản xuất, kinh
doanh;
b) 15% tổng số tiền mà chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng nhận được trong mỗi lần nhận tiền
thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng giống cây trồng trước khi
nộp thuế theo quy định;
c) 35% tổng số tiền mà chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng nhận được từ việc chuyển
nhượng quyền đối với giống cây trồng trong lần đầu tiên trước khi nộp thuế theo quy định và không được nhận thù lao đối với lần
chuyển nhượng tiếp theo và thù lao theo quy định tại điểm a và điểm
b khoản này.
2. Đối với giống cây trồng là
kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, chủ Bằng
bảo hộ giống cây trồng trả thù lao cho tác giả theo quy định sau đây:
a) Tối thiểu 10% và tối đa
15% lợi nhuận trước thuế mà chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng thu
được do sử dụng giống cây trồng được bảo hộ để sản xuất, kinh
doanh;
b) Tối thiểu 15% và tối đa
20% tổng số tiền mà chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng nhận
được trong mỗi lần nhận tiền thanh toán do chuyển giao quyền sử dụng giống cây
trồng trước khi nộp thuế theo quy định;
c) Tối thiểu 20% và tối đa
35% tổng số tiền mà chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng nhận
được từ việc chuyển nhượng quyền đối với giống cây trồng trong lần đầu tiên trước
khi nộp thuế theo quy định và không được nhận thù lao đối
với lần chuyển nhượng tiếp theo và thù lao theo quy định tại điểm
a và điểm b khoản này.
3. Trong trường hợp giống cây
trồng có đồng tác giả, mức thù lao quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này là
mức dành cho các đồng tác giả; các đồng tác giả tự thỏa thuận việc phân chia số
tiền thù lao do chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng chi trả.
4. Nghĩa vụ trả thù lao cho
tác giả tồn tại trong suốt thời hạn bảo hộ giống cây trồng.
5. Nộp lệ phí
duy trì hiệu lực Bằng bảo hộ giống cây trồng cho cơ quan bảo hộ giống cây trồng
trong thời hạn ba tháng sau ngày cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng đối với năm hiệu
lực đầu tiên và trong tháng đầu tiên của năm hiệu lực tiếp theo đối với các năm
sau.
6. Lưu giữ giống
cây trồng được bảo hộ, cung cấp thông tin, vật liệu nhân giống của giống cây trồng
được bảo hộ theo yêu cầu của cơ quan bảo hộ giống cây trồng; duy trì tính ổn định
của giống cây trồng được bảo hộ theo tính trạng mô tả tại thời điểm cấp Bằng bảo
hộ giống cây trồng.
Điều
191a. Nghĩa vụ của tổ chức chủ trì đối với giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát
hiện và phát triển là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân
sách nhà nước
1. Nộp đơn đăng ký quyền đối
với giống cây trồng trong thời hạn mười hai tháng kể từ ngày nhiệm vụ khoa học
và công nghệ được nghiệm thu.
2. Trả thù lao cho tác giả giống
cây trồng theo quy định tại Điều 191 của Luật này.
3. Đối với nhiệm
vụ khoa học và công nghệ mà Nhà nước hỗ trợ đến 30% tổng số vốn, phần lợi nhuận
sau thuế thu được từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng quyền,
góp vốn từ giống cây trồng tương ứng với tỷ lệ góp vốn của Nhà nước sau khi đã
trả thù lao cho tác giả được sử dụng theo quy chế quản lý tài chính của tổ chức
chủ trì.
4. Đối với nhiệm
vụ khoa học và công nghệ mà Nhà nước hỗ trợ trên 30% tổng số vốn, việc phân
chia lợi nhuận sau thuế thu được từ việc sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng,
chuyển nhượng quyền, góp vốn từ giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và
phát triển là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà
nước sau khi đã trả thù lao cho tác giả thực hiện theo quy định sau đây:
a) Trường hợp
nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước thì tối thiểu
50% phần lợi nhuận còn lại được dùng để đầu tư cho hoạt động khoa học và công
nghệ; số lợi nhuận còn lại được sử dụng theo quy chế quản lý tài chính của tổ
chức chủ trì;
b) Trường hợp
nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn thì phần lợi
nhuận còn lại được chia cho các bên tương ứng với tỷ lệ vốn đã đóng góp vào nhiệm
vụ khoa học và công nghệ đó. Phần lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ góp vốn của Nhà
nước được tổ chức chủ trì sử dụng theo quy định tại điểm a khoản này.
5. Tổ chức chủ trì được cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng được đăng ký
theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 164 của Luật
này có nghĩa vụ thực hiện các quyền đối với giống
cây trồng theo quy định, thực hiện các biện pháp bảo vệ, nộp báo cáo hằng năm
cho cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ về việc thực hiện quyền, biện
pháp bảo vệ và việc phân chia lợi nhuận.
6. Chính phủ quy định chi tiết
Điều này.”.
Điều
191b. Quyền của Nhà nước đối với giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện
và phát triển là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách
nhà nước
1. Đại
diện chủ sở hữu nhà nước thông báo công khai trong thời hạn chín mươi ngày để
giao quyền đăng ký giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển
là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ
chức, cá nhân có nhu cầu trong các trường hợp sau đây:
a) Tổ chức chủ trì nhiệm vụ
khoa học và công nghệ không thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại khoản
1 Điều 191a của Luật này;
b) Tổ chức chủ trì nhiệm vụ
khoa học và công nghệ có văn bản báo cáo đại diện chủ sở hữu nhà nước về việc
không có nhu cầu đăng ký.
2. Trường hợp không giao được
quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu theo quy định tại khoản 1 Điều
này, đại diện chủ sở hữu nhà nước công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử
hoặc Trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ
về nội dung giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát
triển là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách
nhà nước.
3. Cơ
quan nhà nước có thẩm quyền cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng giống cây trồng
được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển là kết quả
của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước mà không cần sự đồng
ý của người nắm độc quyền sử dụng trong các trường hợp sau đây:
a) Người nắm độc quyền sử dụng
không thực hiện trong một thời gian hợp lý các biện pháp hiệu quả để sử dụng giống
cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển là kết quả của nhiệm vụ
khoa học và công nghệ mà Nhà nước hỗ trợ trên 30% tổng số vốn;
b) Việc sử dụng nhằm mục đích
công cộng, phi thương mại, phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng bệnh, chữa bệnh,
bảo đảm dinh dưỡng cho nhân dân hoặc đáp ứng các nhu cầu cấp thiết khác của xã
hội.
4. Việc trả
khoản tiền đền bù cho người nắm độc quyền sử dụng do cơ quan nhà nước có thẩm
quyền cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng giống cây trồng theo quy định tại
khoản 3 Điều này được thực hiện như sau:
a) Đối với
giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển là kết quả của nhiệm
vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước, tổ chức, cá nhân
được phép sử dụng không phải trả tiền đền bù;
b) Đối với
giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển là kết quả của nhiệm
vụ khoa học và công nghệ được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có một phần
ngân sách nhà nước, tổ chức, cá nhân được phép sử dụng không phải trả tiền đền
bù đối với phần quyền sử dụng tương ứng với phần ngân sách nhà nước đầu tư
nhưng phải trả tiền đền bù với phần quyền sử dụng tương ứng với phần vốn đầu tư
còn lại. Khoản tiền đền bù trả cho người nắm độc quyền sử dụng được xác định
theo quy định tại điểm d khoản 3 Điều 195 của Luật này.
5. Chính phủ quy định chi tiết
Điều này.”.
75. Sửa
đổi, bổ sung khoản 4 và bổ
sung khoản 5 vào sau khoản 4 Điều 194 như sau:
“4. Quyền đối với giống cây trồng được chọn tạo hoặc
phát hiện và phát triển là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng
ngân sách nhà nước chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức được thành lập theo pháp
luật Việt Nam, cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam. Tổ chức,
cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sở hữu phải thực hiện các nghĩa vụ tương ứng của
tổ chức chủ trì theo quy định của Luật này.
5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.”.
76. Sửa
đổi, bổ sung một số khoản của Điều 198 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung điểm a và điểm b khoản 1 như sau:
“a) Áp dụng biện pháp công nghệ
bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp
công nghệ khác nhằm ngăn ngừa hành vi
xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
b) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền
sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm
trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, xin lỗi, cải chính công khai,
bồi thường thiệt hại;”;
b) Bổ sung khoản 1a vào sau khoản 1 và sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 3
như sau:
“1a. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có thể ủy quyền
cho tổ chức, cá nhân khác áp dụng các biện pháp quy định tại khoản 1 Điều này để
bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình.
2. Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại do
hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc phát hiện hành vi xâm phạm quyền sở
hữu trí tuệ gây thiệt hại cho người tiêu dùng hoặc cho xã hội có quyền yêu cầu
cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo
quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Tổ chức, cá nhân được thừa kế quyền tác giả, quyền
của người biểu diễn có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền
xử lý hành vi xâm phạm quyền quy định tại khoản 4 Điều 19 và điểm
b khoản 2 Điều 29 của Luật này.
3. Tổ chức, cá nhân bị thiệt hại hoặc có khả năng bị
thiệt hại do hành vi cạnh tranh không lành mạnh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước
có thẩm quyền áp dụng các biện pháp dân sự quy định tại Điều 202
của Luật này.”.
77. Bổ
sung Điều 198a và Điều 198b vào sau Điều 198 như sau:
“Điều 198a. Giả định về quyền
tác giả, quyền liên quan
Trong các thủ tục tố tụng dân sự, hành chính, hình
sự về quyền tác giả và quyền liên quan, nếu không có chứng cứ ngược lại thì quyền
tác giả, quyền liên quan được giả định như sau:
1. Cá nhân, tổ chức được nêu tên theo cách thông thường
là tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát
sóng, nhà sản xuất tác phẩm điện ảnh, nhà xuất bản được coi là chủ thể quyền đối
với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đó;
2. Nêu tên theo cách thông thường quy định tại khoản
1 Điều này được hiểu là được nêu tên trên bản gốc tác phẩm, bản định hình đầu
tiên cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và các tài liệu
liên quan (nếu có) hoặc trên các bản sao tương ứng được công bố hợp pháp trong
trường hợp bản gốc tác phẩm, bản định hình đầu tiên cuộc biểu diễn, bản ghi âm,
ghi hình, chương trình phát sóng và các tài liệu liên quan không còn tồn tại;
3. Cá nhân, tổ chức quy định tại khoản 1 Điều này
được hưởng quyền tác giả hoặc quyền liên quan tương ứng.
Điều 198b. Trách nhiệm pháp lý về quyền tác giả,
quyền liên quan đối với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian
1. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ
trung gian là doanh nghiệp cung cấp phương tiện kỹ thuật để tổ chức, cá nhân sử
dụng dịch vụ đưa nội dung thông tin số lên môi trường mạng viễn thông và mạng
Internet; cung cấp kết nối trực tuyến cho công chúng tiếp cận, sử dụng nội dung
thông tin số trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet.
2. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian có
trách nhiệm triển khai các biện pháp kỹ thuật, phối hợp với các cơ quan nhà nước
có thẩm quyền, các chủ thể quyền thực thi các biện pháp bảo vệ quyền tác giả,
quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet.
3. Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ
trung gian được miễn trừ trách nhiệm pháp lý đối với hành vi xâm phạm quyền tác
giả, quyền liên quan trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet liên quan
đến việc cung cấp hoặc sử dụng dịch vụ của mình trong các trường hợp sau đây:
a) Chỉ thực hiện việc truyền dẫn nội
dung thông tin số hoặc cung cấp khả năng truy nhập đến nội dung thông tin số;
b) Khi thực hiện chức năng lưu trữ
đệm trong quá trình truyền dẫn thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung
gian phải thực hiện một cách tự động, tạm thời nhằm mục đích trung chuyển thông
tin và làm cho việc truyền dẫn thông tin hiệu quả hơn, với các điều kiện sau:
chỉ biến đổi thông tin vì lý do công nghệ; tuân thủ các điều kiện truy nhập, sử
dụng nội dung thông tin số; tuân thủ các quy tắc về cập nhật nội dung thông tin
số được quy định cụ thể theo cách thức được ngành công nghiệp thừa nhận và sử dụng
rộng rãi; không ngăn cản việc sử dụng hợp pháp công nghệ được thừa nhận rộng
rãi trong ngành công nghiệp để lấy dữ liệu về việc sử dụng nội dung thông tin số;
gỡ bỏ nội dung thông tin số hoặc không cho truy nhập đến nội dung thông tin số
khi biết rằng nội dung thông tin số đó đã được gỡ bỏ tại nguồn khởi đầu hoặc
nguồn khởi đầu đã hủy việc truy nhập đến nội dung thông tin số đó;
c) Lưu trữ nội
dung thông tin số của người sử dụng dịch vụ theo yêu cầu của người sử dụng dịch
vụ với các điều kiện sau: không biết rằng nội dung thông tin số đó xâm phạm quyền
tác giả, quyền liên quan; có hành động nhanh chóng gỡ bỏ hoặc ngăn chặn việc
truy nhập đến nội dung thông tin số đó khi biết rằng nội dung thông tin số đó
xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan;
d) Các trường
hợp khác theo quy định của Chính phủ.
4. Doanh
nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian được miễn trừ trách nhiệm pháp lý theo quy định
tại khoản 3 Điều này không phải tự giám sát dịch vụ của mình hoặc chủ động tìm
kiếm các bằng chứng chỉ ra hành vi xâm phạm.
5. Nội dung
thông tin số quy định tại Điều này là tác phẩm và các đối tượng quyền liên quan
được bảo hộ theo quy định của Luật này được thể hiện dưới
dạng số.
6. Chính phủ
quy định chi tiết Điều này.”.
78. Sửa
đổi, bổ sung một số khoản của Điều 201 như sau:
a) Sửa
đổi, bổ sung khoản 1 và bổ
sung khoản 1a vào sau khoản 1; sửa đổi, bổ sung khoản 2 và bổ sung khoản 2a
vào sau khoản 2 như
sau:
“1. Giám định
về sở hữu trí tuệ là việc tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này sử dụng kiến thức, nghiệp vụ chuyên môn để
đánh giá, kết luận về những vấn đề có liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Việc
giám định tư pháp về sở hữu trí tuệ được thực hiện theo quy định của pháp luật
về giám định tư pháp.
1a. Giám định
về sở hữu trí tuệ bao gồm:
a) Giám định
về quyền tác giả và quyền liên quan;
b) Giám định về quyền sở hữu công nghiệp;
c) Giám định
về quyền đối với giống cây trồng.
2. Doanh
nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp, tổ chức hành nghề luật sư được thành lập
và hoạt động theo quy định của pháp luật có ít nhất một cá nhân có Thẻ giám định
viên sở hữu trí tuệ được thực hiện hoạt động giám định về sở hữu trí tuệ, trừ
trường hợp quy định tại khoản 2a Điều này.
2a. Tổ chức hành nghề luật sư
nước ngoài hành nghề tại Việt Nam không được kinh doanh dịch vụ
giám định sở hữu trí tuệ.”;
b) Sửa
đổi, bổ sung khoản 4 và khoản 5 như sau:
“4. Nguyên tắc
thực hiện giám định bao gồm:
a) Tuân thủ
pháp luật, tuân theo trình tự, thủ tục giám định;
b) Trung thực,
chính xác, khách quan, vô tư, kịp thời;
c) Chỉ kết
luận về chuyên môn những vấn đề trong phạm vi được yêu cầu;
d) Chịu
trách nhiệm trước pháp luật về kết luận giám định;
đ) Chi phí
giám định được xác định theo thỏa thuận giữa người có yêu cầu giám định và tổ
chức, cá nhân giám định.
5. Kết luận
giám định là một trong các nguồn chứng cứ để cơ quan có thẩm quyền xử lý, giải
quyết vụ việc. Kết luận giám định không kết luận về hành vi xâm phạm quyền sở hữu
trí tuệ hoặc kết luận về vụ tranh chấp.”.
79. Sửa
đổi, bổ sung các điều 212, 213 và 214 như sau:
“Điều 212. Hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
bị xử lý hình sự
Cá nhân, pháp nhân thương mại thực hiện hành vi xâm
phạm quyền sở hữu trí tuệ có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách
nhiệm hình sự.
Điều 213. Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ
1. Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ theo quy định
của Luật này bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa
lý, hàng hóa sao chép lậu quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này.
2. Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của
hàng hóa có gắn nhãn hiệu hoặc dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu
trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng
cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu.
3. Hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý là hàng hóa, bao
bì của hàng hóa có gắn dấu hiệu hoặc tem, nhãn có chứa các dấu hiệu trùng hoặc
tương tự đến mức khó phân biệt với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho
chính mặt hàng đó và việc gắn dấu hiệu này được thực hiện bởi tổ chức, cá nhân
không có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý theo quy định tại khoản
4 Điều 121 của Luật này hoặc theo pháp luật của nước xuất xứ của chỉ dẫn địa
lý đó.
4. Hàng hóa sao chép lậu là bản sao
được sản xuất mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả hoặc chủ sở hữu
quyền liên quan.
Điều 214. Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện
pháp khắc phục hậu quả
1. Tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi
xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ quy định tại khoản 1 Điều 211 của
Luật này bị áp dụng các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả
theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
2. Ngoài các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, tổ chức,
cá nhân xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ còn có thể bị áp dụng biện pháp khắc phục
hậu quả buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối
với hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được
sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ với
điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở
hữu trí tuệ và đáp ứng các điều kiện khác theo quy định
của Chính phủ.
3. Mức phạt, thẩm quyền xử phạt vi phạm
hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được thực hiện theo
quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.”.
80. Sửa đổi,
bổ sung một số khoản của Điều 216 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 như sau:
“2. Tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa
bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ là biện pháp được tiến hành trong các
trường hợp sau đây:
a) Theo yêu cầu của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ nhằm
thu thập thông tin, chứng cứ về lô hàng để chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện
quyền yêu cầu xử lý hành vi xâm phạm quyền và yêu cầu áp dụng các biện pháp khẩn
cấp tạm thời hoặc các biện pháp ngăn chặn, bảo đảm xử phạt vi phạm hành chính;
b) Cơ quan hải quan chủ động thực hiện nếu trong
quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát và kiểm soát phát hiện căn cứ rõ ràng để
nghi ngờ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ.”;
b) Bổ sung khoản 5 vào sau khoản 4 như sau:
“5. Chính phủ quy định chi tiết điểm b khoản 2 Điều
này.”.
81. Bổ
sung khoản 4 vào sau khoản 3 Điều 218 như sau:
“4. Trong trường hợp cơ quan hải quan chủ động tạm
dừng làm thủ tục hải quan, cơ quan hải quan phải thông báo ngay cho chủ thể quyền sở hữu trí tuệ nếu có thông tin liên hệ và cho người nhập khẩu hoặc người xuất
khẩu về việc tạm dừng.
Trong thời hạn mười ngày làm
việc, kể từ ngày thông báo, nếu chủ thể quyền sở hữu trí
tuệ không khởi kiện dân sự và cơ quan hải quan không quyết định thụ lý vụ việc
theo thủ tục xử lý vi phạm hành chính thì cơ quan hải quan có trách nhiệm tiếp
tục làm thủ tục hải quan cho lô hàng.”.
82.
Thay, bỏ từ, cụm từ tại một số điều sau đây:
a) Thay cụm từ “tác phẩm tạo
hình” bằng cụm từ “tác phẩm mỹ thuật” tại điểm g khoản 1 Điều
14;
b) Thay cụm từ “cuộc biểu diễn”
bằng cụm từ “quyền liên quan” và bỏ cụm từ “khoản 1” tại khoản
2 Điều 16;
c) Thay cụm từ “Điều 86” bằng
cụm từ “Điều 86, Điều 86a” tại khoản 3 Điều 60, khoản 4 Điều
65 và khoản 2 Điều 71;
d) Thay cụm từ “lệ phí duy
trì hiệu lực” bằng cụm từ “phí, lệ phí để duy trì hiệu lực” tại khoản
1 Điều 94;
đ) Thay cụm từ “lệ phí gia hạn
hiệu lực” bằng cụm từ “phí, lệ phí để gia hạn hiệu lực” tại khoản
2 Điều 94;
e) Thay từ “lệ phí” bằng cụm
từ “phí, lệ phí” tại khoản 3 Điều 94;
g) Thay cụm từ “lệ phí nộp
đơn” bằng cụm từ “phí, lệ phí” tại điểm c khoản 1 Điều 108;
h) Thay cụm từ “bảo đảm thực
thi” bằng từ “bảo vệ” tại điểm a khoản 1 Điều 151;
i) Thay từ “thực thi” bằng từ
“bảo vệ” tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 151;
k) Thay từ
“cây nho” bằng cụm từ “cây leo thân gỗ” tại Điều 159 và khoản
2 Điều 169;
l) Bỏ cụm từ
“điểm b và” tại điểm a khoản 3 Điều 176;
m) Bỏ cụm từ
“điểm a khoản 1” tại khoản 2 Điều 185;
n) Bỏ cụm từ
“tại Điều 79” tại khoản 1 Điều 203;
o) Bỏ cụm từ
“tại khoản 1 Điều 122” tại khoản 1 Điều 209;
p) Bỏ cụm từ
“tại Chương VIII, Phần thứ nhất” tại Điều 210;
q) Bỏ cụm từ
“và Điều 215” tại khoản 4 Điều 216 và Điều 219.
83. Bãi
bỏ khoản 19 Điều 4, Điều 5, khoản 3 Điều 51, khoản
4 Điều 117, điểm b khoản 2 Điều 176 và Điều 215.
Điều 2. Sửa
đổi, bổ sung một số điều của các luật khác có liên quan
1. Sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Hải quan số
54/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều
theo Luật số 71/2014/QH13 và Luật số 35/2018/QH14 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung tên Mục 8 Chương III như sau:
“Mục 8
KIỂM TRA, GIÁM SÁT, TẠM DỪNG LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI
VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU LIÊN QUAN ĐẾN QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ”;
b) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 73 như sau:
“2. Cơ quan hải quan quyết định tạm dừng làm thủ tục
hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu khi chủ thể quyền sở hữu trí tuệ
hoặc người được ủy quyền hợp pháp có đơn đề nghị, bằng chứng về sở hữu hợp pháp
quyền sở hữu trí tuệ, bằng chứng về việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và đã nộp
một khoản tiền hoặc chứng từ bảo lãnh của tổ chức tín dụng để bảo đảm bồi thường
thiệt hại và các chi phí phát sinh theo quy định của pháp luật do việc đề nghị
tạm dừng làm thủ tục hải quan không đúng. Cơ quan hải quan chủ động tạm dừng
làm thủ tục hải quan nếu trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát và kiểm
soát phát hiện căn cứ rõ ràng để nghi ngờ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu là hàng
hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ.”.
2. Sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công
nghệ số 29/2013/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một
số điều theo Luật số 28/2018/QH14 như sau:
a) Sửa đổi, bổ sung Điều 41 như sau:
“Điều 41. Quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả
nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ
1. Tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính, cơ sở vật chất
- kỹ thuật cho việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ là chủ sở hữu kết
quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trừ trường hợp các bên có thỏa
thuận khác trong hợp đồng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
2. Đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển
công nghệ được tạo ra bằng ngân sách nhà nước thì đại diện chủ sở hữu nhà nước
được quy định như sau:
a) Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ là đại diện
chủ sở hữu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia;
b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh là đại diện chủ sở hữu kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp
bộ, cấp tỉnh hoặc cấp cơ sở do mình phê duyệt;
c) Thủ trưởng cơ quan, tổ chức không thuộc quy định
tại điểm a và điểm b khoản này là đại diện chủ sở hữu kết quả thực hiện nhiệm vụ
khoa học và công nghệ do mình quyết định phê duyệt.
3. Đại diện chủ sở hữu nhà nước quy định tại khoản
2 Điều này có quyền xét giao toàn bộ hoặc một phần quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng
kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tạo ra bằng ngân sách
nhà nước theo quy định của Chính phủ cho tổ chức chủ trì thực hiện nhiệm vụ
khoa học và công nghệ hoặc tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu sử dụng, khai thác
kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đó, trừ trường hợp quy định
tại khoản 4 Điều này.
4. Trong trường hợp sáng chế, kiểu dáng công nghiệp,
thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ
sử dụng ngân sách nhà nước, quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết
kế bố trí, giống cây trồng đó được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và
không bồi hoàn hoặc giao cho tổ chức, cá nhân khác theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Khi được cấp văn bằng bảo
hộ, tổ chức chủ trì là chủ sở hữu các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế
bố trí, giống cây trồng tương ứng.
5. Chính phủ quy định cụ thể quyền sở hữu, quyền sử
dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ quy định tại Điều
này.”;
b) Sửa đổi, bổ sung Điều 43 như sau:
“Điều 43. Phân
chia lợi nhuận khi sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng
kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước
1. Lợi nhuận thu được từ việc sử dụng, chuyển giao
quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát
triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được chia cho tác giả tối thiểu 30%
và phần lợi nhuận còn lại được phân chia giữa chủ sở hữu, cơ quan chủ trì, người
môi giới theo quy định của Chính phủ, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều
này.
2. Việc phân chia lợi nhuận thu được từ việc sử dụng,
chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng quyền, góp vốn bằng sáng chế, kiểu
dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa
học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thực
hiện theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.”.
3. Sửa đổi,
bổ sung điểm a khoản 4 Điều 105 của Luật Quản lý, sử dụng
tài sản công số 15/2017/QH14 đã được sửa đổi, bổ
sung một số điều theo Luật số 64/2020/QH14
như sau:
“a) Giao quyền sử dụng hoặc quyền sở hữu cho tổ chức
chủ trì thực hiện nhiệm vụ để phát huy kết quả của nhiệm vụ hoặc sử dụng tài sản
để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, trừ trường
hợp kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp,
thiết kế bố trí, giống cây trồng thì việc giao quyền được thực hiện theo quy định
của Luật Sở hữu trí tuệ;”.
4. Sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Giá số
11/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều
theo Luật số 61/2014/QH13 và Luật số 64/2020/QH14 như sau:
a) Bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 1 Điều 19 như sau:
“d) Tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình trong trường hợp
giới hạn quyền tác giả, giới hạn quyền liên quan theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ.”;
b) Sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 3 Điều 19 như sau:
“c) Định khung giá và mức giá cụ thể đối với:
- Đất, mặt nước, nước ngầm, rừng thuộc sở hữu toàn
dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu và nước sạch sinh hoạt;
- Giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công vụ
được xây dựng chi từ nguồn ngân sách nhà nước; giá bán hoặc giá cho thuê nhà ở
thuộc sở hữu nhà nước;
- Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và dịch vụ giáo dục,
đào tạo tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở giáo dục, đào tạo của Nhà nước;
- Tiền bản quyền khi khai thác, sử dụng tác phẩm, bản
ghi âm, ghi hình trong trường hợp giới hạn quyền tác giả, giới hạn quyền liên
quan theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ;”;
c) Bổ sung điểm d vào sau điểm c
khoản 1 Điều 22 như sau:
“d) Khung giá và mức giá tiền bản quyền khi khai
thác, sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình trong trường hợp giới
hạn quyền tác giả, giới hạn quyền liên quan theo quy
định của Luật Sở hữu trí
tuệ.”.
Điều 3. Hiệu lực
thi hành
1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng
01 năm 2023, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
2. Quy định về bảo hộ nhãn hiệu là dấu hiệu âm
thanh có hiệu lực thi hành từ ngày 14 tháng 01 năm 2022.
3. Quy định về bảo hộ dữ liệu thử nghiệm dùng cho
nông hóa phẩm có hiệu lực thi hành từ ngày 14 tháng 01 năm 2024.
Điều 4. Quy định chuyển tiếp
1. Quyền tác giả, quyền liên quan được bảo hộ trước
ngày Luật này có hiệu lực thi hành, nếu còn thời hạn bảo hộ thì tiếp tục được bảo
hộ theo quy định của Luật này.
2. Đơn đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan đã nộp
cho cơ quan có thẩm quyền trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục
xử lý theo quy định của pháp luật có hiệu lực tại thời điểm nộp đơn.
3. Đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp,
nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đã nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu
công nghiệp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục xử lý theo
quy định của pháp luật có hiệu lực tại thời điểm nộp đơn, trừ các trường hợp
sau đây:
a) Quy định tại khoản 13 Điều 4 của
Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung theo điểm b khoản
1 Điều 1 của Luật này được áp dụng cho các đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp
được nộp từ ngày 01 tháng 8 năm 2020 nhưng chưa có quyết định cấp hoặc từ chối
cấp văn bằng bảo hộ trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;
b) Quy định tại điểm e và điểm h
khoản 2 Điều 74, điểm e khoản 1 Điều 106, điểm b khoản 3 Điều 117 của Luật Sở hữu
trí tuệ được sửa đổi, bổ sung theo điểm b và điểm c khoản
22, khoản 35 và điểm b khoản 42 Điều 1 của Luật này được áp dụng cho các
đơn đăng ký sở hữu công nghiệp chưa có quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng
bảo hộ trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành;
c) Việc kiểm soát an ninh đối với sáng chế trong
đơn đăng ký sáng chế chưa có quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ
trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được thực hiện theo quy định tại Điều 89a được bổ sung theo khoản 27 Điều 1 của Luật này;
d) Quy định tại Điều 118 của Luật
Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung theo khoản 43 Điều 1 của
Luật này được áp dụng cho các đơn đăng ký sở hữu công nghiệp chưa có thông
báo kết quả thẩm định nội dung trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
4. Quy định tại các điều 86, 86a, 133a, 135, 136a, 139, 164, 191, 191a, 191b và 194 của Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung theo các khoản 25, 52, 53, 54, 55, 66,
74 và 75 Điều 1 của Luật này đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết
kế bố trí, giống cây trồng là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng
ngân sách nhà nước được áp dụng đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ được
giao kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
5. Quyền và nghĩa vụ đối với kiểu dáng công nghiệp
là bộ phận của sản phẩm lắp ráp thành sản phẩm phức hợp theo văn bằng bảo hộ đã
được cấp trên cơ sở đơn đăng ký trước ngày 01 tháng 8 năm 2020 được áp dụng
theo quy định của pháp luật có hiệu lực trước ngày Luật này có hiệu lực thi
hành.
Căn cứ hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ được áp dụng
theo quy định của pháp luật có hiệu lực đối với việc xét cấp văn bằng bảo hộ
đó.
6. Cá nhân được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại
diện sở hữu công nghiệp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục
hành nghề theo Chứng chỉ đã được cấp. Cá nhân đạt yêu cầu tại kỳ kiểm tra về
nghiệp vụ đại diện sở hữu công nghiệp do cơ quan có thẩm quyền tổ chức trước
ngày Luật này có hiệu lực thi hành được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện
sở hữu công nghiệp theo quy định của Luật Sở hữu
trí tuệ số 50/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 36/2009/QH12 và Luật số 42/2019/QH14.
7. Đơn đăng ký bảo hộ quyền đối với giống cây trồng
đã nộp cho cơ quan có thẩm quyền trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được
tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật có hiệu lực tại thời điểm nộp đơn.
Cá nhân được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện quyền đối với giống cây
trồng trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được tiếp tục hành nghề theo Chứng
chỉ đã được cấp.
8. Các vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã được
cơ quan có thẩm quyền thụ lý trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành nhưng
chưa giải quyết xong thì tiếp tục áp dụng quy định của Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 đã được sửa
đổi, bổ sung một số điều theo Luật số
36/2009/QH12 và Luật số 42/2019/QH14 để
giải quyết.
Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ
nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 16 tháng 6 năm 2022.
|
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI
Vương Đình Huệ
|